Chủ Nhật, 22 tháng 3, 2015

Chuyện cây Hà Nội và cây nhà mình

 Cây xanh trên núi Nùng vườn Bách Thảo ( Hà Nội )

Minh định viết 1 cái tùy bút nho nhỏ về những kỷ niệm với cây xanh Hà Nội thì bất ngờ thấy trên mạng có nhiều bài về đề tài này rồi . Cũng không phải vì  họ viết hay quá đến nỗi làm mình cụt cảm hứng, nhưng vì ...lười nên tạm dừng, coi như góp  tiếng thở dài tiếc thương hàng trăm cây cổ thụ HN đã bị bức tử và hàng ngàn cây khác số phận chưa biết thế nào ...
  • Nhưng không thể không nhắc đến kỷ niệm thời từ KHXTW ( Nam Ninh) về học Cấp 3 Chu Văn An ( 8H) cả Lớp đi trồng cây trên núi Nùng ( Bách Thảo ). Không nhớ ai phân công nhưng cứ 2 bạn một nam, một nữ làm một nhóm . Mình không nhớ đã cùng cô bạn thân nhất Lớp trồng được mấy cây ? Cây gì ? Nhưng không quên một cây trồng ngay trên đỉnh núi Nùng . Hình như mình và bạn ấy có nói với nhau câu gì đó, ấn tượng lắm. Không nhớ được, nhưng năm sau và 2,3 năm sau nữa anh lính thủy mỗi lần từ Hải Phòng lên Hà Nội đều ghé vào Bách Thảo lang thanh lên núi Nùng để thăm cái cây này . Thời gian đầu còn nhận được " cây của mình", sau thì ...chịu ! Cây lớn nhanh sao mà nhận ra ! Có lúc lẩn thẩn tưởng tượng cái cây có linh hồn. Mình không nhận ra cây, nhưng cây thì vẫn nhận ra người trồng . Người tìm cây ngơ ngác rồi bỏ đi. Cây cố vươn cành lá níu lại ...Tiếng gọi khẩn khoản của cây hòa trong tiếng gió xạc xào, bay đi . Nhưng chàng lính thủy đâu có nghe được tiếng cây... 
  • Năm kia (2013) mình ra Hà Nội, ở nhà cô em gái. Nghỉ hưu, cô em thành lập 1 tổ chức chuyên làm công việc từ thiện và huấn luyện người bệnh tự chăm sóc, chữa bệnh cho mình bằng phương pháp không sử dụng dược phẩm .Dip này mình quen với một người trẻ, tên Trịnh Thắng, từng tốt nghiệp BS ở VN (1996 ) và lấy bằng TS y tế cộng đồng chuyên ngành khoa học xã hội và hành vi của trường đại học Caronila  Hoa Kỳ (2007). Trịnh Thắng từng là Võ sư, tác giả của một loạt công trình nghiên cứu về lĩnh vực y tế, giáo dục và xã hội  . Anh là tác giả 3 cuốn  tiểu thuyết, 1 tập thơ trữ tình trừu tượng, một triển lãm cá nhân về hội họa - sắp đặt , sáng tác nhạc âm hưởng dân gian đương đại .Nổi bật nhất là Trịnh Thắng đã sáng tạo ra một " trường phái" mới, nghiên cứu và thực hành chữa bệnh không dùng thuốc, đặt tên chung là " Dịch Tâm Thể ". Năm 2013 NXB Lao động đã in của TS Trịnh Thắng công trình này. Sách  mang tên " Dịch Tâm Thể " . Nói dông dài để nói đến 1 chuyện cụ thể. Một bữa Trịnh Thắng đến nhà cô em tôi để huấn luyện võ cho khoảng chục nam nữ "môn sinh"- tất cả đều trong lứa tuổi thanh niên. Họ là sinh viên, cán bộ văn phòng. Họa sĩ, nghệ sĩ ... Riêng tôi được đặc cách Trịnh Thắng " bắt mạch ". Anh nhìn tôi nhận xét tôi không được khỏe ( Quả đúng vậy ). Anh bảo tôi ngồi tư thế ngồi thiền, nhắm mắt lai và trả lời một vài câu anh sẽ hỏi . ( Xin ghi vắn tăt ) 
          - Anh có thích trồng cây không ? Có quý các cây anh trồng không ?
          - Có. Tôi trồng cây cảnh trong vườn nhà .
          - Anh hãy nghĩ đến 1 cây mà anh thường hay chăm sóc nó vì quý nó nhất .
          - .............
          -  Cái cây ấy đang bị bệnh . Không biết bệnh gì, nhưng hình như gần đây anh không chú ý chăm sóc nó !!!
Cây thiên tuế nhà tôi khi bị bệnh.
 Tôi lặng thinh không trả lời đúng/sai. Nhưng trong bụng đã nghĩ đến cây thiên tuế tôi trồng trong vườn  nhà .( ảnh bên trái )
Trịnh Thắng thong thả nói  " Anh nên chăm sóc tưới tắm cho cây. đặc biệt diệt trừ những loài sâu bọ ăn bám vào cây ....Trước đây anh làm việc này thường xuyên lâu nay anh bỏ không nhìn ngó đến cây. Anh thấy trong người luôn bốc hỏa, tâm trạng đôi khi bất an, làm kém ăn kém ngủ  là có nguyên nhân này đây ! " . Lúc này tôi mới công nhận anh nói "trúng" . Tôi trồng nhiều cây trong khu vườn nhỏ trên một phần sân nhà, nhưng chú ý nhất là cây thiên tuế. SG có 2 mùa mưa và khô. Mùa mưa không có vấn đề gì, nhưng mùa khô thì quả thật lười tưới. Các cây đều kém xanh tốt. Riêng thiên tuế sâu bám đầy. Tôi đã bắt, lấy thuốc diệt muỗi, gián ra xịt nhưng không lại với bọn sâu này, chúng ăn lá  thật kinh khủng . Nghe tâm sự của tôi, Trịnh Thắng thân tình, nói : Em chắc bác biết, nhưng em vẫn cứ nói : Cây cối cũng có linh hồn do đó cây cối có thể "giao cảm" với con người . Bác nghe em, về nhà lần này bác phải đặc biệt chăm sóc cây thiên tuế. Cây sẽ hết bệnh, khỏe mạnh. Bác cũng sẽ khỏe mạnh và hết bệnh ! Nói rôi Trịnh Thắng hướng dẫn tôi vài "chiêu" thu năng lượng gì gì đó , song tôi nghĩ cần phải có nhiều thời giờ hơn nhờ anh huấn luyện và giàng giải. Nhìn Trịnh Thắng võ sư ra bài cho các môn đệ luyện công lực mà tôi thấy mình yếu ớt quá ! Dấy là chưa kể đến những vấn đề thuộc về tâm linh Thắng làm tôi kinh ngạc và thêm hứng thú tìm hiểu ... Chuyện này có dịp xin nói sau !
Tất nhiên về lại SG tôi đã ra sức chăm sóc cây thiên tuế. Một thời gian sau cây xanh tốt trở lại. Gặp mùa mưa lá xanh mướt. Cây mỗi ngày một lớn. Bản thân tự cảm thấy sức khỏe cũng ...tốt lên rõ rệt .
Nhưng cuối năm ngoái ( Năm âm lich ) cậu con trai thấy cái vườn tiểu cảnh không có người chăm sóc bèn thuê thợ phá đi . Lúc đó tôi vắng nhà. Về thì cây cối đã bị thợ nhổ lên cho hết vào xe ba gác đem đổ bỏ ! Bây giờ các bạn vào nhà tôi sẽ thấy cái sân gạch rộng ra, nhưng vườn tiểu cảnh thì không còn nữa rồi  !.
-------------------------------

 đường Phan đình Phùng (Q. Ba đình - Hà Nội )

Mời đọc bài tùy bút ""Hà Nội mùa vắng những cây xanh"

4 nhận xét:

  1. Cây biết nhớ người đấy, anh Calathau ạ. Trước đây trên ban công nhà tôi có 1 cây khế cao khoảng 1m, xum xuê,đầy quả từ đất lên đến ngọn, ai đi qua cũng khen trầm trò. Tồi tôi đi chăm cháu giúp con đẻ 1 năm, mặc dù thứ bảy và chủ nhật tôi vẫn về, vẫn có người tưới, nhưng nó vẫn chết. Từ đó đến nay ( 12 năm ) tôi kg tài nào kiếm được cây khế ĐẸP như thế nữa, mặc dù tôi cũng ra công tìm mua cây khác hay nhờ bạn bè, nhưng tuyệt nhiên kg KIẾM được. Góp phần với anh 1 chút nhé. Chào !

    Trả lờiXóa
  2. Chuyện cây cổ thụ ở HN bị "lợi ích nhóm " đốn chặt đã tôn không it giấy bút của báo giới. Xem trên mạng mình rất tâm đắc với một "bài, ảnh " ngắn gọn nhưng vô cùng xúc tich, bức ảnh Vợ chông Thủ tương DŨNG nhà ta trông cây xanh tại công viên với Vơ chông Thủ tương ÚC ở Canbera, bên dưới có dòng chú thích " Ông Dũng thì đi trông cây với Thu tương nước bạn ,còn ở HN lúc ông vắng nhà chúng nó chặt hết cây cổ thụ để kiếm tiền rồi, về mau thôi ông Dũng ơi ". Nếu được, nhờ Cala đưa hộ bức ảnh và câu chú thích ấy lên blog chung cho mọi người đọc.

    Trả lờiXóa
  3. Không biết cây có linh hồn không nhưng cây cối làm tâm hồn ta thanh thản.Vì lẽ đó ta càng yêu,càng chăm nó nó đẹp hơn và ta cũng yêu đời hơn . Trồng cây cũng theo luât phong thủy đấy bạ ạ.
    Vậy thì vụ chặt cây ở HN càng đáng sợ đấy ! Có người HN nao khi đi xa không nhớ những hàng cây rợp bóng mát của HN không nhỉ ? Phải cách chức ngay những thăng chủ trương làm việc này mới hả lòng dân .Còn riêng nhà bạn hãy khuyên con bạn khôi phục lại khu vườn nhỏ đi.Kinh nghiêm nhà mình chăm sóc cây mình thấy khỏe hơn.Các con mình chăm chút nâng nưu cây chúng đều thấy việc làm ăn thuận lợi hơn !

    Trả lờiXóa
  4. QỦA LÀ GIỮA CÂY VÀ NGƯỜI, SÚC VẬT VÀ NGƯỜI CÓ MỐI LIÊN HỆ ANH Ạ. CHỈ CẦN TRỒNG MỘT VÀI CÂY HAY NUÔI CON VẬT NHỎ TRONG NHÀ VÀ CHĂM SÓC CHÚNG CUNG LÀM TA THƯ DÃN VÀ KHỎE LÊN...CÂY CŨNG ĐẸP VÀ XANH TƯƠI HƠN Ạ

    Trả lờiXóa