Thứ Sáu, 19 tháng 6, 2015

AI BẢO LÀM BÁO LÀ ...SƯỚNG ?

BỊ ĐÁNH KHI ĐANG TÁC NGHIỆP

Phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô đã bị đánh khi nhập vai tác nghiệp nhằm ghi lại hình ảnh Công an phường Văn Quán (Hà Đông, Hà Nội) lập chốt kiểm tra các phương tiện giao thông.

Vào khoảng 21h30’đêm 18/6, trong quá trình nhập vai tác nghiệp nhằm ghi lại hình ảnh Công an phường Văn Quán (Quận Hà Đông, Hà Nội) lập chốt kiểm tra các phương tiện giao thông tại ngã 3 Nguyễn Khuyến (Hà Đông), phóng viên Tống Văn Đạt của báo Tuổi trẻ Thủ Đô đã bị lực lượng này đánh và dí dùi cui vào đầu.
Theo biên bản lập tại hiện trường, vào khoảng 21h30’ ngày 18/6, anh Tống Văn Đạt (phóng viên báo Tuổi Trẻ Thủ Đô), anh Nguyễn Hoàng Long (KĐT Văn Quán, quận Hà Đông) và anh Trần Anh Đức (phóng viên báo Thương hiệu và Công luận) đang tác nghiệp tại đường Nguyễn Khuyến thì bị tổ công tác của công an phường Văn Quán đánh anh Tống Văn Đạt. Hậu quả khiến anh Đạt bị thương.
  Phóng viên ghi hình Công an lập chốt kiểm tra giao thông bị đánh - Ảnh 1

Phóng viên choáng váng nằm trên vỉa hè

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, anh Tống Văn Đạt cho hay, trong quá trình đang tác nghiệp, anh Đạt bị một người mặc sắc phục công an ra vặn tay. Sau đó tổ công tác và một số người lạ giống xã hội đen, xăm trổ cùng xông vào đẩy anh Đạt lên cabin ô tô và đánh anh Đạt. Tổ công tác còn dùng dùi cui điện dí hai lần vào trán và gáy anh Đạt.
Theo một số nhân chứng có mặt tại hiện trường vào thời điểm đó, anh Đạt bị người mặc sắc phục công an dùng dùi cui điện dí trực tiếp vào đầu từ phía sau, khiến anh bị choáng váng.
Cùng lúc đó, một nhóm khoảng 7-8 người bao gồm cả công an phường Văn Quán cùng một số thanh niên xăm trổ đã lao vào đấm đá anh Đạt, lôi anh Đạt từ ngoài đường lên cabin xe. Sự việc chỉ dừng lại khi có sự ngăn cản của đồng nghiệp và người dân đi đường.
Gần 3 tiếng đồng hồ sau, lực lượng chức năng có mặt tại hiện trường để tiến hành các thủ tục cần thiết. Trong lúc chờ đợi, anh Đạt có dấu hiệu choáng nặng, nôn ói và phải nằm trên vỉa hè. Trong quá trình Công an Quận Hà Đông lập biên bản và lấy lời nhân chứng, liên tục có nhiều đối tượng lạ mặt xuất hiện, lảng vảng xung quanh có những hành động để khiêu khích gây gổ, đe dọa và cản trở các phóng viên khác tác nghiệp.
  Phóng viên ghi hình Công an lập chốt kiểm tra giao thông bị đánh - Ảnh 2

Khoảng 2h sáng ngày 19/6, phóng viên Đạt được đưa đến bệnh viện

Hơn 2h sáng ngày 19/6, Công an Quận Hà Đông làm xong biên bản và các thủ tục cần thiết để đưa nạn nhân vào bệnh viện Xanh Pôn để tiến hành kiểm tra sức khỏe.
Đầu tháng 6 vừa qua, đã xảy ra nhiều vụ việc các nhà báo bị hành hung, đe dọa. Mới đây nhất, là vụ hai phóng viên báo Giao thông vận tải (Văn phòng đại diện phía Nam) bị hành hung cướp tài sản vào ngày 8/6 trên địa bàn phường Long Trường, quận 9.
Theo tường trình, phóng viên Vĩnh Phú và cộng tác viên Linh Hoàng bị tấn công khi đang trong quá trình tác nghiệp đề tài phản ánh việc các xe chở cát gây bức xúc cho người dân.
Một nhóm khoảng 7 người lạ mặt tới đánh đập, giật máy quay khi đang ngồi tại quán cà phê. Hai phóng viên đã bỏ xe, chạy khỏi hiện trường nhưng nhóm đối tượng này vẫn không buông tha. Sau khi bị tấn công, cả hai được đưa vào bệnh viện quận 9 cấp cứu. Cộng tác viên Linh Hoàng bị rách da dầu, phải khâu ba mũi; phóng viên Vĩnh Phú bị chấn thương vùng mặt, đầu.
Trước đó, nhà báo Phạm Quốc Cường (báo điện tử Dân Trí) được cơ quan cử về huyện Chợ Mới tỉnh Bắc Kạn thu thập tư liệu điều tra một số cây cầu dân sinh ở huyện này do xí nghiệp cơ khí Quang Trung (trụ sở tại Ninh Bình) thi công có hiện tượng không đảm bảo chất lượng, dễ xảy ra tai nạn.
Nhà báo Phạm Quốc Cường đã chủ động gọi điện thoại liên lạc với giám đốc Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung để đặt lịch phỏng vấn. Tuy nhiên ông Nguyễn Tăng Cường đã dùng lời lẽ tục tĩu, thiếu văn hóa (tát vào mặt, vả gãy răng) lăng mạ, sỉ nhục nhà báo Phạm Quốc Cường.
Nguyễn Mạnh - Hồng Hạnh

3 nhận xét:

  1. Nghề báo là nghề nguy hiểm vào loại nhất, nhiều ký giả của thế giới và VN ta đã hy sinh tính mạng trong khi làm nhiệm vụ . Chuyện nhà báo bị đánh thời nay không hiếm , chân lý đôi khi để bảo vệ phải trả một giá đắt, hãy thẳng tay trừng trị nhưng kẻ côn đồ và nhưng " Đại gia" đứng sau lưng chúng đã gây tội ác với các nhà báo.

    Trả lờiXóa
  2. Cảm phục những nhà báo chân chính!

    Trả lờiXóa
  3. Những nhà báo chân chính hoạt đông đơn lẻ trong xã hội ta hiện may còn nguy hiểm và pjuwcs tạp hơn các chiến sĩ chiến đấu ngoài mặt trận, vì ngoài mặt trận có đồng đội bên cạnh, nhìn thấy và phân biệt được kẻ thù.

    Trả lờiXóa