Thứ Bảy, 21 tháng 12, 2013

CHUYỆN CŨ BÊN SÔNG CẦU


 Bến đò Chã bên bờ đê sông Cầu địa phận H.Phổ Yên, Thái Nguyên
Bụi tre xanh phía trước, vào năm 1948-1953 gia đình tôi có một căn nhà ở đó để tránh máy bay Pháp.

 ( Đăng lại phần 5 thiên hồi ký "Lượm lặt chuyện 

quê" -12/2008)

Cách đây đúng 5 năm - vào ngày 19/12  trên Blog này tôi đã viết phần thứ 5 trong loạt bài chủ đề " Lượn lặt chuyện quê" . Đấy là một phần trong chuỗi hồi ký của tôi viết về những ngày thơ ấu, xa cha mẹ sống cuộc sống ăn nhờ ở đậu cho đến trước ngày được gọi tập trung lên Bản Vệ ( Đại Từ , Thái Nguyên) để cùng các bạn sang Lư Sơn ( Trung Quốc) học tập. Người ta khi tuổi càng cao thì ký ức trở về tuổi thơ càng đậm. Tôi viết một mạch như con tằm rút ruột nhả tơ, hầu như không để ý đến bố cục, câu cú. Tuy nhiên những trang hồi ký này đã được các bạn cùng trang lứa đón đọc một cách thích thú. Hình như nó đã chạm đúng vào '" miền nhậy cảm nhất của ký ức" chúng ta..
Tháng 12 hàng năm có 2 ngày đáng nhớ, ngày 19/12 Toàn quốc Kháng chiến và Lễ mừng Chúa giáng sinh ( Tết Noel như ta thường gọi). Noel là Lễ hội nhưng 19/12 là ngày Tưởng niệm , bởi bắt đầu từ ngày này số phận từng con người cho đến cả dân tộc đã bước vào chặng đường chuân chuyên, chìm nổi . Cả dân tộc thay đổi và từng con người cũng đổi thay nếp sống nếp nghĩ . Cuộc kháng chiến 9 năm với tôi dù nhiều cay đắng ngậm ngùi đấy, nhưng cũng rất nhiều thi vị . Ở đó tình người, tình đất nước quê hương vẫn ngọt ngào và đầy thi vị ....Xin đưa lại lên đây phần 5 trong " Lượm lặt chuyện quê" để các cụ có dịp cùng tác giả hổi tưởng ....
Bức ảnh chụp 1951 khi gia đình từ Vạn An, Yên Phong, Bắc Ninh tản cư lên phố Chã ( H. Phổ Yên, Thái Nguyên). Sau 4 năm bỏ lại toàn bộ gia cơ điền sản, thực hiện tiêu thổ khánh chiến, gia đình cụ Hội Son đã định cư ở đây cho đến lúc cả 2 cụ qua đời sau ngày Hòa bình lập lại 1955.. Tất cả các con các cháu đều tham gia CM, bản thân 2 cụ từ một gia đình giầu có ở tỉnh Bắc Ninh (cũ) đã trở thành người lao động thực thụ. Mọi người trong gia đình đều là những người đã cưu mang tôi, coi tôi như máu mủ ruột thịt từ ngày toàn quốc kháng chiến 19/12 cho đến đầu năm 1953 khi tôi lên tập trung ở Cục TC, TCCT để chuẩn bị sang Trung Quốc.
Trong ảnh tôi là đứa trẻ thò đầu qua vai cụ Hội Son . Chính đây là thời điểm tôi kể lại trong hồi ký này .

Ngày ấy đã lâu rồi ...
( Lươm lặt chuyện quê - Phần V) 
Đăng trên Blog 12/19/2008 09:09 pm
( Có kèm theo toàn bộ Comments của các bạn)


 Phố Chã mùa đông năm 2008
2 anh em đi mua quả núc nác - đặc sản của Thái Nguyên

 Bấm máy chụp chú em trên đê sông Cầu, bên kia là h.Hiệp Hòa , Bắc Giang
Toàn quốc kháng chiến tôi mới chỉ là thằng nhóc 5 tuổi. Trước đó ít lâu, 1 người em ruột của cha tôi hoạt động trong ngành Công An đã dùng kế đánh lừa mẹ tôi để “bắt cóc" tôi đưa về vùng Bắc Ninh gửi trong 1 gia đình khá giả mà cô ruột tôi là con dâu thứ . Ký ức của thằng bé chẳng ghi lại được gì ngoài những ngày khắc khoải đợi cô trên bến đò Vạn  và cuộc sống thương hồ xuôi ngược trên sông Cầu.... Không biết có phải tôi “mạng Thuỷ “ hay không nhưng khi cô chú đưa tôi đi tản cư thì cuối cùng cũng lại chọn nơi dừng  chân là cái làng Gia Cát gần bến đò Cầu Sau thuộc huyện Hiệp Hoà tỉnh  Bắc Giang ! Tôi học trường làng với ông thầy đồ biết chữ quốc ngữ. Bài tập đánh vần đầu tiên là bài “Quả na Nam Bộ”( Như đã kể). Học trò hầu hết con nhà nghèo mà rất lạ - toàn nói ngọng lờ/nờ ! Học với chúng ít lâu tôi đâm nhiễm, rồi cũng thành nói ngọng lúc nào không biết ! Rất may, chú tôi ( người đàn ông mặc comple đứng hàng sau bìa trái tấm ảnh trên) là người có học nên quyết uốn nắm thằng cháu. Ông tự soạn 1 số bài có pha trộn nhiều chữ lờ/nờ bắt tôi đánh vần rồi học thuộc lòng. Đọc sai 1 chữ là cứ tự động ngửa bàn tay ra cho chú phát 1 cái thước kẻ rõ đau. Tôi không sợ học ở trường mà chỉ khiếp học ở nhà với chú . Đại khái tôi phải “nuốt” trôi mỗi ngày 1 bài kiểu thế này : “ Làng này lắm lợn nái. Cái Lý khoái chơi nu na nu nống . Thằng Nam nằm võng lâu lâu lại nói líu lo líu lường …”. Không nhớ tôi phải ăn mấy trăm, mấy chục cái thước kẻ mới khỏi được cái bệnh nói ngọng !

Người ta bảo ăn nước sông Cầu thì nói ngọng, nhưng nghe các liền anh liền chị hát Quan họ, có thấy ai hát “ Cái ní nà ní tình tang” bao giờ đâu !

Tôi thích dùng chữ “tản cư” hơn chữ”sơ tán” như thời chống Mỹ sau này. Hồi ấy dân tản cư đồng nghĩa với dân khá giả, dân "tạch tạch sè" (TTS = Tiểu tư sản). Người vùng tề tản cư ra vùng tự do để lại vườn không nhà trống, nhưng ít ra cũng có vàng bạc mang theo. Dân tản cư thường chọn nơi thuận tiên giao thông để làm ăn buôn bán. Chợ Chã trên bến dưới thuyền, cách cầu Đa Phúc- ranh giới giữa ta và địch không xa nên nhanh chóng phát triển thành “Phố”. Khái niệm phố thời đó khác xa bây giờ. Đường quốc lộ số 3 HN-Thái Nguyên vốn trải nhựa, sau ngày toàn quốc kháng chiến  bị ta chủ động phá hoại, băm nát đề phòng địch tấn công ra vùng tự do. Dọc đường xuất hiện nhiều "phố" :  Phố Ba Hàng, Phố Cò, phố Nỉ, phố Thanh Xuyên, phố Hợp Thành, Phố Đu, Phố Đuổm... toàn là những chợ “nâng cấp” mà thành …Vài chục nếp nhà tranh, hàng xén (tạp hoá), quán nước vối kẹo bột kẹo vừng, quán bánh đúc cua ...và sang nhất là hàng phở, hàng cắt tóc và quán café  . “Ở chợ Dầu có hàng Cà phê/ Có một cô nàng bé bé xinh xinh ..." ( Nhạc Phạm Duy ) chính là điểm nhấn của 1 cái chợ nâng cấp lên thành cái Phố tản cư . 

Phố Chã của tôi chỉ dài chừng 500 mét , nguyên là cái dốc thoai thoải, một đầu gối lên đê sông Cầu , 1 đầu là cái cống xi măng có tên cống Khanh. Qua cống Khanh đã là bãi tha ma . Ban đêm nhà nhà 2 bên phố thắp đèn dầu lạc, dầu hoả . Rất nhiều loại đèn đã được “phát minh” trong thời  gian này, thí dụ người ta cưa cụt cái đít chai làm chao đèn gọi luôn là đèn chai. Đèn hoa kỳ là hàng xa xỉ phải buôn từ trong tề ra , nhỏ gọn nhưng không chịu được gió, vậy là người ta chế ra cái đèn hình vuông như cái hộp , gió bão cũng không bị tắt , gọi là đèn bão .Nhưng oách nhất là đèn măngxông ! Hình như cả phố chỉ có 3-4 cửa hàng có loại đèn tân kỳ này, 1 trong số đó là hàng café Ngần giữa phố ! Tôi không biết café Ngần nổi tiếng vì ngon hay vì cô chủ quán dân tản cư đẹp, hoặc là vì cả 2 , nhưng nếu không có café Ngần thì phố Chã chắc chắn sẽ buồn hơn nhiều ! 
Thời ấy máy bay Pháp chỉ hoạt động vào ban ngày. Máy bay bà già vè vè đi do thám trước, sau đó cổ ngỗng bê -vanh-xít đến thả bom. Cứ 1 đợt  2 chiếc thay nhau, cái này thả bọm xong thì lươn ra vòng ngoài cho chiếc kia vào thả tiếp. Chúng lượn trên trời, nghiêng ngó như diều hâu rình bắt gà con dưới đất. Nó bay thấp , thấp đến nỗi có thể nhìn thấy thằng lái mũi lõ ngồi trong buồng lái. Vậy mà chẳng ai dám bắn lên . Hồi ấy ghét nhất là Việt gian. Người ta đồn bọn này thường dùng mảnh gương chiếu lên trời chỉ điểm cho tầu bay Pháp . Lại có bọn phất vải mầu làm ám hiệu. Không ai được mặc áo trắng. Còn mặc áo 3 mầu ( tam tài - cờ Pháp) xanh trắng đỏ thì đích thị là gián điệp cho Tây, phải bắt ngay nhốt vào đồn ! Nhịp sống ở phố vì thế lùi về đêm. 
Nhà tôi lúc đầu chuyên làm tương bần bán buôn cho thương lái gánh lên tận Đại Từ, Giang Tiên, Phố Ẻm, rất nổi tiếng. Sau này lại bắt mối với người quen nhận đại lý bán chè Thái Nguyên, Phú Thọ cho dân buôn chuyến mang về xuôi . Cuộc sống khá dễ chịu. Tôi hàng ngày buổi sáng đi học trường làng, xa 4 cây số , toàn cuốc bộ. Buổi chiều về trông 2 em gái 3-4 tuổi . Gia đình tôi có 2 nhà, một nhà trong phố để buôn bán, một nhà ngoài rặng tre ngay bờ đê để tránh máy bay. Mấy anh em chúng tôi cứ sáng sớm là phải ra đây, khi có tiếng kẻng dân quân báo có máy bay tôi đưa 2 em xuống tăng xê đào xuyên vào thân đê, rất an toàn. 

Vào ban đêm phố Chã  sống động hẳn lên . Đèn lập loè suốt hai dẫy phố. Hàng café cô Ngần ngoài cái đèn măngxông còn 2 vật rất độc đáo . Đó là cái quạt bồi giấy to bằng nửa cái chiếu đôi treo trên sà nhà lúc nào cũng có 1 thằng nhỏ ngồi kéo phục vụ khách . Thế là sang lắm rồi ! Vật còn lại là cái máy hát quay đĩa than, chạy bằng giây cót , hễ cứ mở ra là eo éo " Ngày thắm tươi bên đời xuân mới ..." ( Xuân và tuổi trẻ của La Hối)..Khách ra vào dập dìu, nhiều nhất là các anh Vệ Quốc Đoàn mà hồi ấy gọi vui là Vệ Túm hay Vệ Trọc ( vì anh nào cũng buộc túm 2 ống quần và nhiều anh phải cạo trọc để khỏi chấy rận !). Tôi nhớ nhất vào mùa đông, Vệ Túm  nào cũng mũ nan bọc vải dù, áo trấn thủ , trên vai  đeo chéo cái ruột tượng  đựng gạo . Có anh uống café nhưng cũng có anh chỉ uống chè mạn kẹo đầu tây( Một thứ kẹo nhân đậu xanh hình giông giống đầu người). Vào độ cuối năm, một đêm trăng sáng, có lẽ là ngày Rằm, có ông chỉ huy đeo súng lục đi ngựa,  ghé vào quán café Ngần. Con ngựa có anh cần vụ giắt ra bờ đê cho ăn cỏ , bọn trẻ con  chạy theo xem , đứa nào cũng thích cưỡi. Anh cần vụ chiều chúng tôi, bế từng đứa cho cưỡi rồi gọi chúng tôi lại quây quần bên anh. Chúng tôi gom mấy gốc tre khô lại thành 1 đống rồi vơ lá đốt, cùng hơ tay sưởi . Anh cần vụ nằm kềnh ra bãi cỏ, chúng tôi cũng bắt chước anh ngửa mặt lên trời thi đếm sao.  Anh bảo thích nghe chuyện cổ tích không? Chúng tôi đồng thanh nói có. Anh kể chuyện Hằng Nga Chú cuội nhé ! Vâng , anh kể đi ! Đó là lần đầu tiên tôi biết sự tích Chú cuội ngồi gốc cây đa. Kể xong anh dậy chúng tôi bài hát "Thằng Cuội". Đây cũng là bài hát đầu tiên tôi thuộc lòng từ đầu đến cuối. Đến nay đã hơn nửa thế kỷ mà cái đêm rằm mùa đông ấy , cái ông trăng ấy, cái "thằng Cuội" ấy và chú dế mèn  ấy cứ mãi in đậm trong tôi cùng lời hát trên bờ đê sông Cầu 
" Lặng yên ta nói Cuội nghe
Ở  cung trăng mãi làm chi ?
. ..Có con dế mèn
Suốt trong đêm khuya.
Hát xẩm không tiền.
Nên nghèo xác xơ ...". 
Chúng tôi không bao giờ còn gặp lại anh cần vụ yêu trẻ này nữa. Nhưng về sau còn nhiều anh Vệ Túm Vệ Trọc khác đi qua Phố Chã đã dậy chúng tôi đánh trống ếch, thổi sáo và nhiều bài hát rất hay. Tôi tự trách mình sao chẳng nhớ lấy một tên anh nào. Và liệu trong các anh ai còn ai mất ?
Sáng nay đúng ngày 19 tháng 12  tôi bỗng nhớ đến họ và thầm hát "Các anh đi, ngày ấy đã lâu rồi ....."




 Comments
 Chép lại lời nhận xét của các bạn để thay lời cảm ơn của tác giả
( Xin lưu ý : những Comments viết trước ở cuối trang này )

Đỗ Dũng (Họa sĩ) 08/16/2012 12:11 am comment
Anh Trung ơi, thật là sung sướng mỗi khi đọc những câu chuyện này. Bởi vì em cũng là một thằng bé con trong bối cảnh ấy. Em còn nhớ một lần ông nội đang bận việc gì, bảo thằng Dũng mày ra "cung tiêu" mua cho ông bao diêm. Vì thằng cháu trẻ con mải chơi, nên ông bảo: Phải đi quàng lên rồi về ngay đấy nhé. Ông nhổ bãi nước bọt này khô mới về là phải đòn đấy! Thằng bé con sợ bị đòn chạy một mạch đi mua về đến nơi, bãi nước bọt chưa khô còn được ông khen thằng này giỏi. Bây giờ nghĩ lại thấy ông nội rất hóm hỉnh.
Hong Chuong ( Thày giáo) 09/03/2009 11:33 pm comment
 Anh rất cám ơn QT về loat. bài Lượm lặt chuyện quê.Anh mới đọc được l bài.Tất cả những gì em viết đều  làm cho anh sống lại những ngày đó.Anh xúc động lắm.Tất cả nhưng kỷ niệm của em cũng là của anh chỉ có điều anh chỉ chôn chặt trong lòng không thể giãi bày như em.Lúc đó anh mới 13 tuổi nhưng anh đã là " vệ út " rồi.Có lẽ cuộc đời quá bất hạnh của anh đã khiến anh trở thành khô khan,chỉ biết  cắn răng chịu đựng.Anh sẽ tiếp tục thổ lộ với em sau.Anh xin góp với em một vài điều : dinh tê theo tiếng Pháp là entrer,có nghĩa là vào.Dinh tê để chỉ những người đã tản cư ra  vùng tự do,sau lại quay về vùng địch tạm chiếm (trở về thành phố).Máy bay vận tải quân sự của Pháp bấy giờ có tên là Dakota ( không biết có phải là nó được sản xuất ở bang Dakota của Mỹ ?).Máy bay khu trục của Pháp lúc  đó có tên Spitfire (tiếng Anh có nghĩa là khạc ra lửa).Máy bay bà già là loại máy bay huấn luyện có 2 chỗ ngồi lộ thiên,bay chậm bay trinh sát suốt ngày rất khó chịu.Phát hiện đươc dấu vết,nó thả lựu đạn khói để máy bay khu trục đến bắn phá,ném bom.Có chuyện vui là vệ túm rất ngán loại này vì nó phát hiện thấy hố cá nhân là nó thả lựu đạn xuống như cả cái vào lỗ trong trò chơi đáo của trẻ con thời đó.Kẹo đầu tây là dạng loại kẹo Nu ga (bên trong là nhân lạc,bên ngoài có vỏ bọc đường đỏ (từ mật mía).Đường trắng chỉ có trong vùng đich chiếm.Đơn vị anh có anh Mạnh Hùng nhà làm kẹo đầu Tây ở thị xã Thái Nguyên (vùng tư do) nên trong đơn vị gọi là Hùng Kẹo đầu Tây.Nhưng nam 1954-1955 nếu các em xuống học ở trương Phổ thong câp 2-3 KHX Nam Ninh thì biết anh Hung phiên dịch cac buổi chiếu phim hàng tuần.
CALATHAU (Trả lời anh Chương)at 09/04/2009 07:23 am reply
Rất vui khi biết anh đã vào đọc "lượn lặt chuyện quê" của em. Mấy dòng ngắn ngủ anh viết ở đây nhưng chứa đựng rất nhiều nỗi niềm riêng tư mà vô tình em đã được biết qua lời kể của vài bạn Quế lâm, nhất là qua bài viết về anh của Trần Thu Hiền in trong tập Thơ Miền ký ức mới xuất bản . Mong anh khoẻ để tiếp tục vượt qua mọi khó khăn, làm "bệ phóng" cho 2 cháu Chíp-Bông yêu thương của ông ...Em cám ơn anh đã giải thích rõ hơn 1 vài chi tiết trong hồi ký của em....

dodongart at 12/22/2008 10:39 pm comment
Những người chơi bi thưòng vẽ một vòng tròn nhỏ, 2R cỡ 10cm. Ai soáy hòn bi đậu được vào trong vòng tròn ấy gọi  là "dinh tê " , tiếng Pháp. Không biết nguyên bản nó viết thế nào. Ai biết tiếng Pháp, chỉ giùm. Bạn NA tham khảo nhé!
Nguyệt Ánh at 12/21/2008 09:35 am comment
Bài viết của cụ QT rất hay, rất truyền cảm. Đọc những bài của bạn bè viết về những kỷ niệm của chính mình tôi thấy hay và thích hơn nhiều khi đọc các chuyện viết của các nhà văn. Tôi rất phục trí nhớ của bạn. Đúng là năng khiếu là rất quan trọng, nó là tài sản riêng của mỗi người cần phải giữ gìn và phát triển. Trí nhớ của tôi rất kém. Tôi có một cuộc hành trình dài từ Huế ra Việt bắc. Lúc đó đã 7 tuổi. Trèo đèo, lội suối, có lúc đi bộ, có lúc nằm võng, lúc ngồi trong thúng. Thế mà bây giờ chẳng nhớ được bao nhiêu để kể lại. Khi chúng tôi đến Đô Lương, phải dừng lại vì ba tôi đã rời Đô Lương ra Việt Bắc. Thấy mấy mẹ con quá vất vả và nheo nhóc. Nhiều người khuyên nên quay về thành. từ Dinh tê tôi cũng biết từ đó. Không biết nó xuất phát từ đâu. Có cụ nào giải thích giúp.
dodongart at 12/20/2008 10:36 pm comment
Tản cư rồi mà còn quay trở laị vùng địch chiếm thì gọi là "dinh tê "
dodongart at 12/20/2008 10:26 pm comment
Không biết cụ Công Kỳ có phép thuật gì, bình luận dài thế mà cái Blog nó vẫn cho đăng nhỉ? Còn mình toàn bị nhắc nhở phải cắt đi. Thế là biết được calathau lần đầu tiên bị bắt cóc như thế nào?Hồi ấy sao mọi người tự nhiên và dễ thông cảm bỏ qua thế nhỉ. Bây giờ mà như thế thì...Chúng ta có một "hồi bé" giống nhau nên những từ đã đi vào lịch sử nếu được ai nhắc đến sẽ nhớ ra liền. Về các loại máy bay mình bổ sung thêm Dagota ( vận tải) và máy bay Joongke ( phóng pháo) Có bạn thích từ tản cư hồi ấy hơn từ sơ tán sau này... Theo mình nó có lý do riêng : Tản cư là vì Pháp dùng bộ binh nống ra đến đâu là ta tản cư đến đó, còn Mỹ chỉ dùng không quân (ở miền Bắc),nên để tránh thương vong tập trung nên phải "tán mỏng" ra nên mới có chữ tán,Mà "sơ" thôi vì còn có người ở laị. Ngày xưa không"tản cư" mà ở lại thì có là "Việt gian" !
Thanh Mai at 12/20/2008 07:53 pm comment
Đọc bài này của calathau tôi thấy rạo rực nhớ tới thời trẻ đi học từ sáng sớm còn nhá nhem tối phải cầm đèn bão để nhìn đường mà đi. Con trai tôi cũng kiếm được một chiếc đèn ở nhà quê in hệt như thế mang về. Bài hát thằng   cuội bạn viết lời ở trên tôi đã từng nhặt nhạnh các động tác múa mà tôi được xem chắp vào thành điệu múa cho bài hát đó để dạy cho các em tám, chín tuổi múa ở sân đình làng đêm trung thu. Các loại máy bay bạn kể chúng ta đều thuộc vanh vách và phân biệt rất giỏi, bọn trẻ bây giờ chẳng thể nào mà biết được. Những chuyện bạn kể đúng là chuyện của chúng mình thời tản cư!
Trong Phu at 12/20/2008 05:21 pm comment
Chợ CHÃ, Phố NỶ quán VUÔNG, NHÃ NAM, BỐ HẠ,đập BÁI THƯỢNG, chợ DƯƠNG LÂM, chợ PHỔ YÊN... Những tên làng tên sông ghi khắc bao kỷ niệm đau thương của một thời đạn bom, những nơi mà chúng mình bây giờ mới biết là nơi ghi khắc kỷ niệm thời thơ ấu không chỉ của riêng mình. Những chợ, phố ngày xưa ở đâu cũng có hàng thợ nhuộm ở ngay đầu chợ , cổng vào thường có hai cửa ai biết chữ thì vào một bên, ai không biết chữ thì phải chui qua cổng thấp ,.. Ngày ấy tôi chỉ ước gì mình có một chiếc xắc-cốt đeo cho oai, và có một chiếc áo trấn thủ ! ... Nhưng ao ước đó thật xa vời ! mãi đế khi tập trung đi TRUNG-QUỐC 1953 tức là 11 tuổi tôi mới có đôi dép làm bằng lốp xe ôtô...và trong túi lúc nào cũng có cái rút dép ...
Nguyen Han at 12/20/2008 11:13 am comment
Bài viết về phố chợ Chã của Hồng Quang, lay dậy bao hồi ức tưởng như đã quên những năm đầu kháng chiến đối với lứa chúng ta, bắt đầu nhớ được. Có nhẽ nên mở topic này trên đình làng cho mọi người  góp chuyện góp văn chắc phong phú lắm . Về các PHỐ trong thời đó tôi sẽ viết dài hơn vì có nhẽ trong chúng ta ít người được qua nhiều phố, thị trấn như tôi hồi còn bé vì từ năm 48 49 50 53 tôi đã hai lần đi khu3 qua vùng địch lên Việt băc rồi lại về Thanh rồi đi TSQ đi hầu khắp nửa ATK. Những lượm lặt này thật đáng quý nó sẽ góp ghi lại  đúng đoạn lịch sử của lớp người chúng ta. Có lý lắm chứ!
CALATHAU ( Trả lời Nguyên Hân) at 12/20/2008 11:53 am reply
Quả thật những cái gọi là PHỐ  thời KC chống Pháp ở vùng tự do gợi cho chúng ta rất nhiều kỷ niệm. Tôi rất muốn viết ra nhưng nhiều khi thấy kiến thức hạn hẹp, trí nhớ không tốt nên ngại ngùng ... Mong sao mỗi cụ  góp 1 chuyện về những cái Phố kháng chiến này . Tôi cứ nghĩ, giải dụ nếu có 1 đạo diễn trẻ nào đó muốn dựng lại cái cảnh Phố KC , phố tản cư thì chắc họ sẽ ...mù tịt cho mà xem. Dạo ở Bản Vệ, mỗi lần được ra Quán Vuông lĩnh gạo là đã thấy háo hức rồi . Cụ nhớ chứ ?
Trâm Ngọc at 12/20/2008 09:01 am comment
Cảm ơn Calathau lại tiếp kí sự (hay là tản văn nhỉ?) “Lượm lặt chuyện quê” rất “có duyên”. Không hiểu sao bạn viết về miền quê Bắc Bộ tôi vãn thích hơn nhiều khi viết Dọc đường lẩn thẩn. Có lẽ Sông Cầu, Chợ Chã, Phố Hợp Thành... đã ăn sâu vào trái tim, tâm hồn bạn rồi, chỉ cần nhắc tới đã thành văn, thành truyện tràn đầy cảm xúc. Cái giỏi của Quang Trung là bạn nhớ rất tài, “từ ngữ ngày xưa” vô cùng chuẩn. Đọc chuyện của bạn tôi lại thấy chính mình ngày bé, cũng hát "Ngày thắm tươi bên đời xuân mới ...", và còn múa theo bài này vào những đêm trăng sáng, cũng hát bài thằng Cuội. Rồi cũng thử làm theo cách bọn Việt gian dùng mảnh gương chiếu lên trời cho sáng lấp lóe…Tuổi thơ của chúng ta đều giống nhau và trùng với những năm tháng khởi đầu của Đất nước ta. Những năm tháng ấy nghèo khổ thật, nhưng rất đẹp, rất háo hức trong lòng bọn trẻ con chúng mình. 
CALATHAU ( Trả lời Ngọc Trâm) at 12/20/2008 12:01 pm reply
Người ta nói người già sống về quá khứ . Thì đúng thế ! Những chuyện gần đây mình rất dễ quên. Cậu PV vừa hôm qua làm việc với mình, hôm nay quên luôn tên ! Ấy thế mà ba cái chuyện "lẩn thẩn" từ nửa thế kỷ trước lại nhớ vanh vách ! Có thể nói tôi "phải lòng" cái khúc sông này và cái Phố chợ Chã này mới đúng. Hầu như năm nào tôi cũng về thăm và đứng trên bờ đê đúng tại nơi ngày xưa mình thường đánh bi đánh đáo. Ngẫm, quả là Chế Lan Viên thần tình khi viết : Khi ta ở chỉ là nơi đất ở /Khi ta đi đất đã hoá tâm hồn ...Chắc Ngọc Trâm cũng nghĩ như tôi !
LTH ( Lê Tiến Hoàn) at 12/20/2008 08:54 am comment
Những điều cụ Calathau kể cũng gợi lên bao kỷ niệm trong tôi về những ngày đầu kháng chiến. Những ngày ấy thật là vui, vì trẻ con nào đã thấy những điều nguy hiểm ác liệt của chiến tranh (nhưng máy bay và bom đạn thì biết sợ rồi). Chắc ở lứa tuổi chúng ta ai cũng có những kỷ niệm đẹp đẽ giản dị như Calathau, chỉ khác ở tên những địa danh mà thôi. Tôi cũng tản cư ở mấy nơi không xa chỗ gia đình Calathau sống. Ở đâu trẻ con cũng chỉ biết nghịch ngợm, vui đùa, chứ có biết người lớn phải lo cho ta từng bữa ăn như thế nào đâu...
Kỳgai at 12/20/2008 04:32 am comment
   Khoảng năm 1976, 77, đường tàu hoả Bắc Nam được khôi phục, chạy suốt từ HN đi SG. Hồi đó mua vé rất khó khăn, thường phải nhờ người thân quen trong ngành đường sắt mới mua được. Tôi một mình đi công tác SG, tôi phải lấy giấy giới thiệu " ưu tiên chống lụt bão" mới mua được một cái vé, ngồi ở ghế số 1 đầu toa. Khi lên tầu gặp một đoàn khoảng hơn một chục phụ nữ có vé từ số 2. Đó là một đoàn rất oai- đoàn nghỉ dưỡng của Tổng Công đoàn VN, toàn các chị chức sắc. Bước vào toa, các chị nhìn tôi đầy vẻ cảnh giác : Vé ưu tiên của Tổng công đoàn VN oai như vậy mà sao lại có người oai hơn được. Tàu chạy, cũng chào hỏi, nhưng phải mất đến nửa tiếng câu chuyện rất dè dặt ...rồi không biết bắt đầu từ người nào, bắt đầu nhắc lại những từ ngữ của thời tản cư ( đại loại như com trên tôi đã nói), rồi kể chuyện lửa rừng, chuyện nhảy sol la sol la sol la sol, chuyện ăn đũa quay đầu... tất nhiên là tôi hào hứng tham gia và kể vanh vách. Thế là các chị bỗng nhận ra " người mình", và không còn ý tứ phân biệt gì nữa, các chị bắt đầu giở quà bánh ra ăn và mời tôi nhiệt tình, hầu như 3 ngày đêm trên tầu tôi luôn được ăn ngon và không mất tiền, đặc biệt là khi tôi bị đá dưới tầu ném lên sứt một chút ở trán thì lập tức được không biết mấy chị ( à, phải nói là mấy em ) vây tới thuốc men, bông băng và xuýt xoa an ủi, vì vậy phải mất đến 15 phút sau tự tôi mới biết mình bị sứt sẹo ở đâu và thật ra cũng chẳng đau đớn nguy hiểm gì.   Tất cả chỉ là nhờ mấy cái từ chuyên dùng hồi tản cư, tất nhiên cũng có nhờ cái mồm dẻo, và cái tuổi trẻ mới ngoài 30 lúc bấy giờ.
Kỳgai at 12/20/2008 04:04 am comment
    Cụ  Calathau  kể lại những chuyện thật giản dị của " đời thường " tản cư nhưng đã gợi ại cho chùng ta thật nhiều những kỷ niệm của một thời thật đẹp, chứa chan tình yêu nước, đậm đà tính nhân bản và cũng thật phong phú chất lãng mạn. Đọc Entry này gặp lại những từ ngữ những hình ảnh mà chỉ cần nhắc đến một chữ thôi là chúng ta, tất nhiên chỉ là lớp người chúng ta nhớ ngay lại cái thời xa xưa ấy không thể nhầm lẫn, bởi vì sau này không ai dùng đến những từ ngữ ấy nữa : tản cư, tề, việt gian, máy bay bà già, kẹo đầu tây v.v... Tôi cũng còn nhớ nhiều từ khác mà tin rằng chỉ cần nhắc lại các cụ biết ngay là cái gì nhưng lại là cả một sự bí mật sâu thẳm với những người không đi tản cư cũng như lớp trẻ sau này : máy bay bê- vanh -xít, bê-vanh-nớp, đồng hồ vi-le, bút máy pac-ke, cô gái tạch tạch sè, kẹo nu-ga...

CALATHAU ( Trả lời KỳGai) at 12/20/2008 06:39 am reply
Cụ làm cho chính tôi cũng nhớ thêm đc mấy từ. Tôi định Phần 6 sẽ "lượm lặt" hầu tiếp quý cụ và âu cũng là chút kỷ niệm, biết đâu khi mình "khuất núi" rồi sẽ còn có người đọc để..." Mua vui cũng được 1 vài trống canh "



8 nhận xét:

  1. Đọc lại vẫn thấy thú vị! Cụ viết tiếp đi để cho vào sách.

    Trả lờiXóa
  2. Anh tài thật. Chỉ nhớn hơn em mấy tuổi mà anh nhớ nhiều chuyện cặn kẽ...Em chỉ nhớ rất lơ mơ nhưng cảm xúc thì...rất tràn đầy qua trang anh viết này! Đúng như chị Ánh nói là anh quả là có năng khiếu văn học!

    Trả lờiXóa
  3. Đoạn hồi ký của cụ rất hay. Cho đến nay tôi vẫn nhớ rất rõ từng chặng đường tản cư từ HN lên Việt bắc và những ngày đi học cùng nhiều bạn cùng học , cùng chơi thời ấy , nhưng khốn nỗi tư liệu và cảm xúc thì có nhưng năng khiếu văn học thì kém nên không thể viết ra được ( viết cho ra hồn )đúng là ưu thế của nghề nghiệp !
    Tôi có thắc mắc một điều :trong đay cụ kể : cụ ở Phổ yên từ 1951 đến đâu 1953 rời Phổ yên để tập trung lên Cục Tổ chức để đi Trung quốc , thế thì cái cậu cũng tên là Quang Trung học với tôi hồi lớp 2 và 3 ( tức năm 1951 và 1952 ) ở trương Hợp thành Phú lương hóa ra không phải là cụ , cho tôi xin lỗi về sự nhầm lẫn bấy lâu nay nhé .
    Biinql .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thưa cụ BN. Khoảng đầu năm 1951 tình hình chiến sự lan dần ra vùng tự do. Phố Chã thường bị máy banh oanh tạc và thỉnh thoảng Pháp cho tầu chiến từ Đáp Cầu, Đa Phúc theo sông Cầu đi càn lên gần đến bến đò Chã . Bà cô ruột của tôi ( Người bế con thứ 2 bìa trái) lúc đó lại bị bệnh rất nặng, cho nên tôi theo cô Ng tản cư tạm thời lên Hợp Thành. Tôi không nhớ chính xác là tôi ở HT bao lâu, nhưng tôi lên Cục TC, TCCT ( Bản Búc) từ Chã . Kỷ niệm trong tôi về giai đoạn học cùng các bạn ở HT khá mờ nhạt cũng vì vậy . Nhưng chắc chắn là chỉ có 1 thằng tôi mà bạn đã "nhớ rất dai dẳng "!
      Xin nói thêm, tấm ảnh do chính chú tôi ghi đằng sau "1951". Cô tôi sinh em bé đầu năm 1951 . Cô mất sớm, em tôi mồ côi mẹ . Sau em học SP Việt Bắc, về HN làm việc ở TW.HLHPNVN nay nghỉ hưu sống tại HN . Hình như tôi ở HT một thời gian ngắn hơn cụ nghĩ .

      Xóa
  4. Chuyện cũ, nhưng càng để lâu càng có giá trị. Tên nhưng địa danh trong hồi ký của bạn mình đều biết chỉ có một trong những địa danh mình đã từng sống thời đó là mãi không nhớ ra. Nửa đêm không ngủ được ngồi đọc lại bài trên tự nhiên như thức tỉnh lại : đó là cái tên QUÁN SÔI VÒ ở gần đèo KHẾ đường từ Thái nguyên qua Tuyên Quang. Nhà mình ở chỗ này cả năm trời, không có trường học, suốt ngày vào rừng lấy củi lấy lá dong về bán phụ giúp mẹ.12 tuổi đầu, cùng bạn , chị cả và em trai 10 tuổi, đóng bè củi và lá dong theo suối lũ xuôi dòng mà chẳng biết sợ chết đuối là gì...Chặt củi. chặt phạm phải tay nên ngón út tay trái bị đứt gân, vẫn còn bị cong cong cho đến tận bây giờ.....

    Trả lờiXóa
  5. Tôi sinh ra bên bờ sông Cầu, khúc chạy qua thành phố Thái Nguyên, nhưng tôi không nhớ được nhiều về tuổi thơ của mình, còn Calathau thì nhớ rất nhiều và mạch lạc. Tôi nhớ sông cầu lúc bấy giờ nước trong vắt, hai bên bờ sông là những bãi dâu xanh thẳm, cầu Gia Bẩy, với tôi lúc đó thật to....Bây giờ, năm nào tôi cũng về Thái Nguyên thắp hương cho tổ tiên, nhưng những cảnh xưa đã khác quá rồi : nước sông đục, cạn, không còn bãi dâu nào, cầu thì trở nên nhỏ bé, cũ kỹ.
    Cám ơn bạn Quang Trung đã nhắc lại những địa danh mà tôi cũng biết, nhưng thực sự chỉ nhớ lờ mờ. Chúng ta ( những người tôi biết) đều có một tuổi thơ không trọn vẹn cho đến lúc được được đi TQ học tập, chính vì vậy mà chúng ta (QL) gắn bó với nhau như anh em ruột thịt cho đến tận bây giờ.

    Trả lờiXóa
  6. Noen xắp đến rồi ! Chúc bạn một giang sinh vui,thật vui và hành phúc .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm động quá ! Cách nhau có mấy trăm mét , suốt ngày í ới gọi nhau mà cụ cũng gửi lời chúc qua mạng . Chắc có âm mưu gì đây ! Phải cãnh giác ! hi hi hi

      Xóa