CHUẨN BỊ HÀNH TRANG VÀO ĐỜI
( Tên cũ : Quá trình phấn đấu và trưởng thành )
Đỗ Long
Lớp Sinh viên VN tốt nghiệp đầu tiên tại Khoa Nga ngữ Học viện Ngoại ngữ (Bắc Kinh 1/7/1959) |
Tác giả Đỗ Long |
Sau 2 năm học chúng tôi đã nắm được những kiến thức cơ bản của tiếng Nga hiện đại. Hầu hết anh chị em chúng tôi đều hoàn thành xuất sắc toàn bộ chương trình học tập bắt buộc và không một ai bị trách cứ về ý thức tổ chức kỷ luật. Sau khi Bác Hồ đi Liên Xô trở về, Nguời đã nghỉ tại Bắc Kinh vài ngày. Đại sứ quán đã bố trí cho chúng tôi được gặp riêng Bác. Đồng chí đại sứ cũng đề nghị cho chúng tôi được đi Nga để học một số chuyên ngành khác. Sau mấy phút suy nghĩ, Bác đã không nhất trí với đề nghị nêu trên với lý do nhà nước ta rất cần người biết tiếng Nga giỏi để phục vụ công tác đối ngoại và các công việc khác. Chúng tôi chấp hành nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Bác và tiếp tục say sưa học tập.
Những người trực tiếp giảng dạy tiếng Nga cho chúng tôi là các giáo sư, tiến sỹ và một số phu nhân của các chuyên gia Liên Xô khi đó đang công tác ở một số lĩnh vực khác. Ngoài ra, việc học tiếng Nga như nghe, nói, đọc, viết, dịch, anh chị em chúng tôi đều đạt những thành tích khả quan. Việc học các môn khác như “triết học”, “chính trị kinh tế học”, “Lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc”… chúng tôi đều đạt diểm khá giỏi vì các thầy cô đã nhiều năm có kinh nghiệm giảng dạy các môn này. Tuy nhiên, cũng gặp khó khăn khác như phải tốn thời gian gấp đôi cho việc dịch thuật từ tiếng Trung sang tiếng Việt, sách vở bằng tiếng mẹ đẻ lại không có. May thay, anh Đặng Bảo Cường – một Hoa kiều rất giỏi tiếng Việt luôn sống cạnh chúng tôi - thường giúp giải thích rõ hơn những điều khó hiểu mà thầy cô giảng trên lớp.
Được học văn học Nga, văn học Xô Viết vả Ngôn ngữ học – với chúng tôi – là một điều lý thú. Các tác giả, tác phẩm kinh điển của văn học Nga, văn học Xô Viết đều được thầy Grigoravich Xecgây Caplencô phân tích giảng giải kỹ lưỡng và thấu đáo. Những đỉnh cao của thơ Nga như Pushkin, Êxênhin, Maiacôvxki, Ximônôv… đều được thầy lý giải rõ ràng và dễ hiểu. Chẳng hạn, tác phẩm thiên tài của Mácxim Gorki viết về “Bài ca Chim báo bão” được thầy đã nhiều lần đọc thuộc lòng đến mức chúng tôi cũng thuộc. M. Gorki đã dùng phụ âm “R” tựa như tiếng sấm để nói lên xã hội Nga lúc đó đang rung chuyển trong các đêm hôm trước khi nổ ra cuộc Cách mạng Tháng Mười! Thầy Caplencô – một Viện Sỹ thông tấn để lại trong chúng tôi nhiều ấn tượng sâu sắc không thể nào quên.
Các thầy cô giáo Trung Quốc cũng quan tâm chăm sóc chúng tôi, thuờng xuyên lo lắng cho sinh hoạt của từng người. Vừa đến Bắc Kinh vào đầu tháng 9 thì ngày 1 tháng 10 nhân dịp Quốc khánh của nuớc bạn, tất cả chúng tôi đều được nhận giấy mời đứng trên lễ đài phía trái Thiên An Môn để xem duyệt binh và diễu hành. Khẩu phần ăn của chúng tôi bao giờ cũng được cung cấp đầy đủ, kể cả những khi Trung Quốc gặp khó khăn về luơng thực, thực phẩm. Vị Hiệu trưởng Dương Tích Trù, bà Tế Bình- Bí thư Đảng ủy, bà Triệu Huy – chủ nhiệm khoa tiếng Nga luôn đến hỏi thăm tình hình sức khỏe, học tập, tu dưỡng, sách báo, văn nghệ, giải trí, thể dục thể thao… của anh chị em chúng tôi.
Một sự quan tâm chăm sóc từ phía bạn đối với chúng tôi còn đậm nét cho đến bây giờ là sau khi nhận được lời đề nghị của Đại sứ quán ta, Học viện Nga ngữ và Đại học Bắc Kinh đã đáp ứng ngay nguyện vọng chính đáng của chúng tôi. Đó là, để bù đắp những thiếu hụt về tri thức khoa học xã hội, hai nhà trường đã đồng ý cử thầy Nguyễn Văn Tu – chuyên gia Đông Phương học sang dạy về văn sử địa trong 2 năm đầu. Nhờ vậy, chúng tôi đã ít gặp khó khăn trong những công tác sau này.
Đại sứ quán ta mà đaị diện là anh Phạm Bình – công sứ, anh Trần Cao Thành – bí thư thứ nhất, anh Lê Bá Cáp - bí thư thứ hai, thường xuyên chăm sóc, thăm hỏi chúng tôi. Các anh bố trí cho chúng tôi được gặp Bác, gặp đồng chí Trường Chinh, gặp đồng chí Lê Duẩn. Đây là những kỷ niệm đã đọng laị trong lòng mỗi nguời những ấn tượng, những suy nghĩ sâu sắc.
Những tình cảm chân tình của các anh chị y tá, của cụ già 4 năm dòng nấu nướng cho chúng tôi ăn, khi chia tay lấy áo choàng trắng lau nước mắt… mãi vẫn còn là những ấn tượng đẹp kể cả khi chúng tôi không còn hồn nhiên như lúc trên vai còn mang một góc cờ của Tổ Quốc! Chắc hẳn không bao giờ phai mờ trong tâm trí chúng tôi hình ảnh về chuyến du lịch Đại Liên, Thanh Đảo trong 2 kỳ nghỉ hè năm 1956, 1957 mà Học Viện Nga ngữ đã sắp xếp cho sinh viên chúng tôi trong khi kinh phí của trường còn rất hạn hẹp!
Chúng ta cũng không thể quên những cuộc vận động xã hội, trong đời sống chính trị của nước bạn: “chống phái hữu”, “công xã nhân dân”, “toàn dân làm gang thép”, “mèo trắng mèo đen… đều tốt cả, miễn là bắt được chuột”… Chính chúng tôi đã từng gõ chiêng, gõ trống, từng lấy vung nồi, gậy gộc đuổi chim sẻ trong chiến dịch “Diệt tứ hại”. Cũng chính chúng tôi đa từng thấy những hàng cây khẳng khiu, trụi lá đến chết, khi không còn lũ chim sẻ diệt loài sâu bọ đang nhăm nhe nuốt hết màu xanh của đất trời. Tả khuynh hay hữu khuynh đây? Bảo thủ hay giáo điều đây?
Mặc dù vậy, chúng ta không thể quên ơn nhân dân Trung Quốc vĩ đại và những người con ưu tú của họ. Ta đã lớn và trưởng thành, đã hiểu thế nào là quy luật va khi đã là quy luật thì nó tồn tại một cách phổ biến, khách quan, không phụ thuộc vào ý chí của con người. Chẳng lẽ phép biện chứng duy vật – cả trong tự nhiên, trong xã hội và trong tư duy con người – chúng ta đã có thể quên ư?
Nhìn lại bước đường ta đã đi qua, chúng ta có quyền tự hào về những cống hiến của mình cho cộng đồng, cho xã hội. Với tất cả sự khiêm tốn của mình, chúng ta có quyền nói rằng công việc dù to hay nhỏ ta đều cố gắng hoàn thành tốt những nhiệm vụ được giao phó. Ở đây, tôi muốn nhắc đến những nhân vật ưu tú: Đoàn Đức đảm nhận đại sứ ở mấy nước, Đoàn Bông – Phó chủ tich phòng thương mại công nghiệp Việt Nam. Đinh Đặng, Đăng Khánh, Đắc Dũng, Ngọc Bích, Thúy Bình, Phạm Kiên, Trọng Hiền, Thu Loan, Kim Oanh, Minh Ngọc, Công Minh, Đỗ Long, Hoàng Diệu, Quyết Tâm và nhiều bạn nữa… đều là những cán bộ chủ chốt, cốt cán, đứng đầu các cơ quan, các đơn vị được phân công phụ trách.
Đỗ Long
----------------------------------------------------
------------------------
Một vài hình ảnh sinh hoạt Đoàn Nga Ngữ
(Tư liệu của Đặng Giang gửi từ Phú Thọ- Xin cảm ơn)
---------------------------
Rất hoan nghênh các anh chị Nga Ngữ BK đã nhiệt tình và cẩn trọng trong việc tham gia viết Hồi ký in sách " Ngược dòng ký ức". Được biết, các anh chị đã họp lại rồi phân công GSTS Đỗ Long chấp bút viết bài này. Sau khi có bản thảo đầu tiên, các anh chị đã nhóm họp đọc lại và góp ý kiến để TS Đỗ Long chỉnh sửa. Và đây là bản tác giả vừa gửi cho tôi chiều 7/3 . GSTS Đỗ Long còn rất khiêm tồn cho tôi được toàn quyền xử lý ( cắt bớt v.v...) nếu cần . Tuy nhiên bài viết đã rất hoàn chỉnh : vừa ghi lại được kỷ niệm một thời chuẩn bị hành trang vào đời " vì nhân dân phục vụ", vừa có ý nghĩa rộng lớn hơn. Tôi tin chắc người đọc sẽ suy nghĩ và chia sẻ với các anh chị . Một lần nữa thay mặt nhóm BT cảm ơn các anh chị Nga Ngữ BK, đặc biệt anh Đỗ Long, bạn thân thiết của tất cả chúng ta ! . ( Quang Trung )
Tên bài viết tác giả tạm đặt. Mõ cũng tạm đưa ra 1 phương án (Chuẩn bị hành trang vào đời ). Nếu cụ nào nghĩ ra được tên hay hơn, tác giả rất hoan nghênh và có " hậu tạ " ( Hihihihi)
Trả lờiXóa