Calathau : Trong chương trình đón Đ10 HN vào chơi SG-TpHCM nhân dịp 30/4 và 1/5, Trưởng tiểu ban lễ tân Nhật Lệ có lên kế hoạch tổ chức 1 chuyến xe chở các cụ khách quý đi 1 vòng thăm Tp HCM, đặc biệt là tới những công trình mới hoàn thành trong mấy năm gần đây để thấy được tốc độ phát triển của thành phố mang tên Bác. Tuy nhiên vì thời gian eo hẹp nên mời các cụ vào nhà Mõ ta làm một chuyến " Du lịch qua màn hình Vi tính".
Những công trình giao thông nổi bật Sài Gòn
Đại
lộ Đông Tây, Nguyễn Văn Linh, cầu Phú Mỹ, hầm vượt sông Sài Gòn… là
những công trình giao thông hiện đại, làm thay đổi diện mạo của thành
phố sau 40 năm thống nhất.
Đại lộ Võ Văn Kiệt – Mai Chí Thọ
Toàn tuyến đại lộ Võ Văn Kiệt – Mai Chí Thọ (trước đây gọi là đại lộ
Đông Tây) với tổng kinh phí hơn 16.000 tỷ đồng, là một trong những con
đường hiện đại bậc nhất TP HCM và cả nước. Con đường có tổng chiều dài
gần 22 km, bắt đầu từ xa lộ Hà Nội (quận 2) đến quốc lộ 1A (huyện Bình
Chánh), đi qua quận 1, 2, 4, 5, 6, 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh.
Đoạn từ đầu hầm vượt sông Sài Gòn (quận 1) đến quốc lộ 1A (huyện Bình
Chánh) được đặt tên là đại lộ Võ Văn Kiệt vào ngày 29/4/2011. Với chiều
dài 13,4 km, đại lộ Võ Văn Kiệt gồm 10 làn đường, rộng 70 m (từ nút
giao quốc lộ 1A đến cầu Lò Gốm), 50 m (từ cầu Lò Gốm đến trước cửa hầm
vượt sông Sài Gòn ở quận 1). Đại lộ Mai Chí Thọ (từ Xa lộ Hà Nội về đến
hầm vượt sông Sài Gòn, phía quận 2) dài 9 km, mặt đường rộng 140 m.
Ngoài việc rút ngắn chiều dài từ Đông sang Tây, đại lộ này còn có những
đường nối dẫn vào cảng Cát Lái, cầu Phú Mỹ… giúp cho việc lưu thông qua
đây dễ dàng hơn.
Hầm vượt sông Sài Gòn
Hầm Thủ Thiêm là hạng mục quan trọng nhất trong dự án xây dựng đại lộ
Đông – Tây của TP HCM. Công trình này có quy mô hiện đại nhất Đông Nam Á
với chiều dài 1,49 km, rộng 33 m, cao 9 m gồm 6 làn xe lưu thông, mỗi
bên 3 làn cho cả ôtô và xe máy. Ngoài ra, hầm còn có hai làn đường thoát
hiểm, tốc độ thiết kế đạt 60 km/h.
Dự án hầm Thủ Thiêm được chính thức khởi công vào tháng 2/2005. Công
đoạn quan trọng nhất là việc lai dắt, dìm và lắp đặt bốn đốt hầm, mỗi
đốt có chiều dài 93 m, cao 9 m, nặng 27.000 tấn ở độ sâu 23 – 27 m dưới
đáy sông Sài Gòn được thực hiện trong điều kiện khí tượng thủy văn vô
cùng phức tạp. Mỗi sơ suất nhỏ trong quá trình lai dắt có thể dẫn đến
những hiểm họa khôn lường. Hầm được thông xe ngày 20/11/2011, hơn một
tháng sau nơi đây được đổi tên thành đường hầm sông Sài Gòn.
Cầu Phú Mỹ
Cầu dây văng Phú Mỹ lớn nhất TP HCM bắc qua sông Sài Gòn nối quận 2
và quận 7, quận 9 (thuộc đường vành đai ngoài của TP HCM), được xem là
biểu tượng của thành phố. Cầu được khởi công ngày 9/9/2005 và khánh
thành vào ngày 2/9/2009, kết nối quận 7 với khu đô thị mới Thủ Thiêm,
cảng cát lái, cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây, quận 9. Cầu cũng
giúp việc lưu thông từ phía Đông thành phố, các tỉnh phía Bắc đi các
tỉnh miền Tây thông qua các đường vành đai ngắn hơn.
Cầu có tổng mức đầu tư 2.076 tỷ đồng, dài hơn 2.000 m, không kể đường
dẫn, rộng 27,5 m, có 6 làn xe cơ giới, hai làn xe thô sơ. Một khoang
thông thuyền rộng 200 m, tĩnh không 45 m. Hàng ngày, cầu có tới 100.000
lượt xe lưu thông qua.
Đại lộ Nguyễn Văn Linh
Bắt đầu từ đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7 đến quốc lộ 1A huyện Bình
Chánh. Chiều dài toàn tuyến là 17,8 km, lộ giới 120 m gồm 10 làn xe,
trong đó 6 làn xe nhanh, 4 làn xe hỗn hợp và 10 cây cầu. Đại lộ là xương
sống của toàn bộ khu đô thị phía Nam thành phố kết nối với những công
trình trọng điểm như khu chế xuất Tân Thuận, đô thị Phú Mỹ Hưng, nhà máy
điện Hiệp Phước.
Đại lộ băng qua hàng loạt sông rạch đầm lầy, được thông với các tuyến
giao thông nội thành từ Nam thành phố đến các tỉnh miền Đông và miền
Tây Nam Bộ cùng với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Được khởi công từ
tháng 12/1996, vốn đầu tư 100 triệu USD, con đường được mệnh danh huyền
thoại thời mở cửa và trục giao thông đô thị huyết mạch dài và bề thế
nhất TP HCM này chính thức đưa vào sử dụng, từ 2007 sau 11 năm xây dựng.
Đường Phạm Văn Đồng
Dự án xây dựng đường Phạm Văn Đồng (Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – vành
đai ngoài) có tổng vốn đầu tư là 340 triệu USD, khởi công vào tháng
6/2008. Sau nhiều lần thông xe từng đoạn, đến nay, gần 11 km đường trong
tổng số 13,6 km của toàn tuyến được đưa vào sử dụng từ nút giao Nguyễn
Thái Sơn đến Linh Xuân. Đoạn còn lại khoảng 1,6 km, từ đường Trường Sơn
(trước sân bay Tân Sơn Nhất) đến nút giao Nguyễn Thái Sơn dự kiến sẽ
thông xe trước Tết Nguyên đán 2016. Riêng đoạn cầu Gò Dưa (khoảng 1,3
km) dự kiến tháng 8/2015 sẽ hoàn thành.
Đường Phạm Văn Đồng là trục đường hướng tâm quan trọng của thành phố
kết nối từ sân bay Tân Sơn Nhất đến quốc lộ 1A và quốc lộ 1K, tạo ra
hướng giao thông mới qua các quận Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức
và kết nối với Bình Dương, Đồng Nai. Tuyến đường hoàn thành không chỉ
tạo sự đi lại thuận tiện hơn cho người dân mà còn giảm tình trạng ùn tắc
giao thông ở các cửa ngõ của thành phố.
Cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây
Cao tốc dài 55 km bắt đầu từ nút giao An Phú (quận 2, TP HCM) đến nút
giao Dầu Giây (quốc lộ 1A, Đồng Nai), có tổng vốn đầu tư gần 21.000 tỷ
đồng theo hình thức BOT. Đây là dự án thuộc bộ phận của hệ thống đường
bộ cao tốc Bắc – Nam, nằm trong vùng tam giác kinh tế trọng điểm TP HCM,
Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, kết nối với Tây Nguyên và miền Trung. Cao
tốc có vận tốc thiết kế 120km/h với 4 làn xe, chiều rộng nền đường là
27,5 m, phần mặt đường rộng 2×7,5 m và 2 làn đường dừng xe khẩn cấp 2×3
m. Đoạn từ đường vành đai 2 (TP HCM) đến quốc lộ 51 (Đồng Nai) rút ngắn
lộ trình từ TP HCM đi Vũng Tàu còn 95 km với thời gian khoảng 80 phút
thay vì 120 km và 150 phút như trước.
Đoạn từ thị trấn Long Thành (nút giao quốc lộ 51) đến Dầu Giây (quốc
lộ 1) dài hơn 31 km đi qua tỉnh Đồng Nai được thông xe vào ngày 8/2 vừa
qua. Sau khi thông xe, đoạn từ TP HCM đi ngã ba Dầu Giây (quốc lộ 1 và
hướng đi Liên Khương) sẽ chỉ còn 50 km với thời gian 60 phút thay vì 70
km và mất đến 3 giờ do thường xuyên bị ùn tắc trên hướng quốc lộ 1.
Đường Trường Sa-Hoàng Sa bên kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè
Từng được mệnh danh là dòng kênh bẩn nhất Sài Gòn với những khu nhà ổ
chuột hai bên bờ, kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đã được “hồi sinh” sau gần
20 năm cải tạo. Để làm sạch dòng kênh từ năm 1993, thành phố đã giải tỏa
hàng nghìn căn nhà lụp xụp hai bên bờ cùng với việc xây dựng hai tuyến
đường ven. Dự án có tổng vốn đầu tư 1.600 tỷ đồng để đền bù giải tỏa và
tái định cư cho gần 7.000 hộ dân sống ven kênh, nạo vét khoảng 260.000
m3 bùn đất, làm đường, lát vỉa hè, trồng cây xanh…
Bên cạnh việc cải tạo cảnh quan cho dòng kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè,
mục tiêu của dự án còn nâng cao năng lực giao thông, tạo thành hướng lưu
thông theo trục Bắc – Nam, giảm bớt ùn tắc giao thông trên các tuyến
đường Lê Văn Sỹ, Cách Mạng Tháng Tám, Nam Kỳ Khởi Nghĩa bằng 2 tuyến
đường mới Trường Sa và Hoàng Sa, mỗi đường dài 9 km chạy song song hai
bên kênh.
Cầu Sài Gòn 2 đồng bộ với Xa lộ Hà Nội
Với việc mở rộng xa lộ Hà Nội, cửa ngõ Đông Bắc TP HCM trở nên thông
thoáng hơn. Tuy nhiên việc giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông trên
tuyến đường này sẽ kém hiệu quả nếu không có sự xuất hiện của cầu Sài
Gòn 2. Công trình này một mặt giải tỏa áp lực cho cầu Sài Gòn cũ, mặt
khác góp phần nâng cao năng lực giao thông cho cửa ngõ Đông Bắc TP HCM.
Cầu Sài Gòn 2 hoàn thành ngày 15/10/2013, được xây dựng song song với
cầu Sài Gòn hiện hữu, dài gần 1 km gồm 30 nhịp được thiết kế có tuổi
thọ 100 năm và chịu được động đất cấp 7. Dự án có tổng kinh phí xây dựng
gần 1.500 tỷ đồng. Việc đưa vào sử dụng cầu Sài Gòn 2 đảm bảo tính đồng
bộ về quy mô với tuyến xa lộ Hà Nội đã và đang được mở rộng góp phần
thúc đẩy kinh tế – xã hội TP HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Cầu và nút giao Thủ Thiêm
Là một trong những cây cầu bắc qua sông Sài Gòn nối trung tâm thành
phố, quận Bình Thạnh với khu đô thị mới Thủ Thiêm và đại lộ Mai Chí Thọ.
Cầu Thủ Thiêm được xây dựng với tổng vốn đầu tư 1.473 tỷ đồng và thông
xe từ ngày 25/12/2010.
Cầu Thủ Thiêm dài 1.250 m, phần cầu chính gồm 5 nhịp, 6 làn xe; phần
cầu dẫn phía Bình Thạnh gồm 4 nhánh, mỗi nhánh 2 làn xe; cầu dẫn phía
quận 2 dài 160 m, rộng tương đương 6 làn xe. Nút giao phía quận Bình
Thạnh gồm một hầm chui trực thông dài 460 m trên đường Nguyễn Hữu Cảnh,
rộng 4 làn xe. Đường dẫn phía quận 2 dài 280 m, mặt cắt ngang 47 m.
Đường gom có tổng chiều dài 1.460 m, phía quận Bình Thạnh rộng 10,5 m,
phía quận 2 rộng 9,5 m.
(Theo Tri Thức)