Chủ Nhật, 24 tháng 2, 2013

NGUYÊN TIÊU- ĐÊM THƠ VIỆT NAM

Đêm nay đêm Nguyên Tiêu, đêm Thơ Việt Nam. Có người mỉa mai về cái sự lạm phát thơ Việt Nam hiện nay, hay còn gọi là " hiện tượng Việt Nam bội thực thơ". Nói vậy cũng là quá đáng. Như Làng ta, mấy năm trở lại đây hầu như "mỗi công dân đều là 1 nhà thơ", ừ "lều thơ" hay nhà thơ cấp Cu Lờ đi nữa thì với ta, vẫn cứ là thơ. Bởi ta làm thơ để giải tỏa và sẻ chia với những bạn bè tâm huyết. Người làm thơ đã được đồng cảm, thế là đủ. Còn xã hội thiếu gì kẻ "mần thơ" để mưu cầu danh hão như cái tay nhà thơ nhập đồng Hoàng Quang Thuận 1 đêm sáng tác trên trăm bài ...thơ thiền !!! ! Chấp làm gì !
Thơ là phải bật ra từ cảm xúc của cõi lòng sâu thẳm. Lịch sử của VN là lịch sử của chiến tranh chng xâm lược, thơ chỉ nói đến yêu thương là chưa đ, thơ phải viết và biết "căm hận" . Chỉ thiếu 1 vế cũng chưa chắc đã chạm đến con tim người đọc. Xuân Diệu viết :" Yêu với căm hai đợt sóng ào ào/ Vỗ bên lòng dội mãi tới trăng sao " . Vì thế xin mở đầu trang thơ này bằng bài thơ của 1 nhà thơ đã thành danh : Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến. Anh có nhiều tác phẩm thơ viết về biển đảo như Tổ qyốc ở Trương Sa ( Đã được phổ nhạc), "Tổ quốc nhìn từ biển". Hôm nay, trên Thanh Niên Chủ Nhật anh có bài  thơ về ngày 17/2. Thế lục bát,  vần điệu chỉn chu. "Cảm" nhất là cái điệu tâm hồn rất gần gũi với chúng ta , những kẻ ngoại đạo làm thơ nương theo cái hồn cốt dân tộc ...



 Tổ quốc nơi biên thùy
                                   (Nguyễn Việt Chiến)                       
(Tưởng nhớ những chiến sĩ hy sinh ở biên giới năm 1979)


Mùa này biên giới hoa sim
Tím quanh mộ chí im lìm các anh
Bao người lính trận vô danh
Hiến dâng đất nước tuổi xanh của mình
Lặng thinh không thể lặng thinh
Trước bao xương máu hy sinh giống nòi
Quên ư! Không lẽ quên rồi?
Đường lên biên giới một trời hoa sim
Màu hoa chẳng chịu lặng im
Lẫn vào sỏi đá thắp nghìn nén hương
Mùa này biên giới đầy sương
Có ai trở lại chiến trường về thăm
Vị Xuyên, Phong Thổ, Đồng Đăng
Các anh ngã xuống trẻ măng thủa nào
Các anh nằm dọc chiến hào
Từng cây số máu trên cao nguyên này
Trong tầm lựu đạn ném tay
Trong khe ngắm của những cây súng thù
Hòa An mây núi âm u
Đường lên Bản Giốc mịt mù còn nghe
Các con dưới cỏ xanh rì
Chỉ thương tóc mẹ bạc về trắng đêm
Các con như cỏ hồn nhiên
Xanh thăm thẳm mọc dọc miền bao la
Ta là con của phù sa
Cha là đất nước. Mẹ là quê hương
Còn nghe máu thấm biên cương
Mây buồn Lũng Cú. Đêm trường Nam Quan
Ta là con của Việt Nam
Theo cha xuống biển tự ngàn năm xưa
Lên rừng thờ mẹ Âu Cơ
Đem xương máu dựng cõi bờ hôm nay

 (  17.2.2013 )                                             

8 nhận xét:

  1. cám ơn CALA đã đưa 1 bài thơ nói hộ tình cảm của các cụ CU LỜ đối với các chiến sĩ đã hi sinh trên biên giới chống tàu vào ngày 17/2/1979
    mình thích câu:CÁC CON NHƯ CỎ HỒN NHIÊN
    XANH THĂM THẲM MỌC DỌC MIỀN BAO LA

    Trả lờiXóa
  2. Bài thơ rất hay và toát tựa đáy lòng nhà thơ, người chiến sĩ. Đọc rồi không thể quên bao hình ảnh của quá khứ vẫn còn in sâu trong hiện tại:
    ...Các anh ngã xuống trẻ măng thủa nào
    Các anh nằm dọc chiến hào
    Từng cây số máu trên cao nguyên này...

    Trả lờiXóa
  3. Bài thơ thật cảm động, viết từ đáy lòng nhà thơ, lại đúng vào ngày 17-2. Có lẽ có ít nhà thơ viết về nỗi đau này. Cám ơn Thanh niên CN và anh Cala đã giới thiệu bài thơ này!

    Các con dưới cỏ xanh rì
    Chỉ thương tóc mẹ bạc về trắng đêm
    Các con như cỏ hồn nhiên
    Xanh thăm thẳm mọc dọc miền bao la

    Trả lờiXóa
  4. Vâng, cả 3 cụ đều "lẩy" ra được những câu thơ hay nhất trong bài thơ hay của Nguyễn Việt Chiến . Riêng tôi khi đọc bài thơ này tôi nghĩ đến thơ Tố Hữu. Hình như có phảng phất chất Tố Hữu thì phải . ( Nói thêm, bây giờ người ta thường mang 1 số bài thơ, câu thơ của Tố Hữu ra để nhạo báng nền thi ca CM và Kháng chiến chống Pháp chống Mỹ . Thực ra thơ Tố Hữu không phải không có bài thơ ,câu thơ dở/ dở hơi . Nhưng cũng không thể phủ nhận ông là tượng đài của thi ca CM Viêt Nam TK 20 !

    Trả lờiXóa
  5. Tôi thích câu : HOA SIM
    Màu hoa chẳng chịu lặng im
    Lẫn vào sỏi đá thắp nghìn nén hương...

    Cha là ĐẤT NƯỚC,
    Mẹ là QUÊ HƯƠNG
    Chứ không phải (Đảng là mẹ, Bác là cha..)

    Trả lờiXóa
  6. Thơ càng hay chính là lúc các nhà thơ có tâm trạng như vui, buồn, thương nhớ..., còn thơ của làng Cù Lờ chỉ là lều, vừa nghe cụ Calathau nói đang là thời điểm bội thực thơ, tôi thấy chột dạ vì thơ mình dở quá mà thỉnh thoảng cũng thơ thẩn cho vui. Thực ra trong làng ta có nhiều cụ làm thơ đủ hay để được phong là NHÀ rồi.

    Trả lờiXóa
  7. Chết, chết ! Cụ hiểu sai ý tôi rồi ! Dân làng ta không " bội thực thơ" mà vẫn còn ...đói thơ, nghiện thơ đó ạ ! Xin phân biệt những kẻ bám vào thơ để kiếm chác và những người làm thơ chỉ vì bức xúc phải ...làm thơ như chúng ta !

    Trả lờiXóa
  8. Còn ai đó vẫn lặng im
    Trước mộ anh giưa đồi sim bạt ngàn
    Nhưng Tổ quốc ghi công anh
    'Cac anh như cỏ hồn nhiên" ngày nao
    Máu anh đổ bên chiến hào
    Tô thêm thắm ngọn cờ đào vinh quang
    Giữ cho đất mẹ Việt nam
    Muôn đời tươi thắm ngàn năm trường tồn.


    Trả lờiXóa