Thứ Năm, 27 tháng 7, 2017

27/7 THƯƠNG NHỚ CHÚ VĂN, CHÚ CHỨC CỦA TÔI

VÔ CÙNG THƯƠNG TIẾC CÁC CHIẾN SĨ ĐÃ HY SINH 
VÌ LÝ TƯỞNG CAO ĐẸP

Ông bà nội tôi mất sớm để lại 4 người con, trong đó có 3 con trai, 1 con gái, anh em cách nhau đúng 2 tuổi . Nếu vể tuổi tác thì cha tôi là anh cả, nhưng về “lý tưởng CM đi theo Việt Minh” thì chú út tôi ( chú Vũ Văn tức Vũ Mạnh Bảo) là người đi tiên phong.  Ngày Tổng khởi nghĩa 19/8/1945 cả 4 anh em có chân trong Ban lãnh đạo cướp chính quyền huyện Phổ Yên ( Thái  Nguyên), chỉ huy đánh cướp đồn Chã lập chính quyền Việt Minh đổi tên phố Chã thành phố Việt Hùng, xã Tân Tiến, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.  Ít lâu sau cả 3 anh em trai đều thoát ly theo kháng chiến. Cha tôi lên chiến khu học trường Lục quân Trần Quốc Tuấn, chú Chức làm ở sở Liêm phóng Hà Nội . Ngày 11/10/1953 chú hy sinh trong trận Pháp oanh tạc thị xã Hòa Bình , nơi chú được cử đến công tác. Chú út Vũ Văn, tức Vũ Mạnh Bảo ra nhập quân đội chủ lực tận Khu 10 ( Đại đội 515, tiểu đoàn 72) tham gia chiến dịch Sông Lô 1947 và hy sinh ở Tam Nông Phú Thọ trong 1 trận đánh giữa quân ta và quân Pháp ngày17/2/1949. Chú Văn tôi lúc ấy là tiểu đội trưởng, 25 tuổi đời, chưa có gia đình . Chú Chức tôi có 1 vợ và 1 con nhỏ nhưng kháng chiến tản cư lưu lạc rồi cũng mất tích, sau này được báo tin là cả 2 mẹ con đã qua đời. Người em gái của cha tôi trong CM tháng 8 phụ trách đội nữ dân quân địa phương, cưỡi ngựa  đeo súng lục nổi tiếng 1 vùng . Sau vì các anh em thoát ly hết , cô tôi chấp nhận ở lại hậu phương chăm lo việc gia đình. Bà mất ngày 20/2/1952 vì bệnh, sau khi sinh được 1 con gái mới 1 tháng tuổi . Chính vì hoàn cảnh ly tán như vậy cộng với tình trạng thông tin liên lạc cực kỳ khó khăn thời ấy nên tin tức về việc 2 chú tôi hy sinh đến với cha tôi đều thất lạc. Phải sau 1954 hòa bình lập lại cha tôi từ chiến trường Nam Trung bộ tập kết ra Bắc thì 2 tờ “giấy báo tử ”của đơn vị 2 chú tôi  mới tới được tay cha tôi và phải 40 năm sau nữa 2 tấm bằng Liệt sĩ của Nhà nước có ghi tên 2 ông chú tôi mới được chuyển vào UBND Phường Bến Nghé. Q1. Tp,HCM ! Chính tay tôi ra nhận. Thật may, anh văn thư của Phường đã cố gắng lục lọi rất lâu mới phát hiện ra 2 tầm bằng Liệt  sĩ ấy đã được cho vào khung kính, nhưng lại lẫn lộn trong cả “1 đống”  “bằng Liệt sĩ đã lồng vào khung kính” chất đống trên nóc tủ đựng tài liệu ngay trong phòng làm việc của các quan chức Phường giữa trung tâm thành phố !!! (Chuyện chưa hết nhưng xin được tạm dừng ở đây)
Nhân ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7 bùi ngùi, cảm thương mà nhớ tới các chú của tôi …  
Các chú ơi ! Con thật có lỗi với gia đình !

3 nhận xét:

  1. Không biết bạn Trương Trác có còn nhớ: Khoảng cuối thập niên 80 thế kỷ trước, khi bạn còn công tác tại Bộ LĐ-XH tôi đã tìm đến bạn để hỏi thăm về vụ việc của 2 chú tôi. Và tôi tin bạn đã giúp đỡ vì sau đó mọi việc có vẻ tiến triển thuận lợi hơn . Chân thành cảm ơn bạn !

    Trả lờiXóa
  2. Hai chú tôi hy sinh đúng là "chẳng để lại gì trước lúc lên đường" (Thơ Lê Anh Xuân). May mắn thay là còn lại 2 tấm ảnh cỡ 4x6 đã ố vàng theo thời gian và không hiểu bằng cách nào lại trở về trong tay cha tôi sau đúng 9 năm họ chia tay nhau ngày Toàn quốc kháng chiến! Cha tôi giao lại cho tôi lưu giữ và anh bạn quay phim Nguyễn Đỗ Bình trong Cơ quan Thường trú THVN tại Tp.HCM đã nhiệt tình nhận nhiệm vụ truyền thần lại thành 2 chân dung để tôi lồng khung kính đặt lên ban thờ. Hôm 27/7 vừa đưa ảnh 2 chú tôi lên facebook, Đỗ Bình là người đọc và like đầu tiên. Thấm thoát thế mà đã 30 năm rồi !

    Trả lờiXóa