Thứ Ba, 27 tháng 2, 2024
MỒNG 5 TẾT GIÁP THÌN CÙNG VỢ & KIM TUYÊN THĂM NHÀ LÊ NGUYỄN HỒNG MINH
MÙA XUÂN CÒN MÃI (Bài viết dành cho vợ tôi đọc )
Thứ Tư, 21 tháng 2, 2024
BÀI VIẾT VỀ LÊ NGUYỄN HỒNG MINH ( Trên báo mạng Nghệ An)
Gặp con gái của hai người cộng sản kiên trung
Chúng tôi gặp bà Hồng Minh tại tư gia của bà ở đường Bùi Thị Xuân, Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh. Năm nay 83 tuổi, bà Hồng Minh nom vẫn nhanh nhẹn, minh mẫn, và nụ cười luôn thường trực trên môi khi đón tiếp đoàn công tác của tỉnh Nghệ An đến thăm bà, nhân chuyến đi dâng hương, dâng hoa tại Nghĩa trang Hàng Dương (Côn Đảo) tưởng niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong. Gặp đồng hương, bà vui lắm, bàn tay gầy guộc nắm chặt tay những đồng chí nữ trong đoàn; rồi nhớ chuyện xưa, nói chuyện nay một cách rành mạch.
Ngôi nhà của bà Hồng Minh in đậm dấu ấn về 2 bậc thân sinh, với những tấm ảnh người ba Lê Hồng Phong và người má Nguyễn Thị Minh Khai treo trang trọng trên bức tường. Ngắm ảnh, bà như lạc vào hồi ức - hồi ức được dựng nên qua lời kể của những người đồng chí, đồng đội của cha mẹ và bằng trí nhớ của cô bé Minh gầy gò, nhỏ thó. Hồng Minh sinh năm 1939 tại Sài Gòn. Lúc bấy giờ, ba má đều đang đảm nhận những trọng trách quan trọng mà Đảng giao phó, bị bọn mật thám của thực dân Pháp ngày đêm lùng sục, truy bắt. Sau này, qua hồi ký của các bác, Hồng Minh mới biết rằng, ba Lê Hồng Phong cố gắng sắp xếp về thăm con được 1 lần duy nhất, còn má Minh Khai cũng chỉ ôm con không bao lâu, rồi đành nén nỗi nhớ thương dứt ruột gửi con gái còn đỏ hỏn cho một gia đình cơ sở cách mạng nuôi giấu.
Trong kí ức của mình, bà Lê Nguyễn Hồng Minh vẫn còn nhớ mãi tình thương yêu, chăm sóc chu đáo của ba má nuôi là ông Dương Bạch Mai và bà Đặng Thị Du. Bất chấp hiểm nguy, ông bà đã đưa cô con gái nuôi đi che giấu khắp nơi, lúc ở huyện Sông Cầu, Phú Yên; khi lại lên thành phố Đà Lạt; có thời điểm xuôi về miệt miền Tây ở Phụng Hiệp, Hậu Giang; rồi quay lại Sài Gòn. Đến năm 8 tuổi, do ba nuôi bị thực dân Pháp bắt, má nuôi bận việc liên lạc để tìm cách để cứu chồng ra, bà Hồng Minh được gửi cho em ruột của ba nuôi.
Hồng Minh từng được đăng kí đi học nhưng chỉ được mấy ngày lại bị trường đuổi vì là con Việt Minh. Giữa đất Sài Gòn rộng lớn, số phận đưa đẩy cô bé Hồng Minh phải ở đợ nhà người. Cơ cực, long đong làm thuê, làm mướn hết nhà này sang nhà khác, trải qua đủ cảnh tủi hổ, đói kém, nhưng trong tâm trí Hồng Minh vẫn luôn lấp lánh một tia hy vọng bởi “mình là con Việt Minh, mình tìm gặp được Việt Minh là gặp được ba má mình rồi”. Trong quá trình làm thuê, Hồng Minh luôn lưu ý để móc nối với các cơ sở cách mạng, tìm cách tập kết ra Bắc. Hết lần này đến lần khác “lỡ chuyến”, mãi đến năm 1954, khát khao “đi tìm Việt Minh” của Hồng Minh mới thành hiện thực.
Từ đây, cuộc đời của Hồng Minh bước sang trang mới, trong sự quan tâm, chăm sóc chu đáo của những người đồng chí, đồng đội của ba má. Ra đến Hà Nội, Hồng Minh được Đảng, Nhà nước cho đi học văn hóa tại trường dành cho học sinh Việt Nam ở Quế Lâm, Quảng Tây, Trung Quốc. Sau đó, bà được cử đi học tại thành phố Leningard (nay là thành phố Saint Petersburg), Liên Xô - đúng thành phố trước đây ba của bà là đồng chí Lê Hồng Phong học tập. “Lúc đó, bà học về sản xuất dược phẩm. Nhưng ở Liên Xô hai năm, bà xin về nước học tập vì không phù hợp khí hậu, sụt đến 8kg”, bà Lê Nguyễn Hồng Minh nhớ lại.
Lúc đó, trong nước chưa có ngành bà theo học nên đã chuyển sang học Khoa chế tạo máy ở Đại học Bách khoa Hà Nội vì 2 năm đầu có các môn học tương đương ở bên Liên Xô nên không phải học lại từ đầu. “Lớp chỉ có 2, 3 cô con gái, còn lại là các bạn nam. Bà còn nhớ thầy trưởng khoa là người Nghệ An; được gặp gỡ đồng hương nên vui lắm”, bà Minh nhớ lại. Tốt nghiệp Đại học, bà công tác ở Ban Công nghiệp Trung ương, rồi đến sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, bà trở về Sài Gòn nay có tên mới là TP. Hồ Chí Minh sau hơn 20 năm kể từ ngày tập kết ra Bắc. Bà công tác ở Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, làm công tác tổ chức cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1995.
Ở tuổi 83, sức khỏe của bà Hồng Minh không được tốt do bị bệnh tim nhiều năm. Không thể di chuyển xa, cuộc sống hàng ngày của bà vui vầy cùng gia đình con gái, con trai cùng các cháu nội, ngoại. Mỗi lần tiếp khách từ Nghệ An vào, bà đều rất phấn khở. Niềm vui hiện rõ trong đôi mắt cười, trong những lời chuyện trò sôi nổi bằng chất giọng miền Nam ấm áp. Trong câu chuyện của mình, bà Hồng Minh luôn nặng lòng với quê hương và nuối tiếc khi không thể về thăm quê cha đất tổ do điều kiện sức khỏe. Trước đây, bà đã có 3 lần về thăm quê vào các năm 1990, 1995, 1997, dẫu thời gian trôi qua đã lâu, song ký ức về ngôi nhà tranh gắn với tuổi thơ của ba Lê Hồng Phong… luôn in dấu trong tâm tưởng bà.
Chị Trần Thị Kim Phượng - Trưởng ban Quản lý Di tích Nghệ An mở điện thoại để bà xem những bức ảnh về Khu Lưu niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong được bảo tồn, tôn tạo, xây dựng khang trang, cùng những đoàn du khách viếng thăm trong những ngày cận kề kỷ niệm 120 năm cố Tổng Bí thư. Ánh mắt người con gái của hai chiến sĩ cộng sản kiên trung như vui hơn, bà gửi gắm tâm tình, mong mọi người tiếp tục chăm sóc để khu lưu niệm luôn khang trang, sạch đẹp, xanh mát, rồi gợi mở có thể trồng thêm cây xanh, có thể là cây thanh trà vừa cho quả, vừa tỏa bóng mát.
Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi và bà Lê Nguyễn Hồng Minh - cái tên đẹp mà bà rất đỗi tự hào khoe là do má đặt mang nhiều ý nghĩa, khép lại trong muôn vàn cảm xúc. Nhìn vào ánh mắt luyến lưu, nụ cười trìu mến của người phụ nữ đã ngoài bát tuần tiễn chúng tôi ra tận cửa xe, ai cũng cảm nhận được rằng, dẫu ở phương Nam xa xôi, tấm lòng của bà luôn dõi theo, luôn hướng về bằng tình cảm sâu nặng với quê hương…
Thành Duy