Thứ Tư, 18 tháng 9, 2019

TRUNG THU CHỢT NHỚ

Chuyển từ facebook Vu Hong Quang (Calathau) ngày 24/9/2019
(Bài nay đã đăng trên Blog Calatahu từ RẰM TRUNG THU NĂM 2008. Chính xác là ngày 13/9 DL tức 14 tháng Tám AL ) ,
VÀI LỜI PHI LỘ : Trung thu năm nay (2019) SG đổ mấy trận mưa, dự định dẫn cháu đi chơi không thành, đành nằm nhà. Ông mở VTV1 xem chương trình truyền hình trực tiếp Lễ đón Trung thu , phá cỗ ở sân khấu ngoài trời đài THVN (HN). Thằng cháu đích tôn 12 tuổi thì ôm con Iphone chơi trò chơi điện tử . Chị Hằng, chú Cuôị , cây đa và cả bánh Trung thu hảo hạng cũng không còn mảy may hấp dẫn chúng nó nữa !
Vậy thì ÔNG mở bài cũ chục năm trước ra đọc lại cho có không khí Trung thu ....( Xin phép đăng lại cả những comments của bạn bè ở thời điểm đó nữa cho trọn nghĩa trọn tình )
------------------------------------------------
LẶNG YÊN TA NÓI CUỘI NGHE !
( Đăng lại bài viết từ 13/9/2008 trên Blog Calathau)
Đã thuộc hàng U70 rồi mà mỗi năm Tết Trung thu đến vẫn thấy nôn nao trong lòng...Vào tuổi này người già thường sống về hoài niệm. Con trẻ biết, chúng sẽ cười thầm và nghĩ : mấy cụ hâm ! Nhưng mặc, sống với kỷ niệm cũng là 1 phần của cuộc sống . Thậm chí nó còn có thể khoả lấp đi những nỗi lo toan, ưu phiền, những tị hiềm và day dứt .Đêm nay 14 tháng Tám AL, đài báo Hà Nội trời quang mây tạnh sẽ thấy rõ trăng rằm. Nhưng phương nam thì còn mưa nặng hạt. Ấy thế mà trẻ con chỗ này chỗ kia vẫn rục rịch rước đèn phá cỗ trông trăng. Hình như ngày nay trăng hiếm thấy hơn ngày xưa. Cái ngày xưa ấy, lần đầu tôi biết thế nào là Tết Trung thu là năm tôi tản cư lên Phố Chợ Chã, huyện Phổ Yên tỉnh Thái Nguyên. Phố nhỏ của những người tản cư bên bờ sông Cầu, trên bến dưới thuyền, có cái sầm uất của người kẻ chợ, khác hẳn dân thôn quê. Rằm Trung thu phố treo đầy đèn ông sao, đèn kéo quân ( Mãi mấy năm sau mới thêm đèn con cá, đèn con thỏ, đèn ông sư ...). Tôi là đứa trẻ sống gửi ăn nhờ nên biết thân biết phận tự vót tre bồi giấy làm cho mình chiếc đèn ông sao thắp sáng bằng hạt bưởi phơi khô từ mấy ngày trước. Cả đám mấy chục đứa cùng trang lứa kéo nhau lên bờ đê ...rước đèn. Cũng vào Tết Trung thu ấy, lần đầu tiên tôi nghe mấy anh Vệ quốc đoàn hát " Ánh trăng trắng ngà, có cây đa to, có thằng Cuội già , ôm một mối mơ ..." Không ngờ bài hát đi suốt cùng tôi đến tận bây giờ. Khó lý giải nhưng chắc chắn tôi thương chú dế mèng "hát xẩm không tiền nên nghèo xác xơ" giống như 2 ông cháu người hát xẩm mỗi phiên chợ Chã tôi thường gặp. Con dế bây giờ chỉ ở ngoại ô thật xa mới có. Thằng cháu tôi lớn lên ở giữa những dãy nhà bê tông nó không thể hiểu vì sao mỗi mùa Trung Thu ông nội chỉ hát bài này, và đến câu " Dế không có nhà, dế đi lang thang/ hát xẩm không tiền nên nghèo xác xơ ..." thì ông húng hắng ho, không hát được nữa ! Trung thu ở Quế Lâm, tôi nhớ nhà trường tổ chức cho chúng ta "phá cỗ" trông trăng ở giữa sân vận động. Quà 2 Bác gửi cho xếp đầy từng bàn ( Ừ thì ai chả tin như thế!). Các bạn thiếu nhi ngoài Thành phố cùng đến dự. Tôi ngồi cạnh 1 "chị" má đỏ như má Hỷ Nhi lúc cắt chữ Hỷ, tết 2 bím đuôi sam. Nhìn trăng thì ít, nhìn Hỷ Nhi thì nhiều, tôi nghĩ trong bụng : có lẽ Hằng Nga cũng chỉ đẹp đến thế này mà thôi . Từ ngày ấy tôi biết thêm bài " Đây đèn ông sao 5 cánh tươi màu ...Tùng dinh dinh ...ánh sao Bác Hồ toả sáng nơi nơi " Rõ là sao CS rồi !. Năm 19 tuổi tôi làm anh lính thuỷ lái tầu . Có lần đúng vào đêm Rằm Trung thu, giữa mênh mang biển cả tôi một mình với trăng, vừa lái tầu vừa làm thơ ...
Rời cảng tuần tiễu ban đêm
Trăng Rằm Tháng tám nhô lên mũi tầu
Ra khơi trăng sáng đỉnh đầu
Biển lung linh rắc một màu kim cương
Trở về lác đác mưa sương
Trăng soi lối cũ tìm đường cùng ta
Kia rồi bóng cảng mờ xa
Thả neo dừng lại trăng tà sau boong
.
Đấy là hành trình 1 đêm đi tuần trên biển mà tôi là người cầm lái. Đáng nhớ là đúng đêm Rằm Tháng 8 . Sau này có con, mỗi Trung thu tôi có đủ khả năng lên phố hàng Mã mua cho con 1 chiếc đèn ông sao, nhưng tôi vẫn thích tự tay làm cho chúng. Lại vót nan, lại phết giấy màu rồi dán những hình ngộ nghĩnh lên 5 cánh. Cháu mang đến trường vui với các bạn. Cô giáo chấm điểm, cho giải nhất thủ công, lại còn thu đèn của cháu đưa lên Quận dự triển lãm ! Những năm "đổi mới" hình như Tết Trung thu cũng " đổi mới" nhiều . Trung thu không chỉ là Tết của trẻ con nữa, mà nó là Tết của người lớn nhiều hơn. Vẫn có đèn ông sao, đèn kéo quân nhưng nó lộng lẫy và to lớn kiểu cách đến xa lạ làm sao ! Còn bánh trung thu, cái thứ bánh nướng bánh dẻo hương hoa trời đất, hình dáng mặt trăng mặt trời ,con trẻ háo hức thèm thuồng, thì biến dạng thành ...đồ cung tiến các quan mất rồi ! Giá 1 hộp bánh ngày nay có khi tính bằng tiền triệu. Lại có loại bánh nhân kim cương, vàng ròng ...! Khiếp quá ! Ai "ăn" ai "phá" các loại cỗ này ? Không nói ra nhưng ai cũng biết ! Chắc chắn không phải cho con trẻ , nhất là bon trẻ đánh giầy bán vé số trên hè phố. Càng không phải dành cho các bé "chân đất mắt toét" trên các bản làng heo hút xa xôi. Nhớ lại, thời còn đương chức. Quan vao hàng tôm tép, ấy thế mà mỗi mùa Trung thu cũng phải trên chục hộp bánh biếu. Nhiều ăn sao hết, phải chia bớt cho hàng xóm láng giềng ! Thế mới biết Tết Trung Thu ngày càng biến tướng tệ hại nhường nào ! Thật là" Kẻ ăn chẳng hết, người lần không ra !".
Tôi đang ngồi gõ bài này trên 1 căn gác giữa quận Nhất SG. Giờ này đường phố tạnh mưa nhưng chỉ có tiếng ồn ào xe chạy. Tịnh không tiếng trống thình thùng thình, không 1 chiếc đèn ông sao ! Thằng cháu nội 2 tuổi đã được bố mẹ nó cho đến Cơ quan "phá cỗ". Chúng sẽ được gặp Chị Hằng, chú Cuội bằng xương bằng thịt, biết nói chuyện và phát quà. Nhưng sẽ chẳng được cái thi vị của ông nó hơn nửa thế kỷ trước cùng bạn bè tung tăng rước đèn trên bờ đê và ngắm trăng Rằm soi bóng xuống mặt sông Cầu nước chảy lơ thơ . Rồi tranh nhau chỉ chỏ cây đa, chú Cuội, chị Hằng , rồi hát "....Lặng yên ta nói cuội nghe . Ở cung trăng mãi làm chi...."
( Viết tại Nguyễn Phi Khanh . P Tân định .Q 1 .Tp HCM vào đêm Rằm Trung thu 2008)
-------------------------------------------------------
.
SAU ĐÂY LÀ COMMENTS CỦA CÁC BLOGGER
FAINA_HP at 09/14/2008 04:01 pm comment
Thật thú vị đọc bài"Đêm trung thu chợt nhớ" của cụ, biết đâu trong đêm rước đèn Trung thu của cụ trên bờ đê sông Cầu, cũng có tôi trên một đoạn đê khác trên cùng một con sông?Tôi sinh ra và lớn lên bên bờ sông Cầu-Thái Nguyên là quê tôi đó,tuổi thơ của tôi qua đi ở đó trong sự buồn tủi của một đứa bé không mẹ,vắng cha như trong cụm thơ của tôi về Mẹ mà cụ đã đọc, đọc bài của cụ mà lòng tôi cư nao nao nhớ về cái ngày tôi ra đi,lúc ấy sông Cầu còn xanh biếc,trong veo, nhìn thấy thừng hòn đá dưới đáy sông. Bà nội và chú út cứ đứng nhìn tôi mà khóc cho đến khi bóng tôi chìm hẳn vào những bãi dâu xanh trên bờ sông mới chịu về(sau này bà nội kể lại). Thế là cụ đã từng ở quê tôi rồi đấy.Nhân đây tôi mời cụ vào đọc bài thơ "Về quê Nội" của tôi.
THANH MAI at 09/14/2008 02:13 pm comment
Đọc bài của cụ calathau lòng tôi cũng thấy nôn nao khi nhớ về những rằm trung thu thuở xưa. Tôi đang ở quận Hoàn Kiếm gần cung thiếu niên nên từ hôm qua đến nay vẫn nghe thấy tiếng trống thùng thinh nhắc nhở làm tim tôi cũng thùng thình theo! Cái ngày chồng tôi vẫn còn đi làm bị nhân viên mang rất nhiều hộp bánh đến nhà, tôi phải chia cho hàng xóm và cho công nhân công trường. Một thời gian sau có cháu trong cơ quan hỏi tôi: “Cháu đặt bánh trung thu ở nơi nổi tiếng nhất đấy, cô ăn có thấy ngon không?” Tôi trả lời thẳng: “Cô rất sợ bánh ngọt, cả nhà chẳng ai thích nên cô cho hết công nhân bên kia rồi! Lần sau các cháu nhớ đừng mang gì đến đây!” Các thầy cô giáo cũng phàn nàn về NẠN BÁNH TRUNG THU mà sao vẫn cứ tiếp diễn? Hình như những cấp dưới và phụ huynh không biếu thì sợ người ta không quan tâm đến hay có một số ít thủ trưởng thích biếu để người khác bị vạ lây? Thời buổi vật chất làm lũng đọan, biến thái đủ thứ, ngay gian lẫn lộn!
KYGAI at 09/13/2008 08:53 pm comment
Cụ Calathau ơi, sao mấy hôm nay cụ viết liền mấy bài mùi mẫn nhớ thương qúa! Cụ đi về cụ nhớ bạn bè, rồi lại nhớ những ngày tản cư kháng chiến, cụ làm lây sang cả tôi rồi. Những ngày đó có hai cái gây xúc động sâu sắc : một là những ngày mà tình người đẹp nhất trong mọi thời kỳ : khí thế CM mà lại chưa bị vẩn đục bởi cuộc sống vất chất và là những ngày bắt đầu tuổi thơ dong duổi của lớp người chúng ta. Cụ nhớ Hợp Thành chứ? Thì ra người ta nói đúng : Người trẻ sống bằng tương lai còn người già lại sống bằng quá khứ, mà quá khứ của chúng ta thật đẹp, đẹp mãi mãi. Xin chia sẻ với cụ cũng bằng những nỗi niềm mà một cây viết như cụ mới nói lên được.
CALATHAU at 09/13/2008 09:18 pm reply
Cảm ơn cụ. Tôi tính lẩn thẩn lắm ! Thời Hợp Thành học chung 1 lớp với cụ Bích Ngân, cụ ấy ghét tôi kinh khủng. Chỉ vì tôi không biết "nhẩy' sol đố mì . Mà Thày cô lại xếp tôi với cụ ấy 1 đôi mới chết chứ! Cụ ấy khóc đòi "đổi đôi" không được lại còn xuýt bị cô mắng ! Cụ này thù tôi đến tận bây giờ đấy ! ( Tôi quên tịt chuyện này, may quá có cụ ấy nhớ giúp !). Mình dốt nhẩy múa nên làm nghề viết báo làm văn, giỏi như cụ ấy thì mình cũng đi học nông nghiệp để về hưu vui thú điền viên rồi !
Bình luận
  • Nam Anh Ta Nhiều của cải (bài viết) quý giá thế này, nên ra hai tập sách.

    Một để cho bạn bè.
    Xem thêm
    1
  • Nuti Đoàn Bác quang quá sâu sắc, cảm ơn Bác đã nhắc lại trong chúng ta để hiểu và nhớ thêm về truyền thống VH này✍️✍️❤️❤️
    1
  • Nguyễn HồngTrang Trung thu giờ khác ngày xưa. Trăng còn không sáng như xưa nữa rồi anh nhỉ. Anh đã cho em được đón Tết Trung thu thửa thời chúng mình. Hay quá.
  • Trần Trung Hải Bài viết của Quang Trung/Calathau hay quá!. Đọc mình nhớ lại những Tết Trung thu thời chúng ta tuy xh còn nghèo khó ... nhưng rất vui, mà bây giờ không có được; trẻ em không còn hào hứng, say mê với Tết TT như ngày xưa.
    Q.Trung à. Dân HN năm nay lại ưa thích loại bánh Trung thu truyền thống, nên phải xếp hàng rất đông như thời bao cấp. Cậu xem ảnh dưới đây mình chụp ơ cửa hàng Bảo Phương trên phố Thụy Khuê.
    Trong hình ảnh có thể có: 2 người, đám đông và ngoài trời
    1
  • Vu Hong Quang Đúng rồi , vị bánh Trung thu ngày xưa ngon hơn bây giờ nhiều lắm. Xin tiết lộ 1 bí mật, từ 2 năm nay thỉnh thoảng mình dc ăn bánh gai gửi vào SG từ mãi tận “Chiến khu Việt Bắc”. Tháng trước 1 em “Quế bé “ đi công tác qua Hải Dương mua bánh đậu xanh vềXem thêm
    1
  • Nhuthanh Le Trung thu lại nhớ các bạn thời LSQL, nhớ lớp QT tự làm các loại đèn rất đẹp! Những năm đó mình cũng quen 2 bạn China và còn liên lạc khi về Việt Nam
  • Thai Binh Nguyen Tuổi thơ của lứa anh em mình đón Trung thu ở nơi sơ tán.Bài viết làm em nhớ lại ngày công nhỏ cũng vậy. Đón trung thu ơr làng quê thật thanh bình! Cảm ơn anh với bài viết hay, gợi nhiều kỷ niêm ấu thơ!
  • Công Lý QL Trung thu nay đã khác xưa
    Nhà cao che khuất trăng vừa ló ra
    Bánh ngon chẳng thấy đâu ta, toàn là bánh rởm thấy mà hãi kinh
  • Songthu Vu Em thì nhớ đêm TT phá cỗ ở SVĐ trường mình, hồi QL anh ạ. Vừa vui, vừa lạ lại tiêng tiếc vì thế là đêm TT qua đi nhanh quá, hiii
Viết bình luận...

2 nhận xét: