(Cám ơn cụ Khoa Phi cung cấp bài này)
Phải nói là câu chuyện ông chủ tịch tỉnh An Giang “kênh kiệu” làm tôi suy nghĩ hoài. Thái độ của ông (và của nhiều quan chức khác ở VN) khác quá xa so với thái độ và ứng xử của giới chính khách phương Tây. Chiều nay đọc được câu chuyện Tổng thống Obama bị chửi trên Twitter tôi lại liên tưởng đến hành xử của ông chủ tịch tỉnh An Giang và các quan chức VN nói chung.
Báo Washington Post hôm tháng 3 có một bài tường thuật về những chỉ trích ông trên mạng xã hội Twitter (1) rất thú vị và … vui.
Xuất hiện trên một chương trình tivi, ông Obama đọc những tin nhắn phê phán ông. Có một người nickname là RWSurferGirl nhắn ông với câu hỏi: “Có cách nào chúng ta chở ông Obama bằng máy bay đến một sân golf ở nửa vòng thế giới, và cứ bỏ mặc ông ta ở đó” (Is there any way we could fly Obama to some golf course halfway around the world and just leave him there?) Ông Obama không hề nóng giận, mà còn hào hứng trả lời rằng: “Đó là một ý tưởng hay”.
Một người khác lấy tên Carol tweet tin nhắn với hàm ý chỉ trích: Dạo này, tóc ông Obama ngày càng bạc đi. Tôi không nghĩ ra lí do tại sao, bởi vì ông ấy có vẻ chẳng quan tâm đến những gì đang xảy ra (“Obama’s hair is looking grayer this days. I can’t imagine why since he doesn’t seem to be one bit worried about all that is going on.”) Không thấy nói ông Obama trả lời cái tin nhắn này.
Dĩ nhiên, ông Obama chẳng ra lệnh hay chỉ thị cho cảnh sát phạt ai. Ngược lại, ông còn rất vui vẻ đọc các tin nhắn chỉ trích, thậm chỉ hàm ý chửi rủa, trên đài truyền hình trước hàng chục triệu khán giả. Chẳng những thế, ông còn tỏ ra vui vẻ và thêm vài câu bình luận hóm hỉnh (2).
Một trong những chuyện ở Úc mà tôi rất thích là chuyện ông cựu thủ tướng John Howard. Ông Howard là người ủng hộ Tổng thống Mĩ George Bush trong cuộc chiến chống khủng bố, nên ông Bush chỉ cần một cú điện thoại là Howard gửi tàu chiến đi yểm trợ Mĩ ngay mà chưa thông qua Quốc hội. Thế là giới báo chí và dân chúng bực mình. Báo Sydney Morning Herald có in một hí hoạ của hoạ sĩ Moir vẽ ông Howard là một con chó xù, còn Bush là cao bồi ngồi trên ngựa, cầm dây kéo con chó xù. Phải nói là bức hí hoạ rất xúc phạm. Sau này, có kí giả hỏi ông Howard nghĩ gì về bức hoạ đó, ông thản nhiên nói đại khái là: Tôi không thích, nhưng việc của anh ấy [chỉ hoạ sĩ] làm thì anh ấy làm, còn tôi tin vào những gì tôi làm là đúng.
Chẳng những hí hoạ như thế, mà giới chống chiến tranh còn cho nặn hình Howard như là con chó, và ông Bush cầm dây kéo con chó theo sau. Hình còn có biểu ngữ “Howard = Bù nhìn của Mĩ”. Cũng như bên Mĩ, ông Howard chẳng làm gì với mấy người phản đối ông ta.
Tôi nhớ lại chuyện của ông Bộ trưởng Ngoại giao Bỉ bị Vietnam Airlines cho ngồi ghế hạng phổ thông. Chuyện xảy ra vào giữa năm 2008, lúc đó ông Võ Văn Kiệt qua đời. Lúc đó, Bộ trưởng Ngoại giao Bỉ là Karel De Gucht và các quan chức khác đang thăm chính thức VN, và ông có một chuyến đi từ Hà Nội vào Sài Gòn, với vé đã mua trước, và dĩ nhiên là hạng thương gia. Nhưng khổ nỗi hôm đó cũng là ngày các uỷ viên trung ương đảng bay vào Sài Gòn dự đám tang ông Kiệt, và họ chiếm hết hàng ghế hạng thương gia. Thế là Vietnam Airlines “tống cổ” vị quốc khách của VN, xuống ngồi ghế hạng phổ thông.
Điều đáng nói là ông Bộ trưởng Bỉ chẳng phản ứng gì. Đến khi về Bỉ thì chẳng hiểu sao báo chí biết được câu chuyện là làm ồn ào. Báo chí trích lời của đoàn doanh nhân Bỉ bay cùng chuyến rằng “Việt Nam đã có nền kinh tế tự do hóa nhanh, nhưng đây vẫn là một chế độ cộng sản.” Vài ý kiến khác thì chỉ ra rằng chuyện này chỉ có thể xảy ra trong các chế độ độc tài, toàn trị (4).
Việt Nam không phải là chế độ độc tài, nhưng là toàn trị. Trong xã hội toàn trị đó, hệ thống tuyên truyền đã rất thành công dựng nên những hình ảnh lãnh đạo như là những thần tượng bất khả xâm phạm. Từ đó, họ trở nên xa lánh dân chúng là điều dễ hiểu. Chỉ cần đi ra sân bay, đứng xếp hàng chờ làm thủ tục bay, chúng ta sẽ dễ dàng thấy những quan chức này, họ thường xách cặp táp có cái tag “VIP”, và thường ngang nhiên vượt qua những người đang đứng xếp hàng để yêu cầu nhân viên làm thủ tục cho họ trước. Họ quen với phong cách “ăn trên ngồi chốc” đó, đến nỗi chiếm chỗ của quốc khách! Họ cũng quá quen được tâng bốc và người khác khúm núm trước mặt. Do đó, khi thấy có ai đó nói không hay về mình là họ rất khó chịu, thậm chí oán hận. Về mặt tâm lí thì phản ứng của họ cũng dễ hiểu. Nhưng thái độ của họ, mà tiêu biểu là ông chủ tịch An Giang, chỉ chứng tỏ rằng họ thiếu tự tin và thiếu bản lĩnh để đối phó với chỉ trích. Họ chưa trưởng thành./.
Trong chuyến đi châu Âu vừa rồi có vai lân vợ chông mình xếp hàng để ên máy bay, thây mình tóc bạc phơ rất nhiều người nhường chỗ cho tụi mình lên trước, văn hóa của họ là vậy , nhưng quan chức cao câp ở nước họ cung hành xử như nhưng công dân bình thường, họ không hề ngại bất cứ ai chỉ trích chê bai họ họ chỉ tự xem lại mình , còn quan chức của ta thì khác xa, , chuyện ông Chu tich An Giang chắc không phải là hiếm, xét cho cùng như họ nói rất chí lý bởi vì ta là chế đô " CS" và độc đảng, cứ cho là ta cân duy trì thể chế ấy thì it nhất cúng phai nhìn nhân những khiếm khuyêt của mình chứ , và quan trọng là phải biết nhận lỗi và sửa sai , ta đã làm được thế chưa ? để thực tế trả lời.
Trả lờiXóa