Chủ Nhật, 22 tháng 1, 2017

CON TRAI NGUYÊN CHỦ TỊCH NƯỚC LÊ ĐỨC ANH NÓI VỀ "CON ÔNG CHÁU CHA"

 Người dân cần danh sách 'con ông cháu cha'

09:53 21/01/2017
(Cảm ơn Ngọc Hùng đã giới thiệu bài phỏng vấn này)

Năm 2016, báo chí dồn sự chú ý vào Bộ Công Thương, khi mà vụ án Trịnh Xuân Thanh và chuyện bổ nhiệm con trai của cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khiến dư luận xã hội phẫn nộ.
Đó là lý do trong số báo Xuân, Chuyên đề An ninh thế giới Giữa tháng - Cuối tháng thực hiện cuộc trò chuyện với ông Lê Mạnh Hà, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và cũng là con trai của đại tướng - nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh về đề tài “con ông cháu cha” mà chính ông cũng là người trong cuộc theo một cách nào đó. Đây là cuộc trò chuyện thẳng thắn hiếm có từ một quan chức cấp cao dành cho báo chí...

Tôi có lúc “đơn độc” trong đấu tranh...
- Tôi đã đọc thêm về tiểu sử của anh trên Wikipedia trong lúc ngồi chờ anh đến. Wikipedia viết thế này: Đến năm 1997, khi anh 40 tuổi, anh mới chỉ là chuyên viên trong Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Mà năm 1997, ba anh - Chủ tịch nước Lê Đức Anh mới nghỉ hưu. Thật bất ngờ và thật thú vị...
- Thật ra Wikipedia có tỹ nhầm lẫn. Năm 1992, tôi đã là thiếu tá quân đội và ra quân, về giảng dạy ở Trường Hàng không Việt Nam. Năm 1996, tôi sang làm chuyên viên ở Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Năm 2001 tôi về TP.HCM làm Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, từ đó mới chính thức “làm quan”.
- Tôi nghe nhiều lời đồn, là lúc còn nắm quyền, và kể cả sau khi nghỉ hưu, trở thành cố vấn của Trung ương Đảng, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã giúp đỡ, cất nhắc cho rất nhiều người lên những vị trí cao trong bộ máy. Nếu lời đồn đó đúng, tại sao con trai của ông đến lúc ngoài 40 tuổi, có bằng tiến sĩ viễn thông, vẫn chỉ là một chuyên viên bình thường cấp Bộ?
- Tôi không dám tham dự vào công việc của ba mình và cũng không có thông tin chính thức nên không nhận xét về công tác cán bộ mà ông tham gia. Với cá nhân tôi, tôi tin chắc chẳng có sự nâng đỡ nào dành cho tôi từ phía ông.

Như việc tôi được đi học, ví dụ như đi đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài cũng có thể là chính sách ưu tiên cho con cán bộ lãnh đạo cao cấp. Cũng trong hoàn cảnh đó có thể người khác không được chọn, nhưng chúng tôi, những “con ông cháu cha”, thì được, đó cũng có thể tính là ưu ái.
Phó Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà.

- Ba anh có bao giờ đề nghị nâng đỡ anh trong sự nghiệp, và ngược lại, anh có bao giờ mở lời nhờ ông nâng đỡ mình?
- Chưa từng có!
- Vì sao?
- Không cầu danh, không cầu lợi. Đó là điểm tôi cho rằng ba con tôi rất giống nhau. Quan trọng là phải làm thật tốt, làm tốt nhất trên từng vị trí công tác. Khi làm tốt sẽ được nhìn nhận, được đặt ở vị trí cao hơn một cách thuyết phục và công bằng. Đối với mọi người trong gia đình tôi, chuyện lên đến chức này, chức kia không quan trọng.

- Thực lòng là không quan trọng sao? Tôi không tin một người đàn ông mà lại không có tham vọng quyền lực.
- Cô có thích đàn ông có quyền lực không?
- Dĩ nhiên là có!
- Dĩ nhiên tôi cũng thích quyền lực. Đó là lẽ đương nhiên, đó là bản năng tự nhiên của con người. Đến một con vật cũng luôn mong muốn trở thành con đầu đàn nữa là...
- Thế thì thật mâu thuẫn khi anh không tận dụng lợi thế từ gia đình và người cha quyền lực của mình…
- Mâu thuẫn gì đâu? Tôi chỉ đơn giản là muốn thành công bằng chính năng lực của mình. Trong tự nhiên, con sư tử luôn phải giành lấy vị trí đầu đàn bằng chính sức mạnh của mình. Thêm nữa, tôi không thể dùng thủ đoạn, thứ mà người ta dùng ngày càng nhiều hơn để đạt được vị trí nào đó. Hơn nữa, tôi cũng có định nghĩa khác về quyền lực. Mình thực sự có quyền lực khi là người làm tốt nhất, người giỏi nhất trong lĩnh vực của mình.
- Có nhiều người bất ngờ không khi biết anh không có nhiều quyền chức so với vị trí mà đáng lẽ anh có được khi là con trai Chủ tịch nước?
- Rất nhiều người ngạc nhiên. Cũng có rất nhiều nhà báo đã hỏi tôi như chị khi mà họ so sánh tôi với một số con cháu lãnh đạo.
- Dân gian mình có cụm từ 4C (con cháu các cụ) và càng ngày tôi càng nhận ra rằng người ta nói về cụm từ đó với nhiều định kiến và ác cảm hơn trước. Anh có bao giờ phải chịu những ánh nhìn ác cảm đó?
- Tôi đã quen với việc đó từ bé đến giờ. Không đâu xa, mới đây tôi nghe một đồng nghiệp của chị nói: “Tại ông Hà là con của ông Lê Đức Anh nên mới dám phát ngôn như thế”.
- Và…?
- Tôi rất giận và nói: “Tôi là tôi, là Lê Mạnh Hà, tôi nói và làm với tư cách của riêng mình. Tôi không sợ không phải vì là con ông nào”.

- Một người rất rõ về anh đã nhận xét về anh như thế này: “Lê Mạnh Hà là người không bao giờ biết sợ ai”...

- Nhiều người luôn nghĩ rằng, tôi không sợ ai, vì tôi cậy mình là con ông Lê Đức Anh. Chứ nếu không có ông Lê Đức Anh ở sau lưng, họ nghĩ tôi đã không dám thế. Nhưng tôi nghĩ, mình làm sai thì mình mới phải sợ. Chứ mình đúng thì mình cứ ngẩng cao đầu thôi, sao phải sợ hãi ai? Tôi tin tự thân mình, tôi đủ bản lĩnh để không phải sợ ai.

- Đó là lý do anh nổi tiếng với những phát ngôn và hành động thẳng thắn, kiên quyết, nổi tiếng với việc chống lại một số quyết định của cấp trên?
- Ngày xưa, lúc còn là Giám đốc Sở Bưu chính - Viễn thông (sau này là Sở Thông tin và Truyền thông) ở TP.HCM, tôi là người đầu tiên lên tiếng và cũng là người phản đối quyết liệt cách thực hiện đề án tin học hóa cơ quan hành chính nhà nước (đề án 112), đề án do Văn phòng Chính phủ, nơi tôi làm việc bây giờ, chủ trì triển khai. Tôi phản đối vì thấy nó sai, dựa theo khả năng phân tích, đánh giá của mình, nhưng có những người nghĩ tôi dám lên tiếng chỉ vì tôi là hậu duệ của ai đó.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Lê Mạnh Hà từng làm cho Bộ nhức đầu một thời gian dài. Tôi đã phát hiện và yêu cầu xử phạt đối vài Đài VTC của Bộ khi Đài này phát trên 30 kênh truyền hình không có giấy phép, cấm phát hành trên địa bàn thành phố một trò chơi trực tuyến bạo lực của một doanh nghiệp của Bộ. Chúng tôi từng xử phạt những tờ báo Trung ương vì đưa tin vi phạm luật báo chí. Sau này, quy định thay đổi, Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh không còn được phạt các báo Trung ương nữa.
Nhưng tôi nghĩ thế này: Xe của Trung ương đi ở địa phương mà sai luật, công an địa phương không phạt thì ai phạt? Chúng tôi là đơn vị đầu tiên và rất kiên quyết phạt thẳng tay những trường hợp báo chí in bản đồ Việt Nam không có Trường Sa, Hoàng Sa. Lúc đó nhiều cơ quan báo chí phản đối ghê lắm và bộ cũng chưa đồng thuận cao. Nhờ mạnh tay như vậy mà giờ đây việc in bản đồ Việt Nam có Hoàng Sa, Trường Sa là việc đương nhiên, hầu như không đơn vị nào vi phạm.

Khi tôi còn là Phó chủ tịch TP.HCM, vào năm 2013, tôi phát hiện ra chuyện lãnh đạo ở 4 doanh nghiệp công ích của thành phố nhận lương rất cao, có giám đốc nhận mức lương 2,6 tỷ đồng một năm - một mức lương vô cùng phi lý, báo chí gọi là vụ lương khủng. Những doanh nghiệp này còn tạo ra chênh lệch bất bình đẳng trong thu nhập của doanh nghiệp và còn ký hợp đồng lao động sai quy định. Khi tôi phát hiện ra, tôi đã đề nghị ngay lập tức xử lý sai phạm này.
Với sai phạm rõ ràng và dưới áp lực của dư luận, 8 lãnh đạo của 4 doanh nghiệp công ích này đã bị xử lý kỷ luật một cách nghiêm khắc nhất. Tuy nhiên, trong quá trình này đã có những cuộc họp rất căng thẳng của lãnh đạo thành phố. Tôi đã phải tự mình soạn thảo các báo cáo phục vụ cho các cuộc họp này. Lần này, tuy rằng không hẳn là đơn độc nhưng tôi ở trong hoàn cảnh rất khó khăn. Có người nói, nếu là người khác thì “xong” rồi.
Vụ việc rất lớn, được dư luận quan tâm và hoan nghênh nhưng không có ai được khen thưởng. Và một thời gian sau, vì lý do này lý do khác, những người cùng tôi trực tiếp làm vụ này đều chuyển công tác.
Còn có trường hợp, tất cả lãnh đạo ủy ban nhân dân thành phố đứng một bên, tôi đứng một bên. Đó là việc xử lý rác thải ở TP.HCM. Tôi không đồng ý đóng cửa khu xử lý rác do doanh nghiệp nhà nước đầu tư để dồn rác về cho bãi rác Đa Phước. Làm như vậy là tạo độc quyền trong xử lý rác, gây lãng phí khi đóng cửa khu xử lý rác mới đầu tư gần 1.000 tỷ đồng và phải trả tiền xử lý rác cao hơn. Giờ thì chị thấy đó, bãi rác Đa Phước đang trở thành nỗi đau đầu vô cùng lớn của thành phố.

- Thế đấy có phải lý do anh rời TP.HCM ra Hà Nội nhận công tác mới ở Văn phòng Chính phủ?
- Hoàn toàn không. Tôi ra Hà Nội là do được phân công và cũng là nguyện vọng cá nhân…
- Dù có lúc không đồng thuận với những lãnh đạo cấp trên, anh có nghĩ việc mình là con trai của đại tướng Lê Đức Anh đã giúp anh được yên vị?
- Chắc là chuyện tôi là con ai cũng là một yếu tố mà không thể không tính đến. Việc đó rất bình thường và cũng là lẽ tự nhiên. Nhưng quan trọng nhất là tôi không làm sai thì không có lý do gì để “luân chuyển”. Thực sự tôi cho rằng chưa hề có ý định nào như vậy.
- Có trình độ, có bằng cấp và một gia thế đáng nể. Hình như tính cách là lý do duy nhất khiến đường quan lộ của anh vô cùng chậm chạp?
- Tôi không cho là chậm. Nhưng nhiều người nghĩ như chị là rất chậm. Nếu có như vậy thì tính cách của tôi là một phần của lý do. Và tôi nghĩ, “con ông cháu cha” là lợi thế nhưng đôi khi chính yếu tố này cũng là cản trở với tôi. Nếu có nhóm lợi ích thì với tính cách đó, tôi sẽ là chướng ngại vật đối với họ. Mà xử lý tôi thì rất khó. Nên tốt nhất là không cất nhắc.
- Thế còn bây giờ, khi anh ra Hà Nội, gần Trung ương hơn, có nhiều việc khiến anh phải đấu tranh như thời làm Phó chủ tịch TP.HCM?
- Khi thấy đúng, tôi vẫn luôn bảo vệ quan điểm của mình và rất nhiều trường hợp được cấp trên chấp thuận.
- Nghĩa là kể cả khi gần “mặt trời” hơn, anh vẫn giữ tính cách “không sợ ai” của mình?
- Đúng, tôi vẫn thế! Thế nhưng dùng từ “không sợ ai” có tác động mạnh nhưng không chuẩn và làm người ta khó chịu.
- Vậy anh có còn rơi vào tình trạng “một mình một phe” ở Văn phòng Chính phủ giống như hồi còn làm ở TP.HCM không?
- Từ trước đến nay, thông thường thì tôi có đồng minh là cấp dưới nhiều hơn là cấp trên (cười).
- Với tính cách như thế, anh có trở nên giàu có nhờ làm quan chức?
- Tôi nghĩ mình không nghèo!
- “Không nghèo” theo định nghĩa của anh là...
- Một phần là do gia đình tôi tạo lập, tích lũy, và một phần khác là từ… phong bì, phong bì một cách “chính đáng” nhé! Tôi chưa thấy ai nói về thu nhập của mình từ phong bì, thế nhưng đó là thực tế. Ở TP.HCM thì ít phong bì lắm. Nhưng ra ngoài này thì khác, tôi đi họp ở nơi này nơi kia, người ta đưa phong bì, tôi vừa buồn cười, vừa xấu hổ. Xấu hổ nhưng rất khó từ chối, vì ở Việt Nam, đó là một thứ “văn hoá”, đã là thứ không thể thiếu trong hoạt động thường ngày.

Khi bộ trưởng và bí thư là “vua” một cõi...
- Năm 2016 là một năm mà báo chí ngập tràn thông tin về câu chuyện “gia đình trị” trong hệ thống chính quyền. Từ trường hợp Vũ Quang Hải - con trai cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng - được bổ nhiệm “bất thường”, đến chuyện cả nhà Bí thư Hà Giang Triệu Tài Vinh làm quan. Chưa bao giờ, cụm từ “con cháu các cụ” được dư luận nhắc đến với nhiều phẫn nộ như thế, chưa bao giờ người ta nhìn những quan chức xuất thân từ những gia đình danh giá với nhiều ác cảm như thế…

- Tôi hiểu lý do vì sao họ phẫn nộ. Và thực ra, chính bản thân tôi, dù ở vai trò là cán bộ nhà nước hay người dân, mỗi ngày khi đọc những thông tin do báo chí cung cấp về một trường hợp nào đó được cất nhắc bất thường, tôi cũng thấy băn khoăn, bức xúc. Tôi nghĩ những bức xúc, phẫn nộ đó là điều chúng ta có thể hiểu được.
Dĩ nhiên, chẳng phải đến năm 2016, thì chuyện gia đình trị, chuyện con ông cháu cha mới trở nên nhức nhối. Khi tôi làm việc ở TP.HCM, tôi cũng đã chứng kiến có trường hợp mà con của vị lãnh đạo này, vị lãnh đạo kia được bổ nhiệm rất nhanh, nếu không muốn nói là bất thường. Không chỉ ở Hà Giang, không chỉ ở TP.HCM, mà ở tỉnh nào, địa phương nào cũng xảy ra chuyện đó. Và ai cũng nhìn thấy, ai cũng biết, ai cũng hiểu, chỉ không dám nói ra.
- Thật ra, chuyện một gia đình có ông, có cha, con cháu đều có quyền lực chính trị không phải chỉ là câu chuyện của riêng Việt Nam. Ở Mỹ, gia đình hai cha con nhà Bush đều làm Tổng thống. Ở Ấn Độ có dòng họ Nerhu - Gandhi, ở Hàn Quốc có cha con Tổng thống Park Chung Hee - Park Guen Hee… Nhưng không phải ở đất nước nào trong những quốc gia đó, chuyện một người có xuất thân 4C cũng gây ra sự phẫn nộ như ở đất nước ta. Anh có hiểu tại sao?
- Khi mà hệ thống chính trị và hệ thống bầu cử của một quốc gia đảm bảo cho việc lựa chọn những vị trí quan trọng trong chính quyền được thực hiện trên nguyên tắc dân chủ, đề cao năng lực và đạo đức, thì việc một người có xuất thân trong gia đình có truyền thống làm chính trị trở thành tổng thống hay thủ tướng là rất bình thường. Chuyện của họ sẽ được lịch sử ghi nhận, báo chí khai thác với góc độ truyền thống gia đình chứ không thể biến thành nỗi nghi ngờ hay cơn phẫn nộ của nhân dân.
- Vừa rồi, khi theo dõi báo chí, tôi biết, ở bên kia bán cầu, Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump đã bị cản trở trong việc bổ nhiệm con mình vào bộ máy của ông ta, vì một điều luật Liên bang được quy định rất chặt chẽ, nhằm tránh nạn “gia đình trị”. Anh có nghĩ Việt Nam mình có thể học theo cách làm đó, ra một điều luật, để ngăn cản các quan chức đương quyền bổ nhiệm người thân như tình trạng diễn ra từ Trung ương đến địa phương hiện nay?
- Thật ra chúng ta có cấm đấy nhưng chưa chi tiết, chưa cụ thể và thiếu gì cách để lách. Bí thư của một tỉnh là người cao nhất của tỉnh đó nhưng có phải là người trực tiếp bổ nhiệm con mình đâu nếu như người con đó làm lãnh đạo một sở thuộc ủy ban nhân dân tỉnh.
- Như anh, khi anh nhìn con của ông bộ trưởng này, con của ông bí thư kia, trẻ như thế, tài cán cũng chưa phải là đặc biệt, nhưng đã được cất nhắc ở vị trí này, vị trí kia. Anh cũng là con ông cháu cha, anh cũng có trình độ, có bằng cấp, nhưng 40 tuổi vẫn là chuyên viên, gần 50 tuổi mới là giám đốc sở, vậy anh có thấy bất công cho bản thân mình?
- Thực lòng, tôi không ganh tị cho bản thân mình. Vì tôi biết có nhiều người còn hơn tôi, nhưng họ vẫn chỉ là kỹ sư, là giáo viên bình thường. Thế nhưng người dân rất cần biết những cán bộ trẻ đó có thực sự xứng đáng không, có đúng là hạt giống đỏ không...
- Anh là con trai đại tướng Lê Đức Anh, đang giữ cương vị Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Con trai nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng một người là Bí thư tỉnh Kiên Giang, một người là Trưởng ban Thanh niên trường học Trung ương Đoàn; ông Trần Tuấn Anh - Bộ trưởng Công thương đương nhiệm - là con trai nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; ông Nguyễn Xuân Anh - Bí thư Đà Nẵng - là con trai của nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Văn Chi; con trai của cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng là Vũ Quang Hải thì đã trở thành tâm điểm của dư luận năm vừa rồi… Có rất nhiều cán bộ lãnh đạo của Việt Nam có xuất thân từ những gia đình có truyền thống chính trị mà tôi không thể kể hết ra đây. Và anh nghĩ ai trong số họ, đi lên bằng năng lực của mình, ai trong số họ, đi lên bằng con đường không chính danh, bằng sự nâng đỡ của gia đình?
- Tôi nghĩ chúng ta nên có và phải có một danh sách đầy đủ, từ trung ương đến cấp tỉnh, cấp huyện những cán bộ có xuất thân như thế, những cán bộ được gọi là con ông cháu cha. Và không ai khác, chính báo chí phải làm nhiệm vụ đó hiệu quả nhất. Khi có một danh sách đầy đủ, chi tiết, chúng ta mới có thể cùng nhau kiểm tra, cùng nhau công tâm đánh giá ai là người xứng đáng với vị trí họ đảm nhiệm, ai là người không.
- Nếu ngày danh sách đó được báo chí công bố, liệu anh có thể cùng tôi một lần nữa trò chuyện kỹ hơn về câu chuyện này?
- Tôi cho rằng phải có danh sách đó, không có chữ “nếu” ở đây. Tôi rất vui lòng được tiếp tục trao đổi về vấn đề ngày một cách thẳng thắn và sẽ không né tránh bất cứ câu hỏi nào của chị!
- Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!

Theo Tô LanHương/An Ninh Thế Giới

---------------------------------------------------------------------------
 http://antgct.cand.com.vn/Tro-chuyen-cuoi-thang/Nguoi-dan-can-danh-sach-con-ong-chau-cha-426143/

Thứ Sáu, 20 tháng 1, 2017

Xung quanh lễ nhậm chức của Donald Trump

19/01/2017
WASHINGTON, DC (NV)– Dù ủng hộ hay chống đối, tất cả mọi người đều phải nhìn nhận Donald Trump là một con người khác thường theo cả hai hướng, tích cực (phi thường) và tiêu cực (tầm thường).
Vài ngày nữa ông Trump sẽ trở thành nhà lãnh đạo siêu cường quốc Hoa Kỳ, lúc đó bất cứ lời nói cũng như việc làm nào của ông đều có tác động và hậu quả cụ thể, chứ không chỉ như nước chảy qua cầu thời kỳ tranh cử hay lúc mang danh nghĩa tổng thống tân cử. Thay vì bàn luận và dự đoán như từ trước đến nay, kể từ khi ấy mới có thể phán xét về Tổng Thống Donald Trump.
Mở đầu cho giai đoạn mới này là lễ tuyên thệ nhậm chức, bước chuyển tiếp, với những sự kiện mang tính nghi thức và hãy còn nặng phần trình diễn theo cách này hay cách khác chứ chưa hẳn là thực chất, nhưng đáng được chú ý.
Nghi lễ truyền thống
Toàn bộ lễ nhậm chức do hai ủy ban phụ trách: Ủy Ban Hỗn Hợp Quốc Hội, với sự giám sát của Thượng Viện, và Ủy Ban Tổ Chức Lễ Nhậm Chức, với nhân sự 350 người. Quân đội phụ trách khu vực thủ đô Washington, DC yểm trợ lãnh vực quân sự cho lễ nhậm chức.
Ngày 19 Tháng Giêng, Tổng Thống Tân Cử Donald Trump và Phó Tổng Thống Tân Cử Mike Pence sẽ đặt vòng hoa tại Nghĩa Trang Quốc Gia Washington.
Ngày 20 Tháng Giêng dự lễ nhậm chức.
Ngày 21 Tháng Giêng, tân tổng thống dự lễ cầu nguyện tại thánh đường quốc gia Washington.
Lễ tuyên thệ nhậm chức chính thức, đúng theo truyền thống, tổ chức tại thềm phía Tây điện Capitol, trụ sở Quốc Hội Liên Bang.
Bốn cựu tổng thống và phu nhân ở trong số quan khách dự lễ, là Jimmy Carter, Bill Clinton, George W. Bush, Barack Obama. Cựu Tổng Thống George H. W. Bush không tham dự vì tuổi già và sức khỏe kém.
Nữ ca sĩ thiếu niên Jackie Evancho, 16 tuổi, diễn viên trong chương trình “America’s Got Talent,” sẽ hát bản quốc ca.
Các ca đoàn Mormon Tabernacle Choir và Missouri State University Chorale cũng sẽ trình diễn.
Chủ Tịch Tối Cao Pháp Viện John Roberts làm lễ tuyên thệ cho ông Donald Trump, và Thẩm Phán Tối Cao Pháp Viện Clarence Thomas chủ tọa tuyên thệ cho ông Mike Pence.
Tân tổng thống sau đó sẽ đọc diễn văn nhậm chức, bài do ông Stephen Miller, người viết hầu hết diễn từ cho ứng cử viên Donald Trump thời kỳ tranh cử. Theo dự đoán bài đọc sẽ không dài, chỉ lâu khoảng trên dưới nửa giờ.
Trước buổi lễ, Tổng Thống Tân Cử Donald Trump và Phu Nhân Melania sẽ đến Tòa Bạch Ốc ăn sáng với Tổng Thống Barack Obama và Ðệ Nhất Phu Nhân Michelle Obama.
Sau buổi lễ, cựu Tổng Thống Obama và phu nhân sẽ bước lên trực thăng Marine One lần cuối cùng từ sân điện Capitol bay ra căn cứ Không Quân Andrews, và từ đây lên máy bay đi Palm Springs, California, nghỉ ngơi. Máy bay sẽ không được gọi là Air Force One vì tổng tư lệnh quân đội bây giờ không có mặt trên đó.
Lễ hội đơn giản
Các lễ hội trong dịp nhậm chức của Tổng Thống Barack Obama kéo dài 5 ngày.
Các lễ hội của Tổng Thống Donald Trump chỉ dự trù trong ba ngày.
Năm 1993, ông Bill Clinton tham dự 14 dạ vũ chính thức vào buổi tối ngày lễ nhậm chức. Năm 2017, ông Donald Trump sẽ chỉ tham dự ba dạ vũ. Ban tổ chức nói rằng giá vé tham dự cho mỗi người chỉ $50, phù hợp với túi tiền của giới công nhân đã ủng hộ ông Trump trong cuộc bầu cử.
Cuộc diễn hành truyền thống, gồm cả đi bộ và đi xe, dọc theo đại lộ Pennsylvania từ điện Capitol về Tòa Bạch Ốc, của các tổng thống tiền nhiệm kéo dài khoảng hơn 4 tiếng đồng hồ; với ông Trump chỉ trong 90 phút, được ghi nhận là ngắn kỷ lục. Chưa biết Tổng Thống Trump có bước xuống xe đi bộ, chào và bắt tay dân chúng đứng hai bên đường như các vị tiền nhiệm vẫn làm hay không.
Biểu tình ủng hộ và chống đối
Nhiều con đường ở thủ đô Washington, DC sẽ bị đóng để bảo đảm an ninh cho buổi lễ. Các xe tải và xe buýt được bố trí quanh khu vực để làm chướng ngại vật ngăn chặn xe bom khủng bố.
Các quan sát viên tin rằng lễ nhậm chức của ông Trump không thu hút một số dân chúng khổng lồ như ông Obama năm 2009. Nhưng một điểm khác lạ so với những lễ nhậm chức của các tổng thống tiền nhiệm là sẽ có nhiều đoàn biểu tình ủng hộ cũng như chống đối và cảnh sát đã chuẩn bị để đối phó nếu xảy ra những chuyện rắc rối.
Bộ Trưởng Nội An Jeh Johnson (chính quyền Obama) hôm Thứ Sáu tuần trước phác họa kế hoạch an ninh đã được chuẩn bị, trong một buổi thuyết trình cho các cơ quan liên hệ tại một địa điểm bí mật ở Virginia. Ông ước lượng sẽ có khoảng từ 700,000 đến 900,000 người tham dự lễ nhậm chức của tân tổng thống, và 99 đoàn biểu tình bao gồm ủng hộ và phản đối. Tuy nhiên, ông nói rằng không có sự đe dọa đáng ngại nào vì “khủng bố quốc tế bây giờ khác xa với thời gian 2009-2013.” Nhưng ông khẳng định là mọi khả năng đều được vận dụng để đối phó kịp thời với những bất ngờ.
Theo lời ông Johnson, mối đe dọa từ trên không là đáng quan tâm nhất mặc dù máy bay và thiết bị bay không người lái đã bị cấm xâm nhập không phận Washington, DC. Ông cho biết hiện có những kỹ thuật đối phó tân tiến được áp dụng, tuy nhiên, ông không nói rõ chi tiết. Tổng cộng về nhân sự có 28,000 nhân viên thuộc nhiều cơ quan được triển khai bảo vệ an ninh, bao gồm Bộ Nội An, Sở Ðặc Vụ, Bộ Giao Thông, Tuần Duyên, và nhiều sở cảnh sát ở Washington và vùng phụ cận. Thêm vào đó, sẽ có 7,800 lính Vệ Binh Quốc Gia được triển khai.
Tẩy chay
Hơn 50 dân biểu Hạ Viện, hầu hết thuộc đảng Dân Chủ, tuyên bố tẩy chay, không tham dự lễ tuyên thệ nhậm chức của tân tổng thống.
Người ta chú ý đến một số nghệ sĩ tẩy chay hơn là có mặt trình diễn trong các buổi lễ hội. Một thành viên trong ca đoàn Mormon Tabernacle Choir và nghệ sĩ trong ban Rockettes tuyên bố rút lui sau khi tập thể của họ đồng ý nhận lời tham gia. Jennifer Holliday, ngôi sao nhạc kịch Broadway, nhận lời trình diễn, nhưng sau đó đổi ý. Trong số nhiều nghệ sĩ khác từ chối tham gia có thể kể tới Elton John, KISS, Celine Dion, Andrea Bocelli, Kanye West, Chainsmokers, Vince Nell,… Ông Sean Spicer, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc tương lai, nói trên truyền hình Fox là “ông Trump không cần các diễn viên nổi danh vì ông đã là diễn viên nổi danh rồi.”
Ba thăm dò của Washington Post/ABC News, CNN/ORC, và viện Gallup cho thấy, vào thời điểm tuyên thệ nhậm chức, ông Donald Trump sẽ là tổng thống ít được tín nhiệm của quần chúng hơn hết kể từ hơn 40 năm qua.
44% dân Mỹ tin là ông Trump đủ điều kiện làm tổng thống so với 52% nói ông không đủ tư cách lãnh đạo, trong đó 41% mạnh mẽ phê phán ông. Tám trong 10 người Cộng Hòa đồng ý ông Trump và một tỷ lệ tương đương về phía người Dân Chủ không đồng ý. Tỷ lệ tán thành và không tán thành ngang nhau ở những người không theo hai chính đảng.
Ngay lập tức, ông Trump gởi tweet phê phán bài bác các thăm dò ấy, cho rằng đây là các thăm dò “gian lận.”
Sự hoài nghi lớn nhất về ông Donald Trump cho đến bây giờ là người ta không tin rằng ông có khả năng cân nhắc chọn lựa và quyết định hợp lý trong một vấn đề quan trọng ở vai trò tổng thống.

Dù sao lễ nhậm chức của tân tổng thống sẽ tiến hành êm ả như truyền thống dân chủ của nước Mỹ từ hơn 200 năm qua. Chi tiêu cho toàn bộ những lễ hội này ước lượng khoảng $200 triệu trong đó phí tổn lớn nhất là công tác an ninh.

Thứ Hai, 9 tháng 1, 2017

NẮNG ẤM MÙA ĐÔNG HÀ NỘI

Tương Lai
Cắm nén hương lên mộ Mẹ, tôi đứng nhìn làn khói tỏa vờn lên tấm bia, mông lung
nỗi nhớ. Chỉ là một nấm đất. Vậy mà, vào những ngày cuối năm, thôi thúc nội tâm khiến tôi
nhất định phải đến đây để tin chắc rằng mẹ tôi nằm dưới kia biết là có tôi đang đứng bên.
“Thác là thể phách còn là tinh anh” tôi như đắm mình trong câu thơ Nguyễn Du. Và rồi “rì
rầm trong tiếng đất, những buổi ngày xưa vọng nói về”, tôi cảm nhận bằng chính trái tim khối
óc điều này. Tuổi càng cao, tôi càng thấm thía tình sâu nghĩa nặng Mẹ tôi. Nhắm mắt lại để
tìm trong tiếng đất rì rầm kia bước chân trèo đèo lội suối giữa năm 50 cùng Bà từ chiến khu
Dương Hòa, đi bộ 6 tháng trời vượt U Bò, Ba Rền, qua Dốc Cun lên Việt Bắc. Hơn hai phần
ba thế kỷ trôi qua, ngoài tuổi 80, càng thấu hiểu cái đạo lý thương người và bao dung như Mẹ
tôi đã sống và truyền dạy cho tôi để tìm thêm sức mạnh mà sống sao cho không phải ân hận
khi đến với Người.
Mấy ngày ở Hà Nội, dày đặc những cuộc gặp mặt ân tình. Những ấn tượng để lại
trong tôi đủ sức nóng thôi thúc những dòng cần viết ra. Dài ngắn ra sao thì khó nói trước vì
ngón tay bấm phím máy tính của tôi tùy thuộc vào sức nóng kia. Nhưng với bài này thì chỉ
xin nói một cảm nhận về sức trẻ trong tư duy của những ông già tuổi 90, trên 90, mà loại
trên 80 như tôi chỉ là kẻ hậu sinh! Trước hết là nỗi xúc động về cuộc gặp lão tướng Nguyễn
Trọng Vĩnh năm nay tuổi vừa đúng 100, và chắc chắn nỗi xúc động này không chỉ riêng tôi.
Đến muộn vì bị kẹt xe, bước vào nhà thấy cụ đang nằm ngủ trên chiếc đi văng, tôi can
chị Bình, con gái cụ, “thôi chị ơi, đừng đánh thức Cụ, tôi chỉ cần đến ngồi cạnh một lúc rồi về
thôi, chớ phiền Cụ”. Chị cười, “Cụ đợi anh từ nãy, đi nằm cho đỡ mỏi rồi ngủ đó thôi. Phải
nhắc không Cụ lại mắng cho đấy”. Quả nhiên, Cụ choàng ngay dậy, đưa tay mời tôi ngồi, rồi
Cụ cũng đến ngồi vào ghế, tự tay rót nước đã ủ trong ấm trà. Nét mặt tươi tỉnh, Cụ nói “Thế
là anh vẫn khỏe, vẫn nhanh nhẹn như năm ngoái đấy nhỉ. Tốt quá. Còn có cầm cây gậy thì
cũng chẳng sao. Tôi chống gậy lâu rồi”, Cụ cười chỉ tay vào chiệc gậy dựng cạnh ghế.
Bàn tay rắn chắc của Cụ chìa ra cho tôi, nắm rất chặt “Anh đến thăm là tôi vui lắm”,
Cụ trả lời câu hỏi thăm sức khỏe của tôi. Giọng sang sảng, Cụ hỏi thăm các anh ở Sài Gòn
từng ra thăm Cụ. Bỗng Cụ chuyển giọng: “tôi nói thêm câu này, anh về trong ấy nói lại để các
anh ấy biết ý kiến của tôi: ông Tổng bí thư Trọng vừa rồi có phát biểu, nhìn tổng quát đất nước
có bao giờ được thế này không? Tôi thì muốn nói lại như thế này: “nhìn tổng quát đất nước có
bao giờ bi đát thế này không?”. Cụ dõng dạc nhắc đến hai lần. “Tôi nói thế họ không cãi được
tôi đâu, vì thực tế là nó như vậy”.
Tôi giật mình, sao ông cụ lại có thể có phản ứng nhanh, chính xác và kịp thời đến thế
cơ chứ. Chắc chị Nguyên Bình cũng nghĩ vậy nên tôi thấy chị rút bút ra ghi vội. Mà lời đúc
kết của Cụ lại có sức nặng trải nghiệm của hơn hai phần ba thế kỷ vào sinh ra tử chứ đâu
2
phải là được chép lại từ bàn giấy một anh thư lại chuyên nghề cạo giấy! Xây dựng Đảng thì
đã từng là Phó ban Tổ chức TƯ, xông pha trận mạc thì là vị tướng được Chủ tịch Hồ Chí
Minh ký lệnh phong tặng đầu tiên, làm đối ngoại thì cũng từng là Đại sứ ta ở Bắc Kinh trong
những thời điểm cam go và quyết liệt nhất phải đối phó với mưu ma chước quỷ của các môn
phái võ Tàu bí truyền thâm hậu.
Mà là lời Cụ buột miệng nói ra, vắn gọn. Quả thật khôn qua lẽ, khỏe qua lời, Cụ nói
lời đơn giản vì lời nói là sản phẩm mô phỏng tư tưởng mà tư tưởng của Cụ thì thẳng băng,
nói điều mình nghĩ theo cung cách ông cha ta răn dạy “thẳng mực tàu, đau lòng gỗ”. Và e
rằng không chỉ có thế. Trong trường hợp này, tôi nghĩ đến ý của Musset “con người dùng lời
nói để xoay chuyển càn khôn”! Đương nhiên đó là trường hợp của “người ta không viết một
chữ mà toàn thân không rung lên “như cây đàn luth vừa lên dây” như nhà thơ Pháp thế kỷ
19 từng bộc lộ! Câu nói của Cụ Vĩnh quả thật hàm chưa sức nặng của lòng dân phẫn nộ,
nhất là vào đúng thời điểm ông Nguyễn Phú Trọng chuẩn bị đi Trung Quốc. Lúc mà câu hỏi
cụ Vĩnh đặt ra “đất nước có bao giờ bi đát thế này không” cần được có câu trả lời thỏa đáng.
Cụ nói từ chiều sâu lịch sử mà Cụ từng trải nghiệm, và suy ngẫm bằng chính quãng đời tù
đày trận mạc, nam chinh bắc chiến của một lão tướng:
“Cuộc đời nếm trải đủ thăng trầm
Đầu còn minh mẫn tai còn tỏ
Mắt vẫn tinh tường, tính chửa “hâm”
Ấm lạnh tình đời còn phán xét
Thịnh suy thế nước vẫn quan tâm
Còn hơi, còn sức còn lên tiếng…” [Canh Dần Tự bạch]

Có lẽ Cụ không hề định “dùng lời nói để xoay chuyển càn khôn”, mà là do tôi luận ra
đấy thôi. Nhưng xem ra, nếu đặt vào bối cảnh của buổi “giao mùa chính trị” với những biến
động dữ dằn của 2016 sang 2017, những điều tôi “luận” ra kia chắc là có cơ sở. Thì chẳng
phải, chỉ mười phút nói chuyện thăm hỏi, mà cuộc điện đàm giữa ông Trump nước Mỹ và
bà Thái Anh Văn, tổng thống Đài Loan đã làm phá sản toàn bộ kế hoạch Bắc Kinh dàn dựng
và xây đắp trong suốt 40 năm trời đó sao? Tuyệt đối đây không phải là “cơn bão trong chén
trà” theo cách Trung Quốc đang cay cú phản ứng. Mười phút của Trump làm phá sản một
toan tính lâu dài, “công trình kể biết mấy mươi” trong suốt 40 năm ròng không hề là một
ngẫu nhiên nếu ta đọc cuốn sách của Trump viết trước đó mấy năm “Đã đến lúc phải cứng
rắn” (Time to get tough). Với ai? Với Trung Quốc. Đây là một thời điểm tế nhị khiến tôi nghĩ
đến “một giải pháp độc đáo cho những vấn đề gặp phải” vể bản lĩnh Việt Nam trong những
tình huống bị dồn đến chân tường như một học giả Pháp phát hiện mà tôi đã nhiều lần nhắc
đến trong các bài viết của mình.
Và rồi, ý này tôi đã mạo muội nói lên trong một cuộc gặp mặt thú vị giữa các vị lão
thành, cựu chiến binh với một nhà chức trách nhiều ý tưởng mạnh dạn mà tôi là “khách
không mời mà đến”. Đúng hơn, không được mời chính thức trong danh sách hẹp đã được
ấn định. Thôi thúc bởi câu nói của Trump mà tôi đã viết trong “mênh mông thế sự 52”: “Hãy
ngừng nói để còn sửa chữa”, tôi liều mạng nói thẳng ý mình sau khi đã có nhời xin được bỏ
ngoài tai nếu nghe không thuận “mọi ý đều rất đúng và hay cả, nhưng theo tôi thì đã cũ mất
rồi. Ví như, chuyện Mác và Lê nin thì xin thưa cách nay đã 20 năm tôi đã trình bày trong một
tiểu luận đóng thành sách “không có cái gọi là Chủ nghĩa Mác-Lenin, đó là sản phẩn thuần
túy của Stalin sai người viết, Mao tiếp tục tuồn vào đó ý riêng của ông ta rồi cho tải qua biên
giới vào nước ta thôi. Dân, nhất là giới trí thức có hiểu biết, nhận ra từ rất lâu sự bịa tạc, bịp
3
bợm được nhét vào đầu óc bởi những lời lừa mị đi liền với vô vàn thủ đoạn hăm dọa cưỡng
bức. Và người ta câm lặng trong sự chán chường, mệt mỏi”. Cuốn sách này tôi đã gửi đến
nhiều nhà lãnh đạo và chỉ nhận được hai phản hồi mạch lạc và chân tình của Đại tướng Võ
Nguyên Giáp và ông Võ Văn Kiệt với những lời động viên như đã có dịp viết ra. Cho nên, theo
tôi, như lời một vị vừa hỏi “Chúng tôi cần làm gì vào lúc này”, vì chưa nhận được câu trả lời
nên tôi mạo muội kiến nghị: hãy ngừng nói để tập trung suy nghĩ, lắng nghe và đưa ra quyết
sách đúng thời điểm. Điều này đòi hỏi một bản lĩnh dám quyết đoán, dám chớp lấy cơ hội để
xoay chuyển tình hình.
Rất may mắn và xúc động, khi tiễn vị khách nhiều ý tưởng mạnh dạn nói trên ra về,
mấy cụ ngồi lại biểu tỏ thái độ đồng tình với ý tưởng của tôi và ngỏ lời động viên. Thì ra, sức
trẻ của tư duy không quá lệ thuộc vào tuổi tác. Thì chẳng phải có người tuổi còn trẻ nhưng
sức tư duy thì lại rất già nua đó sao. Vấn đề đặt ra là phải dám đặt ra câu hỏi để tìm câu trả
lời. Và cả câu hỏi cũng như câu trả lời đều cần có thông tin, đúng hơn, cần tiếp cận với thông
tin được cập nhật một cách trung thực và đa dạng. Ngừng nói là ngừng những điều người
nghe đã bão hòa và nhàm chán vì buộc phải nghe những lời áp đặt.
Mà ngừng nói chính là ngừng những lời nhàm chán, áp đặt đó để dồn sức thay đổi cái
thực trạng đáng xấu hổ cần được xem là một sỉ nhục quốc gia khi một lao động Singapore
làm ra của cải bằng 23 lao động Việt Nam, năng suất lao động của ta phải 20 năm nữa mới
đuổi kịp Philippines, 50 năm nữa mới đuổi kịp Thái Lan như chính Tổng cục Thống kê vừa
đưa ra. Đây chính là cái xiềng nô lệ do ta tự thít chặt lấy cổ dân tộc ta bởi một mô hình kinh
tế “định hướng XHCN”, hệ lụy khủng khiếp của thể chế chính trị toàn trị phản dân chủ được
sự hậu thuẫn của chủ nghĩa bành trướng Đại Hán đội lốt “ý thức hệ XHCN”.
Thưa cụ Vĩnh, ông tổng Trọng nói đúng đấy chứ ạ: “nhìn tổng quát thì nước ta bao
giờ được thế này không”? Cho nên xin đừng tranh luận chuyện cũ nữa. Cũng đừng mất thì
giờ săm soi cái biển số xanh sau đít cái xe trắng nơi tỉnh Hậu Giang để truy lùng “quốc nạn
tham nhũng” nhằm thanh toán đối thủ đe dọa cái ghế của mình nữa.
Hãy dành tí chút lòng yêu nước còn sót lại trong cuộc đầy vơi toan tính mà tìm kế rửa
nhục cho nước để dân khỏi phải chạnh lòng. Các vị đấu đá với nhau thể là quá đủ để nản
lòng dân rồi. Họ hiểu cả đấy nhưng chưa nói ra đấy thôi. Chưa nói vì họ thừa kinh nghiệm
biết phải tỏ thái độ vào lúc nào. Cũng đã có những bàn chân nổi giận đã ào xuống đường.
Đường phố, đường làng. Và cũng đã sứt đầu mẻ trán. Máu cũng đã đổ nơi thôn cùng xóm
vắng đìu hiu cũng như chốn kinh thành sang trọng hoặc nhớp nhúa. Thì chẳng phải ai đó
4
đang dày công chuẩn bị cho đội hình bạo lực các loại nhằm quyết không để xảy ra “tình
huống bất ngờ” với… dân đó sao?
Họ nhiều toan tính trên cái ghế quyền lực lung lay nên đang thấm thía nỗi sợ đẩy
thuyền và lật thuyền do vậy phải dồn sức để đối phó với dân. Chặc họ cũng biết, cách đối phó
tốt nhất là hãy lắng nghe dân xem người dân đang muốn gì rồi cố gắng từng bước thuận theo
ước nguyện của dân! Nhưng thế thì ai lo cho lợi ích của họ đây. Hơn nữa, không dám và
không thể làm điều đó vì biết quá rõ, họ đã đánh mất lòng dân khi chỉ chú mục vào cái ghế
quyền lực đang ngồi hoặc định leo lên. Và họ cũng biết rõ việc đánh mất lòng dân lớn nhất
là sự quỳ gối hèn hạ trước kẻ thù đeo mặt nạ “cùng chung ý thức hệ XHCN’.
Ấy vậy mà cũng chính đây lại là thời điểm có tính quyết định để hiểu ra rằng, không
thể tiếp tục sự chọn lựa theo lối “đu dây” như vừa qua được nữa. Đất nước đang ở vào khúc
ngoặt hiểm nghèo của một thế giới đã lật sang một trang mới. Sẽ không khỏi cảm giác ngỡ
ngàng! Kẻ yếu bóng vía thì hoang mang. Kẻ hoạt đầu trong toan tính lợi ích ngắn hạn thì
đang chọn cửa cho canh bạc mới. Người đa đoan về vận nước thì đang nát óc nghĩ suy sao
cho trong cơn bĩ cực tìm ra được lối đi trong cái thế cùng tắc biến, biến tắc thông.
Cho nên, đây chính là thời điểm để đưa ra quyết sách táo bạo. Mọi diễn biến đang
diễn ra và đều khó lường, đúng vây. Nhưng chính vì thế phải dám có bản lĩnh để chọn cho
mình một thế đứng chủ động khả dĩ có thể đối phó với những phong ba bão táp khó đoán
nhưng rõ ràng đang lừng lững xuất hiện. Để không là một quân cờ mạt hạng trên bàn cờ của
các nước lớn, phải biết được cái lợi thế mà mình đang có để hành động một cách khôn ngoan.
Thì chẳng phải dân tộc ta đã từng lâm vào tình thế ngàn cân treo sợi tóc nhưng rồi đã thoát
khỏi một cách ngoạn mục để đi tới đó sao?
Giải pháp nào cũng phải có cái giá phải trả, nhưng để có giải pháp thì trước hết không
chịu cúi đầu tự trói mình. Làm sao có sách lược đối phó với một kẻ thù đã từng làm bình địa
nhiều vũng lãnh thổ rộng lớn từ Á sang Âu thời Trần nếu không có bản lĩnh một Trần Thủ
Độ, một khí phách Trần Quang Khải và một bộ óc lớn Trần Hưng Đạo? Trong tâm thế Việt
Nam không hề có chỗ cho những kẻ đã bán linh hồn cho kẻ xâm lược ngoại bang.

Đây là làn ranh đỏ trong hệ giá trị truyền thống dân tộc mà ông cha ta đã khắc cốt
ghi xương cho mọi thế hệ con cháu. Quyết sách táo bạo nhằm đối phó với mọi biến động khó
lường của thế giới và của khu vực cũng phải khởi phát từ đây. Chính vì sự khó lường của
diễn biến thời cuộc mà phải tận dụng cái thế ứng xử “dĩ bất biến ứng vạn biến” một cách
thích hợp với những tình huống chưa có tiền lệ. Cái bất biến không là gì khác “sâu rễ bền
gốc”, thuận theo ý của dân, khởi động được sức dân. Muốn thế, phải dân chủ hóa trong tìm
tòi quyết sách và giải pháp để dần bớt đi sự “bi đát” của đất nước mà vị lão tướng vừa tròn
tuổi một trăm đau đớn thốt lên!
Xin trở lại với việc “dùng lời nói để xoay chuyển càn khôn” mà tôi luận ra từ lời cụ
Vĩnh để lan man suy tưởng về lời Nguyễn Trãi “càn khôn bĩ mà lại thái, nhật nguyệt hối mà
lại minh” để tìm lại trong quẻ Dịch sự hanh thông khi lâm vào tận cùng của sự bế tắc.
Nắng ấm của Hà Nội những ngày mùa đông này đang giúp làm nóng lên những ngón
tay bấm phìm máy tính để tôi việt vội bài mênh mông thế sự kịp ra đúng hẹn.
Ngày 8.1.2017

---------------------------------
Bản tin số TL 21
"Mênh mông thế sự" 52

Thứ Bảy, 7 tháng 1, 2017

THÔNG ĐIỆP 2017 CỦA TẬP CẬN BÌNH: KHÔNG THƯƠNG LƯỢNG VỀ BIỂN ĐÔNG!

Thủy Thu | 01/01/2017 

Tập Cận Bình gói gọn năm 2016 của Trung Quốc bằng hai từ "xuất sắc" và "khó quên" với sự khởi đầu thành công của kế hoạch 5 năm lần thứ 13 (2016 - 2020).
Ngôn từ đồng cảm
Giống những năm trước, thông điệp năm mới 2017 của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp tục gây sự chú ý đối với dư luận Trung Quốc khi sử dụng những cụm từ thường xuất hiện trên mạng xã hội nước này như "nhấn like", "vô cùng nỗ lực" v.v...
Theo giới quan sát, cách dùng từ của ông Tập đã làm tăng bầu không khí vui vẻ, thân thiết và rất có hiệu quả trong việc kéo gần khoảng cách với người dân.
Đặc biệt, ông dễ lấy thiện cảm của người dân khi đề cập chi tiết đến những vấn đề thiết thực, liên quan đến lợi ích sát sườn của họ như: ăn ở, an sinh xã hội v.v...
"Tôi bận tâm nhất vẫn là tầng lớp lao động nghèo, họ ăn có ngon, ở có yên, có thể ăn tết ngon không. Tôi cũng hiểu những khó khăn mà bộ phận dân chúng đối mặt như về công việc, giáo dục con cái, y tế...", ông Tập thể hiện sự đồng cảm.
Thành tựu đối nội "xuất sắc"
Mở đầu bài phát biểu, ông Tập gói gọn năm 2016 của Trung Quốc bằng hai từ "xuất sắc" và "khó quên" với sự khởi đầu thành công của kế hoạch 5 năm lần thứ 13 (2016 - 2020).
Dù bị đánh giá là một trong những thị trường chứng khoán diễn biến tệ nhất năm 2016 với chuỗi bong bóng tài sản ngày càng gia tăng cùng với sự tăng trưởng kinh tế bấp bênh nhưng trong bài phát biểu, ông Tập khẳng định nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng ở top đầu thế giới.
Năm 2016, Trung Quốc cạnh tranh với Bồ Đào Nha - quốc gia ngập trong "núi nợ" - ở vị trí cuối cùng trong danh sách xếp hạng các thị trường chứng khoán năm 2016 của hơn 40 nước do tờ Wall Street Journal (Mỹ) tổng kết.
Ngoài ra, nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng nhắc đến những thành tựu xuất sắc khác: Cải cách quốc phòng, quân đội mang tính đột phá; cải cách sâu rộng hệ thống hành chính tư pháp công và thúc đẩy mạnh mẽ chiến dịch chống tham nhũng, thanh lọc tác phong, lối sống trong nôi bộ đảng.
Bên cạnh đó, là thành tự về lĩnh vực khoa học, thể thao và các vấn đề an ninh xã hội.
Giới phân tích nhận định, cách nhấn nhá cụm từ "tích cực" đằng trước mỗi thành tựu trên cho thấy, ông Tập dường như bày tỏ rằng, những nỗ lực trong thời gian nắm quyền của ông đã đạt được thành công "rực rỡ" và rất đáng được ghi nhận.
Sự ghi nhận này có ý nghĩa củng cố vị thế "lãnh đạo hạt nhân" cũng như uy tín của ông trong thời gian nắm quyền tiếp theo.
Thành tựu đối ngoại "nổi bật"
Thành tựu đối ngoại duy nhất được ông Tập nhắc đến chính là Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) được tổ chức tại Hàng Châu hồi tháng 9 vừa qua.
"Chúng ta đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 11 nhóm lãnh đạo các nước G20, thể hiện cho thế giới thấy trí tuệ và cách làm của Trung Quốc, để lại ấn tượng và phong thái tuyệt vời của Trung Quốc", Tập Cận Bình nói.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, bên cạnh thành công ngoại giao như người đứng đầu Trung Nam Hải đề cập, Trung Quốc năm qua cũng đã vướng không ít những "bê bối" ngoại giao như sự việc một quan chức nước này có thái độ thô lỗ với đoàn tháp tùng của Tổng thống Mỹ Barack Obama ngay trước Hội nghị G20.
Sự kiện người đứng đầu ngành ngoại giao Trung Quốc, Ngoại trưởng Vương Nghị, mắng dữ dội một nữ phóng viên trong buổi họp báo tại Canada cũng để lại ấn tượng không mấy tốt đẹp.
Đặc biệt, ông Tập đề cập sự kiện mà các binh lính thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình của Trung Quốc ở Liên hợp quốc bị báo cáo của phương Tây cho là "vứt vũ khí bỏ chạy thục mạng" khi làm nhiệm vụ, để mặc nhân viên Liên Hợp Quốc bị hãm hiếp tại Nam Sudan.
Theo Chủ tịch Trung Quốc, những người lính này đã "dâng hiến sinh mạng, hy sinh anh dũng để bảo vệ hòa bình cho thế giới".
Vấn đề cần nỗ lực
Ông Tập Cận Bình cho hay, xã hội nước này đang cần phải nỗ lực xây dựng một xã hội tiểu khang (xã hội khá giả).
"Trên con đường xây dựng xã hội tiểu khang, một cá nhân cũng không được lạc đội", ông Tập nhấn mạnh.

Đặc biệt, trong bài phát biểu còn xuất hiện cụm từ "thế giới đại đồng" - tư tưởng nằm trong chiến lược Giấc mộng Trung Hoa do Tập Cận Bình khởi xướng.
Theo ông, do thế giới còn chiến tranh, loạn lạc, nghèo đói, bệnh tật và tai ương đeo bám nên xã hội quốc tế cần phải chung tay xây dựng nên một tinh cầu hòa bình và phồn vinh hơn.
Bài phát biểu năm nay của Tập Cận Bình đề cập khá ít đến các vấn đề quốc tế, vấn đề biển Đông - chủ đề khiến Trung Quốc bị dư luận thế giới chỉ trích mạnh mẽ vì những hành động gây hấn, leo thang căng thẳng của nước này cũng đã bị ông "lờ đi".

Tuy nhiên, ông lại đưa ra một lời cảnh cáo, ám chỉ về vấn đề này.
"Chúng ta kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và lợi ích hàng hải. Ai muốn 'thương lượng' về vấn đề này, người Trung Quốc đều không đáp ứng", Tập Cận Bình nói.
Giới phân tích chỉ ra rằng, cái "chủ quyền lãnh thổ và lợi ích hàng hải" mà ông Tập nói đến chính là ám chỉ biển Đông, Hoa Đông và vấn đề Đài Loan.
Theo đó, người đứng đầu Trung Quốc đang muốn thị uy, cảnh cáo các nước, các bên liên quan rằng, "không được 'thương lượng' về cái mà Trung Quốc coi là 'chủ quyền lãnh thổ và lợi ích hàng hải'".
-------------------------------------
Theo Trí Thức Trẻ

Thứ Sáu, 6 tháng 1, 2017

NHÌN VỀ PHÍA TRƯỚC . (Bài viết của GS Tương Lai)

Tương Lai

Lòng tự dặn lòng hãy biết nhìn và dám nhìn về phía trước khi quỹ thời gian của mình không còn nhiều. Ấy thế mà trên dòng sông cuộc sống tôi đang phải ngụp lặn đây, thì làn nước buốt giá hay ấm áp vừa chạm vào tâm hồn mình trong buổi nhiễu nhương này nào có phân biệt được ranh giới giữa đâu là cái đã kết thúc và đâu là cái đang bắt đầu? Đây cũng chẳng là chuyện mới mẻ gì. Vì sự khác biệt giữa quá khứ, hiện tại và tương lai chẳng qua chỉ là một ảo tưởng dai dẳng đến ngoan cố mà cha đẻ của thuyết tương đối A. Einstein đã lưu ý từ lâu rồi.
Chuyển từ năm cũ sang năm mới chỉ là một ước lệ. Thì chẳng phải những ngày cuối năm 2016 đã dồn dập bao nhiêu biến động dữ giội, cứ ngỡ như trên dòng sông cuộc sống, chúng ta đang ở vào nơi nước dồn vào miệng vực trước khi ào xuống thác, chuyển dòng! Mà thật ra thì nước đã ào xuống rồi! Chúng ta đang bị cuốn theo dòng thác, không liệu cách ứng phó thì chết chìm trong dòng thác ấy chứ chả đùa!
Chỉ mới hơn một tháng, kể từ cảm nhận “sau cơn địa chấn là sự trầm tư”, tên của bài “mênh mông thế sự 52”, thì giờ đây “trầm tư” e là không còn đủ nữa rồi. Trầm tư là để có dịp kiểm nhận đúng sai, nông cạn hời hợt, hay chín chắn cẩn trọng trong nhận thức về thời cuộc, trong cảm nhận cuộc sống để còn liệu mà nghĩ, mà sống. Dồn dập những sự kiện đang đảo lộn những cách nhìn, cách nghĩ, làm nhòe đi những nếp hằn trong đường mòn tư duy quen thuộc. Địa chấn gây đổ vỡ trên bề mặt của địa cầu, làm xáo động tâm hồn  cư dân đang sống trên đó. Trước hết là tạo ra một lực khởi động cho tư duy của những đầu óc còn ngái ngủ hoặc quá hằn sâu những vết mòn dễ dãi cho những não trạng lười biếng.
Thực tế thì thế giới đã sang trang. Hay dở, tốt xấu còn cần phải kiểm nghiệm, nhưng chắc chắn là nó không còn và không thể như cũ được nữa. Một cái mới đã hình thành.Êm dịu hay dữ dằn là tùy theo cách tiếp nhận của mỗi cá nhân, mỗi quốc gia, mỗi dân tộc. Mà điều này thì không dễ chịu tí nào, vì đó là “sự nổi loạn chống lại một trật tự cũ đã suy đồi nhưng được tập quán thần thánh hóa”, điều mà Hégel, một đỉnh cao của triết học nhân loại đã chỉ ra hơn hai trăm năm trước đây khi bàn về phép biện chứng! Nổi loạn để thay đổi, lịch sử đã sang trang mới.
Nổi loạn bởi Trump, mà trước đó đã rung chuyển bởi Brexit, và hình như trước đó nữa khá lâu là Le Pen mà hơn 80% cử tri Pháp hỏng hồn đã phải dồn phiếu cho Jacques Chirac lên ghế Tổng thống Pháp chỉ để ngăn Le Pen. Mà đâu đã xong, ngay sau chiến thắng của Trump, người sáng lập FN [Đảng Mặt trận Quốc gia Pháp cực hữu] tuyên bố thẳng thừng : “hôm nay là Mỹ, ngày mai là Pháp”.
Có lẽ chỉ cần  mượn một câu của Washington Post bình về chiến thắng ngoạn mục của Trump : “chỉ có thể giải thích bằng khao khát mãnh liệt muốn thổi tung cả một hệ thống” thay cho những giải thích dài dòng. Thực ra thì điều này người ta đã có thể đọc thấy trong cuốn “Nước Mỹ nhìn từ bên trong” của Trump phát hành tháng 11.2015 ở Mỹ: “Nếu nó không hỏng thì đừng sửa nó, song nếu nó đã hỏng thì hãy ngừng nói để còn sửa chữa. Tôi biết cách sửa nó”!Đơn giản vậy thôi, nhưng sao mà lúc này đây, tôi và chắc chắn không chỉ mình tôi, đang cháy ruột cháy gan mong được nghe một câu đại loại như vậy trên đất nước mình: Hãy ngừng nói để còn sửa chữa!
Nhưng mà người ta đâu có chịu ngừng nói. Vì, nếu không nói thì họ còn biết làm gì cho qua ngày đoạn tháng trên cái ghế quyền lực vừa giành được với bao mưu ma chước quỷ trong cuộc thanh toán đối thủ. Không nói thì chả nhẽ cái mồm chỉ dành để nhai? Mà nhai gì cơ chứ.
Nhai “cái bánh vẽ” ư?
Như Chế Lan Viên, nhà thơ lớn của một thời đã quằn quại viết nên những câu thơ rớm máu.Biết là bánh vẽ nhưng vẫn cứ phải nhai
“Chả là nếu anh từ chối
Chúng sẽ bảo anh phá rối
Đêm vui
Bảo anh không còn có khả năng nhai
Và đưa anh từ nay từ nay ra khỏi tiệc...
Thế thì đâu còn dịp nhai thứ thiệt?
           [Chế Lan Viên. “Bánh vẽ”]
Và rồi hôm nay đây “thứ thiệt” để nhai là gì vậy?
Là cá, là tôm, là mực...gắn với thương hiệu Formosa ,và nghị quyết!
“Ăn cá đi anh, nếu có chết tuần sau mới chết...
...Ăn nghị quyết đi anh, nếu có chết nhiệm kỳ sau mới chết”!
[Nguyễn Duy. “Thơ nhậu”]
Vậy thì “nhai” hay “nói”? Chọn đi.
 “Nói dối lem lém, nói dối lì lợm, nói không biết xấu hổ, không biết run sợ vì người nghe không có thói quen hỏi lại...hoặc giả hỏi lại và kiểm tra là không được phép, là tối kỵ, dễ gặp tai họa nên không hỏi gì cũng là một phép giữ mình. Người nói trong cái trống không, người nghe tuy có mặt đấy nhưng cũng chỉ nghe có những tiếng vang của cái trống không”.  Cho nên, “nói ” không thể ngừng được.
Mà vì sao phải ngừng cơ chứ?
Máu trào lên đầu ngọn bút, nhà văn Nguyễn Khải đau đớn thốt lên : “một môi trường xã hội ngột ngạt vì cái bóng quyền lực phủ lên tất cả, quyết định tất cả, thì số phận những cá nhân sẽ ra sao”?[Nguyễn Khải. “Đi tìm cái tôi đã mất”]
Cái “hỏng” này làm sao sửa chữa đây? Lục tìm trên các trang báo chính thống, trong các diễn văn , trong các nghị quyết chưa tìm ra được hình hài của một ý tưởng lớn khả dĩ có thể thiết kế một quyết sách quốc gia, ngoại trừ chú mục vào chuyện cái biển xe màu xanh sau cái đít xe vốn chỉ được là màu trắng để huy động cả một bộ máy bạo lực, cả “hệ thống chính trị”, thậm chí cả móc nối với interpol quốc tế để “cứu nguy dân tộc”!
Để gì? Chắc chắn không phải là để “thổi tung cả một hệ thống” như báo chí quốc tế bình luận. Mà để duy trì bằng được một hệ thống đã rệu rã.
Liệu có phải vì thế, trong những ngày đầy ắp những sự kiện lớn tiêu biểu cho tinh thần quyết tử để tổ quốc quyết sinh, cho khí phách quật cường của truyền thống dân tộc đánh thắng mọi kẻ thù cho dù chúng hung hãn đến đâu, thì cái âm hưởng chủ đạo của những lời phủ dụ, rao giảng, răn đe lại là tinh thần cảnh giác, chống “diễn biến và tự chuyển biến”, là kêu gọi những người cầm súng phải trung thành với Đảng cầm quyền, không để “bị động bất ngờ”! Bất ngờ như sự kiện súng nổ ở Yên Bái ư? Hay bất ngờ chuyện “chúng nó” ung dung xách cặp lên máy bay đi chữa bệnh hay đi nghỉ mát khi đã thuộc diện phải “xử lý”!
Xem ra hình như ai đó cần mũi súng hướng về chỗ khác cần kíp hơn là chĩa về phía kẻ thù cướp nước đang trắng trợn diễu võ giương oai trên Biển Đông, mà sát sườn hơn, chúng đang xây đắp căn cứ trên những đảo thuộc chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc ta mà chúng vừa ăn cướp được. Trong lúc làm những điều đó thì chúng vẫn đang nói những lời đường mật bịp bợm một cách thật bài bản, lên bổng xuống trầm, rồi người Việt Nam đồng cấp của chúng vui vẻ phụ họa theo, ngoan ngoãn, thành khẩn.
Hay là những vấn đề quốc gia đại sự chỉ có thể mật bàn cho nên các cái đầu lớn quyết “thiên cơ bất khả tiết lộ, đạo pháp bất truyền lục nhĩ” chăng?
Nhưng trong thời buổi internet nối mạng toàn cầu, một chuyện vặt ở nơi thôn cùng ngõ vắng hay một góc nhỏ nơi hẻm phố tối tăm cũng có thể có những con mắt săm soi và nếu thấy hứng chí thì phóng ngay lên mạng cho cả bàn dân thiên hạ đều hay thì những đại sự chốn thâm cung bí sử cũng khó mà không “bốc hơi” chút đỉnh. Khốn nỗi, một số “thông tin vỉa hè” có khi lại làm chỗ dựa tin cậy cho một số nhà báo chính thống để “mông má” hoặc “đánh bóng mạ kền” bài viết của mình mà chinh phục độc giả. Không chỉ thế!Tin đồn cứ khơi khơi như vậy, nhưng đến khi có công bố chính thức thì kiểm lại thấy đúng đến 80-90%, đương nhiên, cũng nhiều khi tóe loe ra là tin vịt. Thì cứ nhớ lại cái trang mạng nọ hiện diện rất chi là “cập nhật” thời các Hội nghi Trung ương dẫn đến Đại hội 12 cũng luận ra được những chuyện “thiên cơ bất khả lậu” đấy chứ.
Một khi mà mọi chuyện cứ tù mù ở chốn thâm cung bí sử thì tin vỉa hè, tin trên mạng đóng vai trò định hướng dư luận chứ không phải những bài viết tràng giang đại hải trên các trang báo chính thống, nhất là chính thống loại một mà dân mạng gọi là “siêu chính thống”. Những chuyên gia săn tin chỉ việc đảo ngược lập luận của những luận điểm “bom tấn”, “bom tạ” trên các trang đó là thấy ra ngay ở cấp cao nhất người ta đang e ngại chuyện gì và dân tình thì đang nghĩ gì. Đấy là chưa nói cứ chịu khó thống kê tần suất những lời vàng ngọc nhai đi nhai lại trên các diễn văn, các lời huấn thị, các câu rao giảng thường phô trên báo, trên đài cũng lờ mờ hiểu ra được người phải gánh vác trọng trách lèo lái con thuyền đất nước đang nghĩ gì, toan tính những gì. Toàn những lời chỉn chu, đúng ngữ pháp, đúng văn phạm văn phong theo một khuôn thức đã đúc sẵn chẳng khác mấy với mươi, hai mươi năm, thậm chí ba, bốn mươi năm trước đây [ngoại trừ những lời buột miệng không do viết sẵn để đọc mà những tay cắc cớ xếp vào danh mục “phát ngôn ấn tượng”].

Description: 000_JB379-400.jpgDescription: 4
Nhìn tổng quát, đất nước có bao giờ được thế này không                    Bộ trưởng nhai cá Formosa để trấn an lòng dân
                                   ngày 23.11.2016                                                                                         ngày 30.4.2016

Cũng chính vì thế mà dân tình mong nghe được những lời nói trực diện bỗ bã phá bỏ mọi công thức có dáng dấp rất “bụi” kiểu Trump, như cách trả lời phản ứng của Trung Quốc về cuộc điện đàm giữa ông ta và bà Thái Anh Văn, tổng thống Đài Loan, qua đó nổi rõ một quyết sách, bật lên một lực đẩy có ý nghĩa xoay chuyển tình thế, “ đảo ngược thành quả 40 năm của Trung Quốc trong 10 phút” theo cách nói của tờ Daily Beast.
Mà đâu là chuyện ngẫu nhiên, tùy hứng. Theo Le Figaro, “tất cả các cuộc nói chuyện đều đã được lên kế hoạch từ trước. Cuộc điện đàm là hoàn toàn có chủ ý”.  Chủ ý đó đã quá rõ. Đài Loan là tử huyệt của Trung Quốc, bấm vào đó sẽ tạo nên phản ứng dây chuyền. Mà rồi cứ xem những quyết định của Trump sau đó như bổ nhiệm bộ trưởng Quốc Phòng, Bộ trưởng Ngoại Giao, Bộ trưởng Thương Mại... thì thấy rõ đường đi nước bước của quyết tâm “làm cho nước Mỹ hùng mạnh trở lại” của vị tổng thống đắc cử Donald Trump.
Hoặc gần đây, trong những phát biểu của Trump về Nga, về Châu Âu, về NATO người nhận ra được có hơi hướng của Henry Kissinger. Cũng có dư luận giới trí thức Mỹ phê phán gay gắt cả Trump và Kissinger và cho rằng cho rằng với Trump nước Mỹ và thế giới đang bước vào một thời kỳ có nhiều bất định và chưa biết được nó kéo dài bao lâu. 
Ấy thế nhưng vừa rồi chính Trump lại chia sẻ trên Twitter nhận định của ông về nhân vật từng giữ ghế ngoại trưởng Mỹ và cũng là người cóảnh hưởng đến gần như tất cả tổng thống Hoa Kỳ kể từ sau thời Nixon rằng Một cây cổ thụ đã mục ruổng, Không nên tưới bón làm gì, Chỉ tốn thời gian”. Một lời nhắn gửi vắn trên Twitter chưa đến 20 từ, nhưng xem ra mang ý nghĩa biểu tượng cho một quyết sách mới làm thay đổi cục diện thế giới từng bị phủ bóng một quá khứ trì trệ cần cởi bỏ. Sẽ còn quá nhiều việc phải làm, nhưng dù sao thì trước hết là cần phải dám và biết từ bỏ cái cũ trì trệ và hư hỏng và dám dấn thân trên một con đường mới.
Gì thì chưa thể nói hết vào lúc này. Nhưng có một điều chắc chắn là kiểu “đu giây” để tránh một giải pháp “được ăn cả ngả về không” đã phá sản! Thái độ “nửa nạt nửa mỡ” có thể còn tìm thấy chỗ dung thân bởi chính sách “duy hòa” của Obama nhưng sẽ không thể với Trump vì sự quyết liệt không có chỗ cho tiểu xảo lập lờ đánh lận con đen trong đường lối đối nội chi phối chính sách đối ngoại vừa giữ bằng được cái đuôi định hướng XHCN quài gở gắn vào thị trường vừa đòi hưởng quy chế của một nền kinh tế thị trường đầy đủ!
Nhắc đến những ví dụ này không nhằm gợi lên một thái độ sùng ngoại, thân Mỹ, bài Trung. Mà chỉ để nói lên khát vọng tìm một lối đi nhằm đưa đất nước thoát khỏi sự trì trệ đã kéo quá dài bởi một thể chế toàn trị phản dân chủ quá cũ nát, quá hư hỏng. Có người đã cả quyết rằng chỉ có thể phá bỏ và làm lại. Đương nhiên, cái mới không đến tự trên trời, nó ra đời trong lòng cái cũ. Nhưng có cái mới nào ra đời lại không khởi đầu từ phá bỏ cái cũ?
Vấn đề chỉ là phá cái cũ như thế nào, bằng giải pháp nào để xuơng máu của người dân không một lần nữa lại phải đổ ra để lót đường cho lịch sử đi tới. Không thể sao chép những cách làm của thế giới, vì mỗi quốc gia, dân tộc đều có những thuộc tính đặc thù. Nhưng rõ ràng là không thiếu những ví dụ sống động. Vấn đề chỉ là “những người tốt cần liên hiệp lại”. Nhưng ai là người tốt đây?
 Những “đảng viên nhưng mà tốt” ư? Trong câu nói hàm súc chứa đựng một sự phê phán mang tầm đúc kết lịch sử về một sự thật đau đớn và nhục nhã ấy mà những người đảng viên cộng sản có lương tri phải  ngậm đắng nuốt cay mà tự nhận lấy. Những cựu chiến binh từng góp một phần xuơng máu của mình cho sự nghiệp đánh giặc cứu nước qua ba cuộc kháng chiến nay vẫn ấp ủ trong tim mình ngọn lửa yêu nước, quật cường bất khuất ư? Những trí thức yêu nước thương nòi luôn là người hiểu rất rõ là bộ phận tinh hoa của đất nước thì trong từng giai đoạn lịch sử họ phải đứng ở vị trí nào, phải làm gì cho Tổ quốc cho dù có bị bạc đãi, bị thành kiến, bị đối xử tệ hại vẫn không xóa đi được phẩm cách trí thức của họ ư?
Và thế hệ trẻ.Một lớp trẻ sản phẩm của thời đại văn minh trí tuệ và kinh tế tri thức này đang thực sự là một lực lượng hùng hậu, tích tụ trong đó một nguồn năng lượng mà khi được khởi động đúng cách sẽ làm nên chuyện dời non, lấp biển. Khi thế hệ trẻ này hành động, họ có dủ lực làm đầu tàu kéo theo một đông đảo những người lao động ở đô thị, trong khu công nghiệp, ở nông thôn trong những mô hình trang trại với cách làm ăn mới.
Xin trở lại một chút về chuyện “đảng viên nhưng mà tốt” để làm rõ từ bình diện lý luận. Có một sự thật là “làm gì còn những người cộng sản nguyên nghĩa”, đối tượng để lên án, để phê phán của những người căm thù cộng sản và đối nghịch lại là những người nhân danh cho hệ thống quyền lực đang nắm chặt bộ máy chuyên chính và cả “hệ thống chính trị” thì khẳng định dứt khoát “còn đảng còn mình” và buông một câu thật dại dột “bỏ điều 4 trong Hiến pháp là tự sát”!
Trong cuốn sách “Cảm nhận và Suy tư” viết cách nay hai năm, tôi đã có đôi dòng viết về “Giai cấp mới” : “Hạt nhân và cơ sở của giai cấp mới đã hình thành ở bên trong cũng như trên đỉnh quyền lực của đảng cũng như của bộ máy nhà nước. Cái đảng từng có lúc là một tổ chức sinh động đầy sáng kiến, thì nay đối với những người cầm đầu của giai cấp mới, đảng đã biến thành một vật trang trí, càng ngày chỉ càng kéo vào hàng ngũ của mình những kẻ hãnh tiến, những kẻ muốn nhập vào hàng ngũ của giai cấp mới và đẩy những người còn tin vào lý tưởng ra” [Milovan Dijlas “Giai cấp mới”].
Trong thực tế, khái niệm “cộng sản” chỉ còn là cái áo khoác ngoài rách nát cho một nhóm quyền lực từ thấp đến cao mượn ngôn từ “cộng sản” để tiện bề lừa bịp những người nhẹ dạ hoặc không có điều kiện tiếp nhận thông tin ngoài những chiếc loa tuyên truyền từ phường cho đến trung ương được ngày đêm mở hết công suất. Dân có thể kể ra vanh vách giá cả của một chức danh, từ cấp thấp nhất đến cấp cao nhất. Mọi cái ghế quyền lực đều có thể mua bằng tiền. Mà mua bằng tiền chưa được thì mua bằng tiền nhiều hơn.
Cho nên, nếu còn có những đảng viên nào đó“những người còn tin vào lý tưởng” của buổi họ đứng vào hàng ngũ chiến đấu cứu nước dưới ngọn cờ dân tộc mà Đảng đã giương cao, xem đó là lý do quyết định nhất, quan trọng nhất cho tuổi trẻ dấn thân của họ thì cho đến hiện nay họ đã “bị đẩy ra ngoài” khi mà họ “đã đi trọn con đường mà một đảng viên cộng sản có thế đi” [Milovan Dijilas].
Khi nêu lên một khẩu hiệu mà thoạt nghe đúng là nhuốm màu ảo tưởng “những người tốt hãy liên hiệp lại” tôi xếp lên trước những “đảng viên nhưng mà tốt” là để diễn đạt trọn vẹn cái logic về việc chọn giải pháp nào khả thi nhất cho sự phá bỏ cái cũ và xây dựng cái mới. Ngoài những người “bị đẩy ra ngoài”, tôi tin rằng không thiếu những người đang náu mình ngay trong hệ thống quyền lực để chờ ngày hành động. Những tấm gương của Trần Xuân Bách, Trần Độ đã dạy cho họ bài học. Để nhìn về phía trước, những người trí thức thường được xem là bộ phận tinh hoa của đất nước lại càng cần chọn cho mình một hướng đi trong cái thế giới đang biến động dữ giội này.
Với người bi quan thì họ phàn nàn về cơn gió, người lạc quan thì chờ đợi nó đổi chiều, nhưng có lẽ chủ động và có triển vọng hơn cả là biết cách điều chỉnh cánh buồm sao cho hứng được đúng lúc cơn gió thổi mạnh nhất. Dù sao thì xác định phuơng hướng là điều mang ý nghĩa quyết định. Vì không có phương hướng thì cũng không có cuộc sống. Cuộc sống của mỗi cá nhân, cuộc sống của cả dân tộc. Năm 2017 đang mở ra với những thử thách cam go và những đợi chờ sáng sủa.
Bao giờ cho cả gió lên?

Ngày 1.1.2017
------------------------------------
GS Tương Lai là cậu ruột của bạn Đặng Nguyệt Ánh, là bạn thân thiết của 1 số bạn Quế Lâm chúng ta như anh Lê Minh Ngọc, Trương Công Minh (đã mất). Anh đã nghỉ hưu từ lâu, bệnh tật cũng nhiều nhưng luôn trăn trở đau đáu với vận nước. Anh có nhiều bài viết đáng để chúng ta suy ngẫm. Trong tinh thần "gạn đục khơi trong" chúng ta đọc anh cũng là cách "vận động tư duy" để chống lão hóa bởi tuổi già đang đeo đuổi bám sát từng ngày ...