Chủ Nhật, 16 tháng 11, 2014

Thế này mà cũng là THƠ à ?

Thứ Ba, ngày 11/11 vừa rồi mình có đưa bài viết (sưu tầm trên mạng) nhan đề " Tinh trùng TT Nga Putin và hội chứng thơ "MƯA" ở Việt Nam". ( Xem tại đây ). Chuyện tinh trùng Putin là do fan nữ hâm mộ ông tổng thống của họ mà bốc thơm quái gở như thế cũng  đạt trình độ ...tởm ! Đọc cho vui và cũng để biết thêm ông CỰU đồng chí chí cốt của ta ngày ấy , giờ ra răng , vậy thôi. Còn cái vế sau, vì sao tác giả lại lèo chuyện TT of TT vào cái hội chứng thơ Mưa ở VN ? Mình cất công đi tìm nguồn gốc bài thơ này. Hóa ra là bài thơ Mưa của ông nguyên TBT báo Thanh Niên Nguyễn Công Khế. Ông này mình có cùng đi 1 xe với ông vài lần và có nghe nhiều giai thoại về ông. Không kể ra đây vì chuyện "dân ...gian", khó kiểm chứng. Ai chả biết, ông Khế " giỏi" nhiều nghề : làm báo, làm phim, làm văn nghệ, làm bóng đá, kinh doanh sắc đẹp, làm kinh tế và cũng rất nổi trên chính trường với nhiều chuyên thâm cung bí sử. Nhưng ông làm thơ thì mình quả bây giờ mới được nghe thấy và được đọc 1 bài duy nhất ( cho đến nay) của ông. Nghe nói, sau khi bài thơ Mưa của ông Khế đăng trên trang Thơ báo TN chủ nhật 9/11 thì có ngay hàng loạt lời khen, cùng mưa thơ "mưa" phụ họa . Tất nhiên trên các trang mạng ! Hiện tượng " tát nước theo Mưa" hoặc nói theo kiểu các nhà lý luận văn học  là " Hội chứng thơ MƯA" cũng không lạ . Kiểu như Làng ta, chúng ta từ lâu đã có phong trào thơ nối vần, thơ "a dua", hay thơ "hội chứng" nhưng rất vui, rất đáng yêu . Từ phong trào "chơi Thơ" này Làng ta xuất hiện nhiêu bài thơ hay, đúng là thơ và một vài cụ đã định hình được tên tuổi . Có thể kể tên : Song Thu, Trung Hải, Duy Khắc, KyVinhHung, Minh Gương...Tất nhiên là không có ai tự nhận mình đã thành nhà thơ, làm thơ hay . Nhưng cái chất thơ đi từ con tim của "TÔI" tới "CHÚNG TA" là có thật . Có thể về mặt "kỹ thuật", " kỹ sảo" chưa phải là "Thợ thơ" nhưng cảm xúc chân thật thì rõ ra "THƠ" thứ thiệt. Sẽ có lúc mình nhắc lại và chứng minh nhận xét này.
Bây giờ nói đến bài Mưa của ông Khế. Bài này có phải là THƠ không ? Mình nói ngay (chủ quan ?) . KHÔNG ! Nó chỉ là những câu viết vớ vẩn ghép lại cho có vẻ thơ về mặt hình thức. Từ hình thức này mà họ bốc lên thành Thơ cách tân , thơ hiện sinh hiện đại gì gì đó để giấu cái dốt và lòe thiên hạ.
Xin các cụ đọc bài "thơ" MƯA của ông Khế dưới đây :
Một đoạn nguyên thủy của tác giả :

Mưa Hội An 
Mưa trên mái lá mái tôn mái ngói quê nhà
Hội An đêm nay mưa
Rả rích như thời mẹ tôi cùng tôi trong mái nhà tranh đạm bạc ở Thăng Bình
chỉ hai mẹ con tôi thôi.
Tự dưng đêm nay mưa
Tự dưng giữa đêm tôi thức giấc
Hội An buồn tê tái
Đêm nay tôi nhớ mẹ tôi đã khuất
Từ lâu tôi thèm khát cơn mưa này ở quê nhà
Quê nhà tôi, Hội An, Thăng Bình
Quê nhà tôi giấc mơ không bao giờ toại nguyện
****
Tại sao mưa
Tại sao
Mưa
Đêm nay
Làm nhớ lại tuổi thơ tôi
Đà Nẵng - Hội An - Thăng Bình
Hay còn đâu nữa.
****
(trích đoạn đầu)

Bài thơ cứ xếp kiểu bậc thang như thế này, đọc thêm lủng củng mà vô hồn. Mình chép rồi xếp các con chữ liền nhau để các cụ đọc tiếp phần còn lại cho nó "nhanh" !
Như sau đây :
...Tự nhiên/ Đêm nay/ Mưa / Tôi đã sống dưới nhiều cơn mưa / Nhưng không đâu mưa nhiều như ở đây / Mưa Paris, mưa Cali, hay mưa xứ Ai Cập huyền ảo / Mưa ở đây rả rích, mưa quê nhà.../ Đêm nay, mưa Hội An  /Làm tôi nhớ quê nhà / Đã ba, bốn mươi năm rồi / Bạn bè tôi, /Mẹ tôi / Những nấm mồ của ông bà nội ngoại tôi / Hội An, Thăng Bình, đừng mưa nữa  / Mưa ơi làm tôi nhớ lắm, ba bốn mươi năm rồi…

Đọc chưa hết bài thơ mình đã biết tác giả muốn nói : tôi nằm trong KS ở thành phố du lịch Hội An, đêm gặp mưa. Mưa rơi làm tôi nhớ quê nhà và nhớ lắm " Những nấm mồ của ông bà nội ngoại tôi Hội An, Thăng Bình ". Rồi kết " Mưa ơi làm tôi nhớ lắm, ba bốn mươi năm rồi…"
Làm thơ mà phải kêu lên " Mưa ơi làm tôi nhớ lắm .." thì quả là quá nghèo nàn về sáng tạo hình tượng. Văn xuôi viết như thế cũng là sáo rỗng chẳng có hồn nữa là thơ ! Ngay viết " Mưa ơi làm tôi nhớ lắm .." cũng ngô nghê bỏ sừ ! Chả trách người ta ghép chuyện tinh trùng của ông Tổng Tin  với thơ "Mưa" của ông Tổng Khế !

Kiểu làm thơ như thế này, mình dám chắc thua xa các bô lão Làng culờ mình ! Các cụ có đồng ý với mình không ?
Calathau 

7 nhận xét:

  1. Tôi đọc thấy lủng củng .khó chịu .Có thể do trình độ mình còn hạn chế nên không dám bàn thêm .Đợi nâng cao trình độ đã .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm thụ thơ trước hết bằng trái tim . Không cần trình độ hiểu biết sâu rộng. Mình thấy khác với nghe giao hưởng. Thơ Nguyễn Bính các bà các mẹ nông thôn răng đen nhai trầu 1 chữ bẻ đôi không biết, vậy sao vẫn yêu và thuộc nhiều thơ của ông ( Như bài Lỡ bước sang ngang chẳng hạn ). Thơ của cụ, nhiều câu đọc "chết lịm". Như thế mới là "thơ" !

      Xóa
  2. Thơ này chẳng khác gì ...bi
    Khen bi thì chẳng khác gì ta...nâng !!!

    Trả lờiXóa
  3. Em thấy người ta bảo thơ hiện đại không cần vần, cứ ngắt câu và từ gãy ra...mới "phá cách". nhưng hình như nó đòi hỏi phải có ngôn từ "đắt" và ý tứ triết lý sâu xa, đọc lên phải giật mình ...Chứ "Tại sao mưa...mưa làm tôi nhớ " mẹ...thì con nit cũng tư duy vậy thôi à!
    hi hi!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Dân Làng ta đa số thích thơ, làm được thơ, thậm chí thơ hay. Mỗi lần đặt bút trên trang giấy nghĩ về thơ đầu tiên là nghĩ đến bài thơ phải có vần (không nói đến chuyện hay dở vội). Thơ vần tạo ra âm nhạc, dễ nhớ, dễ làm người đọc, người nghe rung động. Thơ vần đưa được tư tưởng liên tiếp nhau như tiếng sóng dội kéo theo cái âm. Thơ vần còn nói lên được cái trang trọng của chữ nghĩa, nó ép người làm thơ phải hiểu thấu luật bằng luật trắc. Đọc một câu thơ có bằng, có trắc nghe đã êm tai mà cái âm của nó còn dội vào trong hồn mình. Người ta phải thật là thuần nhuyễn về làm thơ vần rồi thì mới có thể làm một bài thơ không vần hay được. Vì theo Mõ những bài thơ tự do mà mình cảm nhận được nó hay, mình nhớ được nó thì bài thơ đó khi đọc lên nó vẫn có bằng, có trắc và có nhạc trong thơ. Có những người chưa hiểu gì về thơ vần cả mà hạ bút xuống làm một bài thơ tự do (bài thơ không có vần) đọc lên ta biết ngay. Đó chỉ là văn xuôi viết xuống hàng, cho chấm, phẩy tùy thích mà thôi, khác nào đứa bé chưa biết bò, chưa biết đi mà trèo lên xe đạp phóng xuống dốc. ( rút từ ý của một nhà thơ ). Mong ST cứ làm những bài thơ có vần điệu nhẹ nhàng man mác, đầy nữ tính mà vẫn sâu sắc như em đã làm. Xin đừng PHÁ CÁCH em nhé !

      Xóa
  4. Tôi đọc thấy vô cảm chẳng có cảm xúc gì, bình thơ là một việc khó , ai đó viết được ra thơ phải là cảm xúc của tâm hồn, thế nào mới gọi là " thơ" cũng rất khó nói, nhưng bài thơ này của ông "Khế " không chua, cũng không ngọt, nó nhạt quá...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Xin giới thiệu 1 bài thơ không vần khá hay của Nguyễn Duy viết nhân dịp có mặt tại Đức sau vụ bức tường Berlin sụp đổ . Bài thơ nhan đề CHỢ TRỜI

      Chợ trời

      Cổng Brandenbrug phanh trần
      chợ kỉ vật chiến tranh bày la liệt cảm xúc

      mũ sắt các sắc lính – giá đồng hạng 5 USD
      sao đỏ hồng quân và phù hiệu SS phát xít – giá đồng hạng 7 USD
      cờ đỏ búa liềm và phướn thập ngoặc đen – giá đồng hạng 10 USD

      mảnh tường Berlin bằng bàn tay con nít
      giá trên trời – 20 USD !

      ta dốc túi nghiến răng mua mẩu tường Berlin
      những mong mang về làm quà
      cho dân tộc mình.

      Berlin, 9.7.1990

      Xóa