Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2016

Donald Trump sẽ từ bỏ TPP ngày đầu ông nhận nhiệm sở


Tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ bỏ Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) ngay trong ngày đầu tiên ông nhận nhiệm sở.
Tuyên bố được đưa ra trong một video phác thảo những gì ông dự định làm đầu tiên khi nhậm chức vào tháng 1/2017.
Hiệp định TPP được 12 quốc gia chiếm 40% nền kinh tế thế giới ký kết.
Tuy nhiên, ông Trump không đề cập đến việc hủy bỏ Obamacare hoặc xây một tường tại biên giới với Mexico, hai hành động mà ông hứa hẹn trong chiến dịch tranh cử.
Chiến thắng bất ngờ của Trump hai tuần trước đã làm dấy lên các cuộc biểu tình khắp nước Mỹ.
TPP đã được các quốc gia gồm Nhật, Malaysia, Úc, New Zealand, Canada và Mexico tán thành năm 2015, nhưng chưa được phê chuẩn.
Tôn chỉ của TPP là thắt chặt quan hệ kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng nhưng có ý kiến nói rằng hiệp định này được đàm phán bí mật và thiên vị các tập đoàn lớn.
Phản ứng trước việc Trump bỏ TPP
"Không có gì bất ngờ, nhưng các chính sách thương mại của ông ấy sẽ làm suy yếu lợi ích mà TPP sẽ mang lại cho Mỹ." Parag Khanna, Trung tâm châu Á và toàn cầu hóa
"Đây là tin buồn. Điều này có nghĩa là kết thúc sự lãnh đạo của Mỹ trong thương mại và trao lại trách nhiệm cho châu Á." Deborah Elms, Trung tâm Thương mại Châu Á

"Sự sụp đổ của TPP sẽ tạo ra khoảng trống ở châu Á. Có rất nhiều ý kiến cho rằng Trung Quốc giờ đây sẽ lấp đầy khoảng trống này." Harumi Taguchi, kinh tế gia
Các nhà lãnh đạo châu Á-Thái Bình Dương nhóm họp tại Peru cuối tuần qua cho biết họ sẽ tiếp tục theo đuổi thỏa thuận thương mại tự do bất chấp phản đối từ phía ông Trump.
Nhưng hôm 21/11, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cho biết thỏa thuận thương mại TPP sẽ là vô nghĩa nếu không có sự tham gia của Mỹ.

Bộ trưởng 12 nước ký kết TPP ở Auckland tháng 2/2016
RCEP
Karishma Vaswani, Phóng viên về kinh doanh châu Á phân tích: "Việc Tổng thống đắc cử Trump báo hiệu sự chấm dứt của TPP là đòn giáng xuống nhiều quốc gia mới nổi ở châu Á. Chắc chắn là các nước khác có thể tiếp tục theo hiệp định với thỏa thuận riêng của họ - nhưng vấn đề là TPP sẽ về đâu nếu không có quyền tiếp cận không hạn chế thị trường Mỹ?
Việt Nam và Malaysia được cho là hưởng lợi nhiều nhất từ ​​thỏa thuận này. Hai nước này đang đưa sản phẩm vào thị trường Mỹ, nhưng hy vọng thuế quan với một số mặt hàng xuất khẩu chủ đạo sẽ được xóa bỏ.
Trung Quốc có thể thúc đẩy thỏa thuận thương mại khu vực được biết đến với tên RCEP (Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực). Nhưng liệu thỏa thuận thương mại do Trung Quốc khởi xướng có mang lại những lợi ích tương tự?
Một số nhà phân tích cho hay hầu hết các nước châu Á được ưu đãi tiếp cận thị trường Trung Quốc theo Hiệp định thương mại tự do Trung Quốc-Asean năm 2010.
Nhưng quý vị có thể thấy một số nước châu Á bị loại khỏi TPP - như Philippines, Thái Lan và Nam Hàn - hưởng lợi từ RCEP".
Trong đoạn video được công bố, ông Trump cho biết nghị trình của ông sẽ "Ưu tiên cho nước Mỹ".
Sáu động thái Trump sẽ thực hiện trong ngày đầu ở Nhà Trắng:
  • Công bố thông báo rút khỏi TPP
  • Hủy bỏ hạn chế về sản xuất năng lượng của Mỹ
  • Cắt bớt các quy định về doanh nghiệp
  • Yêu cầu thiết lập kế hoạch chống tấn công mạng
  • Điều tra những lạm dụng trong chương trình cấp visa của Mỹ đối với lao động nhập cư khiến người Mỹ mất việc
  • Áp lệnh cấm 5 năm cho những công chức từ nhiệm trở thành người vận động hành lang
Tổng thống tân cử dành tuần vừa qua để sắp đặt nội các mới.


1 nhận xét: