Thứ Ba, 31 tháng 5, 2016

Lãnh đạo ĐH Fulbright.. xin lỗi vì chuyện từng tham chiến tại VN

Cựu thượng nghị sĩ Mỹ Bob Kerrey được lựa chọn làm chủ tịch HĐQT ĐH Fulbright. Nhưng việc lựa chọn ông là điều khó hiểu khi ông từng tham gia vào vụ thảm sát đẫm máu ở VN năm 1969.
Trong cuộc họp báo trao giấy phép thành lập của ĐH Fulbright hôm 25/5, khi Zing.vn hỏi cựu Thượng nghị sĩ Bob Kerrey “có hối hận” về cuộc thảm sát ông từng tham gia vào năm 1969 tại Thạnh Phong (huyện Thạch Hoà, Bến Tre), ông Kerrey chỉ trả lời một câu rất ngắn: “Có.”
Kerrey, một cựu lính đặc nhiệm SEALs khét tiếng của Hải Quân Mỹ trong chiến tranh, khi được hỏi thêm chỉ nói “tôi không bình luận gì thêm ngoài những gì đã nói trước đó trên báo.”
Cuộc họp báo đúng ra sẽ là một ngày vui vẻ nhưng không khí trùng xuống sau câu hỏi đó. Bob Kerrey, cựu thượng nghị sĩ của bang Nebraska và từng là ứng viên chạy đua vào vị trí tổng thống Mỹ năm 1992, lúng túng và ông cúi gằm mặt sau câu hỏi.
Thượng nghị sĩ Bob Kerrey trong Lễ trao quyết định thành lập Đại học Fullbright Việt Nam ngày 25/5. Ảnh: Thanh Tùng

Cuộc thảm sát đẫm máu

Trong chiến tranh Việt Nam, Kerrey là một đại uý hải quân và từng tham gia vào một trong những vụ thảm sát đẫm máu ở xã Thạnh Phong của Bến Tre vào năm 1969, giết nhiều phụ nữ và trẻ em.
Mọi việc được giấu kín vì báo cáo của Kerrey và đồng đội chỉ nói “tiêu diệt 21 Việt Cộng” và phá huỷ hai căn nhà. Mọi việc chỉ được hé lộ sau loạt bài điều tra của New York Times và chương trình truyền hình “60 Minutes II” nổi tiếng của đài CBS vào năm 2001 sau đó hơn 30 năm.
Trong khi các con số và thông tin vụ việc có khác khác nhau, nhưng điều chắc chắn là vào đêm 13/2/1969, Kerrey và các thành viên của mình sát hại ít nhất 13 phụ nữ và trẻ em. Bài điều tra năm 2001 của New York Times nói đó là một chiến dịch tàn bạo, đẫm máu.
Đầu năm 1969, trung đội SEALs của Kerrey được điều tới Việt Nam. Kerrey được coi là một chỉ huy đầy nhiệt huyết ,người sẵn sàng chiến đấu quyết liệt. Hải quân Mỹ khi đó tham gia vào chiến dịch Phượng Hoàng nhằm tìm diệt lãnh đạo lực lượng kháng chiến.
Tình báo Mỹ và chính quyền Sài Gòn khi đó báo có lãnh đạo cao cấp của mặt trận giải phóng ở Thạnh Phong và bí thư xã đang chuẩn bị họp ở khu vực. Ngay lập tức, trưởng thôn và bí thư ở đây được đưa vào tầm ngắm của Kerrey.

Ngôi làng nhỏ ven biển

Thạnh Phong là một làng nhỏ với khoảng 75-150 người, nằm ngay bờ biển. Ngôi làng quá nhỏ nên thậm chí chẳng có trung tâm, chẳng có trường học mà chỉ có 4-5 cụm nhà nhỏ trải trên một khoảng tầm 500 m dọc bờ biển.
Ngày 13/2/1969, theo báo cáo của lực lượng SEALs, trung đội của Kerrey tiến vào làng Thạnh Phong, lục soát trong 2 cụm nhà và “tra hỏi 14 phụ nữ và trẻ em” để tìm bí thư làng. Họ rời đi khỏi làng ngày hôm sau. Theo New York Times, việc Kerrey đã tới đây chứng tỏ trung đội này biết rất rõ tình hình ở làng trước khi quay lại.
Đội của Kerrey trở lại lần nữa vào ngày 25/2 khi nguồn tin tình báo nói bí thư thôn sẽ tổ chức cuộc họp.
Dù Kerrey vẫn biện hộ rằng việc thảm sát chủ yếu là vì lý do tự vệ. Nhưng các đồng đội của Kerrey thì lại kể khác.
Thượng nghị sĩ Bob Kerrey. Ảnh: Thanh Tùng

Cuộc chém giết

Trong số này, những điều Gerhard Klann kể lại có nhiều chi tiết trùng hợp với nhân chứng nữ từng được kênh CBS phỏng vấn cho chương trình truyền hình “60 Minutes II”.
Từng thành viên trong đội của Kerrey có những phản ứng khác nhau về vụ việc. Nhiều người từ chối không bình luận. Rick Knepper, một thành viên của đội, nói “Quá khó để nói về thời gian của tôi ở Việt Nam. Xin hãy tha cho tôi.”
Kerrey kể lại đó là một đêm không trăng và đội đặc nhiệm của ông nhanh chóng chiếm các vị trí ở bờ biển ngay gần làng Thạnh Phong sau khi được canoe thả xuống. Sau khi dừng chút để làm quen với bóng tối và nghe ngóng, đội của Kerrey tiến về làng cùng với súng M-16, súng ngắn, lựu đạn sáng, súng máy,...
Khi tiến gần tới làng Thạnh Phong, họ bất ngờ gặp một cụm nhà mà thông tin tình báo trước đó không báo. Cuộc chém giết diễn ngay sau đó. Kerrey sau này dù nói rằng chịu trách nhiệm cho vụ việc nhưng cho rằng mình không ra lệnh cho vụ này.
“Nguyên tắc tác chiến khi đó là giết tất cả những ai chúng tôi gặp. Giết những ai chúng tôi gặp, không thì phải huỷ chiến dịch,” Kerrey nói. Kerrey nói họ dùng dao đâm chết hết mấy người họ gặp – để không gây ra tiếng động khiến cả làng phát hiện.
Bob Kerrey hồi còn trong lực lượng Seals của hải quân Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Ảnh: Politico
Kerrey sau này vẫn nói không nhìn rõ ai ở trong cụm nhà này và thường chối là có tham gia cuộc chém giết. Nhưng điều chắc chắn là họ không tìm thấy được bất cứ vũ khí nào trong khu nhà.
Sau khi sát hại hết ở cụm nhà đầu tiên, trung đội đi dọc theo con đê để tới làng Thạnh Phong. Họ bò khoảng 15 phút thì đến một cụm 4-5 nhà nữa.
Trong báo cáo khi đó nói rằng có vài phát súng bắn ra. Nhưng tới năm 2001 thì Kerrey nói rằng ông không chắc chắn chuyện đội của ông khi đó có bị bắn hay không.
Điều chắc chắn sau đó là Knepper, một thành viên trong đội, ngay lập tức đã nã lại bằng rocket chống tăng LAW. Ngay sau đó, Kerrey ra lệnh cho toàn đội nã đạn vào cụm nhà này. Khi đội SEALs tiến tới dãy nhà lá, họ đã bắn tổng cộng 1.200 viên đạn.
“Điều mà tôi sẽ nhớ đến tận khi chết là khi bước vào và thấy khoảng 14 cái xác là phụ nữ và trẻ em, tôi không nhớ chính xác con số nữa,” Kerrey nói trong một phỏng vấn năm 1998. “Tôi hy vọng thấy lính Việt Cộng với súng ống nhưng thay vào đó chỉ thấy phụ nữ và trẻ em.
Kerrey nói khi vào trong xóm thì thấy vài người khác chạy đi, đội quân của Kerrey lại tiếp tục xả súng và giết chết hết những người này. Một báo cáo sau này nói có 7 người bị bắn chết. Trong bóng tối, nhóm không xác định được những người này là đàn ông hay phụ nữ.

Những điểm bất thường của vụ thảm sát

Bài điều tra của New York Times đặt nghi vấn chuyện 14-15 phụ nữ-trẻ em tụ tập lại và bị bắn chết cùng lúc như vậy trong khi đội quân của Kerrey hoảng loạn. Tờ báo cho rằng lúc bắn hoảng loạn vậy thì vẫn phải có người sống sót.
Đồng đội của Kerrey, Gerhard Klann thì kể câu chuyện rất khác. Klann từ lâu luôn bị ám ảnh bởi câu chuyện này và kể cho một đại tá SEALs khác vào năm 1980 với hy vọng gỡ bỏ phần nào gánh nặng. Sĩ quan chỉ huy của Klann kể lại rằng Klann cố vượt qua ký ức của vụ thảm sát đó bằng cách uống rất nhiều rượu.
Klann và bà Phạm Trí Lãnh, người phụ nữ sống sót trong vụ thảm sát và từng được chương trình “60 Minutes II” của CBS phỏng vấn, nhớ lại câu chuyện khá giống nhau.
Klann kể lại rằng ở ngay khu làng đầu tiên (khác với Kerrey nói là toàn đàn ông) thực tế chỉ có một cụ ông và một cụ bà cùng ba đứa trẻ dưới 12 tuổi.
Các đồng đội nói khi họ thấy cụ già ngồi gần cửa và hai phụ nữ và hai người nam giới trong nhà, Kerrey ra lệnh cho họ giết những người này. Klann túm lấy ông già, bịt mồm mang đi và dùng dao đâm ông liên tiếp.
Các thành viên trong biệt đội của Kerrey tham gia vụ thảm sát: Tucker, Klann và Ambrose. Ảnh: Politico
“Ông ấy không chết, tiếp tục vùng lại,” Klann kể. Kerrey khi đó bước tới đẩy ông già xuống đất. Kerrey đạp chân mình lên ngực ông dằn ông xuống, trong khi Klann dùng dao cắt cổ ông già.
Trong lúc Klann giết ông già thì các thành viên trong nhóm xông vào giết người phụ nữ và ba đứa trẻ.

Hai đợt xả súng, “đứa trẻ sống sót sau cùng”

Bà Lãnh, khi đó 30 tuổi, nói bà may mắn nấp đi ngay tại khu nhà đầu tiên sau khi nghe tiếng khóc. “Tôi nấp sau cây chuối và thấy chúng cắt cổ người đàn ông,” bà kể. “Đầu ông ta vẫn lủng lẳng trên người.” Bà cũng kể là thấy lực lượng đặc nhiệm này dùng dao đâm chết người phụ nữ và ba đứa trẻ.
Bà Lãnh nói hai người là ông và bà của ba đứa trẻ. Sau vụ sát hại đầu, có thành viên trong đoàn muốn rút đi vì tiếng kêu khóc của nạn nhân nhưng các thành viên nói muốn tiếp tục để bắt ông bí thư thôn.
Klann sau đó nói họ bắt hết phụ nữ và trẻ em từ các nhà quanh xóm và dồn ra góc thôn. Sau khi tra khảo mà không tìm được gì, cả nhóm quyết định không giữ tù nhân và cũng không thả vì những người này có thể báo động cho lính mặt trận giải phóng.
Cuối cùng họ quyết định là “giết hết những người này và rút lui.” Klann nói Kerrey ra lệnh giết và toán lính của Kerrey đứng cách 6-10 m bắt đầu xả súng máy trong vòng khoảng 30 giây.
Bắn xong, họ lại nghe thấy tiếng rên rỉ, họ lại bắn tiếp thêm 30 giây lần nữa. Lần cuối, có tiếng khóc của đứa trẻ. “Đứa trẻ sống sót sau cùng,” Klann nói trong nước mắt. “Máu và các cơ quan nội tạng lúc này văng khắp nơi.”
Klann cao lớn (1,88 m và nặng hơn 110 kg) chỉ tay vào trái tim mình nói: “Tôi phải sống với những điều này trong đây. Tôi không thể tống chúng ra khỏi tâm trí mình.”

Báo cáo giả

Ngay sau trận chiến này, thông báo từ Kerrey tới chỉ huy không hề nói gì về chuyện giết dân thường mà chỉ nói là giết 21 lính Việt Cộng.
Nhưng chỉ một ngày sau, thông tin về việc dân thường bị sát hại dã man ở Thanh Phong bắt đầu xuất hiện, và quân đội Mỹ bắt đầu điều tra lại vụ việc.
Báo cáo của quân đội Mỹ sau này nói “24 người chết trong đó 13 phụ nữ và trẻ em cùng một cụ già. 11 người không xác minh được danh tính và được cho là lính Việt cộng.”
Trong bài phỏng vấn với chương trình “60 Minutes II” của CBS, Kerrey thừa nhận là chịu trách nhiệm về toàn bộ vụ việc dù nói rằng không trực tiếp giết người nào.
“Trong thời gian dài, tôi thấy tội lỗi. Tội lỗi đối với tôi là cảm giác đầy huỷ diệt... Hãy cứ để người khác đánh giá những gì tôi làm là có được phép trong quân đội, được phép về mặt đạo đức hay không. Nhưng cuối cùng đó vẫn là người phụ nữ đã chết, vẫn là đứa trẻ đã chết... đó vẫn là cái chết,” ông nói.
Đã có rất nhiều cựu binh và các nhóm chống chiến tranh chỉ trích hành động của Kerrey là “tội ác chiến tranh.” Việc lựa chọn một người từng tham gia những tội ác nghiệm trọng như vậy trong cuộc chiến để lãnh đạo một dự án đại học quan trọng khiến nhiều người đặt dấu hỏi liệu đó có phải là quyết định phù hợp. Đặc biệt khi ông Kerrey không phải thật sự thành công với dự án Đại học New School mà ông từng làm hiệu trưởng từ 2001-2010 ở New York.

Tôi xin lỗi người Việt một lần nữa

Trong email trả lời Zing.vn hôm 29/5, cựu TNS Bob Kerrey, viết:
“Tôi đã xin lỗi người Việt về những gì tôi gây ra trong chiến tranh và giờ tôi xin lỗi lại một lần nữa. Một cách chân thành và cùng những nỗi đau của ký ức mãi mãi ám ảnh, tôi xin lỗi những người mà tôi đã gây hại tới.”
“Nhưng một lời xin lỗi sẽ luôn là không đủ. Nó giống như món súp cá mà thiếu con cá vậy. Vì thế, tôi cố gắng giúp người Việt mỗi khi có thể. Như đóng góp chấm dứt đạo luật TWEA (coi Việt Nam như nước thù địch), bình thường hoá quan hệ, ủng hộ đàm phán BTA, và đặc biệt là ủng hộ nỗ lực cải thiện hệ thống giáo dục Việt Nam thông qua chương trình Fulbright.”
"... Những đau đớn và chịu đựng tôi gây ra vào năm 1969 sẽ không bao giờ biến mất. Nó sẽ không chấm dứt chỉ vì tôi xin lỗi. Nhưng có trốn chạy, bằng việc tránh né Việt Nam hay tránh né người Việt, thì nó cũng sẽ không mất đi. Chúng ta đang tạo dựng hoà bình và điều này đồng nghĩa với việc đối mặt với nó một cách thẳng thắn giống như chúng ta đối mặt với tương lai.”
Theo Zing.vn
Cập nhâp Tin tuc Viet Nam , đọc tin tuc 24 h tại bao phu nu news

Thứ Hai, 30 tháng 5, 2016

TẠM BIỆT TỔNG THỐNG OBAMA .

Nguyễn An Dân
( Nguyên Hân sưu tầm cung cấp)
Tôi đánh giá chính quyền Việt Nam đón ông Obama “hơi kém long trọng” so với khi đón người đồng nhiệm khác tương đương là ông Tập Cận Bình.

Ông Obama, ở Việt Nam, đã không có 21 phát đại bác như ông Tập. Điều này khẳng định quan điểm chính thống lâu nay của Đảng, đó là “quan hệ anh em” với Trung Quốc dĩ nhiên nặng ký hơn “quan hệ hàng đầu” với Mỹ. Tôi nghĩ chúng ta đừng quên điều then chốt này trong tam giác quan hệ Việt-Trung-Mỹ hiện nay.

Có thể cách đón ông Obama của chính quyền Việt Nam làm ông hơi buồn, nhưng tôi tin là ông Obama thật sự vui vì cách đón của nhân dân Việt Nam. Hai điều này cho thấy ý Đảng và lòng dân lại một lần nữa chưa gặp nhau. Mỹ và Trung Quốc luôn tranh giành ảnh hưởng ở Việt Nam, nên lễ nghi tiếp đón lãnh đạo hai nước này tại Việt Nam thể hiện nhiều điều quan trọng. Nếu người dân Việt Nam đón ông Tập bằng tâm lý nghi ngờ, hoang mang và quan ngại kèm vài nụ cười nhạt thì họ đón ông Obama bằng nụ cười rạng rỡ, chân thành và khao khát chờ mong.

Khác với ông Tập Cận Bình với những bức hình bị quần chúng Việt Nam gạch chéo, hình ông Obama với nụ cười rạng rỡ được quần chúng Việt Nam trưng bày khắp nơi cũng là điều chính quyền Việt Nam nên chú ý.

Ông Obama là một chính khách lớn, và chuyến đi của ông phục vụ chính trị, nên tôi cũng thử giải mã một vài thông điệp ông muốn gửi gắm cho Việt Nam. Với đảng cầm quyền Việt Nam, ông trấn an họ là Mỹ sẽ không tìm cách lật đổ, hay tác động để làm Đảng sụp đổ, nên Đảng cứ yên tâm mà lãnh đạo, và Mỹ tôn trọng Đảng Cộng sản Việt Nam.Tuy nhiên, ông nhắc nhở họ nên lãnh đạo theo quy tắc, cam kết quốc tế chung mà họ đã đại diện cho Việt Nam khi ký kết. Không nên, và không thể viện dẫn rằng Việt Nam vì “đặc thù riêng” nên nhiều lúc hành xử khác biệt hay sai lệch với những gì đã ký kết với quốc tế, vì những cam kết này đã là quy tắc-chuẩn mực chung.

Thông điệp với nhân dân Việt Nam
Từ những nguồn tin có quan hệ với chính giới Mỹ, tôi nghe rằng chính quyền Mỹ muốn chính quyền Việt Nam tạo điều kiện cho giới trẻ Việt Nam giao lưu với ông Obama. Trong chuyến đi này, ông Obama, ngoài những lễ tiệc ngoại giao bắt buộc, có lẽ việc giao lưu với quần chúng và thanh niên trẻ là những hoạt động nhiều nhất. Đây là điều theo tôi rất quan trọng, nó góp phần lớn trong việc củng cố quan hệ Mỹ-Việt trong tương lai, khi lớp trẻ của hôm nay lớn lên và có các vị trí xã hội nhất định.Trong các bài phát biểu của ông với quần chúng Việt Nam, tôi nhận thấy ông nói nhiều điều “thú vị và quan trọng”.Hi vọng rằng người kế nhiệm ông Obama sau này đến Việt Nam sẽ được 21 phát đại bác chào mừng, cũng như quan hệ Việt-Mỹ từ “quan hệ hàng đầu” sẽ trở thành “quan hệ anh em”. Đó là điều mà tôi nghĩ lòng dân đang mong muốn đảng cầm quyền sớm thực hiện.

“Những thủ lĩnh tài ba nhất, ngạc nhiên thay, thường chấp nhận đứng sau cánh gà"
“ Chính người dân Việt Nam mới quyết định cho tương lai của mình, không ai sống cho cuộc đời của mình ngoài mình”
“Đừng tin mọi thứ mà bạn được xem trên mạng internet”…
Còn nhiều điều nữa, nhưng với tôi, cũng là một người ở tuổi “hết trẻ nhưng chưa già”, tôi trân trọng ghi nhớ những lời trên.Trong tâm thái một đất nước đang bị kẹt giữa hai cường quốc Trung Quốc và Mỹ về tranh giành địa- chính trị. Một xã hội rối loạn bởi các giá trị văn hóa bị xuống cấp, một cộng đồng quần chúng luôn khao khát tìm kiếm những “thủ lĩnh” để đi theo… thì tôi đánh giá những góp ý này của ông Obama là vô cùng cần thiết và đúng lúc cho tuổi trẻ và quần chúng hiện nay.
“Nếu những quốc gia như Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ... đi theo vết xe đổ của phương Tây (chỉ tập trung phát triển kinh tế, công nghiệp mà bỏ quên hoạt động bảo vệ môi trường) tất cả chúng ta sẽ chìm xuống đáy biển”

Tôi nghĩ ông Obama chưa quên sự kiện cá biển miền trung vừa qua của Việt Nam. Có lẽ nào ông Obama nhớ còn chúng ta, là người Việt Nam, lại quên? Cuối cùng, điều quan trọng nhất mà ông Obama hàm ý là ,nếu Việt Nam có biến động chính trị thì đó là chuyện nội bộ của Việt Nam, người Việt Nam phải giải quyết, Mỹ không liên quan.Nên tôi nghĩ có lẽ chúng ta nên từ bỏ đi những tư duy kiểu như “các đế quốc phương Tây luôn giựt dây cho bạo động và rối loạn để mưu đồ chính trị có lợi cho họ”.
Nhiều người nghĩ rằng vì ông Obama đã đến thăm Việt Nam, Mỹ sẽ ủng hộ cho Việt Nam trong tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc. Tôi cho rằng suy nghĩ này chưa đúng. Mỹ chỉ ủng hộ các bên tham gia tranh chấp thực thi đúng, giữ đúng các cam kết quốc tế và dùng các biện pháp hòa bình trong khi tranh chấp chứ Mỹ không nghiêng về bên nào. Tuy nhiên, tôi vui mừng khi ông cũng nói “nước lớn không nên ức hiếp nước nhỏ”. Quan điểm lâu nay về đối ngoại chính trị của Mỹ rất rõ, Mỹ chỉ ủng hộ ai khi và chỉ khi người đó tự đứng lên trên chính đôi chân của mình. Chuyện Biển Đông thì Việt Nam phải chủ động hành động trước khi Mỹ giúp. Chính quyền và nhân dân Việt Nam cần minh định điều này khi nghĩ về quan hệ Việt-Mỹ bất cứ khi nào, dù sau này quan hệ này đạt đến tầm nào.

Có dư luận nói rằng việc phê chuẩn bán vũ khí sát thương cho Việt Nam là động thái cho thấy hai chính quyền Mỹ-Việt hiện nay đã có tin cậy chính trị. Theo tôi điều này không đúng. Việc bán vũ khí sát thương này chỉ nói lên là giữa hai nước Mỹ-Việt có cùng chung lợi ích trong chiến lược xoay trục Châu Á- Thái Bình Dương của Mỹ. Và vì lợi ích chung đó, Việt-Mỹ hợp tác trong việc mua bán vũ khí sát thương.Tin cậy chính trị chỉ đến khi chính quyền Mỹ nhận thấy chính quyền Việt Nam bắt đầu hướng tới và đạt được những giá trị chung về dân chủ và nhân quyền như họ. Nếu chính quyền Việt Nam còn bắt bớ, tù đày, đàn áp những ý kiến khác biệt của người dân Việt Nam, thì làm sao Mỹ có thể tin rằng chính quyền Việt Nam sẽ vẫn đồng hành cùng họ nếu một ngày nào đó Mỹ cũng đưa ra những ý kiến khác biệt khi quan hệ với chính quyền Việt Nam?
Sau khi ông Obama rời đi, chúng ta trở về với bầu không khí thường ngày cùa đất nước, và chúng ta sực nhớ lại rằng Trung Quốc vẫn đang lấn lướt ngoài Biển Đông, một chuyến thăm của ông Obama là cần nhưng chưa đủ để khiến tình hình Biển Đông trở nên có lợi cho Việt Nam.Sau khi ông Obama hết nhiệm kỳ, sẽ có tổng thống mới lên nhậm chức, và chiến lược chính trị của Mỹ ở Châu Á-Thái Bình Dương vẫn sẽ không thay đổi. Hi vọng rằng khi đó Việt Nam đóng một vai trò “quan trọng thực sự” để cùng chia lợi ích với Mỹ.

Hi vọng rằng người kế nhiệm ông Obama sau này đến Việt Nam sẽ được 21 phát đại bác chào mừng, cũng như quan hệ Việt-Mỹ từ “quan hệ hàng đầu” sẽ trở thành “quan hệ anh em”. Đó là điều mà tôi nghĩ lòng dân đang mong muốn đảng cầm quyền sớm thực hiện.

Sau khi ông Obama rời đi, tôi mong rằng mọi tầng lớp, từ quan chức chính quyền đến người dân Việt Nam, từ người ủng hộ đảng cầm quyền cho đến giới bất đồng chính kiến, hãy luôn nhớ những thông điệp ông nhắn nhủ.“Chuyện Việt Nam, tương lai Việt Nam là do chính người Việt Nam quyết định, không ai làm thay, và Mỹ không làm thay”
 ---------------------------------------------------------------------------------
Bài phản ánh văn phong và quan điểm của tác giả, cây viết sống tại TP HCM. 

Thứ Năm, 26 tháng 5, 2016

BÀI THƠ TẶNG BÀ BẠN HÀNG XÓM

Hà Nội cách đây 2 hôm hứng chịu trận mưa dữ dội khiến Hà Nội biến thành Hà Lội . Trong này tuần trước, đúng vào ngày 16/5 Sài Gòn cũng bất chợt có trận mưa to. Đây là trận mưa mở đầu cho mùa mưa ở cái xứ chỉ có " hai mùa mưa/nắng" ! Cũng không thua gì Hà Nội. Sài Gòn đã mưa là ngập lụt do các kênh rạch đã bị san lấp thu hẹp lấy đất xây nhà cao tầng . Những khu dân cư gần sông còn có nguy cơ cao hơn nếu như "Thần mưa bắt tay với Thủy triều " ! Dân Cu Lờ có mấy người sống gần cầu Sài Gòn, thường gặp nhau và tự lập ra "Xóm bờ sông" . Bà bạn, hàng xóm của tôi, người tôi viết tặng riêng bài thơ sau đây, cũng là bạn của chúng ta, không nói tên các cụ ai cũng biết cả. 

        Bà hàng xóm, bạn tôi
          (Tặng bạn sau cơn mưa đầu mùa )
(Ảnh: Bích Giang)

Sáu tháng trời khô hạn 
Bỗng đổ cơn mưa rào
Bên đường, nhà bà bạn
Ngõ nhỏ biến thành ao

Năm nào cũng nâng nền
Sắm máy bơm, máy hút
Gặp phải lúc triều lên
Một trận mưa là lụt

Có lần tôi sang chơi
Khuyên dọn lên cao ốc
Bạn bảo tôi già đời
Vẫn ngốc ơi là ngốc
                   

Rồi thắp một nén hương
Rì rầm khấn ông xã
Tôi hiểu. Bao thân thương
Kỷ niệm nơi này giữ

Bà bạn tôi là vậy
Ai khuyên cũng chẳng nghe
Căn nhà trong ngõ ấy
Sớm tối vẫn đi về ...
-----------------------------
Sài Gòn ngày 16/5/2016
 Ảnh : Bích Giang chụp


KỂ CHUYỆN TT MỸ TRONG CHÙA NGỌC HOÀNG

Người hướng dẫn ông Obama ở chùa Ngọc Hoàng kể gì?

25-05-2016 22:05:07

Giáo sư tôn giáo học Dương Ngọc Dũng chia sẻ với Zing.vn hành trình trở thành người giới thiệu của Tổng thống Mỹ Barack Obama tại chùa Ngọc Hoàng.

Theo ông, tại sao chùa Ngọc Hoàng lại được chọn để trở thành điểm đến của Tổng thống Mỹ?
Tôi đánh giá sự chọn lựa đó là hoàn toàn đúng đắn. Điều thứ nhất, chùa Ngọc Hoàng nhỏ, việc bảo vệ tổng thống khá dễ dàng. Nếu chọn ngôi chùa quá to như Vĩnh Nghiêm thì lực lượng đặc vụ không đủ để để bao phủ toàn bộ từ bên trong bên ngoài. Ở chùa Ngọc Hoàng thì rất gọn, tổng thống đứng ở giữa, xung quanh là đặc vụ, hai bên là nhà báo quốc tế và Việt Nam. Trước mặt là bàn thờ, không ai có thể ẩn nấp ở những chỗ như vậy.
Tôi và đặc vụ Mỹ đã làm việc suốt ba tuần trước chuyến viếng thăm của tổng thống Obama. Họ vào kiểm tra kỹ đến tận thùng rác. Thấy thùng cao, họ bỏ luôn vì sợ có người nấp được bên trong. Thùng phước sương, thùng công đức cũng được mở ra xem. Họ làm việc rất kỹ. Việc đó cho thấy sự lựa chọn ngôi chùa là đúng. Vì ngôi chùa rất bé, bảo vệ dễ hơn. Chùa không có chỗ ẩn nấp.
Nguoi huong dan ong Obama o chua Ngoc Hoang ke gi? hinh anh 1
Giáo sư Dương Ngọc Dũng giải thích cho TT Obama về ý nghĩa của việc thắp ba cây nhang. Ảnh: Hải An.
Điểm thứ hai, xung quanh chùa chỉ có mấy hộ dân, việc nhờ người ta di dời tạm thời buổi chiều, đóng cửa lại rất dễ. Đường Mai Thị Lựu cũng khá nhỏ, nối Bùi Hữu Nghĩa và Điện Biên Phủ, lực lượng an ninh khoá hai đầu rất đơn giản. Tôi cho rằng, đó là lựa chọn khôn ngoan của phía Mỹ. Sư thầy Thích Minh Thông trụ trì của Ngọc Hoàng cũng là một Việt kiều, có thời gian sống ở Mỹ. Tôi cũng học ở Mỹ về, chừng đó lý do để ráp lại thành một lựa chọn hoàn chỉnh.
Ông đã phải chuẩn bị những gì trước giờ Tổng thống Obama ghé thăm chùa Ngọc Hoàng?
Trong suốt ba tuần làm việc trước đó, họ đều nói với tôi là: “Giáo sư, ông đừng nên hi vọng quá nhiều về việc này. Mọi thứ có thể thay đổi. Ông không được nói với ai hết trừ vợ ông. Chúng tôi vẫn thường thay đổi vào giờ chót”.
16h Tổng thống Obama ghé chùa thì đến 10h30 họ mới thông báo chắc chắn tôi là người được chọn làm hướng dẫn viên. Ngay lập tức, tôi phải chạy tới họp ngay với an ninh và mật vụ, họp xong lại đến chùa để kiểm tra lần cuối cùng. Họ làm việc nghiêm ngặt từng giờ từng phút một. Đến 14h45, tôi phải có mặt ở chùa Ngọc Hoàng để đón Tống thống.
Thực tế, họ đã bố trí phương án dự phòng. Trong trường hợp tôi không thể thực hiện tốt hoặc có vấn đề về tâm lý, họ sẽ thay thế tôi bằng một chuyên gia Phật học người Mỹ, hiện đang giảng dạy và làm việc tại Đài Loan.
Trợ lý đặc biệt của ông Obama nói với tôi: Dũng, ông là người duy nhất ở đất nước này tiếp cận Tổng thống gần như vậy, trong thời gian lâu như vậy trong khi ông không phải là quan chức gì hết.
Vậy, người hướng dẫn của Tổng thống Obama đã làm việc như thế nào trong khoảng 10 phút ông ghé thăm chùa?
Theo kế hoạch của bên an ninh, tôi đứng đợi gần tượng hộ pháp ở sân chùa. Họ lấy băng nhựa đánh dấu chỗ, dặn kỹ không được vươn người nhìn ra hay có hành động nào tương tự. Tôi đứng đó, khi tiếng reo hò như trong một trận bóng đá từ bên ngoài vọng vào, tôi biết tổng thống đã đến. Năm phút sau, tôi thấy Tổng thống Obama đã đứng bên cạnh.
Tôi cũng căng thẳng, xúc động. Ấn tượng ban đầu là ông ấy quá cao lớn.. Tôi đứng sững sờ mất mấy giây. Tổng thống quá khác với hình ảnh tôi đã nhìn trên phương tiện truyền thông.
Nguoi huong dan ong Obama o chua Ngoc Hoang ke gi? hinh anh 2
GS Dương Ngọc Dũng và sư trụ trì Thích Minh Thông bên cạnh TT Obama tại chùa Ngọc Hoàng. Ảnh: Hải An.
Tổng thống bắt tay nói: "xin chào, vui được gặp ông." Tôi nói: "chào mừng tổng thống đến Việt Nam và đến thăm chùa Ngọc Hoàng." Trợ lý của tổng thống cũng tới giới thiệu tôi là giáo sư tôn giáo học và sư trụ trì Thích Minh Thông của Chùa Ngọc Hoàng.
Khi trợ lý nheo mắt ra hiệu, tôi bắt đầu giới thiệu: Đây là ngôi chùa theo phái Hoa tông được xây vào cuối thế kỷ 19. Ông Obama hỏi một câu ngắn gọn: “when?” (khi nào?). Tôi nói: năm 1894. Khi tôi giới thiệu về lịch sử ngôi chùa, Tổng thống Obama lắng nghe và bày tỏ ông thấy rất thú vị.
Khi bước vào chính điện của chùa, ý của sư thầy Thích Minh Thông là Tổng thống Obama có thể đi vào bằng cửa chính. Nhưng ông Obama nói rằng mọi người đi như thế nào, ông sẽ đi đúng như vậy. Tổng thống đi từ cửa bên trái, đi qua bàn thờ Phật Thích ca đến thằng bàn thờ Ngọc Hoàng.
Trước đó, đặc vụ nói nếu tổng thống muốn thắp nhang thì có được không? Tôi nói, tổng thống là người theo đạo Tin lành, cho nên việc thắp nhang không tốt sau này cho ông ấy. Nguyên tắc Tin lành không thờ ai ngoài Thiên Chúa. Do vậy, tôi đề nghị tổng thống chỉ nên cúi đầu để bày tỏ sự tôn trọng với tôn giáo khác. Còn nếu tổng thống muốn thắp nhang thì sẽ nhờ sư thầy Thích Minh Thông. Việc này thực hiện đúng theo kịch bản.
Khi đó tổng thống Obama hỏi tôi ý nghĩa của ba cây nhang. Tôi nói: Nhang là tượng trưng cho tinh, khí và thần. Phải giữ lửa liên lục như là nguồn sống, do đó, đền chùa thường phải đốt nhang cả ngày.
Tiếp đó, tổng thống Obama đi ra cửa phụ bên phải để thăm tượng Phật. Tôi giải thích cho ông ấy ý nghĩa của Phật Thích ca, nguồn gốc ra đời của Đức Phật… Khi kết thúc, tổng thống Obama nói lời cảm ơn về những lời giải thích thú vị của tôi. Tôi cũng bày tỏ sự cảm ơn vì đã dành cho tôi vinh dự được làm người hướng dẫn.
Có kỷ niệm nào thú vị trong buổi hướng dẫn đó?
Theo quy định của trợ lý, khi tổng thống bước đi, tôi phải đếm từ 1 đến 8 giây mới bước theo. Tôi có hỏi lý do thì người trợ lý giải thích rằng: về nguyên tắc, phải giữ khoảng cách, tuyệt đối không đụng vào người tổng thống, không được trao quà, tặng quà, hay gợi ý chụp hình trong bất cứ trường hợp nào. Khi ra đến cổng, tổng thống đột ngột đứng lại, xoay qua nhìn ông thổ địa. Ông chỉ hình thổ địa hỏi, tôi nói đó là ông thổ địa, là thần tài. Sau đó chỉ sang môn thần, tôi nói đó là người canh cửa, để ma quỷ không vào nhà.
Nguoi huong dan ong Obama o chua Ngoc Hoang ke gi? hinh anh 3
Chùa Ngọc Hoàng là nơi đầu tiên TT Obama ghé thăm khi đến Sài Gòn. Ảnh: Hải An.
Khi đến hồ nuôi rùa, ông Obama hỏi ý nghĩa của loài rùa. Tôi nói: Rùa tượng trưng phật linh sống lâu ngàn tuổi, thông thái, quyền lực trong vũ trụ. Thời xưa mai rùa được dung làm quẻ bói. Vai trò của phật linh gắn liền với tiên đoán, bói toán, ma thuật. Nếu không có âm phù dương trợ thì con người không thể thành công trên con đường học vấn.
Trở thành người hướng dẫn cho Tổng thống Mỹ Obama có ý nghĩa như thế nào với ông?
Khi gặp, tôi giới thiệu mình là Dũng, ông nói: "Ồ Professor Dũng, ông đọc đúng tên với đúng dấu ngã và bắt tay tôi rất chặt." Ông hiểu công việc người khác làm cho mình rất nặng nề, căng thẳng. Khi tổng thống đứng trong chùa, tôi lùi ra sau một chút thì tổng thống gọi tôi đứng gần. Ông hiểu đây là vinh dự của mình chứ không phải của ông.
Trên đường đi ra khỏi tam quan, cô trợ lý trượt chân lảo đảo. Ông Obama nhanh chóng đỡ cô ấy và nói những lời động viên. Hành động an ủi động viên đó thì cô ấy có làm việc cả đời với ông ấy cũng vui lòng. Tổng thống Obama là người có khả năng kết nối nhanh bằng chính sự rộng lượng, hào phóng như vậy, ông chinh phục người khác ngay lập tức. Không phải sự ngẫu nhiên khi ông Obama vươn từ địa vị xã hội thấp như vậy lên làm tổng thống, tôi cho rang một phần là thiên bẩm nhưng một phần là học tập và rèn luyện.
Tổng thống Obama: Tôi thích con gái
Khi tôi đang giải thích về Quan Âm, Tổng thống Obama hỏi tôi: "Hầu hết mọi người đến đây cầu xin điều gì?" Tôi nói chùa này nổi tiếng cầu con. Người hiếm muộn thường đến đây cầu xin và họ hay xin con trai vì tâm lý người Việt Nam thích con trai hơn. Đôi khi có con gái rồi, họ đến đây để cầu xin con trai nữa. Ông Obama bật cười nói: "I like daughters" (Tôi thích con gái). Tôi nói: "Me too" (Tôi cũng vậy).
Có tờ báo đăng trụ trì Thích Minh Thông gợi ý với Tổng thống Obama rằng ông hãy cầu xin một đứa con trai đi. Thông tin đó hoàn toàn sai sự thật. Tôi là người trong cuộc và sư thầy Thích Minh Thông không nói câu gì trong suốt hôm đó. Tôi là người giới thiệu về toàn bộ ngôi chùa từ đầu đến cuối, cũng hiểu rất rõ bối cảnh tại sao Tổng thống Obama nói câu đó. Tôi cảm thấy cần phải giải thích rõ để mọi người hiểu và không trách lầm thầy Thích Minh Thông.
-----------------------------------
Ông Dương Ngọc Dũng tốt nghiệp Thạc sĩ khoa Đông Á học tại Đại học Harvard (Mỹ) năm 1995, tốt nghiệp Tiến sĩ khoa Tôn giáo học tại Đại học Boston (Mỹ) năm 2001, tốt nghiệp MBA của United Business Institute (Bỉ) năm 2007.

Thứ Tư, 25 tháng 5, 2016

Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố không bắt nạt nước nhỏ

Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố không bắt nạt nước nhỏ

Quân Vũ |
Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố không bắt nạt nước nhỏ
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh. Ảnh: China Daily

Sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama cảnh báo nước lớn không nên bắt nạt nước nhỏ tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng họ giải quyết tranh chấp bằng sự chân thành.

Phát biểu tại Hà Nội trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống Obama nói các nước lớn không nên bắt nạt những nước nhỏ hơn trong tranh chấp lãnh thổ. Theo ông, các bên nên giải quyết tranh chấp bằng những biện pháp hòa bình.
Ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh các phi cơ, tàu của Mỹ sẽ tiếp tục di chuyển trong những vùng biển mà luật pháp quốc tế cho phép.
Đáp lại lời phát biểu của ông Obama, trong cuộc họp báo hôm 24/5, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng Bắc Kinh đã ký hiệp định phân chia biên giới với 12 nước láng giềng.
5 nước trong số đó có diện tích nhỏ hơn và 10 nước có dân số ít hơn Philippines.
"Thực tế đó cho thấy diện tích của một quốc gia không phải là yếu tố quan trọng khi phân chia biên giới.
Điểm mấu chốt là những nước liên quan tới tranh chấp có quyết tâm và sự chân thành để giải quyết tranh chấp bằng đối thoại hay không", bà Hoa ngang nhiên nói.
Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố không bắt nạt nước nhỏ - Ảnh 1.
Tổng thống Mỹ Barack Obama dẫn thơ của Lý Thường Kiệt "Sông núi nước Nam vua Nam ở" và nói rằng "nước lớn không nên bắt nạt nước nhỏ" trong bài phát biểu tại Hà Nội sáng 24/5. Ảnh: Hoàng Hà
Theo China Daily, bà Hoa còn kêu gọi các nước bên ngoài châu Á tôn trọng nỗ lực "duy trì hòa bình và ổn định" của những nước trong khu vực.
Trung Quốc ngang ngược tuyên bố chủ quyền đối với phần lớn Biển Đông dù cộng đồng quốc tế đều khẳng định yêu sách của họ không có cơ sở pháp lý.
Bắc Kinh bồi lấp nhiều đảo đá mà họ chiếm đóng trái phép và đang từng bước thực hiện ý đồ quân sự hóa trên Biển Đông. Philippines đã kiện yêu sách của Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở Hà Lan.
Chính phủ Trung Quốc tuyên bố PCA không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp nên họ không tham gia vụ kiện.
Trong một diễn biến liên quan, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Canada Justin Trudeau bày tỏ lo ngại về những hoạt động bồi lấp đảo nhân tạo do Trung Quốc thực hiện trên Biển Đông trong chuyến thăm của ông Trudeau tới Nhật trước thềm hội nghị G7.
"Đối với tình hình trên Biển Đông, tôi và ngài Trudeau cùng quan ngại sâu sắc về những hành động đơn phương có thể làm tăng căng thẳng - chẳng hạn như bồi lấp đảo quy mô lớn, xây dựng các công trình và quân sự hóa.
Nhật Bản và Canada đã nhất trí hợp tác để đảm bảo sự an toàn, tự do trên các vùng biển theo luật pháp", Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu trong cuộc họp báo chung với ông Trudeau.

theo Zing

DÂN SÀI GÒN LƯU LUYẾN TIỄN ÔNG OBAMA

25/05/2016 12:26 GMT+7
TTO - Đúng 13g ngày 25-5, Tổng thống Obama đã rời Tân Sơn Nhất trên chiếc Air Force One, kết thúc chuyến thăm chính thức Việt Nam. Trên đường ra sân bay, ông được rất đông người dân đưa tiễn. 
Người dân TP.HCM đứng kín ven đường tiễn ông Obama
Ông Obama vẫy chào tạm biệt trước khi rời Việt Nam - Ảnh: Phi Ngô
Người dân TP.HCM đứng kín ven đường tiễn ông Obama
Chuyên cơ Air Force One cất cánh rời sân bay Tân Sơn Nhất, kết thúc chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama  - Ảnh: Bảo Duy
Ngay sau khi kết thúc buổi đối thoại với các bạn trẻ, Tổng thống Obama ra xe đi thẳng ra sân bay Tân Sơn Nhất. Dọc hai bên đường đã có rất đông người dân đứng đợi từ sớm để chào tạm biệt.
Những tuyến đường mà đoàn xe đi qua như đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Điện Biên Phủ, Đinh Tiên Hoàng, Võ Thị Sáu, Nguyễn Văn Trỗi, Trường Sơn đông nghẹt người.
Một số người chuẩn bị cả hình ảnh, poster, cờ để ra đường, vẫy chào tạm biệt Tổng thống Obama.hư vậy, Tổng thống Obama đã kết thúc chuyến thăm chính thức Việt Nam với rất nhiều hoạt động khác nhau. Chuyến thăm đã mang đến nhiều kết quả tốt đẹp.
Theo tuyên bố chung của hai nước, hai bên cam kết tiếp tục trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là các đoàn cấp cao, tăng cường đối thoại giữa các cơ quan của hai nhà nước. Đồng thời, hai bên có ý định mở rộng đối thoại thường niên cấp cao giữa hai Bộ Ngoại giao để thảo luận các biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện và các vấn đề khác cùng quan tâm.
Hai nước quyết tâm tập trung thúc đẩy hợp tác kinh tế, bao gồm các lĩnh vực thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Hai bên cho rằng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có tầm quan trọng về chiến lược và kinh tế, sẽ giúp tăng cường thương mại và đầu tư giữa hai nước, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm.
Hai nước nhất trí thúc đẩy thương mại và đầu tư song phương, tiếp tục hợp tác thúc đẩy tiếp cận thị trường cho hàng hóa công nghiệp, hải sản và nông sản của mỗi nước. Hoa Kỳ và Việt Nam nhất trí tham vấn một cách hợp tác và toàn diện thông qua đẩy mạnh Nhóm làm việc song phương liên quan đến mong muốn của Việt Nam được công nhận là nền kinh tế thị trường.
Hai bên hoan nghênh việc hoàn tất các thỏa thuận kinh tế quan trọng nhân dịp chuyến thăm: Hợp đồng Vietjet Air mua 100 máy bay Boeing 737 MAX và mua động cơ Pratt&Whitney, MOU về hợp tác điện gió giữa GE và Bộ Công thương Việt Nam. Hai bên khẳng định ủng hộ thúc đẩy giao lưu nhân dân nhằm tăng cường hiểu biết, hợp tác, hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Hoa Kỳ hoan nghênh Chính phủ Việt Nam cho phép tình nguyện viên Hoa Kỳ thuộc Chương trình hòa bình dạy tiếng Anh tại Việt Nam. Việt Nam và Hoa Kỳ hoan nghênh việc thành lập Trường đại học Fulbright Việt Nam với mục tiêu trở thành trường đại học đẳng cấp quốc tế của Việt Nam.
Hai bên hoan nghênh thỏa thuận song phương về việc cấp thị thực một năm nhiều lần cho các doanh nhân và khách du lịch ngắn hạn của hai nước. Hai bên đánh giá cao và ghi nhận sự thành công của cộng đồng người Việt Nam tại Hoa Kỳ và những đóng góp tích cực của cộng đồng đối với sự phát triển quan hệ song phương.
Việt Nam và Hoa Kỳ tái khẳng định cam kết tăng cường hợp tác quốc phòng giữa hai nước theo Bản ghi nhớ về thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương 2011 và Tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng năm 2015, đặt ưu tiên vào lĩnh vực hợp tác nhân đạo, giải quyết hậu quả chiến tranh, an ninh biển, gìn giữ hòa bình, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa. Hai bên khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác trên các lĩnh vực an ninh, chống tội phạm xuyên quốc gia, an ninh mạng. Việt Nam hoan nghênh quyết định của Chính phủ Hoa Kỳ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương đối với Việt Nam.
Việt Nam hoan nghênh hỗ trợ an ninh biển của Hoa Kỳ thông qua Sáng kiến An ninh hàng hải (MSI), chương trình Hợp tác giảm thiểu đe dọa, Quỹ Hỗ trợ tài chính quân sự đối ngoại (FMF) và mong muốn làm việc với Hoa Kỳ nhằm nâng cao năng lực hàng hải của Việt Nam.
Việt Nam và Hoa Kỳ đã ký Ý định thư thành lập Nhóm công tác về sáng kiến dự trữ thiết bị y tế và nhân đạo (CHAMSI), góp phần thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa. Hoa Kỳ tái khẳng định ủng hộ nỗ lực gìn giữ hòa bình của Việt Nam với mục tiêu hỗ trợ Việt Nam triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc đầu tiên vào năm 2017.
Hai bên bày tỏ hài lòng về những nỗ lực chung nhằm thúc đẩy hợp tác về nhân đạo và giải quyết hậu quả chiến tranh. Đặc biệt, phía Hoa Kỳ đánh giá cao sự hợp tác tích cực của Việt Nam trong việc cung cấp thông tin tìm kiếm đầy đủ nhất có thể về quân nhân Hoa Kỳ mất tích trong chiến tranh. Hai bên nhất trí tiếp tục hợp tác về rà phá vật liệu chưa nổ.
Việt Nam hoan nghênh sự hợp tác của Hoa Kỳ trong việc hoàn tất thành công giai đoạn I và việc triển khai giai đoạn cuối chương trình tẩy độc dioxin tại sân bay Đà Nẵng. Hoa Kỳ sẽ hợp tác với Việt Nam để có đóng góp quan trọng nhằm tẩy độc dioxin tại sân bay Biên Hòa.

Người dân TP.HCM đứng kín ven đường tiễn ông Obama
Người dân xếp hàng từ sớm đợi tiễn ông Obama - Ảnh: Lê Ngọc Hiển

Hai bên cam kết tiếp tục thúc đẩy và bảo vệ quyền con người phù hợp với hiến pháp và cam kết quốc tế của mỗi nước. Hai bên hoan nghênh kết quả của đối thoại tích cực, thẳng thắn và xây dựng về quyền con người, đặc biệt là vòng 20 Đối thoại Nhân quyền diễn ra vào tháng 4-2016, qua đó giúp giảm thiểu khác biệt và tiếp tục xây dựng lòng tin.
Hoa Kỳ hoan nghênh những nỗ lực của Việt Nam trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật và cải cách tư pháp nhằm bảo đảm tốt hơn quyền và tự do cơ bản cho mọi người phù hợp với Hiến pháp năm 2013.
Việt Nam thông báo với phía Hoa Kỳ về kế hoạch sửa đổi, bổ sung, xây dựng các luật, trong đó có Luật về tín ngưỡng và tôn giáo, về Hội, về trợ giúp pháp lý sửa đổi, về lý lịch tư pháp sửa đổi và về ban hành quyết định hành chính.
Hai bên ghi nhận những đóng góp của các tổ chức xã hội, tôn giáo trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, dịch vụ xã hội. Hai bên khuyến khích việc tăng cường hợp tác để bảo đảm tất cả mọi người - bất kể giới tính, chủng tộc, tôn giáo và khuynh hướng giới tính, cũng như người khuyết tật - đều được hưởng đầy đủ quyền con người. Việt Nam và Hoa Kỳ hoan nghênh Thư thỏa thuận về hỗ trợ trong lĩnh vực thực thi pháp luật và tư pháp.

Người dân TP.HCM đứng kín ven đường tiễn ông Obama
Đoàn xe chở Tổng thống Obama rời Trung tâm hội nghị GEM - Ảnh: Lê Ngọc Hiển
Người dân TP.HCM đứng kín ven đường tiễn ông Obama
Nhiều người dân đội nắng tiễn đoàn ông Obama - Ảnh: Kim Anh
Người dân TP.HCM đứng kín ven đường tiễn ông Obama
Người dân vẫy tay chào đoàn Tổng thống Obama trên đường Nguyễn Văn Trỗi
Người dân TP.HCM đứng kín ven đường tiễn ông Obama
Người dân vẫy chào tạm biệt Tổng thống Obama - Ảnh: Ngọc Dương
Người dân TP.HCM đứng kín ven đường tiễn ông Obama
Nhiều người kiên nhẫn đợi từ sớm để tạm biệt ông Obama - Ảnh: Tự Trung
Người dân TP.HCM đứng kín ven đường tiễn ông Obama
Người dân đứng kín hai bên đường Trường Sơn chào tạm biệt Tổng thống Obama - Ảnh: Tự Trung
Người dân TP.HCM đứng kín ven đường tiễn ông Obama
Người dân Sài Gòn chào từ biệt ông Obama trên đường Võ Thị Sáu - Ảnh: T.T.D.

Giải quyết các thách thức khu vực và toàn cầu
Việt Nam và Hoa Kỳ tái khẳng định cam kết chung đối với việc giải quyết hòa bình các tranh chấp lãnh thổ và trên biển bằng biện pháp hòa bình, trong đó có việc tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, phù hợp với Hiến chương Liên Hiệp Quốc, luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS).
Hai bên nhấn mạnh cam kết của các bên tranh chấp không có những hành động làm phức tạp và mở rộng các tranh chấp, thừa nhận tầm quan trọng của việc thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), thúc đẩy thương lượng thực chất và sớm ký kết Bộ quy tắc ứng xử (COC).
Theo đó, hai bên đặc biệt quan ngại đối với những diễn biến gần đây ở Biển Đông làm gia tăng căng thẳng, xói mòn lòng tin, đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định. Hai bên nhấn mạnh tính cấp thiết của việc bảo đảm tự do hàng hải và hàng không, cũng như duy trì các hoạt động thương mại hợp pháp không bị cản trở ở Biển Đông; kêu gọi phi quân sự hóa và kiềm chế trong xử lý các tranh chấp, tái khẳng định cam kết chung theo Tuyên bố Sunnylands và cam kết phối hợp chặt chẽ với các đối tác ASEAN khác.

THẾ GIỚI BÌNH LUẬN VỀ QUAN HỆ VIỆT-MỸ MỚI .

'Chất lượng đối tác quan trọng hơn tên gọi'

  • 24 tháng 5 2016
Nhà nghiên cứu Phương Nguyễn, từ Trung tâm CSIS của Mỹ, ( Ảnh bên), cho rằng quan hệ Mỹ - Việt đang đâm chồi, nẩy lộc.
Tên gọi 'đối tác toàn diện' hay 'đối tác chiến lược' không quan trọng bằng thực chất của chất lượng quan hệ giữa các đối tác, theo quan điểm của một nhà nghiên cứu từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) từ Hoa Kỳ.

Bình luận về chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Barack Obama và việc Hoa Kỳ quyết định gỡ bỏ lệnh cấm vận bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, hôm 23/5/2016, từ Washington DC, bà Phương Nguyễn nói với BBC:
"Việc gọi tên mối quan hệ đối tác đó như thế nào không quan trọng lắm, điều quan trọng là nội dung quan hệ và hiệu quả mang lại đối với mỗi bên. Nếu quý vị nhìn vào mối quan hệ đối tác toàn diện hiện nay giữa Hoa Kỳ với Việt Nam, một số lĩnh vực có nội dung hết sức chiến lược, chẳng hạn thương mại và đầu tư.
"Thậm chí hợp tác giáo dục hay một số lĩnh vực khác cũng có tính chất chiến lược, tôi nghĩ là mối quan hệ hợp tác toàn diện đã được nâng cấp trên thực tế và đã tạo ra nhiều sự khác biệt. Vấn đề là sau khi đã có cá thỏa thuận, các bên trên thực tế có thể thu được lợi ích gì song phương từ mối quan hệ ấy mới là quan trọng."
Khi được hỏi lý do chính của việc Hoa Kỳ gỡ bỏ lệnh cấm vận trong chuyến thăm của ông Obama tới Việt Nam hôm thứ Hai, bà Phương Nguyễn nói:
"Trước đây, các nhà chiến lược của Hoa Kỳ muốn sử dụng lệnh cấm vận bán vũ khí sát thương như một đòn bẩy làm cân bằng mối quan hệ với chính quyền Việt Nam về mặt chính sách, nhưng hiện tại hai nước đã là các đối tác toàn diện của nhau, các mối quan hệ song phương đã đâm chồi, nẩy lộc.
"Việt Nam đã tích hợp vào các đàm phán của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), và các mối quan hệ thương mại và đầu tư Mỹ - Việt được mong đợi sẽ khởi động mạnh trong những năm tới đây, do đó có rất ít lý do để Hoa Kỳ tiếp tục duy trì lệnh cấm.
"Đương nhiên có một số ngoại lệ là có một số giới ở Washington DC và Hoa Kỳ muốn chính quyền Mỹ tiếp tục lệnh cấm này để tạo áp lực buộc Việt Nam phải cải thiện về mặt nhân quyền. Tóm lại là chính quyền Mỹ thấy có ít lý do để duy trì lệnh cấm và chính là một tính toán chiến lược đã đứng đằng sau quyết định của Tổng thống Obama tháo rỡ lệnh cấm vận vũ khí này."

Trung Quốc lo ngại?

Trước câu hỏi liệu Trung Quốc có lý do gì để lo ngại về việc Mỹ gỡ bỏ lệnh cấm kể trên cho Việt Nam hay không, nhà nghiên cứu từ Trung tâm CSIS, đáp:
"Tôi không nghĩ Trung Quốc cần phải lo ngại... tôi nghĩ là sau khi lệnh cấm được gỡ bỏ, chính quyền Việt Nam sẽ rất cẩn trọng trong việc tính toán họ sẽ làm gì tiếp theo với điều đó.
"Bởi vì tôi nghĩ không ai ở Hà Nội muốn có hành động dấn đến ép Trung Quốc phải phản ứng. Nhưng rút cục thì mối quan hệ Mỹ - Việt là khá toàn diện, và trong một số trường hợp, hai bên đã cấu trúc hóa mối quan hệ để Việt Nam có thể sẽ song hành với Hoa Kỳ hợp tác hòa bình trong tương lai, mà Trung Quốc sẽ không cần gì phải quan ngại...
Trở lại với vấn đề và hồ sơ nhân quyền ở Việt Nam, nhà nghiên cứu từ Mỹ cho rằng ở trong nhiều nội dung của các hợp tác, hiệp định mà Việt Nam đã ký kết với Mỹ, đã có hàm chứa nhiều cơ chế mà theo đó Việt Nam muốn hợp tác hiệu quả, cần tôn trọng các quyền con người.
Lấy ví dụ với Hiệp định TPP, bà Phương Nguyễn nói:
"Tôi không nghĩ là Hoa Kỳ đã mềm yếu, hay nhân nhượng về nhân quyền đối với Việt Nam, nếu quý vị nhìn vào những gì Việt Nam đã ký kết, rất nhiều những đòn bẩy ở đó vẫn bắt buộc Việt Nam như một quốc gia thành viên phải tôn trọng các quyền con người, quyền lao động v.v....
"Nhân đây, tôi cũng xin lưu ý là việc gỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí không có nghĩa là ngay lập tức Việt Nam có thể tiếp cận việc mua các thứ vũ khí của Mỹ ngay lập tức.
"Cũng giống như nhiều quốc gia muốn mua vũ khí của Hoa Kỳ, Việt Nam cũng phải đi qua một quá trình đạt phê chuẩn và chế tài của nhiều cơ quan thuộc chính quyền và quốc hội Mỹ," bà Phương Nguyễn từ Trung tâm CSIS của Mỹ nói với BBC.

Ảnh hưởng còn nhiều

Mới đây, ngay trước Bàn tròn thứ Năm của BBC Việt ngữ, hôm 19/5/2016, về chuyến thăm của Obama tới Việt Nam, các nhà báo, biên tập viên từ BBC Tiếng Trung và Thế giới vụ đã chia sẻ quan điểm trước câu hỏi Trung Quốc sẽ phản ứng thế nào nếu Việt Nam được Hoa Kỳ gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận bán vũ khí sát thương.
Nhà báo Ngô Ngọc Văn từ BBC Tiếng Trung nói: "Tôi nghĩ là lãnh đạo Trung Quốc sẽ có thể quan ngại, bởi vì nếu được mua vũ khí của Hoa Kỳ, năng lực quân sự và quốc phòng của Việt Nam sẽ được tăng cường, Việt Nam sẽ mạnh lên, và chúng ta không quên là giữa Việt Nam và Trung Quốc đang vẫn còn có một số mâu thuẫn, căng thẳng, thậm chí xung đột trong vấn đề Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông, theo cách gọi của Việt Nam)."
"Nếu Việt Nam nhập vũ khí về và vẫn tôn trọng hòa bình thì không sao, nhưng nếu họ có thể đe dọa những quyền lợi của Trung Quốc ở khu vực này, thì đó là vấn đề khác," bà nói với Bàn tròn thứ Năm.
Trong khi đó, nhà báo, Zhuang Chen, Trưởng ban BBC Tiếng Trung nêu quan điểm:
"Tôi nghĩ rằng giữa hai vấn đề gỡ bỏ cấm vận vũ khí của Mỹ với Việt Nam và Việt Nam di chuyển gần hơn về phía Mỹ, thì Trung Quốc sẽ quan ngại nhiều hơn ở vế thứ hai. Tất nhiên, Trung Quốc nhận thức được rằng Hoa Kỳ gần đây đã có nhiều động thái tăng cường quan hệ quân sự, quốc phòng với một số quốc gia trong khu vực, trong đó có các đồng minh của họ, như là Philippines ở Đông Nam Á, hay Bắc Hàn và đặc biệt là Nhật Bản ở Đông Á."
Khi được hỏi, nếu Mỹ gỡ bỏ lệnh cấm vận nói trên và Hà Nội xích lại với Washington nhiều hơn, thì Trung Quốc sẽ tính sao, nhà báo Zhuang Chen đáp:
"So với Nhật Bản, nơi mà Trung Quốc có nhiều hệ lụy trong lịch sử, trong Thế chiến II, thì quan hệ giữa chính quyền Trung Quốc và Việt Nam vẫn còn nhiều điểm tương đồng, như về ý thức hệ, ảnh hưởng ở Trung Quốc tại Việt Nam do đó còn rất nhiều và hai bên có nhiều kênh để hợp tác, đối thoại, trao đổi để Trung Quốc tác động.
"Với Nhật Bản, Trung Quốc không có các kênh đó, nhưng tôi nghĩ, ông Obama là Tổng thống sắp rời quyền lực, kể cả quan hệ Mỹ - Việt có những diễn biến như thế, thì Trung Quốc vẫn có nhiều thời gian để quan sát, vì hiện nay đã ai biết người sẽ thay thế ông Obama làm Tổng thống kế tiếp của Mỹ là ai đâu?" Trưởng ban BBC Tiếng Trung nói. 

Hôm 23/5, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra bình luận từ Bắc Kinh sau khi Mỹ tuyên bố bãi bỏ lệnh cấm vận, bà nói: "Cấm vận vũ khí là sản phẩm của chiến tranh lạnh.
"Đáng ra điều này không xảy ra. Bởi vậy, chúng tôi hy vọng điều này có ích cho hòa bình và ổn định trong khu vực," nữ phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói.

Thứ Hai, 23 tháng 5, 2016

Tổng thống Obama: Lẽ ra tôi nên thăm Việt Nam sớm hơn

Ở Mỹ, chúng tôi có câu 'Save the best for last/Giữ lại điều tốt đẹp nhất đến phút cuối. Việt Nam là một quốc gia đặc biệt, tươi đẹp".
Trọng Giáp - /
Tình cảm của người dân Việt Nam dành cho ông Obama.Tình cảm của người dân Việt Nam dành cho ông Obama.

Theo Vnexpress, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói "xin chào", "xin cám ơn" bằng tiếng Việt khi mở đầu và kết thúc bài phát biểu, đồng thời nhắc đến món cà phê sữa đá với niềm thích thú.
"Tôi đang mong chờ có cơ hội trò chuyện với người dân Việt Nam. Có thể tôi sẽ thích thú với cà phê sữa đá", ông Obama nói, trong phần cuối bài phát biểu.

Kết lại bài phát biểu trong cuộc họp báo chung với Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại Hà Nội, Obama nói ông tin rằng mối quan hệ giữa người dân Việt Nam và Mỹ có thể là một trong những mối quan hệ quan trọng nhất tại khu vực "mang tính quyết định" trên thế giới.

"Tôi tin rằng những bước tiến trong quan hệ mà chúng ta đạt được hôm nay sẽ giúp tăng cường an ninh, thịnh vượng và chân giá trị cho nhân dân hai nước trong nhiều thập kỷ nữa", ông Obama kết lại, không quên nói "Xin cám ơn" bằng tiếng Việt. Ở phần đầu bài phát biểu, ông cũng nói "Xin chào".


 
Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Trong phần hỏi đáp với phóng viên, Obama còn cho biết lẽ ra ông nên thăm Việt Nam sớm hơn.

"Có thể lý giải thế này. Ở Mỹ, chúng tôi có câu 'Save the best for last' (Giữ lại điều tốt đẹp nhất đến phút cuối). Việt Nam là một quốc gia đặc biệt, tươi đẹp", ông nói và cho biết hy vọng khi về hưu ông có thể cùng gia đình tham quan Việt Nam, tìm hiểu thêm về con người, thưởng thức ẩm thực.

Ông Obama hôm nay chính thức thăm Việt Nam, trong chuyến đi kéo dài ba ngày, dừng chân tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Sau cuộc gặp với Chủ tịch nước, ông thông báo về việc dỡ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, lệnh đã tồn tại nửa thế kỷ. Quyết định này được Chủ tịch nước hoan nghênh.

Theo Vnexpress

Reuters: Chuyến thăm kéo dài 3 ngày đến Việt Nam là biểu hiện “bất thường“

Reuters cho rằng chuyến thăm lưu lại Việt Nam đến 3 ngày là biểu hiệu "bất thường", có lẽ là rất hiếm. Điều đó cho thấy ông Obama coi trọng, đặt việc mở rộng quan hệ hợp tác với Hà Nội là trọng tâm không thể thiếu.
http://static.viettimes.vn/w650/uploaded/quyhoi/2016_05_23/19363125240857811116372745600833781069645n_2352016.jpg
Ông Obama về nơi nghỉ tạm tại Hà Nội (ảnh từ Facebook của Đại sứ Mỹ Ted Osius)
Theo báo cáo tin xuất bản ngày 22/5/2016 của hãng tin Anh Reuters, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã bắt đầu chuyến thăm chính thức, đầu tiến của mình tới Việt Nam từ ngày hôm nay 23/5 dù trước đó chiếc chuyên cơ Air Force One đã đưa nhà lãnh đạo Mỹ hạ cánh an toàn xuống sân bay Nội Bài.
Với tiêu đề "Lệnh cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam trong chiến lược cân bằng khi Obama thăm cựu thù Việt Nam", Reuters bình luận rằng chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama có mục đích chính là gàn hắn quan hệ đối tác với cựu thù của Washington, cũng là là một phần không thể hiến của chiến lược xoay trục, cân bằng chiến lược sang Thái Bình Dương trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng gia tăng sức mạnh và ảnh hưởng ở khu vực.
"4 thập kỷ sau khi kết thúc cuộc chiến tranh từng dẫn đến sự chia cắt sâu sắc trong tâm tưởng người dân Mỹ, ông Obama (dù sắp hết nhiệm kỳ - PV) cũng sẽ cố gắng đẩy mạnh các mối quan hệ hợp tác kinh tế, phòng thủ mạnh hơn với những nhà lãnh đạo của quốc gia cựu thù - Việt Nam, bất chấp thực tế là còn những vấn đề hai bên còn đang bất đồng" - Reuters nói.
Reuters cho rằng chuyến thăm lưu lại Việt Nam đến 3 ngày là biểu hiệu "bất thường", có lẽ là rất hiếm. Điều đó cho thấy ông Obama coi trọng, đặt việc mở rộng quan hệ hợp tác với Hà Nội là trọng tâm không thể thiếu.
Thậm chí, ngay trước chuyến thăm, Tổng thống Obama cũng phải gánh chịu áp lực, buộc ông phải hoãn công bố việc gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam.
[Reuters: Chuyến thăm kéo dài 3 ngày đến Việt Nam là biểu hiện “bất thường“] Ông Obama được đón ở sân bay Nội Bài, Hà Nội.
Tờ báo của Anh cũng thẳng thắng cho rằng việc Washington mà công bố gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam chắc chắn sẽ chọc giận Trung Quốc bởi nó đồng nghĩa với việc Hoa Kỳ công khai nỗ lực giúp các quốc gia láng giềng với Bắc Kinh chống lại tham vọng chiếm đoạt toàn bộ biển đảo trên Biển Đông của Trung Hoa.
Theo Reuters, các quan chức Mỹ đã đưa ra quyết định hoãn công bố gỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam vào thời điểm máy bay của ông Obama hạ cánh xuống sân bay Nội Bài ở Hà Nội.
Tuy nhiên, điều đáng lạc quan là những trợ lý cao cấp, hàng đầu của ông Obama tại Nhà Trắng đã ủng hộ việc nới lỏng lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam để giúp quốc gia này có điều kiện gia tăng sức mạnh phòng thủ trong công cuộc bảo vệ chủ quyền của mình trên Biển Đông.
Ông Obama là tổng thống Mỹ thứ ba đến thăm Việt Nam kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào năm 1995. Theo Reuters, chuyến thăm của ông Obama đến Việt Nam cũng được nhiều người dân bản địa chào đón.

Lê Dũng

(VietTimes)

Tổng thống Obama ăn bún chả ở Hà Nội

Sau một ngày bận rộn ở Hà Nội, Tổng thống Mỹ Barack Obama tới quán bún chả trên phố Lê Văn Hưu để thưởng thức món ăn truyền thống của Việt Nam.
Tong thong Obama an bun cha o Ha Noi - Anh 1
Ông Obama đi ăn tối tại khu vực quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ảnh: Anh Tuấn
Khu vực các phố Thi Sách – Lê Văn Hưu – Ngô Thì Nhậm ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, được phong tỏa và bảo vệ an ninh nghiêm ngặt hơn thường lệ sau thông tin Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ đi ăn tối tại đây.
Theo thông báo của Nhà Trắng trước đó, ông Obama dự kiến sẽ dành thời gian để thăm thú, khám phá văn hóa, ẩm thực địa phương.
Tong thong Obama an bun cha o Ha Noi - Anh 2
Tổng thống Mỹ vẫy chào người dân và bước vào quán bún chả ở đường Lê Văn Hưu, Hà Nội. Ảnh: Việt Hùng
Quán bún chả Hương Liên trên phố Lê Văn Hưu là địa điểm mà ông chủ Nhà Trắng hướng tới. Quán đã hoạt động được khoảng 20 năm, được cư dân mạng đánh giá là có hương vị ngọt ngào và đậm đà của món ngon Hà Nội.
Quán ăn được mô tả là sạch sẽ, thoáng mát, không gian rộng và giá cả bình dân.
Với thâm niên trên 20 năm, quán Hương Liên là tiệm bún chả đắt khách quen thuộc với người dân quanh con phố Lê Văn Hưu. Quán bình dân song ưu điểm là sạch sẽ, tác phong phục vụ nhanh nhẹn chuyên nghiệp và đặc biệt, món ăn nơi đây giữ được hương vị đậm chất Hà Thành.
Tong thong Obama an bun cha o Ha Noi - Anh 3
Người dân háo hức đứng bên ngoài vòng kiểm soát an ninh để chờ gặp được tổng thống Mỹ. Ảnh: Việt Hùng
Bún chả Hương Liên hấp dẫn bởi những viên chả băm “đẫy đà”| mềm ngon, những miếng thịt nướng than hồng vừa tới hay vị ngọt nước mắm gia giảm rất dễ chịu, làm khách ăn một lần là phải gật gù, tấm tắc. Rất nhiều người tới quán có thói quen gọi suất bún chả là kèm thêm cái nem cua bể. Bởi nem cua bể vỏ bọc giòn tan bên ngoài, nhân mềm thơm phức dậy mùi bên trong cũng là món tủ của nơi đây.
Bún chả đúng là có mặt ở khắp các ngóc ngách Hà Nội, nhưng không phải tiệm nào cũng giữ được “cái chất truyền thống” mà lại biết cách phát triển đi lên như quán ăn bình dân này. Chẳng thế mà dù so với nhiều tiệm phổ biến, bún chả Hương Liên nhỉnh hơn về giá cả, khoảng 40 – 50k/suất nhưng vẫn được lòng thực khách.
Nhiều khách ruột thừa nhận, cứ cuối tuần hai vợ chồng được rảnh rang là phải đưa nhau ghé quán bún chả làm đôi suất cho đỡ nhớ. Hay không ít người, cứ mỗi khí có bạn bè phương xa tới Thủ đô là nhất định phải “mai mối” dẫn tới đây để nếm thử thế nào là “bún chả Hà Nội”.
Tong thong Obama an bun cha o Ha Noi - Anh 4
Chiếc xe được mệnh danh là "Quái thú" của tổng thống Mỹ đưa ông Obama tới quánbún chả. Ảnh: Việt Hùng
Trước đó, lúc 10h30 hôm 23/5, lễ đón Tổng thống Barack Obama diễn ra tại Phủ Chủ tịch. Sau lễ đón, ông hội đàm với Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Hai nhà lãnh đạo chứng kiến lễ ký kết nhiều văn kiện quan trọng. Trước khi tới Trung tâm Hội nghị Quốc gia để họp báo, người đứng đầu nước Mỹ thăm Nhà sàn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cho cá ăn.
Tại cuộc họp báo, ông Obama thông báo Mỹ sẽ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam. Sau đó ông dự tiệc chiêu đãi vào buổi trưa. Vào buổi chiều cùng ngày, ông hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và hội kiến Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Trong bài phát biểu tại cuộc họp báo chung với Chủ tịch nước Trần Đại Quang, ông Obama cho biết có thể sẽ thưởng thức món "cafe sữa đá", đồng thời nói rằng sẽ cùng vợ con đi du lịch Việt Nam sau khi ông nghỉ hưu.
Nhiếp ảnh gia của Nhà Trắng tháp tùng Tổng thống Obama sáng nay cũng chia sẻ trên mạng xã hội Instagram bức ảnh ông nhâm nhi ly cafe Việt Nam và tận hưởng không khí buổi sáng tại Hà Nội. Nhiều bình luận dưới bức ảnh mời các thành viên của phái đoàn Mỹ nếm thử các món ăn đặc sản khác của Việt Nam.

( Theo Zing )

Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2016

Nghe vợ chồng Tổng thống Barack Obama kể về cách nuôi dạy con

Dù Barack Obama là Tổng thống Mỹ còn Michelle được đánh giá là một “người mẹ toàn diện”, nhưng các nguyên tắc nuôi dạy con cái của nhà Obama vẫn “bình dân” như tất cả các gia đình khác. Nhưng những nguyên tắc đó là gì và liệu nó có hữu dụng với châu Á không? Chúng ta cùng xem nhé!
2 cô con gái của Obama phải tự dọn phòng dù nhà có người giúp việc
Năm nay, cô con gái đầu của vợ chồng tổng thống Obama là Malia đã ở vào tuổi 16, cao gần bằng bố, còn cô con gái thứ hai Natasha cũng đã 13 tuổi. Nhưng ít ai biết rằng, dù sống trong tòa nhà có rất nhiều người phục vụ nhưng hai cô con gái nhỏ của Tổng thống Mỹ đương nhiệm vẫn phải tự dọn phòng. Thậm chí, đôi khi cô con gái lớn Malia còn phải tự giặt là và chăm sóc chú chó cưng tên Bo của gia đình.
Được biết, Tất cả những điều này xuất phát từ phương pháp dạy con đặc biệt của vợ chồng Tổng thống khi nhận định: “Chúng tôi có những cuộc thảo luận thực sự về sống có trách nhiệm. Không thể cứ ỷ lại vào người khác khi bạn hoàn toàn có thể làm được. Chúng không ở mãi trong Nhà Trắng, chúng còn phải đi học đại học”.
Vợ chồng Tổng thống Barack Obama luôn dạy con rằng, dù sinh ra trong một hoàn cảnh đặc biệt nhưng điều đó không đảm bảo rằng chúng sẽ trở thành một người đặc biệt. (Ảnh: Xinhuanet)

Chỉ được xem tivi vào cuối tuần
Trong khi truyền hình đóng một vai trò quan trọng đối với các gia đình ở Mỹ thì gia đình Obama lại cố gắng xem ở mức tối thiểu. Vợ chồng Obama cũng không nuông chiều con. Ông bà biết cách làm sao để các con không hư hỏng khi được sống sung túc về vật chất.
Cụ thể, các ngày trong tuần các cô gái sẽ không được phép xem tivi hoặc ngồi vào máy tính, trừ khi có việc liên quan đến học tập. Vào cuối tuần, các cô gái sẽ được phép xem hoặc vào mạng nhưng với khoảng thời gian hạn chế.Vợ chồng Tổng thống Obama cũng thường xuyên đọc truyện cho con nghe. Cả hai đều cho rằng đọc truyện có tác dụng nâng cao khả năng nói và tư duy cho trẻ. Được biết, Obama từng đọc to cả 7 tập truyện “Harry Porter” cho các con nghe.
Sẽ sớm dừng trợ cấp cho con
Tổng thống Barack Obama cũng mong muốn hai công chúa của mình có thể tự kiếm tiền bằng nghề trông trẻ. Điều này có vẻ khá phi lý trong hoàn cảnh hiện tại của gia đình ông. Thế nhưng, nhà lãnh đạo cao nhất của nước Mỹ cho hay, đây chính là cách để ông dạy hai cô con gái về các khoản tiết kiệm, tiền lãi và cách quản lý tiền.
Mặc dù không tiết lộ số tiền bao nhiêu nhưng ông Obama khẳng định: “Điều mà tôi đang làm lúc này với Malia và Sasha là cho 2 bé tiền tiêu vặt. Nhưng 2 cô con gái của tôi cũng sắp đủ tuổi để có thể kiếm tiền bằng nghề trông trẻ. Hai bé phải có tiền tiết kiệm riêng. Điều mà tôi đang cố gắng giải thích với bọn trẻ là các định nghĩa cơ bản về tiết kiệm và lãi suất. Nếu 2 bé giữ 100 USD trong tài khoản ngân hàng với lãi suất 2-3% trong 6 tháng thì chúng sẽ nhận được khoản tiền lớn hơn vào cuối kỳ”.
Ngay khi thông tin này được chia sẻ, cư dân mạng đã không ngớt lời bàn tán. Họ cho rằng, dịch vụ trông trẻ của các tiểu thư Nhà Trắng chắn chắn sẽ rất “đắt hàng” khi nghĩ, con cái của những ông bố bà mẹ này không chỉ được hưởng lây “tiếng thơm” mà còn được mật vụ Mỹ bảo vệ khi họ tháp tùng các tiểu thư Nhà Trắng.
Vợ chồng Tổng thống Barack Obama luôn cố gắng thu xếp để hôm nào cũng có thể ăn tối cùng các con. (Ảnh: Flickr)

Không áp đặt suy nghĩ lên các con
Là những người đề cao bình đẳng giới, vợ chồng ông Obama cho rằng, gia đình, nhà trường và xã hội cần giúp mỗi đứa trẻ, đặc biệt các bé gái, ở tuổi mới lớn nhận ra giá trị đích thực của bản thân. Ông muốn thế hệ trẻ cảm thấy họ được đánh giá dựa trên tài năng, khả năng cạnh tranh và lòng thương người chứ không nhờ vào ngoại hình hay giới tính.
Tổng thống Obama cũng thường xuyên trao đổi với con về những giá trị mà họ nên tiếp thu. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng bố mẹ không nên áp đặt suy nghĩ lên con cái mà nên hướng dẫn họ nhận thức đúng. Công việc thực sự của các bậc phụ huynh là cho phép con đứa ra những quyết định đúng đắn.
Dành thời gian để ăn tối và nói chuyện cùng 2 cô con gái
Trong gia đình Tổng thống Obama, có một nguyên tắc quan trọng là, cứ 18h30, hai vợ chồng sẽ cùng ăn tối với các con, nếu không có việc đột xuất hay phải đi công tác. “Chúng tôi ngồi xuống chiếc bàn nhỏ trong bếp và dành thời gian ăn tối, trò chuyện cùng nhau. Đó luôn là khoảng thời gian được ưu tiên nhất“, Michelle Obama nói.
Bà cho rằng, trong các gia đình, dù bố mẹ đang làm gì hay kiếm được bao nhiêu tiền hoặc chẳng kiếm được gì, việc ngồi bên nhau trong bữa ăn tối là vô cùng quan trọng nhưng điều này lại bị nhiều người xem nhẹ. “Xã hội đã đẩy chúng ta vào một hướng rất khác vì bố mẹ quá bận rộn. Tivi có ở khắp nơi và nhiều trò tiêu khiển kéo gia đình ra khỏi những điều cơ bản này. Thật đáng tiếc”, Michelle chia sẻ.
Tổng thống Barack Obama và vợ cũng luôn cố gắng làm gương để các con học theo và phấn đấu. (Ảnh: Pinterest)

Đưa ra lời khuyên cho con gái trong việc chọn bạn trai
Tổng thống Obama bật mí rằng, ông cho phép con gái hẹn hò nhưng có lẽ bất kỳ cậu bạn trai nào của con gái ông cũng phải đối mặt với sự dò xét của nhân viên đặc vụ Mỹ. Tuy nhiên, ông Obama cũng đưa ra lời khuyên hết sức thú vị cho hai cô con gái trong việc lựa chọn bạn trai. “Tôi nói với các con gái rằng, một người đàn ông tốt là người tôn trọng bạn”. Đồng thời, ông cũng bày tỏ sự tin tưởng tuyệt đối của mình đối với hai cô con gái qua lời khen ngợi: “Hai cô bé của tôi rất tuyệt. Chúng đang lớn rất nhanh và rất khôn ngoan”. Còn với bà Michelle, bà luôn sử dụng từ “bình thường” khi nói về các con. Bà cho biết: “Tôi muốn chúng là những đứa trẻ bình thường, sống khiêm nhường và đối xử tôn trọng với mọi người”.
Làm gương cho con
Lối sống của ông bà rất mẫu mực. Họ thường dạy vào lúc 5 rưỡi sáng và riêng bà Michelle Obama đi ngủ từ khá sớm lúc 9 giờ tối. Ngay sau khi ngủ dậy, ông bà tới phòng tập trong khuôn viên nhà trắng để tập thể thao. Bà Michelle Obama cho biết, dù bận tới đâu thì ông bà vẫn tập luyện thể dục đều đặn.
Bí quyết nuôi dạy con của gia đình Obama chỉ đơn giản là: Hãy làm gương cho con. “Tôi muốn các con tôi lớn lên và nhìn thấy hình ảnh của một bà mẹ luôn tự biết cách chăm sóc cho bản thân bởi vì mẹ tôi là người phụ nữ không làm được điều đó. Mẹ tôi là tuýp phụ nữ truyền thống, bà ở nhà làm việc và không bao giờ đến tiệm uốn tóc”.
(Ảnh: Gettyimages)
Đồng thời, phu nhân của Tổng thống Obama cũng luôn muốn các con thấy bà trong hình ảnh tốt đẹp nhất để lấy đó là hình mẫu để vươn tới và liên tục nhắc nhở 2 cô con gái rằng, việc lớn lên trong một hoàn cảnh đặc biệt không khiến họ trở thành người đặc biệt.
Thanh Phong (tổng hợp) / ĐKN

Báo Mỹ nói gì về chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama?



Chuyến đi thăm Việt Nam của Tổng thống Obama vào tuần tới đã khiến giới truyền thông Mỹ chú ý nhiều hơn tới các vấn đề trong quan hệ Việt-Mỹ.
Một số tờ báo có uy tín đã đăng bài xã luận nói lên quan điểm của họ về ý nghĩa của chuyến đi thăm Việt Nam, về vấn đề Tổng thống Obama nên đề cập những đề tài gì với giới lãnh đạo Hà Nội.
Báo New York Times số ra ngày 15/5 nói rằng trong khi đối với Tổng Thống Obama, chuyến đi này là một cơ hội để củng cố chính sách xoay trục sang Châu Á, và tăng cường quan hệ kinh tế và an ninh với Việt Nam, một quốc gia đang ngày càng đóng một vai trò quan trọng hơn trong khu vực, thì những hình ảnh quanh chuyến đi sẽ gợi nhớ lại thời kỳ chiến tranh và khơi lại những vết thương chưa lành đối với các chiến binh Mỹ từng chiến đấu tại Việt Nam, trong đó có cựu Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel.
Tờ báo dẫn lời ông Chuck Hagel nói rằng ông đang chuẩn bị tinh thần để trực diện với những hình ảnh và những bài báo sẽ khơi lại những ký ức đau thương của thời chiến. Ông Hagel phục vụ 1 năm tại Việt Nam và cho rằng thời gian 12 tháng đó đã trở thành một thời kỳ quyết định trong cuộc sống của ông, và là một yếu tố trong mọi hành động của ông trong cương vị là một Thượng nghị sĩ và sau này một Bộ trưởng trong nội các.
Ông Hagel nói trong một cuộc phỏng vấn rằng hãy còn những “bóng ma của chiến tranh” sau hơn 40 năm từ khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, và cuộc chiến vẫn gây nhiều tranh cãi về Việt Nam tại Hoa Kỳ.
Đối với một số cựu chiến binh khác, chuyến đi của Ông Obama là một cơ hội để nhắc nhở rằng đã hai thế hệ người Mỹ lớn lên từ sau cuộc chiến, và nên bỏ lại sau lưng những vấn đề của quá khứ.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, trong chuyến đi này, Tổng Thống Obama có phần chắc sẽ hướng về tương lai nhiều hơn là quá khứ, ông sẽ đề cập tới Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, ca ngợi sự hợp tác giữa hai nước về vấn đề dọn sạch những tàn tích của chất độc Da Cam, một trong những vấn đề quan trọng đối với Việt Nam.
Nhưng nhiều cựu chiến binh như ông Bobby Muller, một cựu chiến binh bị thương tật và sau đó trở thành một nhà hoạt động phản chiến, vẫn bày tỏ giận dữ đối với hai nhà cựu lãnh đạo Mỹ thời chiến là Tổng Thống Richard Nixon và cố vấn thân cận nhất của ông Nixon là Henry Kissinger.
Một trong những vấn đề khúc mắc trong mối quan hệ hai bên là niềm tin nơi một số cựu chiến binh Mỹ, rằng hiện vẫn còn một số quân nhân Mỹ bị cầm giữ tại Việt Nam. trong một cuộc họp tại Tòa Bạch Ốc hôm thứ Sáu vừa rồi, một số tổ chức cựu chiến binh đòi Tổng Thống Obama phải nêu câu hỏi trực tiếp với giới lãnh đạo Việt Nam, liệu có còn tù binh Mỹ còn sống ở Việt Nam hay không?
Một trong các vấn đề gây tranh cãi khác, là vấn đề bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.
Tờ Washington Post hôm 13/5 đăng một bài báo với hàng tít "Ông Obama nên nói gì ở Việt Nam?” nói rằng trong khi tháo bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam là một bước hợp lý trong bối cảnh cuộc đối đầu với Trung Quốc ở Biển Đông, Tổng Thống Obama cần nhấn mạnh phải có những cải thiện thực sự về nhân quyền trước khi tiến hành với việc này.
Theo tờ báo, Việt Nam còn cần phải sửa đổi một số điều khoản trong Bộ Luật Hình sự Việt Nam vẫn được sử dụng để bắt bớ, bỏ tù nhiều blogger, nhà báo và các nhà hoạt động dân chủ khác.

Washington Post cũng yêu cầu Tổng Thống Obama gặp gỡ một số nhà hoạt động đang bị sách nhiễu, đòi Hà Nội phải trả tự do cho Hoà Thượng Thích Quảng Độ, nhà lãnh đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, mới đây đã viết một lá thư gửi tới Tổng Thống Obama yêu cầu ông hãy “lên tiếng cho hàng ngàn người Việt Nam” đang bị trừng phạt vì đòi quyền tự do tôn giáo, dân chủ và nhân quyền.
Những gì nhà lãnh đạo Mỹ nói về vấn đề này, theo tờ báo là quan trọng, bởi vì Việt Nam không thể chỉ nhận mà không phải trả bất cứ giá nào.  
Bài xã luận của báo New York Times hôm 14/5 nói “Hãy còn quá sớm để tháo bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam” với những lập luận tương tự. Bài xã luận nói rằng Tổng Thống Obama không nên cảm thấy bị buộc phải thoả mãn tất cả những đòi hỏi của chính quyền độc tài ở Việt Nam, mà phải cân nhắc và bảo đảm Việt Nam phải có những bước đáng tin cậy để giải quyết những hành động  đàn áp nhân quyền.
Bài xã luận nói nếu Tổng Thống Obama tháo gỡ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, thì quốc hội nên thận trọng hơn. Giấy phép bán vũ khí cho Việt Nam phải được quyết định trên căn bản từng trường hợp một, như đối với tất cả các nước khác.