Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2017

NĂM NAY MÙA XUÂN CÓ VỀ ? (Truyện rất ngắn)


Chuyện rất ngắn
NĂM  NAY MÙA XUÂN CÓ VỀ ?

Rét sớm. Thành phố đêm qua chuyển gió. Lất phất mưa . Lạnh tê tái. Làm nghề sửa chữa điện thoại di động như tôi  lạnh cóng tay cũng không thể bỏ việc. Đã 6 giờ sáng mà trời vẫn u ám. Tôi lật đật ra mở cửa tiệm. Một ông già khoác chiếc áo bông cũ kỹ, khăn phu la trùm kín đầu, chỉ để hở đôi mắt thiếu ngủ sau cặp kính lão dầy cộm, ngồi co ro ngay dưới hiên nhà.
-          Cụ cần gì mà tới sớm vậy ? Tôi hỏi . Ông già vừa nói hai hàm răng vừa va vào nhau lập cập  
-          Tôi mãi ngoại thành, tối qua vào đến đây thì cửa tiệm đã đóng. Tôi đành ngồi chờ …
-          Chết ! Vậy mời cụ vào trong nhà cho đỡ lạnh. Chắc cụ cần sửa điện thoại ? Tôi hỏi ông cụ .
-          Vâng! Ông cụ vẫn còn run nói - Nhờ bác giúp tôi xem cái điện thọai này hỏng  gì mà lâu lắm mất tiếng !
-          Chắc cụ quên không sạc pin. Tôi vừa nói vừa cầm chiếc NOKIA đời đầu lật qua lật lại kiểm tra . Pin còn. Mặt kính đã mờ nhưng các ký hiệu vẫn hiện lên khi bấm nút ON. Tôi lấy máy tôi gọi thử. Chiếc NOKIA cổ lỗ sĩ reo lên. Ông già mặt rạng rỡ:
-          Nó gọi tôi hả bác ?
-          Ai kia ? Tôi hỏi lại .
-          Là thằng con trai tôi. Nó đi lao động mãi bên Trung Đông, xa lắm. Tôi biết, nó vẫn thương tôi mà ... Tôi vội đính chính:
-          Không , cháu gọi từ máy cháu để kiểm tra máy cụ đấy. Máy cụ còn dùng tốt ! Ông cụ mặt co rúm lại, giọng chùng xuống, hình như chỉ nói cho riêng mình nghe : Vậy sao hơn năm nay con tôi nó không gọi về  cho tôi lấy một nhời …

Ông cụ nhận lại chiếc NOKIA “cục gạch” áp nó vào tai, rồi cứ thế lầm lũi bước ra đường trong cơn gió lạnh mưa phùn đang ùa về . Năm nay không biết mùa Xuân có về …

Vũ Hồng Quang
(31/12/2017)

Thứ Bảy, 25 tháng 11, 2017

LÀNG TA BỊ XÓA SỔ RỒI SAO?

K5 chúng ta đi tiên phong khai phá lập “Làng ảo” từ cuối tháng 8/2007 – Sau cuộc du ngoạn Vịnh Hạ Long thơ mộng, 2 tháng sau vào ngày 25/10/2007 trên xa lộ thông tin xuất hiện trang Blog có tên “luson.quelam”

Giao diện trang bìa "Blog luson.quelam" đầu tiên

1 trong số những stt đầu tiên khi Làng ta chính thức xuất hiện

5 năm đầu ở đất “ Yahoo! 360” suôn sẻ, Làng đông vui và trù phú. Năm 2012 (Nhằm ngày 22/12) Làng cũ bị giải tỏa, chúng ta “bồng bế” nhau di cư sang Blogspot lập làng mới, lần này là " luson.quelam.Blogspost "! 


Làng hoạt đông sôi nổi trở lại cho đến giữa năm 2017 thì càng lúc càng gặp “sự cố” khiến cư dân rất khó khăn ra vào gặp gỡ nhau giao lưu, trò chuyện. Và đến ngày 22/11/2017 thì ngay lão Trưởng Làng kiêm thằng Mõ (Calathau) cũng bó tay không thể mở được khóa vào Làng mình !!! 
Giao diện Blog "luson.quelam" hiện đã bị chặn !

Từ đấy,  nếu có ai lọt được vào cổng làng thì cũng chỉ có thể đứng bên ngoài mà ngắm những hàng chữ đầy bí hiểm dưới đây:
Đây là bộ nhớ cache http://lusonquelam.blogspot.com/ của Google.
Đây là ảnh chụp nhanh của các trang được hiển thị vào 22 Tháng Mười Một 2017 18:48:25 GMT.
Trang hiện tại có thể đã thay đổi trong thời gian chờ đợi. Tìm hiểu thêm
Phiên bản đầy đủ . Phiên bản chỉ văn bản. Xem nguồn
Mẹo: Để tìm nhanh cụm từ tìm kiếm của bạn trên trang này, nhấn Ctrl+F hoặc -F (Mac) và sử dụng thanh tìm. 

Mọi người cho rằng Internet mới chính thức xuất hiện ở VN tròn 20 năm. Chậm vài thập niên so với mấy anh hàng xóm Đông Nam Á. Ngẫm ra thế còn là hồng phúc cho dân tộc ! Thế hệ con cháu chúng ta nó cho rằng chúng được chứng kiến 3 cái mốc lịch sử của đất nước: 
- 1975 Giang sơn thống nhất. 
- 1986 đất nước Đổi mới 
- 1997 Internet vào Việt Nam ! 
Tính ra cứ 11 năm 1 chu kỳ …diễn biến theo hướng đứt hơi đuổi cho kịp các nước bạn láng giềng. Hóa ra các lão ông và "lão bà bà" Lư-Quế cũng chẳng cam chịu chạy theo tốp tụt hậu !

Vậy tháng cuối cùng trước khi bị cưỡng bức đóng cổng Làng chúng ta nói chuyện gì với nhau?
-          Ngày 9/11 bài :   KỂ CHUYỆN VỢ CHỒNG NHÀ TƯ SẢN YÊU NƯỚC TRỊNH VĂN BÔ  NHÂN NGÀY ĐƯA CỤ BÀ MINH HỒ VỀ VỚI TỔ TIÊN .
-          Ngày 23/11 Bài  “TRUNG QUỐC LẬT THẾ CỜ KHIẾN MỸ QUAY LẠI VIỆT NAM”. (Bài này bị chặn hoàn toàn).
-          Lại cũng rất đáng chú ý, tháng 11 này QHVN họp bàn về “Luật An ninh mạng”. Chiều 21/11 Hội truyền thông số đã tổ  chức Hội thảo bàn về sự ảnh hưởng của Luật ANM đối với doanh nghiệp công nghệ, truyền thông và nội dung số. Dân đen nói chung, cộng đồng mạng nói riêng giật mình khi nghe ông Phó TT Đam , trước QH “dọa” buộc Facebook và Google phải đặt server tại Việt Nam !
(Chưa hết chuyện)





Thứ Tư, 22 tháng 11, 2017

TRUNG QUỐC LẬT THẾ CỜ KHIẾN MỸ QUA LẠI VIỆT NAM (?)


TQ lật thế cờ khiến Mỹ quay lại Việt Nam
GS Nguyễn Tiến Hưng Gửi tới BBC từ Virginia, Hoa Kỳ
      20 tháng 11 2017
Từ khi nối lại bang giao với Mỹ, Trung Quốc đã phát triển, tiến bộ vượt bực về hết mọi mặt: quân sự, kinh tế, tài chính nhờ vào kỹ thuật, tiền bạc, thị trường Mỹ.
Cho nên ngày nay Trung Quốc đã mạnh đủ để lật ngược thế cờ, ra mặt đối đầu với Hoa Kỳ.
Việc Trung Quốc thay đổi từ hòa bình sang tấn công như thế nào thì mọi người đều đã biết và chúng ta hiện còn đang chứng kiến từng ngày.
Song song với cường độ gây hấn của Trung Quốc là nhịp tăng tốc chiến lược xoay trục của Mỹ.

Và khi Mỹ xoay về Biển Đông thì Việt Nam lại trở về chỗ đứng lịch sử: đó là địa điểm chiến lược quan trọng nhất tại khu vực này.
Đầu thập niên 2000 Trung Quốc đã có những hành động ra mặt khiêu khích Mỹ, bắt đầu với việc tuyên bố chủ quyền về khu vực khí đốt gần đảo Natura phía đông bắc Sumatra (Nam Dương) và tranh chấp với Nhật về quần đảo Senkaku ở Đông hải.
Từ thời điểm đó tới nay đã có tới bốn tổng thống Mỹ liên tục chính thức thăm viếng Việt Nam.
Sự khác nhau là hai tổng thống Clinton và Obama đã tới Hà Nội vào năm thứ tám, năm cuối cùng của nhiệm kỳ hai (Clinton: 16/11/2000 và Obama: 20/5/2016). TT Bush tới vào năm thứ sáu (17/11/2006).
Lần này, Tổng thống Trump chính thức công du nội trong 11 tháng kể từ khi dọn vào Tòa Bạch Ốc.
Việt Nam lại là nước đầu tiên trong nhóm quốc gia ở Biển Đông trên lộ trình của ông. Sự sắp xếp về thời điểm thăm viếng, và thứ tự trước sau trong các chuyến đi của một lãnh đạo luôn có một ý nghĩa sâu xa về chính sách ngoại giao.
Mục đích công du của Trump tại Việt Nam
Trong chuyến đi này, khác với muc đích thăm viếng Trung Quốc, Nhật, Nam Hàn, Philippines, ông tới Việt Nam không phải để thuyết pháp về 'mậu dịch công bằng đối với Mỹ," hay chống lại hiểm họa Bắc Hàn, hay chỉ để bán vũ khí, mục đích chính là về chiến lược.
Đó là làm sao cho Việt Nam - dù ở cái thế kẹt giữa hai cường quốc - vẫn có thể xích lại gần Mỹ trong bối cảnh mà ông gọi là 'Giấc mơ Ấn Độ - Thái Bình Dương'.
Tại hội trường APEC, ông nói đến ý nghĩa của giấc mơ này là để "tất cả có thể cùng nhau phát triển thịnh vượng trong tự do và hòa bình."
Nhưng mọi người đều biết rằng "cùng nhau phát triển thịnh vượng" thì dễ nhưng "trong tự do và hòa bình" thì khó.
Khó là vì Trung Quốc gây hấn gia tăng ngày một nhanh. Cho nên, quyền lợi hỗ tương quan trọng nhất đối với Việt Nam và Mỹ là ngăn chận sự bành trường mau lẹ của Trung Quốc.
Trong chuyến thăm Việt Nam năm 2016, ông Obama khéo léo thúc đẩy Việt Nam qua việc nhắc lại câu thơ của Lý Thường Kiệt, rằng: "Sông núi nước Nam vua Nam ở."
Nhưng trong chuyến công du này thì ông Trump - con người bộc trực, nghĩ sao nói vậy - đã nhắc thẳng đến Hai Bà Trưng từng đánh đuổi Trung Quốc từ gần 2000 năm trước.
Ông nói: "Hai Bà Trưng đã đánh thức tinh thần của người dân vùng đất này. Đó là lần đầu tiên người dân Việt Nam đứng lên đấu tranh cho sự độc lập và niềm tự hào của các bạn."
Trong một hội trường gồm lãnh đạo của cả 21 thành viên và ngay trước mặt ông Tập Cận Bình mà nhắc đến như vậy thì cũng không phải là chỉ để nói bâng quơ.
Chắc cố vấn của ông Trump cũng đã cho ông xem hồ sơ của Tòa Bạch Ốc (9/7/1971) ghi lại lời Thủ tướng Chu Ân Lai nói về Hai Bà Trưng:
"Hai nghìn năm trước đây, Trung Quốc đã xâm lược Việt Nam, và Trung Quốc đã bị đánh bại. Lại bị đánh bại bởi hai người đàn bà, hai nữ tướng."
Ông Trump ưu ái Việt Nam?
Tờ Forbes (12/11/2017) vừa có bài nhận xét rằng Việt Nam là nước có lợi nhiều nhất trong chuyến đi vừa qua của Tổng thống Trump.
Đó là vì Việt Nam nhận được cả hai cái YES từ ông Trump. Tờ này cho rằng: Việt Nam muốn hai điều - một là Mỹ thực sự quan tâm đến sự lo ngại của Việt Nam về tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông; và hai là Mỹ tiếp tục ngoại thương tự do đối với Việt Nam mặc dù đã rút khỏi TPP, vì ngoại thương chiếm tới 89% tổng sản xuất GDP của nước này (201 tỷ USD, năm 2016).
Forbes biện luận: về điểm thứ nhất, trước chuyến công du, ông Trump đã cho chiến hạm đi xuyên qua biển, sát cạnh những hòn đảo TQ đang xây dựng hoặc tranh chấp với Việt Nam.
Ngày Chủ Nhật, ngay trước chuyến thăm Hà Nội của ông Tập Cận Bình, ông Trump lại đề nghị có thể giúp làm trung gian hay trọng tài về tranh chấp Biển Đông.
Ông Trump đề nghị như vậy dù đã biết rõ rằng Trung Quốc luôn chống lại vấn đề trọng tài do một trung gian thứ ba chứ đừng nói tới Mỹ.
Thật vậy, ngày 13/11/2017 báo South China Morning Post từ Hồng Kông đã bình luận rằng việc ông Trump đề xuất làm trung gian tranh chấp Biển Đông sẽ khiến Bắc Kinh khó chịu và phủ bóng xuống quan hệ của ông Trump với ông Tập.
Nhưng sở dĩ ông Trump cứ đề nghị như vậy là "để cho thấy rằng Mỹ thừa nhận sự lo lắng của Việt Nam và tối thiểu là không phải là không đứng về phía Việt Nam".
Về điểm thứ hai, dù ông Trump tấn công các nước rất nặng nề (nhất là Trung Quốc) tại APEC về mậu dịch bất công đối với Mỹ, nhưng tại Hà Nội ông đã nhân nhượng, chỉ nói rằng sẽ chờ mong để tiến tới thương mại hai chiều một cách "công bình và hỗ tương" (fair and reciprocal), và kêu gọi phải "minh bạch hơn" (more transparent).
Đây là mặc dù cán cân thương mại Mỹ - Việt càng ngày càng thâm thụt đối với Mỹ: nguyên 9 tháng đầu của năm 2017 đã lên tới gần 29 tỷ so với 32 tỷ USD của cả năm 2016 và 31 tỷ, năm 2015.
Liệu Việt Nam có được thuyết phục hay không?
Ngoài áp lực nặng nề của Trung Quốc, lại còn vấn đề khả tín của Hoa Kỳ. Chắc rằng Việt Nam cũng đã có câu hỏi: làm sao chúng tôi tin được rằng các ông sẽ không bỏ rơi chúng tôi như các ông đã tháo chạy khỏi Miền Nam?
Đây là vấn đề nhức nhối nhất cho nước Mỹ không những đối với Việt Nam mà còn đối với các quốc gia khác trong vùng.
Để trả lời phần nào câu hỏi này thì Tổng thống Obama đã xác nhận:
"Khi đến Việt Nam, tôi ý thức được quá khứ, ý thức được lịch sử khó khăn, nhưng mặt khác cũng hướng đến tương lai, đến sự thịnh vượng, đến những mục tiêu an ninh và ổn định để hai nước có thể thúc đẩy lẫn nhau."
Rồi một cách tế nhị, như để cam kết sự chung thủy, ông trích Nguyễn Du trong Truyện Kiều:
"Rằng trăm năm cũng từ đây.
Của tin gọi một chút này làm ghi"
Tổng thống Trump thì không mấy văn hoa, cho nên ông nói thẳng rằng sự xích lại gần nhau là dựa trên nền tảng của quyền lợi hỗ tương của cả hai nước.
Phát biểu ở Hà Nội, ông nói: "Chúng ta đã gắn kết dần với nhau để tìm được những mục tiêu chung, những lợi ích chung. Và đó là điều đang diễn ra. Chúng tôi tới đây hôm nay để tái khẳng định những gắn kết đó."
Thông Cáo Chung cũng nhắc lại việc "mở rộng quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước trên cơ sở …các lợi ích và mong muốn chung."
Ta có thể giải thích rộng ra rằng thông điệp của cả ông Obama lẫn ông Trump là:
"Quyền lợi quan trọng nhất của cả hai bên Việt - Mỹ là ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc. Mà tham vọng này thì từ đây sẽ không bao giờ chấm dứt, cho nên chúng tôi sẽ không bao giờ làm cái lầm lỡ thứ hai là ôm ông Trung Quốc vào lòng (và bỏ rơi Việt Nam nữa). Đầu thập kỷ 1970 chúng tôi ôm TQ mà không e ngại vì lúc ấy nước này còn đứng vào hàng nghèo nhất thế giới, chưa mạnh về quân sự: năm 1969 xuýt nữa còn bị Liên Xô tấn công nguyên tử nếu không có sự can thiệp của Mỹ."
Thật vậy, tất cả cũng chỉ là vấn đề quyền lợi: chẳng có bạn bè vĩnh viễn (và cũng chẳng có kẻ thù vĩnh viễn) mà chỉ có quyền lợi vĩnh viễn, như Lord Palmerston, Thủ tướng Anh đã từng nhấn mạnh.
Về quyền lợi thì phía Việt Nam cũng đã biết rõ hai điều: thứ nhất, từ Thế Chiến II, không một nước nào từ Âu tới Á đã giàu mạnh lên được mà không phải nhờ Mỹ; và thứ hai, chỉ có Mỹ mới đối lại được với Trung Quốc.
Mở ra hướng đi mới cho Việt Nam
Khi đặt Việt Nam vào trung tâm của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, một khu vực mà chắc chắn ông Trump sẽ tập trung để phát triển, ông đã gián tiếp mở ra một lối đi mới cho Việt Nam.
Đó là dù bị kẹt giữa hai cường quốc, nước này cũng vẫn có cách để xích lại gần Mỹ. Ngoài việc tiến thẳng tới quan hệ đối tác chiến lược lại còn một lối đi vòng: đó là khi Việt Nam nối tay chặt chẽ hơn với Ấn Độ, Nhật Bản, Nam Hàn, Philippines, Úc thì cũng là gián tiếp nối tay chặt hơn với Mỹ, vì 'bạn của bạn tôi là bạn của tôi.'
Mới nghe thì cho rằng khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương chỉ là viễn tượng của một khu kinh tế, thương mại tự do và mở rộng - như chính ông Trump nói - nhưng rất có thể là nó còn có một ý nghĩa sâu xa hơn - một chủ đề chúng tôi sẽ đề cập tới trong một dịp khác.
Để đáp lại thịnh tình của Tổng thống Trump trong chuyến công du kỳ này, thì Việt Nam cũng đã có ba hành động tượng trưng:
1.      Về kinh tế: ký hợp đồng 12 tỷ USD mua sản phẩm của Mỹ;
2.      Về quân sự: "hoan nghênh hàng không mẫu hạm Mỹ lần đầu tiên tới thăm một hải cảng (Cam Ranh) của Việt Nam trong năm 2018" và "khẳng định kế hoạch hợp tác quốc phòng Việt - Mỹ trong giai đoạn 2018-2020." (ông Trump nhấn mạnh sẽ bắt đầu ngay việc sửa soạn chiến thuật này).
3.      Về chính trị, ngoại giao: đã sắp xếp mời ông Trump đến Hà Nội, dự yến tiệc, phát biểu, ra thông cáo chung một ngày trước khi ông Tập tới, dù đón tiếp ông Tập long trọng hơn ông Trump nhiều.
Điểm thứ 2 và 3: nghe thì đơn giản nhưng là những điểm rất nhạy cảm đối với ông Tập.
Để biết rõ hơn liệu Tổng thống Trump có thành công ở Việt Nam hay không, ta phải theo dõi những hành động có thực chất của cả hai bên trong những ngày tháng sắp tới.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, tiến sỹ Nguyễn Tiến Hưng, Cựu Tổng trưởng Kế hoạch VNCH từ năm 1973 đến 1975, phụ tá về tái thiết của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Hiện định cư tại Hoa Kỳ, ông đã xuất bản các cuốn sách Khi Đồng minh Tháo chạy (2005) và Khi Đồng minh Nhảy vào (2016).




Thứ Năm, 9 tháng 11, 2017

CHUYỆN KỂ NHÂN NGÀY ĐƯA CỤ BÀ TRỊNH VĂN BÔ VỀ VỚI TỔ TIÊN .

Chân dung ông bà Trịnh văn Bô thời CM/8/1945 và đại gia đình ở Hà Nội.

Vũ Quang Trung  (K5) : Mặc dù đã biết cụ bà Trinh văn Bô (Nhũ danh Hoàng thị Minh Hồ)  - mẹ chị Trịnh Tuyết Anh, cựu HS Lớp 6 Trường TNVN/LS.QL (1953-1957) tuổi đã cao sức đã yếu nhưng việc bà ra đi , hưởng thọ 105 tuổi, vẫn làm tất cả chúng tôi- những người bạn học cùng trường với chị Tuyết Anh không khỏi xúc động, tiếc thương vô hạn. Vì sao? Vì dường như chúng ta đã chứng kiến sự ra đi vĩnh viễn của 1 NGƯỜI VIỆT NAM TỬ TẾ (viết hoa) cuối cùng thuộc " Thế hệ Nguyễn Ái Quốc" làm nên CM/8 khai sinh nhà nước VNDCCH ! .....
Chúng tôi Xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh ông bà Trịnh văn Bô, rồi nhắc lại câu chuyện sau đây mà chị Tuyết Anh đã không kể cho chúng tôi nghe trong lần họp mặt kỷ niệm thành lập Trường trùng với dịp kỷ niệm 70 năm CM/8 thành công . 
Nỗi buồn nhân đôi 
của gia đình ông bà Trịnh Văn Bô
Tác giả: Quốc Phong
Không nhiều người biết, lúc cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ, quả phụ của nhà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô, qua đời, nỗi buồn sâu thẳm trong lòng vẫn chưa được khơi thông, thậm chí còn là nỗi buồn nhân đôi!
—————-  
Cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ, quả phụ nhà tư sản dân tộc yêu nước Trịnh Văn Bô vừa trút hơi thở cuối cùng vào đêm 5.11 tại Hà Nội trong sự tiếc thương và ngưỡng mộ của hàng triệu người Việt Nam yêu Tổ quốc. Không nhiều người biết, lúc cụ nhắm mắt, nỗi buồn sâu thẳm trong lòng vẫn chưa được khơi thông, thậm chí còn là nỗi buồn nhân đôi!

“Dân tộc bớt đổ máu là chúng tôi mừng rồi…”
Vợ chồng nhà tư sản dân tộc yêu nước Trịnh Văn Bô là chủ hãng tơ lụa sợi nổi tiếng Trịnh Phúc Lợi ở Hà Nội trước năm 1945. Vợ chồng cụ Trịnh Văn Bô từng bí mật nhận lời với Cách mạng đón đoàn cán bộ (mà không hề biết có cả Chủ tịch Hồ Chí Minh) từ chiến khu về ở ngay tại tư gia mình, số 48 phố Hàng Ngang, Hà Nội, ngay sau ít ngày Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng 8 thành công.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thường vụ T.Ư Đảng đã táo bạo ra quyết định về ngay giữa trung tâm Thủ đô để bám sát tình hình và lãnh đạo toàn dân giữ vững chính quyền khi còn non trẻ; đồng thời để soạn thảo Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà 1945.
Có thể coi các cụ là một hình mẫu doanh nhân Việt Nam tiêu biểu, một lòng một dạ phụng sự nền độc lập, tự do của dân tộc, dám hi sinh quyền lợi bản thân mà bất chấp hiểm nguy, nếu như bị mật thám phát hiện, coi như cơ đồ của cách mạng tan trong phút chốc.
Vợ chồng cụ Trịnh Văn Bô đã từng hiến 5.147 lượng vàng cho cách mạng kể từ sau ngày Tổng khởi nghĩa tháng 8 năm 1945 và tiếp đó là trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp cho đến khi dân tộc ta giành thắng lợi. Ngoài số vàng ủng hộ chính quyền cách mạng, họ còn hiến cả ngôi nhà 48 Hàng Ngang, trị giá hàng trăm tỉ đồng theo thời giá bây giờ, để làm Nhà lưu niệm, ghi dấu tích nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo Tuyên ngôn Độc lập đọc tại lễ Quốc khánh 2.9.1945.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếc thương nhà tư sản yêu nước dân tộc Trịnh Văn Bô qua đờiẢNH TƯ LIỆU GIA ĐÌNH
Năm 1990, để phục vụ viết bài nhân 45 năm đất nước giành độc lập trên báo Thanh Niên, người viết bài này đã được cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ cho biết, trong số trên 5.000 lượng vàng mà ông bà hiến cho Cách mạng, có 1.000 lượng vàng được đặc phái viên của Bác là ông Nguyễn Lương Bằng đem đi hối lộ cho 3 viên tướng Tàu là Hà Ứng Khâm (500 lượng), Lư Hán (300 lượng), Tiêu Văn (200 lượng) chỉ để mong hoà hoãn, khỏi đụng độ giữa hai lực lượng, quân Tưởng Giới Thạch và quân ta.
Tôi hỏi: “Sao bà không biết gì về Cộng sản trước đó mà lại tin tưởng Cách mạng đến mức giao cả một lượng tài sản lớn như thế giúp đất nước?”, cụ Hoàng Thị Minh Hồ bảo tôi rằng, cũng là do cụ Hồ đã có lời với vợ chồng bà, mà ông bà lại rất tin cụ Hồ với những gì ông bà biết về nhân vật Nguyễn Ái Quốc đôi chút trước lúc cụ đến nhà. Thứ nữa, nếu dân tộc mình mà tránh được tổn thất về con người như mong muốn của cụ Hồ thì dù tài sản ông bà có mất nữa cũng không nên tính toán. “Dân tộc bớt đổ máu là chúng tôi mừng rồi…”, cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ giải thích.
Không đồng ý đặt tên đường phố vì không biết… Trịnh Văn Bô là ai
Năm 1988, cụ ông Trịnh Văn Bô qua đời. Cả hai cụ đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất, huân chương cao quý của Nhà nước ta, như một ghi nhận xứng đáng mà những gì hai cụ đã đóng góp cho Tổ quốc Việt Nam. Theo quy định ngày đó, những người nổi tiếng là nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ, doanh nhân cũng như các nhà lãnh đạo tiền bối,… sau 10 năm qua đời thì sẽ được xét đặt tên cho các đường phố mà họ từng gắn bó. Tiếc rằng, chuyện này đã không ai đặt ra mà gia đình thì không muốn đi xin xỏ.
Mãi gần đây, năm 2016, theo quy định hiện hành, Hội đồng Tư vấn đặt tên đường phố thành phố Hà Nội đã đề xuất đưa tên doanh nhân Trịnh Văn Bô vào danh sách hiệp thương để đặt tên đường phố. Theo quy trình, việc hiệp thương có nhiều đơn vị tham gia nhưng phải được sự đồng thuận từ cấp xã, phường dự kiến gắn biển tên. Tiếc rằng, văn bản hiệp thương của sở Văn hoá – Thể thao Hà Nội đã không được chính quyền phường Quan Hoa (quận Cầu Giấy) đồng thuận (mặc dù phường giáp ranh có đoạn phố chạy qua là phường Dịch Vọng đã ủng hộ). Lý do thật khôi hài và cũng thật vô cảm: Dân phường Quan Hoa không đồng ý vì khi họp dân phố, nhân dân trên địa bàn cho rằng họ không biết nhà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô là ai!!
Năm ngoái, cụ bà Trịnh Văn Bô khi còn tinh tường đã nghe được câu chuyện buồn trên, sau khi Sở Văn hoá – Thể thao Hà Nội gửi công văn trả lời gia đình .
Hành trình gian nan đòi lại nhà cho mượn
Năm 1954, sau khi Cách mạng về tiếp quản Thủ đô, hai vợ chồng cụ Trịnh Văn Bô khi đó đã cho Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái mượn ngôi biệt thự tại 34 Hoàng Diệu, Hà Nội có khuôn viên rộng 3.000 m2 trong 2 năm. Lý do tướng Thái muốn mượn là vì nó rất tiện cho công việc. Nhất là lúc này, đất nước vẫn còn chia cắt và cuộc chiến đấu giải phóng đất nước vẫn chưa trọn vẹn. Vị trí này rất tiện làm việc vì nó rất gần Bộ Quốc phòng. Theo như lời hứa của tướng Thái (sau này là đại tướng) thì “khi nào Bắc Nam thống nhất, quân đội sẽ trả anh chị”…

Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười chia buồn với gia quyến ông Trịnh Văn Bô trong lễ tang năm 1988  ẢNH TƯ LIỆU GIA ĐÌNH
Thế nhưng, có ai ngờ, phải 21 năm sau đất nước mới thống nhất. Vậy là đến năm 1975, họ mới chính thức đệ đơn xin lại nhà. Lúc này, sự thể trở nên phức tạp.
Hàng chục chữ ký của các cấp lãnh đạo cao nhất của Đảng, Quốc hội, Chính phủ qua các thời kỳ đều ủng hộ hai cụ. Nếu tính ra thì có đến hơn chục chữ ký ủng hộ trả nhà là của các uỷ viên Bộ Chính trị lão thành và đương chức qua các thời kỳ. Từ Chủ tịch nước Trường Chinh đến Thủ tướng Phạm Văn Đồng,… rồi sau này, phải đến thời kì ông Đỗ Mười làm Tổng bí thư, ông Lê Đức Anh làm Chủ tịch nước, ông Võ Văn Kiệt làm Thủ tướng, thì mới hoá giải được câu chuyện dài kỳ nói trên.
Trước đó, đích thân Tổng bí thư Đỗ Mười còn trực tiếp dẫn cụ bà Trịnh Văn Bô đi tìm nhà và vận động cụ nên chọn một trong số vài biệt thự ở các vị trí khác trong thành phố mà ông chỉ chỗ, đang thuộc Ban Tài chính quản trị T.Ư nắm, thay vì cứ phải nhận đúng nhà 34 Hoàng Diệu. Thế nhưng, cụ bà vẫn một mực chỉ xin lại nhà mình, với suy nghĩ giản đơn của một “nhà buôn”: “Nhà đó không phải của tôi, ngộ nhỡ sau này người ta trở về đòi lại thì chúng tôi biết tính sao?”.
Rồi chính ông Đỗ Mười còn thật lòng tâm sự với cụ bà rằng: “Hay là chị Bô còn chôn vàng ở biệt thự 34 Hoàng Diệu? Nếu có chuyện này thật thì tôi xin đứng ra bảo lãnh để chị đến đào rồi mang đi toàn bộ… Chị hãy tin tôi và thương tôi với!”. Số là ông Đỗ Mười cũng có nghe cụ bà nói chuyện hai vợ chồng rời nhà 48 Hàng Ngang theo kháng chiến, năm 1954 trở về, đào lên dưới giếng vẫn còn nguyên 1,4 tấn bạc nén được gia nhân chôn giúp. Ông Đỗ Mười nghĩ vậy mà nói như thế.
TIN LIÊN QUAN


Cụ bà hiến trên 5.000 lượng vàng cho cách mạng qua đời

Cụ Hoàng Thị Minh Hồ, quả phụ nhà tư sản dân tộc yêu nước Trịnh Văn Bô, vừa từ trần lúc 23 giờ 20 ngày 5.11.2017 tại Hà Nội, hưởng thọ 104 tuổi.
Thế rồi, phải đến ngày 9.9.1994, vợ chồng cụ Trịnh Văn Bô mới có quyết định của Thủ tướng trả nhà, dù rằng có chút tế nhị, ngôi biệt thự 34 Hoàng Diệu được ghi là “Tặng” gia đình, do ông bà Trịnh Văn Bô có công lao to lớn đối với đất nước trong Cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Quyết định này được Phó thủ tướng thường trực Phan Văn Khải khi đó ký thay Thủ tướng Võ Văn Kiệt, sau nhiều năm ông Kiệt trăn trở, day dứt khôn nguôi. Cái lúc ông Kiệt phê duyệt đồng ý để Chính phủ ký quyết định “trả” nhà trên, ông bảo với nhiều người rằng việc này còn khó gấp nhiều lần ông ký cho ra đời một dự án kinh tế có giá trị vài trăm triệu đô la.
“Ngày vui vắn chẳng tày gang”, tiếc thay, vì lý do nào đó, quyết định “Tặng nhà” trên đã bị tạm dừng (tháng 3.1995) đến nay vẫn chưa được thi hành. Về mặt pháp lý, nếu đã gọi là tạm dừng thi hành thì cũng có nghĩa quyết định trên vẫn không thay đổi hiệu lực, nếu nhìn nhận nó ở góc độ văn bản hành chính.
Được biết, gia đình cụ quả phụ Trịnh Văn Bô đã vào ở ngôi nhà này từ năm 2003, khi Bộ Quốc phòng đã bàn giao lại cho Ban Tài chính Quản trị T.Ư tạm giữ. Ông Phan Diễn, khi còn là Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, cũng đã đến 34 Hoàng Diệu gặp cụ bà và hứa từ từ rồi Nhà nước sẽ giải quyết thủ tục. Tiếc rằng, lời hứa đó cũng đã 11 năm mà chưa đến hồi kết.

Nguyên Trưởng ban Tổ chức T.Ư Lê Đức Thọ đến viếng lễ tang nhà tư sản dân tộc yêu nước Trịnh Văn Bô và viết trong sổ tang ẢNH TƯ LIỆU GIA ĐÌNH
Vậy là nỗi buồn nhân đôi khi cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ đã qua đời, dù đã ở ngôi nhà 34 Hoàng Diệu hơn chục năm nay, song sổ đỏ thì vẫn cứ chờ đợi, chờ vắt sang cả thế kỷ 21 mà vẫn chưa biết nó tắc ở chỗ nào?
————–
https://thanhnien.vn/doi-song/noi-buon-nhan-doi-cua-gia-dinh-ong-ba-trinh-van-bo-897667.html
------------------
Tin mới nhất Ngày 7/11/2017, chính quyền Hà Nội cho hay đã trình HĐND TP phương án đặt đổi tên đường phố. Theo đó, tại kỳ họp cuối năm, cơ quan dân cử của Thủ đô sẽ xem xét thông qua nghị quyết đặt tên cho 20 đường phố mới và điều chỉnh độ dài của 5 tuyến phố.
Ông Trịnh Văn Bô (1914-1988) được đề nghị đặt tên cho một phố thuộc Quận Cầu Giấy.
Con phố dự kiến mang tên nhà tư sản Trịnh Văn Bô dài 1,2 km, rộng 7,5 m, từ đoạn từ ngã tư giao cắt phố Nguyễn Đình Hoàn tại cầu T11, đến ngã ba giao cắt đường Phùng Chí Kiên tại cổng sau Học viện Quốc phòng.

Chủ Nhật, 1 tháng 10, 2017

NHỚ MÃI BS ĐẶNG HẢI ĐƯỜNG

Cựu HS LS.QL đón BS Đặng vào thăm Tp.HCM
Mỗi khi nhớ về thời thơ ấu, nhớ về những năm chiến tranh chống thực dân Pháp, phải sống xa gia đình, xa Tổ quốc, anh chị em cựu HS Trường TNVN/Lư Sơn-Quế Lâm (1953-1957) không bao giờ quên nhắc đến cái tên của 1 người thầy thuốc Trung Quốc : Bác sĩ Đặng (Tên đầy đủ là BS Đặng Hải Đường). Thời ấy cách đây đã hơn 60 năm, thế nhưng trí nhớ của hơn 1.000 HS từ Lớp Vỡ Lòng đến Lớp 6, (tuổi từ 7 đến 16) đến bây giờ còn in đậm từng chi tiết về cái lần BS Đăng cứu sống một cách "huyền thoại" bạn Hồ Sĩ Tá (HS Lớp 1) khi đi chơi thuyền bị ngã xuống hồ nước , tim đã ngừng đập !
Không chỉ 1 lần cứu sống HS Việt Nam bằng chính máu thịt mình, BS Đặng còn là người thầy thuốc tận tụy yêu thương săn sóc, chữa bệnh cho chúng tôi, khi chúng tôi đau ốm phải nằm bệnh xá. Với chuyên môn, Bà là 1 BS giỏi. Với bệnh nhi VN, Bà là "Mẹ hiền". Với đất nước bà, bà xứng đáng đại diện cho số đông người Trung Hoa tử tế . Với Việt Nam, Bà là người "hàng xóm" chân tình !
Sau ngày VN thống nhất, BS Đặng Hải Đường đã 2 lần được Bộ Giáo dục ta mời sang thăm Việt Nam. Bà được nhà nước VN tặng thưởng Huân chương Lao Động. Và kỷ niệm sâu sắc nhất là đã 1 lần Bà được vinh hạnh gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh .
BS Đặng Hải Đường định cư ở Úc và mất năm 2013.
Hồi ký của bạn Trần Kháng Chiến, cựu HS Lớp Vở Lòng A, Trường TNVN/LSQL sau đây, có đoạn kể về BS Đặng Hải Đường .
Thầy giáo và cựu HS đón BS Đặng ở sân bay Tân Sơn Nhất

BS Đặng Hải Đường mất ngày 20/8/2013 tại Úc, hưởng thọ 85 tuổi
( Giấy báo tử do gia đình BS Đặng cung cấp)

"......BS Đặng Hải Đường sinh 1927 tại Tứ Xuyên, trong một gia đình trí thức, thủa nhỏ bà học rất giỏi, luôn dẫn đầu toàn khối. Năm 1949 khi cuộc nội chiến ở Trung Quốc kết thúc, nước Trung Hoa mới ra đời, bà theo gia đình đến Nam Xương tỉnh Giang Tây. Bà thi đỗ vào trường Đại học Y. Năm 1953 bà tốt nghiệp loại ưu, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Trung Quốc. Sau khi nhận bằng Bác sĩ bà xung phong sang Triều Tiên “Kháng Mỹ viện Triều”, nhưng theo yêu cầu, bà lại được phân công về nhận nhiệm vụ tại Lư Sơn tử đệ học hiệu. Tại đây bà cùng một số y tá, dược tá thành lập bệnh xá chăm lo sức khỏe cho hơn 1.000 giáo viên, cán bộ, học sinh Việt Nam. Khi trường rời từ Lư Sơn về Quế Lâm, BS Đặng cũng theo về và bà chính là người phụ trách chăm lo sức khỏe cho chúng ta từ ngày trường thành lập đến khi giải thể. Các giáo viên và học sinh Việt Nam về nước hết, BS Đặng ở lại Quế Lâm làm việc cho đến khi nghỉ hưu. Do những đóng góp xuất sắc của bà trong thời gian phục vụ ở Trường Thiếu nhi Việt Nam Quế Lâm, bà được Nhà nước Trung Hoa tặng danh hiệu Thầy thuốc Công huân (một danh hiệu cao quý) và Chính phủ ta tặng bà Huân chương Lao Động. Năm 1990 bà nghỉ hưu, nhưng nhận làm hợp đồng cho bệnh viện Nhân dân số II với mức lương tháng 3.000 Nhân dân tệ. BS Đặng lập gia đình năm 1960, có hai người con, một trai, một gái. Người con gái cả sống và làm việc ở Quế Lâm, người con trai là Tiến sĩ, định cư ở Úc. Đầu năm 2001 bà sang Úc ở với con trai. Đối với Việt Nam, BS Đặng có một kỷ niệm rất thiêng liêng liên quan đến dịp Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi Người sang nghỉ tại Quế Lâm vào tháng 5/1961. Như chúng ta đều biết Quế Lâm là một trong những địa phương của Trung Quốc gắn bó với một giai đoạn hoạt động CM của Bác Hồ. Chính ở đây từ 1937 - 1940 Bác đã tham gia cuộc kháng Nhật của nhân dân Trung Quốc. Bác muốn nhân dịp này đề nghị Thành uỷ Quế Lâm tổ chức cho Bác gặp gỡ những bạn chiến đấu cũ để cám ơn họ về sự giúp đỡ đối với CMVN. BS Đặng cũng có tên trong danh sách được đi gặp Bác Hồ. Bà xúc động kể: “Hôm ấy tôi đang làm việc tại BV thì người của Thành ủy Tp.Quế lâm đánh xe hơi đến báo cho tôi biết: tôi được ra sân bay Quế Lâm dự cuộc gặp gỡ với Chủ tịch Hồ Chí Minh trước khi người rời Trung Quốc về nước! Đến Thành uỷ xe đón thêm 6, 7 đồng chí nữa. Qua lời giới thiệu tôi biết tất cả các đồng chí này đều đã từng làm việc ở Việt Nam, có đóng góp nhiều cho CMVN. Tôi càng thấy vinh dự và xúc động vô cùng! Ngồi trên xe ra sân bay Quế Lâm mà trong lòng lâng lâng như đang trong trong giấc mơ!
Chúng tôi chờ Bác Hồ ở trong phòng khách đặc biệt độ 20 phút thì Người đến Mặc dù đã được nghe kể, được đọc sách báo nói nhiều về đức tính giản dị, gần gũi nhân dân của Bác Hồ, nhưng khi Người xuất hiện tất cả chúng tôi đều quá ngỡ ngàng! Bác Hồ ân cần vui vẻ bắt tay chúng tôi, Bác hỏi thăm từng người và nhắc đi nhắc lại bằng tiếng Trung Quốc: “Xin lỗi các đồng chí, vì đã để các đồng chí phải chờ!”. Vì chỉ có tôi là phụ nữ nên Bác dừng lại hỏi thăm riêng. Đồng chí Bí thư Thành uỷ Quế Lâm được dịp “khoe” thành tích của tôi khi làm việc ở Trường Thiếu nhi Việt Nam Lư Sơn - Quế Lâm từ năm 1953 đến hết 1957. Chủ tịch Hồ Chí Minh chăm chú lắng nghe rồi Người nói, đại ý: Tôi thay mặt nhân dân VN, thay mặt gia đình các cháu học sinh Việt Nam cám ơn đồng chí, cám ơn tập thể cán bộ y tế Trung Quốc đã chăm sóc chu đáo cho con em chúng tôi… Cuộc gặp gỡ với Bác Hồ lần ấy chỉ diễn ra trong vòng 30 phút, nhưng đối với tôi, đó là những giây phút cảm động, hạnh phúc nhất trong đời. Khi Hồ Chủ tịch lên máy bay, mọi người ào ra tận đường băng tiễn Người. Khi đến cửa máy bay Hồ Chủ tịch quay lại phía chúng tôi, Người nắm hai bàn tay vào nhau, chắp trước ngực, lắc lắc chào từ biệt mọi người theo kiểu của người Trung Quốc. Từ giây phút ấy tôi giữ mãi trong tim hình ảnh vị lãnh tụ anh minh của nhân dân VN, người bạn lớn của nhân dân Trung Quốc! Tôi luôn luôn tự nhủ: vinh dự này là vinh dự chung của tập thể anh chị em cán bộ Bệnh xá trường ta, tôi chỉ là người đại diện đón nhận vinh dự đó”…
Lan man chuyện xưa BS Đặng lại chuyển sang chuyện nay lúc nào không biết! Giọng bà trầm hẳn xuống khi nói đến thời kỳ Trung Quốc tiến hành Cách mạng văn hoá, không ít cán bộ trường Lư Sơn - Quế Lâm - KHX Nam Ninh, trong đó có bà, phải gánh chịu khó khăn. Rồi thời kỳ đụng độ biên giới, đêm đêm bà đau lòng nhìn những đoàn xe quân sự gắn ngôi sao “Bát nhất” chạy về hướng Hữu Nghị quan… Bà nói: “Chuyện Quốc gia đại sự là chuyện của những người cầm quyền. Nhân dân 2 nước Trung - Việt mãi mãi là anh em…”. Chúng tôi hát vang bài ca Chào Quế Lâm để tặng người Thày thuốc Trung Hoa mà chúng ta từng coi là Người mẹ thứ 2 của mình!   ...
( Trích trong Hồi Ký "Ngược dòng ký ức", Xuất bản 4/2017)

Thứ Ba, 19 tháng 9, 2017

TIN BUỒN


BLL Hội  cựu Hoc sinh KHX TWLS.QL 
vô cùng thương tiếc báo tin
Cụ bà PHẠM THỊ HỒNG 
(Sinh 1909) 


(Thân sinh của các bạn Quyết Tâm - Mê Linh - Chí Linh...)
Đã tạ thế hồi 10giờ 50 phút Ngày 16/9/2017 
( Tức ngày 26 tháng 7 năm Đinh Dậu). 
Hưởng thọ 109 tuổi.
*
LỄ VIẾNG
Vào hồi 07giờ 30ph  
Thứ 4. Ngày 20/9/2017
Tại Nhà tang lễ BV Trung ương Quân đội 108
Số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội)
*
LỄ TRUY ĐIỆUĐƯA TANG
Vào hồi 8giờ 50 Ngày 20/9/2017
Sau đó thi hài cụ được đưa về An táng tại quê nhà 
(Nghĩa trang Tía, xã Tử Dương, huyện Thường Tín, Hà Nội)

*
 THAY MẶT CÁC CỰU HS TRƯỜNG KHXTW và LS.QL
CHÚNG TÔI XIN GỬI TỚI GIA ĐÌNH LỜI CHIA BUỒN SÂU SẮC NHẤT
XIN CẦU NGUYỆN ĐỂ HƯƠNG HỒN BÀ SỚM SIÊU THOÁT 
VÀ YÊN GIẤC NGÀN THU

--------------------------
Cụ Bà Phạm thị Hồng (Bìa phải) thời trẻ nổi tiếng là Hoa khôi của Hà thành và được mênh danh là " Bông hồng Hồ Gươm" !

Sống qua 2 Thế kỷ (109 tuổi), trải qua biết bao biến cố, Bà vẫn giữ được nét gia giáo. phong lưu của của người trí thức Hà thành. Đặc biệt Bà có trí nhớ tuyệt vời ! ( Trong ảnh Bà và 3 cô con gái yêu: Quyết Tâm, Mê Linh, Chí Linh ).

Con cháu, dâu rể quây quần bên bà Hồng. 6 ngày sau bà trút hơi thở cuối cùng để về cõi Vĩnh hằng...!

Thứ Tư, 6 tháng 9, 2017

BAN LIÊN LẠC (PHÍA NAM) HỘI CỰU HS TRƯỜNG TNVN LUSON.QUELAM (1953-1957) THÔNG BÁO HỌP MẶT HÀNG NĂM


Thể theo nguyện vọng của đông đảo các thày cô và các bạn cựu học sinh hiện đang sinh sống tại Tp.HCM và các tỉnh phía Nam,
năm nay (2017) chúng ta sẽ tổ chức
HỌP MẶT
Kỷ niệm 64 năm Trường TNVN
Thời gian: Chủ nhật, Ngày 24/9/2017.
Vào hồi : Từ 09g-12g.
Tại địa điểm: Nhà khách C.59 Quân đội.
Số 18D Đường Cộng Hòa. P.4 Q.Tân Bình
( Sau tòa nhà Ngân hàng Quân đội ).

Xin mời các thày, cô, các bạn cựu HS tất cả các khối Lớp của Trường ta đến tham dự chung vui
Thông báo này thay giấy mời .
Những ai nhận được thông tin này, với tinh thần QL hãy báo cho thày cô, bạn bè cùng Trường biết và đến tham dự đông đủ.
Xin trân trọng cảm ơn và hẹn gặp trong ngày Hội.

Thay mặt Ban tổ chức
Trần Kháng Chiến.
(Điện thoại liên hệ 0964089924)

Thứ Năm, 31 tháng 8, 2017

TN BUỒN

BAN LIÊN LẠC K5 VÔ CÙNG THƯƠNG TIẾC BÁO TIN
chị NGUYỄN THỊ ANH TUẤN
(tức Kim Anh , sinh năm 1953)
(Vợ bạn Trịnh Xuân Diễn)
Đã qua đời vì trọng bệnh vào hồi 23giờ30 
Ngày 29/8/2017 tại nhà riêng
Lễ viếng từ 7giờ - 9giờ 
Thứ Sáu, ngày 1/9/2017 
Tại Nhà Tang lễ BV 354 
Số 13 phố Đội Nhân - Phường Vĩnh Phúc . 
Quận Ba Đình - Hà Nội .
Sau đó thi hài được đưa về an táng tại nghĩa trang quê nhà.
------------------------------
Các bạn K5 có mặt tại Nhà Tang lễ BV 354 vào hồi 8 giờ sáng ngày 1/9 để tham dự lễ tang và tiễn đưa chị Kim Anh về nơi an nghỉ cuối cùng.

Thứ Năm, 17 tháng 8, 2017

TRINH XUÂN THANH THAM NHŨNG HAY PHẢN QUỐC ?

Người viết : Nguyễn Ngọc Hùng

Nửa tháng đã qua kể từ khi rộ lên thông tin về vụ TXT “về nước đầu thú” mà phía Đưc nói là “bị bắt cóc”. Nhiều tình tiết về vụ việc này nhanh chóng được phía Đức đưa ra công khai, trong khi VN chỉ đưa ra hình ảnh TXT tại cơ quan điều tra khi “đầu thú” và hình ảnh trang viết tay “tự thú” của TXT.
Nhiều phân tích và bình luân trái chiều nhau được công khai trên truyền thông quốc tế và mạng xã hội của VN. Có 2 hướng chính mâu thuẫn nhau:
Một coi việc “bắt được” TXT là thắng lợi của chống tham nhũng, phản đối thái độ của Đức “bao che” cho TXT ẩn náu tại Đức và “đòi VN phải trả TXT về Đức”. Những người theo hướng này cho rằng VN có quyền bắt TXT về, bởi đã có truy nã quốc tế của Interpol mà Đức không chịu thi hành.
Hai là cho rằng bắt cóc TXT về nước là “thất sách”, bởi Đức đang trong quy trình cứu xét đơn xin tị nạn của TXT. Những người này cho rằng rồi thì Đức cũng sẽ chấp nhận giao TXT cho VN “theo đúng luật pháp của Đức và quốc tế”, bởi TXT là tội phạm tham nhũng, không thuộc diện “dân chủ- nhân quyền” mà Đức phải bảo vệ.
Thái độ của Đức thì ngày càng tỏ ra cứng rắn thể hiện sự “tức giận thực sự” đối với việc VN ‘bắt cóc TXT trên đất Đức”. Những biện pháp “trả đũa” mà Đức đã đưa ra bất lợi cho VN chứng tỏ Đức không chỉ phật í mang tính “giữ thể diện, mà có vẻ như họ đang chịu một “thua thiệt” hoặc “thất bại” khó chấp nhận lắm???
Nếu TXT chỉ đơn thuần là một kẻ tội phạm phi chính trị, thì tại sao Đức lại cay cú đến thế? Tại sao VN lại quyết định “bắt cóc” TXT về vào lúc này? Chả lẽ lãnh đạo VN ngây thơ về ứng xử quốc tế đến mức ấy à? Hay là, không bắt được TXT về thì sẽ thiệt hại lớn lắm đến “ANQG” chứ không đơn thuần chỉ là những thất thoát mấy nghìn tỷ mà TXT là tội đồ?

Thử lí giải theo hướng phức tạp này xem:
1/- TXT là tội phạm tham nhũng. Nhưng khi đã trốn sang được Đức, muốn được tị nạn chính trị để khỏi bị đẩy về nước, thì y phải tự biến mình thành nhân vật cần phải được thể chế “dân chủ- nhân quyền” của Đức bảo vệ. Y có thể đã tự nguyện tố cáo chính quyền VN này nọ, thể hiện mình là kẻ “bất đồng chính kiến” mà nếu trở về VN thì sẽ bị “trừng phạt một cách không công bằng”. Trong giai đoạn “vượt biên, vượt biển” hồi thập niên 70- 80 của thế kỷ trước, rất nhiều người đã dùng “chiêu” này khi bị phỏng vấn sàng lọc tại các trại tị nạn do UNHCR tổ chức. Có lẽ, các luật sư mà TXT thuê ở Đức cũng mách nước cho thân chủ của họ phải biến mình thành “đối tượng chính trị” để được hưởng quy chế tị nạn tại Đức.
2/- TXT rất có thể đã tự nguyện bán mình cho tình báo Đức khi y nộp đơn tị nạn. Một nhân vật như TXT không thể không lôi cuốn sự chú í đặc biệt của TB Đức. Chính phủ, bộ ngoại giao và cơ quan tư pháp Đức có thể chưa “làm gì” với TXT kể từ khi y nộp đơn xin tị nạn. Nhưng cơ quan TB Đức thì khó lòng bỏ qua “nguồn tin quan trọng” này. Nếu TB Đức đã tiếp cận, TXT dứt khoát đã bán mình cho TB Đức, để trở thành một nhân vật có những dấu hiệu cấu thành tội phản quốc!
Sau khi TXT bị “VN bắt cóc”, cơ quan TB Đức mới chính thức thông tin và phối hợp với chính phủ, bộ ngoại giao, bộ tư pháp Đức, để được các cơ quan này cùng phối hợp ứng xử với vụ việc; bởi vụ việc khi ấy đã không còn đơn giản chỉ là một trường hợp “đang chờ cứu xét đơn tị nạn” đơn thuần nữa. TB Đức cũng hoàn toàn í thức được rằng khi TXT rơi vào tay TB VN thì mọi bí mật đã diễn ra giữa cơ quan này với TXT cũng sẽ bị TB VN bóc mẽ hết! Chính phủ Đức, bộ ngoại giao Đức lúc này đã thấy rõ tầm quan trọng của vụ việc. Và những ứng xử chính thức của phía Đức cho đến nay cho thấy “tính chất nghiêm trọng” của vụ việc này.
3/- VN phải bắt TXT về, vì nếu chậm trễ hơn nữa, thì y sẽ còn cung cấp cho phía Đức rất nhiều những vấn đề mà phía lãnh đạo VN cho là “nguy hại đến ANQG”!

Nếu kịch bản trên đây là phù hợp với sự thật thì:
1/- Việc VN bắt được TXT về nước là một chiến tích của TB VN, là một thất bại đáng xấu hổ của TB Đức. Có lẽ, TB Đức đã quá chủ quan với “đối tác” của họ- TBVN. Còn TBVN thì đã tận dụng tâm lí “chủ quan khinh thường đối thủ” của TB Đức để bắt gọn TXT mà không hề bị phản ứng tức thời.
2/- Vì mục đích “bảo vệ ANQG”, ngăn chặn nguy cơ “TXT biến thành tay sai cho TB Đức” gây tổn thất nghiêm trọng đến “các lợi ích to lớn của Đảng và Nhà nước”, lãnh đạo VN đã quyết định ra lệnh cho cơ quan TBVN phải làm một việc mà biết rõ là sẽ phải chấp nhận những phản ứng rất bất lợi từ phía Đức.
3/- Như vậy, về nghiệp vụ đơn thuần, TBVN thắng. Trận thắng ấy cũng phục vụ được “yêu cầu chính trị do đảng và nhà nước giao cho”. Nhưng về chính trị- đối ngoại thì VN đang gặp những phản ứng rất bất lợi, không chỉ từ phía Đức, mà cả cơ quan điều tra của EU cũng đã vào cuộc để điều tra “vụ bắt cóc táo tợn” này. Hình ảnh đang tốt đẹp của VN trước EU và thế giới nói chung bỗng nhiên vì vụ này mà méo mó, khó tin cậy.
Nên nhớ: Nguyên tắc công tác công an là “nghiệp vụ phục vụ chính trị”, không thể “nghiệp vụ đơn thuần”!

12/8/2017