Chủ Nhật, 1 tháng 10, 2017

NHỚ MÃI BS ĐẶNG HẢI ĐƯỜNG

Cựu HS LS.QL đón BS Đặng vào thăm Tp.HCM
Mỗi khi nhớ về thời thơ ấu, nhớ về những năm chiến tranh chống thực dân Pháp, phải sống xa gia đình, xa Tổ quốc, anh chị em cựu HS Trường TNVN/Lư Sơn-Quế Lâm (1953-1957) không bao giờ quên nhắc đến cái tên của 1 người thầy thuốc Trung Quốc : Bác sĩ Đặng (Tên đầy đủ là BS Đặng Hải Đường). Thời ấy cách đây đã hơn 60 năm, thế nhưng trí nhớ của hơn 1.000 HS từ Lớp Vỡ Lòng đến Lớp 6, (tuổi từ 7 đến 16) đến bây giờ còn in đậm từng chi tiết về cái lần BS Đăng cứu sống một cách "huyền thoại" bạn Hồ Sĩ Tá (HS Lớp 1) khi đi chơi thuyền bị ngã xuống hồ nước , tim đã ngừng đập !
Không chỉ 1 lần cứu sống HS Việt Nam bằng chính máu thịt mình, BS Đặng còn là người thầy thuốc tận tụy yêu thương săn sóc, chữa bệnh cho chúng tôi, khi chúng tôi đau ốm phải nằm bệnh xá. Với chuyên môn, Bà là 1 BS giỏi. Với bệnh nhi VN, Bà là "Mẹ hiền". Với đất nước bà, bà xứng đáng đại diện cho số đông người Trung Hoa tử tế . Với Việt Nam, Bà là người "hàng xóm" chân tình !
Sau ngày VN thống nhất, BS Đặng Hải Đường đã 2 lần được Bộ Giáo dục ta mời sang thăm Việt Nam. Bà được nhà nước VN tặng thưởng Huân chương Lao Động. Và kỷ niệm sâu sắc nhất là đã 1 lần Bà được vinh hạnh gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh .
BS Đặng Hải Đường định cư ở Úc và mất năm 2013.
Hồi ký của bạn Trần Kháng Chiến, cựu HS Lớp Vở Lòng A, Trường TNVN/LSQL sau đây, có đoạn kể về BS Đặng Hải Đường .
Thầy giáo và cựu HS đón BS Đặng ở sân bay Tân Sơn Nhất

BS Đặng Hải Đường mất ngày 20/8/2013 tại Úc, hưởng thọ 85 tuổi
( Giấy báo tử do gia đình BS Đặng cung cấp)

"......BS Đặng Hải Đường sinh 1927 tại Tứ Xuyên, trong một gia đình trí thức, thủa nhỏ bà học rất giỏi, luôn dẫn đầu toàn khối. Năm 1949 khi cuộc nội chiến ở Trung Quốc kết thúc, nước Trung Hoa mới ra đời, bà theo gia đình đến Nam Xương tỉnh Giang Tây. Bà thi đỗ vào trường Đại học Y. Năm 1953 bà tốt nghiệp loại ưu, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Trung Quốc. Sau khi nhận bằng Bác sĩ bà xung phong sang Triều Tiên “Kháng Mỹ viện Triều”, nhưng theo yêu cầu, bà lại được phân công về nhận nhiệm vụ tại Lư Sơn tử đệ học hiệu. Tại đây bà cùng một số y tá, dược tá thành lập bệnh xá chăm lo sức khỏe cho hơn 1.000 giáo viên, cán bộ, học sinh Việt Nam. Khi trường rời từ Lư Sơn về Quế Lâm, BS Đặng cũng theo về và bà chính là người phụ trách chăm lo sức khỏe cho chúng ta từ ngày trường thành lập đến khi giải thể. Các giáo viên và học sinh Việt Nam về nước hết, BS Đặng ở lại Quế Lâm làm việc cho đến khi nghỉ hưu. Do những đóng góp xuất sắc của bà trong thời gian phục vụ ở Trường Thiếu nhi Việt Nam Quế Lâm, bà được Nhà nước Trung Hoa tặng danh hiệu Thầy thuốc Công huân (một danh hiệu cao quý) và Chính phủ ta tặng bà Huân chương Lao Động. Năm 1990 bà nghỉ hưu, nhưng nhận làm hợp đồng cho bệnh viện Nhân dân số II với mức lương tháng 3.000 Nhân dân tệ. BS Đặng lập gia đình năm 1960, có hai người con, một trai, một gái. Người con gái cả sống và làm việc ở Quế Lâm, người con trai là Tiến sĩ, định cư ở Úc. Đầu năm 2001 bà sang Úc ở với con trai. Đối với Việt Nam, BS Đặng có một kỷ niệm rất thiêng liêng liên quan đến dịp Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi Người sang nghỉ tại Quế Lâm vào tháng 5/1961. Như chúng ta đều biết Quế Lâm là một trong những địa phương của Trung Quốc gắn bó với một giai đoạn hoạt động CM của Bác Hồ. Chính ở đây từ 1937 - 1940 Bác đã tham gia cuộc kháng Nhật của nhân dân Trung Quốc. Bác muốn nhân dịp này đề nghị Thành uỷ Quế Lâm tổ chức cho Bác gặp gỡ những bạn chiến đấu cũ để cám ơn họ về sự giúp đỡ đối với CMVN. BS Đặng cũng có tên trong danh sách được đi gặp Bác Hồ. Bà xúc động kể: “Hôm ấy tôi đang làm việc tại BV thì người của Thành ủy Tp.Quế lâm đánh xe hơi đến báo cho tôi biết: tôi được ra sân bay Quế Lâm dự cuộc gặp gỡ với Chủ tịch Hồ Chí Minh trước khi người rời Trung Quốc về nước! Đến Thành uỷ xe đón thêm 6, 7 đồng chí nữa. Qua lời giới thiệu tôi biết tất cả các đồng chí này đều đã từng làm việc ở Việt Nam, có đóng góp nhiều cho CMVN. Tôi càng thấy vinh dự và xúc động vô cùng! Ngồi trên xe ra sân bay Quế Lâm mà trong lòng lâng lâng như đang trong trong giấc mơ!
Chúng tôi chờ Bác Hồ ở trong phòng khách đặc biệt độ 20 phút thì Người đến Mặc dù đã được nghe kể, được đọc sách báo nói nhiều về đức tính giản dị, gần gũi nhân dân của Bác Hồ, nhưng khi Người xuất hiện tất cả chúng tôi đều quá ngỡ ngàng! Bác Hồ ân cần vui vẻ bắt tay chúng tôi, Bác hỏi thăm từng người và nhắc đi nhắc lại bằng tiếng Trung Quốc: “Xin lỗi các đồng chí, vì đã để các đồng chí phải chờ!”. Vì chỉ có tôi là phụ nữ nên Bác dừng lại hỏi thăm riêng. Đồng chí Bí thư Thành uỷ Quế Lâm được dịp “khoe” thành tích của tôi khi làm việc ở Trường Thiếu nhi Việt Nam Lư Sơn - Quế Lâm từ năm 1953 đến hết 1957. Chủ tịch Hồ Chí Minh chăm chú lắng nghe rồi Người nói, đại ý: Tôi thay mặt nhân dân VN, thay mặt gia đình các cháu học sinh Việt Nam cám ơn đồng chí, cám ơn tập thể cán bộ y tế Trung Quốc đã chăm sóc chu đáo cho con em chúng tôi… Cuộc gặp gỡ với Bác Hồ lần ấy chỉ diễn ra trong vòng 30 phút, nhưng đối với tôi, đó là những giây phút cảm động, hạnh phúc nhất trong đời. Khi Hồ Chủ tịch lên máy bay, mọi người ào ra tận đường băng tiễn Người. Khi đến cửa máy bay Hồ Chủ tịch quay lại phía chúng tôi, Người nắm hai bàn tay vào nhau, chắp trước ngực, lắc lắc chào từ biệt mọi người theo kiểu của người Trung Quốc. Từ giây phút ấy tôi giữ mãi trong tim hình ảnh vị lãnh tụ anh minh của nhân dân VN, người bạn lớn của nhân dân Trung Quốc! Tôi luôn luôn tự nhủ: vinh dự này là vinh dự chung của tập thể anh chị em cán bộ Bệnh xá trường ta, tôi chỉ là người đại diện đón nhận vinh dự đó”…
Lan man chuyện xưa BS Đặng lại chuyển sang chuyện nay lúc nào không biết! Giọng bà trầm hẳn xuống khi nói đến thời kỳ Trung Quốc tiến hành Cách mạng văn hoá, không ít cán bộ trường Lư Sơn - Quế Lâm - KHX Nam Ninh, trong đó có bà, phải gánh chịu khó khăn. Rồi thời kỳ đụng độ biên giới, đêm đêm bà đau lòng nhìn những đoàn xe quân sự gắn ngôi sao “Bát nhất” chạy về hướng Hữu Nghị quan… Bà nói: “Chuyện Quốc gia đại sự là chuyện của những người cầm quyền. Nhân dân 2 nước Trung - Việt mãi mãi là anh em…”. Chúng tôi hát vang bài ca Chào Quế Lâm để tặng người Thày thuốc Trung Hoa mà chúng ta từng coi là Người mẹ thứ 2 của mình!   ...
( Trích trong Hồi Ký "Ngược dòng ký ức", Xuất bản 4/2017)