Thứ Ba, 26 tháng 7, 2016

Hội nghị Asean không nhắc tên Trung Quốc

Vương Nghị ngoại trưởng Trung Quốc
Một chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore nói Campuchia đã đặt quan hệ với Trung Quốc cao hơn với các thành viên khác trong Asean, khi nước này ngăn cản để hội nghị tại Lào khó ra tuyên bố chung.
Ông Malcolm Cook, nhà phân tích từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) tại Singapore nói với BBC tiếng Việt:
"Rõ ràng ông Hun Sen đã đặt quan hệ tốt với Trung Quốc bên trên vị trí thành viên của mình trong khối Asean và quan hệ với các thành viên Asean khác. Điều này đặc biệt sẽ giới hạn những gì Asean có thể nói về vấn đề Biển Đông, vì Asean là một tổ chức dựa trên sự đồng thuận và không có cơ chế trừng phạt.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu này cũng nhận định: “Cả Campuchia và nói xa hơn là cả Trung Quốc đều cảm thấy bị áp lực khi họ bị cáo buộc công khai là gây chia rẽ Asean. Áp lực này có thể có một chút tác dụng và có thể giúp giải thích vì sao thông cáo chung từ Hội nghị các Bộ trưởng Ngoại giao Asean lần này có đề cập đến Biển Đông nhưng không nói gì về phán quyết của tòa hôm 12/7."

Image copyrightMALCOLM COOK
Image captionÔng Malcolm Cook là nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore

Trước câu hỏi của BBC liệu tình trạng này có làm Asean suy yếu, hay gây thêm chia rẽ, ông nhận định:
“Asean có thể cứu vãn hình ảnh bằng cách thêm vào phần đề cập đến Biển Đông trong thông cáo chung, như thế tránh được việc không thể ra tuyên bố chung vào năm 2012."
“Tầm quan trọng chiến lược của Biển Đông ngày càng gia tăng sau phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực ngày 12/7, khiến thế giới tập trung quan sát phản ứng của Asean, vốn là tổ chức hàng đầu ở Đông Nam Á. Tình trạng Asean trì hoãn đưa ra phản ứng, và những tín hiệu rõ ràng cho thấy có sự bất đồng trong nội bộ trước vấn đề quan trọng này sẽ làm tổn thương uy tín của Asean.
Tuy nhiên ông Cook cũng nói: “Asean thực ra đã được cứu vãn vì không có quốc gia thành viên nào đơn phương ra thông cáo yêu cầu các bên phải tuân thủ phán quyết của tòa Trọng tài.”
“Hầu hết các nhà quan sát đều không trông đợi Asean sẽ ra một thông báo cứng rắn về phán quyết 12/7. Sau khi Philippines quyết định kiện Trung Quốc vào tháng 1/2013 và Việt Nam hoan nghênh phán quyết đã cho thấy, các quốc gia Đông Nam Á ngày càng nhìn ra bên ngoài Asean để thể hiện quan ngại của họ trước hành động của Trung Quốc ở Biển Đông hơn. ”
Nhà nghiên cứu về kinh tế, an ninh khu vực Đông Nam Á và các tổ chức trong vùng nhận định:"Việc Asean không thể ra tuyên bố gì về phán quyết của tòa hôm 12/7 đã một lần nữa cho thấy những giới hạn của tiêu chí đồng thuận của Asean."


Image copyrightAFP
Image captionÔng Vương Nghị gặp Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh tại Lào

“Đồng thời, nó khẳng định rõ hơn niềm tin rằng Trung Quốc đang tăng cường quan hệ với các quốc gia thành viên khác của Asean như Campuchia để chia rẽ Asean trước những vấn đề hệ trọng," ông nói với BBC Tiếng Việt.
Hôm thứ Hai 25/7, sau nhiều ngày bất đồng, hội nghị ngoại trưởng Asean tại Lào đã ra tuyên bố chung “nhẹ giọng” về Biển Đông, tránh phật lòng Trung Quốc.
Thông cáo nói Asean “nghiêm túc quan ngại” về những diễn biến trên biển gần đây “gây tổn hại niềm tin”.
Thông cáo không nhắc tên Trung Quốc.
----------------------------
Theo BBC 25/7/2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét