Chủ Nhật, 2 tháng 3, 2014

Nhạc chống chiến tranh của Trịnh Công Sơn

(Nhân kỷ niệm sinh nhật Trịnh Công Sơn 28.2.2014 )
Cao Huy Thuần, 03.05.2003
Đây là một trong hai bài nói chuyện của anh Cao Huy Thuần trong Đêm Trịnh Công Sơn vì Hòa Bình và Tình Yêu do "Hội Văn Hóa Trịnh Công Sơn" tổ chức tại Paris đêm 3-5-2003.
          Có cái gì nổi bật trong nhạc chống chiến tranh của Trịnh Công Sơn? Chẳng có gì ngoài chữ tình. Trịnh Công Sơn chỉ có một chữ tình đó mà thôi, dù trong nhạc tình hay trong nhạc chiến. Phân biệt nhạc chiến tranh với nhạc tình trong Trịnh Công Sơn cũng giống như đi tìm biên giới trên cánh con chim đang bay. Nhưng, trăm năm trong cõi người ta, từ đâu chữ "tình" và chữ "chiến" khéo là gặp nhau như thế nơi Trịnh Công Sơn? Câu trả lời của tôi chắc không chủ quan lắm đâu. Mà nếu có chủ quan, xin các anh chị rộng lòng tha thứ. 


Trịnh Công Sơn viết nhạc về chiến tranh từ 1966. 66 là sau 65. 65 là sau 64. 64 là sau 63. Và 63 là Huế. Huế 63 là khởi điểm của phong trào đấu tranh quần chúng ở đô thị và phong trào sinh viên học sinh xuống đường. 63, 64, 65 là cả miền Trung nổi dậy, đầu não là Huế, và Đà Lạt, gần đó Trịnh Công Sơn dạy học, là một đất Huế thứ hai. Có lần Trịnh Công Sơn trả lời một phỏng vấn như thế này:"...bài nào của Sơn cũng có Huế trong đó mặc dầu không có nói Huế trực tiếp".
Nhưng Huế của Trịnh Công Sơn không phải chỉ là hừng hực đấu tranh, rầm rập xuống đường, mà còn là Huế muôn thuở mà chúng tôi nói đùa là "Huế thơ, Huế mộng, Huế tộng bộng hai đầu" bởi vì chẳng có gì khác ngoài mộng với thơ. Đó là Huế của Diễm Xưa, tay dài mắt xanh xao, tha thiết, chung tình, ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau.
Trịnh Công Sơn là giọt máu của Huế. Trong giọt máu đó, có phẫn nộ, uất ức, đấu tranh, và đồng thời có cả một khối đa tình, nghĩa là đa lụy. Thơ mộng và tranh đấu, Huế - Sài Gòn - Hà Nội, quê hương ơi ... Có lẽ Trịnh Công Sơn là người cuối cùng vinh danh Huế như thế, nhởn nhơ, vô tư để Huế đứng đầu sổ trong ba tên. Nhưng mà thật như vậy,
Từ sông Hương ta kêu sông Hồng về Cửu Long
Có áo cơm vàng / một bình minh dân ta ca hát / khắp giang sơn


Từ sông Hương ... Đúng là từ đó, chiến tranh Việt Nam tìm ra được một gã hát rong biết hát và biết làm thơ, biết tranh đấu và biết tình tự, để nói về mình, nghĩa là về một chiến tranh không phải dễ nói.
Chúng tôi, đã là con trai Huế mới lớn, lại là dân thành phố, "tiểu tư sản", tưởng chỉ sinh ra là để ướt mi nhìn những mùa thu đi thôi, đâu có ngờ đấu tranh và chiến tranh ập xuống, kéo mình vào chốn lao lung? Nhập cuộc, có ai nuôi toan tính, âm mưu chính trị gì đâu, chỉ theo cảm tính mà nói, mà làm, mà viết, mà hát, mà hăng say. Hình như chẳng mấy ai vào cuộc với cái đầu. Với trái tim thôi! Lãng mạn là nết đất, khí khái là tính trời, phong trào từ Huế đi ra là như thế. Về sau, có người ý thức thêm được chuyện mới, cụ thể; có người vẫn cứ thế mà tình tự với dân tộc.
 
Trịnh Công Sơn là người vẫn cứ thế. Anh cứ thế mà hát về dân tộc và chiến tranh, theo cảm tính, với ngôn ngữ của trái tim. Ngôn ngữ của trái tim thì vốn giàu cảm xúc, hình ảnh, ấn tượng, nghĩa là những gì trừu tượng. Trừu tượng, dân tộc trong Trịnh Công Sơn không có thành phần, phe phái. Trừu tượng, "dân tộc" của anh đơn giản lắm :
Xin dân tộc hãy vùng lên
Già gái trai cùng tiếp nối
Vì quê hương không có tương lai
Bao tháng ngày nhìn đời lửa cháy

Già trẻ gái trai, dân tộc là nam phụ lão ấu trong thuốc bổ của đông y, là trăm trứng nở ra trăm con trong huyền thoại của lịch sử. Anh khám phá ra được hai chữ cũ rích: da vàng, rồi anh lồng hai chữ đó vào nội dung của khái niệm dân tộc. Cùng một giống da vàng máu đỏ... đó là lời hiệu triệu yêu nước chống Tây của các cụ nhà Nho ngày trước. Như vậy là Trịnh Công Sơn chống ngoại thuộc chăng? Tất nhiên. Nơi hai chữ da vàng, sôi sục nỗi uất ức của người nô lệ, nô lệ ai nếu không phải là ngoại bang?
Người nô lệ da vàng ngủ quên / ngủ quên / trong căn nhà nhỏ / đèn thắp thì mờ
Ngủ quên / quên đã bao năm / ngủ quên không thấy quê hương

Nhưng rõ ràng nhất trong hai chữ da vàng là cái thông điệp này: cùng một giống da vàng máu đỏ, sao ta chém giết nhau? Và để hô hào mọi người dừng tay lại, Trịnh Công Sơn cho một người nằm xuống, và người đó tất nhiên phải là một người con gái. Tôi chưa bao giờ nghe anh hát người con trai da vàng, chỉ nghe hát người con gái Việt Nam da vàng, và tất cả mọi người rơi lụy. Dân tộc của anh là thế: là tất cả mọi người, không phân biệt.
Không phân biệt, vì sao? Vì có người mẹ nào phân biệt con ? Dân tộc, bởi vậy, mang hình ảnh Bà Mẹ, mà Trịnh Công Sơn hiếu thảo nâng niu đưa vào ngự trị trong nhạc chống chiến tranh của anh. Bà Mẹ đó luôn luôn ăn năn - hai chữ ăn năn ám ảnh Trịnh Công Sơn hoài trong nhạc chiến tranh cũng như nhạc tình - bà mẹ ăn năn cả đến việc đã sinh ra con, bởi vì sinh ra con để làm gì khi chúng hận thù nhau?
Mẹ nhìn quê hương nghe con mình buồn giọt lệ ăn năn
Giọt lệ ăn năn đưa con về trần tủi nhục chung thân

Bấy nhiêu chữ thôi, hai câu đó thôi, đủ để vẽ ra cái nhìn của Trịnh Công Sơn về chiến tranh. Chiến tranh là tủi nhục của bà mẹ, vì xương thịt nào cũng từ bà mà ra, xương thịt nào cũng là Việt Nam:
Ôi da vàng Việt Nam vỡ nát
Xương thịt đó thiêng liêng vô cùng

Xương thịt... Hồi 66-67, tôi không nghĩ Trịnh Công Sơn thấy xương thịt tận mắt. Chiến tranh nổ ra trong lương tâm của anh. Khi anh hát :
Hãy mở mắt ra nhìn quanh đây những ai còn là Việt Nam
Triệu người đã chết..
.
là anh đau đớn cảnh mất mát mà anh thấy trong trái tim của anh. Cũng như dân tộc, chiến tranh của Trịnh Công Sơn mang tính trừu tượng, trừu tượng trong cái nghĩa nồi da xáo thịt, không cần phân tích cái nồi đó thế nào, ai mang đến, ai đốt củi lửa. Chết "triệu người" là cái chết trừu tượng, chỉ thấy trong lương tâm. Vì trừu tượng, cho nên anh mới có thể làm tình ca trên cái chết đó. Vì trừu tượng, cho nên bản tình ca hay nhất về chiến tranh là dành cho một người yêu mất trí, lang thang tìm người yêu chết trên những địa danh trừu tượng đối với dân thành phố, Plei Me, Chu Prong... Vì trừu tượng, cho nên người yêu của người yêu nằm chết như mơ, nghĩa là chết không thật. Nhưng chính vì trừu tượng như thế cho nên mọi người, không phân biệt, hát nhạc chiến tranh như hát tình ca, mặc dầu ba bốn chữ chết chen chúc nhau nằm trong một câu, cả bài hát chỉ toàn là chết.
 
Trịnh Công Sơn chỉ thấy chiến tranh cụ thể trước mắt và thấy dân tộc cụ thể trước mắt năm 1968, ở Huế. Khi đó thì cái chết trừu tượng trở thành cái xác cụ thể, và buổi chiều đi trên Bãi Dâu anh không hát da vàng mà hát xác người. Xác người nằm khắp nơi, trên sông, trên ruộng, dưới hiên, dưới hầm, này xác người già, này xác em bé, không thấy xác người yêu cho nên không thấy xác nào nằm mơ cả, chỉ thấy xác chưa có ai nhận cho nên xác nằm bơ vơ.
Nhưng dù trước hay sau Mậu Thân, Trịnh Công Sơn luôn luôn trung thành với thông điệp mà anh muốn gởi đến trái tim mọi người qua trái tim của anh:
Việt Nam ơi / bừng cơn mơ / cho mắt nhìn sạch tan căm thù
Ngôn ngữ đó, trong bão tố của chiến tranh, và dưới một cái nhìn nào đó, có thể bị xem là ngây thơ, hoặc tệ hơn nữa, lừng khừng, chung chung. Dưới một cái nhìn khác, Trịnh Công Sơn cũng lại có vấn đề. Thế này là anh muốn nói gì:
Đạn bom ơi / lòng tham ơi / khí giới nào diệt nổi dân ta
Triệu chân em / triệu chân anh / hỡi ba miền vùng lên cách mạng
Anh nói ai không diệt nổi dân ta ? Anh muốn theo ai làm cách mạng?
Ta bước đi / bước bước hoài / trên quê hương dấu yêu này
Ta nối tay / cất tiếng cười / thách đố ai cướp đất này

Anh thách ai ? Anh thách ai vậy ?
Đi giữa hai làn sóng, câu trả lời trung thực nhất cho mọi thẩm vấn, tra hỏi, là: một mình mình biết, một mình mình hay :
Tôi đi giữa những căm hờn đành không lên tiếng
Trong tim đau từng vết đạn
Câu than van nhiều khi dấu kín
Ai khoe khoang dân mình đã chết oan

Và cứ thế, anh ngã xuống lại đứng dậy, hát không mệt mỏi thông điệp yêu thương duy nhất của anh :
Hãy nhìn lại được hay thua những thắng bại kia
Hãy nhìn lại mặt quê hương tan nát từng giờ
Hãy nhìn lại người anh em trên chiến trường xa
Hãy nhìn lại tìm đâu ra những nét mặt thù

Phải rất ngây thơ, rất trắng trong, mới có lòng tin như thế nơi sự hồi tâm: nhìn lại vào cái tâm thì hận thù tan biến. Ôi, cái ngây thơ, trắng trong, lãng mạn, đa tình đeo đuổi hoài Trịnh Công Sơn từ ngày đầu của phong trào đô thị.
Mai đây, hòa bình, Trịnh Công Sơn thấy gì trong giấc mơ ngây thơ và đa tình đó? Trẻ con đi hát đồng dao ngoài đường. Và gì nữa? Một bầy con gái tắm đưới ao. Nhưng chính đó mới là hình ảnh đích thực của một xã hội thanh bình. 

Bây giờ tôi xin đặt câu hỏi: hát nhạc chống chiến tranh của Trịnh Công Sơn lúc này có lỗi thời không? Có làm phiền lụy cho ai không? Tất nhiên, có vài câu, vài chữ không tránh được tranh luận. Nhưng chiến tranh qua rồi, lịch sử cũng không đứng lại ở những năm 75. Trong một giai đoạn nào đó, tầm nhìn chính trị có thể ngắn hẹp như thế, nhưng sự trường tồn của dân tộc đòi hỏi một cái nhìn văn hóa xa hơn, cao hơn, cái nhìn ruột thịt thương yêu của con người, của con người Việt Nam tha thứ cho nhau. Tiếng hát của Trịnh Công Sơn chỉ nói có mỗi một chuyện đó thôi. Trịnh Công Sơn ưa nhắc đến ca dao trong lời hát, và anh sở trường về hát ru. Bởi vì tiếng ru là văn hóa, văn minh: không ai đem hận thù, chém giết, ru con vào giấc ngủ. Bởi vậy, bây giờ chính là lúc nên hát Trịnh Công Sơn. Chiến tranh là giai đoạn khẳng định những cái riêng; hòa bình là lúc dân tộc tìm đến những cái chung, kể cả những cái "chung chung".
Trong tin tưởng đó, chúng ta hãy nghe lại bài hát Cho một người nằm xuống. Người nằm xuống ở đây là một sĩ quan không quân của quân đội Sài Gòn cũ. Nhưng chi tiết đó không quan trọng gì hơn chi tiết về một người con gái tên Nguyệt trong Nguyệt Ca. Biết chi tiết đó thì bài hát hay hơn. Không biết, bài hát vẫn hay như thường. Cho nên bất cứ ai có một người bạn vừa nằm xuống đều muốn gởi cho bạn bài hát của Trịnh Công Sơn. Bài hát này sẽ sống mãi cùng năm tháng chừng nào con người còn biết thế nào là tình bạn. Trong bài hát, có "trời rộng", có "vùng trời", có "bay cao trong vòm trời đầy", bởi vì người chết đã sống với máy bay, nhưng chẳng ai hát vòm trời mà chỉ nghĩ đến cái máy bay, ai cũng nghĩ đến đôi cánh trắng thênh thang nơi một bóng thiên đường. Vả chăng, chật hẹp gì nữa với người chết ! Sao không nghĩ rằng người chết cũng là người Việt Nam? Mà người Việt Nam đó nằm xuống để làm gì? Để cho hận thù vào lãng quên. Vòm trời cao trong bài hát đối chọi với nắm đất sâu dưới đó người chết nằm. Không còn ai nữa, không còn mặt trời, không còn những buổi sáng bao la. Chỉ còn một tiếng chim thôi trong nghĩa trang. Nếu vì chiến tranh mà không còn ai nghe được nữa tiếng người, ít nhất hãy nghe tiếng chim đó trong bài hát. Hãy nghe tiếng chim đó trong lòng. Chỉ còn một tiếng chim thôi...
-----------------------------
Calathau chủ trang Blog phát biểu :
Trên đây là ý kiến của một học giả được trình bày ở Paris thủ đô nước Pháp từ năm 2003, tuy nhiên lúc này nó bỗng mang tính thời sự ! Chúng ta vừa kỷ niệm 35 quân Trung Quốc phát động chiến tranh biên giới xâm lược nước ta. Hàng chục ngàn sinh linh cả 2 phía đã vĩnh viễn biến khỏi mặt đất. Biến cả phần hồn lẫn phần xác ! Rồi tiếp theo là cuộc hải chiến Trường Sa cũng 64 thanh niên chiến sĩ hải quân ta hy sinh. Nhìn ra thế giới, chiến tranh, chết chóc, anh em một nhà chia bè chia nhóm chém giết nhau kẻ theo Đông, người theo Tây ! Ukraina đang có nguy cơ bị xé thành 2 mảng. Quân đội Nga đang kéo vào Crimea với danh nghĩa " bảo vệ kiều dân Nga !". Có cái gì đó gợi nhớ vụ " nạn kiều" do Trung Quốc dựng lên làm cớ " dậy cho VN một bài học " ! Nước Việt của "Người VN da vàng" đã yên đâu !
Có ai thống kê chính xác xem hiện trên đất Việt mình đã có bao nhiêu người Tầu đang cư trú làm ăn cả hợp pháp và bất hợp pháp ? Có thông tin cho biết cả vùng đất hẹp cổ chai Hà Tĩnh nay tràn ngập làng Tầu, phố Tầu, nhà máy, công trường Tầu ! Gần nhất có tin chính người Nga nói ra : Họ sẽ trở lại Cam Ranh ! v.v...
Tóm lại một câu : Tôi sợ con cháu tôi phải đối đầu với bom đạn. Tôi sợ Tổ quốc tôi một lần nữa chia cắt về đất đai và ý thức hệ, vì thế tôi căm ghét chiến tranh ; TÔI YÊU HÒA BÌNH. Và tôi hát nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn ! 
Sau đây mời nghe ca khúc " Ca dao mẹ" của Trịnh Công Sơn do Khánh Ly trình bày
 

2 nhận xét:

  1. Mình rất hứng thú với những gì liên quan tới Trinh Công Sơn ,không chỉ nhạc mà cả ca từ, nhạc thời bình hay thời chiến, đúngs là nhạc ông toát ra triết lý về lẽ sống của con người và quy tụ vào một chữ "tình" Ông là người phản chiến , vậy mà sau giải phóng " người ta"" đôi xử với ông không ra gì chỉ vi bài hát " cho một người nằm xuống " ông viết để cám ơn một người bạn là sỹ quan trong trong chính quyền Thiệu đã giúp đỡ ông rất nhiều, sau này một lãnh đạo thành phố hiểu về ông đã đích thân mời ông về Sài Gon sống va từ ngày đó bài " Nối vòng tay lơn " của Ông mới vang lên khắp nơi cùng lớp thanh niên trẻ. TCS là một thiên tài có một không hai, nhân ngày sinh của Ông hãy tưởng nhớ và ghi ơn Ông đã để lại cho đời bao tuyệt tác.

    Trả lờiXóa
  2. EM RẤT MÊ BÀI HÁT NÀY ANH Ạ!

    Trả lờiXóa