Thứ Hai, 31 tháng 8, 2015

Hồi ký Vũ Đình Huỳnh " Từ Tân Trào về Hà Nội " (Bài 2)

HỒ CHỦ TỊCH VỀ HÀ NỘI .
Hồi ký của cụ Vũ Đình Huỳnh 

Cụ Vũ Đình Huỳnh (1906-1990), đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam (1930), Thư ký đầu tiên của Hồ Chủ tịch, Giám đốc Công thương Liên khu III - IV, Vụ trưởng Vụ Lễ tân Bộ Ngoại giao, Vụ trưởng Ban Thanh tra Chính phủ, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất... 

( Tiếp theo bài LẦN ĐẦU GẶP ÔNG CỤ đã đăng trước )
...Có lẽ do ảnh hưởng của bản báo cáo miệng của tôi với Ông Cụ về tình hình trí thức Bắc Hà và kết quả những cuộc tiếp xúc của tôi và Võ Nguyên Giáp với trí thức mới đây, nên trong cuộc họp Thường vụ Trung ương Đảng tại nhà Trịnh Văn Bô (khoảng 21 hoặc 22/8/1945), anh Sao Đỏ đã đề nghị tôi tách khỏi mọi công tác để giúp việc cho Ông Cụ. Mặt khác, trong thời kỳ hoạt động bí mật, tôi đi lại nhiều, có nhiều hiểu biết về các địa phương trong nước, có quan hệ với nhiều người thuộc nhiều giới khác nhau, mà Ông Cụ thì lại mới từ nước ngoài về, cần đến một người như tôi ở bên cạnh để tham khảo ý kiến. Đề nghị của anh Sao Đỏ được Thường vụ tán thành. Quả vậy, việc đầu tiên của Ông Cụ sau khi đặt chân lên đất Hà Nội là nhanh chóng xây dựng bộ máy chính quyền cách mạng trung ương gồm những người có danh tiếng, đại diện cho tinh hoa đất nước. Với bản tính khiêm tốn, trọng kẻ sĩ, Ông Cụ không tự coi mình cao hơn hết, những người cộng sản giỏi hơn hết, không cần tới ai khác. Cũng tại Tân Trào, sau khi kết thúc câu chuyện với anh Sao Đỏ và tôi, Ông Cụ nói: “Chúng mình là cái men thôi, gây nên được rượu là nhờ vào cơm nếp, phải có đông đảo quần chúng tham gia mới thành cách mạng”. Ông Cụ coi nhân sĩ, trí thức là thứ men tốt, cần phải kéo họ về mình. Bước dừng chân đầu tiên nơi cửa ngõ Thủ đô của Ông Cụ là làng Phú Gia ở bên kia sông Hồng. Anh Đặng Xuân Khu (Trường Chinh) lập tức sang sông gặp Ông Cụ để báo cáo công việc. Ngày 24/8/1945, tôi đón Ông Cụ về 48 Hàng Ngang, lần này với tư cách là người thư ký riêng, mà hồi đó người ta thường gọi là bí thư. Ngôi nhà 48 Hàng Ngang là nhà riêng của Trịnh Văn Bô, một nhà tư sản có tiếng của thành phố hồi ấy. Anh chị Bô rất có cảm tình với cách mạng và đã tích cực giúp đỡ các cán bộ của Đảng trong những ngày ta chưa lấy được chính quyền. Xe đón Ông Cụ từ Phú Gia về Hà Nội qua cầu Long Biên là rẽ ngay đường Hàng Khoai rồi tạt hông chợ Đồng Xuân về 48 Hàng Ngang (chứ không phải đi theo đường Hàng Cân như một số hồi ký đã viết). Đường phố đã lên đèn. Tưng bừng tiếng trống ếch thiếu nhi, đó đây những dòng người biểu tình thị uy hô vang những khẩu hiệu cách mạng, ở góc đường một đám đông đang đứng nghe một cán bộ diễn thuyết về chương trình mười điểm của Việt Minh... Cả Hà Nội tắm mình trong không khí ngày hội lớn. Khi bước lên xe, Ông Cụ hỏi tôi: “Bây giờ anh cho tôi về đâu?”. “Thưa Cụ, anh em đã bố trí một cơ sở chu đáo". Tôi đáp, biết Ông Cụ là người cẩn thận. Xe đến cầu Long Biên, Ông Cụ ngả hẳn người ra kính cửa xe nhìn những gióng sắt của cây cầu rồi nhìn xuống sông Hồng. Cái nhìn vừa chăm chú lại vừa bỡ ngỡ. Tôi tự hỏi không biết đây có phải là lần đầu tiên Ông Cụ nhìn thấy những cảnh này không? Chẳng lẽ Ông Cụ chưa một lần ra đất Thăng Long? Nhưng tôi không dám hỏi. Khi đi gần hết cầu, Ông Cụ lẩm bẩm: “Nước to”. Chỉ mãi tới khi xe chạy ngang hông chợ Đồng Xuân, Ông Cụ mới nói với tôi: “Tôi chưa biết Hà Nội bao giờ cả”.
 Tôi đáp “dạ” và cảm thấy xót xa trong lòng: Khổ cho Ông Cụ, biết Paris, biết Berlin... mà lại chưa biết Hà Nội. Ông Cụ về Hà Nội với bộ quần áo chàm và cái túi vải cũng nhuộm chàm mà người Tày thường đeo trong khi lên nương rẫy hoặc đi chợ, con người mà vài năm sau được cả thế giới biết tiếng.
 Sáng hôm sau, Ông Cụ bảo tôi báo cáo lại lần nữa, tỉ mỉ hơn, cụ thể hơn về từng vị nhân sĩ, trí thức. Tôi ngạc nhiên trước sự quan tâm đặc biệt của Ông Cụ đối với các vấn đề tôn giáo, đặc biệt là đạo Thiên Chúa. Những gì tôi báo cáo, Ông Cụ ghi vào sổ tay, bằng chữ Hán, rất ngắn gọn, chỉ vài ba chữ là đủ. Từ những dòng ghi vắn tắt đó đã ra đời kế hoạch thành lập Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hằng ngày, tôi đón Ông Cụ ra Bắc Bộ Phủ làm việc. Sau ít ngày ở 48 Hàng Ngang, Ông Cụ chuyển đến ở ngôi nhà của Chánh án Tòa Thượng thẩm cũ, số 8 phố Bonchamp (trước cửa Thủy Tạ, sau bị Pháp phá trụi), chỉ trở về Hàng Ngang để ăn cơm. Chị Trịnh Văn Bô ngày ngày đặt hai thồi cơm bên Đông Hưng Viên, một hiệu cao lâu có tiếng của người Tàu ở phố Hàng Buồm, đến giờ họ khắc bưng sang. Trong những ngày sôi động này, ngoài công việc hằng ngày với Ông Cụ (mà chúng tôi bắt đầu gọi bằng Bác cho thân mật) tôi vẫn thường được Bác phái đi gặp các nhân sĩ, trí thức, đặc biệt là các cụ cao tuổi như cụ Nguyễn Văn Tố, cụ Phạm Bá Trực, cụ Bùi Bằng Đoàn... Tôi nhớ mãi cái buổi tối đến mời cụ Nguyễn Văn Tố tham gia việc nước. Cụ pha trà mời tôi rồi khiêm tốn từ chối: “Tôi là con người không làm cách mạng được, chỉ biết chút chữ nghĩa, nhưng không hiểu gì chính trị, xin các ông miễn cho...”. Cụ nói thẳng bằng giọng hết sức thật thà, khiêm tốn. Đến khi tôi nói rõ cụ Hồ Chí Minh chính là Nguyễn Ái Quốc và nay Cụ Hồ mời các cụ ra gánh vác quốc sự, mưu hạnh phúc cho dân thì cụ Tố cảm động nói: “Cụ đã nói thế, tôi còn biết từ chối làm sao... Thôi thì còn chút trí mọn nào tôi xin cống hiến hết”
Kiều Khải
“Sở dĩ tôi nói nhiều tới các vị nhân sĩ trí thức ngay từ những ngày đầu tiên của cách mạng đã lựa chọn con đường cùng với cả dân tộc chiến đấu cho độc lập và tự do là nhằm nhấn mạnh chính sách đại đoàn kết dân tộc mà Hồ Chủ tịch đã đề ra. Chính sách này xuất phát từ lòng Bác, chứ không phải là một thủ đoạn cách mạng, như có người nghĩ, cả ở phía ta, cũng như ở phía không phải ta” (Vũ Đình Huỳnh)....
---------------------------------------------
 Từ trái qua phải: Thiếu tướng Đặng Kim Giang, Viện trưởng Viện Sử học Trần Huy Liệu, Vụ trưởng Vụ Lễ tân Vũ Đình Huỳnh, Tổng biên tập báo Thủ đô Lưu Động thăm lại nhà tù Sơn La (1959 )
Từ trái qua phải: Thiếu tướng Đặng Kim Giang, Viện trưởng Viện Sử học Trần Huy Liệu, Vụ trưởng Vụ Lễ tân Vũ Đình Huỳnh, Tổng biên tập báo Thủ đô Lưu Động thăm lại nhà tù Sơn La (1959)... Đọc thêm tại: http://nongnghiep.vn/tu-tan-trao-ve-ha-noi-ho-chu-tich-ve-ha-noi-post148247.html | NongNghiep.vn
Từ trái qua phải: Thiếu tướng Đặng Kim Giang, Viện trưởng Viện Sử học Trần Huy Liệu, Vụ trưởng Vụ Lễ tân Vũ Đình Huỳnh, Tổng biên tập báo Thủ đô Lưu Động thăm lại nhà tù Sơn La (1959)... Đọc thêm tại: http://nongnghiep.vn/tu-tan-trao-ve-ha-noi-ho-chu-tich-ve-ha-noi-post148247.html | NongNghiep.vn

 -----------------------------------------------
Nguồn: Nông Nghiệp Việt Nam

2 nhận xét:

  1. Em thức khuya để đọc, nghĩa là em đã thích nghe những hồi ký như thế này. Đúng quá, tuổi thơ chúng ta đã gắn bó máu thịt với CM với KC chống Pháp từ những ngày đầu gian khổ nhưng kiêu hùng biết bao ! Cảm ơn Kính và Giang !

    Trả lờiXóa