Thứ Bảy, 15 tháng 10, 2016

GHI CHÉP TRONG NGÀY ĐẦU THU HÀ NỘI

HÀ NỘI KÝ ỨC VỤN
Từ KS nhìn sang phố Hòe Nhai (qua phố Quán Thánh)

Đầu tháng 10, trong lúc Sài Gòn mưa giông và mưa như thác đổ làm bao con đường biến thành sông suối, thì Hà Nội vào thu, tiết trời dìu dịu . Nắng hanh vàng và những hàng cây như xanh hơn. Con dường nhỏ, phố nhỏ. Quán miến lươn ngõ(phố) Yên Ninh. Hàng bún ốc vỉa hè phố Hòe Nhai chỉ ngắn ngủn như một nhịp thở dài…

Từ Sài Gòn, vào Google, tôi chọn tìm đặt trước một phòng ở KS bên số lẻ, đầu phố Phan Đình Phùng. Từ đây tôi có thể nhìn thẳng sang phồ Hòe Nhai, nơi gia đình anh bạn đồng nghiệp tên Huy Hoàng “chinh chiến” cùng nhau bên Phnonpenh làm phim tài liệu “ Lời chúc cháu Buatum-Cayso”  giành giải thưởng Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm quốc tế những năm đầu thập kỷ 80 TK trước. Huy Hoàng có con gái lấy chồng định cư Sydney, mấy lần hẹn hò nhau cùng sang thăm con cháu uống bia Úc Đại Lợi, mà rồi bạn qua đời vì bạo bệnh khi còn làm sếp Phòng Truyền hình đối ngoại VTV.
Quá một chút là phố  Nguyễn  Trường Tộ. Nhớ số 45, nhà bác Thịnh nguyên chủ hãng xe khách “ Lâm Thịnh” chạy tuyến HN-Thái Nguyên từ thời nước mình còn thuộc Pháp . Ô tô chạy bằng nồi súp de đốt than, đến tận cuối 1957 khi mình từ KHX Nam Ninh về Hà Nội vẫn còn chạy ngon lành vài chuyến rồi mới bị “khai tử”. Bác Thịnh vốn thuộc thành phần “tiểu chủ”, sau CM/8 ra nhập công an, làm ở sở Liêm phóng Thủ đô. Khi toàn quốc Kháng chiến bác mang vợ và 3 người con nhỏ theo cơ quan lên Việt Bắc. Được vài năm, đời sống quá khó khăn, bác Thịnh xin nghỉ cơ quan rồi lặng lẽ cùng gia đình quay về thành , tức HN- Chịu mang cái tiếng “dinh tê” (Về tề). Giải phóng thủ đô cha tôi cùng ông bác, ông chú lúc ấy người từ Khu 3, người từ Việt Bắc xa nữa là LK5 về Hà Nội . Ai cũng áo 4 túi, chân chì, mũ cối  (Áo kiểu Tôn Trung Sơn đi giầy da Liên Xô - Trang phục cấp chỉ huy quân đội nhân dân thời ấy ) cứ chủ nhật là các "cụ" từ Trạm 66 kế bên thành cửa Bắc, hẹn nhau đến 45 Nguyễn Trường Tộ cùng vợ chồng bác Thịnh “chén chú chén anh” bởi họ là chỗ thân tình từ những ngày hoạt động VM trước 19/8/45. Tôi ở Trung Quốc về, học học kỳ 2 Lớp 8 Chu văn An , thường hay theo người lớn đến nhà bác Thịnh chơi với các con của bác. Bác Thịnh có 3 người con. Anh cả tên Phùng Ngọc Hùng, thứ 2 tên Phùng Ngọc Vượng (cùng tuổi với tôi - Hai người này học Phổ thông 3A). Cô em út tên Phùng Kim Khánh kém tôi 4 tuổi. Lạ lùng là Hùng và Khánh mang 2 dòng máu Việt-Pháp . Vượng là con riêng của 2 bác nhưng cũng chẳng có nét nào giống cha mẹ đẻ ! Bí mật này kéo dài đến khi cả 2 vợ chồng bác Thịnh qua đời , 3 người con, người qua đời ở VN, người về Pháp đoàn tụ gia đình cũng vẫn nằm trong vòng bí mật. Nhưng thôi ...chỉ biết thời tôi từ Trung Quốc về, một dạo được sống ở nhà bác Thịnh. Bác coi như con cái trong nhà. 4 đứa chúng tôi cùng ăn một mâm, cùng ngủ chung 1 giường, thân đến nỗi 2 gia đình tính làm thông gia với nhau ! Hihihi !

Năm giặc Mỹ đánh phá  HN bằng không quân, Hùng đã tốt nghiệp khoa Cơ khí Đại học BKHN, được phân công lên Thái Nguyên làm việc, rồi bị bệnh, qua đời. Vượng tốt nghiệp Sư phạm ngoại ngữ - hình như tiếng Nga, có vướng vào 1 vụ án dân sự, sau được Sứ quán Pháp can thiệp cho đặc cách đi học bổ túc tiếng Pháp để trở về làm việc, do sự bảo lãnh của 1 dòng họ quyền thế gì đó bên Pháp(?). Tôi có nghe Vượng kể lại chuyện này và hết sức "kinh ngạc": hóa ra Vượng cũng không phải con đẻ của vợ chồng bác Thịnh ! Đầu thập niên 80, nhớ có lần Vượng đến nhà gặp tôi ( Phòng 33, tầng 3 nhà B7 , KTT Kim Liên-Hà Nội), cho tôi xem tất cả giấy tờ có dấu xác nhận của Tòa Đại sứ Pháp . Bạn nói sắp sang Pháp, chỉ nhờ tôi 1 việc : Giới thiệu Vượng với cô XYZ ( xin giấu tên)-đang là PTV số 1 của  đài Truyền hình TW !  Bạn còn hứa được hay không, sang định cư ở Pháp nhất định sẽ liên lạc và mời tôi sang chơi ! Tất nhiên việc mối manh tôi tìm cách thoái thác, phần vì " phưu lưu" phần vì sau đó tôi sang CPC phụ trách Đoàn Phóng viên thường trú tại Phnompenh không còn điều kiện liên lạc với Vượng nữa. Đó là chuyện sau này, chứ câu chuyện chính tôi đang kề là trước đó , vào khoảng năm 1968, 69 , giai đoạn máy bay Mỹ oanh tạc ác liệt Hà Nội. Gia đình bác Thịnh đi sơ tán lên Thái Nguyên, Vượng cũng sơ tán theo trường, ở nhà chỉ còn Khánh vừa tốt nghiệp Trung cấp Kế toán, làm việc ở sở Tài chính . Hà Nội những năm ấy vắng hẳn, nhà nhà đóng cửa để sơ tán về những miền nông thôn . Những phố kẹp giữa 2 mục tiêu vào hạng "ác" nhất
như phố Nguyễn Trường Tộ giữa Nhà máy điện Yên Phụ và Cầu Long Biên lại càng vắng vẻ. Khánh cũng chỉ về nhà vào ban tối, khi đường phố nhập nhoạng vài bóng đèn mờ trên cột điện đã ngả nghiêng xiêu vẹo vì sức ép của bom Mỹ ! Chính vào thời gian này tôi có kỷ niệm “sợ hãi”. Không phải sợ máy bay Mỹ mà sợ …bác Thịnh !
Một thời bom đạn Mỹ quyết đánh sập cầu Long Biên .

Chả là thế mày. Lần ấy tôi nhận nhiệm vụ Đài TNVN giao viết 1 phóng sự truyền thanh về công nhân Việt Nam và Trung Quốc thi đua sửa chữa cầu Long Biên vừa bị máy bay Mỹ phá sập mấy nhịp khiến tầu hỏa Hài Phòng lên phải dừng lại ở ga Gia Lâm, không về được ga Hàng Cỏ. Việc sửa chữa cầu lúc này vô cùng nguy hiểm nhưng cũng lắm rắc rối. Trung Quốc đòi một mình sửa cầu, không cần công nhân VN, lý do: Đường sắt HN-Mục Nam Quan là phía Trung Quốc chịu trách nhiệm theo hiệp định gi gì đó. Nhưng ta nhất định không chịu. Cầu Long Biên là biểu tượng của Thủ đô , phải do công nhân VN sửa chữa. Cãi nhau mãi rồi thống nhất Công nhân TQ làm nửa cầu bên Gia Lâm. Công nhân VN sửa nửa cầu bên bến xe Long Biên . Tất cả đều phải làm trong đêm tối và nguy hiểm rình rập  Chuyện bài ký “ Ánh sáng Hà Nội” ( Nói về ánh lửa hàn sửa cầu của Công nhân VN trên cầu Long Biên), cũng không có gì đáng nhớ, dù đó cũng là 1 sự mạo hiểm của anh nhà báo trẻ như tôi.  . Vụ đáng nhớ, đáng sợ là có 1 đêm, trước khi "liều mạng" ra tận cầu Long Biên lấy thực tế viết phóng sự và ghi âm tiếng động hiện trường, tôi đã giật chuông số nhà 45 Nguyễn Trường Tộ - nhà bác Thịnh với ý định xin bác cho ngủ nhờ đến 1 giờ sáng sẽ ra hiện trường tác nghiệp. Không ngờ cả 2 vợ chồng bác Thịnh đã lên khu sơ tán. Căn nhà rộng thênh thang nhưng tối om (vì mất điện) chỉ còn mỗi …em Khánh  !  Trời mùa hè, nóng và muỗi mòng …Leo lét ánh đèn hoa kỳ vặn nhỏ, ánh sáng phát ra chỉ bằng hạt đỗ , nhưng vẫn đủ mờ ảo thân hình thanh xuân của cô gái lai Pháp qua làn áo phin nõn mỏng manh,  trắng ngần... Khánh nhường tôi cái phản em đang nằm có mắc màn tử tế , còn mình thì vào phòng bên trong. Tôi nằm vật ra , giả vờ ngủ, nhưng vẫn kịp dặn Khánh," Em nhớ đúng 1 giờ đêm đánh thức anh dậy để anh ra cầu Long Biên nhé ". Không ngủ được. Tất nhiên ! Trí nhớ của tôi quay về thời cả 4 chúng tôi nằm ngủ chung trên 1 chiếc giường lò so quý tộc kiểu Hồng Kong có những bông hoa sắt gắn trên 2 vai giường. Và cả những dịp nghỉ hè chúng tôi rủ nhau về phố Chã ( Phổ Yên- Thái Nguyên), bên sông Cầu, cùng bơi lội, cùng bắt trai bắt hến đùa rỡn trên những doi cát ven sông…

Từ phải qua trái: Hùng, Trung, Khánh, Vượng (1957)
Ảnh chụp tại hiệu ảnh Như Trang đầu phố Quán Thánh (nay không còn nữa)

Miên man trong miền ký ức nóng bỏng, tôi bỗng nghe có tiếng chuông leng keng ngòai ngõ . Khánh từ trong buồng vội chạy ra xem ai, rồi chạy vào giường nói hổn hển bên tai tôi : ‘Chết rồi, ba em về anh Trung à !’ Bác Thịnh vốn dân tư sản, gốc Hà Nội, tính tình nghiêm khắc, gia giáo khiến cả 4 chúng tôi đứa nào cũng nem nép sợ. Tuy nhiên lúc vui vẻ bác cũng hay hài hước thâm thúy "như người Hà Nội!" .  Bây giờ gặp tình huống éo le  thế này thì biết nói năng sao đây ! Thôi, cứ mặc kệ. Nằm im, giả ngủ say là thượng sách ! Tôi nghĩ vậy nên không nhúc nhích. Bác Thịnh hỏi Khánh ‘Ai ngủ nhà ta thế con?” Khánh trả lời bình thản : “ Dạ, thưa ba, anh Trung con chú T”. “Sao nó lại ở đây giờ này?”. “ Dạ, anh Trung làm ở Đài TNVN, đêm nay đúng 1 giờ phải ra giữa cầu Long Biên lấy tư liệu viết bài thu âm công nhân sửa chữa cầu , ba ạ”! “ Thế nó đến lúc nào?” “Dạ cách đây 30 phút. Anh ấy ngủ ngay và dặn con đúng 1 giờ đêm thì gọi anh dậy”. “ Vậy thì cũng gần 1 giờ sáng rồi, con gọi nó dậy cho ba  !” Thôi chết! Tôi phát hoảng ! Chuyện này có lẽ ông bác không tha đâu ! Khánh giật màn gọi, “Anh Trung ơi , ba em về !” . Mình lập tức nhập vai …ngơ ngác, ngái ngủ :” Cháu chào bác ạ ! Cháu đi viết phóng sự , cháu …” ."Biết rồi, Khánh có nói cho bác biết. Bác gọi cháu dậy để cho ăn củ sâm !” Ăn củ sâm là ăn cái gì đây? Thôi chết thật rồi!  Đúng là tình ngay lý gian ! Biết giải thích sao đây ??? Chưa tính hết đường chống đỡ thì ông bác đã lớn tiếng gọi với vào bếp:"Khánh à, có mấy củ sắn ba mang từ chỗ sơ tán về, con bóc vỏ rồi luộc cho Trung nó cùng ăn với ba. Khao quân trước khi ra trận !  Nguy hiểm đấy, không phải chuyện dạo chơi cầu Long Biên đâu nhé ! Phải ăn “Sâm Việt Bắc” để lấy khí thế leo cầu hoàn thành nhiệm vụ ! Mà Ba cũng đói bụng rồi !. Liền đó tôi nghe tiếng Khánh trả lời nhanh nhẩu:“Dạ thưa ba” . Một lát, ngọn lửa từ cái bếp than tổ ong cũng bừng sáng ….

Phố Nguyễn Trường Tộ hôm nay

Có lẽ đây là bữa sắn luộc ngon nhất mà tôi được thưởng thức.
Cũng không biết có phải vì “Sâm Việt Bắc” là thuốc tiên hay không mà đêm ấy tôi vừa cảm thấy tự tin vừa rất sung sức. Một vài lần có còi báo động, nhưng cũng chỉ " Máy bay địch hoạt động từ xa , các lực lượng phòng không chú ý theo dõi", chứ chưa phài lúc " Đồng báo chú ý xuống hầm, các lực lượng phòng không sẵn sàng chiến đấu ! " .
Kết quả là tác giả đã “đẻ” ra một đứa con tinh thần mang tên “ Ánh sáng Hà Nội “ vừa phát trên sóng đài TNVN vừa được đích thân Tổng biên tập Đài Trần Lâm chọn gửi in trên Tuần báo Văn Nghệ !
Ra HN lần này  tôi có đi qua số nhà 45 Nguyễn Trường Tộ, nhưng tất cả dấu tích ngôi nhà xưa đã không còn . Có chăng chỉ còn lại những ký ức của một thời trai trẻ mà dù cho thời gian, hay tuổi tác cũng khó có thể xóa nhòa …
(Còn nữa)
Saigon 14/10/2016
-------------------------------------------------
P/S  Kể từ cái đêm "hãi hùng" ấy, tôi chưa từng quay lại nhà số 45 NTT. Tôi cũng chưa từng gặp lại vợ chồng bác Thịnh và Kim Khánh. Một vài lần Vượng tìm tôi ở B7 Kim Liên cũng loanh quanh việc nhờ giới hiệu cho anh 1 ý chung nhân cỡ PTV nhà Đài , chứ anh ấy cũng không nhắc gì đến gia đình mình ở VN. Ghi lại hồi ức này tôi nuôi hy vọng- tuy mong manh, ở phương trời nào đó Vượng và Khánh "bắt được" tín hiệu để chúng ta tìm thấy nhau . Để làm gì ư ? Thì như Trịnh Công Sơn nói ( Trong bài hát), rằng :
Sống trong đồi sống, cần có một tấm lòng . 
Để làm gì em biết không? 
Để gió cuốn đi...
Để gió cuốn đi ....

3 nhận xét:

  1. Tôi luôn trân trọng những ký ức về những ngày đã qua, những năm tháng khó quên được của cuộc sông của mình ở Ha Nội " Một thời đạn bom, một thời hòa bình ". Chính vì vậy nhưng " Ký ức vun" của Quang Trung về Ha nôi thời ấy gợi cho tôi nhiều kỷ niêm khó quên thời ấy. Đó dường như là một trang " hồi ký" ngắn đưa người đọc trở về dĩ vãng nhưng kỷ niệm bè bạn thân thiết, với tình bằng hữu chẳng bao giờ nhạt phai. Quả đung là " sông trong đời sông phải có một tấm lòng" có thể " để gió cuốn đi" nhưng không phải là cuốn đi mãi mãi mà nó vẫn luôn quẩn quanh bên ta. Ôi, mua thu, mưa , gió heo may và bè bạn một thời...để nhớ để thương. Công Lý viết sau khi đã đọc " Những ký ức vụn. "

    Trả lờiXóa
  2. Đúng là gặp bạn chí cốt đồng điệu tam hon !

    Trả lờiXóa