Thứ Năm, 27 tháng 8, 2015

Việt Nam chấp nhận gì ở hội nghị THÀNH ĐÔ ? Đâu là sự thật ?

Calathau Vu : Thưa các cụ Làng ta. Mõ đọc hết bài này và tất nhiên nhìn kỹ bức ảnh trên đầu bài . Nói thật nhé, Mõ chỉ tin mỗi ảnh này là ảnh thật. Còn vì sao lại nghi ngờ tính chân xác của nội dung bài viết, ấy chính là cái tên tác giả : Huỳnh Tâm ! Chính tên này đã viết bài xuyên tạc trắng trợn lịch sử trường chúng ta:  Trường TNVN do Ban TC TW Đảng thành lập (1953-1958), nhờ địa điểm tại Lư Sơn ( Giang Tây )và Quế Lâm ( Quảng Tây) của Trung Quốc. GV Nhà trường dậy theo Chương trình của Bộ GD VNDCCH, Bộ trưởng lúc đó là GS Nguyễn văn Huyên, thân phụ bạn Nguyễn Nữ Hiếu cùng K5 với chúng ta ! Huỳnh Tâm bịa đặt ác ý rằng trường "Lư Sơn-Quế Lâm  tử đệ học hiệu" do Đảng CSVN và ĐCSTQ lập ra và đã đào tạo được 1.200 đặc vụ phục vụ cho ý đồ sáp nhập VN thành 1 khu tự trị của Tầu cộng Đại Hán !!! Nực cười trong số "đặc vụ" này có cả TT Nguyễn Tấn Dũng và bà Cao Đức Khả , nguyên TLS TQ tại Tp.HCM(?!) Chúng ta đã có hẳn một đợt đăng bài phản bác lại trên Blog LSQL và sau đó được nhiều trang mạng XK khác ( cả 2 "lề" ) đăng lại và có tới cả ngàn Comments ý kiến phê phán Huỳnh Tâm và trang mạng danlambao , nơi đã phổ biến bài của tên này !
Tôi rất đồng ý với đầu đề bài viết của của Kyvinhhung ( Tức bạn Trịnh Huy Châu) :
Một điều bất tín, vạn sự bất tin !
Còn sau đây là toàn văn bài viết của Huỳnh Tâm .

LÝ BẰNG TIẾT LỘ HN THÀNH ĐÔ 1990

Huỳnh Tâm

Hội nghị Thành Đô ngày 3-4/9/1990 là bước ngoặt của quan hệ Trung-Việt… Hai bên ký kết “Kỷ yếu hội nghị” đồng thuận bình thường hóa quan hệ song phương. Đảng cộng sản Việt Nam không tiết lộ và cũng không công bố cho toàn nhân dân Việt Nam biết cuộc đàm phán bí mật, một sự kiện lịch sử quan trọng này. Ngày 5/11/1991, Đỗ Mười Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam và Võ Văn Kiệt Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đến thăm Trung Quốc. Ngày 7/11/1991, hiệp định mậu dịch Trung-Việt và hiệp định tạm thời về việc xử lý công việc biên giới hai nước đã được ký tại Nhà khách chính phủ Điếu Ngư Đài Quốc Tân Quán Bắc Kinh (钓鱼台国宾馆).
Một phần tư liệu về Hội nghị bí mật Thành Đô 1990, được tiết lộ bởi “Lý Bằng Nhật ký ngoại sự” (李鹏外事日记 ) và “Hợp tác phát triển Hòa Bình” (和平发展合作), ngoài ra tác giả công bố hơn 230 bức ảnh phụ trang, phần lớn đã được công bố tại Trung Quốc. Nguồn: Công bố bởi Nhà xuất bản Tân Hoa Xã.
1
Chúng tôi xin tóm lược một luồng thông tin giới thiệu tới độc giả như để tham khảo những tài liệu sau này về Hội Nghị Thành Đô 1990:
Lý Bằng (Li Peng) viết hai cuốn Hồi ký “Nhật ký ngoại sự”, và “Hòa Bình phát triển hợp tác”, đó là những cuốn sách nhật ký chú trọng phần hoạt động đối ngoại của Lý Bằng đã từng là Phó Thủ tướng, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban Thường vụ (NPC).
Bài này trích trong cuốn “Nhật ký ngoại sự” và “Hòa bình phát triển hợp tác” của tác giả Lý Bằng. NXB Tân Hoa xã xuất bản. Nguồn: people.com.cn. [1]

Hội nghị vừa kết thúc, nhật báo Tứ Xuyên loan tải một thông điệp của phái đoàn Việt Nam: “Việt Nam bày tỏ mong muốn sẵn sàng chấp nhận làm một khu vực tự trị thuộc chính quyền trung ương tại Bắc Kinh như Trung Quốc đã dành cho Nội Mông, Tây Tạng, Quảng Tây… Phía Trung Quốc đồng ý và đồng ý chấp nhận đề nghị nói trên và cho Việt Nam thời gian 30 năm để Đảng Cộng sản Việt Nam giải quyết các bước tiến hành cần thiết cho việc gia nhập đại gia đình các dân tộc Trung Quốc!” [2]
Lý Bằng “Nhật ký ngoại sự” (外事日记)  ghi lại quá trình bình thường hóa quan hệ Trung-Việt như sau:
Cuối những năm 1970. Việt Nam đưa quân sang Campuchia. Năm 1979, quan hệ Trung-Việt đụng đáy hết thuốc chữa. Tháng 12 năm 1986, thời đó Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đương quyền, tình hình quốc tế thay đổi, đặc biệt là ở Đông Âu, Liên Xô bị tan rã. Nguyễn Văn Linh tìm kiếm chính sách, điều chỉnh lại bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc-Việt Nam.
Sau khi hai bên Trung-Việt thông qua đường liên lạc, đồng ý hội nghị bí mật vào ngày 03 – 04 tháng 9 năm 1990. Nguyễn Văn Linh và Hội đồng Bộ trưởng Việt Nam Đỗ Mười chấp nhận đàm phán với các nhà lãnh đạo Trung Quốc tại Thành Đô tỉnh Tứ Xuyên.
Thứ Sáu, ngày 26 tháng 12 năm 1986. Tổng Bí thư Lê Duẩn qua đời vào tháng 7. Nguyễn Văn Linh được đắc cử Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, tại Đại hội 6 đảng Cộng sản Việt Nam.
Thứ Bảy, ngày 26 tháng 8.
Việt Nam tuyên bố “Rút toàn bộ quân đội của Việt Nam ra khỏi Campuchia”. Lần này, tạo ra các điều kiện để giải quyết “trơn tru” cho mọi thuận lợi của vấn đề Campuchia, đồng thời làm “sạch” các chướng ngại bình thường hóa quan hệ Trung-Việt.
Thứ Tư, ngày 6 tháng 6.
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, hẹn gặp Đại sứ Trung Quốc Trương Đức Duy (Zhang Dewei) [3] tại Bộ Quốc phòng Việt Nam. Nguyễn (Văn Linh), hy vọng cho một lần đầu, thực hiện bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, hai đảng, đồng thời mong sớm được đàm phán tại Trung Quốc.
Chủ Nhật, ngày 26 tháng 8.
Giới thiệu chuyến viếng thăm nội bộ đảng Cộng sản Việt Nam tại Trung Quốc, gồm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh mục đích giải tỏa những vấn đề hai nước, hai đảng…, tôi đã nói với đồng chí Giang Trạch Dân, ông cho biết hoàn toàn tán thành.
Thứ Hai, ngày 27 tháng 8.
Về việc đồng chí Giang Trạch Dân và tôi sẽ hội kiến với Nguyễn Văn Linh theo những dự thảo liên quan, tôi đã báo cáo lên đồng chí Đặng Tiểu Bình. Theo quan điểm của Thế vận hội Châu Á (Asian Games) sắp tới tổ chức tại Bắc Kinh, nhưng cuộc họp này liên quan đến việc bình thường hóa quan hệ song phương Trung-Việt, đặc biệt hệ trọng, nên để tiện cho việc bảo mật, địa điểm hội đàm sẽ được bố trí ở Thành Đô.
Thứ Năm, ngày 30 tháng 8.
Đồng chí Giang Trạch Dân và tôi đã đi đến Thành Đô để đàm phán nội bộ với Tổng Bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Việt Nam Đỗ Mười, đã có ban hành lời mời phía Việt Nam. Bây giờ thử xem Việt Nam trả lời thế nào.
Chủ Nhật, ngày 02 tháng 9.
15 giờ 30, tôi lên chiếc máy bay chuyên cơ, cất cánh từ vùng ngoại ô sân bay Tây Giao Bắc Kinh, khoảng 6 giờ 00 đến sân bay Thành Đô. Chúng tôi di chuyển bằng ô-tô qua lộ trình mất hơn 20 phút đến Kim Ngưu tân quán (宾馆金牛), Bí thư Tỉnh ủy Dương Nhữ Đại đang chờ đợi. Đồng chí Giang Trạch Dân đáp một chiếc bay chuyên cơ đến Thành Đô vào lúc 08 giờ 30 tối, chậm hơn tôi nửa giờ sau. Đến 11 giờ đêm, tôi cùng đồng chí Giang Trạch Dân trao đổi chính sách cho cuộc đàm phán với phía Việt Nam vào ngày mai.
Thành Đô, thứ Hai, ngày 03 tháng 9.
Buổi sáng, tôi đến chỗ đồng chí Giang Trạch Dân tiếp tục nghiên cứu các nguyên tắc tiến hành đàm phán với phía Việt Nam.
Khoảng 14 giờ 00, Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười và Cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam Phạm Văn Đồng cùng đến Kim Ngưu tân quán Thành Đô (成都宾馆金牛) [4]. Giang Trạch Dân và tôi chào đón họ tại tầng lầu 1. Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Văn Linh, mặc veston cà phê, phong thái học giả. Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Việt Nam Đỗ Mười mái tóc bạc trắng cũng có thái độ mạnh mẽ, mặc veston màu xanh. Họ là những người trên bảy mươi tuổi, và Phạm Văn Đồng thị giác mắt nheo đục, mặc veston đại cán phù hợp với màu xanh, ông cũng là cựu chiến binh Trung Quốc.

 Kim Ngưu tân quán Thành Đô Tứ Xuyên (成都宾馆金牛)

Buổi chiều, cuộc đàm phán bắt đầu, Nguyễn Văn Linh lần đầu tiên thực hiện một bài phát biểu dài. Mục đích mong muốn bày tỏ giải quyết các vấn đề Campuchia càng sớm càng tốt, đồng thời đàm phán việc thành lập Hội đồng tối cao của Campuchia là một phần ưu tiên, không nên loại trừ bất kỳ bên nào, không thể bày tỏ sự miễn cưỡng để can thiệp vào công việc nội bộ của Campuchia. Xem ra về vấn đề Campuchia, Nguyễn Văn Linh có vẻ chỉ muốn bày tỏ thái độ tuyên bố về nguyên tắc, trọng điểm là đặt vào phương diện bình thường hóa quan hệ Trung-Việt. Cuộc đàm phán tiếp tục cho đến 8 giờ 00, sau 08 giờ 30 mới bắt đầu mở tiệc buổi tối. Bên bàn tiệc, tôi và đồng chí Giang Trạch Dân lần lượt làm việc với Đỗ Mười và Nguyễn Văn Linh.
Thứ Ba, ngày 04 tháng 9.
Buổi sáng, chúng tôi tiếp tục họp với các nhà lãnh đạo của Việt Nam. Tại thời điểm này, có thể nói những vấn đề nêu ra trong đàm phán đã đi đến sự đồng thuận một cách khá thỏa đáng, cùng quyết định soạn thảo một bản “Kỷ yếu hội nghị”.
14 giờ 30, trong hai bên Trung-Việt tổ chức một buổi lễ ký kết tại khách sạn trên tầng số 1 Nhà khách Kim Ngưu, hai bên lần lượt đồng ký do Tổng bí thư và Thủ tướng Chính phủ tương ứng. Đây là một bước ngoặc lịch sử trong quan hệ Trung-Việt. Đồng chí Giang Trạch Dân đọc câu thơ của Lỗ Tấn “Phong ba đã trôi, mỗi tình anh em vẫn còn, gặp nhau lại vui, bỏ qua hết thẩy hận thù” (Độ tận kiếp ba huynh đệ tại, Tương phùng nhất tiếu mẫn ân cừu) tặng cho các đồng chí Việt Nam. Về vấn đề này, các đồng chí Việt Nam tỏ ra hài lòng.
16:00, chuyên cơ cất cánh về Bắc Kinh, khoảng 6 giờ 10 như vậy đã đến nơi.
Đảng cộng sản Việt Nam họp Đại hội 7

Thứ Bảy, ngày 29 tháng 6 năm 1991.
Đại hội 7 Đảng cộng sản Việt Nam bế mạc, Đỗ Mười được đắc cử Tổng bí thư, Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng làm cố vấn. Những giai điệu tổng thể của Đại hội 7, Đảng cộng sản Việt Nam, nhấn mạnh kiên trì giáo lý chủ nghĩa xã hội, tham gia vào các cải cách kinh tế, chủ trương tình hữu nghị Việt-Xô, Việt-Trung. Tinh thần của Đại hội 7 có lợi cho việc cải thiện quan hệ song phương Trung-Việt.
Bắc Kinh thứ ba, ngày 30 tháng 7.
Buổi chiều, tôi đã gặp gỡ các đại diện đặc biệt của Lê Đức Anh của Ủy ban Trung ương Việt Nam và Hồng Hà. Họ yêu cầu mở cuộc họp cấp cao Trung-Việt tổ chức tại Việt Nam. Tôi cho rằng, để nhân dân hai nước có sự chuẩn bị trước, để cho ASEAN và các nước khác không nảy sinh nghi ngờ, hai bên Trung-Việt cần tiến hành cuộc đáp ứng, gặp ở các cấp thứ trưởng và bộ trưởng ngoại giao trước đã, như cuộc họp cấp cao, phía Trung Quốc cho rằng không có vấn đề về nguyên tắc. Ngày hôm sau Tổng bí thư Giang Trạch Dân sẽ trả lời chính thức với phía Việt Nam. Về việc bình thường hóa quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và Việt Nam, theo nguyên tắc bình đẳng và cùng có lợi, cả hai đối tác thông qua tham khảo ý kiến​​ và giải quyết. Trung Quốc giữ thái độ tích cực với tất cả các lĩnh vực về thương mại, bưu chính, vận chuyển, thanh toán ngân hàng, khôi phục giao thông đường bộ.
Thứ Ba, 17 giờ 00, ngày 05 tháng 11.
Đồng chí Giang Trạch Dân và tôi đã đã tổ chức lễ đón chính thức Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Đỗ Mười và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt tại quảng trường ở ngoài cửa phía đông Đại lễ Đường Nhân dân.
Tiếp đó, chúng tôi tổ chức tiến hành cuộc đàm phán. Đỗ Mười có thái độ rất rõ ràng về vấn đề Đài Loan. Đồng chí Giang cho biết, sau khi quan hệ song phương một thời quanh co, nay đã trải qua một quãng đường gập ghềnh, các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Việt Nam có thể ngồi lại với nhau để tiến hành cuộc đàm phán cấp cao mang ý nghĩa quan trọng. Đây là một kết thúc của các cuộc đàm phán trong quá khứ, hướng tới tương lai, nó đánh dấu sự bình thường hóa trong quan hệ hai nước, sẽ có tác động sâu sắc đến sự phát triển của quan hệ song phương. Đỗ Mười nói rằng, bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc phù hợp với nguyện vọng và lợi ích căn bản của nhân dân hai nước, đồng thời cũng giúp ích cho hòa bình và ổn định của khu vực và trên thế giới. Tiếp đó, tổ chức bữa tiệc.
Thứ Tư, ngày 06 tháng 11.
Buổi chiều, tôi đàm phán với Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Việt Nam Võ Văn Kiệt, bầu không khí rất tốt. Đầu tiên tôi nêu ra rằng Tổng bí thư Giang Trạch Dân và Tổng Bí thư Đỗ Mười đã tiến hành đàm phán khả quan, đã trao đổi đầy đủ quan điểm. Về vấn đề Đài Loan, thái độ Võ Văn Kiệt thể hiện rất tốt. Tôi điểm qua các vấn đề về vay nợ, biên giới, người dân tị nạn… trong cuộc hội đàm. Hai bên đồng ý sau này sẽ không bàn tới nữa. Với các dự án vay vốn do phía Việt Nam vừa đề xuất, tôi đã hứa sẽ cho khảo sát các dự án của phía Việt Nam. Về vấn đề Campuchia, tôi nêu rõ, thỏa thuận về giải pháp chính trị toàn diện cho vấn đề Campuchia đã được ký tại Paris, việc thực hiện thỏa thuận vẫn đòi hỏi các bên phải tiếp tục nỗ lực.
Nhà khách chính phủ Điếu Ngư Đài Quốc Tân Quán (钓鱼台国宾馆)
Thứ Năm, ngày 7 tháng 11.
Buổi chiều, Hiệp định Thương mại Trung-Việt và Hiệp định tạm thời về việc xử lý các vấn đề biên giới giữa hai nước đã được ký kết và thỏa thuận tại Nhà khách chính phủ Điếu Ngư Đài Quốc Tân Quán (钓鱼台国宾馆). Các lãnh đạo đảng và chính phủ hai nước đã dự lễ ký kết, sau đó, tôi cùng đồng chí Giang Trạch Dân chia tay Đỗ Mười và Võ Văn Kiệt. Họ sẽ đi du lịch đến Quảng Châu, Thẩm Quyến và đến thăm những nơi khác.
Huỳnh Tâm
------------------------------------
Nguồn VietnamDaily.News

7 nhận xét:

  1. Không hiểu ở tiền kiếp, tôi và tay Huyền Tâm này có tư thù gì với nhau không, nhưng hôm nay đọc bài về Hội nghị Thành Đô, tôi lại phải đấu khẩu một lần nữa.. Trước tiên, xin bày tỏ sự đồng thuận và khâm phục đối với Cụ Ca làng ta về “khả năng dẫn dắt lối chơi”của cả Làng nhờ vào năng lực mẫn cảm chính trị của Cụ. Bởi lẽ, chuyện tay HT xuyên tạc trường TNVN và bị mất mặt vừa qua so với dư luận về sự kiên Thành Đô thì chỉ như con kiến so với trái núi. Sau một thời gian khá dài, câu chuyền Thành Đô được tung lên mạng, lần này các Cụ làng ta mới được tiếp cận thông tin do chính HT đưa ra và cụ Ca tải về một cách khách quan với lời bình rất chuẩn. Đó là việc làm hết sức cần thiết và kịp thời
    Cá nhân tôi xin có mấy ý sau đây xin thưa cùng các cụ.
    :
    - Nếu còn những tư liệu lịch sử chính thức nào khác về hội nghị TĐ với nội dung “ khu tự trị “thì chúng ta cần thẩm định thêm và có thể hồ nghi , nhưng nếu chỉ căn cứ vào bài này của HT thì tôi xin nói thật: tôi không tin.Vì bản thân tài liệu không có cơ sở khoa học, nặng về ghép nối ,suy luận chủ quan. Để làm ra vẻ khách quan, HT vào đề :


    : “.. Chúng tôi xin tóm lược một luồng thông tin giới thiệu tới độc giả như để tham khảo những tài liệu sau này về Hội Nghị Thành Đô 1990:”

    Hóa ra, mọi trích dẫn suy luận mà HT cung cấp cho người đọc đều chỉ là “ một luồng thông tin” lượm lặt, nghe ngóng ở đâu đó, chứ không phải là văn bản gốc chính thức mà anh ta có trong tay. Hơn nữa, một đoạn dài vô cùng quan trọng do HT đưa vào không ăn nhập gì với Nhật ký của Lý Bằng. Đoạn đó như sau: ” Hội nghị vừa kết thúc, Nhật báo Tứ Xuyên loan tải một thông điệp của phái đoàn VN ….”. Ai viết câu này? Không phải Lý Bằng, vì toàn bộ Nhật ký của LB không có chỗ nào đả động đến nội dung phái đoàn VN xin làm khu tự trị của TQ. Hơn nữa,câu đó được trích trước khi bắt đầu nhật ký của LB. Vậy có bằng chứng văn bản nào chứng minh thỏa thuận của phái đoàn VN? Cho tới nay, hoàn toàn không có. Tin do Nhật báo Tứ Xuyên đăng tải chỉ là sự cấy ghép của HT vào nhật ký của LB để mập mờ đánh lừa người đọc mà thôi. Cũng cần nói thêm, mọi loại nhật ký của các quan chức dù cấp cao đến mấy cũng không thể được coi là văn bản chính thức có giá trị pháp lý cấp quốc gia,quốc tế, vì thường có rất nhiều chi tiết trong nhật ký riêng tư ghi chép sai sự thật do động cơ cá nhân hoặc độ lùi thời gian v.v.
    - Cần đặt câu hỏi : Vậy đâu là bộ mặt thật của HT và đồng bọn ? Tôi vẫn cho rằng, bọn này dù là người Hoa gốc Việt hay người Việt gốc Hoa,ở trong nước hay nước ngoài đều chính là tay chân của CN Bành trướng BK, đang tìm mọi cách phá hoại khối đoàn kết dân tộc ta, chia rẽ nội bộ ta, gây hoài nghi, hoang mang trong nhân dân, hòng làm suy yếu tiến tới xâm lược,thôn tính VN
    - Tuy nhiên về phía nội bộ, cũng cần đặt ra câu hỏi nghiêm khắc này : tại sao các cơ quan truyền thông VN đến nay vẫn im lặng? Đây cũng là sự “im lặng đáng sợ”bởi nó gây hoài nghi cho người dân. Họ sẽ suy luận: không có lửa sao có khói v.v. Mọi cuộc chạy trốn sự thật dù nhỏ nhất đều dẫn đến đánh mất uy tín. Cả bộ máy tuyên truyền của ta chẳng lẽ lại chịu thua lão HT sao?

    Trả lờiXóa
  2. Tôi hoàn toàn đồng ý với lập luận của kyvinhhung (Trịnh Huy Châu) . Chúng ta tuổi cao nhưng rõ ràng trí tuệ còn minh mẫn lắm ! Xin cảm ơn bạn !

    Trả lờiXóa
  3. Nguyễn Ngọc Hùnglúc 16:41 28 tháng 8, 2015

    Tôi thì lại nghĩ thế này: Cái "Huỳnh Tâm" này tâm địa xấu xa là điều có thể khẳng định. Nhưng như thế không có nghĩa là mọi thông tin do "Huỳnh Tâm" đưa ra đều là bịa đặt cả. Dựng chuyện về Trường Ta thì rõ là bịa đặt rồi. Nhưng chuyện "Thành Đô" thì không nên tin ngay, mà cũng chưa thể khẳng định là 'bịa" được. Ta làm gì có bằng chứng để bác bỏ "chuyện Thành Đô" này? Cụ nào có bằng chứng thì xin cho cả Làng cùng sáng tỏ.

    Trả lờiXóa
  4. Cám ơn Cụ Ca đã đồng thuận. Thật ra , mỗ tôi cũng chẳng dám bác bỏ hoàn toàn "cái gì đó" có thể đã xảy ra ở T.Đô như ý kiến bạn NNH. Bởi vậy ở đầu bài viết đã phải đưa ra chữ "nếu!" cho chặt chẽ. Sau này, giả sử tìm ra tư liệu gốc giấy trắng mực đen, với chữ ký con dấu chính thức v.v, mọi người sẽ lại có ý kiến.Còn hiện nay chỉ dựa vào bài này thì chưa thể kết luận được. Phải thế chăng?

    Trả lờiXóa
  5. Không hiểu sao, nhưng tôi có một niềm tin sắt đá rằng, những bộ óc hoàn toàn minh mẫn của những tên tuổi như Phạm văn Đồng, Nguyễn văn Linh, Đỗ Mười, Đinh Nho Liêm, Hoàng Bích Sơn ...không thể là những kẻ cầm đầu tập đoàn bán nước đưa cả dân tộc VN với trang sử ngàn năm chống giặc Phương Bắc đô hộ, đến Thời đại HCM thắng 2 đế quốc to ...lại chui vào vòng nô lệ Tầu Cộng ! HN Thành Đô có thể phía VN có những nhân nhượng bất lợi trước mắt và lâu dài, nhưng không thể là một "hiệp ước bán nước " đến nỗi hoan hỉ nhận mình là 1 khu tự trị với sắc dân thiểu số thần phục triều đình Bắc Kinh ! Tôi không tin ! Chính vì thế mà tôi kinh ngạc trước thái độ im lặng làm ngơ của những cơ quan, những cá nhân có trách nhiệm phải giải mật trước Tổ tiên và Quốc dân đồng bào !
    Trả lờiXóa

    Trả lờiXóa
  6. Hội nghị Thành Đô phía Việt nam đến dự với thiện ý mong muốn bình thường hóa quan hệ với TQ ,Tôi nghĩ trong thỏa thuận Thành Đô phía Viêt Nam chúng ta có những nhượng bộ về vấn đề Campuchia. Tôi cho rằng các thông tin đưa ra từ Tứ Xuyên Nhật Báo về việc phía Việt Nam có nguyện vọng trở về với Đại gia đình... là bịa đặt. Tôi biết các cụ Nguyễn Văn Linh , Đỗ Mười . Phạm Văn Đồng... là những người tham gia cách mạng,trải qua tù đầy trong nhà tù Đế Quốc,tham gia hai cuộc kháng chiến của dân tộc , không một thế lực ( cả sức mạnh quân sự và tiền bạc) nào có thể ép họ làm việc bán nước như vậy. Trong tư duy của họ tại Hội đàm Thành Đô là bình thường hóa quan hệ với TQ , tạo cho Việt Nam một mội trường hòa bình,bớt kẻ thù trên con đường phát triển ,hội nhập.

    Trả lờiXóa