Thứ Ba, 4 tháng 4, 2017

KHÁNH LY TIẾT LỘ VÌ SAO TRỊNH CÔNG SƠN KHÔNG YÊU BÀ

Theo Nguyễn Hằng (Dân Trí)
Dân Việt - Lần đầu tiên, Khánh Ly chia sẻ về cuộc hẹn cách đây nhiều năm khiến Trịnh Công Sơn “suýt chết”. Và cũng lần đầu tiên, nữ danh ca kể về cuộc gặp gỡ cuối cùng giữa hai người và tiết lộ những lý do vì sao cố nhạc sĩ không thể yêu bà…
“Thật xấu hổ nếu nhận vơ tình yêu với Trịnh Công Sơn”
Trở về Việt Nam để tiếp tục thực hiện chuỗi chương trình từ thiện “Vòng tay nhân ái- Những nẻo đường Việt Nam” và tưởng nhớ 16 năm ngày mất của Trịnh Công Sơn, lần đầu tiên nữ danh ca Khánh Ly- “người tình định mệnh” trong âm nhạc của cố nhạc sĩ đã có những chia sẻ rất thật lòng.
“Khi ông Sơn mới mất, có những người nhận mình là người yêu của Trịnh Công Sơn. Tôi có thể tự nhận điều đó, rất có lý và sẽ không ai thắc mắc cả, thậm chí người ta sẽ nói: “Đấy thấy chưa, phải vậy chứ!” Nhưng trái tim có lý do của nó, tôi không thể “ăn cắp” thứ không phải của mình. Tôi không thể nhận vơ được, xấu hổ lắm!”, Khánh Ly thẳng thắn khi lần nữa được hỏi về tình cảm với cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Bà nói, nếu yêu thì bà đã yêu ông ngày từ thuở đầu gặp gỡ chứ không thể nào đợi mấy chục năm sau mới yêu. Thậm chí, bà còn đưa ra những lý do vì sao Trịnh Công Sơn không thể yêu mình: “Tại sao tôi với ông Sơn không thể yêu nhau? Lý do: Ông Sơn không bao giờ yêu người nào đã có gia đình. Tuyệt đối thế! Cũng như ông cho rằng, trong gia đình bạn bè, đến nhà chơi với anh thì không được yêu em, cũng như ngày xưa thầy giáo không được quyền yêu học trò.
Lúc gặp ông, tôi là người đã có chồng, có con. Không bao giờ có chuyện ông Sơn yêu tôi mà tôi cũng không thể yêu ông, bởi vì, dù gì tôi cũng yêu chồng. Tôi chưa biết gì về ông Sơn để tôi có thể hi sinh gia đình mình. Thời gian qua, tình cảm trượt đi, rồi coi như không có.
Tôi nhớ một lần vì cãi nhau với chồng, đi ngang qua hồ Xuân Hương (Đà Lạt) tôi rút cái nhẫn ném vèo xuống nước và cắt tóc ngắn. Trước đó, ngày nào đi chợ tôi và ông Sơn cũng hẹn nhau ở quán café để trò chuyện, hoặc ông dạy tôi hát. Hôm đó, vừa nhìn thấy tôi, ông Sơn đã quay người đi không nói năng chào hỏi. Tôi lập tức đuổi theo hỏi: “Tại sao anh thấy em, anh tránh không nói câu nào?” Ông nói: “Anh không muốn gặp người điên!” Hóa ra, ông giận vì tôi cắt tóc ngắn.”
Theo Khánh Ly, Trịnh Công Sơn rất thích mái tóc dài. Trịnh Công Sơn kể với bà, “Như cánh vạc bay” được ông lấy cảm hứng từ lần đi chơi với một cô người yêu, là ai ông không nói. Cô gái mặc áo dài, mái tóc dài với vai gầy guộc nhỏ, khi đi qua con suối, cô gái khẽ vén quần lên một tí, trên trời là nắng, ở dưới là nước… Hình ảnh đó đẹp vô cùng!
Cũng theo chia sẻ của Khánh Ly, cố nhạc sĩ yêu những người có mái tóc dài, có đôi vai gầy guộc nhỏ. Dễ nhận thấy, đưa tay, đưa tóc, đưa mắt và cả chân nữa vào trong âm nhạc. “Đó là lý do tại sao, thời gian đó người ta, đặc biệt giới sinh viên lại yêu ông nhanh đến vậy. Yêu rất nhiều vì ca từ lạ quá, “ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau”. Điều đó mình vẫn thường nói với nhau, nhưng chưa ai đưa vào nhạc, lại đưa vào hay như Trịnh Công Sơn. Cho nên, ông Sơn tạo cho mình một ngai riêng về ngôn ngữ. Chắc phải lâu lắm mới tìm được một người như Trịnh Công Sơn”, bà bộc bạch. Người yêu của Trịnh Công Sơn có những ai, điều đó còn mơ hồ nhưng bà biết rõ “người đàn bà mà Trịnh Công Sơn yêu nhất là mẹ, đó là tình yêu lớn nhất của ông!”.
Khánh Ly nói: “Tôi không cạnh tranh được với những người khác, các cô quá đẹp, quá trẻ, tài năng… Tôi chẳng có gì cả. Nhưng tôi lại thấy mình là người may mắn. Tôi chỉ là người đi bên cạnh Trịnh Công Sơn, đi dưới bóng mát của ông. Hóa ra tôi lại là người được sung sướng hơn những người được ông nói tiếng “Anh yêu em”!

Cuộc hẹn định mệnh và lần gặp gỡ sau cuối
Trong buổi trà đàm tối ngày 27.3 tại Hà Nội, Khánh Ly nhớ lại những kỷ niệm khó quên trong chặng đường đời quá nửa đời người đồng hành cùng với Trịnh Công Sơn. Bà tiết lộ, Trịnh Công Sơn từng “chết hụt” trong cuộc hẹn cà phê với mình.
“Có lần, tôi hẹn ông Sơn tới phòng trà Tự do nằm trên đường Tự do nay gọi là đường Đồng Khởi. Khi đó tôi hát ở phòng trà này. Tôi hẹn ông Sơn ngồi trên gác lửng, uống cà phê nghe Mai Hương, Tuấn Ngọc hát. Đêm hôm đó, ông Sơn lại ngồi một quán cà phê khác, khi ông chưa kịp tới chỗ hẹn với tôi thì phòng trà bị gài mìn nổ khiến mấy người chết. Gác lửng nơi tôi hẹn ông Sơn sẽ ngồi ở đó bị sập xuống. May lúc đó, ông Sơn chưa kịp đến, nếu không tôi ân hận cả đời”, bà kể.
Đó là cuộc hẹn ám ảnh của Khánh Ly- Trịnh Công Sơn, nhưng lần gặp gỡ khiến bà day dứt nhất là lần gặp gỡ trước khi ông mất. Năm 2000, bà một mình trở về Việt Nam đến thăm Trịnh Công Sơn. Như bao lần gặp gỡ khác, giữa hai người thường im lặng, Trịnh Công Sơn ngồi uống rượu hoặc ông đệm đàn cho Khánh Ly hát. Lần này, Khánh Ly bỗng hỏi: “Ai anh Sơn cũng vẽ hết, chỉ có em là anh Sơn không vẽ bức nào hết”. Nghe Khánh Ly nói xong, Trịnh Công Sơn nổi giận: “Đứa mô cũng vậy đó” (Tức là mấy đứa em của ông cũng hay như thế, đứa nào cũng thế - Khánh Ly).
“Ông Sơn vẽ tranh, nhưng không nhận đặt hàng, thích thì ông vẽ, ông không muốn thì có trả mấy ngàn USD ông cũng không bán. Thực ra, ông đã vẽ tôi rồi nhưng vì tôi muốn nhõng nhẽo nên nói vậy. Ai ngờ, ông Sơn nổi giận lạ lùng. Tự nhiên tôi tủi thân vì chưa bao giờ bị la như vậy. Lúc ông nạt vậy, tôi khựng lại, không biết nói gì, tay không biết để đâu.
Tôi nhìn ông rồi đi về. Vừa buồn, vừa giận, vừa đau. Tự nhủ, nhất định không bao giờ gặp ông Sơn nữa. Mai sẽ đi đổi vé bay về Mỹ. Cả đêm tôi không ngủ. 6 giờ sáng điện thoại cho cháu đi café , nhưng tới 11 giờ trưa, tôi chịu không nổi, muốn đi tới chỗ ông, nhưng vì lòng tự ái… Rồi, có chuông điện thoại, ông Sơn gọi: “Ở đâu?”, tôi nói “Em đang uống café ”. Ông nói, “Sao không tới?” chỉ chờ điều đó thôi tôi tới liền. Và hai người coi như… không có chuyện gì xảy ra”, Khánh Ly kể lại.
Nhưng sau khi quay trở lại Mỹ thời gian ngắn thì Khánh Ly điếng người khi nghe tin Trịnh Công Sơn mất. Bà nhớ lại: “Tôi có linh tính lạ lắm, người sắp đi thay đổi tính tình lạ. Các cụ ngày xưa vẫn nói là điềm gở, quả thật chưa khi nào tôi thấy ông Sơn có mặt giận dữ như vậy. Khi về Mỹ, chồng tôi có hỏi thăm sức khỏe của ông Sơn, tôi nói: “Anh Sơn yếu lắm!” Tôi linh tính điều đó. Cho nên, sau khi anh Sơn mất. Tôi nghĩ anh Sơn chọn ngày, giờ để đi.
Có lần ông Sơn hỏi tôi: “Bạn bè ngoại quốc rủ anh ở lại đó thì em nghĩ anh có nên ở lại không?” Tôi có nói, đại ý “chỉ có thể sống và chết ở Việt Nam”. Ông Sơn chỉ hỏi tôi lần đó, sau này không đề cập vấn đề qua Mỹ nữa!”.
Mỗi lần nghĩ lại những chuyện xảy đến, Khánh Ly nói bà không đủ sáng suốt để hiểu được nhưng sau đó nghĩ lại thấy day dứt vô cùng: “Tại sao lúc đó mình không biết người này sắp bỏ mình đi để mình có thể làm những điều tử tế hơn, đẹp đẽ hơn. Dù chỉ là mời người ta một ly chè, gọi một đĩa trái cây…, những điều mà mình chưa bao giờ làm. Mọi chuyện xảy ra rồi mới biết, mới tiếc cho nên lần trở về Hà Nội trước đó, tôi có nói: chuyện ngày hôm qua mình biết, chuyện ngày hôm nay mình biết nhưng chuyện ngày mai mình không biết. Nếu làm được gì cho nhau hãy làm, không có để ngày mai. Tại không ai biết ngày mai chuyện gì xảy ra cả. Nhiều đã người ôm hận, và mình cũng hối hận cả đời, vì điều mình chưa kịp làm cho những người mình quý…”.