Thứ Tư, 4 tháng 12, 2013

CHỦ TỊCH NƯỚC LẠI NÓI RẤT HAY !

“Phải tôn trọng ý kiến khác nhau”


Thường trước đây khi biểu quyết thống nhất một vấn đề gì đó mà không được 100% thì hay có cảm giác khó chịu. Nhưng tình hình bây giờ đã khác.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đang trao đổi với cử tri quận 1 sáng 2-12. Ảnh: MC 
Ông Trương Tấn Sang đang trao đổi với cử tri quận 1 sáng 2-12. 
 
Ngày 2-12, tổ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị một (Đoàn ĐBQH TP.HCM) gồm Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, TS Trần Du Lịch và ông Hoàng Hữu Phước đã tiếp xúc cử tri quận 1 và quận 3 (TP.HCM) ngay sau kỳ họp thứ 6 QH khóa XIII kết thúc.
Tập thói quen chấp nhận ý kiến khác
Trả lời trước ý kiến băn khoăn của cử tri quận 1 về việc còn có ĐBQH không “bấm nút” thông qua Hiến pháp (HP) sửa đổi vừa rồi, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói: “Chúng ta cần tập thói quen về việc có những ý kiến khác nhau. Thường trước đây, khi biểu quyết thống nhất một vấn đề gì đó mà không được 100% thì hay có cảm giác khó chịu nhưng tình hình bây giờ đã khác khi dân chủ trong Đảng, trong xã hội đã được mở rộng và phát triển nhiều”. Trên tinh thần đó, theo Chủ tịch nước, trước một vấn đề mỗi người có cách tiếp cận, cân nhắc và thận trọng về quyết định của mình. “Và cần phải tôn trọng các ý kiến còn khác nhau đó. Như thế thì xã hội mới phát triển được” - Chủ tịch nước nói.

Theo Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, điều cần nhất là làm sao HP cũng như những dự luật đưa ra phải lắng nghe một cách thấu đáo, tường tận ý kiến của các tầng lớp, thành phần dân cư trong xã hội. Và quyết định cuối cùng phản ánh được tuyệt đại bộ phận ý kiến của nhân dân. Có như thế mới đảm bảo luật pháp đi vào cuộc sống một cách tốt nhất và có tính bền vững cao. “Chứ không nên có tình trạng trong hội trường thì bày tỏ sự thống nhất cao, còn ra khỏi cổng thì đã rạn nứt và có ý kiến khác. Cần phải tỏ rõ chính kiến của mình, tôn trọng những ý kiến còn khác nhau, thẳng thắn tranh luận, làm rõ vấn đề dưới nhiều khía cạnh trước khi đi đến quyết định” - Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Chống tham nhũng: Đừng “quyết” xong thì lại “liệt”
Vấn đề hiệu quả phòng, chống tham nhũng (PCTN) tiếp tục được nhiều cử tri quận 1 và quận 3 phản ánh. Cử tri hoan nghênh việc đưa các “đại án” tham nhũng ra xét xử và đã kết án một cách rất nghiêm minh, mang tính răn đe mạnh mẽ. Tuy nhiên, hầu hết ý kiến cử tri đều cho rằng hiệu quả PCTN vẫn chưa cao. “Người dân đang đặt rất nhiều kỳ vọng trong việc chống tham nhũng. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước cần phải có những hành động đột phá, táo bạo trong cách làm để mang lại hiệu quả một cách thực sự. Chứ không phải “đột” thì ít mà “phá” thì nhiều; hay kiểu như nói “quyết liệt” làm nhưng “quyết” xong rồi thì lại “liệt”, không làm được” - cử tri Trần Quang Tuấn (quận 1) bức xúc nói. Cử tri Hồ Bá Chính (quận 3) thì cho rằng câu hỏi “Có tham nhũng trong cơ quan PCTN hay không?” nên để người dân hỏi, còn lãnh đạo thì phải biết và hành động để xử lý điều đó.
Chia sẻ với ý kiến cử tri, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói: Từ bức xúc của bà con cho thấy bên cạnh những cái làm được trong PCTN thì cái chưa làm được còn rất lớn. Và chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật. Theo Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, cần phải tiếp tục thực hiện thật tốt Nghị quyết Trung ương 4; thẳng thắn đấu tranh; tăng cường công khai minh bạch để công tác PCTN mang lại hiệu quả cao hơn. “Về mặt giải pháp, đã có những điều chỉnh để tập trung vào khâu phát hiện tham nhũng… Đồng thời khâu xử lý cũng sẽ mạnh mẽ hơn, nghiêm minh hơn. Không thể để tình trạng thế này mãi được” - Chủ tịch nước nói.
Quyết liệt với nhóm lợi ích
Trước thắc thắc của cử tri Lâm Ngọc Mạnh (quận 3) đề nghị Chủ tịch nước trả lời cho rõ nhóm lợi ích cụ thể như thế nào, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói: Đó là nhóm người mà lợi ích của họ mâu thuẫn với lợi ích của dân tộc, đất nước. Nghị quyết của Đảng đề cập đến nhóm lợi ích với tinh thần phê phán nhóm người này và đã đề ra hướng xử lý vấn đề trên. “Lãnh đạo Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm, nghiêm chỉnh chỉ đạo hướng xử lý. Và nếu không chuyển biến được thì phải chịu trách nhiệm thôi” - Chủ tịch nước nói.
Sẽ trao đổi với bộ trưởng Nội vụ
Trao đổi với cử tri Hồ Bá Chính (quận 3) về câu hỏi “Tại sao có sự chênh lệch về con số cán bộ không làm được việc, vì bộ trưởng Bộ Nội vụ nói chỉ có 1%, còn nhiều đại biểu khác và dư luận lại cho rằng con số đó là 30%?”, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói: Con số cụ thể thế nào thì phải điều tra để có cơ sở làm rõ nhưng không thể là 1% được. Vì nếu 1% thì đã không nêu trong Nghị quyết Trung ương 4 là “có một bộ phận không nhỏ…” được. “Đã nằm trong “một bộ phận không nhỏ…” này thì làm sao là cán bộ tốt, là công bộc của dân. Có dịp tôi sẽ trao đổi lại với bộ trưởng Bộ Nội vụ về cơ sở để tính ra tỉ lệ này như thế nào”  - Chủ tịch nước cho hay.
---------------------------------------------------
Tin tức nguồn: http://www.xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=765478#ixzz2mVOy70LO
doc tin tuc www.xaluan.com

6 nhận xét:

  1. Ông Tư Sang thỉnh thoảng đi về cơ sở phát biểu với dân nghe nhiều câu " rất được". Được hơn là những bài phát biểu chung chung ở hội nghị, nghị trường ! Tuy nhiên "nói hay" chưa hẳn đã "làm hay" . Thí dụ về chống tham nhũng ( như thông tin trên) ông nói rất hay : " Chúng ta cần phải nhìn thẳng vào sự thật .... Cần phải tiếp tục thực hiện thật tốt Nghị quyết Trung ương 4; thẳng thắn đấu tranh; tăng cường công khai minh bạch .....Đồng thời khâu xử lý cũng sẽ mạnh mẽ hơn, nghiêm minh hơn. Không thể để tình trạng thế này mãi được” . Tôi thấy ông nói rất nhiều đến " Công khai, minh bạch, nghiêm minh , mạnh mẽ". Nhưng chính ông chẳng bắt được con sâu nào trong bày sâu, trong một bộ phận không nhỏ CB ĐV thoái hióa biến chất . Một con "sâu chúa" to đùng mà cũng phải gọi tên phiếm chỉ ( đ/c X) thì có phải là Công khai, minh bạch không ? Khi dân hỏi rất cụ thể : Nhóm lợi ích là thế nào? Là ai ? Thì ông CT nước đánh trống lảng, trả lời rất chung chung :"Đó là nhóm người mà lợi ích của họ mâu thuẫn với lợi ích của dân tộc, đất nước" !
    Nói như thế này thì chả có "thằng Tham nhũng " nào nó sợ ông cả !

    Trả lờiXóa
  2. Nói hay thì tôi cũng nói được, còn làm hay mới là đáng chứ. Mà sao chỉ nói với dân ở ngoài mà ct TTS không làm gì, không có gì đáng kể trong các cuộc họp QH nhỉ, hay người ta không đưa tin nên ta mù tịt ! Rằng hay thì thật là hay, xem ra còn những đắng cay, não lòng ! Chào !

    Trả lờiXóa
  3. Bạn Calathau ơi, tiêu đề của bài viết này thừa chữ LẠI phải không?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn NT. Quả là có hơi " Ngô nghê" nhưng đấy là ý của tác giả. "Lại" có nghĩa là lặp lại = nhiều lần .Một lần nữa cảm ơn nhà ngôn ngữ học đã quan tâm. Bạn khỏe, vui chứ ?

      Xóa
  4. CTN TTS có giọng nói ấm ( em đã được nghe trực tiếp) và cách nói khá thuyết phục...hơn là một số vị khác. Nhưng không biết trong thực tế làm có hơn người khác không...Chỉ thấy nhiều vđ cứ chỉ trên giấy mà trong thực tế thì...dậm chân tại chỗ...

    Trả lờiXóa
  5. Nghe nói hay thì quá nhiều rồi, chỉ mong thấy được một việc làm cụ thể. Ví dụ tìm ra và xử lý một vụ Tham nhũng của nhóm lợi ích chẳng hạn. Tôi thấy nhóm lợi ích ngân hàng chỉ phát ra một khẩu lệnh hạ Lãi xuất tiền gửi một tý thôi là bao nhiêu tiền trong túi người dân chui vào túi họ.

    Trả lờiXóa