Thứ Ba, 16 tháng 4, 2013

XEM TRANH LỤA NGUYỄN PHAN CHÁNH IN TRÊN HỌA BÁO PHÁP .

Calathau - 1 độc giả, tên Phạm Hùng từ San Diego (Hoa Kỳ) gửi về cho VOV online hình ảnh 4 trang họa báo "Illustrator" có giới thiệu và in 04 bức tranh lụa của HS Nguyễn Phan Chánh cách nay đã 81 năm mà vẫn đẹp như mới. Ta chửi chủ nghĩa thực dân Pháp và đánh đuổi quân Pháp xâm lược, nhưng công bằng mà nói người Pháp cũng mang văn minh sang nước ta và góp phần giữ gìn văn hóa Việt cho người Việt .


Năm 1931, họa sĩ Nguyễn Phan Chánh sáng tác tranh lụa "Chơi ô ăn quan" cùng một số họa phẩm khác như "Cô gái rửa rau", "Em bé cho chim ăn", "Lên đồng". Cũng năm này tại triển lãm Paris (Pháp), một số tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh đã được giới thiệu. Lần đầu tiên công chúng Pháp biết tranh lụa Việt Nam qua bút pháp Nguyễn Phan Chánh. Sau cuộc triển lãm ở Paris, hoạ sĩ Nguyễn Phan Chánh được coi là người đặt nền tảng cho tranh lụa hiện đại Việt Nam.

Họa báo L'Illustration xuất bản tại Pháp ngày 3 tháng 12 năm 1932 giới thiệu 4 bức tranh này của hoạ sĩ.  Bạn Phạm Hùng cho biết: “Tôi tình cờ có duyên mua được những trang báo này trước khi biết được Nguyễn Phan Chánh là ai. 4 trang báo in hình 4 bức tranh tiêu biểu của Phan Chánh với kỹ thuật mầu rất đẹp và còn nguyên vẹn sau 81 năm.
Tôi mua được 4 trang báo này trên E-bay và từ một công ty chuyên bán những sách, báo, bài viết xưa.. với giấy chứng nhận gốc gác… rất chuyên nghiệp. Lý do tôi mua tờ báo này là vì những bức tranh lụa rất đẹp, nhìn vào là biết ngay tranh Việt Nam chứ không thể nhầm lẫn được với tranh Trung Quốc, Nhật Bản hay bất cứ quốc gia châu Á nào khác. Chỉ là rất tình cờ thôi, và khi biết ra được đây là 4 trang báo có đến 80 năm tuổi đời, tôi lại càng thấy thích nó hơn.
Sau đó thì tôi tra Google và mới biết về họa sĩ Nguyễn Phan Chánh. Điều thú vị là tiểu sử của ông gắn liền với bài báo này khi đó là lần đầu tiên nghệ thuật Việt Nam được giới thiệu đến công chúng Pháp. Tôi đã nhờ người quen làm khung treo đặc biệt với loại kính không làm phai màu (chống ánh sáng) và trên nền giấy không có chất acid để tránh làm vàng úa tờ báo; trưng bày ở một vị trí trang trọng trong nhà.
Tuy báo được in từ hơn 80 năm về trước, nhưng kỹ thuật in rất đẹp và công phu. Vì tờ Illustrator là một nguyệt san (hay bán nguyệt san?) chú trọng về nghệ thuật nên rất kỹ lưỡng về cách in ấn. 4 bức tranh được in riêng và dán vào 4 trang báo chứ không phải được in luôn vào trang báo như thời nay. Sau 80 năm mà màu sắc vẫn còn như xưa, và cũng vì đây là một tờ báo nổi tiếng nên người ta đã sưu tầm và gìn giữ bao lâu nay. Sau này họ không bán nguyên tờ báo nữa mà chọn lựa những bài viết trong đó để lấy ra bán riêng và vì vậy, 4 trang báo này nằm ở trong đề tài "Nghệ Thuật Việt Nam".
Trang báo giới thiệu bức "Em bé cho chim ăn"
"Cô gái rửa rau"
"Chơi ô ăn quan"
"Lên đồng"
1 trong 4 trang báo được độc giả Phạm Hùng trưng bày 
trang trọng trong gia đình

Đọc những bài viết về họa sĩ Nguyễn Phan Chánh, ta thấy hầu hết đều nhắc đến bài báo này và 4 bức tranh được đưa sang Pháp triển lãm và đấu xảo sau đó. Cả 4 bức tranh đều được bán và đến nay, hình như vẫn còn ít nhất 1 bức tranh trong số 4 bức tranh lụa này vẫn mất tích trong khi số còn lại dần dần đã tìm lại được đường về Việt Nam và được trưng bày ở Bảo tàng Mỹ thuật”.

Trong cuộc Đấu xảo thuộc địa 1931 tại Paris, những tác phẩm đầu tiên của Nguyễn Phan Chánh đã gây được tiếng vang lớn. Ông được xem như một trong những họa sĩ tiêu biểu cho nền hội họa Đông Dương.
Họa sĩ Nguyễn Phan Chánh (1892-1984) được Nhà nước Việt Nam trao tặng Huân chương Lao động hạng 3, Huân chương Lao động hạng nhất, Huân chương Độc lập hạng nhất. Ông được truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I năm 1996.


5 nhận xét:

  1. Nhìn những bức ảnh chụp lại ( chắc là scan màu), nếu không nói thì không thể biết đó là những trang ảnh trên một tờ báo cách đây đã 80 năm. Mấy năm gần đây chúng ta đã tìm được rất nhiều kỷ vật tranh ảnh của VN từ mấy chục đến hàng trăm năm trước, đa số là từ Pháp và Mỹ. Thế mới biết sự trang trọng với các tác phẩm văn hóa ở những nước thật đáng trân trọng.

    Trả lờiXóa
  2. Nhìn ngắm mấy bức tranh lụa của cụ Nguyễn Phan Chánh tự nhiên thấy gai gai trong người. Ngắm kỹ 1 lúc, thấy hai mắt cay cay ...Thì ra mình đã nhận ra cái hồn cốt của tổ tiên ông bà mình rồi ...Những bức tranh - đặc biệt là Chơi ô ăn quan, Cô gái rửa rau thấy toát lên sự ấm áp vô cùng . Mầu đen và mầu gụ trong trang phục của các em gái ( Quần thâm, áo cánh nâu , khăn mỏ quạ ...) chính là hình ảnh rất đỗi quen rhuộc của bà ta, mẹ ta, chị ta, em ta ...nhưng đã xa rồi không bao giờ còn trở lại nữa . Tôi nhớ thơ Nguyễn Bính có đoạn : " Nào đâu cái yếm lụa sồi? Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân? Nào đâu cái áo tứ thân? Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen?". Ước gì có được phiên bản mấy tác phẩm này treo trong nhà, dù là bản scan qua họa báo , cụ Kỳ nhỉ ?

    Trả lờiXóa
  3. Đẹp quá! Em Chả biết tả thế nào. Chỉ biết là đẹp từ trong tranh đẹp ra!

    Trả lờiXóa
  4. Về hội hoạ tôi ít rành, có cảm xúc nhưng không nói được bao nhiêu. Tuy nhiên về nước Pháp cộng hoà, trước đây đô hộ VN,nay là quan hệ quốc tế hữu nghị, nhưng tôi nghĩ họ có nhiều điều thực chất văn minh. Chẳng hạn cho đến nay còn không ít đảng viên ĐCSVN vốn xưa là từ thấu hiểu tính nhân văn của ĐCSPháp mà vào nhất là các trí thức tầm cỡ,Bác Hồ chẳng đã từng rất coi trọng ĐCS Pháp đó sao? Về thành tựu giáo dục và sư phạm phải kể đến nền GD Pháp. Tại Pháp tốt nghiệp sư phạm còn quý giá hơn tốt nghiệp kỹ thuật, bởi họ nhận thức rất rõ : Phải có THẦY giỏi mới dạy thành HỌC TRÒ giỏi! Thầy "vẩn vơ" sao có thể dạy nên trò thành đạt?

    Trả lờiXóa
  5. Ngắm lại tranh của Họa sĩ Phan Chánh thấy đẹp quá. Tôi thích nhất bức tranh Chơi ô ăn quan. Hồi học Tổng hợp văn chúng tôi hay đến nhà Nguyệt Lệ và thày Phan Cảnh,- con của họa sĩ Phan Chánh chơi, ngắm các bức tranh của bác Chánh. Chúng tôi có nhận xét là bác Chánh thường vẽ về thiếu nữ nông thôn ăn mặc giản dị, và đặc biệt rất giống Nguyệt Lệ. Học đến năm thứ 2 thì N.Lệ mất vì bệnh tim. Tranh của bác Chánh sau này tôi ít thấy, ít được ngắm.

    Trả lờiXóa