Bài Ca dao lần đầu tiên được đăng trên TC VNQĐ
Ngày xửa ngày xưa ...
Nghĩa là đã cách đây gần nửa thế kỷ, bọn Học viên hạ sĩ quan Trường 45 của HQNDVN đeo quân hàm thấp hơn binh nhì , chỉ có mỗi cái mỏ neo bạc nhưng rất lãng tử và rất có giá trong con mắt của các cô gái đất Cảng Hoa phượng đỏ. Ngày xưa ấy Hải quân VN xây dựng lực lượng, ngay từ đầu đã học theo mô hình Hải quân Liên Xô . Trường 45 đào tạo hạ sĩ quan, là trường hấn luyện đầu tiên của Quân chủng ( lúc đó chỉ mới là Cục Phòng thủ bờ biển). Trong ban giám hiệu có Trung úy Đặng Xuân Kỳ, con trai cố TBT Trường Chinh. Trường chỉ tuyển học sinh cấp III, các ngành kỹ thuật như Ra đa, Báo vụ, Cơ điện, Hàng hải , chủ yếu là thanh niên thành thị có sức khỏe và nói chung là hình thể "ngon lành". Ngoài học chuyên môn và kỹ năng quân sự, nhà trường rất chú ý phát huy năng khiếu thể thao, văn nghệ của học viên. Đoàn Văn nghệ của Trường hồi ấy nổi tiếng ở đất cảng. Nhiều lần chúng tôi mang nhạc cụ ra Vườn hoa Nhà kèn ( Gần vườn hoa chéo)chơi, vào các sáng chủ nhật, thu hút rất đông khán giả tới thưởng thức. Có vài dịp chúng tôi được giao lưu văn nghệ với Thủy thủ các tầu Hải quân nước ngoài tới thăm. Ấn tượng nhất là chiến hạm huấn luyện của Hải quân Nam Dương ( Indonexia). Chả là lúc ấy quan hệ giữa VN và Nam Dương đang nồng thắm, Vợ chồng đương kim tổng thống là Xu-Các-Nô đã nhận Bác Hồ của chúng ta là "Người anh cả". Chúng tôi phối hợp với Sĩ quan, học viên của họ tổ chức buổi giao lưu văn nghệ . Phía họ trình bày nhiều bài hát, bản nhạc rất hay trong khi quân ta thì bài tủ chỉ là " Dạt dào biển mênh mông/ Sóng vỗ nhịp thân tầu ...!"( Sau này trở thành bài ca chính thức của HQ ta ). Tôi không nhớ hết nhưng nhớ tôi cũng được đề nghị tham gia một tiết mục đơn ca. Tôi đã hát bài " Trái tim đựng trong ba lô" ( Ba Lan), bài tôi vẫn hay hát khi ở QL-KHX. Thật điếc không sợ súng ! Rồi cả bọn hòa tấu bài Hoa chăm pa của Lào cho mọi người cùng múa hát tập thể. ( Tôi chơi Violon ). Lính thủy Nam Dương cũng cùng chúng tôi chơi bài " Bài ca đảo dừa" ( Ca ngợi tổ quốc Nam Dương). 3 bài nước ngoài này thời ấy khá quen thuộc với dân Hà Nội ( sau ngày tiếp quản thủ đô ), nay xem lại mới biết đều có trong tập " Lời ca hữu nghị" do KHX NN in trên giấy pơ luya tháng 3/1958 và mới đây Ban LL phía Nam đã in lại bằng vi tính. .