TQ lật thế cờ khiến Mỹ quay lại Việt Nam
GS Nguyễn Tiến Hưng Gửi tới BBC từ Virginia, Hoa Kỳ
20
tháng 11 2017
Từ khi nối lại bang
giao với Mỹ, Trung Quốc đã phát triển, tiến bộ vượt bực về hết mọi mặt: quân
sự, kinh tế, tài chính nhờ vào kỹ thuật, tiền bạc, thị trường Mỹ.
Cho nên ngày nay Trung
Quốc đã mạnh đủ để lật ngược thế cờ, ra mặt đối đầu với Hoa Kỳ.
Việc Trung Quốc thay
đổi từ hòa bình sang tấn công như thế nào thì mọi người đều đã biết và chúng ta
hiện còn đang chứng kiến từng ngày.
Song song với cường độ
gây hấn của Trung Quốc là nhịp tăng tốc chiến lược xoay trục của Mỹ.
Và khi Mỹ xoay về Biển
Đông thì Việt Nam lại trở về chỗ đứng lịch sử: đó là địa điểm chiến lược quan
trọng nhất tại khu vực này.
Đầu thập niên 2000
Trung Quốc đã có những hành động ra mặt khiêu khích Mỹ, bắt đầu với việc tuyên
bố chủ quyền về khu vực khí đốt gần đảo Natura phía đông bắc Sumatra (Nam
Dương) và tranh chấp với Nhật về quần đảo Senkaku ở Đông hải.
Từ thời điểm đó tới nay
đã có tới bốn tổng thống Mỹ liên tục chính thức thăm viếng Việt Nam.
Sự khác nhau là hai
tổng thống Clinton và Obama đã tới Hà Nội vào năm thứ tám, năm cuối cùng của
nhiệm kỳ hai (Clinton: 16/11/2000 và Obama: 20/5/2016). TT Bush tới vào năm thứ
sáu (17/11/2006).
Lần này, Tổng thống
Trump chính thức công du nội trong 11 tháng kể từ khi dọn vào Tòa Bạch Ốc.
Việt Nam lại là nước
đầu tiên trong nhóm quốc gia ở Biển Đông trên lộ trình của ông. Sự sắp xếp về
thời điểm thăm viếng, và thứ tự trước sau trong các chuyến đi của một lãnh đạo
luôn có một ý nghĩa sâu xa về chính sách ngoại giao.
Mục đích công du của Trump tại Việt Nam
Trong chuyến đi này,
khác với muc đích thăm viếng Trung Quốc, Nhật, Nam Hàn, Philippines, ông tới
Việt Nam không phải để thuyết pháp về 'mậu dịch công bằng đối với Mỹ," hay
chống lại hiểm họa Bắc Hàn, hay chỉ để bán vũ khí, mục đích chính là về chiến
lược.
Đó là làm sao cho Việt Nam - dù
ở cái thế kẹt giữa hai cường quốc - vẫn có thể xích lại gần Mỹ trong bối cảnh
mà ông gọi là 'Giấc mơ Ấn Độ - Thái Bình Dương'.
Tại hội trường APEC,
ông nói đến ý nghĩa của giấc mơ này là để "tất cả có thể cùng nhau phát
triển thịnh vượng trong tự do và hòa bình."
Nhưng mọi người đều
biết rằng "cùng nhau phát triển thịnh vượng" thì dễ nhưng "trong
tự do và hòa bình" thì khó.
Khó là vì Trung Quốc
gây hấn gia tăng ngày một nhanh. Cho nên, quyền lợi hỗ tương quan trọng nhất
đối với Việt Nam và Mỹ là ngăn chận sự bành trường mau lẹ của Trung Quốc.
Trong chuyến thăm Việt
Nam năm 2016, ông Obama khéo léo thúc đẩy Việt Nam qua việc nhắc lại câu thơ
của Lý Thường Kiệt, rằng: "Sông núi nước Nam vua Nam ở."
Nhưng trong chuyến
công du này thì ông Trump - con người bộc trực, nghĩ sao nói vậy - đã nhắc
thẳng đến Hai Bà Trưng từng đánh đuổi Trung Quốc từ gần 2000 năm trước.
Ông nói: "Hai Bà
Trưng đã đánh thức tinh thần của người dân vùng đất này. Đó là lần đầu tiên
người dân Việt Nam đứng lên đấu tranh cho sự độc lập và niềm tự hào của các
bạn."
Trong một hội trường
gồm lãnh đạo của cả 21 thành viên và ngay trước mặt ông Tập Cận Bình mà nhắc
đến như vậy thì cũng không phải là chỉ để nói bâng quơ.
Chắc cố vấn của ông
Trump cũng đã cho ông xem hồ sơ của Tòa Bạch Ốc (9/7/1971) ghi lại lời Thủ
tướng Chu Ân Lai nói về Hai Bà Trưng:
"Hai nghìn năm
trước đây, Trung Quốc đã xâm lược Việt Nam, và Trung Quốc đã bị đánh bại. Lại
bị đánh bại bởi hai người đàn bà, hai nữ tướng."
Ông Trump ưu ái Việt Nam?
Tờ Forbes (12/11/2017)
vừa có bài nhận xét rằng Việt Nam là nước có lợi nhiều nhất trong chuyến đi vừa
qua của Tổng thống Trump.
Đó là vì Việt Nam nhận
được cả hai cái YES từ ông Trump. Tờ này cho rằng: Việt Nam muốn hai điều - một
là Mỹ thực sự quan tâm đến sự lo ngại của Việt Nam về tranh chấp lãnh thổ ở
Biển Đông; và hai là Mỹ tiếp tục ngoại thương tự do đối với Việt Nam mặc dù đã
rút khỏi TPP, vì ngoại thương chiếm tới 89% tổng sản xuất GDP của nước này (201
tỷ USD, năm 2016).
Forbes biện luận: về
điểm thứ nhất, trước chuyến công du, ông Trump đã cho chiến hạm đi xuyên qua
biển, sát cạnh những hòn đảo TQ đang xây dựng hoặc tranh chấp với Việt Nam.
Ngày Chủ Nhật, ngay
trước chuyến thăm Hà Nội của ông Tập Cận Bình, ông Trump lại đề nghị có thể
giúp làm trung gian hay trọng tài về tranh chấp Biển Đông.
Ông Trump đề nghị như
vậy dù đã biết rõ rằng Trung Quốc luôn chống lại vấn đề trọng tài do một trung
gian thứ ba chứ đừng nói tới Mỹ.
Thật vậy, ngày
13/11/2017 báo South China Morning Post từ Hồng Kông đã bình luận rằng việc ông
Trump đề xuất làm trung gian tranh chấp Biển Đông sẽ khiến Bắc Kinh khó chịu và
phủ bóng xuống quan hệ của ông Trump với ông Tập.
Nhưng sở dĩ ông Trump
cứ đề nghị như vậy là "để cho thấy rằng Mỹ thừa nhận sự lo lắng của Việt
Nam và tối thiểu là không phải là không đứng về phía Việt Nam".
Về điểm thứ hai, dù
ông Trump tấn công các nước rất nặng nề (nhất là Trung Quốc) tại APEC về mậu
dịch bất công đối với Mỹ, nhưng tại Hà Nội ông đã nhân nhượng, chỉ nói rằng sẽ
chờ mong để tiến tới thương mại hai chiều một cách "công bình và hỗ
tương" (fair and reciprocal), và kêu gọi phải "minh bạch hơn"
(more transparent).
Đây là mặc dù cán cân
thương mại Mỹ - Việt càng ngày càng thâm thụt đối với Mỹ: nguyên 9 tháng đầu
của năm 2017 đã lên tới gần 29 tỷ so với 32 tỷ USD của cả năm 2016 và 31 tỷ,
năm 2015.
Liệu Việt Nam có được thuyết phục hay không?
Ngoài áp lực nặng nề
của Trung Quốc, lại còn vấn đề khả tín của Hoa Kỳ. Chắc rằng Việt Nam cũng đã
có câu hỏi: làm sao chúng tôi tin được rằng các ông sẽ không bỏ rơi chúng tôi
như các ông đã tháo chạy khỏi Miền Nam?
Đây là vấn đề nhức
nhối nhất cho nước Mỹ không những đối với Việt Nam mà còn đối với các quốc gia
khác trong vùng.
Để trả lời phần nào
câu hỏi này thì Tổng thống Obama đã xác nhận:
"Khi đến Việt
Nam, tôi ý thức được quá khứ, ý thức được lịch sử khó khăn, nhưng mặt khác cũng
hướng đến tương lai, đến sự thịnh vượng, đến những mục tiêu an ninh và ổn định
để hai nước có thể thúc đẩy lẫn nhau."
Rồi một cách tế nhị,
như để cam kết sự chung thủy, ông trích Nguyễn Du trong Truyện Kiều:
"Rằng trăm năm cũng từ
đây.
Của tin gọi một chút này làm
ghi"
Tổng thống Trump thì
không mấy văn hoa, cho nên ông nói thẳng rằng sự xích lại gần nhau là dựa trên
nền tảng của quyền lợi hỗ tương của cả hai nước.
Phát biểu ở Hà Nội,
ông nói: "Chúng ta đã gắn kết dần với nhau để tìm được những mục tiêu
chung, những lợi ích chung. Và đó là điều đang diễn ra. Chúng tôi tới đây hôm
nay để tái khẳng định những gắn kết đó."
Thông Cáo Chung cũng
nhắc lại việc "mở rộng quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước trên cơ sở
…các lợi ích và mong muốn chung."
Ta có thể giải thích
rộng ra rằng thông điệp của cả ông Obama lẫn ông Trump là:
"Quyền lợi quan
trọng nhất của cả hai bên Việt - Mỹ là ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc. Mà
tham vọng này thì từ đây sẽ không bao giờ chấm dứt, cho nên chúng tôi sẽ không
bao giờ làm cái lầm lỡ thứ hai là ôm ông Trung Quốc vào lòng (và bỏ rơi Việt
Nam nữa). Đầu thập kỷ 1970 chúng tôi ôm TQ mà không e ngại vì lúc ấy nước này
còn đứng vào hàng nghèo nhất thế giới, chưa mạnh về quân sự: năm 1969 xuýt nữa
còn bị Liên Xô tấn công nguyên tử nếu không có sự can thiệp của Mỹ."
Thật vậy, tất cả cũng
chỉ là vấn đề quyền lợi: chẳng có bạn bè vĩnh viễn (và cũng chẳng có kẻ thù
vĩnh viễn) mà chỉ có quyền lợi vĩnh viễn, như Lord Palmerston, Thủ tướng Anh đã
từng nhấn mạnh.
Về quyền lợi thì phía
Việt Nam cũng đã biết rõ hai điều: thứ nhất, từ Thế Chiến II, không một nước
nào từ Âu tới Á đã giàu mạnh lên được mà không phải nhờ Mỹ; và thứ hai, chỉ có
Mỹ mới đối lại được với Trung Quốc.
Mở ra hướng đi mới cho Việt Nam
Khi đặt Việt Nam vào
trung tâm của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, một khu vực mà chắc chắn ông
Trump sẽ tập trung để phát triển, ông đã gián tiếp mở ra một lối đi mới cho
Việt Nam.
Đó là dù bị kẹt giữa
hai cường quốc, nước này cũng vẫn có cách để xích lại gần Mỹ. Ngoài việc tiến
thẳng tới quan hệ đối tác chiến lược lại còn một lối đi vòng: đó là khi Việt
Nam nối tay chặt chẽ hơn với Ấn Độ, Nhật Bản, Nam Hàn, Philippines, Úc thì cũng
là gián tiếp nối tay chặt hơn với Mỹ, vì 'bạn của bạn tôi là bạn của tôi.'
Mới nghe thì cho rằng
khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương chỉ là viễn tượng của một khu kinh tế, thương
mại tự do và mở rộng - như chính ông Trump nói - nhưng rất có thể là nó còn có
một ý nghĩa sâu xa hơn - một chủ đề chúng tôi sẽ đề cập tới trong một dịp khác.
Để đáp lại thịnh tình
của Tổng thống Trump trong chuyến công du kỳ này, thì Việt Nam cũng đã có ba
hành động tượng trưng:
1.
Về
kinh tế: ký hợp đồng 12 tỷ USD mua sản phẩm của Mỹ;
2.
Về
quân sự: "hoan nghênh hàng không mẫu hạm Mỹ lần đầu tiên tới thăm một hải
cảng (Cam Ranh) của Việt Nam trong năm 2018" và "khẳng định kế hoạch
hợp tác quốc phòng Việt - Mỹ trong giai đoạn 2018-2020." (ông Trump
nhấn mạnh sẽ bắt đầu ngay việc sửa soạn chiến thuật này).
3.
Về
chính trị, ngoại giao: đã sắp xếp mời ông Trump đến Hà Nội, dự yến tiệc, phát
biểu, ra thông cáo chung một ngày trước khi ông Tập tới, dù đón tiếp ông
Tập long trọng hơn ông Trump nhiều.
Điểm thứ 2 và 3: nghe
thì đơn giản nhưng là những điểm rất nhạy cảm đối với ông Tập.
Để biết rõ hơn liệu
Tổng thống Trump có thành công ở Việt Nam hay không, ta phải theo dõi những
hành động có thực chất của cả hai bên trong những ngày tháng sắp tới.
Bài viết thể hiện quan điểm
riêng của tác giả, tiến sỹ Nguyễn Tiến Hưng, Cựu Tổng trưởng Kế hoạch VNCH từ
năm 1973 đến 1975, phụ tá về tái thiết của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Hiện
định cư tại Hoa Kỳ, ông đã xuất bản các cuốn sách Khi Đồng minh Tháo chạy
(2005) và Khi Đồng minh Nhảy vào (2016).
phải cảnh giác trước Trung Quốc
Trả lờiXóa