Thứ Năm, 27 tháng 6, 2013

ĐỌC LẠI NHỮNG DÒNG LƯU BÚT NGÀY XƯA

( Chép lại từ Blog cũ )

57 năm trước : “Năm ngoái mình đã cãi nhau với bạn. 
Lúc xa nhau mong Đặng hãy bỏ qua cho mình !”  

Bạn Đinh văn Đặng (nay là Đinh Quang Giang) ở 5C, năm 1954 được chọn đi học tiếng Nga ở Học viện Ngoại Ngữ Bắc Kinh cùng với một số bạn khác. 57 năm qua có một vật kỷ niệm bạn Đặng giữ rất cẩn thận, đó là quyển sổ lưu niệm ( ngày nay học sinh gọi là sổ Lưu bút). Quyển sổ tay nhỏ ghi hàng chục lời chia tay của các bạn Lớp 5 (A,B,C) . Đặng trích cho mình đọc một số đoạn. Đọc xong tự nhiên hình dung ra cả một thời "Dục tài học hiệu" với một lứa thiếu niên được Công-Nông-Binh rèn rũa chỉn chu  trong một cái lò rực lửa cách mạng . Từ những lời chào đầy khí thế " Chào Đoàn kết!" ( Trần Lương"), " Chúc lên đường đầy thắng lợi !" ( Thế Long) đến chúc nhau " ...qua mọi chông gai/ Con đường học vấn tương lai sáng ngời " ( Thế Hùng). Khí thế hơn, mục tiêu rõ ràng  là lời chúc của Phan Hồ : “Tư cách khá. Được vào Đoàn !". Nhiều lưu bút bày tỏ tình cảm ( tuy hơi cải lương ) :"Thôi thế là có đêm nay/Sáng mai đã phải chia tay nhau rồi "( Hữu Hảo) .

Thứ Sáu, 21 tháng 6, 2013

21/6 NGÀY BÁO CHÍ CMVN


VƯỜN THƠ NGÀY ẤY ( Cảo thơm lần giở)

Thơ Thạch Quân,Trung Hải và lời bình

( Entry này được trình Làng từ 28/09/2009 )
Xao xuyến và Bâng khuâng
( Chùm thơ nhỏ của 2 nhà thơ Làng ta )

BĐH- Cuối Tháng Tám, đã vào thu mà trời Hà Nội vẫn chưa cảm nhận được khúc giao mùa , có lẽ vì thế mà chàng lãng tử Thạch Quân đã biến thành cánh én bay lên thành phố Sương mù để hưởng chút mộng mơ của một Đà Lạt dịu mát . Cảnh ấy, người đây, không ra Thơ mới là chuyện lạ. Vì thế Trung Hải , với con mắt của một "nguyên Thám tử " đã chia sẻ với bạn thơ Thạch Quân khi đọc bài thơ  :
 

Thứ Sáu, 14 tháng 6, 2013

TẦU NGẦM KILO TRONG "DU KÍCH HẢI CHIẾN" CỦA VIỆT NAM

Trước hết phải khẳng định rằng tàu ngầm Kilo của Việt Nam không phải là “chiếc nỏ thần” như của An Dương Vương. Bởi vì không những nó ít ỏi mà đằng sau nó đang còn nhiều thách thức từ việc điều động tàu cho đến sử dụng trong tác chiến… mà đòi hỏi bản lĩnh và trí tuệ cao.
Mỗi quốc gia có cách sử dụng tàu ngầm khác nhau cho mục đích khác nhau. Như tuyên bố của Tướng Phùng Quang Thanh - Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam là “tàu ngầm Kilo chỉ để bảo vệ vùng biển của Việt Nam, gồm thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế và lãnh hải của Việt Nam, không có mục đích sử dụng nào khác”.
 
Thế trận liên hoàn hỗ trợ tấn công, bảo vệ lẫn nhau giữa Kilo, tàu tên lửa, hệ thống Bastion-P… cho hải chiến du kích kiểu Việt Nam phát huy tác dụng.
Tình hình hiện nay, với vũ khí trang bị phòng thủ biển hiện có thì Việt Nam đủ sức làm chủ mặt biển và không hải phận. Còn lòng biển và đáy biển?
Sự xuất hiện lữ đoàn tàu ngầm Kilo của Việt Nam cũng không nằm ngoài bối cảnh đó và dĩ nhiên được kỳ vọng là phải hoàn thành tốt chức năng nhiệm vụ được giao phó, trong đó nhiệm vụ ngăn chặn, tiêu diệt tàu ngầm địch trong vùng biển của ta đồng nghĩa với việc bảo vệ cho tàu chiến mặt nước của chúng ta không bị tàu ngầm địch uy hiếp là nhiệm vụ quan trọng bậc nhất mang tính sống còn.
Nếu chúng ta không ngăn chặn được tàu ngầm địch, để chúng lọt vào tuyến phòng thủ thì chiến lược chống tiếp cận bị phá sản, đặc biệt khi đó coi như phần “mềm” hải chiến du kích đã bị “virus” tấn công, thế trận phòng thủ mất liên hoàn, không hỗ trợ được cho nhau nên sẽ rất khó khăn để các lực lượng thực hiện nhiệm vụ.

Thứ Hai, 10 tháng 6, 2013

NHỚ ÔNG GIÀ QUÉT TUYẾT Ở LƯ SƠN


Dốc tuyết 

Ông già quét tuyết ở Lư Sơn
  Chân đi giầy vải , áo bông sờn
       Mũ trùm chẳng kín chòm râu bạc
    Tôi vẫn gặp người trên dốc trơn

Chổi tre lão gạt mặt tuyết dầy
 Dìu từng cháu nhỏ giắt từng tay
Tung tăng lũ trẻ qua dốc tuyết
Nào biết mồ hôi lão ướt đầy

      Năm mươi năm chuyện thành cổ tích
Qua Cầu Trời đời đã Âm-Dương 
  Tôi chống gậy tìm về dốc tuyết
Chợt ấm bàn tay lúc sang đường ...

                                    ( Kỷ niệm ngày về thăm lại Lư Sơn Tử đệ Học hiệu 8.2003)

Thiên Kiều (Cầu trời) Lư Sơn-Giang Tây

----------------------------------------------------------
Chú thích :
1. Câu chuyện về ông già TQ sáng sáng quét tuyết và giắt các cháu Việt Nam qua dốc tuyết trơn, đến nhà ăn, chắc chắn tất cả chúng ta đều còn nhớ . Những cháu nhỏ năm ấy nay đã 60, 70 tuổi còn ông già quét tuyết từ lâu đã trở thành người thiên cổ . Cuối mùa thu năm 2003, tác giả cùng 1 số bạn học có dịp trở lại thăm Trường Lư Sơn và đi trên con đường cũ .
2.  Thiên Kiều ( Cầu trời) là tên 1 danh thắng ở Lư Sơn . Tương truyền sau khi chết, linh hồn sẽ đi qua cây cầu tưởng tượng này để sang thế giới bên kia .
2. Bức tranh sơn dầu "Ông già Trung Quốc " của HS Lê Nguyên Lợi ( Giáo viên dậy Họa trường ta) đã được trưng bày trong Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc lần thứ Nhất ở Hà Nội sau ngày bác và Chính phủ về Thủ đô . Bản chính anh Lê Nguyên Lợi tặng lại chúng ta, hiện do bạn Minh Ngọc lưu giữ. Năm 2010 nhân dịp ông Phó giám đốc trường Đại học Quảng Tây sang Việt Nam lấy ý kiến về việc thành lập Nhà Lưu niệm các trường Việt Nam tại Quảng Tây, Trần Kháng Chiến thay mặt Hội ta đã tặng họ 1 phiên bản do chính HS Lê Nguyên Lợi thực hiện và ký tặng . Lúc sinh thời HS Lê Nguyên Lợi đã đọc bài thơ " Dốc tuyết" và tôi đã chép tặng Thày Lợi .

Trao tặng phiên bản tác phẩm "Người ông Trung Quốc" cho ông Hiệu phó trường Đại Học Quảng Tây
----------------------------

Tìm bài cho K5

TIÊU ĐỀ
1-Chu Việt Cường - TUỔI THƠ TÔI
2- Cụ Nhật Vựng kể chuyện về hưu 
3- Cô giáo của tôi
4- Vẫn chuyện "Tình Quế Lâm"
5- Nhớ bạn Đặng Việt Thường
6- Kể chuyện " Bạn chúng ta" ( Phạm Kiên viết về Chiến Thắng )
7- Bạn Chiến Thắng viết về TÌNH QUẾ LÂM
8-Tâm tư ngày giỗ bạn . ( Thơ Trung Hải )
9-Tưởng niệm 2 năm ngày bạn Mai Tâm qua đời !
10- NHỚ MAI TÂM ( Viết nhân lần thứ 2 ngày giỗ Mai Tâm )
11- Vẫn ngạt ngào Hương Cỏ Dại ( Nhân ngày giỗ Mai Tâm)
12- Vĩnh biệt bạn CHIẾN THẮNG
13- Đọc lại bài cũ trên Blog Làng ta .
14- Để hiểu thêm về bạn Hoàng Kỳ của chúng ta
15- NGƯỢC DÒNG LY GIANG ( Số 5)- Đọc lại dòng lưu bút học trò
16- NGƯỢC DÒNG LY GIANG (Số 4). Đọc lại dòng lưu bút
17-Nói tiếp về cuốn lưu bút của chị Quế
18- NGƯỢC DÒNG LY GIANG (Số 3)
19- NGƯỢC DÒNG LY GIANG (Số 2)
20- Trò chuyện với sông Ly - Thơ Trung Hải
21-NGƯỢC DÒNG LY GIANG (Số 1) - Chuyên mục chào mừng Hội Lớp
22- Kỷ niệm ngày thành lập Trường : Hồi ký của NoiLieu viết và Thày giáo Nguyễn Toán
23- Tình bạn QL.
24- Nhân giỗ đầu bạn MAI TÂM tìm đọc lại
25- Chuyện đời thường ( KỳGai)
26- Bạn chúng ta như thế đó ( Bài 2: Chủ nhiệm VPQH Vũ Mão)
27- Bạn chúng ta như thế đó ! ( Bài 1 : UVBCT Trần Đình Hoan)
28-Một entry của cụ Mai Tâm viết cách đây đúng 1 năm (Âm lịch) !
29- Nhớ Lư Sơn (Thơ: Trung Hải)
30- Nhớ trường ( Thơ sáng tác tập thể )
31- Trò chuyện với dòng sông (Thơ Trung Hải)
32- Món quà đầy ý nghĩa
33- Tản mạn về một cuộc chia tay ...
34- Hương Cỏ Dại
35- Cây thông chùa làng ( Bài thơ mới nhất của chị Ngọc Quế)
37- Tuổi thơ tôi ( Hồi ký tự chọn của Ngọc Trâm)
36- KỂ VỀ LÀNG TÔI ( Thơ Mai Tâm)
37- Ngày đầu tiên máu lửa ( Hồi ký của Công Kỳ)
38- Tâm sự ngày Tết
39- Tâm huyết với Blog của chúng ta

40- Những ngày đầu trên Blog Làng ta ...
41- Nhớ ngày Blog lsql ra đời .
42- CHÀO MỪNG KỶ NIỆM HAI NĂM RA ĐỜI BLOG LS.QL
43- Nguyên Hân kể chuyện TSQ
44- Thế Long kể chuyện tiếp về TSQ
45- Nhớ Lư Sơn ( Thơ của nhiều Bloggers)
46- Nhớ bạn Đặng Việt Thường (Trương Trác)
47- ĐỜI CHA NGƯỜI THỢ (Hồi ký của Vũ Mão )
48- TÌNH QUẾ LÂM
49- Hai dòng sông ( Thơ Trung Hải)
50- Chị Quế nhận xét học trò bằng Thơ
51- " Hẹn ước" (Thơ anh Quý )
52- Kỷ niệm trên sông Hồng ngày Hội Lớp
53- Những vần thơ về Lư Sơn-Quế lâm

54- Tại sao dân Sa Đec gọi bạn Vũ Quốc Hùng là "Thánh" ?
55- Bạn Quốc Hùng của chúng ta
56- "Suy ngẫm" - Bài thơ mới của chị Quế
57- "Cảm ơn em"- 1 bài thơ cảm động của anh Lý Trần Quý
58- Hoàng Thắng-Nguyệt Sinh (Thơ Đỗ Long)
59- Vĩnh biệt bạn ...(Thơ Trung Hải)
60- Kỷ niệm Trung Hải và Hoàng Thắng
61- Mời đọc bài về Trương Công Minh của Phạm Kiên
62- Nhớ bạn Trương Công Minh
63- Nhớ Thế Phương ....
64- Con gái rượu của cụ Cao Việt Bách viết về cha mình ...
65- Anh Quý và 1 chút lãng mạn Mùa Xuân
66- Bài thơ mới của chị Quế
67- Anh Quý và 1 bài thơ Xuân đến sớm
68- Thầy dậy nhạc đầu tiên ...
69- TUỔI THƠ TÔI ( Phạm Đỗ Đồng )
70- Người đàn bà đẻ ( Đỗ Đồng )
71- Mẹ tôi ...( Thanh Mai )
72- Triết lý mùa đông, những điều anh Quý gửi gắm cho chúng ta ....
73- Trí Vân, chúng tôi nhớ bạn !
74- Cụ Đỗ Đồng kể chuyện vượt Trường Sơn .
75- Chân dung cụ Chiến Thắng (diachuoansai)
76- ƯỚC GÌ ( Thơ Ngọc Trâm và Kong Ly)
77- Những vần thơ về Trường Lư Sơn-Quế Lâm
78- CHA MẸ TÔI VỚI MÙA THU CÁCH MẠNG ( Ngọc Trâm)
79- TUỔI THƠ TÔI ( Biinql)
80- Tuổi thơ tôi ( Đinh Công Kỳ )
81- Một entry mới của anh Lý Trần Quý viết về MÙA THU
82- MÃI MÃI TỰ HÀO VỀ CHA MẸ CHÚNG TA !
83-Kể chuyện Tổ tâm giao (Q.Trung, Văn Vũ, Mai Tâm)
84-Kỷ niệm về gia đình ( trích hồi ký)
85- KỶ NIỆM VỀ NGÀY GIẢI PHÓNG 30/4/1975
86- TUỔI THƠ TÔI - Lương Thuý Bình ( Tự khai lý lịch!)
87- TUỔI THƠ TÔI - Trịnh Anh Thụy (Hồi ký)
88-TUỔI THƠ TÔI - Minh Gương (Hồi ký)
89- Tú và Quế Lâm
90- "TUỔI THƠ TÔI"-Trang hồi ký của thành viên Lớp 5(ABC)
91- Chúng ta nói về chúng ta
92- Chúng ta nói về chúng ta...
93- Thơ viếng bạn Hoàng Kỳ
94- Trích hồi ký của Hồ Anh Dũng
95- DUY TÂN
96- Hoàng Như Lý
97 - Chúng ta nói về chúng ta
98- Như chuyện cổ tích....
99- Bạn tốt lớp ta
100-Kính gửi : Ban Liên lạc cựu Học sinh Lư Sơn-Quế Lâm
101- Chị Quế và chúng ta
102- Đức Tấn-Gương sáng Lớp ta
103-Gương sáng lớp mình
104- Tự hào về Thầy Cô của chúng ta
105- Tấm lòng học trò nhớ Thầy
106 -Thơ Hoàng Thắng
107- Nhớ bạn Thế Phương
108 - Nhịp cầu bè bạn
109 - Chân dung cụ Chiến Thắng  (Diachuoansai)
110- Kỷ niệm về gia đình ( trích hồi ký)

111- CHÂN DUNG TỰ HOẠ-DƯƠNG NGHIỆP CHÍ

Thứ Năm, 6 tháng 6, 2013

ANH EM BI, TI Ở NHÀ VÀ Ở TRƯỜNG .

Lễ Tổng kết năm học (2012-2013) của Trường Mầm Non Academy Saigon .

Vũ Anh Khoa và giấy chứng nhận "Viện sĩ"
Vũ Hoàng Anh giấy khen !
2 anh em cu Bi ( Vũ Anh Khoa ) và Vũ Hoàng Anh ( TíTi) học cùng Trường Mầm Non Academy Saigon .
Hết năm học này thằng anh ( 7 tuổi ) sẽ vào trường công lập ( Quận 1) học Lóp 1 theo Chương trình của Bộ GD-ĐT . Em gái TíTi ( Vũ Hoàng Anh) tiếp tục học ở Mầm Non Academy Saigon.
Mới nghe tên Academy , ông nội giật mình ! Là vì ông nội đọc trên mạng có chuyện nhà học giả tên tuổi nọ sau khi tu nghiệp vài tháng ở 1 cái ACADEMY bên Pháp, liền được họ cấp cho 1 Chứng chỉ. Thế là về nhà cụ này được/bị phiên dịch ra thành "Bằng Viện sĩ" ! Từ đó báo chí gọi ngài là ...Viện sĩ  . Thực ra ACADEMY có thể là Viện nghiên cứu, cũng có thể là 1 cơ sở đào tạo hay 1 Trường hoc !
Cái Academy Saigon của các cháu đang học chỉ là 1 trong hàng chục cơ sở giáo dục Hệ Mầm Non Tư thục của Thành phố . Trường này mới thành lập . Lãnh đạo toàn các cô người Việt . Chắc có vốn đầu tư khá nên thuê một số Giáo viên người nước ngoài và áp dụng 1 số phương pháp giáo dục Âu-Mỹ tiên tiến (?) . Học sinh đi học hầu hết do cha mẹ đưa đón bằng ô tô riêng. Hai cháu nhà mình nhà gần, chúng đi bằng xe đạp theo mốt mới nổi lên của dân Sài Gòn ! Nhưng dù đi bằng xe đạp thì vần phải có người lớn đi kèm. Cũng may từ nhà đến trường chỉ mấy trăm mét, lại ở vào con phố tương đối vắng, các cháu sớm có ý thức tôn trọng luật giao thông nên chưa gặp sự cố gì dọc đường . Ngày 1/6 vừa rồi Trường tổ chức Lễ Tổng kết năm học 2012-2013 . Cu Bi nhà mình là 1 trong 3 cháu đã qua 6 tuổi nên được cấp " Bằng Viện Sĩ " ( Áo mũ sênh sang hẳn hoi nhá !). Trong "Bằng" ghi : Đã hoàn thành chương trình giáo dục Mầm Non 5 tuổi  ..." ha ha ha ! Cô em TiTi thích hát múa nhưng chỉ hát múa ...ở nhà, chứ ở Trường , nhất là có mặt người thân gia đình là chị chàng tỏ ra rất "lạnh lùng" với nghệ thuật ! Trái lại ông anh ở nhà thì chỉ thích chơi đồ chơi "công nghệ cao" như xe hơi, máy bay, Vitính...  . Gần đây cu Bi lại khoái chơi Rùa (sống). Chơi với rùa ở nhà không chán, đi đâu cũng mang rùa đi theo ( trừ đi học vì ba mẹ dọa cô sẽ tịch thu ) . Thậm chí khi ăn cơm rùa chễm chệ trên bàn ăn, lúc đi ngủ rùa nằm bên cạnh cậu chủ ! Yêu quý nhau thế mà rùa chỉ rình cơ hội bỏ trốn ! Trước sau mẹ và ông nội đã phải mua tới 4 con rùa cho cu Bi rồi ! Thằng cháu mình tính lạ. Thích đồ chơi phải giống thật ( Ô tô, máy bay, xe đạp ...). Động vật thì thich con dế và bây giờ thích con ...rùa ! Trẻ con nhiều lúc làm mình bực mình . Chẳng hạn mùa rế bắt rõ nhiều cho vào hộp, ban đêm nó gáy như ve kêu ở Hà Nội . Rùa thì có khi "bĩnh" ra cả salon, chăn đệm ! Kinh ! Mà thôi, nghĩ cũng thương các cháu nhỏ. Chúng cần phải  có thiên nhiên bên cạnh thay vì chỉ ngày đêm nhìn thấy 4 bức tường !
Thế mà hôm cu Bi biểu diễn trên sân khấu điệu nhảy AEROBIC ông nội ngạc nhiên suýt không nhận ra cháu mình !

Cu Bi ( và mẹ đứng đằng sau ) hàng đầu từ phải sang trái
Hai anh em Bi và Ti tham gia màn đồng ca
Bi nhảy AEROBIC ...
Rất điệu nghệ ( Bí khom người cho bạn nữ đứng trên lưng )
TiTi ( Bìa phải) trong tốp ca hát múa
Bi áo đỏ cạnh bạn gái cầm micro

Ở nhà 
Bi sắp cho chú Rùa lên máy bay đi Úc thăm chị em Lucy !
TiTi thích đồ chơi các con vật và búp bê
 Đến Trường  bằng xe đạp !
 Đi học về
 ---------------------------------------------------------------
Các ảnh lấy từ trang Web của Trường hoặc chụp bằng ĐTDĐ . 

AI VỀ SAU DÃY NÚI....

Đọc Entry của Thanh Mai, nhớ bông hoa rừng Kim Bôi
(Xin các cụ lưu ý đây là Entry ( bài viết) của mình xuất hiện trên Blog Calathau (cũ) vào hồi  23:32 ngày 25-07-2008 - Nghĩa là cách nay đã ...5 năm.)
Đọc Entry của Thanh Mai trên Blog cá nhân kể chuyện lên Kim Bôi tắm suối nước nóng, chợt nhớ đã có lần mình "phải lòng" Kim Bôi . Và vì ở đó - Xứ mường Vang, mường Bi có những đóa hoa rừng rất đẹp nên mình lại nhớ lây sang bài hát Nụ cười sơn cước của Tô Hải….Trong ca từ của bài hát có tên địa danh cụ thể KIM BÔI , mình hát thế, còn nhiều cụ cực lực đính chính , thay bằng từ XANH LƠ  (?). Mình lại hát "Tim tôi KHÔNG phai mờ". Các cụ bảo sai, CHƯA  chứ không phải KHÔNG ! Hồi đó mình nghĩ mình THUA lý các cụ. Nhưng bây giờ- sau 5 năm mình khẳng định mình ĐÚNG ! Thứ nhất mình đã gặp và " ngắt" về Hà Nội mấy bông hoa rừng ở KIM BÔI, bên bờ sông Đà. Ở đó có 2 địa danh đã đi vào thành ngữ dân gian Mường " Thứ nhất Mường Bi/ Thứ nhì Mường Vang "- (Ấy là người xưa nói về gạo thơm, gái đẹp đấy ạ !). Thứ 2 . Tôi hát  " Nhắn rằng tim tôi KHÔNG phai mờ ", chứ CHƯA phai mờ. Vì tôi muốn khẳng định là KHÔNG ! Tôi xin đăng lại toàn văn bài viết cũ cùng Comments của các cụ để xem lại cho vui chứ không có mục đích gì khác !


(23:32 ngày 25-07-2008)
Cô gái Mường Bi ( Kim Bôi )
…Ai về sau dãy núi Kim Bôi
Nhắn rằng tim tôi không phai mờ
Hình dung 1 chiếc thắt lưng xanh
Một chiếc khăn mầu trắng trắng
Một chiếc vòng sáng long lanh
Với nụ cười nàng quá xinh  …
   Váy trùng, áo ngắn, khăn trắng đội đầu và chiếc vòng bạc long lanh trên cái cổ trắng ngần …đó chính là hình ảnh cô gái Mường mà tôi đã từng gặp và làm quen khi quay bộ phim phóng sự đầu tiên của Truyền hình VN vào năm 1970. Phim nói về Trường Thanh niên LĐXHCN Hòa Bình ( Trường Nội trú của Thanh niên dân tộc tỉnh, thuộc loại điển hình toàn MB thời đó ) . Muốn cho trong phim có vài khuôn mặt đẹp, chúng tôi sang mượn đoàn văn công tỉnh mấy cô diễn viên múa người  Mường 100% . Phải nói thật, chính bài hát Nụ cười sơn cước đã gợi ý cho chúng tôi bố trí các cảnh quay rất nên thơ bên dòng suối vắng. Lúc ấy chúng tôi đều có chung nhận xét: các cô gái Mường đúng là những bông hoa rừng tuyệt đẹp ! Mà làm sao không đẹp được : Dáng thanh tú, da trắng ngần trong khung cảnh như Suối Mơ của Văn Cao ! Tuổi trẻ, lại chưa có gia đình, chúng tôi kết thân với các cô và còn mời các cô về thủ đô chơi !
Suối nước nóng Kim Bôi (Hòa Bình)
Tôi đã tưởng tượng ra cảnh chúng tôi đi bên các cô gái Mường hãnh diện ra sao trước con mắt ganh tị  của bao chàng trai Hà Nội ! Thế rồi vài tháng sau nhân về HN tham dự 1 đợt tập huấn ở trường Múa Mai Dịch , các cô đến 58 Quán Sứ ( Trụ sở Đài TNVN) trong  những bộ áo váy Mường quen thuộc, tìm chúng tôi. Giữ đúng lời hứa, chúng tôi dẫn các cô đi chơi Hồ Gươm, ăn kem Bốn Mùa. Nhưng trái với hình dung ban đầu, chúng tôi đi bên các cô gái với trang phục Mường chính hiệu chẳng tự nhiên chút nào ! Đúng là có nhiều người đã nhìn chúng tôi nhưng với cái nhìn lạ lẫm khiến chúng tôi lúng túng, …Hình như “những bông hoa rừng “ cũng  nhận ra điều đó cho nên lần sau đến thăm chúng tôi, các cô chỉ  mặc những bộ đồ bình thường, như những cô gái người Kinh ! Và thế là tôi lại  thất vọng !
Ôi những đóa hoa rừng ! Xin hãy cứ để em đẹp rực rỡ và hoang dại bên bờ suối, trong đại ngàn. Đừng ngắt hoa rừng tỉa tót rồi cắm vào lọ pha lê đặt trong phòng khách phố thị . Xin đừng bao giờ …
Lâu rồi không có dịp trở lại thăm xứ Mường Vang, Mường Bi , nhưng mỗi khi lòng thanh thản, nhớ về những đóa hoa rừng ngày ấy tôi vẫn thầm hát  Ai về sau dãy núi xanh lơ  ….
Xin đừng bao giờ ngắt bông hoa rừng rồi cắm vào bình pha lê !

Các lời bình :(Trích)

Ngọc Trâm 09:53 26-07-2008
 Cụ Calathau nói khá rõ tâm trạng của mình. Người ta bảo: Thoang thoảng hoa nhài thì lại thơm lâu mà! Cụ cứ nên "để nguyên" cô gái Mường ở trên núi đồi của họ, tắm giữa dòng suối trong vắt của họ,... sao cụ lại "đưa" họ về Hà Nội?
À, tôi còn gặp các cô gái Mường đang tắm nữa. Lần theo đoàn đi từ Thanh hóa lên Lạng Sơn để sang Trung Quốc, chúng tôi dừng lại ở một cái giếng to, nước trong và mát lắm. Cả đoàn đang rửa ráy thì bỗng phát hiện ở thành giếng khuất bên kia có ba cô gái Mường đang tắm, trên mình không một mảnh vải. Họ vẫn tắm và đứng múc nước tự nhiên, bọn trẻ con chúng tôi thì trố mắt nhìn, còn các anh phụ trách thì đỏ mặt lúng túng giục các em đi. Bây giờ thì tôi đã hiểu tâm trạng của các anh lúc đó!

Congky 11:04 26-07-2008
Cái đẹp hoang sơ - đẹp thần tiên,
Đẹp tự tâm hồn, đẹp tự nhiên,
Đẹp như tình bạn của chúng ta hồi ấy,
Giữa tuổi vào đời - những thiếu niên.

Thanh Mai 12:50 26-07-2008
Bài hát NỤ CƯỜI SƠN CƯỚC của Tô Hải sáng tác, tôi thuộc từ trước khi đi học ở QL vì nghe mẹ tôi hát nhiều lần. "Ai về qua dẫy núi xanh lơ " chứ không phải KIM BÔI đâu cụ ạ. Tôi quen cả hai vợ chồng anh Tô Hải và chị Hương Mai DV Kịch nói. Còn quen cả vợ chồng bồ của anh Tô Hải nữa!!!  

 Ngọc Trâm 23:17 26-07-2008
Tôi cũng nhớ là "Ai đã về sau dãy núi xanh lơ...", nhưng tôi tưởng cụ Calathau đổi thành dãy núi Kim Bôi để trêu cụ Mai?

ĐOÀNH ! 07:03 27-07-2008
Thế là lòng vả cũng như lòng sung ! cụ nào cũng vô tình hay hữu ý nhìn thấy chị em KINH,MƯỜNG MÁN trong khi tắm sông tắm suối ! Tôi và cụ LÊ-THANH ,cụ ĐẶNG người VĨNH PHÚ .Hẵn chưa ai quên cái tập quán ngày trước mỗi khi các cô con gái đi tắm ở giếng thơi giữa cánh đồng, nhất là khi có các anh bộ đội thì tiểu phẩm :- CHO EM XIN TÍ XA-PHÒNG ! Ngày nay do người ta sản xuất nhiều xà-phòng nên mất đi nền văn minh cổ đại, thay vào cái vụ lên KIM-BÔI nhớ mang theo cái BIKINY. CUỐI CÙNG MAY NHỜ CÓ BLOG QUẾ LÂM mà cả hội được chiêm ngưỡng cụ THANH-MAI tắm, Ngoài NGỌC TRÂM còn ai thích kỳ lưng nữa không ?

Han 08:06 27-07-2008
Cám ơn QT đã gợi nhắc lại bài hát về vùng sơn cước. Những cải chính lời của Thanh Mai, Ngọc Trâm cũng đúng với trí nhớ của tôi, tôi còn nhớ , hình như câu thứ 2 là chữ chưa chứ đâu phải là không. Những bài hát từ những ngày đầu CM, KC ( và cả thơ nữa) sao nó dễ  đi vào cuộc sống được mọi người tiếp nhận vì nó  tiếp cận được những  miền tâm hồn , tình cảm yêu thương quê hương, con người , gia đình và tính anh hùng ca tráng ca của cuộc KC ;nó góp phần nâng cao con người. Nhớ mãi nhiều bài hát : Quê hương anh bộ đội, Về miền trung, bà mẹ Gio Linh, Chiều Cao bằng ,Ba vì, Về đồng bằng... Thật đáng tiếc về sau ( chắc sau chỉnh quân, chỉnh huấn) xu hướng rất nhân văn này bị xếp bỏ và cả cấm đoán thay bằng lời lẽ lên gân mà hời hợt  không nâng tình người mà gần với khẩu hiệu.

Ngọc Trâm 09:17 27-07-2008
Cụ Nguyên Hân có trí nhớ rất tốt, tôi cũng đồng ý câu thứ 2 là chưa chứ không phải là không. Hóa ra hồi bé nhiều bạn cũng đã hát bài này. Lời bài hát thực đẹp, nhạc đơn giản thôi nhưng đi vào lòng người, khó quên.
Cụ Tú Đoành thật giỏi xuyên tạc! Mà cái chuyện cụ định mời các bà QL đi Kim Bôi ta chỉ nói ở nhà Thanh Mai, cụ lại sang nhà Lý tưởng mà bô bô. Cụ đúng là Mõ làng!

Congky 18:32 27-07-2008
Lại giở một quyển nhạc khác  ( 99 Bài hát được nhiều người yêu thích - NXB Thanh niên -  Báo Hà Nội mới, 2001) cũng gần như hoàn toàn như trên, chỉ có câu thứ 5 không phải là long lanh mà là lóng lánh.

Congky 18:18 27-07-2008
Thưa các cụ,
      Cụ Nguyên Hân nhắc lại những bài hát xưa, chỉ nói đến tên bài hát thôi mà tôi đã thấy nhớ nhung cả một thời. Còn về bài " Nụ cười sơn cước " . Cũng may, trước mắt tôi có bài này ( Tuyển tập 100 ca khúc tiền chiến - NXB Phương Đông, 2006) . Xin chép lại đoạn này như sau :
 Ai về sau dãy núi Kim Bôi
Nhắn rằng tim tôi chưa phai mờ,
Hình dung một chiếc thắt lưng xanh
Một chiếc khăn màu trắng trắng
Một chiếc vòng sáng long lanh
Với nụ cười nàng quá xinh.
   Tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp các bản in cũng khác nhau.
   Xin các cụ tham khảo.

Calathau 21:35 28-07-2008
Các cụ quả là  đều mơ Nụ cười sơn cước như tôi !
1/. Về chữ "không". Tôi không nhầm mà cố tình dùng chữ "không", vì tôi sẽ không bao giờ quên hình bóng cô gái Mường ấy ! Còn tác giả "chưa" quên, có nghĩa là ông sẽ quên !
2/. Về câu mở đầu , tôi gặp cả 2 trường hợp : Xanh lơ và Kim Bôi. Ở bài viết của tôi, tôi sử dụng trường hợp 2.Vì Kim Bôi gắn với kỷ niệm của tôi ! ( Và cũng đã từng nghe nhiều người hát Ai về sau dẫy núi Kim Bôi " )

  Han 21:57 28-07-2008
Tôi không muốn cãi chữ XANH LƠ hay KIM BÔI về việc mô đi phê trong tiếng việt ta thì nhiều vô kể. Nhưng tôi nghĩ thật không thể đồng ý với nhà thơ calathau về chữ KHÔNG hay CHƯA. Là 1 nhà văn mà không tinh dùng chữ( như từ của Lê Đạt) lại là tâm lý của 1 anh xa Mường đi KC thì chữ nào hay hơn ,bâng khuâng . Lối khẳng định là kiểu nói sau này cơ

Ngọc Trâm 22:22 29-07-2008
Tôi cũng nghĩ dùng chưa hợp lí hơn. "Nhắn rằng tim tôi chưa phai mờ..." chứng tỏ việc đó đã qua lâu nhưng tim tôi chưa phai mờ (còn người khác hay thông thường thì đã phai mờ rồi). Và sau đó những hình dung của tác giả về thắt lưng xanh, khăn trắng trắng, vòng long lanh, và nụ cười quá xinh... nói rõ thêm, minh họa thêm cho tim tôi chưa phai mờ.
Còn việc thay Kim Bôi cho xanh lơ... thì là quyền của tác giả rồi (người ta hay làm như thế!). Nhưng với tôi vẫn là dãy núi xanh lơ..., một dãy núi vô danh, mờ ảo..., nơi có cô gái sơn cước với nụ cười quá xinh.
-----------------------
Calathau ( Hôm nay 5/6/2013). Mình rất thích kiểu tranh luận thế này . Nó miên man như chính những kỷ niệm đã đang và sẽ còn miên nam trong tâm trí chúng mình .

Chủ Nhật, 2 tháng 6, 2013

CHUYỆN VUI NHÂN NGÀY THIẾU NHI 1/6

Năm nay ngày Thiếu nhi QT 1/6 mình theo 2 cháu nội là Cu Bi và TíTi đi dụ Lễ Tồng kết năm học của Trường Academy Sai Gon .Chụp ảnh, quy phim đủ cả nhưng cần biên tập lại chút đỉnh mới đưa vào Blog được. Trong lúc chờ đợi, vớ được Entry này trên mạng, thấy vui vui nên cop về để khách đến nhà đọc chơi .

Tội lỗi và Trừng phạt
Phạt trẻ có nên?
Phạt trẻ, có nên ?
                                       
Một tuần mình bỏ ra hai buổi để kèm cậu nhóc 13 tuổi, tạm gọi là Nến hồng vì cậu làm con một mãi đến năm 13 tuổi mới có em gái. Chưa quen có em, lâu lâu Nến hồng nhìn nhỏ em rồi bảo: “Hổng biết nhỏ này ở đâu ra mà làm xáo trộn cuộc sống cả gia đình người ta”. Đang tính chỉ Nến hồng lại hỏi Bố Mẹ xem con nhỏ từ đâu ra chứ sao lại hỏi con nhỏ thì con bé khóc ré lên, nên thôi.

1. Cô giáo trong nhà dạy học vất vả hơn Cô giáo ngoài đường nhiều. Nhiều khi đang dạy mà thấy ánh mắt Nến hồng bắt đầu không tập trung là Cô giáo phải kiếm cách cho cậu chàng thư giãn. Khi thì một bài hát tiếng Anh nào đó, khi thì câu chuyện cười. Có khi bí nguồn, lấy đại mấy thứ linh tinh bạn bè gửi ra cho học trò xem. Cũng vì cái tật “lấy đại” này mà tai nạn nghề nghiệp xảy ra khi Cô giáo cho học trò xem bài “Các nước nghĩ gì về chiến tranh” bên dưới.
  1. MỸ: “Tao muốn đánh thằng nào, là tao đánh thằng đó. Ngoài ra, tao bao tiền súng!”
  2. NATO: “Mỹ đánh thằng nào, tao đánh thằng đó!”.
  3. NGA: “Thằng nào bật tao, tao cắt dầu lửa!”.
  4. ISRAEL: “Thằng nào ngấm ngầm muốn đánh tao, tao đánh thằng đó!”.
  5. NHẬT: “thằng nào đánh tao, tao sẽ bảo Mỹ đánh thằng đó. Nếu chúng mày không ngừng tấn công, tao cho Maria Ozawa nghỉ việc!”.
  6. TRUNG QUỐC: “Thằng nào gần tao, tao đánh thằng đó!”.
  7. ĐÀI LOAN: “Thằng nào đòi đánh tao, tao bảo báo chí chửi thằng đó!”.
  8. NAM HÀN: “Thằng nào định đánh tao, tao tập trận với thằng Mỹ!”.
  9. BẮC HÀN: “Thằng nào làm tao bực, tao sẽ đánh thằng Nam Hàn!”.
  10. Berlusconi (ITALIA): “Thằng nào oánh tao, tao… ngủ với vợ thằng đó!”.
  11. SINGAPORE : “Thằng nào đánh tao? ĐM! Chắc không thằng nào rảnh rỗi mà đi đánh tao!”.
  12. IRAQ : “Thằng nào đánh tao thì cứ đánh cho đã, chừng nào mệt thì tự động về!”.
  13. ARAP SAUDI : “Thằng nào đánh tao, tao mua thằng đó!”
  14. Billaden: “Thằng nào đánh tao, tao khủng bố thằng Mỹ!”.
  15. Liên Hiệp Quốc: “Tao dán cái mác… vùng cấm bay lên thằng nào, chúng mày úp sọt thằng đấy cho tao!”.
  16. CUBA : “Thằng nào oánh tao, tao cho Việt Nam một mình canh giữ thế giới!”.
  17. THỤY SĨ : Thằng nào đánh tao, tao khóa tài khoản tiền quốc gia thằng đó.
  18. PHILIPPINES : ” Thằng nào đánh tao, muốn hứng bão qua mà đánh.
  19. VIỆT NAM: “Chỗ nào có oánh nhau, tao bày tỏ quan ngại sâu sắc. Còn thằng nào oánh tao, tao tuyên bố chủ quyền, tao cắt điện luân phiên, sau đó tao… cực lực lên án!”.
Cho Nến hồng xem thì phải giải thích. Hai cô trò xem vừa giải nghĩa vừa cười cho đến câu số 5. Cô bảo trò: “Cô không hiểu câu này vì không biết Maria Ozawa là ai. Để cô google xem”. Miệng nói tay làm. Thằng nhỏ Nến hồng chụp vội tay cô nó lắp bắp: “Đừng, đừng, cô đừng tìm”. Cô nó thì ngây thơ hỏi: “Sao vậy?”. Học trò đáp: “Cô đó đóng mấy cái phim kia”. À thì ra thế, Cô hỏi tới: “Sao con biết?”. Trò thưa: “Dạ mấy thằng bạn trong lớp nói với con”. Cô phải tin Nến hồng thôi, vì nào giờ nó vẫn ngoan mà. Hàng xóm nhiều khi nhìn còn tưởng nó đi tu nữa chứ. Thì ra cha mẹ và gia đình che chắn cỡ nào thì vẫn còn đó những hiểm nguy rình rập tứ giăng. Có khi mối nguy đó lại nằm ngay trong trường học, nơi mà phụ huynh cứ ngỡ là an toàn thứ hai, chỉ xếp sau gia đình.
Rút kinh nghiệm từ bài học trên, không bao giờ Cô giáo dám chia sẻ điều gì với Nến hồng trước khi biết rằng nó an toàn với một cây nến 13 tuổi.

2. Cô giáo còn có thêm một vụ tai nạn khác với Nến hồng. Tính cô thì nóng, Nến hồng lại thuộc tuýp nghệ sỹ (thằng nhỏ vẽ rất đẹp), rất hay mơ màng trong giờ học, nhiều khi giờ học cứ ầm ĩ cả lên. Bỗng dưng một hôm Cô giáo đang dạy Nến hồng thì cứ thấy phụ huynh đứng sau lưng cô giáo làm “trợ giảng”. Sau buổi học, Cô giáo hỏi phụ huynh lý do của vụ “trợ giúp” không theo yêu cầu là gì. Phụ huynh cho biết Nến hồng tâm sự với một người là mình nản quá, muốn … tự tử. Tới đây thì Cô giáo hoảng, không thèm dạy nữa vì rủi có bề gì thì…đẻ hổng kịp để đền. Hổng dè đến quyết định này của Cô giáo. Phụ huynh và học sinh có cuộc họp cấp tốc. Kết quả  bây giờ Nến hồng vẫn là học trò của Cô giáo. Còn Cô giáo thì vẫn giữ quyền “được la” của mình.
Nhân chuyện của Nến hồng thì mình tự dưng phải nhìn lại tuổi thơ của mình xem điều gì sẽ xảy ra khi mình làm lỗi. Nhớ lại hồi nhỏ sao mà có nhiều “thế lực” để mình sợ đến thế: Ba Má nè, các Anh Chị lớn nè, Thầy Cô nè và… cả những đứa nhóc hàng xóm.
Nhà đông con nên mấy đứa nhỏ sợ các anh chị lớn còn hơn sợ Ba Má. Mỗi lần làm điều gì sai thì không bị ăn đòn ngay đâu mà chỉ nghe dặn một câu ghi lại cái tội đó lên tường đi. Mình mới 5 tuổi, còn nhỏ quá để có thể ghi nhưng phải nhớ tội của mình. Mọi chuyện cứ như thế cho tới một ngày nào đó, chỉ cần một trong mấy đứa nhỏ mắc một cái tội tầy đình thì cả bốn đứa cùng nằm xếp hàng, nhỏ trước lớn sau, úp mặt xuống đất.
Thường thì sẽ là Chị Hai, tay nhịp nhịp cái roi, yêu cầu từ đứa lớn nhất kể lại tội của mình. Chẳng hiểu sao không một cái tội nào được kể sót. Kế tiếp là câu hỏi: “Tội này đáng mấy roi?”. Đây là phần khổ sở nhất vì thật chẳng dễ để tự định hình phạt cho mình. Nói nhiều lên cũng chết mà nói ít đi thì sẽ nhận một cái lắc đầu không ưng thuận cho tới khi số roi khớp với tội trạng. Tiếp đến là phần Thi hành án. Sau này mình nghe có người nhái bài hát Mộng sầu của Trầm Tử Thiêng thành “Tình mình bây giờ, như roi trên mông. Roi đầu mông, roi cuối mông…”. Cái lời ca chế này quả là đúng y chang với cái cảnh bị ăn đòn của anh em mình.
Theo mình trong cái màn ăn đòn tập thể này, người sung sướng nhất là Chị Oanh và người đau khổ nhất là mình. Chị ăn đòn xong đầu tiên, vẫn phải nằm đó chờ những đứa còn lại lãnh phần rồi mới sang tới phần quỳ gối úp mặt vào tường chung với nhau. Có khi thì đứa nào ăn đòn xong thì đi quỳ trước trong lúc những đứa còn lại chịu đựng phần mình. Trước cũng bị đòn, sau cũng bị đòn, bị trước cho nó nhẹ thở. Mình thì phải chờ cho cả Chị Oanh, Anh Giang và Anh Tám xong thì mới tới phần mình. Mỗi lần cái roi mây quất vào mông anh chị nào mình cũng thấy y như nó đang quất trúng mình. Đó là chưa kể nằm sát sạt nhau, đưa này bị dính miểng roi của đứa kia là chuyện bình thường.
Phần trên mình có kể đến chuyện sợ cả những đứa nhóc hàng xóm, nghe vô lý nhưng mà là thực. Thông thường, để tránh xích mích với hàng xóm vì con nít cãi nhau đánh nhau, mấy anh em mình được ra lệnh phải chơi trong nhà với nhau. Nhưng như vậy thì còn gì là tuổi thơ nữa. cho nên thế nào cũng có lúc mấy anh em thoát ra ngoài chơi với lũ nhóc cùng xóm. Có chơi là có va chạm, va chạm thì khóc lóc rồi đi méc người lớn. Mà lệ nhà mình là cứ hễ có người méc là ăn đòn bất kể đúng sai. Làm vậy, để chừa cái tật đi ra ngoài chơi. Lũ nhóc hàng xóm biết cái lệ nhà mình nên tận dụng tối đa. Chỉ có anh em mình là thiệt thòi thôi.
Chẳng biết nội tình mấy nhà khác ra sao, chỉ biết nhìn quanh xóm thì nhà nào cũng có roi mây và lâu lâu lại vang lên tiếng khóc và tiếng hứa: “Tha cho con, con xin chừa, lần sau con không dám làm nữa”. Có đứa quýnh quá, sửa luôn phần sau thành: “lần sau con làm nữa”.
Mỗi lần ăn đòn xong, thường mấy anh chị em lại vén áo, kéo quần đếm xem trên mông có mấy con lươn. Chẳng biết người cầm roi và chủ sở hữu mấy con lươn ai đau hơn ai, nhưng thường là sau đó có màn người cầm roi xoa dầu lên mấy con lươn đó. Vậy đó mà mấy anh chị em mình lớn lên chẳng vướng vào những vòng tội lỗi mà mấy bực phụ huynh bây giờ cứ phải lo ngay ngáy cho con em họ. À mà hình như đã lâu lắm rồi mình chẳng nghe trong khu xóm có tiếng nhịp roi và tiếng khóc xin tha lỗi và hứa lần sau không tái phạm nữa.
 ----------------------------------------------------------------
 Bài viết của bạn Uyển Vy nhân ngày 1-6 của các cháu thiếu nhi.