Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2016

Thấy gì trong chuyến thăm Việt Nam sắp tới của TT Philippines?

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đến tham gia các cuộc gặp song phương với các nhà lãnh đạo ASEAN bên lề Hội nghị ASEAN ở Vientiane, Lào, 6/9/2016.


Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte sẽ đến Việt Nam vào tuần tới để bàn chuyện Biển Đông, Bộ trưởng Truyền thông Philippines Martin Andanar hôm thứ Năm (22/9) khẳng định với báo chí quốc tế. Trong khi đó, một nhà nghiên cứu Biển Đông cho rằng ông Duterte đến Việt Nam nhằm “trấn an” và tranh thủ sự ủng hộ của Việt Nam để không bị cô lập hóa vì những phát ngôn gây nghi ngờ về lập trường của Philippines trong vấn đề tranh chấp Biển Đông.

Trước đó tại Hội nghị Thượng định ASEAN ở Lào, Tổng thống Philippines nói ông không có ý định đưa vấn đề tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc ra trong các cuộc thảo luận cùng với các nước ASEAN khác. Ngoài ra, những phản ứng có phần dè chừng của Washington đối với Philippines sau phát ngôn “gây sốc” của ông Duterte dành cho Tổng thống Barack Obama trong kỳ họp trên đã khiến cho không chỉ các nước trong khu vực, mà cả các đối tác và đồng minh phương Tây e ngại.

Một chuyên gia nghiên cứu Biển Đông, Giáo sư Ngô Vĩnh Long của Trường đại học Maine, Hoa Kỳ, nhận định mục tiêu đầu tiên của chuyến đi Việt Nam của ông Duterte là nhằm trấn an Việt Nam. Ông nói:

“Tôi nghĩ Tổng thống Philippines đến Việt Nam là để trấn an Việt Nam và cũng để so sánh thông tin với Việt Nam. Bởi vì gần đây, ông ấy có những tuyên bố có vẻ hơi hàm hồ rằng ông sẽ thương lượng với Trung Quốc. Mặc dù ông nói rõ rằng ông sẽ thương lượng với Trung Quốc về cái phán quyết của Tòa án thường trực nhưng thái độ của ông đối với Mỹ đã làm cho nhiều nước trong khu vực bất an”.

Gần đây, đặc sứ của ông Duterte về Trung Quốc, cựu Tổng thống Fidel Ramos đã bay sang Hồng Kông để gặp cựu Thứ trưởng Ngoại giao của Trung Quốc Phó Oánh. Hai bên đã thỏa thuận với nhau về việc giảm thiểu căng thẳng thông qua đàm phán. Tuy nhiên, cuộc thảo luận của hai giới chức đã không đề cập đến phán quyết của Tòa trọng tài ở La Haye, trong đó khẳng định đường lưỡi bò 9 đoạn mà Trung Quốc đưa ra để xác định chủ quyền là hoàn toàn phi pháp.

Tổng thống tiền nhiệm của ông Duterte, ông Benigno Aquino, trước đây đã kiên quyết không chấp nhận đàm phán song phương với Trung Quốc về Biển Đông. Ông Aquino chính là người đã khởi kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài quốc tế.

Trong khi đó, chính quyền của ông Duterte được cho là đang theo đuổi một chính sách đối ngoại độc lập bằng cách từ chối mọi nỗ lực can thiệp của các chính phủ nước ngoài, khiến cho đồng minh lâu năm Mỹ và các nước phương Tây nghi ngờ về lập trường của nước này.

Lâu nay, Việt Nam và Philippines là hai nước có tiếng nói mạnh mẽ nhất trong vấn đề Biển Đông. Do đó, việc tìm kiếm sự ủng hộ từ phía Việt Nam trong chuyến đi sắp tới của ông Duterte cũng sẽ giúp cho Philippines tránh được thế “bị cô lập”, theo GS. Ngô Vĩnh Long:

“Việt Nam là nước có bờ biển dài nhất trong khu vực và là nước có quyền lợi nhiều nhất trong khu vực. Cho nên nếu không có Việt Nam ủng hộ Phi Luật Tân trong lúc này thì có lẽ Phi Luật Tân sẽ bị các nước khác cô độc hóa qua những phản ứng và tuyên bố không rõ ràng. Bây giờ Phi Luật Tân và Việt Nam phải làm sao cho mọi người thấy là hai nước cùng nhau bảo vệ quyền lợi không những của nhau mà còn của tất cả các nước khác trên thế giới và trong khu vực”.

Theo lịch trình, Tổng thống Philippines sẽ đến Việt Nam vào ngày 28 và 29/9. Ngoài ra, ông Duterte dự kiến cũng sẽ đến Trung Quốc và Nhật Bản sau đó.


Trong cùng ngày 22/9, Tổng thống Duterte nói nếu đến Trung Quốc, ông sẽ đòi Bắc Kinh trao trả quyền đánh cá cho ngư dân của nước này trong khu vực có tranh chấp chủ quyền giữa hai nước. Đồng thời, ông khẳng định “không hề có kế hoạch làm ngơ phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế của Liên Hiệp Quốc”. Ông Duterte nói ông tin là Trung Quốc sẽ thảo luận với ông “bằng thiện chí”.
-----------------------------
Theo BBC Việt ngữ 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét