Thứ Tư, 3 tháng 8, 2022

CHUYỆN LẤY LÒNG MẬU DỊCH VIÊN THỜI BAO CẤP (Theo facebook Calathau 25/7/2014)

Nghe nói 1 đoạn phố Cửa Đông-Đường Thành (chân cầu cạn đường sắt gần ga xe lửa Đầu Cầu ) các họa sĩ đã vẽ 3D phối cảnh HN cũ rất ấn tượng, nay nhìn thấy cụ Phó Mõ 3B đưa lên trang chủ fb thì trong lòng chợt nao nao, con tim đập loạn nhịp . Đường Thành có căn nhà sàn gỗ cũ kỹ ngày xưa mình vài lần đến chơi với Trịnh Thế Phương (con nhà văn Trịnh Xuân An). Nhớ nhát lần cuối cùng gặp nhau trước khi Phương đi B (Vào vùng giải phóng Nam Bộ dậy học rồi hy sinh ở Tây Ninh). Phía đầu Phùng Hưng thì nhà bác Trí Uẩn, bố bạn Chiến Thắng, hồi TQ mới về mình củng hay đến chơi. Sau này ...nhớ thêm quán bia hơi (Mậu dịch) khá nổi tiếng khúc ngã ba Phùng Hưng/Đường Thành (nay không còn) . Và còn nhiều kỷ niệm ở khúc quanh tôi tối rẽ sang Hàng Lược mỗi mùa Thu khi gió heo may mang cả cái lạnh từ đê sông Hồng thổi về ...Nhưng thôi. Hãy nói về bức tranh tường có hình Bách hóa Tồng Hợp Tràng Tiền, bởi nó gợi lại cho mình 1 thời sống nhờ tem phiếu mậu dịch, dở khóc dở cười mà bây giờ kể lại cho con cháu nghe, chúng toàn bảo mình phịa ! Thì thôi, ta kể cho nhau nghe vậy !
Đầu tiên là trưởng Mõ Calathau và Phó Mõ 3B Tràn Trung Hải "đối thơ".
Thế này:
1/ Calathau
Bao giờ cho đến ngày xưa
Ăn phở Cầu Gỗ, kem dừa Long Vân
Lượn sang Bách hoá dừng chân
Tán em mậu dịch diện quần phíp đen !
Cái ngày xưa ấy... Cụ ơi
Gặp "Cô Mậu dịch" như người gặp...." TIÊN" !.
Khi nào thèm ...thịt, hết...tiền
có " Em MD" xong liền ... Cụ ơi !
----------------------------
Bây giờ mới là CHUYỆN THẬT không phịa !
Hồi bao cấp (thập niên 60-70 ( TK trước) Khu Tập thể Kim Liên (Khu Đống Đa - Hà Nội ) nổi tiếng có 1 Cửa hàng Bách hóa Tổng hợp 2 tầng xây theo mô hình "Nước bạn Triều Tiên"- (Nghe nói thế). Tầng 2 là Nhà ăn TT. Tầng 1 là bán " bách hóa". Ngay bên cạnh là quầy thực phẩm bán theo tem phiếu. Năm ấy ( thời bao cấp tem phiếu), tôi thường trú PT-TH ở Phnompenh (CPC), mỗi lần về HN luôn được vợ ra lệnh mua vài lố ..."Xích lip " ( phụ kiện chuyên dụng của chị em , hàng Thái rẻ tiền ) để "làm quà ngoại giao" với các cô mậu dịch viên cửa hàng lương thực, thực phẩm . Việc này xem ra rất hiệu quả, đến nỗi nhà mình coi như "có tiêu chuẩn Tôn Đản/Nhà Thờ" ! Một lần về HN, mình lang thang ra Mậu dịch Kim Liên, tạt qua quầy thực phẩm, bất ngờ thấy có tiếng gọi tên , nhìn lại thì ra cô mậu dịch viên (hình như tên Nga, có cô em tên Nguyệt hs trường nghệ thuật HN, cụ Đỗ Bảo biết em này). Cô vẫy tay lại thì thầm như buôn bạc giả, rằng, anh về nói với chị chiều nay ra sớm em để dành cho con vịt ! Quả nhiên chiều vợ ra mua được con vịt cỏ, nghe nói của HTX chăn nuôi mãi Thường Tín gì đó. Hàng về quá it nên không thể chia đều, nhà nào biết thông tin kịp đến, còn thì mua, hết thì ...nhịn. Dân quanh vùng biết tỏng các cô mậu dịch viên đều "có mối ruột" của mình, nhưng cũng chịu vì không có bằng chứng "đi đêm với nhau" mà ý cò ý kiến . Như gia đình tôi, để có con vịt cỏ gầy nhom phải giấu nó vào cái bị cói phủ mớ rau muống lên trên. Lo nhất gặp chỗ đông người cu cậu quàng quạc lên là lộ vở ! Khi giết thịt, lông vịt phải dùng giấy báo gói kỹ rồi tìm đống rác thật xa nhà để phi tang ! (chưa có thùng rác công cộng như bây giờ) v.v...Cái gì khó khăn mà có được thành ra " của quý hiếm". Cái ăn, cái mặc, hàng xóm không có, mình có, bị dán ngay mác TTS xa rời quần chúng . Còn lâu mới được vào Đảng! Thỉnh thoảng , vài tháng 1 lần tự nhiên cả khu tập thể nhốn nháo, vui gần như Tết : Thì ra nhà nào nhà nấy ăn toàn 1 thứ giống nhau, Thí dụ cá trắm cỏ ( đích thị của HTX đánh cá Hồ Tây), hoặc vịt cỏ (HTX chăn nuôi mãi đâu Hà Tây, Cổ Nhuế ) chở từ ngoại thành về thủ đô và do mậu dịch phân phối...Có điều kiện đi nước ngoài, dùng chút "quà" kết thân với các cô mậu dịch là đẳng cấp lên đời ! Tối ấy cả nhà tôi đóng cửa phòng lại để thưởng thức món thịt vịt nấu măng. Thằng lớn nhà tôi (10 tuổi) khen món canh vịt nấu măng ngon hết xẩy. Mẹ cháu bẩu, ngon nhờ cái "xích líp" của bố mày đấy . Tôi phì cười, xuýt hóc cái xương vịt cỏ !
--------------------------------
( Ảnh minh họa chụp 3 cụ H.Hùng,Thiếu Hiệu, Xuân Diễn trước bức bích họa 3D trên tường đá cầu đường sắt chạy qua Phùng Hưng- Ảnh cụ Trung Hải cung cấp)
Có thể là hình ảnh về 4 người
Nong San Phu, Phạm Thanh Hương và 8 người khác
2 bình luận
Thích
Bình luận

1 nhận xét: