Thứ Tư, 25 tháng 3, 2015

Bất ngờ đọc bài báo ca ngợi ông Nông Đức Mạnh 14 năm trước .


Mấy ngày nay cả thế giới tiếc thương một nhân vật kiệt xuất của Châu Á là cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu vừa qua đời . Mõ bất ngờ nhặt được trên mạng bài viết cách đây 14 năm được đăng trên tờ Thời báo kinh tế Sài Gòn (TBKTSG ) số ra ngày 28/4/2001 ). Bài báo không ghi tên tác giả này đương nhiên là mang nội dung ngợi ca đồng chí Nông Đức Mạnh cựu CT Quốc Hội, cựu TBT Đảng CSVN . 14 năm rồi, giờ đọc lại thấy là lạ ...Chả nhẽ ...Thôi, để các cụ chỉ giáo. Mõ óc ngắn toàn nghĩ ngắn !
Từ người gánh củi trở thành Tổng Bí thư
   (Theo TBKT SG, 28/4/2001)

Một lần, trong cương vị Chủ tịch Quốc hội, ông Nông Đức Mạnh xuống xã Trà Bui, huyện Trà Mi (Quảng Nam – Đà Nẵng). Nhân dân đến gặp rất đông và hỏi xin… một cái ti vi. Trưa hôm ấy, ông không ngủ, đi đi lại lại trong phòng, trăn trở: “Mình là Chủ tịch Quốc hội, không thể quyết định cái cụ thể, nhưng không lẽ ước muốn đơn giản của bà con như thế mà không thực hiện được sao?”.
“Nhân tố Nông Đức Mạnh” đã được ông Vũ Ngọc Linh, nguyên Uỷ viên TƯ Đảng, phát hiện năm 1976. Điều này đã khiến ông Linh, dù nhiều năm không xuống Hà Nội, vẫn không hề bất ngờ về việc ông Mạnh được bầu làm Tổng Bí thư.
Một tấm gương mẫu mực

Thỉnh thoảng, ông Nông Đức Mạnh lại trở về quê hương Bắc Cạn, nơi từng có một bà chủ quán, nay đã mất, nhưng ông không thể nào quên. Ở Bắc Cạn, ai ai cũng có thể tự kiếm củi lấy, nhưng bà chủ quán đó đã mua củi giúp ông, nhờ đó ông có thể học hành.
Có lẽ, nhờ một tuổi thơ bươn chải như vậy mà theo nhận xét của ông Vũ Mão, Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội: “Lòng nhân hậu toát ra từ gương mặt anh Mạnh”. Chủ tịch Quốc hội trăn trở rất nhiều về những khó khăn của dân vùng sâu: “Giúp bà con nâng cao dân trí không phải chỉ bằng cách miễn thi cử cho họ 1-2 điểm, mà phải làm sao tạo điều kiện để họ tự vươn lên”. Ông nhắc lại hồi đi học ở Leningrad, một lần khi bài kiểm tra chỉ đạt điểm 4 (thay vì điểm 5), ông thầy giáo người Nga đã nặng lời với ông và yêu cầu về học lại. Lần sau, ông Mạnh thi được 5 điểm, thầy giáo nói: “Đây mới thực sự là anh!”.
Những người gần gũi với ông kể, ông luôn tìm cách giúp đỡ những người dân mà ông gặp, có khi kín đáo cho họ một ít tiền. Nhưng điều mà Chủ tịch Quốc hội tập trung tâm sức nhất để làm là giảm oan ức cho người dân. Tiến sĩ Phùng Huy Quách, Thư ký Kinh tế của Chủ tịch Nông Đức Mạnh cho biết: “Ông rất quan tâm đến các vấn đề kinh tế, trong ông luôn nung nấu một điều gì đó”. Ông thường nhắc nhở những người giúp việc bằng một kinh nghiệm mà ông gọi là “sai lầm” của chính ông: “Khi làm Trưởng ty Lâm nghiệp Bắc Thái, tôi đã để cho một lâm trường phá một khu rừng nứa để trồng bồ đề. Cứ nghĩ theo lý thuyết, rừng đại trà công nghiệp sẽ cho năng suất cao hơn, nhưng kết quả không như vậy. Việc này làm tôi ân hận mãi”.
Ông Vũ Ngọc Linh kể: “Chỉ sau hai khoá Đại hội Đảng, anh ấy trưởng thành từ một cán bộ cấp phòng lên Bí thư tỉnh uỷ, Uỷ viên dự khuyết TƯ. Nhưng thú thực, khi bàn giao chức Bí thư, tôi chưa nghĩ anh ấy sẽ đi xa như vậy. Chín năm trước, khi anh Mạnh làm Chủ tịch Quốc hội, cũng có nhiều người băn khoăn. TƯ đã phải bàn lại hai lần. Lúc ấy anh còn quá trẻ so với các đồng chí khác. Tôi đã cẩn thận theo dõi cách anh điều khiển Quốc hội khoá IX, thấy anh tiến lên rất nhanh. Sau Đại hội VIII, tôi tiếp tục theo dõi và bắt đầu nghĩ rằng, anh ấy rất có thể sẽ trở thành Tổng bí thư”.
------------------------
Nguồn :Tại đây

Chủ Nhật, 22 tháng 3, 2015

Chuyện cây Hà Nội và cây nhà mình

 Cây xanh trên núi Nùng vườn Bách Thảo ( Hà Nội )

Minh định viết 1 cái tùy bút nho nhỏ về những kỷ niệm với cây xanh Hà Nội thì bất ngờ thấy trên mạng có nhiều bài về đề tài này rồi . Cũng không phải vì  họ viết hay quá đến nỗi làm mình cụt cảm hứng, nhưng vì ...lười nên tạm dừng, coi như góp  tiếng thở dài tiếc thương hàng trăm cây cổ thụ HN đã bị bức tử và hàng ngàn cây khác số phận chưa biết thế nào ...
  • Nhưng không thể không nhắc đến kỷ niệm thời từ KHXTW ( Nam Ninh) về học Cấp 3 Chu Văn An ( 8H) cả Lớp đi trồng cây trên núi Nùng ( Bách Thảo ). Không nhớ ai phân công nhưng cứ 2 bạn một nam, một nữ làm một nhóm . Mình không nhớ đã cùng cô bạn thân nhất Lớp trồng được mấy cây ? Cây gì ? Nhưng không quên một cây trồng ngay trên đỉnh núi Nùng . Hình như mình và bạn ấy có nói với nhau câu gì đó, ấn tượng lắm. Không nhớ được, nhưng năm sau và 2,3 năm sau nữa anh lính thủy mỗi lần từ Hải Phòng lên Hà Nội đều ghé vào Bách Thảo lang thanh lên núi Nùng để thăm cái cây này . Thời gian đầu còn nhận được " cây của mình", sau thì ...chịu ! Cây lớn nhanh sao mà nhận ra ! Có lúc lẩn thẩn tưởng tượng cái cây có linh hồn. Mình không nhận ra cây, nhưng cây thì vẫn nhận ra người trồng . Người tìm cây ngơ ngác rồi bỏ đi. Cây cố vươn cành lá níu lại ...Tiếng gọi khẩn khoản của cây hòa trong tiếng gió xạc xào, bay đi . Nhưng chàng lính thủy đâu có nghe được tiếng cây... 
  • Năm kia (2013) mình ra Hà Nội, ở nhà cô em gái. Nghỉ hưu, cô em thành lập 1 tổ chức chuyên làm công việc từ thiện và huấn luyện người bệnh tự chăm sóc, chữa bệnh cho mình bằng phương pháp không sử dụng dược phẩm .Dip này mình quen với một người trẻ, tên Trịnh Thắng, từng tốt nghiệp BS ở VN (1996 ) và lấy bằng TS y tế cộng đồng chuyên ngành khoa học xã hội và hành vi của trường đại học Caronila  Hoa Kỳ (2007). Trịnh Thắng từng là Võ sư, tác giả của một loạt công trình nghiên cứu về lĩnh vực y tế, giáo dục và xã hội  . Anh là tác giả 3 cuốn  tiểu thuyết, 1 tập thơ trữ tình trừu tượng, một triển lãm cá nhân về hội họa - sắp đặt , sáng tác nhạc âm hưởng dân gian đương đại .Nổi bật nhất là Trịnh Thắng đã sáng tạo ra một " trường phái" mới, nghiên cứu và thực hành chữa bệnh không dùng thuốc, đặt tên chung là " Dịch Tâm Thể ". Năm 2013 NXB Lao động đã in của TS Trịnh Thắng công trình này. Sách  mang tên " Dịch Tâm Thể " . Nói dông dài để nói đến 1 chuyện cụ thể. Một bữa Trịnh Thắng đến nhà cô em tôi để huấn luyện võ cho khoảng chục nam nữ "môn sinh"- tất cả đều trong lứa tuổi thanh niên. Họ là sinh viên, cán bộ văn phòng. Họa sĩ, nghệ sĩ ... Riêng tôi được đặc cách Trịnh Thắng " bắt mạch ". Anh nhìn tôi nhận xét tôi không được khỏe ( Quả đúng vậy ). Anh bảo tôi ngồi tư thế ngồi thiền, nhắm mắt lai và trả lời một vài câu anh sẽ hỏi . ( Xin ghi vắn tăt ) 
          - Anh có thích trồng cây không ? Có quý các cây anh trồng không ?
          - Có. Tôi trồng cây cảnh trong vườn nhà .
          - Anh hãy nghĩ đến 1 cây mà anh thường hay chăm sóc nó vì quý nó nhất .
          - .............
          -  Cái cây ấy đang bị bệnh . Không biết bệnh gì, nhưng hình như gần đây anh không chú ý chăm sóc nó !!!
Cây thiên tuế nhà tôi khi bị bệnh.
 Tôi lặng thinh không trả lời đúng/sai. Nhưng trong bụng đã nghĩ đến cây thiên tuế tôi trồng trong vườn  nhà .( ảnh bên trái )
Trịnh Thắng thong thả nói  " Anh nên chăm sóc tưới tắm cho cây. đặc biệt diệt trừ những loài sâu bọ ăn bám vào cây ....Trước đây anh làm việc này thường xuyên lâu nay anh bỏ không nhìn ngó đến cây. Anh thấy trong người luôn bốc hỏa, tâm trạng đôi khi bất an, làm kém ăn kém ngủ  là có nguyên nhân này đây ! " . Lúc này tôi mới công nhận anh nói "trúng" . Tôi trồng nhiều cây trong khu vườn nhỏ trên một phần sân nhà, nhưng chú ý nhất là cây thiên tuế. SG có 2 mùa mưa và khô. Mùa mưa không có vấn đề gì, nhưng mùa khô thì quả thật lười tưới. Các cây đều kém xanh tốt. Riêng thiên tuế sâu bám đầy. Tôi đã bắt, lấy thuốc diệt muỗi, gián ra xịt nhưng không lại với bọn sâu này, chúng ăn lá  thật kinh khủng . Nghe tâm sự của tôi, Trịnh Thắng thân tình, nói : Em chắc bác biết, nhưng em vẫn cứ nói : Cây cối cũng có linh hồn do đó cây cối có thể "giao cảm" với con người . Bác nghe em, về nhà lần này bác phải đặc biệt chăm sóc cây thiên tuế. Cây sẽ hết bệnh, khỏe mạnh. Bác cũng sẽ khỏe mạnh và hết bệnh ! Nói rôi Trịnh Thắng hướng dẫn tôi vài "chiêu" thu năng lượng gì gì đó , song tôi nghĩ cần phải có nhiều thời giờ hơn nhờ anh huấn luyện và giàng giải. Nhìn Trịnh Thắng võ sư ra bài cho các môn đệ luyện công lực mà tôi thấy mình yếu ớt quá ! Dấy là chưa kể đến những vấn đề thuộc về tâm linh Thắng làm tôi kinh ngạc và thêm hứng thú tìm hiểu ... Chuyện này có dịp xin nói sau !
Tất nhiên về lại SG tôi đã ra sức chăm sóc cây thiên tuế. Một thời gian sau cây xanh tốt trở lại. Gặp mùa mưa lá xanh mướt. Cây mỗi ngày một lớn. Bản thân tự cảm thấy sức khỏe cũng ...tốt lên rõ rệt .
Nhưng cuối năm ngoái ( Năm âm lich ) cậu con trai thấy cái vườn tiểu cảnh không có người chăm sóc bèn thuê thợ phá đi . Lúc đó tôi vắng nhà. Về thì cây cối đã bị thợ nhổ lên cho hết vào xe ba gác đem đổ bỏ ! Bây giờ các bạn vào nhà tôi sẽ thấy cái sân gạch rộng ra, nhưng vườn tiểu cảnh thì không còn nữa rồi  !.
-------------------------------

 đường Phan đình Phùng (Q. Ba đình - Hà Nội )

Mời đọc bài tùy bút ""Hà Nội mùa vắng những cây xanh"

Thứ Năm, 19 tháng 3, 2015

Về câu đối tặng hoa hậu của GS Vũ Khiêu và bài thơ của Lý Bạch .

 Đầu năm mới Ất Mùi 2015, Hoa hậu Việt Nam 2014 Nguyễn Cao Kỳ Duyên và gia đình đã tới thăm và chúc Tết Anh hùng Lao động - Giáo sư Vũ Khiêu tại nhà riêng của ông, dịp vui này ông đã viết tặng hoa hậu Kỳ Duyên đôi câu đối  gây nhiều ý kiến trái chiều , nguyên văn như sau : "Trí như bạch tuyết tâm như ngọc/ Vân tưởng y thường hoa tưởng dung".
Giáo sư Vũ Khiêu, Hoa hậu Kỳ Duyên,
 Do vế sau của câu đối là nguyên văn câu thơ trong bài Thanh bình điệu ( gồm 3 kỳ ) nổi tiếng của Lý Bạch, nhà thơ đời Thịnh Đường (713 – 716) bên Trung Quốc nên Mõ chép về ( Cùng với chú giải điển tích của tác giả Hoàng Nguyên Chương ) để các cụ đọc cho vui .
  
 Lý Bạch (701-762)
          Đại thi hào đời Thịnh Đường (713 – 716)Trung Quốc.

       清 平 調
          Thanh bình điệu


  ( kỳ 1)
雲  想  衣  裳  花  想  容,
 Vân tưởng y thường hoa tưởng dung,
春  風  拂  檻  露  華  濃。
 Xuân phong phất hạm lộ hoa nùng
若  非  群  玉  山  頭  見
  Nhược phi Quần Ngọc sơn đầu kiến,
會  向  瑤  臺  月  下  逢
 Hội hướng Dao Đài nguyệt hạ phùng.

其二 (k 2)
一  枝  紅  艷  露  凝  香
Nhất chi hồng diễm lộ ngưng hương,
雲  雨  巫  山  枉  斷  腸。
Vân vũ Vu sơn uổng đoạn trường.
借  問  漢  宮  誰  得  似,
Tá vấnHán cung thuỳ đắc tự,
可  憐  飛  燕  倚  新  粧。
  Khả  liên  Phi  Yến  ỷ  tân  trang.
其三 (K 3)
名  花  傾  國  兩  相  歡
Danh hoa khuynh quốc lưỡng tương hoan,
長  得  君  王  帶  笑  看。
Trường đắc quân vương đới tiếu khan.
解  釋  春  風  無  限  恨,
  Giải thích xuân phong vô hạn hận,
沉  香  亭  北  倚  闌  幹。
 Trầm Hương đình bắc ỷ lan can.

*Dịch nghĩa:
  -Bài 1:
Mây tưởng là xiêm y, hoa tưởng là khuôn mặt
Gió xuân thổi qua hiên, mang hương tinh khiết của sương hoa.
Nếu như không gặp ở đầu non Quần Ngọc
Sẽ hẹn đến Dao Đài gặp dưới trăng.

Bài 2:
Một cành hồng đẹp đọng sương thơm.
Thần nữ mây mưa ở Vu Sơn  cũng tiếc đứt ruột
Thử hỏi khắp Hán cung  ai sánh được.
Đáng thương cho Phi Yến phải dựa vào màu xuân trang điểm.

Bài 3:
Danh hoa nghiêng nước cùng sánh đôi vui.
Luôn được quân vương nhìn ngắm tươi cười.
Gió xuân làm tiêu tan nỗi giận hờn vô kể
Khi cùng nhau ngồi tựa lan can nơi đình Trầm Hương phía bắc.
 *Dịch thơ:

          ĐIỆU HÁT THANH BÌNH                     (1)

Bài 1:

Mây tưởng xiêm y, hoa tưởng mặt
Gió xuân lả lướt , hoa sương giăng
Đầu non Quần Ngọc dù không thấy
Hẹn gặp Dao Đài mộng dưới trăng                   (2)

Bài 2:
Một cành hồng  đẹp đọng hương sương
Thần nữ non Vu cũng đoạn trường                  (3)
Thử hỏi Hán cung ai sánh được
Đáng thương Phi Yến mượn màu xuân.            (4)

Bài 3:
Sắc nước nghiêng thành hoa sánh đôi               (5)
Quân vương say đắm ngắm hoa cười
Gió xuân thổi hết bao hờn giận                           (6)
Đình Trầm phơi phới tựa hiên vui.                       (7)
                     *HOÀNG NGUYÊN CHƯƠNG dịch

-----------------------------------------
Chú thích :
1) Thanh bình điệu: Điệu hát thanh bình. Vào dịp mùa xuân, trăm hoa đua nở, Đường Minh Hoàng tổ chức thưởng hoa cùng Dương Quý Phi, nhà vua cho mời Lý Bạch đến làm thơ còn Lý Quy Niên thì phổ nhạc để hát khúc ca này. Tương truyền  Lý Bạch đã làm ba bài này trong lúc đang say rượu và khi làm xong  nhà thơ vẫn còn say.(Theo Thái Chân ngoại truyện).
    Bài thơ này sáng tác vào năm 743.
( Còn có người giải thích rõ hơn :  Thanh bình điệu là một điệu nhạc danh tiếng được mọi người ái mộ dưới đời Đường. Theo Nhạc sử, trong năm Thiên Bảo, khi Lý Bạch ở toà Hàn Lâm, trong cung mới bắt đầu trồng một loài hoa mẫu đơn rất quý, được gọi là mộc thược dược. Tại đình Trầm Hương, người ta trồng bốn loại quý nhất vừa mới tìm ra. Ngày hoa nở đầu tiên, Đường Minh Hoàng đưa Dương Quý Phi đến thưởng hoa. Ban nhạc do nhạc trưởng Lý Quý Niên điều khiển, toan cất tiếng hát, Đường Minh Hoàng ngăn lại và nói: "Thưởng danh hoa, đối phi tử, sao lại dùng những bài hát cũ?" Rồi Minh Hoàng truyền Lý Quý Niên cầm giấy hoa vàng đòi Lý Bạch đến, bảo Lý Bạch làm ngay ba bài Thanh bình điệu. Bấy giờ Lý Bạch còn say rượu (có nơi nói Dương Quý Phi phải phun nước lạnh vào mặt mới bàng hoàng tỉnh lại) liền vung bút viết ngay ba bài.

Giai thoại này còn thêm một biến cố nhỏ. Cũng trong thời gian được vua yêu chuộng, một hôm trong lúc say rượu, Lý Bạch đã đưa chân cho Cao lực sĩ tháo giày cũ thay giày mới vừa được vua ban sủng ái, Cao lực sĩ đành phải làm nhưng trong lòng căm giận, liền nhân bài hát này, dèm pha với Dương Quý Phi rằng Lý Bạch có ý ngạo mạn khi ví Dương Quý Phi với nàng Triệu Phi Yến (kỳ 2), một phi tần thất sủng của vua Thành Đế nhà Hán. Vì thế mà nhiều lần Minh Hoàng muốn phong quan chức cho Lý Bạch nhưng vẫn không thành, vì Dương Quý Phi cản trở. Lý Bạch không tiến thân được ở Trường An, phải xin vua trở về quê, rồi đi ngao du, vui với danh lam thắng cảnh của miền trung và nam Trung Hoa.

Thanh bình điệu quả là một bài thơ định mệnh. Được quân vương sủng ái, đãi ngộ như tân khách cũng nhờ nó, mà công thành dở dang cũng vì nó. Nhưng có lẽ tiền định cả. Trời cao đã không để cho Lý Bạch say men chính quyền hay nhẹ bước đường mây. Bắt Lý Bạch phải say rượu, say thú phong lưu, say văn chương thi phú, phải dang dở trên đường tiến thân, thì hậu thế mới được thưởng thức mấy ngàn bài thơ trác tuyệt, văn học sử Trung Hoa mới có nhà thơ tiên của vạn đời.)
2) Dao Đài: Đài bằng ngọc, còn gọi là Luân Đài. Theo truyền thuyết, đây là nơi ở của Tây Vương Mẫu.
3) Vân vũ Vu Sơn: Mây mưa ở núi Vu. Vu Sơn tiếp liên với núi Vu Giáp. Dưới chân núi Vu Giáp có đền thờ thần nữ.Theo truyền thuyết: vua Sở Tương Vương đến chơi ban ngày ở Cao Đường, lúc ngủ nhà vua mộng thấy mình ân ái với một người đẹp. Vua hỏi thì nàng thưa: Thiếp là thần nữ ở núi Vu Sơn đến chơi ở Cao Đường. Thiếp có bổn phận buổi sớm làm mây và buổi chiều làm mưa ở chốn Dương Đài. Do tích ấy, các từ : mây mưa, Vu Sơn, Vu Giáp.. có nghĩa bóng là chỉ việc chăn gối của  nam nữ.
     Hai câu: " Nhất chi hồng diễm lộ ngưng hương./Vân vũ Vu Sơn uổng đoạn trường" có ý muốn nói: Nàng Dương Quý Phi như một cành hồng đẹp phủ móc đọng hương khiến cho thần nữ mây mưa ở Vu Sơn cũng phải đứt ruột..    
4) Phi Yến: tên đầy đủ làTriệu Phi Yến, là hoàng hậu của Hán Thành Đế. Có nhan sắc và tài ca núa hơn người từ thuở nhỏ. Nhân Hán Thành Đế vi hành, thấy hai chị em học múa ở nhà Dương A liền đem về cung làm Tiệp Dư. Vua hết sức thương yêu Phi Yến nên dần dà đã phế hoàng hậu cũ để Phi Yến thay vào ngôi vị này. Trong hơn 10 năm, Phi Yến đã ra sức mê hoặc vua. Vì quá ham mê tửu sắc, vua đã mang bạo bệnh chết sớm. Hán Ai Đế tôn Phi Yến làm Hoàng Thái Hậu. Đến đời Bình Đế, Phi Yến bị phế xuống làm thứ nhân và nàng đã tự sát.
5) Danh hoa khuynh quốc: Danh hoa làm nghiêng nước. Trong một bài thơ của Lý Diên Niên làm để ca tụng người đẹp phương Bắc, có câu: “Nhất cố khuynh nhân thành, tái cố khuynh nhân quốc” (Nhìn qua khiến nghiêng thành của người, nhìn lại khiến nghiêng nước của người).Ý nói người rất đẹp, mỗi sóng mắt liếc của họ có thể làm cho nghiêng thành nghiêng nước. Ý này gần ngĩa tương đương với ý “Quốc sắc thiên hương” (Sắn nước hương trời).
6) Giải thích xuân phong vô hạn hận : Chúng tôi hiểu với nghĩa: Gió xuân làm tiêu tan nỗi giận hờn vô kể. Vì chữ hận đây có nghĩa là hờn giận chứ không hề có nghĩa là gió sầu hay người sầu gì cả. Vậy Đường Minh Hoàng và Dương Quý Phi có hờn giận nhau không? Căn cứ vào điển tích văn học để lại là có. Chuyện kể Dương Quí Phi lúc mới vào cung tính hay ghen, Đường Minh Hoàng tức giận đưa giam một nơi. Nhưng không lâu nhà vua nhớ quá sai Cao Lực Sĩ- một cận thần ra thăm. Dương Quý Phi cắt tóc gửi về dâng vua. Vua thấy tóc lại thương quá cho vời vào cung. Bỡi vậy trong bài thơ “Màu thời gian”, Đoàn Phú Tứ đã có hai câu thơ : “Tóc mây một món dao vàng./ Nghìn trùng e lệ phụng quân vương”...Lý Bạch là người cùng thời, biết rõ mối hờn giận này nên khéo đưa vào thơ một cách tinh tế.
              Mặc dù hết sức khéo léo nhưng bài thơ tuyệt tác trên đây cũng là một bài đã gây đại họa cho Lý Bạch. Nguyên  là có lần Lý Bạch say, vua Đường Minh Hoàng sai cao Lực Sĩ cởi giày cho ông. Cao Lực Sĩ tức giận về việc này nên rủ cả bọn dèm pha với Dương Quý Phi, cho rằng Lý Bạch dám cả gan ví nàng với Triệu Phi Yến, là có ý muốn nàng có tai tiếng và kết cục bi thảm như Phi Yến(xem chú thích Phi Yến) . Dương Quý Phi nghe lời bọn này nên đã tác động tới Đường Minh Hoàng, đuổi Lý Bạch ra khỏi triều không cho làm quan nữa.
  7) Đình Trần Hương: Ngôi đình làm bằng gỗ Trầm Hương, một loại gỗ quí có hương thơm, nằm ở cửa bắc hoàng thành, trước vườn hoa Ngự Uyển.

Thứ Ba, 17 tháng 3, 2015

Căng thẳng mãi , giờ nói chuyện thơ .

'Thơ tục' ở nơi thờ Phật hoàng Trần Nhân Tông

Bài thơ ca ngợi Dương Quý Phi với vẻ đẹp viên mãn và gợi dục sau một đêm được sủng ái xuất hiện tại chùa Vân Tiêu, Yên Tử - di tích gắn với Phật hoàng Trần Nhân Tông.

'Thơ tục' ở nơi thờ Phật hoàng Trần Nhân Tông
Chiếc bình được đặt ở tam bảo chùa Vân Tiêu, non thiêng Yên Tử và cận cảnh bài thơ nói chuyện mây mưa - Ảnh: Trần Dương
TS Trần Trọng Dương suýt nữa thì “ngất” trước những câu thơ của Lý Bạch trong bài Thanh Bình điệu, được chép trên một độc bình. Ngất, không phải vì thơ hay mà vì nó được đặt ở một nơi hoàn toàn không liên quan - tam bảo chùa Vân Tiêu, Yên Tử (Quảng Ninh). Trước đó nhiều năm, chùa Hỏa Tinh (Hà Nội) cũng có loại bình chép bài thơ này.
Ngàn đời còn nhớ
Theo TS Dương, Thanh Bình điệu là một trong những bài thơ tình nổi tiếng nhất trong lịch sử văn học Trung Hoa và thế giới. Chính Đường Minh Hoàng đã lệnh cho Lý Bạch làm bài thơ ca ngợi Dương Quý Phi. Bài thơ mô tả Dương Quý Phi với vẻ đẹp viên mãn và gợi dục như một đóa mẫu đơn ướt đẫm sương, sau một đêm được sủng ái. “Một áng văn chương sexy hết mực, đến nỗi nghìn đời sau còn nhớ đến”, TS Dương cho biết. Bài thơ này sau đó cũng được chép lên nhiều đồ gốm mỹ nghệ Giang Tây, như một sự quảng bá văn hóa Trung Hoa.
Một trong những sản phẩm đó - chiếc độc bình đã được mua và cúng tiến vào tam bảo chùa Vân Tiêu (Yên Tử). Trên bình, rành rành hai câu: “Nhất chi hồng diễm lộ ngưng hương/Vu sơn vân vũ uổng đoạn trường” (dịch nghĩa là: “Một nhành hồng thắm móc ngưng hương/Chuyện mây mưa ở Vu Sơn vốn đoạn trường”.

'Thơ tục' ở nơi thờ Phật hoàng Trần Nhân Tông - ảnh 2 Một bài thơ sex. Những câu thơ sex. Vu Sơn Vu Giáp là vị thần tình dục của Trung Hoa. Bây giờ chúng được đưa lên non thiêng Yên Tử thế này thì chết rồi 'Thơ tục' ở nơi thờ Phật hoàng Trần Nhân Tông - ảnh 3

TS Trần Trọng Dương

“Một bài thơ sex. Những câu thơ sex. Vu Sơn Vu Giáp là vị thần tình dục của Trung Hoa. Bây giờ chúng được đưa lên non thiêng Yên Tử thế này thì chết rồi. Đây là chính điện chùa Vân Tiêu - nơi Phật hoàng tu luyện. Cụ ngồi đỉnh Vân Tiêu, gửi chơi cánh diều. Cụ chơi diều chứ chơi gì những cái này”, TS Dương nói, không giấu nổi bức xúc.
“Đã Vu Sơn hoặc là đã vân vũ thì chắc chắn là liên quan đến chuyện trai gái rồi. Chắn chắn để ở chùa là không hợp rồi. Phải yêu cầu người quản lý ở đó đi học ngay chữ Hán”, một nhà nghiên cứu Hán Nôm nói sau khi bật cười vì chiếc bình “lạ” này.
“Một là nơi thờ Trần Nhân Tông sao lại ca ngợi Dương Quý Phi. Chưa kể, nếu về nghĩa thì không phù hợp với bối cảnh chùa chiền vì nó có nói chuyện ân ái. Nhanh và luôn là như thế”, một nhà nghiên cứu Hán Nôm khác nói.
Cứ thấy chữ Hán là cho vào di tích

'Thơ tục' ở nơi thờ Phật hoàng Trần Nhân Tông - ảnh 4 Phải rà soát lại các di tích, tránh tình trạng cứ thấy chữ Hán là cho bừa vào di tích. Người cung tiến không đọc được, nhưng nhà quản lý thì phải có cách nào để hiểu được và thấy nó không phù hợp chứ 'Thơ tục' ở nơi thờ Phật hoàng Trần Nhân Tông - ảnh 5

Một nhà nghiên cứu Hán Nôm

Việc những độc bình xuất hiện trong các di tích, ông Phạm Xuân Phúc, Phó chánh thanh tra Bộ VH-TT-DL, cho biết: “Số lọ xuất hiện rất nhiều. Chúng tôi đi thanh tra có di tích có đến hai chục cái lọ như thế. Chúng đều do người dân cúng tiến. Không phải lọ nào cũng có chữ, nhưng nếu có chữ nhiều khi người cúng tiến cũng không biết chữ đó nghĩa là gì”.
Về trường hợp này, ông Trần Thành, Phó cục trưởng Cục Di sản, khẳng định Cục sẽ xem xét xem cụ thể chiếc bình này đã được đưa vào di tích từ bao giờ. “Nếu đưa vào trong thời gian gần đây thì chắc chắn là trái luật rồi. Nó cũng chưa được sự đồng ý của cơ quan quản lý văn hóa vì nếu là di tích quốc gia thì phải có ý kiến của Bộ VH-TT-DL”, ông Thành nói.
Tuy nhiên, cũng có những trường hợp hiện vật lạ đã được đưa vào di tích trước khi xếp hạng, mà nhà quản lý lại không đủ điều kiện để thẩm định, rà soát. “Trước năm 2001, hồ sơ mang tính pháp lý là chính. Để có căn cứ pháp lý bảo vệ di tích của mình. Chứ còn từ 2001 có luật Di sản thì có yêu cầu kiểm kê di tích. Trong quá trình đó sẽ loại bỏ yếu tố không phù hợp với di tích được đưa vào trước khi xếp hạng”.
Tuy nhiên với trường hợp cụ thể này, chiếc bình sứ Giang Tây với những câu thơ Lý Bạch thật khó có thể là yếu tố gốc của di tích. “Nếu xuống thanh tra thì hoàn toàn có thể yêu cầu bỏ ra được. Nhất là những gì gây phản cảm cho di tích”, ông Trần Thành nói.
Theo nhiều nhà nghiên cứu Hán Nôm, tình trạng “loạn chữ” trong các di tích rất đáng báo động. Việc viết sai, viết nhầm rồi đặt nhầm chỗ như hai câu thơ Lý Bạch trên không khó tìm. “Phải rà soát lại các di tích, tránh tình trạng cứ thấy chữ Hán là cho bừa vào di tích. Người cung tiến không đọc được, nhưng nhà quản lý thì phải có cách nào để hiểu được và thấy nó không phù hợp chứ”, một nhà nghiên cứu Hán Nôm cho biết.
Trinh Nguyễn
------------------------------------------
Theo TNO .

TRUNG CỘNG BỊA ĐẶT BỈ ỔI :

“Tàu Việt Nam đầu hàng”. 

Lính Trường Sa phẫn nộ .

Thứ hai, 16/03/2015, 09:14 (GMT+7)
(Biển Đảo) - Khi bước vào cuộc chiến sinh tử ở Trường Sa năm 1988, lá cờ duy nhất mà Đại tá Vũ Huy Lễ và đồng đội mang theo trên tàu HQ505 là cờ Tổ quốc.
Khi nói về Hải chiến Trường Sa 1988, giới quân sự và truyền thông Trung Quốc một mặt ngang nhiên thừa nhận những hành vi dã man, vô nhân tính của mình đối với lực lượng Việt Nam tham gia bảo vệ chủ quyền hợp pháp.
Mặt khác, họ cũng trắng trợn đưa ra những thông tin, lập luận hoàn toàn sai sự thật, đổi trắng thay đen nhằm đánh lạc hướng dư luận quốc tế, bôi nhọ Việt Nam trong cuộc chiến anh dũng cách đây 27 năm.
Trong bài viết dưới đây, chúng tôi xin được dẫn lại ý kiến phản bác đanh thép của những nhân chứng quan trọng, những quân nhân Việt Nam đã từng trực tiếp tham gia Hải chiến Trường Sa, để phản bác một trong những luận điệu trơ tráo như vậy từ phía Trung Quốc.
Trung Quốc bịa đặt: “Tàu HQ505 giương cờ trắng đầu hàng”
Ai cũng biết, trong buổi sáng bi tráng 14/3/1988, tàu HQ505 của thuyền trưởng Vũ Huy Lễ nhận lệnh đến đảo Cô Lin để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ đảo.
6h30 sáng, sau khi tàu HQ 604 bị bắn chìm, tàu chiến Trung Quốc quay sang dùng pháo 100mm bắn dữ dội vào HQ505. Tàu bị trúng đạn, hỏng máy trôi ra xa, bốc cháy dữ dội.
Trong thời khắc sinh tử ấy, thuyền trưởng Vũ Huy Lễ đã có một quyết định sáng suốt: Dốc toàn lực sửa chữa máy, đưa tàu lên bãi cạn để giữ đảo, giữ tàu.
Con tàu trở thành một pháo đài khổng lồ, hiên ngang án ngữ lối lên đảo Cô Lin.
Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ và 9 đồng chí đã ở lại cùng tàu, kiên cường bám trụ, sẵn sàng chống trả mọi hành động xâm lược từ phía Trung Quốc, mãi gần 2 tháng sau mới rút về. Nhờ vậy, ta giữ được Cô Lin.
Thế nhưng, cuộc chiến đấu kiên cường, trước kẻ địch đông hơn nhiều lần, được trang bị mạnh và đầy dã tâm của tàu HQ505 lại bị các tướng lĩnh và giới truyền thông Trung Quốc xuyên tạc một cách bỉ ổi.
Một bài viết đăng trên trang Quân sự của Sina năm 2013 mô tả, khi bị pháo Trung Quốc bắn dồn dập, “thuyền trưởng Vũ Huy Lễ nhận thấy tình hình bất ổn bèn lựa chọn phương án… bỏ chạy.
…Trước sự tấn công dồn dập, tàu vận tải HQ505 bốc cháy 2/3, gần như trở thành một đống lửa lớn.
Vũ Huy Lễ bất đắc dĩ phải phất cờ trắng và tấp lên Đá Cô Lin, huy động công binh cứu hỏa. Bọn họ không còn tinh thần chiến đấu nữa”.
Tờ này còn bịa đặt rằng “chiều 14/3, tại hải vực gần Đá Cô Lin, “khi tàu vận tải HQ505 bốc cháy, mắc cạn trên Đá Cô Lin thì thuyền trưởng Vũ Huy Lễ chỉ biết đứng nhìn, nước mắt lưng tròng”.
Sina cũng không quên “tán dương sự độ lượng của Trung Quốc” (dù điều đó hoàn toàn khác xa thực tế) khi ngạo nghễ tuyên bố rằng “được sự cho phép của Trung Quốc, ông Vũ Huy Lễ chớp thời cơ giữ Đá Cô Lin.
Về sau, cũng dưới sự cho phép của Trung Quốc, hải quân Việt Nam mới điều tàu ra kéo HQ505 về Cam Ranh”.
Một bài viết khác của báo điện tử China.com đăng hồi năm 2007 cũng dùng những lời lẽ xảo trá để bôi nhọ hành động vệ quốc, giữ đảo anh dũng của Đại tá Vũ Huy Lễ cùng các chiến sĩ.
Tờ này viết: “9h đúng, tàu đổ bộ HQ505 của hải quân Việt Nam cuối cùng đã treo cờ trắng.
Tàu HQ505 do Trung Quốc viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam vào tháng 3/1974. 14 năm sau, những vật dụng trên tàu như bát đĩa, cốc trà, bàn ghế vẫn còn in hàng chữ ‘Hạm đội Nam Hải – Hải quân nhân dân Trung Quốc’.
Tuy nhiên, lá cờ trắng đầu hàng là của chính Việt Nam”.
“Lá cờ duy nhất HQ505 mang theo là cờ Tổ quốc”
Trao đổi với chúng tôi, Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Vũ Huy Lễ khẳng định những thông tin do phía Trung Quốc nói về việc tàu HQ505 giương cờ trắng đầu hàng là hoàn toàn bịa đặt.
Đại tá Lễ khẳng định, trên tàu khi đó không hề có lá cờ trắng nào. Lá cờ duy nhất mà ông và các đồng đội mang theo vào cuộc chiến sinh tử là cờ Tổ quốc.
Ông kể lại: “Khi nhìn sang Đá Gạc Ma, thấy Trung Quốc bắn đồng chí, đồng đội của mình, tôi đã huy động anh em trên tàu HQ505 vào vị trí và cho nhổ neo khẩn cấp để cơ động chiến đấu với Trung Quốc”.
Đại tá Lễ khẳng định không bao giờ có chuyện ông và các đồng đội bỏ chạy, dù chỉ là thoáng qua trong ý nghĩ.
Khi chúng tôi cơ động chiến đấu thì Trung Quốc cho 2 tàu pháo bắn xối xả sang phía chúng tôi khiến máy tàu hỏng, không hoạt động được nữa. Lúc đó, tàu bị trôi ra xa đảo”, ông nói.
Về vấn đề này, Đại úy Nguyễn Huy Cường – Nguyên Thuyền phó 2 tàu HQ505 khi đó rất bức xúc và khẳng định với chúng tôi: “Làm sao có thể có chuyện chúng tôi bỏ chạy và giương cờ trắng như vậy được. Đó hoàn toàn là lời xuyên tạc trắng trợn”.
Phỏng vấn các chiến sĩ trên tàu HQ505, con tàu mặc dù đã bị lính Trung Quốc bắn cháy vẫn lao lên đảo Cô Lin giữ đảo, khẳng định chủ quyền của Việt Nam. Ảnh: Báo Đà Nẵng
Phỏng vấn các chiến sĩ trên tàu HQ505, con tàu mặc dù đã bị lính Trung Quốc bắn cháy vẫn lao lên đảo Cô Lin giữ đảo, khẳng định chủ quyền của Việt Nam. Ảnh: Báo Đà Nẵng

“Làm sao có thể chỉ đứng nhìn rồi nước mắt lưng tròng…”
Bằng thái độ bình thản của một người đã từng vào sinh ra tử, quá quen với những mưu chước và tâm địa của kẻ thù, Đại tá Lễ khẳng định thông tin mà Sina mô tả về ông là “nước mắt lưng tròng, chỉ biết đứng nhìn khi tàu bốc cháy, mắc cạn trên Đá Cô Lin” cũng là bịa đặt.
“Khi lên đảo, tôi chắc chắn tàu không thể chìm được và lực lượng của mình không thể hi sinh hết được nên phải tổ chức chữa cháy để đảm bảo an toàn cho anh em và tàu không bị thiệt hại nặng.
Anh em tổ chức cứu chữa, băng bó cho thương binh nên làm sao có chuyện tôi đứng trơ ra mà nhìn. Lúc đó tôi đứng ra tổ chức triển khai nhiệm vụ tiếp theo của đơn vị.
Trong hoàn cảnh như thế, ý chí chiến đấu trong tôi cũng như những người lính khác rất mạnh mẽ thì làm sao có thể đứng nhìn rồi nước mắt lưng tròng được”.

Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ (người đeo quân hàm) và các chiến sĩ tàu HQ505. Ảnh tư liệu Quân chủng Hải quân
Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ (người đeo quân hàm) và các chiến sĩ tàu HQ505. Ảnh tư liệu Quân chủng Hải quân

Theo lời Đại tá Lễ thì cũng không có chuyện tàu HQ505 được “Trung Quốc viện trợ cho Việt Nam và đến năm 1988, khi tàu bị bắn phải lao lên Đá Cô Lin thì mọi vật dụng trên tàu đều mang chữ ‘Hải quân nhân dân Trung Quốc’…”
“Tàu HQ505 của chúng tôi là tàu vận tải đổ bộ loại LST của Mỹ được sản xuất từ năm 1944.
Tàu lớn, dài gần 100m, rộng khoảng 28m, được chúng tôi tiếp quản sau khi giải phóng miền Nam năm 1975. Sau khi đi học bên Liên Xô về năm 1982, tôi được giao làm Thuyền trưởng HQ505”, ông Lễ cho biết.

Sự độ lượng của Trung Quốc là thế này sao?
Tự nhận là “chính nghĩa”, “độ lượng”, trang Sina Trung Quốc viết rằng “Được sự cho phép của Trung Quốc, ông Vũ Huy Lễ chớp thời cơ giữ Đá Cô Lin…”
Thế nhưng, cũng chính trang này, khi đăng bài phỏng vấn Từ Hữu Pháp – Chính ủy tàu 531 Trung Quốc, một trong những con tàu hung hăng nhất trong việc bắn giết các chiến sĩ Việt Nam khi đó đã ghi lại lời Từ, rằng: “Mắc cạn cũng phải tiếp tục đánh.
Nếu không đánh tôi sợ sẽ có vấn đề về sau nếu như tàu Việt Nam vẫn còn khả năng di chuyển. Chúng tôi tiếp tục bắn, hỏa lực rất mạnh…”
Thậm chí, tàu Trung Quốc còn xả súng ác liệt vào những người lính Việt Nam tay không tấc sắt đang trôi dạt trên biển và những người đi tìm kiếm, cứu, vớt đồng đội.
Đại tá Lễ kể: “Sau khi tàu HQ505 đã ủi bãi thành công, nhìn sang bên đảo Gạc Ma thấy đồng chí, đồng đội nhấp nhô trên đảo và một số trôi dạt trên biển nên chúng tôi quyết định đưa xuồng máy đi cứu vớt anh em về.
Lúc đó, trong mình chỉ có một tình cảm đồng chí, đồng đội trào dâng. Anh em bị đánh như vậy, tàu thì chìm, bằng mọi giá mình phải cứu, vớt để giảm thương vong.
Khi đó, quân Trung Quốc dùng súng bắn chặn đầu nhằm cản trở việc cứu đồng đội của chúng tôi.
Một số anh em khi được cứu về đều nói rằng Trung Quốc đã dùng xuồng máy và dùng súng 12,7 ly bắn lính Việt Nam khi anh em trôi dạt nên nhiều người đã chết.
Vì như thế, anh em đã phải lặn xuống phía dưới những mảnh gỗ trôi nổi, nếu nhô đầu lên là bị bắn chết. Quân Trung Quốc ngày đó rất dã man”.
Có quy ước nào trong chiến tranh, hay quy ước nào trong lương tâm con người cho phép họ nhằm bắn vào những người không mang vũ khí, hoàn toàn không còn khả năng tự vệ. Thế nhưng, trong Hải chiến Trường Sa, lính Trung Quốc còn ra tay tàn bạo hơn thế.
Đại tá Nguyễn Văn Dân, nguyên phó tham mưu trưởng Vùng 4 Hải quân cho biết ngày 14/3/1988, ông đang ở trên tàu HQ614 từ đảo Đá Đông chạy đến Gạc Ma.
Khi tàu đến nơi thì trận chiến đã kết thúc. “Chúng tôi quay ra tìm kiếm anh em của ta nhưng tàu chiến Trung Quốc liên tục ngăn cản.
Lính Trung Quốc quá dã man! Họ dùng súng 37 ly, vốn chỉ dùng cho phòng không, hạ nòng xả vào chiến sĩ của ta đang trôi dạt trên biển không hề bắn trả. Họ còn nổ súng cản trở tàu ta làm nhiệm vụ cứu thương dù chúng tôi đã treo cờ chữ thập đỏ…”
Sự “độ lượng”, “chính nghĩa” trong Hải chiến Trường Sa mà báo Trung Quốc vẫn rao giảng mấy chục năm qua là thế này sao?

 HQ.505 - Tầu vận tải đổ bộ với các chiến sĩ Hải quân do thuyền trưởng Vũ Huy Lễ chỉ huy đã làm nên kỳ tích ở quần đảo Trường Sa 14/3/1988 . Trở thành tượng đài của Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam !

Chủ Nhật, 15 tháng 3, 2015

VƯƠNG NGHỊ RẤT LÁO : "BIỂN ĐÔNG LÀ SÂN NHÀ CỦA TRUNG QUỐC !"

RFI. 09-03-2015 15:12
( Trọng Nghĩa )

Trong một cuộc họp báo ngày 08/03/2015 tại Bắc Kinh, Ngoại trưởng Vương Nghị đã bác bỏ thẳng thừng những phản đối của nước khác về việc Trung Quốc đang đẩy mạnh các công trình bồi đắp đảo nhân tạo tại vùng quần đảo Trường Sa, nơi có tranh chấp với các láng giềng trong đó có Việt Nam. Ông Vương Nghị đã không ngần ngại khẳng định : Biển Đông là « nhà » và là « sân» của Trung Quốc.
Dựa theo câu hỏi của Tân Văn Xã (China News Service) - hãng tin chính thức thứ hai tại Trung Quốc sau Tân Hoa Xã - theo đó phải chăng là hoạt động bồi đắp các bãi đá và rạn san hô của Trung Quốc ở Biển Đông báo hiệu một sự thay đổi trong chính sách của Trung Quốc đối với Biển Đông và thậm chí đối với cả các láng giềng, ông Vương Nghị đã tại khẳng định là chính sách Trung Quốc không thay đổi.
Vấn đề là Ngoại trưởng Trung Quốc đã nhân dịp này đả kích các nước đã phản đối Trung Quốc và nói thẳng Bắc Kinh có quyền làm tất cả những gì mình muốn trong vùng lãnh thổ thuộc về mình. Giới quan sát đặc biệt ghi nhận lời khẳng định rằng khu vực đang xây dựng là « nhà » và « sân » của Trung Quốc.
Theo bản tin tiếng Anh trên trang web của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, ông Vương Nghị  nói nguyên văn Chúng tôi không giống như một số quốc gia khác đã xây dựng trái phép trong nhà của người khác. Và chúng tôi không chấp nhận những lời chỉ trích từ người khác khi mà chúng tôi chỉ xây dựng các cơ sở trên sân riêng của chúng tôi. »
Tuyên bố không úp mở của Ngoại trưởng Trung Quốc, tại một cuộc họp báo quốc tế, về quan điểm từng bị tố cáo là Bắc Kinh muốn biến Biển Đông thành ao nhà của mình, đã làm dấy lên nhiều chỉ trích. Trả lời phỏng vấn nhanh của RFI qua email, Giáo sư Thayer, chuyên gia tại Học viện Quốc phòng Úc. không che giấu thái độ sửng sốt trước một tuyên bố vừa « thô bạo - brazen », vừa « ngạo mạn - arrogant », vừa phản lịch sử vì chính Trung Quốc mới là nước chiếm đóng nhà của người khác.

Thayer : "Tôi vô cùng kinh ngạc khi đọc thấy ý kiến của Ngoại trưởng (Trung Quốc). Đưa ra (vài hôm) trước ngày kỷ niệm 27 năm cuộc tấn công của Hải quân Trung Quốc vào tàu hậu cần Việt Nam ở khu vực quanh Đá Gạc Ma (Johnson South Reef) ngày 14 tháng 3 năm 1988. Nhận xét của ông Vương Nghị vừa thô bạo, vừa ngạo mạn.
Cần phải nhớ lại rằng, vào thời điểm đó, không có sự hiện diện của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa. Hành động của Trung Quốc tấn công và tàn sát 64 thủy thủ Việt Nam phải bị coi là một hành vi xâm lược trắng trợn nhưng lại không bị cộng đồng quốc tế trừng phạt. Tàu chiến Trung Quốc khi ấy đã được phái đến nơi cùng với một hạm đội nhỏ mà nhiệm vụ trên danh nghĩa là thiết lập một trạm quan sát nhân danh Ủy ban Liên chính phủ về Hải dương học của UNESCO.
Sau trận hải chiến, Trung Quốc bắt đầu chiếm đóng các rạn san hô và bãi ngầm khác trong quần đảo Trường Sa, một hành động được tiếp tục cho đến ngày nay. Có tin là chỉ huy của đội tàu Trung Quốc đã bị khiển trách vì sử dụng võ lực mà không được lệnh. Tuy nhiên, Trung Quốc đã hoàn toàn sẵn sàng khẳng định chủ quyền trên các thực thể mà họ đã chiếm bằng vũ lực, vi phạm luật lệ quốc tế. Trong thực tế, Trung Quốc đã chiếm « nhà của người khác ».
Tuyên bố của ông Vương Nghị là một ví dụ về việc Trung Quốc sử dụng chiến tranh thông tin nhằm bóp méo sự thật lịch sử và luật pháp quốc tế".

RFI : Đây có phải là lần đầu tiên mà một quan chức Trung Quốc cao cấp như vậy cho rằng Biển Đông là « nhà » và « sân » - hay nói cách khác là « ao nhà » - của Trung Quốc ?
Thayer : "Nếu tôi nhớ không lầm thì đây là lần đầu tiên Trung Quốc mô tả các thực thể địa lý ở Biển Đông như là « nhà » của họ. Cách dùng từ ngữ này cho thấy là Trung Quốc đã leo thang trong hành động biện minh cho các hành động của họ, chuyển từ việc khẳng định « chủ quyền lịch sử » đối với các đảo và « vùng biển tiếp giáp », sang việc tuyên bố quyền sở hữu không hơn không kém đối với với các thực thể như đảo đá, rạn san hô hay các bãi ngầm khác".

RFI : Với kiểu khẳng định như kể trên, liệu Trung Quốc có sẽ chủ động hơn trong các cuộc đàm phán về Bộ Quy tắc Ứng xử tại Biển Đông COC với ASEAN hay không ? Bởi vì điều đó có nghĩa chấp nhận « luật nước ngoài » trên sân riêng của mình ?
Thayer : "Dĩ nhiên Trung Quốc sẽ tiếp tục lôi kéo ASEAN vào một chuỗi các cuộc đàm phán vô tận về một Bộ Quy tắc Ứng xử. Trung Quốc vẫn khăng khăng cho rằng Bản Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) phải được thực hiện tốt theo như ý của Bắc Kinh trước đã. (Có điều) là Bản Hướng dẫn thực thi DOC đã được thông qua từ 4 năm rồi, nhưng chưa hề có một hoạt động hợp tác nào được chấp thuận hay bắt đầu.
Lời lẽ thô bạo của Ngoại trưởng Trung Quốc là nhằm mục đích cô lập Philippines và Việt Nam, và hù dọa các thành viên ASEAN khác để buộc họ phục tùng. Trung Quốc hy vọng là các thành viên « nhút nhát hay lo » của ASEAN sẽ khuyên nhủ là phải tự kiềm chế, và việc tham khảo sẽ tiếp tục bất tận.
Thời gian đang đứng về phía Trung Quốc, với từng gàu cát lấy từ biển lên cho phép họ mở rộng diện tích các đảo nhân tạo và tăng cường năng lực kiểm soát – và cưỡng chế nếu cần - của Trung Quốc. Trung Quốc đang thay đổi « thực tế trên hiện trường », qua đó làm cho bất kỳ quyết định nào của Tòa án Trọng tài về đơn kiện của Philippines trở nên vô nghĩa".

Thứ Ba, 10 tháng 3, 2015

LÊN BẢO LỘC LÀM KHÁCH CỦA CỤ BÀ NGÔ HÀ


Nhận lời mời của "Bà cố" Ngô Hoàng Hà (K3) LSQL - Nữ chủ nhân "Ngô Gia Sơn Trang", một trang trại nằm bên hồ Nam Phương, chúng tôi gồm 8 người : 4 cụ ông, 4 "cụ" bà ( trong đó có 2 cặp đôi hoàn hảo), được bạn đón tiếp thân tình : Đêm lửa trại ăn rau, quả rừng và các món "đồng quê" ngô khoai sắn tự nướng và không thể thiếu ..HÒ HÁT ! Những bài hát từ trên nửa thế kỷ trước chúng ta đã cùng nhau hát, gợi bao kỷ niệm thời sống với nhau ở chiến khu Việt Bắc trước khi ra nước ngoài học tập. 


Một bạn nữ khác- TS Đặng Nguyệt Ánh từ HN biết tin đã kịp thời gửi "chuyển phát nhanh" quà Tết còn nóng hổi không khí Tết thủ đô. Cụ Nhật Lệ cẩn thận đem từ SG lên, trước mặt đông đủ bạn bè cụ mới chịu mở ...( Ảnh trên)
Chuyến thăm Khu du lịch Dămbri khiến không ít người bất ngờ : 20 năm trước, chính chủ nhân "Ngô Gia Sơn Trang"( KS Ngô Hoàng Hà) là người đầu tiên chỉ huy một đơn vị thi công " khai sơn phá thạch" mở đường vào ngọn thác hoang sơ mang tên Dambri giữa đại ngàn. KS Ngô Hà lăn lộn với công trình này nhiều năm- từ thời 2 cô con gái xinh đẹp của người mẹ đơn chiếc này chưa lập gia đình, đến nay Ngô Hà đã lên chức "bà cố"- nhiều đồng bào người dân tộc vẫn còn nhớ tên chị bởi họ từng gọi thác này là " Thác Bà Hà " !!!  .
Bây giờ nơi này đã trở thành một khu du lịch bề thế mang tên Dambri. Không chỉ có ngọn thác đẹp dịu dàng và thơ mộng như suối tóc nàng H'Bi trong huyền thoại mà còn có nhiều  khu giải trí với nhiều trò chơi hiện đại không kém ở thành phố ! Vui đấy, buồn đấy : còn đâu cánh rừng đại ngàn ...Còn đâu cái hoang sơ hùng vĩ của ngọn thác cao gần trăm mét từ trên trời ào ào quanh năm đổ xuống địa đàng ! Lại chợt nhớ năm ấy nhóm LSQL Sài Gòn chúng tôi được KS Ngô Hà mời lên tham quan công trình. Chúng tôi phải vất vả lần từng bước theo các mỏn đá đầy rêu để xuống tận đáy thác .
Ít lâu sau HS Phạm Đỗ Đồng sáng tác bức sơn dầu có Ngô Hà đứng hiên ngang, phía sau là thác Dambri tuôn trào . Tôi không biết vẽ nhưng nhìn tranh Đỗ Đồng tôi nghĩ ngay đến bà bạn gái cá tính, khoái nghe và khoái nói chuyện tếu . Tôi tặng Ngô Hà bài thơ " Vịnh thác bà Hà ", lâu rồi quên, hình như nó thế này : 
Khen ai khéo vẽ thác Bà Hà
Nước ở đâu mà chẩy quá ta !
Khe sâu cá lội rêu xanh đá
Quên cả Na mô a di đà !

Hình như cũng thời gian ấy Ngô Hà manh nha ý định mua đất làm trang trại .
Lại có lần tôi , Minh Đức và vợ chồng Huyền Đồng lên chơi, thấy còn là một vườn chè với cả chuồng heo chuồng vịt . Ngô Hà vẫn với tác phong của dân chỉ huy công trường, quần bò, mũ rộng vành hò hét "gia đinh" ỏm tỏi . Cánh đàn ông nháy nhau tán  : Trông cậu cứ như nàng Stephanie Harper trong phim Trở về Eden ý ! Nàng hơi đỏ mặt  văng một phát : Vườn để cỏ mọc xanh rì mà đếch có thằng nào rờ tới đó !
Thấm thoát đã gần 2 thập kỷ . Chúng ta đều cùng già . Mà có lẽ cùng già nên đi với nhau cứ ngỡ mình đều còn ...trẻ !  

Một số hình ảnh 


Lửa trại
Món ăn dân dã
Biểu tượng của Khu Du lịch Dambri
i thác Dambri
KỳGai và Calathau
Bà cố xì tin !

Cuộc thi " Ai giống khỉ nhất ?"

"Bà cố" Ngô Hà giới thiệu những loài hoa trái vườn nhà mang giống từ xứ Bắc vô :
Bưởi, nhót, vả, sấu, sung, lộc vừng, hoàng lan  ....

Vợ chồng Trần Kháng Chiến tạo dáng" buổi sáng dưới hàng thông "

Ngô Hà và vợ chồng Nguyễn Khinh
 Anh Lớp 5 và 2 em Lớp 3

Từ phải sang Bích Ánh ( Lớp 3- Con gái bác Đinh Đăng Định)
Phu nhân TKC và phu nhân Nguyễn Khinh

KS cầu đường Ngô Hà và các "chàng trai" liên quan đến nghề cầu đường hầm cống !

Những bông hồng trong Ngô Gia Sơn Trang



Từ trái qua : Kháng Chiến, Nhật Lệ, Bích Ánh, Nguyễn Khinh và phu nhân, 
Công Kỳ, Vinh em Ngô Hà, Quang Trung
Hàng ngồi :  Hà ( vợ Chiến ) và Ngô Hà (nongsanphu)

Thứ Hai, 9 tháng 3, 2015

Hà Nội ta lắm cái ...lạ !

Đã có " đường cong mềm mại" nay lại có  "Cướp...có văn hóa" !(NLĐO) 

Mới đây, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phan Đăng Long cho rằng tục cướp lộc ở Đền Gióng là "cướp có văn hóa", và việc báo chí đăng những hình ảnh hỗn loạn từ các lễ hội năm trước gây hiểu nhầm trong dư luận.


Ông Phan Đăng Long - Phó Trưởng ban tuyên giáo thành ủy Hà Nội
Trông mặt mà bắt hình dong : Ông Phó trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy HN Phan Đăng Long cho rằng cướp lộc ở lễ hội Đền Gióng là "cướp có văn hóa"

Tại buổi giao ban báo chí chiều 3-3, ông Phan Đăng Long, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, cho biết trong lễ hội Gióng (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) có tục cướp lộc thánh, cướp giò hoa tre và người xưa quan niệm ai cướp được sẽ gặp may mắn cả năm.
Vị Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cũng cho hay theo báo cáo chính thức của UBND huyện Sóc Sơn gửi TP Hà Nội thì chưa năm nào lễ hội Gióng lại thành công và an toàn, trật tự như năm nay.
Về những hình ảnh xô xát khi cướp lộc tại hội Gióng được báo chí đăng tải, Phó trưởng Ban tuyên giáo cho biết các cơ quan chức năng của thành phố đã tìm hiểu và khẳng định không có chuyện đánh nhau để cướp lộc tại hội Gióng. Cũng theo ông Long, một số cơ quan truyền thông đã đăng tải những hình ảnh hỗn loạn từ các lễ hội năm trước, gây hiểu nhầm trong dư luận.
Bàn thêm về ý nghĩa của lễ hội này, ông Phan Đăng Long nhấn mạnh không nên hiểu từ “cướp lộc” ở lễ hội Gióng với nghĩa “cướp giật”. “Từ cướp ở đây phải đặt trong ngoặc kép, là “cướp” có văn hóa. Nhiều người bảo tại sao không phát lộc kiểu như phát ấn đền Trần. Vấn đề ở đây là phải “cướp”, có sự cố gắng, có dấu ấn cá nhân chứ không phải tự nhiên lộc thánh đến với mình” - ông Long lý giải.
Trước đó, sáng 24-2, tại Lễ hội đền Gióng, khi kiệu giò hoa tre vừa vào đền Thượng, hàng chục thanh niên lao đến giằng xé, xô đẩy nhau để cướp lộc tạo nên cảnh hỗn loạn trên sân đền. Có thông tin cho rằng một số thanh niên mặc lễ phục hộ tống đã cầm thanh tre vụt vào đám đông.

Cảnh cướp lộc ở lễ hội đền Gióng - Ảnh: Nguyễn Hưởng
Đây là cảnh cướp (lộc) có VĂM HÓA ở lễ hội đền Gióng ?- Ảnh: Nguyễn Hưởng

--------------------------------
Mõ xin có ý kiến : Hà Nội nên khẩn trương cách chức thằng cha văn hóa lùn này đi !
Từ cổ chí kim, chữ CƯỚP luôn bao hàm nghĩa xấu tồi tệ nhất mà không một xã hội nào chấp nhận. Có đủ dạng cướp trong cuộc đời: Cướp của, cướp công, cướp nước… Thế nhưng, đây là lần đầu tiên có một cách “định nghĩa” bất chấp mọi quy tắc ngữ nghĩa, coi thường sự thật, và mỉa mai cái từ “văn hóa” một cách… “phi thường”!
Chữ VĂN trong văn hóa, văn hiến viết theo lối xưa có nghĩa là ĐẸP. Làm sao có thể coi cái sự cướp là đẹp  khi hàng chục cái gậy tre vung lên, là chen lấn hỗn tạp, là bươu đầu, mẻ trán, là máu đổ, giẫm đạp?
Có hàng trăm cách định nghĩa chữ văn hóa – culture mà cách định nghĩa được nhiều người chấp nhận là của UNESCO: “Văn hóa là hệ thống tổng thể những giá trị biểu trưng (signal = ký hiệu, tín hiệu; người Việt đã việt hóa từ này, ví dụ "đèn xi nhan"), quy định cách ứng xử, thái độ giao tiếp của một cộng đồng và, làm cho cộng đồng đó có đặc thù riêng”.
Như vậy, một khi văn hóa là cách ứng xử, thái độ giao tiếp của một cộng đồng, của một dân tộc thì không bao giờ có “văn hóa cướp”. Chẳng có người Việt Nam nào nghĩ rằng cái đặc thù riêng của dân tộc mình là… cướp. Mặt khác, khi đã ‘lạc’ vào cái mê cung “cướp có văn hóa” thì bất kỳ ai cũng có thể “định nghĩa” tiếp – tương tự, chẳng hạn “tham nhũng có văn hóa”, “ăn cắp có văn hóa”…
Cách bao biện của quan chức trên là không thể chấp nhận. Lẽ ra, khi nhìn thấy cả một rừng gậy tre đầy hăm dọa, bạo lực mà Lễ hội Thánh Gióng có rất nhiều; thậm chí đã là tinh thần chủ đạo của một áng văn bất hủ của Thép Mới: “Gậy tre, chông tre chống lại sắt thép của quân thù. Tre xông vào xe tăng đại bác. Tre giữ làng giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín. Tre “hy sinh” để bảo vệ con người. Tre là tất cả. Tre là vũ khí”.
Tại sao quan chức trên không nghĩ rằng dùng gậy tre để mở, dọn đường cướp lộc là sự phi văn hóa vì nó cổ súy cho bạo lực lên ngôi, nó chà đạp lên tính chất thiêng liêng của lễ hội, nó biến con người trở thành một loại thú nào đó khi tranh cướp sự sống còn?
Quan chức trên còn đi xa hơn khi ông cho rằng lộc không thể tự đến với mình mà phải tranh, phải cướp mới linh thiêng(?) Thiếu gì cách để chứng tỏ cái lẽ tự mình? Chẳng hạn, nếu chia “lộc” thành 10 hay 20 phần; sau khi rước, tổ chức một cuộc thi chạy ‘marathons’ ngắn khoảng một đến vài ngàn mét, những người về nhất sẽ nhận được phần thưởng là lộc đó thì làm sao có máu đổ, áo rách, mặt mày thâm tím, mắt vằn đỏ, lộc tả tơi?
Một đất nước có đến 8.000 lễ hội một năm thì phải tự hiểu rằng cái đẹp đâu chưa thấy nhưng lãng phí thời gian, tiền bạc, công sức để đổ vào những cuộc vui chơi là sự “biết” nhãn tiền.
Đền Gióng hay Đền Trần mà cứ NGHĨ cách để kiếm tiền thì chắc chắn đó là sự tầm thường hóa mọi truyền thống tốt đẹp của cha ông. Chẳng lẽ dung tục hóa mọi cái thiêng liêng, đong đếm cả những điều không thể đong đếm được trong trái tim, tâm hồn lại là… văn hóa sao?
Hà Văn Thịnh
( Một Thế Giới )



Một cái nhìn lạc quan về Việt Nam

Việt Nam đưa các nước ASEAN khác lên bản đồ như thế nào .

Bao gồm những cái nhìn mới mẻ từ những thành viên đóng góp nổi bật trên tờ The Hufffington Post (Canada)

Daniel D. Veniez . 
(Giám đốc doanh nghiệp Entrepreneur and Corporate Director)

Trong 20 năm qua, Việt Nam đã thoát ra khỏi sự tàn phá của chiến tranh để trở thành một đất nước mà một vài nhà quan sát nổi tiếng đã gọi là “Con hổ Châu Á mới”. Việt Nam đang nổi lên như một cột trụ kinh tế và địa chiến lược góp phần cho sự ổn định của các nước Đông Nam Á.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng chính là người kiến trúc sư trưởng đứng đằng sau sự chuyển biến sâu rộng và đang tiếp diễn của Việt Nam. Bởi vậy, ông ngày càng được biết đến với tư cách một chính khách cao cấp – hay “Người đứng đầu trong những người đồng cấp” – trong các quốc gia ASEAN.
Trên tờ “The Diplomat” tuần này, Julio S. Amador III và Jeremie P. Credo đã quan sát thấy rằng trong việc đối mặt với các điểm nóng khu vực, Việt Nam đã sử dụng cả cách tiếp cận quyền lực mềm và quyền lực cứng. Việt Nam đã củng cổ sự hiện diện về mặt quân sự và phi quân sự tại các vùng biển tranh chấp trên Biển Đông. Việt Nam lựa chọn giải pháp ngoại giao chủ động, quốc tế hóa vấn đề để tìm kiếm sự ủng hộ của các quốc gia khác. Ngoài ra, Việt Nam cũng nâng tầm và củng cố các mối quan hệ song phương đối với các đối tác chiến lược.
Dự báo cho Việt Nam là rất tích cực. Đầu tư nước ngoài tăng, lạm phát được kiểm soát tốt, nền kinh tế đang dần mở cửa, sự trì trệ quan liêu đang dần bị dẹp bỏ, nạn tham những đang được khắc phục, và hàng trăm doanh nghiệp nhà nước đang được tái cơ cấu hoặc rao bán. Tất cả những điều này rõ ràng giúp nâng cao sự tự tin của nhà đầu tư vào Việt Nam.
Sự lãnh đạo và tự do hóa thương mại của Việt Nam đang có một ảnh hưởng tích cực đến các nước còn lại trong khối ASEAN. Khu vực ASEAN đang nằm trong tầm ngắm của các nhà đầu tư tìm kiếm các cơ hội phát triển đa dạng hơn, đặc biệt để đối phó với việc các thị trường hàng hóa yếu và nền chính trị bất ổn ở Châu Âu, Trung Đông và một số khu vực ở Châu Phi.
Ngân hàng Standard Chartered ở London gần đây đã đưa ra báo cáo về đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đang tăng với một trong những tốc độ tăng trưởng cao nhất trong số các nước ASEAN. GDP đã tăng 5,98% trong năm 2014, và lạm phát đã bình ổn ở mức khoảng 3%, cải thiện đáng kể so với mức 18% đã đe dọa đến triển vọng phát triển của Việt Nam trong năm 2011.
Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2007. Sự kiện này đã giúp cho đất nước mở cửa với buôn bán, đầu tư và thương mại, điều mà Việt Nam chưa từng trải qua trước đó. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đóng vai trò chủ chốt trong quá trình thương thảo việc Việt Nam gia nhập WTO, và chính phủ của ông ngày nay đang thương lượng 6 thỏa thuận thương mại tự do, bao gồm thỏa thuận với Cộng đồng chung Châu Âu, Đối tác xuyên Thái Bình Dương, và Liên minh Hải quan.
Việc tự do hóa thương mại là không thể rút lại được. Tuần vừa qua tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói “Các thỏa thuận thương mại yêu cầu chúng ta phải cởi mở hơn, do đó thị trường của chúng ta phải trở nên năng động và hiệu quả hơn. Chúng ta phải xây dựng một khung pháp lý minh bạch hơn để đảm bảo sự linh hoạt và phù hợp với các thông lệ quốc tế trong thị trường địa phương”.
Các nhà phân tích dường như cũng đồng ý với nhận định này. Trong một phân tích toàn diện được xuất bản tháng này, Công ty Kiểm toán PwC dự báo viễn cảnh kinh tế thế giới vào năm 2050. Theo PwC, nền kinh tế thế giới được dự đoán là sẽ tăng trưởng với tốc độ trung bình chỉ khoảng hơn 3% một năm từ giờ cho đến năm 2050, tăng gấp đôi về kích cỡ vào năm 2032 và gần như tăng gấp đôi một lần nữa vào năm 2050. Việt Nam được dự báo là sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 19 trên thế giới. Trong khi đó, Canada, một nước G8, được dự đoán là đứng ở vị trí thứ 17, chỉ trên Việt Nam 2 bậc.
Đây là “chủ nghĩa cộng sản” thế kỷ 21 dành cho các bạn – một sự pha trộn chuyển đổi hệ thuyết, có ảnh hưởng mạnh đến trí óc giữa chủ nghĩa tư bản không ràng buộc và nới lỏng quản lý nhà nước.
Tính thiếu kiên nhẫn đôi khi là một đức tính tốt. Nó thúc đẩy sự thay đổi. Nhưng thậm chí việc chuyển đổi khá nổi bật ở Việt Nam cũng là chưa đủ nhanh với một số người. Thách thức còn lại của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là hoàn thiện một mức cân bằng giữa tốc độ tự do hóa kinh tế, đổi mới thể chế, và ổn định chính trị. Hành động cân bằng thận trọng đó chắc chắn sẽ làm mất lòng nhiều nhà phê bình tin rằng Thủ tướng đang đi quá nhanh hay quá chậm.
Đồng tiền thông minh đã được đặt cược đều đặn và ngày càng tăng vào sự đúng đắn của hướng đi và sự lãnh đạo của Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Nó đã và đang dẫn tới tăng trưởng kinh tế, sự thịnh vượng mới, và ổn định chính trị ở Việt Nam và toàn bộ khu vực. Thủ tướng không còn là người ngoài cuộc đứng nhìn mà đang được công nhận là một chính khách cao cấp không thể thay thế được tại một khu vực sống còn của thế giới.