Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2018

THẾ HỆ THỨ 3 . Bài viết của Trương Huy San (Huy Đức). ST trên MXH- Tham khảo.

THẾ HỆ THỨ 3


Tác giả : Trương Huy San
(Tham khảo- Sưu tầm trên MXH)

BCT giới thiệu nhân sự quy hoạch hai năm trước đại hội là một cách làm mới nhưng để kết quả không như cũ thì Đảng phải công khai ngay danh sách cho dân giám sát.

Nếu “nhà nước thực sự là của dân” như Đảng tuyên bố thì nhân sự không phải là công việc nội bộ của Đảng. Phần lớn trong 200 con người được quy hoạch đó đang hoặc sẽ nắm giữ những quyền lực then chốt nhất của nhân dân. Nên nhớ là những Nguyễn Tấn Dũng, Trần Đại Quang, Đinh La Thăng, Tất Thành Cang… đều được quy hoạch từ rất sớm.

Nhưng bản chất của “quy hoạch” vẫn là sự lựa chọn của các bậc cha chú. Ông Võ Văn Kiệt thường nói, “Lãnh đạo phải hơn người khác một cái đầu; nhưng khi không hơn người khác, họ thường có khuynh hướng chọn người kém mình một cái đầu”. Bộ máy cũ không những đẻ ra chính nó mà còn đẻ ra một thế hệ kế tục kém xa hơn nó. Đó là kết quả sinh sản của những cuộc hôn nhân cận huyết.

Hơn 70 năm qua đã có 3 thế hệ nắm quyền, cả ba thế hệ đều không có vai trò của dân thông qua những thiết chế thực quyền.

Thế hệ các bậc “công thần khai chế độ”, bao gồm những người cho dù xuất thân là vô sản, giang hồ hay trí thức, thì cũng đều là những người có khát vọng. Lựa chọn của họ có thể quăng quật đất nước qua biết bao tao loạn nhưng tham vọng của họ không tủn mủn như vàng bạc hay chức tước cho vợ con. Họ biết chuẩn bị một thế hệ kế tục “con đường” của mình.

Thế hệ được lựa chọn này có thể tính từ Phan Văn Khải, Nguyễn Đình Lộc, Đậu Ngọc Xuân… và những người tiếp theo như Đỗ Quốc Sam, Vũ Khoan, Trần Xuân Giá, Võ Hồng Phúc… Họ hoặc là có nguồn gốc trí thức hoặc được Đảng cho ăn học nhưng vẫn mang khí chất của những người trí thức.

Cho dù được chuẩn bị để “kế tục sự nghiệp”, nhưng khi họ cầm quyền cũng là khi Liên Xô sụp đổ. Nhiều người trong số họ tự giải phóng đầu óc mình ra khỏi tình trạng “bị cầm tù trong sự giáo điều”. Dù nhiều người không hẳn là liêm khiết, khí chất kẻ sỹ vẫn giúp họ đặt khát vọng quốc gia, dân tộc cao hơn lợi ích cá nhân. Chính họ nhìn thấy sự lầm than chủ yếu vì “lỗi hệ thống” chứ không đổ cho chiến tranh, chia cắt.

Họ khôn ngoan cài cắm các khái niệm tích cực vào các văn kiện, rồi mềm dẻo “thể chế hoá” chúng. Hiến pháp 1992, Luật Đất Đai 1993, Luật Doanh Nghiệp 1999…, những chính sách mang dấu ấn của họ, đã thiết lập các hành lang pháp lý để VN có thể đặt chân đến cánh cửa của kinh tế thị trường. Họ là thế hệ thấu hiểu mô hình Xô – Viết, chính họ đã khôn ngoan biến công cuộc đổi mới của Đảng (từ 1986) – khởi xướng bởi những người từng là con đẻ của Xô – Viết – trở thành một công cuộc từng bước đưa VN thoát khỏi mô hình Xô – Viết.

Tiếc thay, họ thường nghiêng về kỹ trị hơn là chính trị. Họ thua ngay những người gần như cùng thời với mình như Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Sinh Hùng…

Thế hệ thứ Ba, không phải không còn những người có khí chất, biết giữ gìn. Tuy nhiên, những người còn chút lòng với đất nước này nhanh chóng bị đẩy vào nhóm thiểu số. Nguyên tắc “tập trung dân chủ” từng tập trung vào tay Tổng bí thư, trong hai nhiệm kỳ gần như nằm trong tay Nguyễn Tấn Dũng.

Nguyễn Tấn Dũng được cơ cấu vào dự khuyết Trung ương năm 1986, khi đang là Bí thư Hà Tiên. Chẳng phải Võ Văn Kiệt, hay Lê Đức Anh mà chính học thuyết “pháo đài cấp huyện” của Lê Duẩn đã chọn ông, một người chẳng tài cán, chưa công lao, như đã chọn Nguyễn Thị Xuân Mỹ (Quận Lê Chân, Hải Phòng), Trương Mỹ Hoa (Tân Bình)… Cơ hội thực sự của Nguyễn Tấn Dũng là được đón Lê Đức Anh tới thăm Kiên Giang vào ngày 5-5-1993. Chỉ mấy tháng sau, Ba Dũng được đưa ra làm thứ trưởng Bộ Nội Vụ thay thế Tướng Võ Viết Thanh, trong một ý đồ nắm Bộ sức mạnh này của Lê Đức Anh.

Ai từng biết Ba Dũng trước khi ông ta lên Thủ tướng thì mới thấy đó là một con người hoàn toàn khác, thân thiện với đồng sự; ngoan ngoãn, nhất mực vâng lời các cha chú Anh – Kiệt – Mười. Võ Văn Kiệt thích Ba Dũng vì tính quyết đoán. Đỗ Mười chọn ông ta vì “con liệt sỹ, lại đã kinh qua chiến đấu, kiên định vững vàng”. Ông Võ Văn Kiệt nhận ra con người Ba Dũng ngay sau một năm ông ta trở thành Thủ tướng. Tam nhân chọn lựa nhưng chỉ có Lê Đức Anh là đứng rất lâu sau lưng Ba Dũng.

Hai thập niên ông tướng này bảo vệ đất quân đội cũng vì quyền lực; rồi chính ông để cho Ba Dũng, Phùng Quang Thanh… chia chác đất quân đội cũng vì tiếp tục muốn có ảnh hưởng quyền lực. Trước Đại hội, khi sức đã tàn ông Tướng vẫn còn can thiệp để giữ “anh Ba” ở lại.

Điểm nổi bật của “thế hệ thứ Ba” là hiểu biết rất “ba chớp ba nhoáng” về mô hình Xô – Viết nhưng lại cầm quyền vào thời điểm quyền lực rất có màu. Những người tôn thờ tiền bạc nhất lại rất giỏi nói những lời có cánh về “định hướng”. Họ tăng trưởng nhanh dưới thời Ba Dũng. Họ không chỉ tự tha hoá mình về mặt con người, mà còn làm vô hiệu các nỗ lực cải cách thể chế của những người tiền nhiệm. Giai đoạn sau 2006, Việt Nam thay vì có thể vững chắc đi đến thị trường, con đường tích tụ tư bản của các doanh nghiệp phần lớn bị đặt ở sân sau, hoang dã.

Đúng là lỗi hệ thống nhưng chính những người như Nguyễn Tấn Dũng đã chung chạ bừa bãi với phần lăng loàn nhất của thể chế để “đẻ” ra những Đinh La Thăng, Bắc Hà, Phan Văn Vĩnh… và “khối doanh nghiệp sân sau”. Tất Thành Cang không chỉ nằm trong số đó mà còn là truyền nhân nguy hiểm nhất. Cang không chỉ giỏi ton hót Lê Thanh Hải, Nguyễn Tấn Dũng… mà còn chơi trong nhóm các cậu ấm Nguyễn Thanh Nghị, Lê Trương Hải Hiếu… Người dân Sài Gòn không phải không biết Cang là ai. Vấn đề là quy trình cán bộ đưa Cang lên nắm quyền không có vai trò của các đảng viên tử tế, đừng nói chi vai trò của dân.

Đội ngũ lãnh đạo đất nước này phần lớn được lựa chọn trong mười năm qua; nhung nhúc “những đứa con cận huyết”. Họ chỉ kém sự du côn của Cang và không được vẫy vùng trong lãnh địa của “anh Hai”. Các quy trình đã từng đưa họ lên, khi có cơ hội sẽ đưa họ thành Cang, thành Thăng, thành Vĩnh…

Cả ba thế hệ đều đã lệ thuộc rất nhiều vào cá nhân, thế hệ nào cũng không tránh được sự tha hoá. Đừng để “thế hệ thứ Ba” khi có cơ hội lại đưa đất nước quay lại “thời kỳ Ba Dũng”. Phải để những kẻ tha hoá biết sợ dân, sợ thể chế chứ không chỉ sợ một người; phải để cây thành rừng, thành gỗ chứ không chỉ thành củi. Dân chúng hân hoan khi thấy bọn tham nhũng bị tống vào tù; nhưng dân chúng cần có đủ niềm tin vào thể chế để tìm cảm hứng phát triển ngay cả khi “lò” tắt.

NHÂN VỤ TẤT THÀNH THAN ( CANG). LƯU Ý NGƯỜI ĐỐT LÒ

BÁC TỔNG TRỌNG 

HÃY CẨN TRỌNG 

VỀTÂT THÀNH CANG .

Tác giả: FB Lưu Trọng Văn


Gã thực ra không quan tâm tới loại sâu như Tất Thành Cang. Nhưng gã phải lưu ý với bác Tổng Trọng một điều rất cẩn trọng qua sự việc của Cang.

Đó là, đa số thành uỷ viên của Thành uỷ HCM chỉ
bỏ phiếu cảnh cáo hoặc khiển trách Cang bất chấp tội của Cang tầy trời.

Hình như có một phiếu đề nghị cách chức.

Và tại Hội nghị Trung Ương vừa diễn ra phiên bỏ phiếu kỷ luật Cang, gã hóng hớt hình như chỉ 64% ủng hộ cách chức Cang.

Nghĩa là tại Thành uỷ HCM đại đa số không hào hứng gì công cuộc đốt lò của bác.

Và tại BCH Trung ương có đến 36% cũng không hào hứng như trên.

Gã dùng từ không hào hứng chả qua không muốn
dùng từ nặng hơn mà thôi.

Rất mong bác cả suy ngẫm về những con số khủng này để lựa chọn dựa vào ai, đứng về phía ai?

***

Tất Thành Cang từ lò đoàn của ai?

Ngài Tất Thành Cang đi lên, leo cao từ Lò đoàn SG. Nhưng gã được biết trước 1975 tại SG có ba lò đoàn.

Một lò đoàn sinh viên mà những người từ lò này đa số chỉ nhàng nhàng cấp bậc, trong đó không ít người tự chuyển biến đầu quân cho lò Dân.

Một lò đoàn học sinh và một lò đoàn công nhân và người lao động. Sau 1975 người của hai lò này là nòng cốt cho đoàn TP.HCM.

Huỳnh Sơn Phước là đoàn viên thuộc lò đoàn SV chức cao nhất, trước khi Phước đầu quân vào lò Dân là phó TBT báo Tuổi Trẻ, cho gã biết, đa số các quan chức cấp cao trưởng thành từ đoàn là người của lò học sinh và công nhân lao động do đồng chí Tư Liêm phụ trách.

Gã hỏi Phước, đồng chí Tư Liêm là ai?

Phước bảo: người nhà của đồng chí Lê Thanh Hải.
-----------------------------------

Theo Kim Dung/Kỳ Duyên  

Thứ Năm, 27 tháng 12, 2018

BAO GIỜ 2 THANH CỦI BỰ NÀY "VÀO LÒ"?

Nhiều cấp dưới bị bắt giam và kỷ luật nặng, bao giờ ông Lê Thanh Hải và Lê Hoàng Quân “vào lò” ?
Tác giả: Thiện Hiếu- Minh Nguyễn

Trong vòng một tháng trở lại đây, hàng loạt lãnh đạo cao cấp TP.HCM dưới nhiệm kỳ ông Lê Thanh Hải rồi Lê Hoàng Quân làm Chủ tịch UBND TP.HCM bị khởi tố hoặc kỷ luật nặng nề. Nổi bật nhất là cựu Phó Chủ tịch Nguyễn Thành Tài, Nguyễn Hữu Tín, Tất Thành Cang và danh sách bê bối này chưa có dấu hiệu dừng lại. Nhưng hai vị đáng ra phải chịu trách nhiệm lớn nhất hiện vẫn bình an vô sự, khiến nhiều cử tri TP.HCM và người dân cả nước hết sức bức xúc ! Dư luận đang mong chờ Ban Chỉ đạo Phòng Chống tham nhũng Trung ương và các cơ quan tố tụng sớm tiến hành truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông Lê Thanh Hải (Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM) và ông Lê Hoàng Quân (Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Nguyên Chủ tịch UBND TP.HCM).

KD: Báo Người tiêu dùng đã phải nói “toạc móng heo” đến thế này. Đủ biết dư luận XH bức xúc đến độ nào về “tội ác của đế chế Hai Nhựt”- theo cách gọi của cư dân mạng. Không biết bác Tổng Chủ có nghe thấy không???
---------------------------------------------

Cho đến nay, hàng loạt sai phạm ở Thủ Thiêm mà Báo Người Tiêu Dùng đã phanh phui, các vụ việc có dấu hiệu cố ý làm trái đã bị Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an khởi tố và Thanh tra Chính phủ đã kết luận.

Qua đó, sai phạm đã lộ rõ trách nhiệm của Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM qua các thời kỳ mà đặc biệt là vai trò của ông Lê Thanh Hải và ông Lê Hoàng Quân. Trong số các lãnh đạo TP.HCM phải kiểm điểm trách nhiệm vì sai phạm ở Thủ Thiêm thì ông Lê Thanh Hải được xem là “tác giả” chính của những vi phạm nghiêm trọng ở Thủ Thiêm. Trớ trêu thay, ông Lê Thanh Hải khi lên làm Bí thư Thành ủy TP.HCM đã từng phê bình UBND TP.HCM ngay thời kỳ ông ta làm Chủ tịch UBND TP.HCM vì những liên quan đến dự án Thủ Thiêm!?

Những sai phạm của dự án khu đô thị Thủ Thiêm trải dài qua 5 đời Chủ tịch UBND TP.HCM nhưng ông Lê Thanh Hải được xem là người “khởi nguồn” cho những sai phạm vô cùng nghiêm trọng của Thủ Thiêm. Nhiều quyết định và chỉ đạo sai trái, lạm quyền của ông Lê Thanh Hải đã góp phần chính yếu khiến vụ việc Thủ Thiêm “nát bét” như hiện nay và để lại hậu quả khôn lường.

Việc giải tỏa đền bù dự án Thủ Thiêm diễn ra chủ yếu trong thời gian ông Lê Thanh Hải ngồi ghế Chủ tịch UBND TP.HCM (2001-2006) và 2 nhiệm kỳ liên tiếp ông này giữ chức Bí thư Thành ủy TP.HCM (2006-2015). Đến khi ông Lê Hoàng Quân thay vị trí của ông Lê Thanh Hải để ông Lê Thanh Hải tiếp tục chỉ đạo, là người lãnh đạo cao nhất ở TP.HCM thì những vụ giải tỏa cưỡng chế càng diễn ra khốc liệt hơn. Hàng ngàn người dân đã mất nhà, mất đất oan uổng với những quyết định khuất tất, đầy dấu hiệu lợi ích nhóm và vi phạm các quy định hiện hành. Có những gia đình bị đập phá nhà và không hề được đền bù đồng nào hay giải quyết tái định cư, tạm cư ở bất cứ nơi đâu như hộ bà Nguyễn Thị Giáp ở khu phố 1, P. Bình An, Q.2.

Bà Lê Thị The, người có chồng và ba con trai chết uất ức vì các hành động cưỡng chế đất có dấu hiệu trái pháp luật tại Thủ Thiêm dưới thời lãnh đạo của ông Lê Thanh Hải.

Đây cũng là thời kỳ “u ám” nhất của bà con Thủ Thiêm khi UBND TP.HCM dưới sự lãnh đạo của ông Lê Thanh Hải và ông Lê Hoàng Quân đã ra hàng loạt quyết định không đúng thẩm quyền, trái với quyết định của Thủ tướng, sai luật… để “đánh tráo” 160ha tái định cư, lấp liếm việc giao đất cho 51 dự án phân lô bán nền ngay tại khu tái định cư và lấn ranh của người dân không thuộc quy hoạch khu đô thị Thủ Thiêm.

Chính ông Lê Thanh Hải là người chỉ đạo “xé nát” 160ha tái định cư Thủ Thiêm bằng lệnh “Không nhất thiết một địa điểm, có thể bố trí từ 3 đến 4 địa điểm trên địa bàn Q.2”. Đây là quyết định “bật đèn xanh” đá văng bà con Thủ Thiêm ra khỏi khu vực mà họ được Thủ tướng cho phép tái định cư.

Nguy hiểm hơn, “tối kiến” này của ông Lê Thanh Hải còn mở đường cho việc thu hồi đất tràn lan của bà con Q.2 ở Nam Rạch Chiếc, Thạnh Mỹ Lợi với danh nghĩa phục vụ tái định cư cho Thủ Thiêm dù chẳng có quy định nào từ Chính phủ cho phép TP.HCM làm việc này. Cho đến nay, bà con Q.2 bị thu hồi đất oan từ chỉ đạo của ông Lê Thanh Hải vẫn còn khiếu kiện khắp nơi, ai oán khổ sở hàng chục năm trời.
Ông Lê Thanh Hải và ông Lê Hoàng Quân tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020 tổ chức từ 14/10-17/10/2015. (Ảnh: Phan Hoàng/Chinhphu.vn)

Không chỉ trong vụ Thủ Thiêm mà ở hàng loạt dự án bê bối, sai phạm, thậm chí có vụ đã bị khởi tố như các vụ liên quan đến Phan Văn Anh Vũ (Vũ nhôm), khu đất 8-12 Lê Duẩn mà ông Nguyễn Hữu Tín và Nguyễn Thành Tài đã bị khởi tố bắt giam đều không thể không xem xét trách nhiệm cấp trên của hai ông này là Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân và chỉ đạo của Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải thời kỳ đó. Trong vụ đại án Ngân hàng Đông Á, nơi có vốn của Thành ủy TP.HCM cũng không thể loại trừ trách nhiệm của Bí thư Thành ủy TP.HCM lúc đó là ông Lê Thanh Hải. Cần nhớ, chính Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải là người đứng đầu chịu trách nhiệm về quản lý tài chính ngân sách Đảng tại Đảng bộ TP.HCM. Qua kết luận của các cơ quan nội chính, tố tụng Trung ương thời gian gần đây, rõ ràng việc quản lý tài chính lỏng lẻo tại các cơ quan Đảng bộ TP.HCM cần được truy trách nhiệm đến tận cùng.

Tại dự án Metro số 1 mà Kiểm toán Nhà nước vừa công bố kết luận thì đây là dự án thuộc công trình quan trọng quốc gia nên Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM thực hiện thẩm định để phê duyệt là không đúng thẩm quyền. Bên cạnh đó, nội dung thẩm định không đảm bảo theo quy định, như không đánh giá tổng mức đầu tư, kiểm tra tính đầy đủ, hợp lý của các khoản mục chi phí trong tổng mức đầu tư…

Tuy nhiên, Kiểm toán Nhà nước cho biết, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM đã trích dẫn những chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.HCM khi đó là ông Lê Hoàng Quân về việc giao và cho phép cơ quan này thẩm định việc tăng tổng mức đầu tư đối với dự án này. Điều đó đồng nghĩa với việc nếu ông Lê Hoàng Quân không giao và cho phép, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM sẽ không “dám” lạm quyền như vậy.

Những vụ việc tiêu biểu trên chỉ là một trong số những sai trái của hai cựu Chủ tịch UBND TP.HCM hai nhiệm kỳ trước đã để lại hậu quả nặng nề cho cả nhân dân lẫn chính quyền thành phố này. Giờ đây khi cấp dưới, nhiều người thừa hành, thay mặt hay làm theo lệnh của ông Lê Thanh Hải, Lê Hoàng Quân đã bị khởi tố, bắt tạm giam thì không lẽ gì hai ông này lại không chịu trách nhiệm gì trong những bê bối chấn động như thế !

Dư luận, nhân dân và cán bộ TP.HCM đang trông chờ các cấp có thẩm quyền nhanh chóng xử lý những hành vi sai phạm của cả hai cựu Chủ tịch TP.HCM này. Ít nhất đến lúc này, ông Lê Hoàng Quân và nhất là ông Lê Thanh Hải đã có dấu hiệu của việc “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “cố ý làm trái” gây thiệt hại hết sức nghiêm trọng. Nếu các cơ quan chức năng Trung ương muốn điều tra cặn kẽ những sai phạm tại TP.HCM, lấy lại niềm tin của của cử tri thành phố vào Đảng và chính quyền TP.HCM, thiết nghĩ, đã đến lúc phải truy cứu tận cùng trách nhiệm hình sự của ông Lê Thanh Hải và Lê Hoàng Quân. Nói theo cách khác, việc đưa hai cựu quan chức này “vào lò” chính là quyết sách hợp lòng dân, quan chức gây ra sai phạm nghiêm trọng phải trả giá bằng vận mệnh của chính mình.

Có thể nói, cuộc chiến chống tham nhũng do Đảng thực hiện đang thực sự diễn biến đúng tinh thần của Tổng Bí Thư từng nói “không có vùng cấm, không có ngoại lệ !”.

Nguồn từ đây :
https://www.nguoitieudung.com.vn/nhieu-cap-duoi-bi-bat-giam-va-ky-luat-nang-bao-gio-ong-le-thanh-hai-va-le-hoang-quan-vao-lo-d74189.html?fbclid=IwAR3fh-u9i2_JlH_BoWc6nn3iB7PTAVSFm8F2jnVwLqtMxVkP2dmK_cRLheY
—————