Bài đăng trên Báo CAND 10.02.2010
Chị Lê Nguyễn Hồng Minh trước bàn thờ Cha Mẹ
Một buổi tối mùa đông năm 1928, Minh Khai đánh thức em gái dậy: - Thái ơi, dậy chị nói điều ni. - Chi đó, chị chưa ngủ à? Minh Khai là chị cả của tám em. Quang Thái nhỏ hơn Minh Khai năm tuổi nhưng rất hợp với chị. Tình chị em gái được tô đẹp thêm bằng tình bạn.
Gặp gỡ và kết hôn
Minh Khai đợi em tỉnh ngủ, thổ lộ cho em biết điều mình suy nghĩ từ lâu:
- Có lẽ chị sẽ nhận lấy một ông chồng.
Cách đây không lâu, có một nhà quan ở Huế mời mẹ và Minh Khai vào chơi rồi gợi chuyện muốn cầu hôn cho con trai ông. Mẹ ưng ý, bàn với bố:
- Nhà người ta nền nếp. Con người ta học giỏi. Ông bảo nó một câu.
Bố trả lời:
- Nó đã không ưng thì có trời mà nói được. Tôi đã hỏi nó, nó bảo: "Tổng đốc cũng chưa to".
Minh Khai đã trả lời mẹ:
- Con chưa nghĩ đến chuyện ấy.
Quang Thái thường đứng về phía Minh Khai. Bây giờ, nghe chị nói sẽ lấy chồng, Quang Thái nhìn chị ngạc nhiên:
- Sao bây giờ chị lại đổi ý?
Minh Khai nói một mạch:
- Chị hoạt động cách mạng, cứ đi đêm về hôm mãi dễ mang tai tiếng cho bố mẹ. Nếu mình có chồng rồi thì ai còn dư luận này kia nữa. Bây giờ chị phải thoát ly. Mà đã thoát ly thì phải có nơi sinh sống, phải lấy một ông chồng.
Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai.
Lúc này Minh Khai nghĩ đến một đồng chí trong Đảng Tân Việt mà chị có thể nhận chồng trên danh nghĩa. Nghe chị nói, Quang Thái thấy thương chị. Tuổi mười lăm chưa biết yêu. Con gái lấy chồng thường do bố mẹ quyết định. Cô không ngờ cuộc đời hai chị em sẽ gắn bó với hai người nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam: Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tổng Bí thư Lê Hồng Phong.
Năm 1924, tiếng bom cảm tử Phạm Hồng Thái ám sát toàn quyền Meclanh vang dội Quảng Châu. Cảm phục sự hy sinh của bạn mình nhưng Lê Hồng Phong chọn con đường khác. Rời bỏ Tâm tâm xã, Lê Hồng Phong đi tìm gặp Lý Thụy (bí danh của đồng chí Nguyễn Ái Quốc) ở Quảng Châu.
Anh được đồng chí Nguyễn Ái Quốc kết nạp vào Cộng sản đoàn. Năm 1926, Lê Hồng Phong được cử sang Liên Xô học hai năm không quân và ba năm chính trị ở Trường Đại học Phương Đông. Trong thời gian này, Lê Hồng Phong gia nhập Đảng Cộng sản Liên Xô. Cuối năm 1931, Lê Hồng Phong về nước lãnh đạo phong trào cách mạng ở Đông Dương đang bị thực dân Pháp khủng bố ác liệt.
Năm 1934, Lê Hồng Phong sang Thượng Hải gặp nhóm các đồng chí hoạt động ở hải ngoại: Hà Huy Tập, Hoàng Văn Nọn... Trong nhóm, Lê Hồng Phong để ý người con gái xứ Nghệ nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, có đôi mắt to tròn, gương mặt cương nghị.
Năm 1930, rời Hải Phòng đi Hương Cảng trên một chuyến tàu Trung Quốc, Minh Khai phải mặc quần áo giả trai và đi "xúp", tức là ngồi bó gối trong kho than bên cạnh lò than nóng nực.
Sang Hương Cảng, chị được học chính trị với đồng chí Lý Thụy. Có bữa cơm, nghe chuyện chính trị mê mải đến nỗi một người bạn trêu, bỏ quả ớt vào bát cơm, Minh Khai ăn cả cơm lẫn ớt mà không biết. Minh Khai làm liên lạc giữa Thị ủy Hương Cảng thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc với các tổ chức cách mạng Việt Nam. Ngày 29 tháng 4 năm 1931, Minh Khai bị bắt. Chị bình tĩnh trả lời mật thám Anh:
- Tôi là người Trung Hoa.
Mật thám Anh không có cớ gì giao chị cho chính phủ thuộc địa Pháp. Chúng chuyển Minh Khai sang Quảng Châu, rồi Thượng Hải. Chị kịp chuyển mảnh giấy nhỏ từ nhà tù cho đồng chí Nguyễn Ái Quốc: "Dù bị tra tấn cùm kẹp, quyết không khai. Các anh yên tâm". Mảnh giấy nhỏ ấy, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã nhận được trước ngày bị bắt ở Hương Cảng tháng 6 năm 1931.
Ba năm trong tù, Minh Khai bị mất liên lạc với Đảng. Hội cứu tế đỏ đã can thiệp cứu Minh Khai ra khỏi tù. Suốt một thời gian dài, chị may thuê trên đường phố Thượng Hải để tìm cách bắt liên lạc với Đảng. Cuối cùng, chị cũng liên lạc được với nhóm các đồng chí Hà Huy Tập, Lê Hồng Phong, Hoàng Văn Nọn...
Thời gian ở Thượng Hải, Minh Khai có cảm tình với người đồng hương xứ Nghệ, Lê Hồng Phong. Năm ấy, Lê Hồng Phong 32 tuổi. Trước đây, anh đã có vợ ở quê. Anh đi thoát ly hoạt động lâu, vợ anh đã lấy chồng khác. Dáng người cao lớn, cử chỉ lịch thiệp, hòa nhã, tranh luận chính trị sôi nổi, lại có tính hài hước, Lê Hồng Phong được cả nhóm yêu mến.
Bình thường, Minh Khai không rụt rè, e lệ như nhiều cô gái khác. Nhưng không hiểu tại sao, chị cảm thấy lúng túng khi nói chuyện với người con trai có vầng trán rộng, đôi mắt sáng. Anh có khuôn mặt của một học sinh nhưng lại có bàn tay sần sùi của người thợ. Minh Khai không giữ được vẻ bình tĩnh thường ngày khi làm việc cạnh Lê Hồng Phong. Chị biết: mình đã yêu.
Đám cưới của Minh Khai và Lê Hồng Phong được tổ chức giản dị, ấm tình đồng chí ở Thượng Hải. Một bữa cơm chiều tươm tất hơn ngày thường. Có thêm vài chiếc kẹo bọc giấy xanh đỏ, một đĩa lạc rang và vài điếu thuốc lá. Anh Hoàng Văn Nọn về muộn, ngạc nhiên hỏi Minh Khai:
- Chị có biết việc gì không?
Minh Khai đỏ mặt không đáp, chỉ lắc đầu cười.
Anh Hà Huy Tập đứng lên, trịnh trọng tuyên bố:
- Hôm nay, Đảng làm lễ thành hôn cho anh Vương và chị Duy. Hiện nay Đảng còn nghèo, hoạt động bí mật, không tổ chức lễ cưới lớn cho anh chị được. Nhưng chúng ta vẫn rất vui. Chúng ta chúc mừng cô dâu, chú rể cộng sản bách niên giai lão.
Đám cưới không có hát hò, không có chén rượu mừng cô dâu, chú rể. Nhưng bữa cơm hôm ấy thật vui. Họ chúc mừng nhau, ai cũng hứa hẹn với Đảng. Giữ lời hứa với Đảng, cuộc đời hai vợ chồng Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai cho đến phút cuối cùng gắn với những thăng trầm của cách mạng Việt Nam.
Cùng ở Liên Xô
Trong Đại hội 7 Quốc tế Cộng sản, Lê Hồng Phong và Minh Khai đều có tham luận. Minh Khai đề cập đến "Vai trò phụ nữ trong cuộc đấu tranh chống việc chuẩn bị chiến tranh chống đế quốc mới, đấu tranh cho hòa bình". Bài phát biểu của Phan Lan (bí danh của Minh Khai), đại biểu trẻ nhất Đại hội đã gây được tiếng vang và cảm tình của nhiều người. Minh Khai sung sướng nhận thấy bản tham luận Phong trào chung của Đảng Cộng sản Đông Dương, nhất là phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh của Lê Hồng Phong thu hút được sự chú ý của các đoàn đại biểu.
Đại hội 7 Quốc tế cộng sản đã tuyên bố công nhận Đảng Cộng sản Đông Dương là phân bộ chính thức của Quốc tế cộng sản. Lê Hồng Phong được bầu là Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Quốc tế cộng sản. Trong bữa cơm liên hoan thân mật giữa hai đoàn đại biểu Việt Nam và Pháp, Minh Khai hăng hái vui vẻ hát chung một bài với Lê Hồng Phong. Chị đặt lời bài hát, anh phổ nhạc:
Nào ai khốn khổ trên đời
Cùng nhau thề quyết một lời
Phen này hy sinh phấn đấu
Ra tay cướp lấy chính quyền...
Chính phủ Liên Xô tổ chức cho Lê Hồng Phong, Minh Khai đi nghỉ hè mấy ngày. Sau đó, anh chị tiếp tục học ở Trường Đại học Phương Đông. Tuy ở cùng một thành phố, nhưng người nào cũng rất bận, nhất là từ khi đồng chí Nguyễn Ái Quốc trở lại Moskva.
Đồng chí Nguyễn Ái Quốc gửi thư cho Ban Phương Đông quốc tế cộng sản, bàn về việc giáo dục lý luận Mác - Lênin cho đảng viên. Người nói:
- Tình trạng thiếu lý luận làm cho các Đảng gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyên truyền, thậm chí mắc những sai lầm nghiêm trọng.
Đảng rất cần xuất bản những tập sách nhỏ để giáo dục lý luận cho đảng viên. Cuốn sách Dân chủ tập trung của Lê Hồng Phong và cuốn Vấn đề du kích của Minh Khai đã ra đời trong hoàn cảnh ấy.
Sau ngày họp Quốc tế cộng sản hai tháng, Lê Hồng Phong gấp rút chuẩn bị Đại hội quốc tế thanh niên.
Một ngày mùa thu, Lê Hồng Phong đến đón Minh Khai từ Trường Đại học Phương Đông ra. Anh dẫn chị đi một vòng quanh công viên một lúc rồi hai người ngồi lại trên chiếc ghế đá cạnh bồn nước. Đây là những giây phút hiếm hoi trong cuộc sống giữa hai người ở Moskva. Với tư cách Ủy viên Ban chấp hành Quốc tế cộng sản, Lê Hồng Phong gặp Minh Khai để chuyển giấy triệu tập. Anh rút từ áo ngoài một tờ giấy trắng gấp tư in những chữ Nga to đậm nét. Anh nói vẻ bí mật:
- Em đọc đi.
Moskva ngày 22/8/1935:
Kính gửi: Ủy ban thẩm tra tư cách đại biểu.
Chúng tôi xin giới thiệu nữ đồng chí Phan Lan hiện đã ở Moskva đến dự Đại hội Quốc tế thanh niên cộng sản với tư cách là đại biểu chính thức. Xin cho hai giấy mời thêm cho hai người dự thính nữa là đồng chí Văn Tạo và đồng chí TX.
Ký tên
Lê Hồng Phong
Đại diện Đảng Cộng sản Đông Dương bên cạnh Quốc tế cộng sản.
Lê Hồng Phong vuốt nhẹ mấy sợi tóc xõa trên trán Minh Khai, cười dí dỏm:
- Không phải anh đề nghị đâu nhé. Việc cử đại biểu chính thức là ý kiến của đồng chí Nguyễn Ái Quốc đấy. Đồng chí cũng sẽ đến dự Đại hội Quốc tế thanh niên lần này.
Một tháng sau, đảng viên Cộng sản trẻ khắp năm châu về dự Đại hội Quốc tế thanh niên. Đại hội họp trong một thời điểm có nhiều biến động trên toàn thế giới. Nguy cơ chiến tranh ngày một tăng. Chủ nghĩa phát xít đang đe dọa hòa bình thế giới. Đại hội quốc tế thanh niên cộng sản đề ra nhiệm vụ: "Lập mặt trận thanh niên duy nhất chống đế quốc để chống chiến tranh".
Minh Khai cảm thấy vinh dự được tham dự đại hội. Một trang sử đặc biệt đáng ghi nhớ của phong trào thanh niên toàn thế giới.
Vợ chồng - đồng chí
Cuối năm 1937, bà con lao động nghèo ở Bình Đông thường gặp một "thầy chú" ăn mặc kiểu công chức, áo vét-tông, đi giày da, đầu đội mũ cát, thủng thẳng đạp xe đi làm. Bà con trong vùng gọi người Hoa kiều là "thầy chú". Anh em cơ sở, bà con cô bác thường gọi anh là thầy Hai Lý.
Lê Hồng Phong cải trang làm người Hoa kiều và đóng vai một giáo sư dạy học tại một trường trung học ở Chợ Lớn. Nhưng đến tối, vào buồng kín viết tài liệu, trút bỏ vỏ "Hai Lý thầy chú", Lê Hồng Phong hiện ra với đôi tay vạm vỡ, rắn chắc của người lao động. Nhờ sự giúp đỡ hết lòng của các đồng chí cộng sản Hoa kiều nên anh có thể hoạt động hai năm liền giữa thành phố Sài Gòn.
Minh Khai về nước trước Lê Hồng Phong gần một năm. Vì nguyên tắc hoạt động bí mật nên vợ chồng Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai mỗi người phải ở một cơ sở khác nhau. Thỉnh thoảng, Minh Khai đến chỗ Lê Hồng Phong bàn bạc công việc rồi lại đi ngay.
Chiếc buồng con, nơi Lê Hồng Phong làm việc, chỉ đủ đặt một chiếc giường bố hẹp. Ban ngày anh xếp lại bên vách, tối đến mở ra làm giường nằm. Thời gian này, Minh Khai làm Thường vụ Xứ ủy Nam Kỳ, Bí thư Thành ủy Sài Gòn-Chợ Lớn.
Ngày 22 tháng 6 năm 1939, Lê Hồng Phong bị bắt. Bọn thực dân không tìm ra chứng cứ, nên sau sáu tháng tù giam, anh được trả tự do, nhưng bị trục xuất khỏi Sài Gòn và bị quản thúc tại Hưng Nguyên, Nghệ An. Ngày 20 tháng 1 năm 1940, Pháp bắt giam Lê Hồng Phong lần thứ hai. Khi bị bắt, anh làm thơ tặng vợ và kín đáo viết lên quạt giấy gửi ra cho chị.
Minh Khai nhờ chị Hai Sóc vào trại giam thăm và chuyển cho anh mảnh giấy con viết vội: "Em đã sinh con gái, mẹ con em khỏe". Minh Khai lục tìm tấm ảnh căn cước nhỏ của Lê Hồng Phong mà chị vẫn giấu dưới đáy chiếc vali con. Chị vừa ngắm những nét thân yêu trong ảnh, vừa nhìn Hồng Minh. Vầng trán cao rộng và gương mặt kiên nghị của anh, cặp mắt trong sáng của con cũng giống anh. Minh Khai đặt tên con là Hồng Minh, ghép tên đệm của hai vợ chồng. Chị đặt họ con là Lê Nguyễn: họ anh và họ chị. Chị Hai Sóc đi thăm Hồng Phong về báo tin:
- Không vào thăm được. Bọn nó nói Hồng Phong không ở khám Lớn nữa. Không biết chúng nó đem anh đi đâu.
Như vậy, tin Minh Khai sinh con không đến được anh. Chị lặng người, lo cho tính mạng của anh:
- Chúng âm mưu gì? Tại sao chúng cắt đứt mọi liên hệ giữa anh với bên ngoài?
Chị Hai Sóc thắc mắc:
(tiếp theo trang 3)
- Chúng không có chứng cớ gì để kết án nặng, nhưng sao lại không cho thăm.
Minh Khai nói để chị Hai Sóc yên tâm:
- Nếu không ai làm phản khai ra ảnh thì không ngại lắm đâu.
Tháng 7 năm 1940, Minh Khai bị bắt khi cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ chưa nổ ra. Thực dân Pháp biết rõ Lê Hồng Phong là một lãnh đạo quan trọng của Đảng Cộng sản Đông Dương và là Ủy viên Ban chấp hành Quốc tế cộng sản. Giam giữ gần một năm mà chúng chưa tìm được cớ gì để khép Lê Hồng Phong vào tội tử hình. Thực dân Pháp bố trí để Lê Hồng Phong gặp Minh Khai ở sở cảnh sát. Bọn mật thám soi mói nhìn hai vợ chồng lãnh tụ cách mạng. Cố giữ vẻ bên ngoài bình thản, Lê Hồng Phong xót xa nhìn vợ. Minh Khai gầy xanh, mặt tím bầm những vết đánh. Vừa sinh con xong lại bị tù đày. Thằng Tây lai nói tiếng Việt rất sõi:
- Đây là vợ anh phải không?
Lê Hồng Phong lạnh lùng trả lời tên mật thám:
- Tôi không quen chị ấy.
Lê Hồng Phong lo lắng: "Không biết bây giờ con ở với ai?". Lần chia tay cuối cùng ở Hóc Môn, Minh Khai đang có mang. Vừa tan cuộc họp, Lê Hồng Phong rủ Minh Khai ra đứng dưới vòm trầu râm mát, xanh um. Anh chỉ cho chị xem một cây cau nhỏ mọc gần hè nhà. Thân cau nhỏ bé tưởng chừng như không mang nổi cả buồng cau trĩu quả to mập. Hồng Phong băn khoăn hỏi:
- Rồi đây em sinh nở ở đâu ?
- Anh đừng lo, bà con cô bác sẽ giúp em.
Anh dặn chị:
- Sinh xong nhớ viết cho anh mấy chữ.
Thư Minh Khai gửi không đến được tay anh. Nhưng tình cờ, trong phòng hỏi cung, cô Trinh, bà mụ đỡ cháu Hồng Minh đã kín đáo thông báo cho anh: "Minh Khai sinh con gái".
Im lặng. Không khí phòng hỏi cung càng trở nên căng thẳng. Bọn mật thám chăm chú theo dõi nét mặt Minh Khai. Chị nhìn anh, cố nén mình với cái vẻ vô tình của người chưa hề quen biết.
- Tôi không biết người này.
Miệng Minh Khai nói, mắt nhìn anh không chớp. Tim chị thắt lại. Bị tra tấn nhiều, anh ốm quá. Liệu anh đã biết mình có con gái chưa. Khi Lê Hồng Phong bị địch bắt, Minh Khai đang có mang. Mấy tháng sau, Minh Khai sinh con gái trong nhà hộ sinh ở đường Mắcmahông gần chợ Bến Thành. Mật thám Pháp không ngờ trong lúc chúng đang truy lùng Minh Khai ráo riết, chị đã vượt tường nhà thương Sài Gòn giữa 12 giờ trưa, về sinh con ở nhà cô mụ Trinh, một bà đỡ giỏi và là cơ sở cách mạng của Đảng.
Hồng Minh chưa đầy tháng, Minh Khai phải gửi con cho bà con cô bác nuôi. Tối hôm ấy, bọc con vào chiếc tã dày, trao cho chị bạn ẵm, Minh Khai đứng trong nhà nhìn mãi chiếc xe thổ mộ từ Bà Điểm đến đón Hồng Minh đem đi gửi. Tiếng chân ngựa gõ xuống nền đường đá xa dần…
Thằng Tây lai tức giận, chồm lên bàn hỏi cung:
- Sao vợ chồng chúng mày không nhận nhau đi? Bọn tao sẽ cho phép đưa con vào thăm.
Bọn mật thám chán nản, bất lực nhìn hai người tù mặt lạnh như băng.
Thực dân Pháp không có chứng cứ để buộc Lê Hồng Phong tham gia tổ chức cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Trong phiên xử ngày 27 tháng 8 năm 1940, tòa tiểu hình Sài Gòn của Pháp đã kết án Lê Hồng Phong 5 năm tù giam, 10 năm quản thúc với lời buộc tội là chịu trách nhiệm tinh thần về cuộc khởi nghĩa đó. Cuối năm 1940, Lê Hồng Phong bị đày ra nhà tù Côn Đảo.
Cuộc chia ly màu đỏ
Một buổi trưa mùa hè năm 1942, bóng cây bàng in trên sân nhỏ xà lim số 2 Côn Đảo. Dưới gốc bàng, người lính Gardien Ấn Độ vừa ở đất liền ra đang nói chuyện với một người tù chính trị cao gầy khẳng khiu, mặc áo chàm. Lê Hồng Phong, người tù chính trị ấy, hỏi người lính Ấn:
- Chúng tôi có một nữ đồng chí là Minh Khai bị xét xử thế nào, ông có biết không?
Vừa nghe tên Minh Khai, người lính Ấn đứng lên cất mũ cúi chào rồi kể:
- Bà lớn Minh Khai bị bắn chết rồi.
Vẻ mặt người lính Ấn trang nghiêm, đôi mắt rất buồn. Cái chết của nhà cách mạng Minh Khai đã làm anh xúc động mạnh. Anh cảm thấy sự hy sinh của người phụ nữ ấy rất thiêng liêng. Gần một năm trôi qua mà anh vẫn nhớ như in ngày 28/8/1941. Giọng anh lính đanh lại:
- Tôi nói bà lớn là bà lớn thật, núi cũng phải nghiêng mình, cây cối cũng phải cúi chào bà.
Lê Hồng Phong lặng im nghe như nuốt lấy từng lời. Anh không muốn tin rằng người đồng chí, người vợ yêu của mình không còn nữa.
Minh Khai biết giặc Pháp sẽ giết chị. Mặc dù không tìm được chứng cứ gì để kết án chị, chúng vẫn ghi vào bản án tử hình: "Tội phiến loạn Nam Kỳ khởi nghĩa". Minh Khai suy nghĩ và bình tĩnh chuẩn bị cho ngày vĩnh biệt đồng chí, đồng bào. Chị xin đoàn thể một tấm vải trắng, tự tay cắt may hai bộ quần áo. Một bộ chị gửi cho Lê Hồng Phong, một bộ luôn luôn giữ bên mình. Chị muốn, khi bị xử bắn, máu trong tim trào ra sẽ nhuộm đỏ tấm áo trắng như màu cờ Đảng. Minh Khai bị thực dân Pháp kết án một tù chung thân, hai án tử hình. Chúng bắn chị tại Hóc Môn, Gia Định ngày 28/8/1841 cùng các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Võ Văn Tần.
Trước hôm bị thực dân Pháp xử bắn, chị viết thư vĩnh biệt chồng. Mảnh giấy cuốn thuốc lá vo nhỏ bằng đầu tăm với mấy dòng chữ viết vội bằng bút chì đã đến tay anh. Nét chữ quen thuộc, thân yêu:
"Dù có chết, em hứa với anh, chung thủy với cách mạng, trung thành với Đảng. Em hứa mãi mãi là người chiến sĩ cộng sản kiên cường. Mong anh cũng như vậy".
Hiện nay, ở TP Vinh, Nghệ An, có hai con đường rộng rãi, thoáng đãng, mang tên cặp vợ chồng: Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai. Cuộc đời, tình yêu và hạnh phúc của anh chị gắn liền với cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do của đất nước ./.
__________________________________________________________
Bài này đăng trên CAND Online 10/01/2010 - Không thấy đề tên tác giả .