Thứ Năm, 18 tháng 9, 2014

HÀ NỘI CỦA MÌNH LÀ THẾ Ư ?

Thấm thoát mình đã sống xa HN đến gần 4 thập niên ! Ôi, đời người như cái chớp mắt. Mới đó leng keng tiếng tầu điện . Mới đó lanh lảnh tiêng rao đêm . Mới đó cô bạn học sáng sáng dúi vào tay mình cái bánh khúc nóng hổi trên đường đến lớp...Mới đó ngan ngát mùi sen Tây Hồ và mùi hoàng lan nhà ai thơm dài con ngõ nhỏ ...Bây giờ trở lại HN như người ở quê ra tỉnh, thậm chí như Từ Thức trở lại cố hương...
Tôi mang tâm trạng ấy sau khi đọc loạt bài của nhà nghiên cứu Nguyễn văn Chính, mà dưới đây là bài thứ 5.

Đi tìm 'bản sắc văn hóa Hà Nội' - Bài 5

Hà Nội vẫn chỉ là 'phía bên kia của làng xã'

Khi nói đến Hà Nội như một thực thể văn hóa có bản sắc riêng, chúng ta không được quên rằng có một Hà-Nội-nhà-quê và một Hà-Nội-kẻ-chợ.  
LTS: Trong Phần 5 loạt bài Đi tìm bản sắc văn hóa Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Văn Chính đưa ra góc nhìn về hai bộ phận cư dân nông dân và thị dân của Thủ đô.

Thanh lịch, hào hoa và tinh tế thường được các nhà nghiên cứu nhấn mạnh như những đặc tính tiêu biểu cho lối sống của người Hà Nội, thậm chí nó còn được đề cao như một giá trị "có tính mẫu mực, hay giá trị chuẩn của dân tộc, của đất nước". Các nhà nghiên cứu nói chung có khuynh hướng gắn lối sống thanh lịch ấy với tầng lớp thị dân ở một trung tâm đô thị phát triển vào bậc nhất của đất nước[1], cho rằng lối sống ấy kết tinh văn hóa "Kinh kỳ" của giới nho sỹ và thương nhân "kẻ chợ" tập trung tại 36 phố phường, hòa với những yếu tố văn minh Pháp được tiếp thu bởi trí thức Tây học và viên chức nhà nước bảo hộ.
Quan điểm về một lối sống "thanh lịch" như vậy được nói đến trong hầu hết các nghiên cứu về văn hóa Hà Nội, nhưng thực ra chưa bao giờ được phân tích một cách khoa học. Tôi cho rằng ít nhất có ba yếu tố để nghi ngờ cái biểu tượng văn hóa này:
Thứ nhất, các nghiên cứu đều xem đô thị như là "tiêu chí của sự phát triển, tiến bộ và văn minh" nhưng cho đến tận gần đây Hà Nội vẫn chưa trở thành một đô thị hoàn chỉnh, vẫn chỉ ở "phía bên kia của làng xã". Trong không gian của "thành phố" luôn có một phần thuộc khu vực nông thôn và phần này lúc nào cũng ở vị thế lấn át so với phần thành thị. Chỉ lấy lối sống của một nhóm thị dân để khái quát thành lối sống chung của "người Hà Nội" là một cách tiếp cận khiên cưỡng và không có cơ sở khoa học;
Thứ 2, trong lịch sử và thậm chí là mới gần đây thôi, số lượng thị dân sống trong các khu phố luôn chiếm một tỷ lệ nhỏ hơn nhiều so với những người nông dân sống trong các làng xã truyền thống của Hà Nội. Bộ phận nhỏ thị dân nhỏ bé này cũng không đồng nhất, vẫn có sự hiện diện của văn hóa và lối sống nông dân đối lập với văn hóa thị dân;
Thứ 3, nếu cho rằng cái chất hào hoa thanh lịch được hình thành từ nhóm "tinh hoa" là thị dân và quý tộc thì nhóm này cũng chỉ có thể đại diện cho lối sống của tầng lớp trên và giới trung lưu mà thôi. Không có cơ sở để lấy văn hóa và lối sống của nhóm "tinh hoa" này làm đại diện cho văn hóa của một thành phố.

Hà Nội, Thăng Long, Thủ đô, thanh lịch, Tràng An, Hà Nội gốc, ẩm thực Hà Nội, chung cư, tập thể, Pháp thuộc, trí thức, tinh hoa, hồ Hoàn Kiếm, Tháp Rùa
Khu liên hợp Thể Thao Mỹ Đình tồn tại từ lâu một khu chợ với dãy lán nhếch nhác trải dài gần nửa cây số. Ảnh: Lê Anh Dũng
Thực ra, các tài liệu đã có về Thăng Long xưa, Hà Nội nay có thể cho phép hình dung được quy mô của khu vực đô thị, số lượng thị dân, và tính chất xen cài nông thôn - đô thị trong cấu trúc dân cư của thành phố để từ đó xem xét vai trò và ảnh hưởng của văn hóa thị dân - được cho là bộ phận cốt lõi tạo nên bản sắc "thanh lịch" của người Hà Nội.
Trong một nghiên cứu công phu, các nhà nghiên cứu cho biết thành Thăng Long gắn với các phố thị để tạo nên một đô thành cho đến trước thời thực dân chỉ là một khu vực có diện tích rộng không quá 1,2 km2. Đặt cái bộ phận đô thị và thị dân này vào trong bối cảnh Hà Nội cho đến cuối thế kỷ 19, tức trước khi nó biến thành một thành phố kiểu châu Âu thì chúng ta mới thấy cái quy mô thành thị và thị dân này nhỏ bé biết chừng nào: Thành cũ Thăng Long chỉ là một bộ phận nhỏ của phủ Hoài Đức, lọt thỏm vào trong cơ cấu của tỉnh Hà Nội thời Nguyễn - một tỉnh được lập ra vào năm 1831 gồm 4 phủ Hoài Đức, Ứng Hòa, Thường Tín và Lý Nhân.
Không thể phủ nhận một thực tế là khu vực thành thị đã được mở mang rất nhiều dưới thời thuộc Pháp. Chính người Pháp đã mang đến cho Hà Nội một khuôn mặt khác bằng cách tạo ra một đô thị kiểu châu Âu. Thành phố Hà Nội lúc này đã mở rộng gấp đôi với 63 phường nhưng cũng chỉ có diện tích xấp xỉ 3km2. Vào thuở hoàng kim của Hà Nội thời thực dân những năm 1940, số dân Hà Nội lúc cao nhất cũng chỉ có 132.145 người.
So với thời thực dân, không gian Hà Nội thực ra chỉ mới được mở rộng thêm bằng biện pháp hành chính trong vài thập kỷ qua, bắt đầu từ 1961 với việc nâng địa giới Hà Nội lên 584 km2 và dân số 91.000 người. Đợt mở rộng địa giới gần đây nhất vào tháng 8/2008, Hà Nội đã nâng dân số lên 6,4 triệu người, trong đó cư dân thành thị chỉ chiếm 41% và cư dân nông thôn chiếm đa số với 59%.
Một số nhà nghiên cứu đã từng đi tìm lời giải cho câu hỏi tại sao Thăng Long - Hà Nội trải bao thế kỷ thăng trầm mà vẫn bé nhỏ với số thị dân khiêm nhường chừng ấy, tại sao một dân tộc vĩ đại với những chiến công hiển hách lẫy lừng mà lại không để lại cho hậu thế những công trình kiến trúc xứng tầm?

Hà Nội, Thăng Long, Thủ đô, thanh lịch, Tràng An, Hà Nội gốc, ẩm thực Hà Nội, chung cư, tập thể, Pháp thuộc, trí thức, tinh hoa, hồ Hoàn Kiếm, Tháp Rùa
Chợ cóc này họp giữa con đường đôi khá đẹp chạy dọc khu đô thị Xa La, nhếch nhác, cản trở giao thông. Ảnh: Lê Anh Dũng
Đã có nhiều lý giải được đưa ra, tuy nhiên theo tôi, không gian của một thành phố và số lượng thị dân chủ yếu phụ thuộc vào điều kiện phát triển của nền kinh tế, bởi vì chỉ khi nền kinh tế hàng hóa đủ mạnh để nuôi dưỡng khu vực không trực tiếp sản xuất thì mới tạo ra được một tầng lớp thị dân và doanh nhân đông đảo làm cho khu vực đô thị được mở mang. Với nền kinh tế nông nghiệp tự cấp là chủ đạo, và phần lớn người dân vẫn sống trong các làng quê, thì chúng ta có thể hiểu được tại sao quy mô của một đô thị bậc nhất trời Nam lại chỉ khiêm nhường đến thế.
Bằng cách cung cấp các dẫn liệu trên, tôi không có ý cho rằng chỉ với một tầng lớp thị dân nhỏ bé thì không đủ sức "lan tỏa văn hóa" ra cả một "đại dương" nông dân. Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là khi nói đến Hà Nội như một thực thể văn hóa có bản sắc riêng, chúng ta không được quên rằng có một Hà-Nội-nhà-quê và một Hà-Nội-kẻ-chợ. Hai bộ phận cư dân này tuy tồn tại trong một cái khung của cơ cấu hành chính chung nhưng có văn hóa và lối sống khác nhau.
Trong suốt trường kỳ lịch sử hàng ngàn năm của mình, bộ phận thị dân của Thăng Long-Hà Nội luôn nhỏ bé và yếu ớt, lại bị phân hóa thành các nhóm khác nhau với quyền lợi, thân phận và lối sống không đồng nhất. Sẽ là một thiếu sót khi phân tích bản sắc văn hóa Hà Nội mà lờ đi bộ phận văn hóa nông dân chiếm số đông trong khi có thiên hướng đề cao quá đáng văn hóa của tầng lớp thị dân và quý tộc nhỏ bé so với các tầng lớp xã hội khác. Với cách nhìn như vậy, tôi tán đồng nhận xét đích đáng của nhà sử học Lê Văn Lan khi ông cho rằng văn hóa nông dân mới là hằng số của lịch sử văn hóa Việt Nam:
"Chính đất nước này, dân tộc hình chữ S này là đại dương của 3 chữ Nông: Nông thôn, Nông dân và Nông nghiệp. Ba chữ nông ấy là bản chất của dân tộc này, của văn minh văn hóa này. GS Trần Quốc Vượng còn gọi 3 chữ Nông này là hằng số của lịch sử văn hóa Việt Nam. Trên cái mênh mông như thế, trong lịch sử có thực nổi lên lác đác những hòn cù lao, lác đác, hiếm ít và nổi lên cũng không được cao lắm, đó chính là những đô thị. Trong số đó, hòn cù lao lớn nhất là Thăng Long - Hà Nội [2].
PGS.TS Nguyễn Văn Chính
*Tác giả là Tiến sĩ chuyên ngành Nhân học Văn hoá - Xã hội tại Đại học Amsterdam, Hà Lan. Hiện ông là Phó GĐ Trung tâm Nghiên cứu Châu Á - Thái Bình Dương và Các vấn đề quốc tế thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.
-----
[1] Câu nói được truyền tụng phổ biến trong dân gian "thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì phố Hiến" thường được viện dẫn để chứng minh cho mức độ sầm uất của một đô thị thuộc vào hạng "Thượng Kinh" như Thăng Long, cơ sở hình thành lối sống hào hoa thanh lịch.
[2] Lê Văn Lan, "Hà Nội đâu phải nơi tá túc để kiếm chác", trả lời phỏng vấn trang Tuần Việt Nam, ngày 30/9/2010.

2 nhận xét:

  1. Theo em, ông NVC đã dám có suy nghĩ ngược với điều mà mọi người vẫn nói theo cách tô hồng để "giáo dục ' truyền thống văn hóa lịch sử...Đành rằng sự thật có thể là đau lòng.
    Tuy vậy, nếu "ba chữ nông ấy là bản chất của dân tộc này, của văn minh văn hóa này." là đúng, thì chúng ta cũng phải chấp nhận, thích nghi và phát triển lên thôi ạ!

    Trả lờiXóa
  2. Tôi cũng cho rằng cách nhìn như trên (PGS TS Nguyễn văn Chính) là xác đáng. Không lấy một thiểu số (mà bản thân tập đó cũng chưa thuần nhất) che trùm lên số đông đảo nhất là đến nay HN phát triển rộng lớn bao gồm hết Tỉnh Hà Tây cũ và cả phía bắc rộng lấn cả Hưng Yên, dân số xấp xỉ 6,5 triệu . Đa phần người dân vẫn mang bản chất nông dân. Giọng Hà Tây -Sơn Tây vẫn lấn át (trong số đông) ở HN. Người gốc các tỉnh khác (di dân) về HN vốn xuất thân nông dân cũng không ít ! Chỉ có mấy ngày Tết thì cái nét "người Tràng An" xưa mới lại hiện ra trong các phố trung tâm còn lại. Chợ cóc khắp HN là một minh chứng bản chất 3 chữ NÔNG.

    Trả lờiXóa