Thứ Hai, 31 tháng 12, 2012

NOEL NĂM NAY, TÔI ĐI XEM LỄ NHÀ THỜ


 


1. Mẹ tôi con cụ chánh tổng, ở Nam Sang, Lý Nhân, Hà Nam, bên đạo. Cha tôi, bên lương người Hòa Mạc, Duy Tiên cùng tỉnh. Hòa Mạc hồi ấy đã là huyện lỵ, có chợ và có trường học. Mẹ tôi là cô hàng xén, cứ đến phiên là có con sen gánh hàng cho bà sang họp chợ. Cha tôi lúc ấy 20 tuổi, là anh giáo có bằng ….dậy trường huyện .
Ông phải lòng bà, y hệt hai nhân vật trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn ! Họ quyết lấy nhau mặc dù biết bao rào cản, nhất là bên giáo bên lương . Tất nhiên cuộc tình có kết cục buồn, nhưng dù sao tôi vẫn là kết quả của một mối tình đã một thời nức tiếng thơ mộng nơi phố huyện ! Tôi ra đời mẹ tôi đã kịp đưa tôi về bên ngoại chịu lễ rửa tội và lễ đặt tên Thánh. Tôi là Phê-đô . Mấy dòng lý lịch trích ngang ấy chỉ sau 30/4 tôi mới được nghe các anh chị bên mẹ tôi – vốn là dân Bắc di cư 54 cho biết. Có 1 dạo ông anh rể ( họ) tôi - nguyên là môt con chiên cực kỳ kính chúa, từng học Trường Dòng, đã quyết “truyền giáo” cho tôi để tôi trở thành 1 giáo dân. Tôi nửa đùa nửa thật bảo, em theo đạo Mác-Lê, em không thể cải đạo ! Anh tôi nói, em có cải gì đâu, em trở về với đạo gốc đấy chứ!. Tôi lại cãi, anh tin Chúa còn em tin Phật. Anh cười , Chúa Giê Su là đấng tối cao sinh ra muôn loài , sinh ra cả Phật Thích ca mau ni, cả Các Mác, cả Ăng ghen, cả đấng Ala và Thánh Mahatma Gandhi … !!! Anh còn nói , em theo chúa Giê-su, chăm chỉ ngày đêm đọc kinh kệ sẽ được Người chấp nhận khi chết cho lên Thiên Đàng không phải xuống địa ngục , lúc ấy  em có tất cả. Tức là ở Thiên Đàng thì muốn gì có nấy ! Tôi đùa , em muốn lấy 3 cô tiên làm vợ ? OK ! Có chứ ! Chuyện nhỏ mà em . Anh quả quyết. Tôi cười phá lên , vậy thì anh lên Thiên Đàng còn em không thích . Trên ấy  khoái gì chỉ bấm nút “muốn” là có ngay thì lại hết “sướng” rồi ! Phàm điều ta muốn phải phấn đấu cật lực , để khi  đạt được mới có ý nghĩa chứ ! Anh lại giải thích vòng  vo , viện dẫn hết kinh Tân ước đến Cựu ước, kiên trì “ làm công tác tư tưởng cho tôi”. Có lúc tôi nghĩ anh bí, nhưng không phải ! Hồi chưa giải phóng anh đã viết  1 cuốn sách dạng cẩm nang hỏi đáp xung quanh đề tài Thiên chúa giáo, dành cho người ngoại đạo. Tất cả các câu hỏi của tôi đều đã có và được giải đáp trong cuốn sách này. Chưa kịp đưa qua NXB in thì Giải phóng vô. Anh giấu bản thảo rồi lén in ti-pô . Anh hứa , lần sau anh tặng em cuốn sách này để  em nghiên cứu, chỗ nào chưa hiểu anh mới giảng giải thêm thôi. Đại loại cứ tranh luận như thế ròng rã suốt 3 tháng trời. Mỗi tuần anh đến nhà tôi 1 lần, vào sáng chủ nhật. Anh đi  chiếc “cá xanh” cũ mèm từ nam Sài Gòn lên Bắc Sài gòn để “truyền giáo “ cho tôi. Cuối cùng anh …thua tôi. Tôi bảo trước rồi, anh mà “cải đạo” được cho em thì nhất định Giáo hoàng sẽ phong ngay anh thành Linh mục ! Anh chưa là linh mục nhưng mở miệng ra là “ ơn Chúa”. Tỷ như thằng con trai trưởng của anh học cấp 3 đã rất giỏi tiếng Anh ( Anh tôi còn là giảng  viên tiếng Anh, viết sách dậy tiếng Anh thời chế độ cũ mà ! ), vào đại học được học bổng toàn phần. Ra trường được nhận vào làm trong Sở ngoại vụ- ngành ngoại giao. Tôi bảo, đấy anh xem, chế dộ mới có phân biệt đối xử với gia đình giáo dân di cư như anh đâu !  Anh nhẹ nhàng khẳng định : Đó là nhờ ơn Chúa ! ( Y chang câu cửa miệng của giáo dân  đồng thanh trong nhà thờ !) Bó tay !

2. Tất nhiên tôi không thành con chiên của Chúa, nhưng kể từ đó tôi thích đi Nhà thờ xem lễ . Không kể nhà thờ đá Phát Diệm thời bị máy bay Mỹ ném bom, chúng tôi vào tận nơi ghi hình làm phim tài liệu tố cáo tội ác , thì nhà thờ Thị Nghè mới thực sự là nhà thờ tôi vào đầu tiên . Nguyên cớ là thế này : Tháng 11.1990 mẹ tôi qua đời. Trước khi nhắm mắt bà dặn tôi hãy tổ chức tang lễ theo nghi thức Công giáo và chôn chứ đừng hỏa táng , bởi “ mợ sợ nóng …không chịu nổi !”. Tôi đã làm đúng ý mẹ tôi. Lễ an táng không rườm rà nghi thức như bên Phật giáo, nhưng có 3 đêm bà con giáo hữu quanh vùng đến đọc kinh bên linh cữu mẹ tôi. Nhiều người trong số họ không hề biết tôi là ai, đến đây từ bao giờ. Nhưng cũng có người biết tôi là một đảng viên CS, cán bộ nhà nước , vậy mà họ vẫn rất nhiệt tình …Tôi mời họ trà thuốc và ăn kẹo bánh, họ đều từ chối. Tôi ngỏ ý muốn “ bồi dưỡng” bà con chút ít , họ gạt đi và nhìn tôi  như nhìn một người từ hành tinh nào mới rớt xuống trái đất ! Hôm động quan đưa mẹ tôi ra nghiã trang, cánh nhà đòn còn đưa mẹ tôi vào tận Nhà thờ Thị Nghè để cha xứ làm lễ  theo đúng nghi thức. Thực ra tất cả chuyện này tôi nhờ các anh chị tôi lo. Họ là người có đạo nên quá rành rẽ, còn tôi ngoại đạo …mù tịt ! Có biết gì đâu !
Lần giỗ đầu mẹ tôi ( theo dương lịch), được mọi người chỉ dẫn , tôi đến nhà thờ Thị Nghè gặp cha xứ. Chắc chắn đây là lần đầu tiên tôi tiếp xúc với các vị linh mục với mục đích nhờ vả họ chuyện riêng cho gia đình. Một không khí nặng nề cộng với quang cảnh u tịch của mấy gian phòng  các cha và các cộng sự làm việc  , khác hẳn với không khí cơ quan nhà nước tôi từng quen thuộc. Cha xứ lặng lẽ đọc và viết gì đó trong góc xa của gian phòng rông mênh mông. Tôi nhẹ nhàng đến gần Cha nhưng hình như ông không để ý. “ Thưa Cha !” Tôi bật ra 2 từ ấy 1 cách khó nhọc. “ Ông có việc gì ?”, Cha xứ nhẹ nhàng hỏi. “Dạ thưa …ông …Cha…tôi muốn xin lễ …” Tôi chưa dứt lời thì Cha xứ đã ngẩng lên nhìn tôi nói “ Ông xin lễ cho bà cụ thân sinh ! Một năm rồi, tôi nhớ , chính tôi đã làm Thánh lễ đưa tiễn bà ở nhà thờ này một năm về trước.” Tôi há hốc mồm kinh ngạc bởi trí nhớ của người đàn ông này ! “ Vâng, ông cứ xưng hô bình thường. Nào, bà Maria mất vào ngày nào của tháng này ?” Tôi đã cảm thấy tự nhiên hơn, mặc dù vẫn còn băn khoăn giữa hai cách xưng hô “ Ông-Tôi” và “ Cha-Con”. Tôi nói ngày và muốn xin được ban lễ vào lúc 20h CN, tức là còn bốn ngày nữa. Ông linh mục hơi nhếch mép cười “ Ồ, đúng là ông không phải người ki tô giáo ! Bởi muốn xin lễ phải xin trước ít nhất 1 tuần !”. Tôi hơi thất vọng . Nhưng tiếp ngay sau đó ông lại nói “ Tuy vậy không có gì trở ngại, vì  đối với ông đây là lần đầu tiên.”. Tôi xin lỗi vì mình không biết và cám ơn ông về sự chiếu cố này. Cha xứ từ tốn nói “ Với những người ngoại đạo, việc thực hiện lời trăn trối của một giáo hữu đã qua đời  là điều  gì đó rất quý báu, rất đáng khích lệ . Lậy Chúa, Người sẽ ban phước lành cho ông ! …” Dừng 1 lát, cha xứ  tiếp :” Ông là CB nhà nước. Ông làm ở Truyền hình Hả nội ?” Tôi bất ngờ thực sực :” Thưa, sao ông biết ?”. “ Ông đã có lần phỏng vấn tôi  trong một  hội nghị ". Thực tình tôi không nhớ nhân vật này nhưng phỏng vấn các vị chức sắc các tôn giáo thì không ít. Người mà tôi nhớ nhất là Thầy Bình trụ trì Chùa Liên Hoa đường XVNT nối dài . Ông này làm chủ lễ cầu siêu cho cha tôi và di ảnh của cha tôi cũng được đặt tại chùa Liên Hoa . Hàng năm, vào ngày giỗ ( âm lịch), chúng tôi vẫn lên chùa nhờ các Thày soạn cho bữa cơm chay cúng cha tôi, sau đó mời các Thày cùng gia đình dùng bữa . Thày Bình từ ngày cha tôi mất trở nên thân quen với chúng tôi. Ông còn mấy lần “rủ” tôi lên chùa gặp Thày uống trà Bắc rồi đàm đạo về Đường thi ! Vì quen, vả lại biết Thày là đại biểu MTTQVN Tp.HCM nên có sự kiện nào cần lấy ý kiến quần chúng rộng rãi để phát trên VTV, tôi thường mời Thày Bình tham gia. Riêng linh mục cai quản họ đạo Thị Nghè  tôi nhớ mãi không ra ! May sao chợt tôi thấy cái các vi dít của ông để trên bàn , ghi : Linh mục Nguyễn  Công Danh Ủy viên Ủy Ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Chủ tịch Uỷ Ban Ðoàn kết Công giáo Thành phố Hồ Chí Minh. Tôi nhớ ra rồi . Tôi phỏng vấn ông ở Hội trường Thành ủy nhân một hội nghị gì đó của các tôm giáo khu vực phía Nam
3. Chủ nhật ấy, đúng giờ tôi đi lẫn trong các giáo dân xếp hàng vào thánh đường nhà thờ Thị Nghè, quỳ trước tượng Chúa…Tôi đã nghe tiếng cha dõng dạc nhắc đến tên Maria-tên thánh của mẹ tôi trong câu :” Hôm nay chúng ta cũng gửi tới đức Chúa Giê-su lời cầu nguyện của chúng ta cho những giáo hữu đã qua đời vào ngày tháng này . Đó là các ông bà….Cầu xin Chúa cho họ sớm được về trong vòng tay yêu thương của Chúa  “.. Kể từ những ngày đó tôi thích đi xem lễ nhà thờ, vừa vui vẻ vừa trang nghiêm. Giọng cha dao giảng trầm ấm đầy cuốn hút. Những câu chuyện về Chúa Giê-su và các tông đồ , về lẽ phải trái trên đời . Những tiếng đồng thanh “A men”, “ Đó là lời Chúa “ …của hàng trăm con người thành kính tự nhiên thấm vào tôi . Tôi  đặc biệt ấn tượng lời Cha mỗi khi nói “ Chúng ta tạ ơn Đức Chúa Cha và đức Chúa con. Anh chị em hãy cầu Chúa ban phước lành cho những  người xung quanh mình !”. Ngay sau câu ấy từng người khoanh tay lại, quay nhìn người bên phải rồi quay nhìn ngươi bên trái , cúi đầu nói A-men ! Tôi còn thích nghe ca đoàn hát Thánh ca được đệm bằng tiếng đại phong cầm…Tóm lại tôi thích cả cái không khí người ta đi lễ nhà thờ ….
4.Theo các tài liệu, thực ra chúa Giáng sinh vào ngày 25.12, thế nhưng để hợp với múi giờ tại mỗi địa phương, Giáo hội đã chọn 12 giờ đêm 24 tháng 12 làm đêm Giáng sinh ( còn gọi là đêm Noel).
Noel năm nay đúng 22g30 giờ tôi đi bộ ra nhà thờ Tân Định. Cả mấy trăm người đã ngồi chật sân nhà thờ để xem trình diễn hoạt cảnh Chúa Giê-su ra đời . Sân khấu trang trí lộng lẫy. Hai màn hình cỡ lớn treo hai bên để ở góc nào cũng có thể theo dõi được. Những người bảo vệ lịch sự lấy ghế mời từng người vào vị trí còn trống. Không tiếng la hét, cười đùa. Không tranh giành chỗ ngồi. Không đứng lố nhố che khuất người sau. Không ăn quà, vứt rác …Rất nhiều cái “không” so với một đêm biểu diễn văn nghệ quần chúng mà tôi từng dự ! Hoạt cảnh kéo dài đến đúng 23g45 phút có đủ múa, hát , hòa tấu nhạc, đơn ca, đồng ca, có hoạt cảnh và thỉnh thoảng kèm lời dẫn. Tất cả toát lên vẻ thành kính , hân hoan chờ đón phút linh thiêng : Mẹ Maria đồng trinh sinh hài nhi trong máng cỏ . Hài nhi ấy chính là Chúa Giê-su, con một của Chúa Trời, được Người gửi xuống trần thế giúp đỡ con người . Chúa Giê su không sinh ra trong nhung lụa mà sinh ra như những đứa trẻ bình thường : trong 1 đêm giá rét , “cha mẹ” không nhà cửa, thậm chí đứa bé đã sinh ra trong máng cỏ của những người mục đồng tốt bụng ! Họ không hề biết đây là người sẽ đem cả mạng sống của mình cứu rỗi loài người sau này ! Cho đến lúc có sứ thần bay tới báo “Tin mừng” và ánh hào quang lóe sáng xung quanh máng cỏ , ai nấy đều ngỡ ngàng .Họ đem lương thực đến cho đức mẹ Maria và trẻ em mang các đồ chơi đến cho Chúa hài đồng …Có thể hiểu : Chúa Giê-su đã  …từ trong dân mà ra ! Cả màn hoạt cảnh cả lời dao giảng của Linh mục cai quản giáo xứ Tân Định đêm Noel năm nay lấy chủ đề chính là “Thái độ, trách nhiệm của chúng ta đối với trẻ em, những đứa trẻ đã sinh ra, sắp sinh ra và chưa từng được sinh ra” , như lời ông nói . Chúng ta hãy quan tâm thương yêu, có trách nhiệm giúp đỡ đến cái ăn, cái mặc, sự học hành, sự giáo dục  của những trẻ em nghèo, bất hạnh. Chính các em là những sinh linh yếu đuối nhất cần có bàn tay nâng niu trợ giúp của người lớn chúng ta . Đoạn sau vị linh mục và các cha  có chuyển sang chủ đề “ Xóa đói giảm nghèo”, nhưng nổi bật nhất bài giảng đêm Noen-Chúa Giáng sinh năm nay ở nhà thờ Tân Định, vẫn là vấn đề “ Quyền sống của trẻ em “ . Nếu coi đây là một sự tuyên truyền của giáo hội , thì sự tuyên truyền ấy rất đáng hoan nghênh . Nó khác xa với các bài diễn thuyết truyền đạt nghị quyết khô khan dài dòng của các nhà tuyên huấn . Ở đây chủ đề tư tưởng  được truyền tải tới người nghe một cách hết sức tài tình. Tôi theo dõi từ đầu tới cuối. Chỉ riêng mục xếp hàng lên nhận bánh thánh là tôi không tham gia. Tôi lùi ra cổng nhà thờ quan sát. Rồi, trong cái se lạnh của đêm Noel Sài Gòn, tôi hòa vào dòng người đang hướng về …Chúa !

0g30 25.12 Nhà thờ tân Định , đường Hai bà Trưng SG

Bà mẹ ôm con ngủ trước chợ Tân Định đêm Chúa Giáng sinh 

Giấc ngủ đêm Noel

Đêm Noel, 1 bà mẹ thu gom số rác nhặt được trong ngày 

13 nhận xét:

  1. Cuối năm bạn đã có một bài viết thật ấn tượng về ngày lễ Noen. Tôi biết thêm được chút ít về bạn, về Cha Mẹ bạn, về tôn giáo, về nhà thờ, về những chuyện xưa và nay v.v... Trí nhớ của bạn rất tốt, khả năng viết của nhà báo thì khó ai bì kịp rồi. Hoan hô bài viết của nhà báo Vũ Hồng Quang. Chúc năm 2013 đem lại cho bạn nhiều may mắn, niềm vui, hạnh phúc và thành công. (LTH)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cụ quá khen ! Cám ơn cụ. Thú thực mỗi lần viết về cha mẹ lòng tôi lại tràn ngập niềm cảm thương cho số phận mỗi người. Tôi tin , bây giờ ở Thế giới bên kia cha mẹ tôi đã gặp lại nhau và sống với nhau như thời anh giáo trẻ và cô hàng xén chợ Huyện !

      Xóa
  2. Một bài viết ... rất "mới" của một con người không còn trẻ và nhất là không phải "BĐH" trước cuộc sống và niềm tin, tấm lòng của con người nhìn về cuộc đời thực và suy tư, tự nhận ra đâu là lẽ sống cho ta đáng sống. Cảm ơn NOEL năm nay của cụ Calathau.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn cụ đã thấu hiểu và chia sẻ với Mõ tôi ! Năm mới kính chúc cụ và gia đình nhiều sức khỏe, nhiều niềm vui !

      Xóa
  3. Một bài viết từ câu chuyện tình thật rất thực của hai cụ thân sinh bạn đưa chuyện về người anh họ sùng đạo và vị linh mục chức sắc ( có trình độ) và cuối lại trở về đêm Giáng sinh ấm áp(ở SG) năm nay. Nhiều năm qua trải nghiệm tiếp xúc nhiều tôn giáo nhiều tín đồ( Đạo Phật Đạo Gia tô Đạo chính thống giáo Đạo Hồi) tôi thấy đạo nào cũng hướng con người ta đến Điều Tốt. ( Cụ Hồ cũng đã từng phát biểu điều này ). Chúng ta nhiều người đả kích tôn giáo theo hùa hoặc định kiến mà chưa tự tìm hiểu thấu đáo. Đây cũng đáng là việc nên nhận thức,chí ít là cho cá nhân. Còn chuyện văn phong thì đáng phục sát đất rồi không dám lạm bàn.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trong số các anh chị em của mẹ tôi di cư vào Nam năm 54 có 1 ông GS đại học, tôi gọi là cậu. Cậu Thọ . Ông này vốn là Bác sĩ nhưng lại có bằng TS thần học. Trước 30/4 ông giảng ở Đại học Vạn Hạnh . Tháng 8/1975 tôi vào Sài Gòn có tìm đến ông. Ông khoe với tôi ông có riêng 1 tủ sách nghiên cứu về CNCS, trong đó có các tác phẩm của Mác-Ăng ghen, có cả Lê Nin toàn tập bản tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Việt ( XB tại HN). Điều này hoàn toàn khác với miền Bắc XHCN !

      Xóa
  4. Đọc bài viết em cứ nghĩ là của nhà văn nào...Cám ơn món quà NOel của anh. Chúc anh và gia đình một giáng sinh an lành!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn Song Thu . Anh nghĩ mỗi người là 1 kho chuyện có thể viết thành tiểu thuyết nhiều tập. Cứ viết , dần dần sẽ quen tay em à !

      Xóa
  5. INTERNAT SANG CHÚC MỪNG NĂM MỚI CALATHAU. CHÚC BẠN SỨC KHOẺ NHIỀU NIỀM VUI VÀ HẠNH PHÚC.

    Trả lờiXóa
  6. chúc mừng năm mới! chúc bạn và gia đình AN KHANG THỊNH VƯỢNG!
    mình đã đọc hết bài viết của bạn,bài viết thật cảm động về tình cảm đối với bậc sinh thành. qua bài viết mình cũng hiểu biết thêm về đạo kito.ở bên này người đi truyền đạo cho người Việt họ học tiếng VN và rất chịu khó đến từng nhà người Việt để đưa tờ báo THÁP CANH bằng tiếng việt.mình chưa đến dự noel ở nhà thờ VN,còn ở Tiệp mình cũng đến vài lần. còn hơn 2 tiếng nữa bên này mới đón giao thừa.rất nhớ các bạn!

    Trả lờiXóa
  7. Dường như hầu hết dân QL chúng ta đều trải qua con đường thay đổi nhận thức về Thiên Chúa Giáo nói riêng, tôn giáo nói chung tương tự giống nhau. Giờ đây có lẽ không ai chấp nhận lời nhận định : "Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân ". Riêng tôi lại cho rằng giữa lý tưởng của những người CS chân chính với giáo lý TCG có những điểm tương đồng ! Bạn QT đã cho Làng ta đọc một bài viết như một khúc tâm tình thật sâu lắng, đầy chất văn học nhưng cũng rất trí tuệ. Mong được đọc nhiều những bài như vậy. Chúc 1 năm mới thành công mọi đằng ...

    Trả lờiXóa
  8. Cái câu:tôn giáo là ma túy của nhân dân" là của ông Mác hay ông Lê gần đây chắc bị nhiều người không "đồng thuận" nên mấy vị giảng ở trường Mác Lê có cách diễn giải là ta cần hiểu đây như là loài thuốc an thần giảm đau chứ không có ý là thuốc độc. Nhân đây tôi cũng không hiểu sao các tôn giáo trong lịch sử loài người lại đã gây nên bao chiến tranh đổ máu bao thảm sát ngay đến thời hiện đại ở Nam tư cũ và với hồi giáo cục đoan

    Trả lờiXóa
  9. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa