Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2022

LƯỢM LẶT CHUYỆN QUÊ ( Đã đăng trên Blog )

 

LƯỢM LẶT CHUYỆN QUÊ (Số 1)

 

Thực ra cái làng trung du này không phải quê tôi. Ở đây tôi có 1 người chú - Người đã chở tôi trên chiếc xe đạp Sterling  đưa tôi lên bản Búc bản Vệ để tập trung chờ đi Trung Quốc. Vùng này đất khô cằn. Địa hình lổn nhổn. Những mô đất gọi là đồi thì quá nhỏ, gọi là gò thì lại quá to !  Toàn trồng sắn với khoai , mà sắn cũng là loại sắn "cao sản" chỉ dùng làm thức ăn gia súc . Có trồng lúa, nhưng chỉ ở những thung lũng, mà cũng manh múm lắm ! Những năm trước tôi về đây thấy làng nghèo xơ xác. Hỏi sao cạnh sông Cầu mà không có cá ăn, bà con nói : Nhà máy giấy Hoàng văn Thụ, Khu Gang thép Thái Nguyên bơm thẳng nước thải xuống sông làm nước ô nhiễm nặng, người còn không dám ăn nước sông Cầu nói chi đến cá ! Tìm hiểu thêm thì cũng không chỉ có vậy. Làm bức tử con sông Như Nguyệt này còn có cả bọn "sỏi tặc" ( Khai thác bừa bãi sỏi cát cho xây dựng) và bọn đánh trộm cá bằng sung điện nữa ! Lùi  lại vài chục năm trước, tôi về chơi, ra sông tắm , bầy cá mương từng đàn lượn quanh người tìm ...mụn ghẻ để đớp ! Đoạn sông ở đây có món đặc sản là cá và trứng cá cháy rất tuyệt ( Tuyệt đến nỗi nay tuyệt chủng luôn!). Mùa hè, nước cạn có thể lội ra giữa sông bắt cơ man nào là trai, hến ẩn dưới lớp cát mịn . Bây giờ thì hết cả rồi . Nhưng cũng may, cậu em tôi trúng thầu 1 cái đầm cả chục ha, giá rất hời ( 12 triệu/10 năm), nó thả cá mè cá trắm, cá rô phi ...chẳng có kỹ thuật gì cả, thức ăn cho cá thì có đàn heo, đàn vịt cung cấp chất thải ...Thế mà lãi ! 1 năm 2 lần thu hoạch còn thì quanh năm gia đình họ mạc, hàng xóm láng giềng  không phải mua cá ngoài chợ ! Cái đầm rất đẹp, nước trong veo, nghe nói nước từ tận Hồ Núi Cốc đổ về. 1 phía giáp với con đê, chiều chiều trẻ con người lớn chơi thả diều ( khi có gió) , diều to bằng cái chiếu đơn, có gắn sáo, vi vu suốt cả đêm . Lại thêm đàn trâu cả chục con chiều về là ào xuống tắm . Chưa hết , vài ba cô thôn nữ  xuống đầm rửa cỏ hoặc rau khoai lang in hình lên ánh chiều trung du dần tắt ...đẹp đến nao lòng ...Tôi lần nào về đây cũng ra đầm câu cá. Ngồi 1 tiếng có thể được vài chục con rô phi to bằng bàn tay.Cá nhỏ hoặc nhiều quá thì thả lại đầm. Thỉnh thoảng giật được con mè, con trắm  1,2 ký là chuyện thường ! Có lần tôi giật được con cá to bằng cổ tay, đỏ hồng như cá cảnh. Chợt nhớ câu chuyện Ông lão đánh cá vớ được con cá là hoàng tử con vua Thuỷ tề , bụng bảo dạ có khi con cá này là con vua Thuỷ tề thật cũng nên ! Bèn thả con cá xuống đầm mà nuôi hy vọng nhận được 1 lời ước  ....



Làng quê trung du bây giờ khá hơn nhiều rồi. Tôi đi máy bay, xuống Nội Bài lúc 11g đêm, chú em rể ở HN về làng từ trước đánh xe ô tô ra đón rồi đưa thẳng về cái làng Trung du thuộc huyện Phổ Yên này ! 50 km đi đêm vèo vèo vì đường vắng người. Xe đi trên con đê đã đổ bê tông lên mặt đường. Vào làng, xe chạy qua hàng chục khúc cua tay áo. Nhiều đoạn chỉ lọt đúng 1 thân xe. Đường làng cũng lát bê tông và tuyệt nhiên không thấy đâu có cái bờ rào bờ rậu như ngày xưa nữa. Tất cả đều xây gạch kín đáo và sạch sẽ nhưng lại khô cứng thế nào ...Giá đâu đó còn hàng rào dâm bụt với  cái cổng bằng tre chống hờ như mời gọi thì hay biết bao ! Làng đã có điện thắp sáng và để chạy máy bơm, thế nhưng  chỉ khoảng 8,9 giờ tối là lại chìm vào bóng đêm như trăm năm trước vậy ! Những ngày về đây tôi ngủ với thằng cháu đang học lớp 11 nhưng đã bỏ ngang xương ! Hỏi ra mới biết làng bây giờ có thêm nghề mộc mỹ nghệ . Cứ hoàn thành chạm trổ 2 "vai" của 1 cái giường đôi là được trả công 300 ngàn đồng . Gỗ làm giường là gỗ cây keo lá tràm, tương đối mềm. Thằng cháu tôi sáng dạ, chỉ học mót nghề này mà cũng làm 4 ngày được 1 chiếc . Vì dễ kiếm tiền nên khối đứa bạn nó bỏ học ở nhà làm mộc ! Hàng làm ra là hàng sơ chế, chủ hàng mãi tận Nam Định gia công ở đây. Nghe nói người ta mang vào tận Sài Gòn mới "tút" lại nghiêm chỉnh để bán cho  khách . Ngày trước về làng sợ nhất ...chó cắn , nhất là vào ban đêm khi cần phải đi lại.Tiếng chó sủa trong đêm cũng là âm thanh điển hình của đời sống nông thôn Việt Nam thời quá vãng. Nay thì tịnh không thấy , lại đâm ra ...buồn. Hỏi vì sao ? Thì ra Làng bây giờ người xe  qua lại rầm rập lại thêm từ sáng đến tối tiếng máy cưa máy sẻ, máy đánh bóng gỗ chạy rào rào, tiếng chó sủa đâm ra ...mất tác dụng !   Thằng cháu tôi bị bố nó chê là học dốt, nhưng bù  lại nó rất khéo tay và có tài vặt. Thí dụ nó nuôi gà không rù., dậy chó rất khôn, dậy Iểng biết nói tiếng người  v.v...  Mẹ nó khen nó đã làm ra tiền và được đồng nào cũng đưa ngay cho mẹ cất  . Hỏi làm gì ra tiền thì nó kể khoét sáo diều và bắt chim, cò để bán ! Một  bộ sáo diều 20 ngàn, 1 con cò nó bắt được ngoài đồng thuần dưỡng ít ngày , bán cũng 20 ngàn . Bán  cho người xóm trong thả nuôi bên bờ ao ! Lại hỏi đùa : cháu muốn lấy vợ chưa ? Nó cười khinh khích trả lời : chưa, nhưng mới có con bạn gái cực thân, cùng lớp vừa lấy chồng ! Thì ra ở đây con gái 19 đôi mươi chưa chồng đã coi là ...ế ! Ra đồng gặp mấy cô đang nhổ sắn hỏi bao nhiêu tuổi, nói 20,21 , vậy đã có 1 , 2 con là chuyện thường ở làng ! Tôi có thằng em họ bộ đội phục viên, năm nay ngót 50, đã có vợ và 1 con gái 22 tuổi đang sống trong Nam. Cách đây 3 năm nó "cưới chui" cô vợ lẽ với cái lý là “ cần kiếm 1 thằng cu nối dõi tông đường” ! 3 năm sau nó vượt chỉ tiêu thêm 1 gái, đủ nếp đủ tẻ. Chuyện này chẳng có gì ghê gớm ở quê, điều đặc biệt là cả 2 cô vợ ( cách  nhau hơn chục tuổi) lại rất quý mến nhau. Hàng ngày cô vợ nhỏ lo chuyện đồng áng, 2 con đều do vợ cả ở nhà chăm bẵm. Cả 2 đứa đều coi như chúng có 2 người mẹ. Cô vợ lẽ chăm chỉ, ngoan ngoãn. Cô vợ cả biết điều giữ trong ấm ngoài êm, xóm làng khen cả 2 cô đều biết điều sống hòa thuận ! Đêm nào thằng em tôi cũng ra Trại trông cá, ở nhà 2 bà vợ ngủ chung 1 giường với 2 con nhỏ, chuyện rủ rỉ rù rì như 2 chị em ! Cánh chúng tôi người tỉnh về quê, biết chuyện cứ tranh nhau hỏi kinh nghiệm " Phi công già lái máy bay phản lực ", chú em tôi cười bẽn lẽn :" Nó là cái duyên cái số cả, các bác ạ! ". Chẳng ai chê trách nó, trái lại còn mừng vì từ nay gia đình chú thím tôi đã yên tâm vì có thằng cháu đích tôn chống gậy ! Tôi đùa: anh sẽ giới thiệu với Tạ Bích Loan đưa chú mày lên "Chương trình Người xây tổ ấm " !
Thằng cháu tôi là 1 kho chuyện ở làng, chuyện gì nó cũng biết nhưng có vẻ nó rành nhất là chuyện ...ma ! Nó dẫn tôi đến từng gốc cây kể vanh vách có ma gì, nó mặc áo gì, nam hay nữ, già hay trẻ. Ngay cuối sân nhà chú tôi có cây sung già, nó bảo chính nó một hôm mưa to đã nhìn thấy con ma Tầu nhẩy chồm chồm trên ngọn cây, sét đánh vào nó, nó bay sang cây muỗm nhà bên cạnh, sét lại đánh tiếp, nó bay sang cây đa ngoài đình làng ! Nó còn kể , ngày xưa (?) có 1 ông ban đêm đi làm đồng về , dưới ánh trăng  nhìn thấy 1 "ông trăn" trắng, thân to bằng cái bát ôtô trườn qua đê, về nhà vật ra ...chết liền ! Tôi trêu nó " Mày phịa!".Nó quả quyết : bây giờ thỉnh thoảng vẫn có người còn nhìn thấy "ông bạch xà" . Con đê thằng cháu tôi nói chính là con đường độc đạo dẫn ra trang trại chú em tôi, bên cạnh cái đầm tôi thường ra câu cá. Có lần câu đêm, tôi về qua khúc đê này,  trong bụng cũng thấy trờn trợn  ...( Còn tiếp)
-----------
Ảnh đầu bài : Từ trang trại nhìn vào làng, qua đầm cá và con đê sông Cầu .
Ảnh 2 : Sông Cầu mùa Thu

1 nhận xét: