Như đã giới thiệu, cuối tháng 2 vừa rồi, một nhóm cựu học sinh trường Thiếu nhi Việt Nam (1953-1958), gồm 15 cụ tuổi đời đều trên dưới 70, đã tổ chức Hành hương lên chiến trường xưa thuộc 2 tỉnh biên giới phía Bắc là Cao Bằng và Lạng Sơn, nơi 35 về trước, cũng vào tháng 2 đã diễn ra cuộc chiến đấu vô cùng anh dũng của quân và dân ta chống lai quân xâm lược Trung Quốc. Bài ghi chép sau đây của TSKH Trần Xuân Hoài, một cựu học sinh trường "Quế Lâm dục tài học hiệu"phản ánh suy nghĩ chung của tất cả các bạn cùng trang lứa từng sống và học tập 1 thời gian trong sự đùm bọc của nhân dân Trung Hoa thời ấy cũng vừa được giải phóng .
Tác giả : TS Trần Xuân Hoài |
Ghi chép của Xuân Hoài
Mông mênh miền biên giới
Rầu rầu nghẹn tiếc thương
Lom khom nấm mộ cỏ
Rõi rõi theo dọc đường
(Thơ Song Thu)
Ngồi trước màn hình , nhiều cảm
xúc quá , mãi mà chưa biết bắt đầu viết về chuyến hành hương như thế
nào thì nhận được email của Song Thu : “… anh vào Blog em đọc thơ thẩn của em nhé!”. Bài thơ dài man mác, các bạn vào “Hoa sim tím” mà đọc nguyên văn. Với tôi , chỉ hai mươi chữ này thôi , đã đủ lay động lòng người, đã nói giùm cả con đường biên giới mông mênh, chứ không phải mênh mông
đâu, mênh mông là trời biển kia…còn đây là con đường biên giới len lỏi
giũa những đèo cao,vực sâu , khe núi hẹp , lên rồi lại xuống mông mênh,
bồng bềnh trên mây ngàn , dập dình theo bánh xe lăn , chênh vênh như
lòng người hành hương lên ải bắc mù sương. Ai đó lại hỏi , sao lại nói
là lên ải Bắc. Đúng quá bạn ơi. Đích đến hôm nay là Cao Bằng.
Thành lũy ở Cao Bằng đã từng là hoàng cung của một quốc gia. Nhiều giả
thuyết cho rằng Cao Bình xưa đã từng là cố đô của Thục Phán nước Âu
Việt- về sau hợp nhất với Lạc Việt của Vua Hùng ,thành An Dương Vương,
vua nước Âu Lạc, thiên đô về Cổ loa. Đến đời nhà Lý năm 1038 Nông Tồn
Phúc cát cứ vùng này, xưng đế hiệu, đặt tên nước là Trường Sinh. Năm
sau, vua Lý Thái Tông thân chinh dẹp yên, nhưng
đến năm 1041 con Nông Tồn Phúc là Nông Trí Cao lại dấy binh, đặt tên
nước là Đại Lịch, vua Lý Thái Tông sai tướng lên đánh bắt được đem về
Thăng Long, rồi dùng chính sách chiêu an tha cho về phong làm Quảng
Nguyên mục, sau gia phong tước Thái Bảo. Năm 1048 Nông Trí Cao xưng là
Nhân Huệ hoàng đế, đặt quốc hiệu Đại Nam, đem quân sang đánh nước Tàu,
chiếm 8 châu ở Quảng Đông, Quảng Tây, nhà Tống phải cử tướng Địch Thanh
thảo phạt. Bị thất bại, Nông Trí Cao chạy trốn sang nước Đại Lý và bị
bắt giết. Hơn bốn trăm năm sau, Nhà Mạc bị nhà Lê đánh đuổi cũng rút lên
đây, nhà Mạc lập cung điện tại Gò Long trong thành Nà Lữ của Nông Trí
Cao. Năm 1594, Mạc Ngọc Liễn chiếm giữ Vạn Ninh, trước khi chết để di
chúc cho Mạc Kính Cung: "Nay vận khí nhà Mạc đã hết, họ Lê lại phục
hưng, đó là số trời, dân ta vô tội mà để phải mắc nợ binh đao, sao lại
nỡ thế. …Lại chớ nên mời người Minh vào trong nước ta mà để dân ta phải
lầm than đau khổ, đó cũng là tội lớn không gì nặng bằng" (theo Đại Việt
sử ký toàn thư - NXB VHTT năm 2000, tập 3, trang 294). Đại Việt và vùng
Cao Bằng bất đắc dĩ đã là hai quốc gia, nên quân lính Việt lên Cao bằng
là lên nơi biên ải, có câu ca não nuột khi anh lính chia tay vợ con: Con cò lặn lội bờ sông/Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non/Nàng về nuôi cái cùng con/Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng.
Đoàn 15 cựu học sinh LSQL từ K3 đến K6 hành hương biên giới trực chỉ Cao Bằng theo cao tốc Hà nội –Thái Nguyên, chưa đầy 2 tiếng đồng hồ , đã đến ngã ba Bờ Đậu, nhanh quá khiến cho Cụ Khoa Phi ,
người 35 năm 6 tháng đã lăn lộn dâng cả cuộc đời trai trẻ cho Gang thép
Thái Nguyên chưa kịp chỉ dẫn hết các địa danh lịch sử thủ đô kháng
chiến vừa đi qua , những bi hài của Khu Gang thép đầu tiên lớn nhất VN
với sản lượng đâu như chỉ 0,2 triệu tấn/năm và cuộc đời một kỹ sư Gang
Thép. Bánh chưng Bờ Đậu không biết
vì sao lại nổi danh như cồn , nay mới được dịp kiểm chứng. Quả thực
danh bất hư truyền, dù vừa no nê bánh chưng tết Giáp Ngọ ,thế mà chiếc
bánh chưng gọn gàng bằng ¼ bánh chưng tết , thơm lừng đã hấp dẫn tôi vô
kể, khiến không thể không thưởng thức. Ngon hơn Hà nội là cái chắc! Các
chị đã nhanh chóng gói ghém, thu gom mấy cái bánh chưng để dự phòng cho
chuyến đi, là một “bằng chứng khách quan”. Nhưng cũng phải nói thêm là
bánh giò Bờ Đậu thì không thể sánh với bánh giò Hà nội nóng hổi , nhất
là thưởng thức vào những đêm đông lạnh giá !
Thái Nguyên-Bắc Kạn đường số 3 hẹp lại, không còn cao tốc nữa,
chạy dài theo ký ức. Đa phần trong chúng ta 60 năm trước đều đã ở đây,
qua đây , hoặc để lên Cao bằng qua biên giới sang Tâm Hư KHX rồi sau lên
Quế Lâm , hoặc để sang Lạng sơn qua Bằng Tường. Ít nhất thì ai cũng đã
thuộc lòng những địa danh Than Phấn Mễ, Thiếc Cao Bằng/Phố phường như nấm như măng giưa trời (Việt
Bắc). Lần lượt qua những địa danh Quán triều, Phấn mễ, Phú Lương, đến
Cầu Chợ Mới là biên giới Thái Nguyên –Bắc Kạn. Anh bạn Nguyễn Bá Tuân (K4) từ Tây ninh ra , đã cẩn thận ghi lại một CD những
bài ca TQ thân quen thời Dục Tài Học Hiệu. Thế là những giai điệu ”Mặt
trời không lặn trên thảo nguyên” hay “xung chiu chiu , xi oang oảng…”
của bài Kháng Mỹ Viện Triều vang lên trên xe, khiến hồi ức trở lại 60
năm trước , vô tư và trong sáng biết bao, làm rút ngắn đường dài. Phút
chốc 80 km Thái Nguyên-Bắc Kạn đã hết, cả đoàn dừng lại ghé thăm thị
trấn, à quên, TP miền núi mà ngày xưa nhiều kẻ trong hội ta từng trú ngụ
hoặc đi qua. Đây cũng là nơi mà sáng 7-10-1947 Pháp nhảy dù xuống để
mưu tóm gọn Chính phủ Kháng chiến. Chuyện kể rằng :Một tên đội tây lai
bỗng nhào vào đám đông dân mắc nạn, vỗ vai một ông cụ có bộ râu thưa,
trông rất chững chạc, rồi ngẩng mặt lên trời cười hô hố:
- Oh! Monsieur le President! (Ồ! Ngài Chủ tịch!)
Ngày 8-10-1947, ngay sau khi được tin ‘“đã bắt gọn Chính phủ Hồ Chí Minh”, Bô-la, Cao ủy Pháp ở Đông Dương, lập tức từ Sài Gòn bay ra Hà Nội. Vừa bước xuống sân bay Gia Lâm, không để y nói lời chúc tụng binh sĩ, Xa-lăng đã báo cáo:
- Chúng tôi... chúng ta đã bị lầm.
- Oh! Monsieur le President! (Ồ! Ngài Chủ tịch!)
Ngày 8-10-1947, ngay sau khi được tin ‘“đã bắt gọn Chính phủ Hồ Chí Minh”, Bô-la, Cao ủy Pháp ở Đông Dương, lập tức từ Sài Gòn bay ra Hà Nội. Vừa bước xuống sân bay Gia Lâm, không để y nói lời chúc tụng binh sĩ, Xa-lăng đã báo cáo:
- Chúng tôi... chúng ta đã bị lầm.
Người mà quân Pháp nhầm tưởng là Chủ tịch Hồ Chí Minh là cụ Nguyễn Văn
Tố, lúc đó là Trưởng ban thường trực Quốc hội (khóa 1). Khi biết không
phải là Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân Pháp đã bắn chết cụ Nguyễn Văn Tố. Cụ
là nhà lãnh đạo cao nhất của Nhà nước ta hy sinh trong chiến dịch Thu
Đông năm 1947.
Vũ Thu Giang ( Song Thu) em bé bên trái và bây giờ |
Đền Kỳ Sầm được xây dựng từ thế kỷ XII thời nhà Lý. Đền nằm ở xã
Tượng Cần, thuộc tổng Kim Pha, huyện Thạch Lâm ( nay là xóm Bản Ngần, xã
Vĩnh Quang, huyện Hòa An). Đền được xây bởi công sức đóng góp của
người dân vùng Châu Quảng Nguyên ( bao hàm cả Cao Bằng, Lạng Sơn và một phần Hà Giang ngày nay) để thờ nhân vật lịch sử Nùng Trí Cao (1025 – 1055-Còn gọi là Nông Trí Cao), người dân tộc Nùng, liên quan đến sự nghiệp mở mang bờ cõi và dựng nước của vua Lý Thái Tông nước ta, chống lại vua Tống Nhân Tông của Trung Quốc.
Ấn tượng mạnh từ xa vào là cụm 3 cây đại thụ tạo một vòm lá xanh uy
nghiêm, vừa linh thiêng vừa gần gũi. Nằm chính giữa là cây gạo đường
kính trên 1m, thân thẳng như cây cột chống đỡ một cành đa lớn. Tán đa
tỏa rộng sân đền, rất ít rễ phụ, nhưng hùng vĩ, bề thế. Phía bên kia là
cây muỗm, đường kính có thể tới gần 2 mét. Mỗi cây một vẻ, nhưng tán lá
chụm lại, cành giao nhau thành một thể thống nhất. Cùng với một cây muỗm
phía trước và một cây lim hùng vĩ phía sau, tổ hợp cây Đa – Muỗm – Gạo – Lim Đền Kỳ Sầm Cao Bằng ,dễ có tuổi đời trên 500 năm. Đến gần xem, Hồ Uy Liêm phát
hiện ra ngay biển hiệu “cây di sản Việt nam” của tổ chức VACNE (HỘI BẢO
VỆ THIÊN NHIÊN VÀ MÔI TRƯỜNG VIỆT NAM) , một đơn vị một thời nằm dưới
quyền lãnh đạo của ông (nay là cựu) PCT kiêm Tổng Thư ký LHCHKHKTVN Hồ
Uy Liêm , người đang đứng cạnh tôi lúc này! Cụ trưởng lão T.B.Phiến và
tôi vào sâu trong đền, thăm thú , đọc các văn bia câu đối. Có lẽ chỉ có
hai câu đối trong hậu điện là có vẻ có từ thời xưa :
帝業未成人已老 Đế nghiệp vị thành nhân dĩ lão
王封甲錫國同休 Vương phong giáp tích quốc đồng hưu
Các cụ (như Thế Long chẳng hạn) xin dịch giùm, còn tôi tạm dịch
(bịa) như sau: Nghiệp đế chửa thành (mà) thân đã lão (già), Vua phong
tột mức (mà) nước (nhà) đều (phải) buông (xuôi). Thật là những lời than
ai oán cho người anh hùng Họ Nông , một thuở ngang trời dọc đất!
Trên đường vào thành phố, cũng định đi thăm vài dấu tích cuộc chiến 79 ở
quanh TP Cao Bằng, nhưng người dân nói rằng các nơi liệt sĩ ngã xuống
nay đều không dễ tìm hoặc có chỗ còn mồ LS thì đã bị xây bịt lối không
ai vào được. Thôi đành về KS để ngày mai đi dọc biên giới thắp hương
vậy.
Về KS Phong Lan ở trung tâm TP Cao bằng. Vừa nhận xong phòng , cất đồ đạc , trong nháy mắt hai anh bạn K4 là Nguyễn Bá Tuân , Ngô Chí Hưng
đã thoắt biến mất dạng, mãi đến tối đi ăn vẫn chưa thấy tăm hơi. Khi đi
trên xe, mọi người kháo nhau, con gái Cao Bằng vốn là hậu duệ của các
cung tần mỹ nữ triều Mạc ngày xưa, dáng người thắt đáy lưng ong, da như
trứng gà bóc , nhất là con gái Nước Hai, chân dài thành thị khó mà đọ
nổi. Nghi ngờ lắm… Hai anh bạn này biến đi đâu ? Mời xem tiếp kỳ sau ….
---------------------------------------------
Ảnh trong bài của tác giả Trần Xuân Hoài
Ảnh trong bài của tác giả Trần Xuân Hoài
Xin mời đọc các Comments tại Blog lusonquelam.blogspot.com
Tôi đã đặt Liên kết với trang mạng xã hội facebook để giới thiệu rộng rãi hơn với người đọc ký sự này của Xuân Hoài .
Trả lờiXóa