Thất bại của một mưu đồ chính trị
Nguyễn Quốc Uy |
Bản đồ mà Chính phủ Hoàng gia Campuchia sử dụng để cùng với Việt Nam thực hiện việc phân định, cắm mốc biên giới giữa hai nước với bản đồ Liên hợp quốc cho Campuchia mượn là đồng nhất.
Đó
kết quả thẩm định do Ủy ban biên giới Campuchia tổ chức sáng 20/8 tại
Phnom Penh, với sự tham dự của các đại diện thuộc 3 chính đảng lớn -
Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền, đảng Cứu nguy dân tộc Campuchia
(CNRP) đối lập và đảng FUNCINPEC, cùng đại diện của Thượng viện, Quốc
hội, Hội đồng Tòa án Tối cao, Hội đồng Hiến pháp và Học viện Hoàng gia
Campuchia, các quan chức LHQ và các nhà báo.
Đưa tin về sự kiện này, một báo điện tử
của Campuchia - tờ Deum Ampil (Cây Me) – cùng ngày khẳng định bản đồ
biên giới Campuchia-Việt Nam của LHQ cho Campuchia mượn và bản đồ của
Chính phủ Campuchia đang sử dụng để đàm phán phân giới, cắm mốc với Việt
Nam “giống hệt nhau”.
Kết quả thẩm định nói trên đã làm tịt
ngòi “cuộc chiến bản đồ” mà đảng đối lập CNRP của ông Sam Rainsy phát
động chống lại Chính phủ của Thủ tướng Hun Sen với cáo buộc vô căn cứ
rằng Chính phủ này sử dụng bản đồ không chuẩn với bản đồ lưu tại Liên
hợp quốc trong việc phân giới với Việt Nam khiến Campuchia “bị mất đất”.
“Cuộc chiến bản đồ” đã làm không khí chính trị ở Campuchia nóng lên trong nhiều tháng qua.
Đảng đối lập, dưới sự đạo diễn của Chủ
tịch đảng này là ông Sam Rainsy, đã tung ra đủ các “chiêu” mà ý đồ chính
trị rõ ràng là nhằm hạ uy tín của Đảng Nhân dân Campuchia cầm quyền, do
Thủ tướng Hun Sen làm Chủ tịch, trong cuộc đua giành sự ủng hộ của cử
tri tại cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội năm 2018.
Đảng của ông Sam Rainsy một mặt trắng
trợn vu cáo Chính phủ Hoàng gia Campuchia sử dụng bản đồ giả trong việc
phân định, cắm mốc biên giới với Việt Nam, gây thiệt hại cho Campuchia,
mặt khác đòi sửa đổi Điều 2 Hiến pháp hiện hành của Vương quốc Campuchia
(quy định “sự toàn vẹn lãnh thổ của Vương quốc Campuchia là không thể
xâm phạm và được thể hiện trên bản đồ tỉ lệ 1/100.000, phát hành trong
khoảng thời gian từ năm 1933 - 1953 và được thế giới công nhận trong
khoảng thời gian từ năm 1963 – 1969”).
Ông Sam Rainsy được báo chí Campuchia
dẫn lời ngày 16/8 tuyên bố rằng việc sửa đổi Điều 2 Hiến pháp Campuchia
là cần thiết vì có nhiều bản đồ thời kỳ Pháp cai trị Campuchia và Đông
Dương trước năm 1933 như bản đồ năm 1914 là có lợi hơn cho Campuchia.
Do vậy, vẫn theo lời ông Sam Rainsy được
báo chí dẫn lại, Campuchia cần sử dụng bản đồ từ thời kỳ Pháp bắt đầu
cai trị Đông Dương đến năm 1933.
Ông này còn đích thân đi Pháp tìm mua một bản đồ điện tử đưa về Campuchia để đối chiếu với bản đồ của Chính phủ.
Vì cho rằng Chính phủ Campuchia sử dụng
bản đồ không chuẩn khiến Campuchia bị thiệt trong quá trình phân giới
với Việt Nam, một số nghị sĩ thuộc Đảng CNRP đối lập đã kích động một số
đông người dân Campuchia gây tình hình phức tạp ở khu vực biên giới
quanh cột mốc số 203 giữa hai tỉnh Long An của Việt Nam và Xvai Riêng
của Campuchia hồi tháng 6 và tháng 7 vừa qua.
Thượng nghị sĩ Hong Sok Huor thuộc CNRP
thậm chí còn trắng trợn xuyên tạc Điều 4 của Hiệp ước Hòa bình, Hữu
nghị và Hợp tác năm 1979 giữa Campuchia và Việt Nam rằng “Hai bên sẽ ký
Hiệp ước để xóa bỏ biên giới giữa hai nước”.
Vì tội làm giả tài liệu công để xuyên
tạc như trên, ông Hong Sok Huor đã bị bắt ngày 15/8/2015, bị tước quyền
miễn tố, và đang đợi ngày ra hầu tòa.
Ý đồ thực sự của Đảng đối lập CNRP trong
việc phát động “cuộc chiến bản đồ” chống lại Chính phủ của Thủ tướng
Hun Sen chính là nhằm “thu lợi chính trị” hướng tới cuộc Tổng tuyển cử
bầu Quốc hội khóa mới sẽ diễn ra năm 2018 tới đây.
Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 22/7
tại Phnom Penh, Tiến sĩ Sok Touch, trưởng nhóm nghiên cứu thuộc Học viện
Hoàng gia Campuchia (nhóm được giao nghiên cứu bản đồ của Chính phủ,
bản đồ do CNRP cung cấp và các bản đồ đưa từ Mỹ, Pháp về) cũng đã chỉ
trích các nghị sĩ CNRP sử dụng vấn đề biên giới để thủ lợi chính trị.
Ông tuyên bố: “Đừng lấy bản đồ như một con tin cho các nhà chính trị”.
Việc so sánh, thẩm định tấm bản đồ mà
Chính phủ Hoàng gia Campuchia sử dụng để cùng với Việt Nam tiến hành
phân định, cắm mốc biên giới giữa hai nước với tấm bản đồ mà Liên hợp
quốc cho Campuchia mượn theo đề nghị của Thủ tướng Hun Sen với kết quả
đồng nhất như đã nói trên đây hay “giống hệt nhau”, như mô tả của tờ
“Cây Me”, cho thấy chân lý đứng về phía Chính phủ Hoàng gia Campuchia.
Kết quả này đã đánh tan mối nghi ngờ mà
phe đối lập tung ra đối với Chính phủ của Thủ tướng Hun Sen trong công
tác phân giới với Việt Nam.
Phe đối lập có thể còn sử dụng nhiều thủ
đoạn trong “trò chơi” chính trị nhằm hạ uy tín của Đảng Nhân dân
Campuchia cầm quyền, nhưng kết cục của “cuộc chiến bản đồ” do họ châm
ngòi thế là đã rõ.
Thêm một lần nữa, đảng đối lập CNRP mất điểm.
-----------------------------------------Theo SOHA NEWS
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét