Thứ Ba, 18 tháng 11, 2014

Biển Đông là hồ sơ nóng tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN

Trọng Nghĩa.RFI

Hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Naypyidaw,13/11/2014.REUTERS/Soe Zeya Tun
Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN và các hội nghị khác kèm theo, đặc biệt là Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, đã kết thúc vào hôm qua, 13/11/2014 tại thủ đô Miến Điện. Theo nhận định của hầu hết các nhà phân tích, tranh chấp Biển Đông vẫn là một đề tài nóng được các lãnh đạo thế giới và khu vực thảo luận, cho dù trước lúc hội nghị mở ra, Trung Quốc đã liên tiếp biểu lộ thái độ hòa dịu.
Nhìn chung, các hành động quyết đoán của Bắc Kinh trong thời gian qua nhằm áp đặt các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông, từ việc đưa giàn khoan vào hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cho đến việc cải tạo mở rộng các đảo đá, bãi ngầm trong tay Trung Quốc ở Hoàng Sa và Trường Sa, tất cả đều đã gây quan ngại và đã bị nhiều nước nêu bật trên các diễn đàn ở Miến Điện.

Ba hướng công kích của Việt Nam
Đi đầu trong việc nêu bật vấn đề này đương nhiên là Việt Nam và Philippines, hai đối tượng chính bị Trung Quốc lấn lướt tại Biển Đông trong thời gian qua. Bên cạnh đó, các nước như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ cũng bày tỏ mối quan ngại rõ rệt trước tình hình bất ổn. Riêng Trung Quốc, đối tượng bị chỉ trích thì tiếp tục phủ nhận vai trò nước gây nên tình trạng mất ổn định.
Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại các hội nghị toàn thể cũng như trong các cuộc họp song phương đều xoay quanh ba hướng chính : trước hết là tố cáo Trung Quốc đang tìm cách thay đổi nguyên trạng tại Biển Đông : « Tình hình Biển Đông vẫn tiếp tục phức tạp, trong đó có việc bồi đắp quy mô lớn, làm thay đổi căn bản cấu trúc của nhiều đảo đá, bãi ngầm ».
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng nêu bật quan ngại về việc tự do hàng không và hàng hải trong khu vực bị ngăn trở - điều được thấy rõ trong thời gian từ tháng Năm đến giữa tháng Bảy vừa qua khi Bắc Kinh cho cắm giàn khoan Hải Dương 981 sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam gần Hoàng Sa : « Hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông là lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực ».
Hướng thứ ba được Việt Nam triển khai là kêu gọi tôn trọng luật quốc tế cũng như các cam kết song phương và đa phương : « Các bên liên quan cần nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực ».

Philippines tuyên bố tiếp tục vụ kiện Trung Quốc
Vấn đề tôn trọng luật lệ quốc tế cũng được Philippines nêu bật tại các Hội nghị ASEAN, với phần nhấn mạnh đến việc Manila tiếp tục theo đuổi vụ kiện « đường lưỡi bò » của Trung Quốc ra trước Tòa án Trọng tài Liên Hiệp Quốc về Luật Biển Itlos.
Phát biểu trước 17 lãnh đạo tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á vào hôm qua, Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã khẳng định trở lại rằng : « Philippines tiếp tục tìm kiếm một giải pháp hòa bình và hợp pháp (cho cuộc tranh chấp tại Biển Đông). Chúng tôi đang theo đuổi việc xin quốc tế làm trọng tài, thúc đẩy việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả bản Tuyên bố về ứng xử tại Biển Đông DOC, và thúc đẩy việc đúc kết luận bộ Quy tắc ứng xử COC trong thời gian sớm nhất ».
Đối với Philippines, việc cầu viện đến cơ chế trọng tài quốc tế là vì lợi ích của mọi nước, và không nên xem đấy là một hành động chống lại một quốc gia nào đó.
Ngay trước mặt Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Tổng thống Philippines không ngần ngại thách thức Trung Quốc là hãy có « hành động cụ thể » tại Biển Đông sao cho tương ứng với những tuyên bố hòa dịu mà Bắc Kinh đưa ra.
Ông Aquino còn bày tỏ thái độ « quan ngại về nhiều diễn biến » ở Biển Đông, gợi lên những hành động cải tạo, bồi đắp mà Bắc Kinh đang rốt ráo tiến hành trên các hòn đảo hoặc bãi đá mà họ chiếm giãu ỏ vùng Trường Sa.
Đối với Tổng thống Philippines, trong tư cách là một đối tác của ASEAN, Trung Quốc phải« chứng minh cho phần còn lại của thế giới » là họ có thể, cùng với khối Đông Nam Á, xử lý tốt vấn đề an ninh trong khu vực « dựa trên cơ sở của luật pháp ».

Mỹ-Nhật đấu khẩu với Trung Quốc
Nếu Việt Nam và Philippines là hai nước ASEAN đã nhấn mạnh đến vấn đề Biển Đông, thì Nhật Bản và Mỹ hai nước ngoài khu vực đã lên tiếng mạnh mẽ trên hồ sơ này.
Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á ở Naypyidaw, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã cho biết là nước ông mong đợi là các nước tranh chấp tại Biển Đông biết tự kiềm chế, tránh những hành động gây nguy hại cho hòa bình và ổn định ở trong vùng Biển Đông. Tuyên bố này tuy nhiên chỉ nói chung chung, không nêu đích danh Trung Quốc.
Một quan chức cao cấp của chính quyền Nhật Bản tiết lộ là trong hội nghị, ông Abe còn tố cáo sự kiện là những hành động đơn phương vẫn tiếp diễn tại Biển Đông. Nhật Bản từng là nạn nhân của hành động đơn phương của Trung Quốc khi Bắc Kinh đột nhiên tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không trên Biển Hoa Đông bao trùm quần đảo Senkaku/Điếu Ngư do Nhật kiểm soát, nhưng bị Trung Quốc đòi chủ quyền.
Ông Abe đã nhắc lại lập trường ba điểm của Tokyo trong vấn đề giải quyết tranh chấp chủ quyền : xác định rõ ràng đòi hỏi chủ quyền trên cơ sở luật pháp quốc tế ; không sử dụng vũ lực hoặc biện pháp cưỡng ép trong để áp đặt yêu sách của mình; và tìm cách giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Chính Thủ tướng Nhật Bản đã nêu bật ba nguyên tắc này nhân Đối thoại Shangri La ở Singapore vào tháng năm vừa qua.
Thủ tướng Nhật Bản dĩ nhiên cũng bày tỏ hy vọng là Trung Quốc và ASEAN sớm đúc kết được Bộ Quy tắc Ứng xử mang tính chất ràng buộc về pháp lý nhằm giảm nguy cơ xung đột  trong vùng Biển Đông.
Về phần mình, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng kêu gọi các bên tranh chấp - Brunei, Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam – là phải làm giảm sự căng thẳng, tự kiềm chế một cách tối đa và giải quyết tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế.
Theo một quan chức ASEAN cao cấp, ông Obama đã nhấn mạnh đến sự cần thiết của một bộ Quy tắc Ứng xử, và cho rằng điều quan trọng là Trung Quốc và ASEAN có được một tiến trình đối thoại xây dựng và có tiến bộ cụ thể, đặc biệt là khi mà căng thẳng lên đến đỉnh cao, trong lúc ngoại giao thì không đạt kết quả.
Trung Quốc dĩ nhiên không hài lòng chút nào trước các tuyên bố trên đây của lãnh đạo Mỹ-Nhật. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường khẳng định rằng Biển Đông nhìn chung vẫn ổn định, và giải pháp tốt nhất cho việc giải quyết tranh chấp là các cuộc đàm phán song phương giữa các nước có liên can, không cần đến sự can dự của một bên thứ ba.
----------------------------------------------
Trung Quốc tung chiêu mới về Biển Đông

 Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường phát biểu tại Hội nghị Đông Á, Naypyidaw, Miến Điện. Ảnh ngày 13/11/2014.Reuters ( Ảnh bên)

Đúng như dự liệu, tình hình Biển Đông căng thẳng đã lại được đề cập đến tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á mở ra hôm nay, 13/11/2014 tại thủ đô Miến Điện, tập hợp lãnh đạo 18 nước. Như để hóa giải những chỉ trích về thái độ hung hăng đã qua của Trung Quốc tại Biển Đông, Thủ tướng nước này đã đề xuất việc ký kết một loại ‘hiệp ước hữu nghị’ với các láng giềng.
Phát biểu tại hội nghị, ông Lý Khắc Cường xác định rằng : « Trung Quốc… sẵn sàng trở thành đối tác đối thoại đầu tiên ký với ASEAN một hiệp ước hữu nghị và hợp tác ». Bên cạnh đó Thủ tướng Trung Quốc nói thêm rằng Bắc Kinh cũng sẵn sàng để ký thêm các văn kiện mang tính chất pháp lý với nhiều quốc gia trong khu vực trên vấn đề hữu nghị và láng giềng tốt.
Vào lúc mối lo ngại trong khu vực gia tăng do các hành động quyết đoán của Bắc Kinh trong thời gian qua nhằm áp đặt các đòi hỏi chủ quyền rộng khắp của Trung Quốc tại Biển Đông, đề nghị về một hiệp ước « hữu nghị » của Bắc Kinh được xem là một nỗ lực nhằm xỏa mờ suy nghĩ cho rằng Trung Quốc là một mối đe dọa.
Vấn đề là Thủ tướng Trung Quốc đã khẳng định một lần nữa rằng Bắc Kinh kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của mình, nhắc lại quan điểm của Trung Quốc theo đó tranh chấp Biển Đông phải được giải quyết trực tiếp giữa các nước có liên can, chứ không phải phải là một cách đa phương hay thông qua trọng tài quốc tế.
Theo giới quan sát, lời nhắc nhở trên đây của ông Lý Khắc Cường nhắm vào Philippines, đã từng khiến Bắc Kinh phật ý khi quyết định kiện Trung Quốc ra trước tòa án Liên Hiệp Quốc vì những đòi hỏi chủ quyền trên Biển Đông.
Theo hãng tin Anh Reuters, Manila đã phản ứng lạnh nhạt trước đề nghị ký hiệp ước hữu nghị của Bắc Kinh. Một số nguồn tin ngoại giao Philippines cho rằng đề nghị trên thiếu thực chất và chẳng khác gì một đề xuất của Manila vào năm 2012 từng bị Bắc Kinh gạt bỏ.
Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á tại Miến Điện lần này tập hợp lãnh đạo 10 thành viên ASEAN, cũng như hai Tổng thống Mỹ và Hàn Quốc, cùng với các Thủ tướng Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Nga, Úc và New Zealand.

1 nhận xét:

  1. Trung Quốc lại nêu con bài hiệp ước hữu nghị, nhưng lần này xem ra các nước đã quá chán nản với cái từ ngữ hữu nghị sáo rỗng này rồi. Mọi người biết rằng TQ nói thì hay nhưng có thể xé bỏ các cam kết vào bất cứ lúc nào. Người ta đòi hỏi TQ phải có hành động thực tế, không chơi kiểu nói một đằng làm một nẻo như bản chất của họ.

    Trả lờiXóa