Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2015

TẠI SAO BÁO CHÍ KHÔNG ĐĂNG CHUYỆN NÀY ?

Anh Phạm Hồng Phong chia sẻ câu chuyện trên chuyến bay từ Bangkok, Thailand về TP.HCM đêm 27.11, vầy!
.....
Bay chuyến cuối cùng trong ngày, từ Don Muang về Tân Sơn Nhất. Gặp một nhóm hơn chục người đi tay không, quần áo nhàu nhĩ. Áo phông trắng thì thành cháo lòng, áo màu thì cáu bẩn, người đi tông, người đi chân đất, ồn ào, nhốn nháo lên máy bay tìm ghế ngồi. Tất cả đều rất trẻ, tuổi từ 20, đến 31.
Khá ngạc nhiên, hỏi ra mới biết anh em ngư dân Sông Đốc - Cà Mau bị cảnh sát biển Thái Lan bắt khi đang câu mực ở Vịnh Thái Lan, tịch thu thuyền, tài sản, án tù 3 tháng. Gia đình vay tiền chạy chọt, ngồi tù được 55 ngày, hôm nay được thả về. Cầm vé trên tay nhưng không biết ghế của mình chỗ nào. Mình cùng mấy cô tiếp viên Air Asia hướng dẫn từng chỗ ngồi vì anh em đều lần đầu bị đi bằng máy bay.
Ảnh của Lê Nguyễn Hương Trà.
Ngồi hỏi chuyện và nghe kể mới biết sự cơ cực từ ngày bị bắt đến khi được tha.
Để được thả, gia đình phải tự tìm cò, qua Thái, liên hệ Đại sứ quán VN ở Bangkok, xuống Songkhla gặp cảnh sát, cai tù...
Rổ giá để được tự do:
- Thuyền viên 12 -20 triệu/người,
- Tài công 80 -120 triệu/người tùy tội nặng nhẹ, tùy hứng của cò và cảnh sát.
Tiền vé máy bay riêng, nghe anh em nói là mỗi người 8 triệu nộp cho đại sứ quán mua và làm thủ tục cho cả nhóm, ngồi xe tù, cảnh sát chở tuột ra sân bay, gọi tên từng thằng phát cho cuống vé. (Giá bình thường mua cận ngày thì tối đa cũng chỉ 150$~ 3 triệu ông cụ). Mình bảo anh em, có thể do tiền cò, lệ phí giấy thông hành ĐSQ cấp và xăng xe tù, xe áp tải của cảnh sát Thái nên mới hết 8 triệu, chứ vé mình mua trước đây 5 ngày có 1.800 Bath - 1,2 triệu.
Được tự do, anh em ai nấy đều phấn khởi, dù về nhà sẽ phải cày cuốc để trả nợ. Thấy rằng mình còn may mắn hơn rất nhiều người. Anh em kể ở bên đó còn hàng trăm ngư dân VN vẫn đang ngồi tù ở Songkhla, nhiều người không có tiền chạy nên ở tù mấy năm chưa được về. Có ông cụ ở tù lâu, bị đánh đến nỗi mất trí nhớ không biết quê mình ở đâu, gia đình cũng không có ai liên lạc, kể như sẽ ở đó cho đến chết.
Cu Hữu, năm nay 24 tuổi, hào hứng kể, khi đi biển và bị bắt lúc vợ đang mang bầu, sắp sinh, lần này được về gặp con.
Ngồi nghe kể trong tù thì muôn vàn cái khổ, cái anh em bức xúc, không hẳn là sự ngược đãi của cai tù, cảnh sát Thái mà lại chính là các "trưởng buồng" người Việt.
Cũng là ngư dân, cũng bị bắt nhốt, cùng cảnh ngộ, nhưng những người này có vẻ như xã hội đen và đầu gấu, đánh anh em không thương tiếc. Thu tiền vệ sinh, thu phí điện thoại của mọi người, ai không có thì bị bắt làm việc, ác nghiệt hơn cai tù Thái. Nhiều thuyền viên già 60 tuổi chúng cũng bạt tai, đánh đập như con. Theo anh em cho biết, một số tên này dù đã được thả, đã có vé về nhưng vẫn ở lại để "làm ăn" vì chúng biết tiếng Thái nên được cảnh sát Thái tin dùng.
Nhìn hoàn cảnh 14 anh em, ai nấy đều thương. Có 2 cụ xuống hỏi han, mỗi người cho mỗi thằng 10$, một chị Việt kiều Anh lên gom tiền VND của mấy chị em xuống cho cả nhóm gần 3 triệu. Mình mua đồ ăn trên máy bay và cho mấy anh em tiền đi đường về quê.
Xuống máy bay, một anh an ninh chờ cửa cầm danh sách, dẫn cả nhóm về phòng an ninh để làm thủ tục. Mấy thằng chào tạm biệt và hẹn anh khi nào xuống Cà Mau, Sông Đốc thì alo tụi em đánh ghe ra đón./.

Chỉ qua 1 ngày đã có :
34.756 người " like" nội dung này.
Nhiều người nêu yêu cầu được gửi tiền giúp đỡ những ngư dân khốn khổ này .
------------------------------------
Nguồn TẠI ĐÂY

3 nhận xét:

  1. Sao mà khổ vậy VN ơi ? ! Tại sao quan chức Bộ NN&PTNT , TP HCM không biết gì ? Không nói gì ? Hay là đang mải lo các bầu cử 2016?

    Trả lờiXóa
  2. Ngày xưa, ngưởi ta thường bảo ĐSQ VN ở nhiều nước chủ yếu "đi buôn" là chính, chẳng quan tâm gì đến công dân VN ở nước đó. Tôi tưởng thời đó đã qua lâu rồi. Thế mà....
    Nếu câu chuyện trên là chính xác thì mấy ông ĐSQ VN ở Thái làm gì?. Tôi không hiểu nổi.
    Bộ NG cần kiểm tra ngay để xử lý, giải quyết. Một Quốc gia độc lập, có chủ quyền, luôn nói là VÌ DÂN mà để thế này, thì KHÔNG CHẤP NHẬN được. Cần thông tin công khai cho nhân dân biêt.

    Trả lờiXóa
  3. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa