Thứ Bảy, 24 tháng 1, 2015

ĐẰNG SAU VẺ ĐẸP CỦA KÊNH NHIÊU LỘC-THỊ NGHÈ LÀ MỘT BÀI HỌC ĐẮT GIÁ .


Kênh NL-TN ngày chưa cải tạo

 Một đoạn kênh NL-TN ngày nay ( nhìn từ đường Hoàng Sa sang đường Trường Sa )



Một ví dụ điển hình trò bẩn của nhà thầu "nước lạ " ! 
Diệp Minh Tam – Envi 78

Là một cán bộ trong ngành, tôi xin đóng góp kinh nghiệm của mình, chỉ xét thuần túy theo kỹ thuật chuyên môn.

Cái mánh của nhà thầu đến từ một nước (nói nhại theo truyện Harry Potter: cái-tên-mà-ai-cũng-biết) là bỏ giá rất thấp cho các hạng mục khó khăn và giá cao cho các hạng mục ngon xơi! Theo cách này thì tổng giá bỏ thầu sẽ thấp hơn đối thủ, thế là họ thắng thầu. Các đối thủ cứ ngây thơ bỏ giá đúng giá đủ cho từng hạng mục thì rơi đài!

Có một hạng mục đòi hỏi công nghệ tiên tiến, ở Việt Nam chưa từng thực hiện và trên thế giới ít khi có nhu cầu phải làm nên số lượng nhà thầu chuyên sâu là ít ỏi trên toàn cầu. Tư vấn thiết kế tính dự toán, 2 nhà thầu bỏ giá cao thấp hơn một chút so với dự toán này. Ba công ty từ 3 quốc gia khác nhau (Mỹ, Âu, Á) tính giá tương đương nhau. Thế mà nhà thầu của quốc gia với cái-tên-mà-ai-cũng-biết kia bỏ giá chưa tới 20% mức trung bình của 3 giá đó. Rõ ràng là ngay từ đầu họ đã manh tâm không chịu thực hiện hạng mục này, nhưng mình không có cơ sở pháp lý để loại họ.

Khi được yêu cầu giải trình, họ bảo rằng họ công nhận bỏ giá thấp cho hạng mục đó, nhưng hứa sẽ lấy lợi nhuận từ các hạng mục khác để bù qua. Trong khi thi công, khi được nhắc đến lời hứa đó thì họ bảo bây giờ chẳng có lợi nhuận để bù trừ, trong khi đã rõ mười mươi là họ ăn khẳm đối với hạng mục dễ xơi và được bỏ giá cao. Họ trở thành “con quỷ nhà họ Hứa”! Có chuyện khôi hài: họ bảo đã xin nhà thầu bên Mỹ báo giá, nhưng giá quá cao! Đương nhiên là với giá bỏ thầu của họ thì ai mà làm được! Rồi họ bỏ bê hạng mục khó khăn đó, viện dẫn lý do là về phía chủ đầu tư!

Trong một hạng mục khác, nhà thầu thứ hai sử dụng thiết bị quá lạc hậu, ngay từ đầu tư vấn đã e ngại mà nêu ra việc này mà họ bảo là sẽ làm được. Nhưng tư vấn không có cơ sở pháp lý để bác bỏ thiết bị hay công nghệ của nhà thầu khi nhà thầu vẫn khăng khăng họ sẽ làm được.

Cuối cùng, thiết bị chìm nghỉm, rồi họ viện lý do địa chất và đổ lỗi cho khâu thiết kế không khảo sát địa chất cho kỹ. Về việc này thì do kinh phí thiết kế có hạn, lại thêm thời gian eo hẹp do phải trình hồ sơ dự án cho nhà tài trợ cho kịp phiên họp của hội đồng quản trị cứu xét. Nên hợp đồng thi công có quy định nhà thầu phải xem xét dữ liệu địa chất để đề xuất khảo sát địa chất bổ sung, và bảng tiên lượng có dành 1 hạng mục giá cho việc này để nhà thầu bỏ giá. Vì muốn thắng thầu với giá rẻ nên nhà thầu không bỏ đúng giá khảo sát địa chất bổ sung, là lỗi của họ. Nhưng họ vẫn tìm cách chối tội!

Thiết bị chìm nghỉm như thế, họ thông báo không thể tiếp tục vì điều kiện địa chất. Một công ty Thái Lan được mời đến xem xét. Họ bảo điều kiện địa chất ở Tp HCM tương tự như ở Bangkok, với điều kiện địa chất thay đổi cách nào đi nữa thì họ vẫn làm được: đất sét, đất cát, đất thịt, đất mùn..., chỉ trừ khi gặp đá tảng mới chịu thua. Đó là do dùng trang thiết bị đúng cách, chuẩn bị sẵn các dung dịch khoan phù hợp với từng điều kiện địa chất cho từng địa điểm, và đương nhiên phải tính giá đủ. Đúng là sau đó khi được thuê, họ đã làm được: sử dụng cùng cái thiết bị mà nhà thầu kia bỏ xó, gia cố, cải tiến... rồi hoàn tất công việc! Nhà thầu kia cứng họng, trong khi trước đó họ còn yêu sách bồi thường cho chính lỗi của họ.

Tôi cố giữ thái độ khách quan, phi chính trị trong các vụ việc, chỉ chuyên tâm vào khía cạnh chuyên môn. Nhưng tôi thấy rõ là 2 nhà thầu kia không có thiện chí gì cả, hoàn toàn thiếu tính chuyên nghiệp, xem thường điều kiện hợp đồng và quy định về thi công và quản lý chất lượng, chỉ lo thủ lợi về mình. (Trong khi với tính chuyên nghiệp, nhiều lúc chúng tôi phải cắn răng bỏ thêm công sức mà làm cho tốt.) Đến mức, tôi chẳng đặng đừng tự hỏi: phải chăng họ vào nước ta là chỉ để phá hoại? Có thêm một yếu tố khách quan: nhà thầu từ quốc gia với cái-tên-mà-ai-cũng-biết là doanh nghiệp nhà nước nên nếu cần nhà nước họ có thể hỗ trợ bù lỗ, trong khi các đối thủ cạnh tranh là công ty tư nhân, lời ăn lỗ chịu, khi lỗ thì chính phủ họ chẳng có hỗ trợ gì cả. Khác biệt rõ ràng: ai cần và không cần tính đúng tính đủ, ai cần và không cần làm ăn nghiêm túc để giữ uy tín, v.v...

Chỉ việc bỏ bê một hạng mục, là giá đội lên cao ngất và dự án chậm trễ hơn năm trời. Giá cao là do khối lượng thấp của hạng mục bị bỏ bê: chỉ làm vài trăm mét thay vì nhiều km nên đơn giá mỗi mét phải cao, lại còn phải qua quy trình soạn hồ sơ mời thầu mới, tổ chức đấu thầu lại và chấm thầu... mất rất nhiều thời giờ theo quy trình của Việt Nam. Chỉ cần cố ý tạo ra 3 sự cố là thiệt hại to tát: thêm tiền vay tức là thêm tiền nợ cho con cháu ta, và mỗi ngày trễ hạn là mỗi ngày lợi ích dự án không được phát huy. Những điều khổ tâm này dư luận không biết, nên nhiều lúc có những tiếng nói tiêu cực!

Một phần là do quy định của ta quá cứng nhắc. Ở Canada, nếu một nhà thầu bỏ giá 10 triệu, nhà thầu khác bỏ giá 9 triệu và nhà thầu thứ ba bỏ giá 7 triệu thì tư vấn có quyền bác nhà thầu thứ ba, với luận cứ chuyên môn rõ ràng. Và chủ đầu tư chấp nhận luận cứ đó: không nên ký hợp đồng 7 triệu để khổ sở với bao nhiêu thiệt hại và phiền toái sau này. Cả ngàn năm trước, bên Tàu đã có câu, đại ý: quy định do con người đặt ra thì quy định cũng có thể do con người sửa đổi. Nhưng nói tới quy định của ta sao mà khó sửa đổi thế?!

Dù cho hợp đồng có quy định nhà thầu phải trả chi phí thiệt hại do trễ hạn, nhưng chắc vì lý do “hữu hảo” nên điều khoản này không được vận dụng. Chứ nếu đưa ra tranh chấp thẳng thừng trước trọng tài quốc tế thì họ sẽ thua. Trước đó, khi bị các ban ngành của ta chất vấn thì họ nhắc đến câu châm ngôn nổi tiếng kia của lãnh tụ họ về tình “hữu hảo”! Nên chắc vì vậy mà các ban ngành của ta cũng e dè! Đến đây thì dân chuyên môn chúng tôi đành chịu thôi!

Đáng lẽ 2 nhà thầu từ quốc gia với cái-tên-mà-ai-cũng-biết kia phải bị kiện và 1 nhà thầu từ nước ngoài khác phải được huân chương lao động (bằng khen vẫn chưa xứng!) do hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng xuất sắc lại tiết kiệm được kinh phí. Nhưng cuối cùng không ai bị kiện, và chỉ có các nhà thầu trong nước được nhận bằng khen, để dĩ hòa vi quý với các vị khách nước ngoài!

Nếu anh chị nào có thể giúp đề đạt ý kiến lên cấp có thẩm quyền nhằm rút tỉa những bài học kinh nghiệm, củng cố hệ thống pháp lý, bịt các lỗ hỗng, cho phép vận dụng linh hoạt theo cách thử nghiệm nào đó, v.v... thì ta sẽ tránh được nhiều bất lợi cho đất nước mình. Mong thay!!!


4 nhận xét:

  1. Tôi nghĩ đằng sau bất cứ công trình nào của nhà thầu của nước lạ mà có cái tên quen ai cũng biết ấy đều là những bài học đắt giá cụ ạ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng quá ! Dự án NL-TN ở Tp.HCM chỉ là 1 trong hàng trăm quả đắng mà Người-nước-lạ " tống đại" vào mồm chúng ta mà thôi. Bài học quá nhiều, rút mãi cũng không hết . Có thể họ biết cả đấy nhưng họ không "rút" để chia chác thì sao ?

      Xóa
  2. Các bác cứ nói xấu về Người-nước-lạ thì anh Vũ Mão và anh Phùng Quang Thanh buồn lắm đấy vì nó rát nguy hiểm.

    Trả lờiXóa