Thứ Ba, 7 tháng 2, 2017

Nhà văn Nguyên Ngọc nói về GD-ĐT : TINH HOA HAY ĐẠI CHÚNG

Tác giả: Nguyên Ngọc

.Thầy Hoàng Tụy đã nói tôi nhớ không chỉ một lần: “Không phải giáo dục ta lạc hậu đâu, lạc hậu thì ráng đuổi theo may còn kịp. Nó lạc hướng”. Người ta đi đường này, muốn đi đến chỗ này, ta thì cứ thản nhiên nhất quyết đi đường khác, muốn mưu tính chuyện khác. Người ta định làm ra những con người tự do, biết suy nghĩ độc lập và khác nhau (đã độc lập thì hẳn phải khác nhau, mỗi người tự đi tìm lẽ phải cho chính mình và chịu trách nhiệm về lựa chọn riêng đó). Còn ta thì ra sức tạo nên những con người đồng phục, rất kiêng kỵ sự khác biệt, không đồng nhất, chỉ tổ rắc rối ra. Vậy thì học và thi triết làm quái gì! Cứ thuộc lòng đúng những chân lý tuyệt đối đã có người chọn cho mình là xong. Bày vẽ lắm chuyện!… (Nguyên Ngọc)
———————
    Mấy năm gần đây tôi thường theo dõi các cuộc thi tú tài ở Pháp, vì thích thú, và cũng có phần muốn từ đó thử nghĩ lại thêm về giáo dục ở ta. Hình như vừa qua ta chú ý nói nhiều đến đại học, hẳn vì ở đây dễ thấy rõ sự quá lạc hậu so với thế giới, cũng lại là nơi liên quan trực tiếp đến việc đào tạo nhân lực cho xã hội. Song cũng có thể vấn đề chính của giáo dục còn ở chỗ khác, ở phổ thông, nơi ít được dư luận quan tâm hơn. Có vấn đề ở phổ thông rồi, tất đại học không thể không có vấn đề.

Theo dõi qua báo chí trên mạng, lại chỉ qua các kỳ thi, nên hẳn không thể biết hết mọi sự của người ta. Nhưng dù sao thấy người ta thi như thế nào, chắc cũng có thể đoán biết đôi chút họ dạy và học ra sao. Cũng để mà nghĩ lại mình.

Kỳ thi tú tài ở Pháp diễn ra một tuần vào đầu tháng 6, và có điều rất thú vị: ngày đầu tiên là thi triết học cho tất cả các ban khoa học, kinh tế và xã hội, công nghệ và văn học. Có vẻ như dư luận xã hội đặc biệt chú ý ngày thi này của các cậu tú cô tú (dự bị). Ngày hôm sau, các báo đưa lại các đề thi, và nhiều lần tạo nên những cuộc thảo luận rộng rãi rất lý thú. Thí sinh phải trả lời một trong hai câu hỏi bằng một bài luận ngắn, và viết một bài bình về đoạn trích một tác phẩm kinh điển được cho. Xin thử kể một số câu hỏi đã được nêu trong các kỳ thi hai năm vừa rồi (xem bảng).

Đọc qua mấy đề thi của người ta như vậy rồi, không biết các bạn có thấy thèm một cuộc thi như thế, hay đúng hơn thèm một nền giáo dục có thể ra những đề thi như thế cho những cô cậu đi thi tú tài, tức tương đương thi tốt nghiệp phổ thông trung học ở ta không? Tôi, thì thèm và buồn.

Nhìn qua, chắc có thể có ngay vài nhận xét:

Một là, đây đúng là kiểu đề thi mở. Người chấm không thể coi trả lời thế này là đúng, trả lời ngược lại là sai. Tỉ như hỏi: “Có cần chứng minh để biết?”, có thể trả lời: “Có chứ, có chứng minh thì mới biết được chứ!”. Mà cũng có thể trả lời: “Không nhất thiết đâu, có những điều ta biết chắc chắn mà chẳng tự chứng minh được chút nào cho chính mình nữa là. Chẳng hạn hỏi tôi có biết vì sao tôi yêu cô A mà không yêu cô B, có trời chứng minh! Tôi yêu, thế thôi, sét đánh mà!”.

Năm 2015, sau ngày thi triết, báo Le Figaro đã làm một việc thật hay: họ đem đề triết của ban khoa học “Chính trị có được thoát ra khỏi sự bắt buộc của sự thật?” đề nghị các nhà chính trị Pháp, gồm một số bộ trưởng và nghị sĩ thi lại thử coi. Nhiều người đã hăng hái hưởng ứng. Và họ gây nên một cuộc thảo luận sôi nổi, thậm chí căng thẳng. Aurélie Filipetti, cựu Bộ trưởng Bộ Văn hóa (đảng Xã hội), nói: “Tôi thấy đây là một đề hay. Là thời sự vĩnh cửu của chính trị. Đây là mối quan hệ giữa hành động và đạo đức. Đề tài đầy tính thời sự”. Jean Pierre Chevènement, nguyên Bộ trưởng, nghị sĩ, từng là ứng viên tổng thống, trịnh trọng: “Không, chính trị không được thoát khỏi sự bắt buộc của sự thật. Hãy nhớ lại cuốn sách của Pierre Mendès France, Sự thật dẫn đường cho những bước đi lớn của họ. Đấy là lịch sử của những nhà cộng hòa lớn đã làm nên nước Pháp hiện đại. Họ dựa trên một nền giáo dục tập thể chân chính và nhận được một sự ủng hộ vững chắc của nhân dân.

Không có xã hội nào toàn tinh hoa. Có tinh hoa, và có số đông. Đều cần. Văn hóa là vậy. Giáo dục cũng hẳn là vậy. Có cái đại chúng được học rộng rãi làm lực lượng. Và có bộ phận nhỏ tinh hoa dắt dẫn sự phát triển, và từng bước nâng cái số đông rộng rãi kia lên. Các nền văn minh, từ rất xa xưa, đều đã tiến hóa như vậy.
Sự thật, đấy là chọn lựa tốt, và không phải ai cũng ngang tầm được với nó”. Nhà báo Philippe de Villiers chặt chẽ: “Nếu chính trị thoát khỏi sự bắt buộc của sự thật, thì nó sẽ chết vì điều đó, và đấy đúng là trường hợp hiện nay. Chính trị, chính trị thật sự, phải được thiết lập trên sự tôn trọng đặc quyền đối với lợi ích chung.

Trong các thời kỳ suy thoái, mọi thứ đều trở thành nói dối. Hãy nhớ hô ngữ nổi tiếng của nhà văn Nga Soljénitsyne: “Thôi, đừng nói dối nữa!”. “…Cũng có người hơi nước đôi. Trên Twitter, Fançois Fillon (người vừa dẫn đầu vòng 1 trong cuộc bầu cử ứng viên tổng thống của phái trung hữu chuẩn bị cho cuộc bầu cử lớn năm 2017) dè dặt: “…Tuy nhiên họ (các nhà chính trị) biết rõ về điều này: giữa sự thật và chính trị, các quan hệ thường rất căng thẳng…”. Benoît Hamon, cựu Bộ trưởng Bộ Giáo dục (thuộc đảng Xã hội cánh tả), tránh trớ, ông chỉ tỏ ý đối lập những người coi hành động chính trị phải “hướng đến cái lý tưởng, và do vậy dấn mình vào một cuộc tìm kiếm sự thật” và những người “nhân danh chủ nghĩa thực dụng, căn cứ vào thực tế” để bằng lòng (với một kiểu hành động) “thích hợp”. Tuy nhiên, cũng có người ít thận trọng hơn. Eric Woerth (đảng “Những người Cộng hòa”) cho rằng sự minh bạch (transparence) là không thể tuyệt đối: “Không phải mọi sự đều phải nói ra hết”. Duy bà Rama Yade, thuộc Liên minh Dân chủ và Độc lập, thì một mực dứt khoát: “Vâng, chính trị vượt ra ngoài sự bắt buộc của sự thật. Thậm chí tôi sẽ nói rằng nó từ chối điều đó (sự thật). Vả chăng đấy là điều tác động đến tôi nhiều nhất qua kinh nghiệm của tôi. Tôi công nhận và lấy làm tiếc về điều đó, ba lần than ôi!”. Bà còn hăng hái bộc lộ với phóng viên Le Figaro dàn ý bài bà sẽ làm nếu bà đi thi hôm nay. Trong phần thứ nhất bà sẽ đặc biệt nêu lên rằng: “Chính trị xử lý một đòi hỏi cao hơn đòi hỏi của sự thật; chẳng hạn ý tưởng về sự cân bằng xã hội”. Sau đó bà sẽ triển khai ý tưởng rằng: “Điều quan trọng không phải sự thật nói cho đến cùng, mà là sự thật của nó (của xã hội)”. Cuối cùng, trong phần thứ ba, bà sẽ bàn về những hệ quả của thực trạng ấy… Người chấm sẽ không coi nói thế này mới đúng, ngược lại là sai, mà chú trọng xem thí sinh biện luận như thế nào cho chủ kiến của mình. Tức cô hay cậu ta tư duy ra sao. Học phổ thông mười hai năm là để có cái tư duy đó. Độc lập, sáng suốt, sâu sắc.

Nhận xét thứ hai: Ta nhớ, đây là đề thi tú tài, cũng như ở ta thi tốt nghiệp, kết thúc bậc học phổ thông. Vậy ở Pháp người ta quan niệm thế nào là người “có trình độ giáo dục phổ thông”? Nhiệm vụ của bậc học phổ thông là gì? Tất nhiên, đây chỉ mới là một môn thi thôi. Song chắc cũng đã cho phép ta hình dung cách họ nghĩ về những điều đó. Theo họ, “phổ thông” nghĩa là như vậy đấy, là biết suy nghĩ và có cách trả lời của mình trước những câu hỏi như vậy đó. Nhiệm vụ của bậc giáo dục phổ thông là giúp cho con người có được trình độ đó. Đại học sẽ lo chuyện khác.

Thứ ba: Tôi có chú ý điều này: câu hỏi “Có phải một tác phẩm nghệ thuật lúc nào cũng có một ý nghĩa?” là cho thí sinh ban khoa học, câu “Nghệ sĩ đưa ra một điều gì để hiểu chăng?” là cho thí sinh ban kinh tế – xã hội, chứ không phải ban văn học… Thì ra, thế mới gọi là “phổ thông”, dù anh sẽ đeo đuổi khoa học chính xác hay làm nhà kinh tế. Là có trăn trở về ý nghĩa có nhất thiết có hay không của một tác phẩm nghệ thuật, về chuyện ông nhạc sĩ Beethoven với bản Giao hưởng số 5 của ông có định “đưa ra một điều gì để (cho ta) hiểu chăng?”…

Thứ tư: Mười hai năm phổ thông, người ta học không biết bao nhiêu là thứ, nào toán với đại số và hình học, hình học phẳng rồi hình học không gian, Euclide rồi phi-Euclide, học lý từ ông Newton đến ông Einstein, học hóa từ ông Lavoisier đến ông Mendéléev, học sử từ bà Jeanne d’Arc qua Napoléon đến tướng De Gaulle, Thế chiến I rồi Thế chiến II, học địa lý nước Pháp, rồi châu Âu, châu Phi, châu Á, châu Mỹ… bao nhiêu bao nhiêu là kiến thức rồi sẽ có thể có cái sử dụng trong đời, nhưng học bao nhiêu bao nhiêu thứ đó, còn quan trọng hơn, lại để mà biết rằng “có phải tôi là con người mà quá khứ của tôi đã làm ra tôi?” và “có phải ham muốn (của con người, cũng là của tôi) về bản chất là vô hạn?”, còn “các xác tín đạo đức của (tôi) có phải căn cứ trên kinh nghiệm?”… Không nghĩ và có trả lời của riêng mình về những điều đó thì chưa thể coi là một con người theo nghĩa “phổ thông” của một con người. Vậy các cô các cậu tú của ta ra sao đây? Mười hai năm phổ thông của ta chuẩn bị được gì cho họ thành người “phổ thông”?

Năm 2015

Cho ban khoa học:
1. Chính trị có được thoát ra khỏi sự bắt buộc của sự thật?
2. Có phải một tác phẩm nghệ thuật lúc nào cũng có một ý nghĩa?
Cho ban kinh tế – xã hội:
1. Nghệ sĩ đưa ra một điều gì để hiểu chăng?
2. Phải chăng ý thức của cá nhân chỉ là phản ảnh của xã hội trong đó cá nhân ấy sống?

Cho ban văn học:
1. Có phải tôi là con người mà quá khứ của tôi đã làm ra tôi?
2. Tôn trọng mọi sinh vật có phải là một bổn phận đạo đức?

Năm 2016

Cho ban khoa học:
1. Làm việc ít đi, thì sống tốt hơn chăng?
2. Có cần chứng minh để biết?

Cho ban kinh tế – xã hội:
1. Có phải bao giờ ta cũng biết được ta ham muốn gì?
2. Học lịch sử thì có lợi ích gì?

Cho ban văn học:
1. Các xác tín đạo đức của chúng ta có phải căn cứ trên kinh nghiệm?
2. Có phải ham muốn về bản chất là vô hạn?

Tôi nhớ thầy Hoàng Tụy có lần kể cho tôi suốt thời phổ thông trong nền giáo dục Pháp thuộc thầy cũng phải học đủ thứ như thế, để rồi khi đi thi tú tài toán ở trường Khải Định (nay là trường Quốc học) Huế, thì người ta lại “cắc cớ” ra cho thầy cái đề này, bắt thầy phải làm cả một bài luận dài viết suốt ba tiếng đồng hồ: “Thế nào là một con người có văn hóa?”. Ngày xưa, ở ta, dưới thời Pháp thuộc (và hình như ở Sài Gòn trước năm 1975) từng có một nền giáo dục như thế.

Tôi nghe có một trường đại học đã tuyên bố với học trò của mình: “Sinh viên là công dân đi học”. Nếu trẻ em bắt đầu đến trường vào 5 hay 6 tuổi, thì sau mười hai năm phổ thông, thi tú tài rồi, là họ chính thức trở thành công dân của đất nước. Vậy nói theo cách nào đó, nhiệm vụ của bậc phổ thông là chuẩn bị cho con người chính thức trở thành người lớn, trở thành công dân của xã hội, tức sẽ tự mình đối mặt với những câu hỏi hiện sinh và những câu hỏi xã hội, tỷ như một số câu hỏi vừa kể trên. Và cho phép tôi đưa ra định nghĩa của tôi về con người tự do, mục đích tối cao của giáo dục: con người tự do là con người biết tự đặt ra cho mình những câu hỏi như thế đó, và trăn trở trả lời chúng. Trở lại với ý đã nói ở đầu bài viết này: xem các đề thi của người ta, để có thể ra những đề thi như vậy, và biết rằng học trò có thể trả lời, chắc cũng đoán biết người ta đã dạy như thế nào và học như thế nào. Suốt mười hai năm, người ta đã dạy mọi thứ và bằng mọi cách để tạo ra con người độc lập và tự do, vì chỉ có những con người như vậy thì mới đối mặt được với thế giới thật luôn tiềm ẩn những câu hỏi đó. Theo chỗ tôi được biết, trong xã hội Pháp, tú tài là một danh hiệu thật sự được trọng vọng. Có được tấm bằng đó, thì chính thức được coi là một người có học (un homme cultivé, cũng có thể dịch là một người có văn hóa).

Chắc cũng không hề ngẫu nhiên đâu khi kỳ thi tú tài hàng năm ở Pháp đã có cái truyền thống tốt đẹp và đầy ý nghĩa: bắt đầu bằng môn triết. Tôi có lần nói với một người có trách nhiệm trong ngành giáo dục ở ta: Giá như ta có thể dạy môn triết cho học sinh phổ thông cấp ba, cứ đúng y như môn này đã được dạy ở cấp tú tài Sài Gòn trước 1975… Chắc khó lắm. Nhưng giải quyết được, thì có khi từ đấy có thể làm lay chuyển được nền giáo dục đang bí đường bây giờ…”. Có dám không, tôi xin chính thức hỏi.
Ít ra, thôi thì đầu năm, xin cứ thử đưa ra một gợi ý, nhân nhìn thiên hạ mà nghĩ lại mình. Hay cứ bình chân ta là Việt Nam, ta quyết một mực khác với toàn thế giới?…

* * *

Tôi thuộc thế hệ cuối cùng có trải qua một ít nền giáo dục của Pháp ở Việt Nam, cụ thể là của thực dân Pháp khi nước ta còn là thuộc địa của họ. Tôi hiểu nền giáo dục ấy nhằm đào tạo những người làm việc cho chế độ đô hộ của Pháp ở nước ta. Nhưng tôi cũng nghĩ và qua chính mình tôi được biết nền văn hóa Pháp mạnh hơn rất nhiều ý đồ xâm lược và đô hộ của những người đi truyền đạt nó. Nó vượt qua họ. Tôi biết ơn nền giáo dục đã đưa nền văn hóa ấy đến cho tôi, bất chấp cả ý đồ của những người truyền đạt nó. Vì hoàn cảnh riêng, tôi cũng chỉ tiếp nhận được nó dở dang thôi, vậy mà nó vẫn kịp tạo cho tôi một cái nền và cái đà để rồi tiếp tục tự học suốt đời.

Một hôm tôi có tâm sự chút ít điều đó với một anh bạn trẻ hiện đang làm chủ nhiệm khoa ở một trường đại học cỡ quốc gia ở ta bây giờ. Anh ấy có vẻ không đồng tình lắm, anh chỉ ngay ra cho tôi rằng cái thứ giáo dục tôi có ý “tâng bốc” ấy chỉ dành cho một số rất ít người, còn thì vẫn để lại tuyệt đại đa số nhân dân trong vòng tăm tối, điều mà nền giáo dục mới của chúng ta đã khắc phục một cách anh hùng và tuyệt giỏi sau khi đã đuổi hết bọn cướp nước đi rồi. Tôi đồng ý với anh ấy quá. Tôi biết đó là một thành tích vĩ đại của giáo dục Việt Nam, giải phóng hơn 90% dân số ra khỏi nạn mù chữ nhục nhã, và ngày nay đang hàng ngày đưa nhiều chục triệu người đến trường ở tất cả các cấp học. Chắc chắn trong lịch sử lâu dài của dân tộc này, chưa bao giờ có nhiều người đi học đến thế. Có thể nói không quá lời, toàn dân đi học. Và do đó, một trong những khó khăn có thật và lớn khiến những người đang chịu trách nhiệm về giáo dục rất đau đầu là phải giải quyết thế nào cho đúng mối quan hệ giữa số lượng và chất lượng. Ngày xưa, chỉ có một nhúm đi học, chỉ phải dạy có một nhúm, cho nên mới có thể chăm chút, tạo nên một nhúm tinh hoa như thế. So làm sao được với yêu cầu giải quyết giáo dục cho quảng đại quần chúng mênh mông bây giờ! Vâng, tôi cũng đồng ý… Nhưng đến chỗ này, thì tôi bắt đầu thấy hình như có điều gì đó phải nghĩ lại thêm đôi chút. Một là hầu hết các nước trên thế giới ngày nay, ít ra là ở các nước văn minh – mà ta thì cũng muốn được coi là một nước văn minh chứ sao – họ cũng phải giải quyết giáo dục cho toàn dân, chứ có phải chỉ “cho một nhúm” đâu. Vậy lấy cái lý đó để thanh minh cho chất lượng của mình nghe có vẻ không ổn rồi. Nếu chất lượng của ta có vấn đề (hẳn điều này chắc không cần dông dài để chứng minh) thì phải đi tìm nguyên nhân ở chỗ khác kia. Sở dĩ tôi đã chú ý đến các kỳ thi tú tài triết bên Tây và kể lể lại cả một số các đề thi của họ trong cái môn thi được bố trí vào ngay ngày đầu tiên cho cả kỳ thi nghiêm trang, thì phải nói thật là tôi có ý đấy. Rõ ràng họ muốn làm giáo dục cho một cái gì, vì một cái gì đó khác, rất khác ta. Thầy Hoàng Tụy đã nói tôi nhớ không chỉ một lần: “Không phải giáo dục ta lạc hậu đâu, lạc hậu thì ráng đuổi theo may còn kịp. Nó lạc hướng”. Người ta đi đường này, muốn đi đến chỗ này, ta thì cứ thản nhiên nhất quyết đi đường khác, muốn mưu tính chuyện khác. Người ta định làm ra những con người tự do, biết suy nghĩ độc lập và khác nhau (đã độc lập thì hẳn phải khác nhau, mỗi người tự đi tìm lẽ phải cho chính mình và chịu trách nhiệm về lựa chọn riêng đó). Còn ta thì ra sức tạo nên những con người đồng phục, rất kiêng kỵ sự khác biệt, không đồng nhất, chỉ tổ rắc rối ra. Vậy thì học và thi triết làm quái gì! Cứ thuộc lòng đúng những chân lý tuyệt đối đã có người chọn cho mình là xong. Bày vẽ lắm chuyện!…

Cho nên hẳn là có vấn đề khó khăn khi phải giải quyết cho số đông, nhưng cũng không hẳn đấy là nguyên nhân của tình trạng giáo dục ở ta bây giờ.

Tạo ra và gìn giữ những trí thức tinh hoa cho dân tộc, coi đó là mục tiêu lớn trong khi chăm lo cho số đông, để phục vụ cuộc phục hưng dân tộc sau chiến tranh và đổ nát, là nhiệm vụ của giáo dục.
Vả chăng về chuyện số đông hay số ít, còn có thể có một điều khác nữa. Cứ nhìn quanh ra xa một chút mà xem, ngay cả ở những nước giàu có nhất và tiên tiến nhất thì giáo dục của người ta cũng không cứ một mực quyết đào tạo ra toàn những con người tinh hoa cho xã hội đâu. Không có xã hội nào toàn tinh hoa. Có tinh hoa, và có số đông. Đều cần. Văn hóa là vậy. Giáo dục cũng hẳn là vậy. Có cái đại chúng được học rộng rãi làm lực lượng. Và có bộ phận nhỏ tinh hoa dắt dẫn sự phát triển, và từng bước nâng cái số đông rộng rãi kia lên. Các nền văn minh, từ rất xa xưa, đều đã tiến hóa như vậy.

Có lẽ giáo dục ở ta chưa rõ được điều này. Ta chưa giải quyết đúng bài toán có thật về mối quan hệ giữa yêu cầu số lượng và yêu cầu chất lượng theo hướng này. Chắc đó cũng là nguyên nhân khiến ta lúng túng, loay hoay, như đang thấy.

Do số phận, tôi thường gắn bó với Tây Nguyên, mà ở Tây Nguyên thì quan trọng nhất là rừng. Bây giờ thì ai cũng biết rồi: rừng Tây Nguyên đã bị tàn phá đến kiệt quệ. Có một câu hỏi: Đã kiệt quệ đến mức ấy, rừng Tây Nguyên còn có cơ tái sinh được không? Có người bảo nước mình nhiệt đới gió mùa khí hậu ẩm, miễn đừng tiếp tục phá nữa, triệt để đóng cửa rừng lại như Thủ tướng vừa ra lệnh, sẽ tái sinh được thôi. Tôi có đi hỏi ý kiến một chuyên gia lâm nghiệp hàng đầu, anh ấy hiểu rừng và cây cũng như ta hiểu xã hội và con người. Anh bảo tôi: “Anh ạ, trong rừng không phải cây nào cũng như cây nào đâu, có những cây bình thường, và có những cây nòng cốt. Trong nghề chúng tôi gọi như vậy, tức là tinh hoa của rừng. Nếu ta diệt hết những cây nòng cốt đi rồi, mất hết gen của cây nòng cốt rồi, thì rừng sẽ không tái sinh”. Ở Tây Nguyên lâu, tôi được biết những con người sống gần, đắm đuối với tự nhiên, thường được tự nhiên dạy cho đức minh triết im lặng mà sâu xa. Anh chuyên gia rừng bạn tôi im lặng hồi lâu, rồi chậm rãi, rất chậm rãi, anh nói tiếp, rất nhỏ, như thì thầm: “…Mà anh nghĩ xem, xã hội cũng thế thôi… Có khác đâu…”.

Trong tự nhiên cũng như trong xã hội, có một quy luật về mối quan hệ giữa tinh hoa và đại chúng, như vậy đấy.

Tôi có quen với một người làm lý luận văn học đang ở nước ngoài, cách đây mấy năm anh viết một bài có cái tên rất khiêu khích: Tính đại chúng: kẻ thù của văn học. Trong văn chương, có cái lối được gọi là “thậm xưng”, nghĩa nói quá lên đôi chút để nhấn mạnh hơn một ý đúng. Tên bài viết của anh bạn tôi vừa kể có phần thậm xưng, nhưng nó đã khiến ta giật mình về một điều sai mà vì ngại ngùng này khác bao nhiêu năm ta cứ nghiễm nhiên chấp nhận và để cho nó gây hại. Tôi đồng ý với anh ấy rằng đặt vế “Đại chúng” trong phương châm “Dân tộc, Khoa học, Đại chúng” cho văn hóa là không đúng. Nó đã khiến cho, trong suốt gần thế kỷ, về văn hóa, thay vì phải gắng nâng dần cái đại chúng lên hướng tinh hoa, ta lại ra sức kéo cái tinh hoa xuống tầm đại chúng. Một nền văn hóa, một xã hội không chăm lo xây dựng lớp tinh hoa cho mình, sẽ chìm dần xuống tầm thường và tàn lụi.

Có lẽ trong việc đặt thi môn triết vào đầu kỳ thi tú tài và ra những câu hỏi cật vấn đến cái cao cả trong con người cho những người sắp chính thức bước ra xã hội như những công dân độc lập và tự do như ta đã thấy ở Pháp, là họ tỏ rõ ý hướng đến cái tinh hoa tốt đẹp đó.

Tạo ra và gìn giữ những trí thức tinh hoa cho dân tộc, coi đó là mục tiêu lớn trong khi chăm lo cho số đông, để phục vụ cuộc phục hưng dân tộc sau chiến tranh và đổ nát, là nhiệm vụ của giáo dục.

Đừng quên.
————
 Nguồn: http://www.thesaigontimes.vn/156031/Dai-chung-hay-tinh-hoa.html

2 nhận xét: