Thứ Bảy, 2 tháng 1, 2016

Đọc lại "TRƯỜNG CHÚNG MÌNH" và lời bình ( Trích từ "Ngược dòng Ký ức" )

Tự nhiên thấy nhớ ...Nhớ nhiều cảnh, nhiều người, nhiều sự kiện ... 
Nhớ bài thơ này vì tự nhiên " Ngược dòng ký ức" , gặp lại các bạn " đồng điệu tâm hồn" đã đón nhận " đứa con tinh thần" của tôi một cách ấm áp, chân tình , điều mà bất cứ một tác giả nào dù lớn như đại thi hào Nguyễn Du hay bé mọn như củ calathau -"lều thơ của Làng Cu lờ " cũng mong muốn ...
Đã 18 năm trời, kể từ ngày Hoàng Thế Long, người đầu tiên  nhận đọc bài thơ trước cả ngàn người trong Hội trường lớn nhân dịp Kỷ niệm KHXTW. Tôi được nghe lời bình của 1 nhà Khoa học . Rồi Nguyễn Nguyên Hân, một "cây phê bình, lý luận kiệm lời nhưng sắc sảo", rồi TS Ngôn Ngữ Nguyễn Ngọc Trâm và đặc biệt Nhà lý luận phê bình điện ảnh chuyên nghiệp, nhà giáo Vũ Đăng Sinh ...những bạn đồng môn với tác giả nhưng không hề dẽ tinh trong đánh giá văn chương ...Không hiểu sao đến bây giờ " ngược dòng ký ức" vẫn trả lại tôi về với nhưng dạt dào của dòng suối nhỏ trong vắt tình bạn tình đời  ...Sau cùng, tôi cũng không hề quên rất nhiều các anh, chị, bạn bè, các em ...đã nói với tôi rằng, họ xúc động khi đọc bài thơ nhỏ này của tôi và rằng tôi đã nói thay họ những điều họ muốn nói ...! Tự đáy lòng, tôi biết ơn tất cả ... 


                        Vũ Quang Trung
                            (Cựu HS K5)
Em nhỉ, ngày xưa trường chúng mình
Sông mềm như lụa, núi như tranh
Trúc đào sắc đỏ sân thêu nắng
Rặng liễu ven hồ soi tóc xanh

     Đông lạnh vây quanh chảo than hồng
     Hè về vùng vẫy bến sông trong
     Trung thu phá cỗ đêm trăng sáng
     Xuân nhảy Ương ca trống bập bùng

Em tuổi mười ba, anh mười lăm
Táo đã thôi xanh, trăng đã Rằm
Trang đời hé mở sau trang sách
Em cũng đẹp dần trong mắt anh...

     Ta sống hồn nhiên đến chẳng ngờ
     Sống như hoài bão, sống trong mơ
     "Bốn phương vô sản - giai huynh đệ"
      Liềm búa vàng sao một sắc cờ!

Mơ ngược Von-ga xuôi Dương Tử
“Công phá Béc-lanh”, “Chiếm Hoa Sơn”
Thương bao thân phận “Bạch Mao Nữ”
Mơ hoá Đại Xuân đến rửa hờn

     Nước mắt còn rơi đêm chẳng ngủ
     Thương tuyết rừng Nga vết máu in
     Zoia giặc Đức đem treo cổ
     Vẫn gọi tên Người "Xít-ta-lin!"

Những Coóc-sa-ghin, Đổng Tồn Thụy
Những Nguyễn Thị Chiên, La văn Cầu
Từ trong trang sách, trong câu hát
Gương sáng muôn đời thế hệ sau.

     Anh mơ cưỡi ngựa lên Tây Tạng
     Vượt suối, vượt đèo, “Vượt Nhị Lang”
     Hay đâu đất nước thôi bom đạn
     Súng vẫn nổ sau lũy tre làng!

Trống vẫn giục, sân đình bốc lửa
Em “Hái chè bắt bướm” còn say
Có hay đâu hai dòng lệ ứa
Mẹ Việt Nam áo mỏng vai gầy!

    Thế rồi hai đứa phải xa nhau
    Nào có ngờ đâu có hẹn đâu
    Trúc đào sắc đỏ không còn thắm
    Sông chẳng buồn xanh, núi bạc đầu.

Thôi cứ để trôi trong ký ức
Một dòng sông lấp lánh tuổi thơ
Thôi cứ để yên trong lồng ngực
Mãi một yêu thương
                              Một dại khờ ...
                                     
                                                Vũ Quang Trung
 ( Nhân chuyến cùng các bạn về thăm trường xưa 8.2003)
 ---------------------------------------------------

Trích 1 số Lời bình (comments)
                                                            
 Hoàng Thế Long (22-2-2008)
Một ngày cuối tháng 9 năm 2006, tại Hội trường lớn trường Đại học Bách khoa, diễn ra Lễ kỷ niệm thành lập Khu học xá Trung ương lần thứ 55. Khối lớp của chúng ta đóng góp nhiều tiết mục văn nghệ, có lẽ do trẻ nhất, bạn Lân Cường phụ trách phần này. Chúng ta đã có dàn hợp xướng “Ca ngợi Tổ quốc”, chi Kim Tuyên và 3 chị khác từ Tp Hồ Chí Minh mang ra tiết mục múa Tân Cương…
Chỉ ngay trước khi phải lên đứng trong dàn hợp xướng, anh Lân Cường dúi cho tôi bản in bài thơ “Trường chúng mình” của Quang Trung và phân công cho tôi đọc vào tiết mục thứ 5. Tôi phản ứng vì: 1) Bài thơ này rõ ràng là về Trường Quế Lâm; 2) Tôi không kịp chuẩn bị. Anh Lân Cường nói ngắn gọn “Thôi, không bàn nữa, ghi tên mày rồi!”
Sau khi hát trong dàn hợp xướng xong, tôi có khoảng thời gian giữa 3 tiết mục (khoảng 10 phút) để đọc lại bài thơ. Không ngờ rằng bài thơ đã “nhập hồn” tôi ngay, tôi đã thuộc lòng, đến nay vẫn nhớ. Đối với tôi, đây là bài thơ hay nhất viết về “thời ấy” tôi đã được đọc, chỉ bằng thơ mới nói lên được những điều khó nói, mà thể loại khác khó diễn đạt được. Cảm nhận của tôi về bài thơ đã được chia sẻ cùng khoảng 20 bạn trong một buổi liên hoan thân mật. Khi ra về, Bang Ngạn nói: “Cậu bình bài thơ hay quá!”. Tôi bảo: “Mình nói về cảm nhận của mình đấy chứ, mình có bình đâu!”.
Sau lễ kỷ niệm khoảng một tuần, tôi nhận được một cú điện thoại của một cựu học sinh trường Sư phạm Khu học xá (năm 1956 trường này đã về nước nên khi ta xuống KHX chỉ còn 4 trường cấp I và một trường cấp II-III), những người này là một khối khá đông đã dự buổi lễ kỷ niệm ấy và dò hỏi được số diện thoại của tôi, hỏi xin tôi bài thơ mà tôi đã đọc. Tôi “gõ” lại theo trí nhớ và format đẹp đẽ gửi đi. Sau đó chúng tôi có dịp trao đổi với nhau qua điện thoại về những cảm nhận bài thơ.
Thì ra ngoài những câu tả cảnh “sơn thuỷ giáp thiên hạ” đặc trưng cho Quế Lâm ở khổ đầu, còn lại là CÁI CHUNG của “thời ấy” và chính vì thế mà nhiều bạn tuy không học ở Trường TNVN Quế Lâm vẫn thích bài thơ này !
Nguyễn Nguyên Hân
Tôi đã có lần nói về bài thơ này, một trong số bài thơ hay của Quang Trung. Nay nhân ngày thơ Nguyên Tiêu xin viết thêm vài dòng.
Tính hàm súc của nội dung thật phong phú: về cảnh trường ta, về nhịp sống ở trường về bản thân và về một em gái nào đó và nối dòng suy nghĩ tình cảm về tận quê nhà những năm tháng ấy và rồi lại quay về ngôi trường xưa cùng các cố nhân.
Khổ thơ đầu là cả bức tranh đẹp gợi nhớ một thời thơ ấu hồn nhiên và tươi đẹp chung một mái trường.
Khổ thứ 3 , một sự lãng mạn thấm đẫm tình người, hồn nhiên, rất thật. Sự rung động đầu đời này đủ cảm nhận chứ không phải choáng váng sét đánh trước người bạn gái mà mỗi ngày mình nhận thấy một đẹp hơn lên theo tuổi lớn của cả hai.Câu thơ thật đẹp! Tôi thật tiếc mình hơi chậm phát triển thiên hướng tình cảm này so với Quang Trung và một số bạn!
Mở ra từ câu “Hay đâu đất nước thôi bom đạn ..." đến"... mẹ Việt Nam áo mỏng vai gày" nói về đất nước và dân ta những năm ta ở bên đó đâu có hay “mẹ già áo rách sờn vai cơm ăn bát vơi bát đầy". ( Bài hát Bà mẹ Gio Linh của Phạm Duy). Nhớ lại, sau Hội nghị Giơnevơ 1954, hết chiến tranh, nước ta chia hai miền. Nam-Bắc, hòa bình đấy mà nơi thì "súng vẫn nổ", nơi thì " sân đình bốc lửa" . Những cảm nhận này những năm sau nhiều bạn chúng ta cũng đã từng trải nghiệm.
Hai khổ thơ cuối chắc được nhiều bạn tán thưởng vì là tâm tình của lứa chúng ta: đó vừa là một nuối tiếc và một tâm niệm tác giả tự bảo với mình thôi, nhưng lại rõ là thay cho nhiều bạn chúng ta. So với câu "Mà đến hôm nay anh mới biết Tình ta như chuyện bướm xưa thôi", trong bài Trường Huyện của Nguyễn Bính thì hoài niệm này là khác hẳn. Tác giả tự nhủ " Thôi cứ để trôi trong ký ức" lại "cứ để yên trong lồng ngực" một cụm từ bao quát cho toàn bài thơ, đó là  " Một yêu thương, một dại khờ ". Yêu thương thì khỏi phải nói nhiều, còn dại khờ ư? Sự dại khờ đáng quý của thuở niên thiếu ngày ấy giúp cho các cá nhân có bản sắc sống thật, khác với sự dại khờ trong cuộc đời bon chen giành giật, hoặc của những kẻ vượt quá khôn khéo mà mất tỉnh, mất mình.
Nguyễn Ngọc Trâm
Quang Trung có nhiều thơ, nhưng đây là bài mà lần nào đọc tôi cũng xúc động. Chỉ vài nét thôi, bạn đã vẽ ra bao hình ảnh thân thiết của mái trường; bao kỉ niệm được hiện lên rõ mồn một. Nhân vật nền của bài thơ là đôi bạn trẻ yêu nhau, tình yêu mới chớm đầu đời thật trong sáng. Bởi vì với họ còn bao nhiều niềm say mê, bao nhiêu ước vọng lớn lao, và cả những nghĩa vụ với nước nhà. Thế rồi tình yêu không có hậu, ngôi trường xa dần, thay đổi dần với thời gian, với cuộc đời. Và khổ thơ cuối thật buồn tiếc, thật sâu lắng, nó được giữ lại trong lòng tôi, trong lòng bạn.
Quang Trung tự nhận mình làm bài thơ này trong tâm trạng BUỒN. Buồn là trạng thái tình cảm tự nhiên, không phải buồn là xấu. Có những nỗi buồn làm người ta trở nên sâu sắc hơn và mạnh mẽ, cứng cỏi hơn. Bạn buồn hay vui cũng được, miễn là bạn sẽ mang lại cho bạn bè, cho ĐỜI những bài thơ hay!
Vũ Đăng Sinh : (4-3-2008)
Bài thơ “Trường chúng mình” tôi được nghe Quang Trung đọc trong chuyến thăm vịnh Hạ Long hè năm 2007. Tôi thực sự xúc động và sửng sốt trước bài thơ như trước một khái quát giàu hình tượng về những trải nghiệm của cuộc đời từ “ tuổi thơ lấp lánh” đến cái “tuổi xưa nay hiếm” của mình.
Xuyên suốt bài thơ là hình tượng một mối tình. Trong mối tình này có nhiều hình ảnh ẩn dụ. Đó là hình ảnh cô gái của tuổi thơ, bằng xương bằng thịt và “đẹp dần trong mắt anh”. Đằng sau cô gái, ta thấy thấp thoáng, nhưng lại được cảm nhận rất rõ, hình ảnh một đất nước cũng ở tuổi thơ, mà ta yêu thiết tha như mối tình đầu. Trong bài thơ, hình ảnh cô gái và hình ảnh đất nước này xuất hiện cùng thời, diễn biến song song và tan biến cùng lúc, cái này lặn thì cái kia cũng mất. Đó còn là hình ảnh mối tình đối với lý tưởng, hoài bão và ước mơ: “Bốn phương vô sản giai huynh đệ/Liềm búa vàng sao một sắc cờ”. Mối tình như tương lai lấp lánh phía chân trời xa sao mà rực rỡ, sao mà huyền diệu và cuốn hút lạ lùng.
Thế rồi vật đổi sao dời, mối tình ấy không kết thúc bằng cái kết có hậu. “Nào có ngờ đâu có hẹn đâu”. Tác giả không đổ lỗi cho ai cả, chỉ tự nhủ mình: thôi cứ để mối tình ấy “trôi trong ký ức”, “để trong lồng ngực”. Sao mà bứt đi được! Hình như vần “khờ” mà Quang Trung gieo ở cuối bài đã bật ra một cách tình cờ, không có chủ định từ đầu. Sự “dại khờ” đâu có được khơi gợi ở bất cứ đoạn nào, câu nào, đâu có song hành với mối tình trong cả bài thơ ấy. Trong cuộc sống và mối tình xưa Quang Trung chỉ nói đến sự hồn nhiên, “hồn nhiên đến chẳng ngờ”. Thì ra “dại khờ” ẩn ngay trong cái “hồn nhiên đến chẳng ngờ” ấy, bây giờ mới nhận ra. Vì thế “một yêu thương” “một dại khờ” không phải là hai mà chỉ là một.
Nguyễn Nguyên Hân
Bàì viết của Vũ Đăng Sinh tuy ngắn thôi nhưng sâu sắc và có những ý hướng dẫn và phát hiện cảm nhận, logic chặt chẽ. Đúng là phong độ của nghề phê bình. Trong văn học nghệ thuật rất cần những nhà phê bình giúp cho người sáng tác vươn lên tầm cao, lại cho độc giả , khán giả phát hiện và thưởng thức những điều hay nét đẹp của tác phẩm  .

11 nhận xét:

  1. Nguyễn Ngọc Hùnglúc 11:28 2 tháng 1, 2016

    "Sinh sau đẻ muộn", đây là lần đầu tiên tôi được đọc bài thơ này. Quá cảm xúc! Đủ đầy ký ức tuổi thơ Quế Lâm và những rung động đầu đời của tuổi "táo đã thôi xanh, trăng đã rằm"!
    Lũ K1 chúng tôi hồi ấy "vắt mũi chưa sạch", còn tồng ngồng cả lũ để cô bảo mẫu tắm tập thể cho cơ mà! Anh Quang Trung mới có 15 mà đã "rung" lên như thế, đáng nể đấy!!!
    Năm mới, Chúc QT cứ "rung" đều đặn bất chấp thời gian và tuổi tác.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. NH ơi, "ông"QT này biết "RUNG" từ thủa 15, cho đến bây giờ "ông" ta bị RUNG MÃN TÍNH. Bệnh này khó chữa lắm. Chả có bác sĩ nào chữa được ngoại trừ những "diễn đàn", đấu đá giữa các phe nhóm QUYỀN LỰC và phe "thù địch"...làm "ông" bị phân tâm.

      Xóa
  2. Nguyễn Ngọc Hùnglúc 11:31 2 tháng 1, 2016

    Xin góp ý sửa 1 chữ thôi nhé: "Táo đã thôi xanh, trăng CHỚM rằm".

    Trả lờiXóa
  3. Tôi không biết làm THƠ, nhưng hay đọc thơ.
    Với tôi bài thơ này của QT là một bài thơ RẤT HAY, ghi lại nhiều dấu ấn khó quên và RÁT ĐẸP của tuổi thơ chúng ta tại trường TN VN -LSQL những nắm 1951 ~ 1954.
    Tôi rất THÍCH bài thơ này ! Cám ơn TÁC GIẢ !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nguyễn Ngọc Hùnglúc 16:12 2 tháng 1, 2016

      Chị Nhật Lệ có nhầm thời gian không? LS- QL 1953- 1957 chứ.

      Xóa
    2. Cám ơn NH đã nhắc, tôi chỉ ở LSQL khoảng 1 năm (53-54). Không biết ông QT "rung" vào lúc nào, tôi cứ nói đại như thế. HA HA !

      Xóa
  4. Đọc bài thơ này đã nhiều lần nhưng lần nào đọc cũng như muốn nuốt từng lời. Tuy vậy tôi vẫn thấy không đủ lời để viết 1 comment về bài thơ cho thật xứng đáng, cho nên đọc nhờ com của các cụ trên cũng thấy thỏa mãn rùi. Xin lỗi tác giả nhé.

    Trả lờiXóa
  5. Thật xúc động khi đọc những lời chia sẻ, đồng điệu của các bạn với bài thơ của tôi . Hôm qua, nhân câu chuyện với Nguyên Hân ( qua điện thoại, lúc bạn chỉ có một mình ở nhà vì vợ con về quê ...), bạn có nói 1 ý mà tôi nhớ : Những lúc trong lòng cảm thấy trống vắng , cô đơn thường mở máy tính ra xem các bức ảnh tư liệu về Trường về Bạn thời LSQL ...Gần đây là vào " Ngược dòng ký ức" đọc lại các bài hồi ký của các bạn . Nguyên Hân kêu lên, rằng, sao hồi ấy chúng ta viết hay thế. Viết về Tuồi thơ, về cha mẹ,về tình bạn, tình thày trò ...tất cả tràn đầy tình nghĩa, tràn đầy nhân hậu, cảm thông và trân trọng ...Bài thơ Trường chúng mình của tôi, chưa hẳn đã hay về mặt nghệ thuật, nhưng chắc chắn nó chân thật,nó là tiếng nói chung của chúng ta, do đó được các bạn đồng cảm...Một lần nữa các bạn đã làm cho tôi " Ấm áp" trong những ngày Năm Mới " lạnh lẽo"nơi phương Nam này !

    Trả lờiXóa
  6. Cám ơn anh Quang Trung đã cho tôi đọc lại bài này, bởi thật lòng hôm ấy tôi cũng có mặt, nhưng đến nay chẳng còn nhớ gì. Nhờ anh nhắc lại nên tôi đã nhớ lại toàn bộ rồi, óc TỐI của tôi nó là thế. Năm mới chúc tất cả các bạn, các anh, các chị vạn sự như ý. Xin kình chào !

    Trả lờiXóa
  7. Cảm ơn bạn Quang Trung đã đăng lại bài thơ "Trường chúng mình", để một lần nữa được thưởng thức những vần thơ tuyệt diệu, như được thấy lại mái trường Quế lâm thân yêu, nhu được sống lại tuổi thơ ấu và những ước mơ thời ấy. Và được cảm nhân lại niềm xúc động, như có gì nghèn nghẹn rưng rưng khi đọc lại. Một bài thơ tuyệt diệu, từng câu từng chữ rót sau vào tận trái tim, tâm hồn chúng ta, những người đã từng trải nghiệm tất cả những gì đã được diễn đạt trong nó. Năm mới chúc tác giả Quang Trung sức khỏe, nhiều niềm vui, cảm xúc để còn cho chúng ta đọc nhiều bài thơ hay.

    Trả lờiXóa