Lê Tiến Hoàn
KỂ CHUYỆN TUỔI
THƠ
Tôi sinh ra và lớn lên ở một làng quê Bắc Ninh
ven sông Cầu.
Thuở ấu thơ, tôi sống bình yên, vô tư trong một
gia đình nhà nho có 5 anh chị em, 3 nam , 2 nữ (không kể hai người chị lớn đã mất
trước đó). Tôi là con út. Năm 8 tuổi tôi mất cha, 12 tuổi mất mẹ, và cũng thời
gian ấy anh trai thứ hai tôi là bộ đội hy sinh ở tuổi 19 - 20. Từ đó, gia đình
tôi mỗi người một ngả.
Trước cách mạng cha tôi được mời nhưng không chịu ra làm việc cho Pháp mà chọn nghề dạy học, cả chữ nho và chữ quốc ngữ. Ông có rất đông học sinh, sau này có những người trở thành cán bộ cao cấp. Đi đâu nhắc đến ông mọi người đều tỏ ra rất kính nể. Sau cách mạng ông làm việc ở HĐND tỉnh. Ông là người sáng lập ra “Hội Giúp Binh sĩ bị nạn” liên tỉnh Bắc Ninh - Bắc Giang thời đó và làm Chủ tịch Hội. Ông đi công tác vắng nhà liên tục.
Trước cách mạng cha tôi được mời nhưng không chịu ra làm việc cho Pháp mà chọn nghề dạy học, cả chữ nho và chữ quốc ngữ. Ông có rất đông học sinh, sau này có những người trở thành cán bộ cao cấp. Đi đâu nhắc đến ông mọi người đều tỏ ra rất kính nể. Sau cách mạng ông làm việc ở HĐND tỉnh. Ông là người sáng lập ra “Hội Giúp Binh sĩ bị nạn” liên tỉnh Bắc Ninh - Bắc Giang thời đó và làm Chủ tịch Hội. Ông đi công tác vắng nhà liên tục.
Tôi nhớ mãi lần cuối cùng chia tay với Người.
Hôm ấy, tôi đang học lớp nhì trường làng
- tương đương lớp 3 bây giờ - thì cha tôi đến gặp thầy giáo một lúc, sau đó thầy
cho tôi về với cha. Cha bế tôi lên đưa về nhà. Trên đoạn đường làng ngắn ngủi,
hai cha con đã nói những gì, tôi không còn nhớ nữa. Ký ức duy nhất đọng lại là
niềm vui sướng hân hoan của một đứa trẻ 8 tuổi, không còn nhỏ nữa, mà vẫn được cha
bế. Có ngờ đâu, đó lại là những giây phút cuối cùng tôi được ở bên cha mình.
Còn cha, chắc hẳn ông đã lường trước được sự nguy hiểm của chuyến đi công tác lần
này. Chia tay cha, tôi nước mắt lưng chòng chạy theo ông đến đầu làng… Tôi vĩnh
biệt cha như vậy đó.
… Trong chuyến công tác ấy (12-1948) phái đoàn
của Tỉnh vào vùng địch chiếm động viên đồng bào tham gia và ủng hộ cuộc kháng
chiến. Đúng hôm địch đi càn quét, đoàn rút xuống hầm bí mật nhưng bị lộ, mọi
người thoát lên cửa dự phòng tản đi các nơi. Cha tôi cùng một bác chạy được đến
con sông ngăn cách vùng tự do và vùng địch chiếm, trong khi bơi thì cha bị
trúng đạn vào đầu. Vết thương nặng, ông cố bơi lên bờ, lết đến một ruộng lúa,
không có ai bên cạnh cứu giúp, chắc do mất máu nhiều ông đã hy sinh:
…Thương Cha hấp hối
nằm không - màn trời
Một mình bê bết máu tươi
Lê ven bờ ruộng, chắc Người rất đau
Kẻ thù ở lại phía sau
Anh em đồng chí có đâu bên mình...
Thế rồi Cha đã ... hy sinh
Bên bờ ruộng nước, một mình nằm im...
Thời gian trôi mấy ngày liền
Tin Cha mất tích Mẹ yên sao đành
Ngày ngày mong có tin lành
Nào ngờ tin dữ bay nhanh về nhà...
Một mình bê bết máu tươi
Lê ven bờ ruộng, chắc Người rất đau
Kẻ thù ở lại phía sau
Anh em đồng chí có đâu bên mình...
Thế rồi Cha đã ... hy sinh
Bên bờ ruộng nước, một mình nằm im...
Thời gian trôi mấy ngày liền
Tin Cha mất tích Mẹ yên sao đành
Ngày ngày mong có tin lành
Nào ngờ tin dữ bay nhanh về nhà...
Vài ngày sau gia đình được tin ông mất tích, rồi
tiếp đó là tin về như sét đánh – ông mất rồi, đã tìm thấy xác.
Tin sét đánh đến
với cả nhà
Chúng con đau đớn thương Cha khôn cùng
Mẹ con như chết trong lòng…
Chúng con đau đớn thương Cha khôn cùng
Mẹ con như chết trong lòng…
Những ngày đó nhiều người từ các cơ quan tỉnh,
huyện lân cận đến nhà rất đông để thăm hỏi, động viên mẹ tôi. Không khí rất im
lìm, đau xót. Khi đó máy bay địch hoạt động dữ dội nên tỉnh đã tổ chức đưa linh
cữu Cha về quê vào ban đêm, chôn cất cách nhà khoảng 6 - 7 km.
Tôi
nhớ mãi:
Một đêm, đi bộ rất
xa
Đôi chân con trẻ theo đà người thân
Lén đi tưởng gặp Cha nhanh
Đi mãi đến chỗ - chẳng rành nơi nao
Bao người đông đúc ồn ào
Áo quan nằm đó, Cờ Sao treo tường
Bàn thờ nghi ngút khói hương
Nến đèn mờ ảo vấn vương hồn Người
Hình Cha tươi rói nụ cười
Lòng Mẹ đau xót thương Người nằm đây
Mẹ lịm ngất, nằm ngay phủ phục
Ôm hồn Cha, Mẹ khóc ai hay...
Đôi chân con trẻ theo đà người thân
Lén đi tưởng gặp Cha nhanh
Đi mãi đến chỗ - chẳng rành nơi nao
Bao người đông đúc ồn ào
Áo quan nằm đó, Cờ Sao treo tường
Bàn thờ nghi ngút khói hương
Nến đèn mờ ảo vấn vương hồn Người
Hình Cha tươi rói nụ cười
Lòng Mẹ đau xót thương Người nằm đây
Mẹ lịm ngất, nằm ngay phủ phục
Ôm hồn Cha, Mẹ khóc ai hay...
Mẹ tôi từng tham gia công tác trong Hội Phụ nữ
Cứu quốc, làm Hội trưởng Hội Phụ nữ xã. Sau khi cha mất, quê tôi bị quân Pháp bắn
phá thường xuyên và dần dần bị chiếm đóng, mẹ tôi đưa gia đình đi theo kháng
chiến. Chúng tôi tản cư lên Bắc Giang, rồi Thái Nguyên… Sau đó chị tôi đi thoát
ly thanh niên xung phong, anh hai đang học đệ tam (lớp 7) thì đi bộ đội, anh ba
được gửi lại vùng tự do học tiếp. Cuộc sống quá khó khăn, mẹ và tôi trở về quê
trong vùng địch tạm chiếm. Còn anh cả thì đã thoát ly gia đình hoạt động bí mật
từ trước cách mạng, khi Cha mất anh cũng không hay biết.
Cuộc sống trong vùng địch như một cơn ác mộng,
lúc nào cũng lo nơm nớp. Ban đêm thì đại bác địch bắn ra vùng tự do bên kia
sông, đạn bay vèo vèo trên đầu và nổ xé trời tưởng như ngay cạnh nhà. Ban ngày
thì sợ Tây đi càn quét. Chúng bao vây rồi lùng sục khắp làng, tìm hầm bí mật, bắt
cán bộ, du kích, vô cớ bắt người thường. Có lần anh thứ ba tôi về thăm nhà, gặp
hôm địch đi càn, chúng bắt anh đi tập trung, anh phải giả vờ câm điếc, chúng bảo
gì cũng lắc đầu, may có người học trò cũ của cha tôi trong số lính nói giúp nên
chúng tha. Mỗi lần đi càn, quân địch cướp bóc, giết tróc, đánh người, hãm hiếp
phụ nữ, có khi cả bà già, trẻ em. Nhiều lúc mẹ tôi rất lo chúng phát hiện hầm
bí mật trong nhà… Sau này tôi mới biết trong nhà mình có hai cái hầm bí mật, một
cái phía dưới chuồng lợn, một cái dưới nền nhà bếp có lỗ thông hơi ra giếng. Thảo
nào, mấy lần tôi thấy bọn lính cứ ngó xuống giếng rất lâu, nhưng có vẻ chần chừ
rồi quay đi. Chắc vì giếng sâu nên chúng ngại.
Năm 1951, anh cả - vốn thoát ly gia đình tham
gia cách mạng từ thời kỳ bí mật, đang đóng quân trên Việt Bắc - viết thư về bảo
nhà chuẩn bị cho tôi sang Trung Quốc học. Tôi mừng lắm, vì đã phải bỏ học khá
lâu. Nhưng mẹ không đồng ý, phần vì thương tôi còn nhỏ dại, không muốn cho đi
xa, phần vì nhà chỉ có hai mẹ con. Nhờ vậy mà sau này, khi mẹ ốm nặng, tôi còn
được ở bên chăm sóc cho Người, trong khi các anh chị đều đã đi xa. Mười hai tuổi,
tôi tự mình nấu nướng, giặt giũ, xúc cho mẹ từng thìa cháo... Không thể ngờ rằng,
đó lại là những việc cuối cùng tôi có thể làm cho mẹ. Làm sao tôi biết được mẹ
sẽ bỏ tôi, bỏ mấy anh chị em tôi mà ra đi sớm như vậy. Trước khi mẹ mất, may mà
chị tôi công tác ở gần nhà về được mấy hôm, còn các anh tôi: hai người bộ đội
và một người đang học ở vùng tự do không về được. Lúc ấy đi lại từ vùng tự do
vào vùng địch rất nguy hiểm, thường bị bắt hoặc ăn đạn địch như chơi. Trước lúc
lâm chung, mẹ khóc và dặn không báo tin cho các anh để họ yên tâm công tác, học
tập. Tôi biết mẹ thương nhớ và luôn lo cho các anh. Mẹ đau buồn biết chừng nào
khi biết mình không qua khỏi, mà không được gặp các con. Mẹ có biết đâu, chỉ
trong vòng một tháng sau khi mẹ mất, người con trai thứ hai của mẹ cũng đã hy
sinh.
Sau khi mẹ mất, tôi còn lại một mình trong
ngôi nhà cổ rộng thênh thang. Hàng ngày, ra chợ ở đình làng bán hàng lặt vặt và
rau cỏ tăng gia được trong vườn nhà lấy thêm tiền sinh sống. Có khi tôi đi chợ
phiên cách làng mấy cây số mua ít bánh kẹo, ít đồ tạp hóa về làng bán. Tôi còn
nấu thạch bán cho trẻ con trong làng, nhưng phần lớn là bạn bè ăn chịu - thuộc
loại nợ xấu khó đòi!... Khó mà tả được nỗi tủi hổ của tôi lúc bấy giờ. Nỗi lo vật
chất không thấm gì với cái khổ về tinh thần, tình cảm - thương cha, nhớ mẹ, các
anh chị. Lúc ấy tôi thấy rất bơ vơ, chẳng biết mình sẽ sống ra sao, biết dựa
vào ai, bao giờ các anh chị mới về??? Mặc dù có gia đình của hai ông chú ở gần,
nhưng tôi cũng không đến ở với chú nào cả. Tôi lo sợ đủ điều, rất hay khóc mỗi
khi nghe ai nhắc đến cha mẹ và hoàn cảnh của mình. Về sau có mấy gia đình đến ở
nhờ trong nhà nên tôi cũng vui hơn.
Nhà tôi có một tủ đầy sách chữ nho, chữ Pháp
và chữ quốc ngữ của cha để lại, có cả nhiều chuyện hay tôi đã say mê đọc, nhưng
nhiều chuyện tôi cũng chẳng hiểu gì vì khi ấy còn nhỏ tuổi. Bọn lính lấy đi rất
nhiều sách, tôi tiếc lắm nhưng đành chịu, (số sách còn lại thì sau này khi CCRĐ
cũng bị thất tán hết). Hàng ngày các gia đình phải luân phiên nhau cử người đi
phu làm việc, xây đồn bốt cho Tây. Trẻ con 11 - 12 tuổi như tôi cũng chẳng được miễn.
Tôi đã từng phải đi phu khuân đất đá, chặt tre, vác những cây tre dài đi mấy
cây số cho chúng. Những lúc ấy, tôi cứ băn khoăn một nỗi: giặc đã giết cha
mình, mẹ mình cũng chết vì chúng, thế mà mình lại làm cho chúng, liệu mình có tội
với cha, với mẹ không? Tôi chẳng dám nói ra với ai điều đó và cũng không thể
làm gì khác được. Một lần, như thường lệ, tôi cùng mấy đứa bạn theo những người
lớn trong làng đi chợ cách nhà chừng 3 cây số, mua một yến muối gánh về để bán
lại lấy vài đồng lãi cho những người chuyên buôn ra vùng tự do. Trên đường, rủi
ro gặp bọn lính Tây đi tuần, bị chúng lùa vào đồn địch gần đó, nhốt trong sân
nhịn đói đến chiều mới được thả về, muối bị tịch thu hết vì đó là thứ để “tiếp
tế cho Việt Minh”. May mà hôm ấy đông người nên không ai bị chúng đánh đập và
nhốt lâu.
Thời gian cứ trôi như vậy cho đến một hôm, khoảng
cuối 1952 - đầu 1953, tôi vui sướng không tả nổi, khi chị gái về đón tôi ra
vùng tự do. Quê tôi cách vùng tự do có một con sông. Gần đến thế, nhưng không
ai dám qua lại, vì địch cấm đò, chỉ có du kích và cán bộ đi hoạt động mới dám
bơi qua sông trong những đêm tối trời, nhưng phần lớn cũng bị địch từ đồn bốt
ven sông đi tuần phát hiện. Cha của Lê Đắc Liêu lớp 5A, ông là em họ tôi, cũng
đã hy sinh khi bơi qua khúc sông này. Vì thế, vào cái đêm tối trời ấy, chị tôi
cùng một số người nữa đưa tôi đi im lìm qua mấy cánh đồng, qua hai con sông và
làng mạc giữa các đồn bốt giặc - một con đường vòng thúng mười mấy cây số để ra
vùng tự do cách làng mình chỉ một con sông! Tôi thót tim mỗi khi đi gần bốt giặc
nghe tiếng súng nổ, đạn rít bên tai, phải nằm rạp xuống ruộng. Sáng sớm hôm sau
đến nơi an toàn chị em tôi mới thở phào sung sướng.
Chị đưa tôi lên Phú Bình - Thái Nguyên gửi ở
gia đình bà dì (mẹ của chị Nghiêm Chưởng Châu - một phụ nữ có tên tuổi và nhiều
người biết đến) dưới chân đồi thông. Ít lâu sau tôi về ở cùng anh trai sát trên
tôi, đang học lớp 8, ở nhờ 1 nhà dân bỏ trống, tôi vào học lớp 4 (trường Hàn
Thuyên). Được đi học tôi vô cùng vui sướng, vì từ năm 1949 do tản cư tôi cứ vất
vưởng, nay đây mai đó, không có chỗ học và khi về quê ở vùng địch chiếm cũng
không có trường. Cuộc sống trong thời kháng chiến những năm ấy thật vất vả. Thỉnh
thoảng, chị tôi công tác ở gần quê đem tiền và gạo tiếp tế cho hai anh em, đó
là tiền hoa màu từ mấy thửa ruộng do họ hàng cầy cấy hộ. Nhiều khi ăn không đủ
no, ăn khoai lang trừ cơm cồn cào sót ruột, cả tháng không được miếng thịt. Hàng
ngày phải lên đồi cắt guột để lấy cái đun, rồi trồng rau, nuôi gà để có cái ăn
và đạt thành tích tăng gia theo yêu cầu của trường. Hồi đó, có phong trào bắt
sâu, nhổ cỏ lúa giúp dân, tôi là đứa chúa sợ sâu, sợ đỉa, thế mà lúc ấy cũng
không dám kêu lấy một tiếng! Khắp nơi, ở nhà, ở trường đều phải đào hầm tránh
máy bay địch oanh tạc, không ít học sinh của trường đã bị máy bay bắn chết. Khi
máy bay địch hoạt động dữ dội quá cả trường phải học vào buổi tối, dưới ngọn
đèn dầu leo lét. Tan học, đi về nhà qua quãng đồng, hoặc đoạn rừng chẩu, đồi
thông tối mịt, có tiếng động khẽ là cả lũ chạy như ma đuổi, lúc ấy tôi và lũ bạn
không những sợ ma mà sợ cả người vì đã từng được nghe nhiều chuyện rùng rợn.
2. LÊN ĐƯỜNG
Đầu tháng 9 - 1953, có một anh bộ đội, nghe
nói là cần vụ của anh cả, về đón tôi lên Việt Bắc tập trung để sang Trung Quốc
học, vì anh tôi bận không về được. Tôi vừa mừng, vừa lo. Nhớ lúc ở bến đò chia
tay với anh chị để ra đi cùng anh bộ đội không quen biết, tôi khóc nức nở không
kém gì lúc cha mẹ mất. Đi được quãng đường dài thì anh bộ đội dẫn tôi vào một
quán uống nước, ăn quà. Lúc anh rút ví trả tiền, tôi giật mình thấy đó chính là
cái ví nhỏ anh tôi kêu mất sáng nay, cả nhà cùng tìm khắp nơi mà không thấy.
Khi bắt gặp ánh mắt ngạc nhiên của tôi, anh thản nhiên nói: “À chết, anh cầm nhầm
cái ví của anh em!”. Thật lạ vì lúc sáng anh còn sốt sắng tìm hộ anh tôi! Từ
đó, tôi không còn tin anh bộ đội này nữa, thậm chí còn lo sợ rằng anh ấy không
đưa mình tới nơi cần đến. Nhưng biết làm sao bây giờ! Đành phải liều đi theo
thôi, vì tôi chưa đủ can đảm để bỏ trốn. Lúc đầu, anh bộ đội dẫn tôi đi ban
ngày, khi đến gần những nơi hay bị máy bay bắn phá thì đổi lại, đêm đi, ngày
nghỉ. Chèo đèo, lội suối, băng qua rừng, qua núi, qua những địa danh nào, tôi
không còn khái niệm vì khi ấy tôi chỉ lo một điều: “không biết anh bộ đội này dẫn
mình đi đâu?” Sau mấy ngày đêm, khi hai chân tôi đã rã rời tưởng như không bước
nổi nữa, thì anh bộ đội bảo: đến nơi rồi! Đó là Cục Tổ chức, nơi chúng tôi tập
trung để lên đường sang Trung Quốc học tập.
Tôi được nhận chỗ ngủ ở một ngôi nhà lợp lá,
chỉ có một cái giường tre dài dọc theo nhà, mọi người nằm sát liền nhau không
có ranh giới (hình như vậy, tôi không nhớ rõ lắm). Cuộc sống ở đây không đọng lại
nhiều trong trí nhớ của tôi, có lẽ vì thời gian tôi ở đó quá ngắn. Đến tập
trung vào loại muộn nhất nên quân phục đã hết, tôi và mấy bạn nữa không được
phát. Điều đó làm tôi buồn lắm. Trong khi, nhiều bạn mặc trông rất oai và hãnh
diện, đúng là các chú bộ đôi con. Thật tiếc là tôi lại không có được niềm vui ấy.
Chỉ vài ngày sau, tôi cùng các bạn lên đường đến
biên giới sang Trung Quốc. Đây là đoàn thứ 11, đoàn cuối cùng do Anh Chiểu và
anh Ngoạn phụ trách. Trong đoàn có Hương Mạch và Nguyễn Khinh lớp 5 chúng mình
và Phụng lớp 2 (vợ của Hoàng Kim Chung đã quá cố), cùng vài người nữa tôi nhớ
tên nhưng sau này chưa bao giờ gặp lại là Thuấn, Mễ, Ngọc Trinh… Chuyến đi này
vất vả không kém khi tôi đi từ nhà đến Cục Tổ chức. Đêm đi, ngày nghỉ, nhiều bạn
nhỏ 9 - 10 tuổi vừa đi vừa ngủ gật, có lúc tôi phải cõng hoặc đeo ba lô hộ bạn
nhỏ hơn mình. Ít ngày sau, tôi cùng các bạn được đi bằng ô tô, loại xe tải có
ghế, có mui, ai cũng vui mừng. Một đêm, chúng tôi đang thiu thiu ngủ gà ngủ gật
thì xe bất chợt dừng lại, có tiếng máy bay và một loạt tiếng súng nổ. Anh phụ
trách hô mọi người xuống xe và chạy tản xuống ruộng. Trời tối, chẳng nhìn thấy
gì, mọi người chạy tán loạn. Khi máy bay đi rồi, lên xe mới biết bạn Minh ngồi
cạnh mình bị trúng đạn, tôi sợ quá. Mọi người đều thương bạn Minh, nhưng ai
cũng hú vía vì xác xuất bị ăn đạn không phải là hiếm; đến Bằng Tường tôi mới
hoàn toàn hết sợ. Từ đây trở đi có quá nhiều ấn tượng với những điều mới lạ
nhưng tôi lại nhớ rất ít về cuộc hành trình này. Đến Nam Xương thì bạn Minh được
đưa đi chữa trị vết thương, tôi cùng các bạn khác nghỉ ở khách sạn sang trọng,
lạ lùng. Lúc đó bọn tôi còn chưa biết cả cách bật đèn điện.
3. LƯ SƠN
Đến Lư Sơn, tôi cùng Hương Mạch được phân về lớp
4A ở bên nhà nữ. Chưa hiểu mô tê gì tôi đã lăn ra ốm, sốt li bì, mê sảng, bị
đưa sang bệnh xá nằm, được chị y tá Trung Quốc rất xinh đẹp chăm sóc và có anh
Vũ Thuần phiên dịch. Vài hôm sau, tôi được biết anh Vũ Thuần là bạn học, ngồi
cùng bàn và khá thân với anh thứ hai của tôi. Buồn vì nhớ thương anh, tôi ngậm
ngùi suy nghĩ: bạn của anh đây, còn anh thì đã vĩnh viễn chôn sâu ở nơi nào?
Không biết trước khi nhắm mắt anh đã nghĩ những gì? Có ai bên cạnh anh không?
Anh đã được tin mẹ mất chưa? Thế rồi tự nhiên nước mắt cứ trào ra, tôi càng thấy
nhớ nhà, thương cha mẹ, nhớ anh chị. Thời gian đầu mỗi khi nghĩ đến gia đình
mình tôi hay buồn lắm.
Ở Lư sơn được ăn rất ngon, đặc biệt là món
canh ca la thầu, bánh bao và cháo quẩy với sữa đậu nành, nhưng ghét cái là cứ
phải đeo khẩu trang suốt ngày và uống đầy một ca nước muối sau khi ăn cơm, khi
tuyết rơi thì không được mở cửa sổ và thò cổ, thò tay ra ngoài sờ mó, bốc truyết;
lúc nào cũng “mặc áo ấm và quấn khăn di giầy”, quần bông, áo bông, mũ bông, giầy
bông, người tròn như quả bóng. Lớp 4A do chị Nhâm dạy, tôi học khá nên chị phân
công giúp môn toán cho một bạn. Nhiều khi giảng mãi mà bạn ấy vẫn chả hiểu, có
lúc tôi bực mình với bạn ấy, thế là thành ra lại mắc khuyết điểm và bị phê
bình. Kỷ luật ở đây nghiêm khắc lắm, ai có sai sót gì là bị kiểm điểm ngay,
hình như cuối ngày còn bị chấm đen, chấm đỏ hoặc là đánh dấu cộng trừ hay sao ấy,
tôi nhớ mang máng vậy. Xa nhà lần đầu, đến đây sống tập thể, học được bao điều
mới lạ, kỷ cương, có bao nhiêu là bạn mới, tôi quen dần, trở nên vui vẻ, đỡ nhớ
nhà và ít nghĩ đến hoàn cảnh gia đình mình hơn.
Ở Lư Sơn, lúc đầu tôi ở tổ hai cùng với Bích
Ngân, Ngọc Trâm B, Hạnh Phúc, Ngọc Huyền, Phương Dung, Tuyết Mai..., sau chuyển
sang tổ một có Chu An, Tô Hợp, Phương, Phụng Mỹ, Ngọc Trâm A, Thục Anh, Thanh
Tú, Lệ Liễu, Hồng Hà, Tuyết Nga...
Khi trường chuyển về Quế Lâm, học được ít ngày
thì tôi cùng Ngọc Trâm B, Bích Ngân, Hương Mạch, Lệ Thủy… được chuyển lên lớp
5. Chúng tôi được xếp vào vào 5B, riêng Lệ Thủy vào 5C.
4. HỒI ỨC QUẾ LÂM
Thời gian sống ở Quế Lâm quá ngắn so với các bạn
cùng lớp nên kỷ niệm về trường, lớp, thầy cô và bạn bè của tôi không nhiều như
mọi người. Nhưng tình cảm với lớp, với các thầy cô, bạn bè không thay đổi. Nhiều
hình ảnh từ xa xưa vẫn còn rõ nét trong ký ức.
Nhớ mãi một hôm, chị Quế cho nữ sinh đi tắm,
tôi không biết bơi nên dùng cái quần dài nhúng nước ướt, làm phồng hai ống quần
lên rồi buộc túm lại thành “phao” nổi lềnh bềnh và cứ thế ôm “phao” tập bơi, đập
chân, đập tay túi bụi. Mấy bạn nữ biết bơi đã khuân đá từ trong bờ ra xa đắp
thành một ụ đá rồi bơi ra đó đứng. Những đứa không biết bơi như tôi đứng ở
trong nhìn ra mà thấy thèm. Hôm ấy, có một bạn rủ tôi bơi ra đó. Tôi, điếc
không sợ súng, đã bơi theo bằng chiếc “phao” quần. Đứng ở đấy sung sướng được một
lúc thì, trời ơi! Bỗng nhiên tôi trượt chân làm hòn đá ở mép ụ chỗ mình đứng
rơi tuột xuống. Bị mất thăng bằng bất ngờ, tôi lảo đảo, “chân không đến đất cật
không đến trời”, sợ quá, tôi ôm chặt cái “phao” của mình vùng vẫy dưới nước, định
“bơi” vào bờ. Được vài giây thì... (chắc mọi người đoán được điều gì xảy ra rồi!)
“phao” của tôi bị xịt hết hơi. Tôi tha hồ húp nước vừa ngọt, vừa mát của sông
Ly và lóp ngóp đang chìm dần xuống. Nhưng thật may, ngay lúc đó có bạn Nữ Hiếu
và Minh Gương nữa thì phải, bơi rất giỏi, đã nhanh chóng đến bên cạnh đưa tôi
vào bờ. Chẳng những tôi, mà các bạn khác, và nhất là chị Quế, được một phen hoảng
hồn và cũng cười vỡ bụng. Về nhà, chị Quế bắt tôi viết bản kiểm điểm và phạt một
tuần không cho xuống nước. Suốt một tuần tôi lẽo đẽo theo “đoàn” ra sông, nhưng
không được xuống tắm. Sau, chị Quế khen tôi biết nghe lời. Chẳng hiểu giờ chị
còn nhớ “sự kiện” đó không.
(28.2.08, Wednesday
February 27, 2008 - 05:13pm (PST).
Lời bình của Chị
Quế:
Đọc hồi ký của
Hoàn, chị càng thông cảm với em và lý giải được nhận xét của chị lúc em còn
đang học là cô bé hiền lành nhưng có nghị lực. Kỷ niệm về dòng sông Ly và những
hôm cùng các em đi tắm thì vẫn in đậm trong tâm trí của chị. Lúc tắm sông, nhìn
các em thoải mái vùng vẫy, nô đùa chị cũng vui lắm. Lúc đó chị đâu đã biết bơi.
Thấy có mấy em biết bơi, chị phục lắm. Chị cũng nhờ đi tắm với các em mà bơi được
một đoạn. Nhưng từ hôm xảy ra việc Hoàn bị xẹp ''phao bơi”, chị lo lắm. Lúc đó
ý thức tự giác rất cao, chị báo cáo với bác Phương Hoa và bị phê bình, bác bảo
''tuổi này các cháu hiếu động lắm, em cần chú ý hơn''. Thế là từ đó, chị đứng tắm
ở phía đoạn dưới, chỗ gần cái cầu đá nhỏ ấy, cách chỗ các em một đoạn để nhìn
cho rõ. Có một bí mật mà chị không nói là có một lần nước chảy mạnh, chị vừa định
bơi thì nước đã đẩy chị đến sát cái cầu đá ấy, chị hoảng hốt nhung cũng kịp
nhoai vào cái mô đá ở chân cầu, tí nữa thì bị xuôi theo dòng nước. Từ đó đến giờ,
chị vẫn chưa bơi được!).
Tôi cũng như nhiều bạn, rất nhớ những buổi chiều
tối lớp 5B hay chơi trận giả. Bên nữ thì Nguyệt Nga đứng đầu, còn nam thì có lẽ
là Nguyên Hân. Nguyên Hân nổi tiếng là “ác ”, còn được mệnh danh là “phát
xít”. Tôi và nhiều bạn nữ trốn, bị phát hiện, không kịp chạy, bị bắt, bị vặn
tay, hoặc dùng thắt lưng da quật túi bụi không thương tiếc. Đau lắm mà chị em nữ
vẫn chịu đựng.
Một lần, có bạn nam trong lớp gọi đi tâm sự;
chúng tôi đi đi, lại lại ngay sân sau nhà nữ, chẳng nhớ nói những chuyện gì,
nhưng sau đó, tôi bị các bạn nữ chế mãi. Sau này, khoảng đầu những năm 70, tôi
gặp lại bạn ấy ở khu tập thể nhà tôi. Bạn ấy nói: ngày xưa tớ thích cậu. Bị bất
ngờ, tôi lúng túng chẳng biết nói gì. (Khi ấy còn trẻ nên không dám mạnh miệng
như các cụ bây giờ).
Trong lớp, tôi ngồi ở dãy bên trái, bàn đầu.
Bên phải tôi là Minh Kim, hay Thanh Mai nhỉ? Bên trái là Minh Ngọc, kế tiếp đến
Trần Lương, họa sĩ đã quá cố. Sau lưng tôi bàn thứ hai, là Thanh Hiền ngồi
ngoài, rồi đến bạn Hoàng Kỳ có vóc người nhỏ, hay vẽ người lính cầm súng và đội
mũ kiểu như phát xít Đức, cách một bạn đến Quang Trung ngồi ngoài cùng, sát cửa
sổ. Chiến Thắng, Bá Hoàng, Băng Ngạn ngồi bàn dưới cùng, gần cửa ra vào. Mấy bạn
này tôi chả bao giờ nói chuyện. Khi mới sang Liên Xô tôi đã vẽ một sơ đồ chỗ ngồi
của cả lớp để khỏi quên tên các bạn, nhưng rồi bỏ đâu mất, tôi tự trách mình
mãi. Bây giờ thì không thể nhớ lại được nữa. Song tôi vẫn nhớ tên và chỗ ngồi của
nhiều bạn như Mộng Ngọc, lớp trưởng đã quá cố, Đỗ Bảo, Nho Châu, Nguyên Hân, Phạm
Kiên, Kim Trâm, Ngọc Trâm, Nguyệt Nga, Nguyệt Ánh, Nữ Hiếu, Dục Tú…
Thật may mắn, khi tôi cùng một số ít bạn được
sang Liên Xô học tập, trong lúc phần lớn các bạn khác ở lại trường học tiếp. Một
niềm vui lớn tràn ngập tâm trí tôi cùng với nỗi lo âu, hồi hộp khi nghĩ về một
cuộc sống mới tươi đẹp đang chờ đón mình ở một nơi xa tít tận chân trời. Song,
phải xa lớp, xa các thầy cô, các bạn, tôi lại thấy rất buồn, nhớ và luyến tiếc.
Càng gần ngày chia tay tôi càng quyến luyến với bạn bè, với các thầy cô như chị
Quế, anh Lại, anh Quý, những người coi tôi như em, thay cha mẹ bảo ban, dạy dỗ.
Khi loa của trường thông báo danh sách những
người được đi Liên Xô học, tôi đang cùng với Yến Nga và Lệ Tiến đi bắt con cánh
cam chơi. Lúc về, nghe các bạn nói lại, tôi cứ tưởng mọi người đùa. Thương Lệ
Tiến vô cùng khi sau này một lần gặp Ngọc Trâm được biết tin bạn đã mất. Rất buồn
là tôi và Lệ Tiến chưa hề gặp lại nhau từ khi rời Quế Lâm. Yến Nga tôi cũng
chưa gặp lại. Bạn ấy nguyên là đội viên Thiếu nhi Tháng Tám được kết nạp từ
trong nước, giống như Lê Đắc Liêu, tôi rất ngưỡng mộ. Mãi tận 20.6.1954 tôi mới
được kết nạp vào Đội, cùng với Ngọc Trâm. Tôi nhớ trong buổi lễ kết nạp có bác
Phương Hoa trao khăn quàng đỏ và dặn dò các đội viên mới. Khi chia tay, tôi và
Ngọc Trâm đã đổi khăn quàng đỏ cho nhau làm kỷ niệm. Tôi giữ chiếc khăn thêu
hai chữ Ngọc Trâm đến tận đầu những năm 80 của thế kỷ trước mới tặng lại cho
con gái khi nó được kết nạp vào Đội. Tôi và Trâm còn đổi áo cho nhau nữa, chiếc
áo hoa ấy sang Liên Xô tôi còn mặc mãi. Hồi ở Nga, có lần Trâm gửi cho tôi ảnh
chụp cùng với Mẹ, lúc ấy bà rất trẻ đẹp. Các bạn tôi, cả Việt lẫn Nga, ai xem
cũng bảo là hai chị em.
Tôi không quên được hình ảnh Nguyệt Ánh, Nguyệt
Quý, hai chị em gầy gò yếu ớt hay dắt nhau đi ở sân trường, tôi rất cảm thông cảnh
mồ côi của hai bạn ấy. Nữ lớp mình có Kim Trâm vừa xinh vừa giỏi, được đi dự trại
hè quốc tế, bạn kể đã nấu món canh cà chua trứng khi thi nấu ăn; Nguyệt Nga
chơi bóng chuyền sáu rất giỏi. Thúy Kim thì nằm cùng giường hai tầng với tôi,
tôi tầng trên, bạn tầng dưới. Tôi sinh hoạt nhóm tâm giao cùng với Tuyết Minh
và Thanh Mai. Khi đoàn 70 sắp lên đường nhiều bạn nữ viết lưu niệm cho tôi lắm,
đầu tiên là Lệ Tiến rồi đến Yến Nga, … nhưng các bạn nam thì không ai viết. Các
bạn nữ lớp mình và nhiều chị lớp 5C, lớp 6A, các thầy cô viết lưu niệm rất cảm
động, chứa chan tình thương nhớ, lưu luyến, dặn dò khiến tôi cứ đọc là lại khóc
rưng rức, sưng cả mắt. Quyển sổ lưu bút ấy cho đến ngày hôm nay tôi còn giữ.
5. LẠI GẶP NHAU
Hà Nội nhỏ bé, chật chội, đi đâu cũng hay gặp
người quen. Hồi mới về nước công tác tôi hay gặp Chiến Thắng, Xuân Hoài, Trần
Lương, có lần gặp Minh Ngọc ở gần Viện Sử, gần nhà tôi, Thế Long, Hữu Hùng giữa
phố, có lần gặp Quang Trung ở trong trường ĐH TH, gặp Minh Kim trên đường về
quê Bắc Ninh, bạn dạy học ở đó, gặp Ngọc Trâm mấy lần. Khi đó là thời chiến, phải
lo bao nhiêu chuyện nên bạn bè không giữ được liên lạc và ít có điều kiện gặp
nhau, nhưng mỗi lần gặp đều rất mừng rỡ. Sau này, cách đây khoảng 20 năm, khi
còn công tác ở báo Tin Việt Nam tôi có gặp Băng Ngạn và kết quả là vang Thăng
Long của bạn đã được quảng cáo trên mấy tờ báo xuất bản bằng tiếng Nga, Anh,
Pháp của cơ quan tôi nhằm mục đích giới thiệu vang Thăng Long của Việt Nam cho
bạn đọc nước ngoài. Bạn Băng Ngạn đã thưởng cho cơ quan tôi rất hậu bằng cách
cho say lướt khướt bằng rượu vang của bạn ấy, mọi người liên hoan uống không hết
còn chia nhau đem về. Tôi thì được ông chủ vang khao một bữa thịnh soạn ở Tràng
Tiền, (đối với thời ấy là sang lắm đấy).
Hồi công tác ở Moskva tôi may mắn được gặp các
bạn Phạm Kiên, Mai Tâm, Xuân Phú, Trương Trác cùng công tác ở Đại sứ quán với
tôi. Nhờ đó mà có lần tôi được gặp các bạn Duy Khắc, Quang Trung, Cát Hồ, Hương
Mạch… ở nhà Mai Tâm. Có những bạn tôi đã gặp lại từ thời học đại học như Dục
Tú, Tạ Minh, Duy Khắc cùng học trường Lomonosov Moskva, còn Lệ Thủy, Bang Ngạn,
Nguyên Hân, Phạm Kiên, Tài Đức học ở trường khác nhưng hay đến trường tôi chơi.
Trước khi sang Moskva công tác tôi có học một khóa chính trị Mác-Lênin của trường
Nguyễn Ái Quốc cùng với Dục Tú, Mai Tâm, Xuân Phú, lúc đó mấy đứa khá thân với
nhau. Khi hết hạn công tác ở Đại sứ quán VN tại Tashkent Uzbekistan về nước,
con gái tôi cho biết bạn Đỗ Bảo đã giúp đỡ cháu rất nhiều khi cháu học môn “Mỹ
thuật” của bạn ở khoa Văn ĐHTH HN, tôi rất cảm động và biết ơn bạn. Thế mới biết,
bạn bè Quế Lâm có khác, ở đâu cũng đều thân thiết, quý mến, giúp đỡ nhau hết
lòng.
6. TỪ QUẾ LÂM ĐẾN INTERNAT MOSKVA
Rời Quế Lâm đi cùng đoàn 70 sang Liên Xô từ khối
lớp 5 có 20 bạn trong đó chỉ có 3 nữ là Thanh Hiền, Tú Uyên và tôi (5B). Nam 5B
có 5 bạn: Hồ Anh Dũng, Trần Xuân Hoành, Phan Trúc Long (đã mất), Phạm phu, Lô
Quang Phú. Từ 5A có 8 bạn nam: Cao Việt Bách, Ngô Quốc Bưu, Hoàng Kim Chung (đã
mất), Nguyễn Quang Huỳnh (đã mất), Hồ Uy Liêm, Lê Đắc Liêu (đã mất), Lưu Văn Lượng,
Nguyễn Duy Thắng. Từ 5C có 4 bạn là Ngô Duy Cường, Lê Đông Hải, Phạm Khoản, Trần
Phú thuyết. Tất cả chúng tôi cùng với 7 bạn từ Khu học xá Nam Ninh (Nguyễn Văn
Chương, Hoàng Đức Du - con chũ Lã, Đỗ Dũng, Nguyễn Bích Hà - chị Nữ Hiếu, Trần
Nguyệt Hồng, Hoàng Hữu Nhiếp, Đặng Hồng Phương) được xếp vào lớp 4 để học tiếng
Nga, sang năm sau vào lớp 5 cùng học với các bạn Nga ở trường Phổ thông Trung học
gần nhà. Chúng tôi được sống cùng nhau trong một ngôi biệt thự 2 tầng sang trọng
nguyên là của một vị lãnh đạo cấp cao trong Chính phủ Liên Xô, nữ ở tầng trên,
nam ở tầng dưới, xen lẫn với các phòng học, hội trường. Tầng hầm là nhà bếp,
nhà ăn, nhà tắm, thư viện và phòng thủ công. Có sân chơi và khu vườn khá rộng.
Chúng tôi sống bên nhau cho đến khi học hết phổ thông trung học. Hàng ngày sáng
thì đến trường, chiều thì tự học, học ngoại khóa, vui chơi giải trí cùng nhau
như một gia đình lớn. Suốt trong những năm học phổ thông chúng tôi không được
phát tiền. Một hai tháng được viết 1 lá thư về nhà đưa các chị phụ trách gửi hộ.
Ăn, mặc, học, chơi, nghỉ hè, tham quan… đều đã có nhà trường cùng các cô phụ
trách người Nga lo cho. Việt Nam chỉ có 3 cán bộ phụ trách kiêm dạy thêm tiếng
Việt. Chúng tôi sống với nhau như anh em
một nhà. Thương nhau, yêu nhau, ghét nhau, lấy nhau, bỏ nhau đều có cả. Vào đại
học hầu hết chúng tôi học Đại học Tổng hợp Lomonosov Moskva các ngành toán, lý,
hóa, sinh, ngôn ngữ cho nên vẫn thường xuyên gặp nhau. Khi về nước công tác
đúng lúc thời chiến mỗi người một nơi. Ở bất cứ nơi nào chúng tôi đều cống hiến
hết mình. Nhiều bạn (2/3) sau này được đi học nghiên cứu sinh và bảo vệ luận án
Tiến sĩ, Tiến sĩ Khoa học, trở thành các nhà khoa học, nhà giáo có uy tín, Giáo
sư, Phó Giáo sư, hai bạn là nhạc sĩ – một là NSND Cao Việt Bách, hai là NSƯT Đỗ
Dũng, hai người là Đại tá quân đội, có bạn làm Viện trưởng, có bạn làm quản lý
cấp Thứ trưởng, Bộ trưởng. Còn tôi là một phó thường dân có trách nhiệm. Sau
chiến tranh thỉnh thoảng có dịp chúng tôi lại tụ tập gặp nhau ôn lại tuổi thơ.
Càng về sau này các cuộc gặp gỡ càng được tổ chức đều đặn thường xuyên hơn.
Đó là vài nét sơ qua về bản thân và một số bạn
bè xuất thân từ lớp 5 Lư Sơn - Quế Lâm - Khu học xá Nam Ninh.
Tóm lại ở đâu chúng ta, những cựu học sinh Quế
Lâm hay Internat cũng đều là những công dân tốt, có trách nhiệm, cống hiến hết
mình cho đất nước và luôn là những người bạn tận tình thân thiết của nhau.
Hà Nội, 26.02.2008
Lê Tiến Hoàn
--------------------------------
COMMENTS
THANH MAI, Wednesday
February 27, 2008 - 11:20am (ICT)
Sao Tiến
Hoàn nhớ tỉ mỉ nhiều thứ thế? Qua bài của bạn mình mới hiểu được tuổi thơ của bạn
nhiều đau thương và quá vất vả, phải tự lập trong cuộc sống. Điều đó mình thật
không tưởng tượng nổi!
Hồi đó Thanh Mai ngồi cạnh Tiến Hoàn chứ không
phải Minh Kim đâu, vì mình nhớ là Minh Ngọc, Hoàn, Mai đã từng thi làm bài tập
toán xem ai làm nhanh hơn, nhưng không nhớ ai nhanh nhất.
.........
Dang Nguyet Anh, Wednesday
February 27, 2008 - 12:35pm (ICT)
Đọc hồi ký của Tiến Hoàn mình đã phải khóc rất
nhiều – Cứ nhòe nhẹt nước mắt nhưng mà đã đọc một mạch từ đầu đến cuối mặc dù rất
dài.
Mình thương tuổi thơ của Hoàn đã phải chịu quá
nhiều khổ cực. Trước đây mình cứ nghĩ, khổ nhất là nỗi khổ mất mát người thân.
Nào ngờ Hoàn không chỉ mất người thân mà còn phải một mình kiếm sống và tự lo lắng
cho mình khi mà mới chỉ là một cô bé con.
Mình phục Hoàn vì Hoàn nhớ nhiều về nhưng kỷ
niệm tuổi thơ khi chúng mình sống bên nhau ở Quế Lâm. Hoàn là người sống sâu sắc
và rất tình cảm nên Hoàn mới nhớ nhiều như vậy.
Cuộc đời thật công bằng, bố mẹ thật linh
thiêng đã bù đắp và nâng đỡ Hoàn. Và với sự phấn đấu của mình Hoàn đã trưởng
thành và thành đạt. Hoàn có thể tự hào về mình và yên tâm, thanh thản để sống
những ngày vui vẻ và hạnh phúc bên con cháu. Mong rằng Hoàn luôn yêu mến và
dành nhiều thời gian và tình cảm cho bạn bè Hoàn nhé.
..........
Nguyen Ngoc Tram, Wednesday February 27, 2008 - 05:45pm
Đọc Entry của Tiến Hoàn tôi rất xúc động,
thương bạn quá. Từ hồi ở Lư Sơn - Quế Lâm tôi đã rất quý Tiến Hoàn, rất nhớ là
Hoàn đã mất cha mẹ từ nhỏ. Thế nhưng chỉ lần này tôi mới hình dung được cảnh bơ
vơ, không nơi nương tựa của Hoàn; lúc phải một mình nghèo khó tự kiếm sống, khi
phải trải qua nỗi sợ hãi trong vùng địch chiếm… trong tuổi thơ của Tiến Hoàn.
Nhưng nếu coi vất vả tuổi thơ là đặc điểm thứ nhất, thì sống trong tình bạn là
đặc điểm thứ hai của Tiến Hoàn. Hoàn có nhiều bạn, đi đâu cũng gặp bạn, và biết
quý trọng tình bạn. Tôi và Tiến Hoàn trao đổi thư từ suốt những năm học phổ
thông, rồi đại học. Chỉ có những ngày Kháng chiến chống Mỹ, những vất vả trong
cuộc sống, công việc, gia đình… khiến chúng ta ít liên hệ với nhau mà thôi. Vậy
mà một lần hai đứa gặp nhau trên đường đi sơ tán, vừa dừng xe đạp nói với nhau
được hai ba câu thì Hoàn òa lên khóc: con đầu của Hoàn vừa mới mất! Nỗi đau lớn
quá, thương bạn vô cùng! Rồi Hoàn cũng chịu đựng được, và rất may là những điều
tốt lành dần đến với bạn. Hai cháu sau của Hoàn đều đã trưởng thành, khỏe mạnh
xinh đẹp, có gia đình và nghề nghiệp tốt. Hoàn đang có cuộc sống hạnh phúc thoải
mái bên con cháu, với bạn bè. Mãi mãi khỏe vui, trẻ trung yêu đời và làm nòng cốt
trong Blog lớp ta nhé!
* * * * *
----------------------------------------------------
Hình ảnh sẽ không sử dụng in vào sách