Thứ Sáu, 31 tháng 10, 2014

Báo Trung Quốc lớn tiếng dọa Ấn Độ vì bán vũ khí cho Việt Nam

(VTC News 30/10) - Tờ Hoàn Cầu thời báo Trung Quốc hôm 29/10 đăng bài viết đe dọa Ấn Độ vì đã đồng ý bán nhiều vũ khí cho Việt Nam.

Tờ Hoàn Cầu thời báo trích dẫn trang mạng ndtv của Ấn Độ hôm 28/10 đưa tin, New Delhi đồng ý cung cấp tàu tuần tra và tên lửa hành trình Brahmos cho Việt Nam trong khuôn khổ chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Ấn Độ từ ngày 27-29/10.
Báo Trung Quốc lớn tiếng dọa Ấn Độ vì bán vũ khí cho Việt Nam
Tên lửa hành trình Brahmos của Ấn Độ 

Nguồn tin trên ndtv của Ấn Độ nói, New Delhi và Hà Nội đã bàn về vấn đề 'hợp tác quốc phòng giữa hai nước, trong đó có việc New Delhi sẽ giúp đào tạo huấn luyện hải quân Việt Nam cũng như vấn đề phóng vệ tinh'.
Tờ Hoàn Cầu thời báo dẫn lời một chuyên gia quân sự Trung Quốc lên tiếng ‘cảnh cáo’ Ấn Độ rằng ‘New Delhi nên cân nhắc kỹ trước khi bán tên lửa Brahmos cho Việt Nam’.
‘Trung Quốc coi việc Ấn Độ bán tên lửa hành trình Brahmos kèm linh kiện quân sự cho Việt Nam là hành động gây hấn với Trung Quốc. Hạng mục này lại là chủ đề quan trọng được thảo luận trong chuyến thăm New Delhi của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng', theo Hoàn Cầu thời báo.
Bài viết nhận định, 'việc Việt Nam mua tên lửa hành trình Brahmos của Ấn Độ trong bối cảnh nước này đang có tranh chấp với Trung Quốc về Biển Đông được xem là hành động can thiệp quân sự trực tiếp vào Bắc Kinh'.
Bài viết của Hoàn Cầu thời báo cũng cho rằng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói với phóng viên Ấn Độ rằng ông sẽ tiếp tục cho phép các tàu thuyền các nước thăm Việt Nam, trong đó có Ấn Độ.
Tháng trước, một tàu khu trục của hải quân Ấn Độ di chuyển trong vùng biển gần Việt Nam ở Biển Đông, Trung Quốc khi đó đã yêu cầu tàu này rời khỏi đó và tuyên bố đó là vùng biển của Trung Quốc.
Chuyên gia quân sự Trung Quốc nói mục đích Việt Nam mua tên lửa Brahmos của Ấn Độ có thể là để trang bị cho tàu khu trục. Tên lửa này về mặt lý thuyết cũng có thể được phóng đi từ máy bay Su-30KMV hay tàu ngầm Kilo. 
Sau đó, Việt Nam sẽ thông qua tên lửa này để cải tạo, nâng cấp các linh kiện, một phần trong số linh kiện đó có thể phải nhờ tới Nga trợ giúp.
Chuyên gia này cho rằng, một khi hải quân Việt Nam sở hữu loại tên lửa này sẽ trở thành mối lo ngại cho tàu khu trục cỡ lớn của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Tất nhiên, nó cũng cần độ trinh sát đủ mạnh và hệ thống tình báo hỗ trợ mới có thể phát huy tác dụng.
Bài viết trên Hoàn Cầu thời báo bình luận, những thỏa thuận hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ chỉ là 'một góc của tảng băng'. Theo đó, vài ngày trước khi diễn ra chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng trước, Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee đã ký với Việt Nam về Hiệp định tín dụng trị giá 100 triệu USD cho hợp đồng quốc phòng.

Việt Nam được cho là dự định mua 4 tàu tuần tra, những tàu tuần tra này sẽ được trang bị cho cảnh sát biển Việt Nam trên Biển Đông. Ngoài ra, Ấn Độ còn đào tạo hải quân Việt Nam điều khiển tàu ngầm Kilo mua của Nga.
"Tính tới thời điểm này, Ấn Độ đã đào tạo bồi dưỡng hơn 500 binh sĩ hải quân Việt Nam, nhưng Hà Nội đề nghị New Delhi tiếp tục giúp đỡ đào tạo thêm nhiều binh sĩ hải quân Việt Nam. 
Hơn nữa, Ấn Độ và Việt Nam cũng đã đạt thỏa thuận về việc hỗ trợ Việt Nam trong vấn đề phóng vệ tinh. Ấn Độ hy vọng sẽ thành lập một trạm theo dõi vệ tinh, trung tâm thu thập dữ liệu và xử lý ở thành phố Hồ Chí Minh", trích nội dung trên Hoàn Cầu thời báo.
Theo tác giả bài báo, Ấn Độ coi Việt Nam là đối tác quan trọng trong chính sách hướng Đông. News Delhi được cho là có vẻ đã cân nhắc kỹ trước khi đồng ý bán vũ khí cho Việt Nam.
Cuối bài, chuyên gia Trung Quốc cao giọng, hợp tác Ấn Độ - Việt Nam đã mở ra một nấc mới, khi Ấn Độ muốn giúp Việt Nam kiềm chế Trung Quốc thì nên nhớ rằng ‘Trung Quốc sẽ kiềm chế Ấn Độ mạnh hơn nhiều.
Hơn nữa, vũ khí của Trung Quốc cũng mạnh hơn nhiều so với vũ khí của Ấn Độ, Ấn Độ không nên làm căng tăng thêm tình hình’.


Đỗ Hường (theo Hoàn Cầu thời báo)

Thứ Tư, 29 tháng 10, 2014

Có đúng sân bay Việt Nam "khốn nạn" nhất thế giới không ?

Sân bay VN nói tệ nhất là không đủ

Mạnh Quân/ FB Mạnh Quân
Ảnh lấy từ Kinh tế nông thôn
Theo tôi thì sân bay VN nói tệ nhất là không đủ. Từ đó nó không diễn tả đúng thực trạng hiện nay ở cả Nội Bài và TSN. Mà phải nói, những sân bay này là "khốn nạn" nhất thế giới.

Nó không chỉ ồn ào, chật chội, bẩn...mà đi kèm theo nó là quá nhiều thứ tệ hại. Làm mất hình ảnh quốc gia nhất thì Sân Bay Nội Bài là có đóng góp quan trọng

Thứ nhất là tình trạng mất cắp đồ. Tôi đi cùng với nhiều đoàn, đã thấy tình trạng mất cắp đồ hành lý vô cùng nhiều. Hồi đi Anh về, đoàn có rất nhiều người mất đến nửa đồ trong hành lý, toàn thứ quý giá dù đã khóa nhé. Có ông trong đoàn, nay làm Chánh văn phòng Tổng cục Hải quan, anh Cẩn, mất nhiều nhất. Đại khái cứ có 2 cái thì nó lấy 1: 2 đồng hồ thì mất 1...

Nhưng tệ hơn, có ông làm lãnh đạo trong ngành hàng không cũng kêu từng mất 2 laptop mà cũng không làm gì được.

Việc rất chậm trễ trong khâu trả hành lý e rằng có phần do hành lý khi xuống máy bay bị kiểm tra, lục lọi bằng tay quá nhiều nên nó mới lâu thế. Tuần trước mình về Nội Bài, máy bay hạ cánh lúc 6h30 mà 8 h mới lấy được đồ. Các hành khách đi cùng đoàn, mặt mũi vô cùng chán ngán.

Có những chuyến bay từ Băng Koc về có 2 tiếng, thời gian chờ nhận hành lý ở Nội Bài cũng 2 tiếng. Bạn có thể nói điều gì về chuyện này, ngoài 2 từ: khốn nạn ?

Mất cắp, đi đôi với tình trạng lừa lọc. 3 tháng trước, tôi chứng kiến tận mắt, 2 vợ chồng người nước ngoài vào cửa hàng ăn uống trên sân bay, mua hộp sữa gì đó, cô bán hàng mang ra, 2 ông bà này lắc đầu bảo không phải. Nhưng cô đó cứ bảo phải vè ép họ trả tiền. 2 VC họ mặt khinh khỉnh, đặt tiền lên bàn rồi đi, không thèm lấy hộp sữa đó nữa.

Còn lừa đảo lấy đồ, lừa người đi về khách sạn...với các du khách ngơ ngác thì vẫn thường xuyên xảy ra.

Luôn luôn có thể nhìn thấy những hình ảnh bát nháo ở sân bay: taxi bát nháo, người đi, đứng ngồi nhốn nháo...chẳng có sân bay nào thấy kém văn minh như sân bay Nội Bài, và cả sân bay TSN.
Nhưng vấn đề là, hàng ngày, hàng tuần, có bao nhiêu nhà lãnh đạo, nhà quản lý đi lên sân bay, không ít người nhìn thấy cái sân bay VN tệ hại, nhếch nhác như vậy mà họ không yêu cầu chấn chỉnh, thay đổi.

Nói cảng hàng không là thể diện, phản ánh trình độ quốc gia cũng đúng đấy. 2 cảng HK này thể hiện rõ quá rồi: có chỗ văn minh cho VIP, còn lại là bát nháo...

Người ta đang bảo phải đầu tư lớn, mở rộng, nâng cấp...thì sân bay VN không còn tệ nhất thế giới. Nhưng e là, ngay bây giờ, có một cảng hàng không hiện đại mà quản lý yếu kém như thế, nó vẫn tệ hại, khốn nạn nhất thế giới thôi.

Chưa nói đến những sân bay của các nước phát triển. Nếu ai đã qua sân bay của Campuchia, Myanmar...thấy nó văn minh khác hẳn. Ở đó, không thấy có những hạng cầu bơ cầu bất, lom khom, những khuôn mặt trông gian gian...sẵn sàng lừa người như ở sân bay Nội Bài . Thật đấy !

Thứ Ba, 28 tháng 10, 2014

Một chuyện tình cảm động

Người viết : Phạm Hoàng Hải
Bình sinh, cho đến bây giờ đã sang bên kia dốc cuộc đời, tôi vẫn thường tự cho mình là kẻ không đến nỗi phải xấu hổ với danh phận của một thằng đàn ông.
Trong mắt vợ tôi, tôi là một người đàn ông đích thực đáng để chăm sóc yêu chiều. Trong mắt tôi, tôi là thằng đàn ông hơn rất nhiều thằng đàn ông khác. Về chuyện này là cả một lĩnh vực triết lý sâu xa, một chủ đề mênh mông sâu sắc mà tiếc thay lâu nay ít ai bàn tới. Mặc kệ chuyện thiên hạ thờ ơ với thiên phận đàn ông, riêng tôi, tôi thầm tự đắc về cái chất đàn ông của mình. Ấy thế mà bỗng có một ngày đẹp trời, trên một phiên chợ vùng cao, tôi bị choáng váng vì tự thấy xấu hổ với mình khi ngồi nghe trộm câu chuyện của hai người đàn ông xa lạ.
387647-2493842738142-101501562-3373-3526
Ảnh minh họa.
Bên một chiếc bàn gỗ mốc thếch, tôi ngồi uống rượu với một người bạn. Anh này thạo nhiều thứ tiếng dân tộc vì đã một thời chuyên đi thu mua nấm rừng, thảo quả trong các bản làng xuất sang Trung Quốc. Bàn bên cạnh có hai người đàn ông mặc quần áo chàm vừa nốc từng bát rượu đầy vừa chằm chằm nhìn vào mặt nhau. Ngồi né ra xa một chút là một người phụ nữ váy áo thêu xanh đỏ, khắp người đeo không biết bao nhiêu vòng bạc lủng lẳng.
Suốt đến gần nửa tiếng đồng hồ chỉ thấy có một anh chàng nói, khi thì giận dữ khi thì nghẹn ngào, có lúc lại đắm chìm trong ưu tư như bị men rượu nhấn chìm. Can rượu to trên bàn đã vơi quá nửa, bỗng hai người đàn ông ôm chầm lấy nhau, nức lên rưng rức. Cái bàn ọp ẹp chao ngiêng làm hai bát rượu đổ tóe ra sàn. Lẳng lặng nhìn hai gã đàn ông quá say, người đàn bà cúi xuống nhặt những chiếc bát đặt lên bàn rồi lẳng lặng mở nút cái can nhựa cao đến hai gang tay, nghiêng can rót rượu đầy tràn hai miệng bát. Xong xuôi lại trở về chỗ, lẳng lặng nhìn bâng quơ ra rặng núi giăng ngang trước mặt.
Thấy cảnh lạ lùng, tôi thì thầm hỏi anh bạn xem chuyện gì đang xảy ra. Thì ra hai gã đàn ông này chính là “tình địch” của nhau, theo cái cách định nghĩa ngu ngốc của người dưới xuôi chúng ta. Một anh là chồng, còn một anh là người yêu cũ của người đàn bà đang ngồi đây. Nhìn kỹ ra thì cô vẫn còn khá trẻ nhưng vẻ tiều tụy và cam chịu làm cho ta nghĩ rằng đấy đã là một thiếu phụ nhan sắc đang tàn.
Chiều tối ngày hôm qua họ đã xuống đến chợ. Như nhiều đôi khác, hai vợ chồng này buộc ngựa vào một góc bên quán, ăn một bữa no nê rồi chia tay nhau. Sáng hôm nay họ lại tìm về quán cũ theo lệ thường để rồi sẽ lại ăn một bữa trước khi túc tắc dắt ngựa đi về. Thế nhưng lần này, cô vợ không về quán một mình mà dẫn theo anh người yêu cũ. Thế là ba người ngồi cùng nhau. Hai người đàn ông và một người đàn bà.
Anh bạn tôi ngồi xây mặt ra cửa nhưng căng tai về phía bàn bên để nghe và cố hạ giọng dịch cho tôi nghe từng câu nhát gừng đứt quãng của người đàn ông đang vừa nói vừa uống một cách đầy bức xúc. Anh bạn tôi còn phải tóm tắt cả câu chuyện đã xảy ra trước khi tôi hỏi, thế nhưng vẫn theo kịp được khúc sau vì anh kia cứ nói một câu lại uống một hớp, rồi lại gật gật cái đầu như đang cố vắt ra các ý nghĩ lộn xộn nằm đâu đó bên trong óc mình.
Tôi vừa nín thở để nghe và cố sắp xếp các lời dịch của anh bạn. Cuối cùng thì tôi hiểu được đại khái câu chuyện giữa hai người đàn ông, một người chỉ nói, vừa nói vừa nghẹn ngào, một người cúi gằm mặt xuống vừa nghe vừa cắn chặt hàm răng. Bỏ qua những câu vòng vo mà tôi không nhớ mà cũng không hiểu hết ý thì tóm tắt lại là như sau:
- Thằng Xín Thau kia, mày uống hết cái bát ấy đi rồi nghe tao nói. Suốt đêm qua tao đau tức cái tim, đau quặn cái ruột. Tao đi theo vợ mày về đây tìm mày.
-...
- Cái ngày bố mày theo ông thầy cúng đưa mày đến đón vợ mày về, tao buồn muốn chết. Tao đã bắn hết cả một túi thuốc, nhồi hết đạn chì thì nhồi sỏi sạn vào mà bắn. Đáy nòng vỡ ra, sẹo trên má tao vẫn còn đây này.
-...
- Sau khi cưới, vợ mày nó bảo rằng tao đừng buồn, mày thương vợ lắm. Tao tin nó quá, thế là tao vui.
- ....
- Phiên chợ trước tao được tin nhắn là phiên này vợ chồng nhà mày sẽ đi. Tao đắp vội mấy khúc bờ ruộng cho xong, tao bỏ cái đám cưới trong bản để ra đây gặp vợ mày.
- ...
- Mày phải biết, khi đi ra chợ tao vui quá, bỏ không bắn hai con chim to trên cành, bỏ không bắn một con nhím to trong bụi. Tao chỉ nghĩ đến cái lúc được gặp vợ mày. Thật đấy. Tao vẫn còn thương con vợ mày lắm mà.
- ...
- Đến lúc tao tìm được con vợ mày, tao vui đến chảy cả nước mắt. Tao lại hát lại cái bài mà ngày xưa lần đầu tao hát vào bên tai con vợ mày, cái đêm đầu tiên tao gặp được nó.
- ...
- Thế mà, dắt nhau đi rồi, đèn tao chiếu vào tận mặt mà tao không còn nhận ra nó là cô con gái đẹp nhất bản. Giàng ơi. Ngày xưa cái mặt ấy tròn như trăng rằm, hai cái vú nó tròn to như hai quả dưa chín, cái tay nó đẹp như mình con trăn trên cây, tiếng nó cười hay như chim hót làm nắng cũng cười theo, cái váy nó thơm như hoa rừng làm bướm cũng bay theo.
- ...
- Giàng ơi. Đêm qua tao chỉ thấy mặt nó cong méo như trăng hạ tuần, ngực nó nhăn như hai quả bí héo. Nó không cười, nó chỉ muốn khóc. Tao đau cái tim tao quá. Giàng ơi.
- ...
- Mày nói đi. Là thằng đàn ông, mắt mày có nhìn thấy vợ mày nó khổ hay không? Là thằng đàn ông, mày có thấy vợ mày nó buồn hay không?
- ...
- Mày là thằng tốt số nhất đời. Mày sinh vào lúc nào mà mày lấy được vợ mày? Mày thật là có cái tội to. Hôm nay tao định đánh mày, tao thương con vợ mày quá.
- ...
- Lần này tao mang hai bao ngô giống. Tao không bán nữa. Mày mang về đi mà trồng. Phiên chợ sau tao gửi phân bón vào cho.
- ...
- Đến kỳ ngô ra bắp tao bảo mày cách đặt bẫy. Tao có bài thuốc, bẫy sập là lợn rừng ngấm thuốc không chạy được đâu. Tao sẽ cho mày. Nếu nhím sập bẫy, mày bắt nguyên cả con mang ra chợ. Có người mua ngay. Ba cái dạ dày nhím sống là đổi được một con lợn giống to.
- ...
- Mày không được lười. Mày đói thì tao kệ mày nhưng vợ mày thiếu thóc thiếu ngô là tao đánh mày đấy.
- ...
- Thằng Xín Thau kia, mày có phải là thằng đàn ông hay không?
Nhìn hai gã đàn ông gục đầu vào nhau rưng rức khóc trên hai bát rượu đã cạn khô, tôi thấy thật là khó tả. Nhìn sang người đàn bà lẳng lặng ngồi bên, tôi không đọc được những ý nghĩ gì đang ẩn hiện trong đầu cô ta. Phải chăng là vừa hạnh phúc vừa tủi thân, phải chăng là vừa ái ngại vừa thương xót cho cả hai gã đàn ông của cô.
Rất lâu về sau, một lần tôi đem câu chuyện này kể cho vợ tôi nghe. Vợ tôi thở dài, cầm cái điều khiển tắt phụt màn hình vô tuyến đang lải nhải vô duyên và bâng quơ nói: “Đàn ông như thế mới là đàn ông”.

Chủ Nhật, 26 tháng 10, 2014

Bức thư tình tuyệt hay Trịnh Công Sơn gửi người yêu 16 tuổi

Tác giả: Đại Dương
Chỉ mới có vài ngày mà tưởng chừng như ngàn đời qua đi trên anh. Anh chợt nghĩ rằng cuộc đời buồn bã như thế này sao chúng mình không tha thiết với nhau hơn?
Dao Ánh khi 16 tuổi, đang là nữ sinh cấp 3 trường Đồng Khánh (Huế) đã là nàng thơ của Trịnh Công Sơn. Mối tình kéo dài từ năm 1964 đến 1967, chất chứa biết bao hoài niệm. Chúng tôi xin giới thiệu một bức thư tình tuyệt hay của Trịnh gửi Dao Ánh…
..........
Ngô Vũ Dao Ánh (lúc 16 tuổi) và Trịnh Công Sơn thời trẻ (Ảnh do gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cung cấp)
Mối tình Dao Ánh và Trịnh Công Sơn đã được viết thành sách vừa xuất bản gần đây có tên “Trịnh Công Sơn- thư tình gửi một người”. Cuốn sách in hàng trăm thư tình Trịnh Công Sơn gửi cho Dao Ánh, mối tình kéo dài từ năm 1964 cho đến 1967.
Lúc đó, Trịnh Công Sơn đang đi dạy trên B’lao (Lâm Đồng) mới 25 tuổi sau khi tốt nghiệp Sư phạm Quy Nhơn và Dao Ánh đang là cô nữ sinh 16 tuổi học tại Huế. Nhiều ca khúc nổi tiếng được Trịnh Công Sơn viết tay tặng riêng cho Dao Ánh trong thư như Còn tuổi nào cho em, Tuổi đá buồn, Mưa hồng…
Mới đây, bà Dao Ánh đã gửi tặng Gác Trịnh (Huế) bức thư tình của Trịnh Công Sơn gửi bà năm 1965. Trịnh Công Sơn với vốn ngôn ngữ tài hoa đã làm rung động tận tâm can bao nhiêu thế hệ nghe nhạc. Một lần nữa, những ngôn ngữ tài hoa ấy lại chảy tràn trên những trang thư tình lãng mạn.
Chúng tôi xin được trích đăng lại bức thư tình của nhạc sỹ tài hoa Trịnh Công Sơn (với sự đồng ý của ban quản lý Gác Trịnh) để những ai yêu mến Trịnh thêm một lần được chạm tới tâm hồn ông…
B’lao, 23 tháng 9/ 1965
Ánh
Buổi trưa anh không ngủ được nên lang thang ra phố. Mưa nhỏ rồi lớn dần đuổi anh về đây. Anh đang ngồi ở câu lạc bộ sát bờ hồ. Bờ hồ bây giờ đã điêu tàn lắm. Người ta đã chặt bỏ những cây khô sống bao nhiêu năm nay trong hồ. Có một vài chỗ nước rút xuống chỉ còn bùn đen.
Buổi chiều gió thật lạnh. Anh đã mặc áo ấm suốt ngày ở đây.
Anh nhớ Ánh lắm mà ngôn ngữ thì quá chật hẹp, quá cũ kỹ không chuyên chở nổi sự nhớ nhung này. Nên anh đã nói đã nhắc mãi mỗi ngày mà vẫn chưa đỡ nhớ tí nào.
Ngồi ở đây nhìn ra từng ô cửa kính rất lớn anh mơ hồ thấy mình như lạc về một vùng đất nào mới sơ khai. Cả thành phố chỉ xanh rì những cây cối và từng khoảng đất đỏ.
Hiện giờ ở Tỉnh đang có một buổi văn nghệ sẽ tổ chức vào cuối tháng. Anh phụ trách chương trình này nên bây giờ vẫn còn được rỗi rảnh không làm việc gì cho đến cuối tháng.
Anh nhớ Ánh lạ lùng đó Ánh. Mà Ánh thì chỉ mong anh chóng đi xa, anh nghĩ thế. Mùa thu hầu như không có trên miền này. Ở đó lá đã bắt đầu vàng chưa Ánh.
Bức thư tình Trịnh Công Sơn gửi Dao Ánh
Bức thư tình Trịnh Công Sơn gửi Dao Ánh

Những bụi bờ dọc theo những con dốc đất đỏ ở đây anh vừa đi qua ban sáng và thấy lá của hoa mặt trời xanh um. Anh ngắt gửi về Ánh một ngọn. Hoa thì vẫn chưa nở. Có lẽ đợi hôm nào có mặt trời thì hoa mới bắt đầu hiện diện và cũng là mùa mà anh đã gọi là mùa sinh nhật của hướng dương.
Anh đang nhớ thầm về những buổi chiều thứ năm ở đó. Chỉ mới có vài ngày mà tưởng chừng như ngàn đời qua đi trên anh. Anh chợt nghĩ rằng cuộc đời buồn bã như thế này sao chúng mình không tha thiết với nhau hơn.
Những ai chưa bao giờ đi, chưa bao giờ sống qua nhiều nơi, sống qua những ngày mưa ngày nắng trên bao nhiêu vùng đất khác nhau, chưa bao giờ nhìn sâu vào bên sau của con người thì hẳn mới còn đua đòi vào những hời hợt nhạt nhẽo của đời sống được.
Buổi trưa trời âm u và hơi lạnh.
Anh vẫn không thể nào không thấy sự lạc lõng của mình nơi đây.
Ở trường Đồng Khánh giờ này chắc Ánh đang mài miệt với những bài vở mới. Sân trường đã có những cây hoa vàng, tím mọc nhoi lên trên từng bãi cỏ xanh. Đúng không. E cũng phải mất đến hằng mấy tháng anh mới tạm ổn mình được vào với thành phố này lại.
Bức thư tình Trịnh Công Sơn gửi Dao Ánh

Bây giờ anh không còn làm người gác hải đăng, Ánh cũng thôi làm người mang lửa. Chúng mình làm sao níu cho được tay nhau trong suốt mùa Đông này?
Cơn mưa như thác đổ ngoài trời. Đồi trà bây giờ mù mịt không còn thấy gì.
Anh đang có Ánh – tuổi – nhỏ trước mặt trong chiếc hộp nhỏ anh mang theo đó.
Mưa rất buồn. Như một điệp khúc dai dẳng trong mấy tháng mùa Đông này.
Ánh ơi
Nếu còn sự yêu thương và nhớ nhung nào trong Ánh thì hãy gửi làm quà cho anh để anh coi thường những tháng ngày ẩm mục nơi đây
Nhớ vô ngần
Thân yêu, yêu dấu
Trịnh Công Sơn (ký tên)
..........

Anh Cường thân mến, như đã hứa với anh, xin gửi anh đem về chút quà nhỏ, đóng góp của Ánh cho căn nhà lưu niệm Trịnh Công Sơn ở Huế. Những dấu tích anh Sơn còn để lại đó cùng khắp, trong căn nhà đó, bên dòng sông đó, và trên con đường có lá lao xao suốt mùa thuở đó. Căn nhà này đúng là nơi đáng được gìn giữ dài lâu là căn nhà xưa của Trịnh Công Sơn” – lời của Ngô Vũ Dao Ánh gửi Đinh Cường ngày 20/10/2013 vừa qua về lá thư kỷ niệm viết tay (Trịnh Công Sơn gửi cho Dao Ánh tháng 9/1965), bà gửi tặng lại bức thư này cho Gác Trịnh.
..........Thư Trịnh Công Sơn gửi Dao Ánh tháng 9/1965 được Dao Ánh lưu giữ cẩn thận gần 50 năm qua.

Thứ Bảy, 25 tháng 10, 2014

Thư giãn cuối tuần : Thiên nhiên cũng sexy ?

Những kỳ quan khiến người xem phải đỏ mặt

Những tuyệt tác của tạo hóa có thể sẽ làm các cô gái phải thẹn thùng còn các chàng trai thì tim đập rộn ràng…

Núi "gò bồng đào "
Núi gò bồng đảo hay còn gọi là “Song nhũ phong” nằm ở tỉnh Quý Châu, ở phía tây nam Trung Quốc có độ cao 1265 mét so với mực biển, bốn bề phong thủy hữu tình.
"Song nhũ phong" có hình dáng rộng và khum tròn ở phía dưới, thu hẹp dần ở phía trên và có hai khối đá tròn lớn tọa lạc trên đỉnh giống như bầu ngực đầy đặn trời sinh của người phụ nữ.
Những kỳ quan khiến người xem phải đỏ mặt - 1
Những kỳ quan khiến người xem phải đỏ mặt - 2
Song nhũ phong
Đặc biệt hơn, nếu ngắm nhìn Song nhũ phong từ nhiều góc độ khác nhau, du khách tinh mắt sẽ cảm nhận được sự thay đổi diệu kỳ của “đôi gò bồng đảo” này.
Nếu đứng trên đài quan sát, "Song nhũ phong" hiện lên như đôi bầu ngực e ấp, tràn đầy sức sống của cô thiếu nữ 20 tuổi. Khi thay đổi khoảng cách 500 mét so với đài quan sát, "Song nhũ phong" lại giống như bầu ngực của người phụ nữ đang bước vào tuổi hồi xuân đầy đặn, căng tròn. Cứ như vậy, "Song nhũ phong" sẽ dần thay đổi hình dáng theo nhiều góc độ khác nhau.
Theo các nhà khảo sát, "Song nhũ phong" là tuyệt phẩm "có 1 không 2" trên thế giới. Nó còn được người dân tộc Bố Y nơi đây gọi là Thánh Mẫu Phong, bởi những mảnh đất xung quanh chúng vô cùng màu mỡ, đem lại cuộc sống ấm no, đầy đủ cho người dân từ bao đời nay.

Cặp núi đá âm dương Đan Hà Sơn Thiệu Quan

Những kỳ quan khiến người xem phải đỏ mặt - 3
Dương nguyên thạch
Nằm trong khu di sản thiên nhiên thế giới Đan Hà Sơn thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, cặp đá âm dương này khiến người xem đi thực sự “sốc” vì hình dáng của chúng.
Đầu tiên phải kể đến Dương nguyên thạch, với hơn 30 nghìn năm lịch sử. Dương nguyên thạch hiện lên một cách sống động đến từng chi tiết hình ảnh của người đàn ông, sừng sững, hiên ngang hướng thẳng lên trời,  khiến những du khách đặc biệt là du khách nữ không khỏi bất ngờ, thích gthú.

Những kỳ quan khiến người xem phải đỏ mặt - 4
Âm nguyên thạch
Tuy nhiên tạo hóa cũng khéo sắp đặt, cách Dương nguyên thạch không xa năm 1998 người ta phát hiện ra Âm nguyên thạch cao khoảng 10,3 mét, rộng 4,8 mét.
Âm nguyên thạch nép mình trong sơn cốc kín đáo, có màu hồng, tường đá nhẵn nhụi, ở giữa hình thành khe động nhỏ phía trên hẹp phía dưới rộng, được bao phủ bởi các loại cây cỏ và rêu xung quanh.
Dương nguyên thạch và Âm nguyên thạch một dương một âm, bên cương bên nhu, bên lớn bên nhỏ vừa hay thành một cặp sống mãi với thời gian.
Thu Huệ (Theo Qiwen8) (Khampha.vn)

KỲ TÍCH SÔNG HÀN. NHÌN LẠI SÔNG HỒNG?

Calathau : Một bài viết ngắn, dễ hiểu về một bài học lớn, một tấm gương lớn nhưng không dễ học theo nếu không có những trái tim nồng nàn yêu nước và những bộ óc lớn !

Theo bạn, điều gì tạo ra "kỳ tích sông Hàn"?
Tại sao chưa có "kỳ tích sông Hồng"? Bài viết sưu tầm trên facebook. 
Đọc xong, thấy muốn khóc. Thương mình, thương cả dân tộc mình. 
- Trương Thành Sơn

Tổng thống Park Geun Hye (con gái của Tổng thống đầu tiên Hàn Quốc Park Chung Hy - người đặt nền móng cho Kỳ tích sông Hàn).Trong bài phát biểu tại lễ nhậm chức của mình, bà Park đã kêu gọi nhân dân cùng với chính phủ cùng nỗ lực để mở ra “một kỷ nguyên mới của hy vọng và hạnh phúc”.

Thập niên 60, Hàn Quốc là 1 trong những nước nghèo đói nhất châu Á. Năm 1968, người Hàn quyết định thay đổi giáo dục bằng cách bê nguyên sách giáo khoa của người Nhật về dịch sang tiếng Hàn và giảng dạy, ngoại trừ các môn xã hội như địa lý, lịch sử và văn học. Lúc đó cũng có nhiều người chỉ trích vì tính sĩ diện của người Hàn Quốc rất cao, lẽ nào lại không tự soạn được một bộ sách giáo khoa. Nhưng họ vẫn quyết tâm thực hiện, vì để có chương trình giáo dục đó, người Nhật đã mất cả trăm năm cải biên từ cách đào tạo của giáo dục phương Tây phù hợp với đặc trưng châu Á, bắt đầu từ thời Minh Trị Thiên Hoàng. Để rút ngắn thời gian, chẳng có cách nào ngoài việc lấy kinh nghiệm của người khác, để còn lo việc khác nữa. Vì Hàn Quốc muốn trở thành một bản sao mới của Nhật, nền kinh tế dựa trên lòng tự hào dân tộc, tính kỷ luật và đạo đức của toàn thể xã hội.

Đúng 20 năm, đến 1988, Hàn Quốc đăng cai Olympic Seoul, cả thế giới không ai tin vào mắt mình khi thấy kỳ tích bên bờ sông Hàn lại khủng khiếp như thế. Ô-tô, xe máy, dệt nhuộm, hoá chất, đóng tàu, điện tử, bánh kẹo...bên Nhật có cái gì thì bên này có cái đó, dù dân số chỉ bằng 1/3. Không ai biết trong 20 năm đó, cả dân tộc Hàn Quốc đã nắm chặt tay với quyết tâm thoát nghèo như thế nào. Trên tivi chỉ có 2 chương trình là "dạy làm người" và "dạy làm ăn", từ cái văn minh nhỏ xíu như nụ cười của một nhân viên bán hàng, đến cách quản lý chi phí của một quán cà phê, đến cách tạo dựng một nhà máy. Từ một dân tộc "xin việc", tức các doanh nghiệp nước ngoài đến đặt nhà máy tại Hàn và thuê lao động Hàn, Hàn Quốc bắt đầu khan hiếm lao động và trở thành dân tộc đi "cho việc", tức xây dựng các nhà máy ở nước ngoài và hàng triệu người Trung Quốc, Thái Lan, Philippines đứng xếp hàng xin các ông chủ Hàn Quốc cho họ việc làm. Hàn Quốc đã thành công trong việc tiếp nối Nhật Bản thành dân tộc đi cho việc người khác.

Năm 1988, pháo hoa thắp sáng 2 bờ sông Hàn, người Hàn Quốc ôm nhau và cười trong nước mắt, hơn 100 quốc gia giàu có nhất trên thế giới miễn visa cho họ, Hàn Quốc giờ đây đã bước chân vào nhóm 24 quốc gia thịnh vượng nhất loài người. Nhưng thách thức mới lại xuất hiện, vì bây giờ không phải là Nhật Bản nữa, mà là Hồng Công và Singapore, 2 cực hút nam châm của cả châu Á về tài chính, thương mại và giải trí. Phim Hồng Công tràn ngập thị trường và không có đối thủ. Người Hàn tuyển chọn ngay 2000 sinh viên ưu tú nhất, cử sang Holywood, điên cuồng học hành, từ đạo diễn, diễn viên, phục trang đạo cụ ...4 năm sau tốt nghiệp, năm 1992, những bộ phim Hàn Quốc đầu tiên ra đời như Cảm xúc, Mối tình đầu, Hoa cúc..với một thế hệ diễn viên đẹp từng milimet và hợp nhãn người châu Á. Ngành làm phim phối hợp với ngành thời trang, mỹ phẩm và hàng tiêu dùng, bắt đầu xâm nhập vào các thị trường. Đại sứ quán Hàn Quốc tại các nước có nhiệm vụ dịch thuật ra tiếng địa phương và tặng không cho các đài truyền hình, tạo ra làn sóng Hanluy nổi tiếng. Người Nhật điên cuồng, người Trung Quốc điên đảo, các nước Đông Nam Á thì chỉ biết ụ pa ơi, ụ pa hỡi. Phim Hongkong bị đá văng ra khỏi thị trường cho thuê băng đĩa.

Năm 1988, ngoài 2000 người đi Holywood để xây dựng công nghiệp điện ảnh, ngần ấy người được cử đi Milan và Paris để học về thời trang, mỹ phẩm. Các tập đoàn như xe Kia, Samsung, Hyundai còn thuê cả ê-kip thiết kế của các hãng xe Đức như Mercedes, BMW làm việc cho họ, với tham vọng xuất khẩu xe sang Mỹ và châu Âu. Muốn bán cho Tây thì bao bì nhãn mác phải có óc thẩm mỹ của Tây, chứ kiểu "tròn tròn xinh xinh" của dân châu Á, tụi Tây không thích, không bán được. Có những năm, những mẫu xe của Hyundai bán chạy nhất ở Bắc Mỹ và châu Âu. Người Mỹ bắt đầu nhìn người Hàn với ánh mắt khác, ngưỡng mộ và ngạc nhiên, thích thú.

Ngoài ra, những sinh viên giỏi toán nhất được hướng theo ngành tài chính ở các đại học lớn ở Mỹ, với tham vọng Seoul thành một London, New York. Các quỹ đầu tư ra đời, tự tìm kiếm các nhà máy mới khởi nghiệp be bé để rót tiền vào, tham gia vào quản trị. Không chỉ trích, chỉ góp sức góp trí để xây dựng. Một người Hàn giàu có là cả dân tộc Hàn giàu. Hệ thống bán lẻ Lotte phải có nghĩa vụ mang hàng hoá Hàn đi khắp nơi, ông lớn Samsung bắt đầu tuyển dụng những sinh viên giỏi nhất châu Á về cho học bổng thạc sĩ miễn phí với điều kiện tốt nghiệp xong phải mấy năm phục vụ cho họ. Họ gom trí tuệ của cả châu Á để chinh phục thị trường điện thoại thông minh và máy tính bảng, cạnh tranh đối đầu với Apple, đối đầu với cả một tập thể trí tuệ thung lũng Silicone, cứ như Airbus của châu Âu cạnh tranh với Boeing vậy.

Người Hàn Quốc, dù dân thường hay sếp lớn, tất tần tật mọi thứ họ dùng phải Made in Korea, dù lúc sản phẩm kém cỏi còn xấu xí và đầy lỗi của thập niên bảy mươi hay hiện đại tinh xảo như bây giờ. Nếu người tiêu dùng không ủng hộ sản phẩm nhem nhuốc của thời khởi nghiệp, thì doanh nghiệp còn tồn tại đâu mà có sản phẩm tinh xảo sau này?

Tony nhớ lần đi Hàn đầu tiên, mùa thu năm 2005, bà chị ở VN cẩn thận ghi tên mấy nhãn hiệu mỹ phẩm ưa thích của chị ấy cho mình mua giùm. Ở cửa hàng mỹ phẩm, cô bán hàng mặc bộ váy veston đen, chạy như bay lấy hết sản phẩm này đến sản phẩm khác cho Tony xem, đều là của Hàn cả. Do tiếng Anh không nói tốt nên cô cứ giải thích bằng tiếng Hàn đến lúc giọng khàn đặc. Đến lúc Tony lấy tay chỉ hộp phấn Lancom, thì cô thất vọng oà khóc. Cô khóc vì cô đã không thành công khi tình yêu nước của cô không thuyết phục được khách hàng. Tony nhìn cô ấy sững sờ, lẽ nào chỉ là 1 cô gái bán hàng bình thường mà có lòng yêu đất nước mãnh liệt thế sao? Tony thôi bèn mua mấy hộp mỹ phẩm của Hàn, dù chẳng biết có tốt không, vì kính phục quá. Lúc Tony bước ra khỏi cửa hàng, ngoái lại vẫn thấy cổ gập đầu cung kính.

Ngoài phố, gió bắt đầu lạnh, từng tốp học sinh chạy tập thể dục rầm rập trên vỉa hè, những chiếc áo khoác thêu cờ quốc gia ở sau lưng. Và Tony biết, sau lưng của mỗi công dân luôn là tổ quốc.
-------------------------------------------------------------------
Cám ơn Kháng Chiến đã cung cấp bài viết này .


Thứ Năm, 23 tháng 10, 2014

Mời đọc 2 ý kiến trái chiều về đại tướng - BTQP Phùng Quang Thanh .

Vâng, xung quanh những ý kiến của đại tướng, Bộ trưởng QP Phùng Quang Thanh đánh giá chuyến công cán China của ông thu được thắng lợi rực rỡ đã tạo ra phản ứng trái chiều trong công luận. Các cụ Làng ta chê nhiều ( chả biết có ai khen không ?), chưa thấy khen ( Nếu có xin giơ tay phát biểu ) . 
Trong khi chờ đợi mời đọc 2 ý kiến Mõ tôi vừa "vớt" được trên mạng :  

KHEN : Chớ lo, Tướng Thanh bản lĩnh đầy mình !
Một bạn đưa cho mình một trang FB của một lều báo Tuổi Trẻ có nick là sứt hay mẻ gì ấy. Trên trang cá nhân, bạn ấy bày tỏ sự thất vọng về cách trả lời, ứng xử của ông Phùng Quang Thanh - Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng.
Hãy khoan nói về thái độ của bạn ấy. Mình chỉ nói một số quan điểm cá nhân như thế này.
Ông Phùng Quang Thanh tham gia trong Quân đội từ năm 1967, sau 4 năm chiến đấu tại chiến trường miền Nam ông đã giữ chức vụ Đại đội trưởng và được phong danh hiệu Anh hùng LLVTND, lúc này ông ấy mới có 22 tuổi. Như vậy, đủ hiểu rằng ông ấy là một con người có bản lĩnh, trình độ, sự dũng cảm như thế nào.
Từ 1996 – 2001 ông Thanh giữ chức Tư lệnh Quân khu 1. Giai đoạn này là lúc bạn sứt mẻ nào đấy đang lê lết ở giảng đường Đại học. Nhưng đối với Đảng, Nhà nước, quân và dân các tỉnh biên giới là giai đoạn cực kỳ căng thẳng trong quá trình đàm phán, ký kết và cắm mốc phân giới khu vực biên giới trên bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Là tư lệnh khu vực phía Đông Bắc, tướng Thanh là người trong cuộc đồng thời thừa hiểu những biện pháp đấu tranh cả mềm mỏng và cứng rắn trong trận chiến không có mùi thuốc súng này. Gọi đó "trận chiến không có mùi thuốc súng" thì các bạn sẽ hiểu sự căng thẳng và khốc liệt của nó như thế nào trong việc giành dân, giữ đất khu vực biên giới phía Bắc. Cuộc chiến này là sự đấu tranh kiên quyết, bền bỉ, nhất quán về quan điểm giữ vững chủ quyền mà chỉ những người có tham gia mới có thể hiểu biết được thực tế những gì đã xảy ra. Đó là trí tuệ, là mồ hôi xương máu của biết bao nhiêu con người đã đổ xuống để giữ vững chủ quyền của Tổ quốc.
Nên nhớ rằng, sau khi ông Phùng Quang Thanh giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thì Việt Nam triển khai hàng loạt thương vụ mua bán vũ khí, chú trọng nâng cao phòng thủ hướng biển. Bởi giữa Việt Nam và Trung Quốc xảy ra 3 vấn đề tranh chấp lớn về đường biên giới bao gồm: " Đường biên giới trên bộ" "Phân định vịnh Bắc Bộ" và "phân định ranh giới trên biển Đông", trong đó hiện nay còn tồn tại vấn đề "Phân định ranh giới trên biển Đông". Nếu là một người có kiến thức nhất định về vấn đề biên giới, thì với đường biên giới mở của Trung Quốc (đường 9 đoạn đứt quãng), như vậy Trung Quốc sẵn sàng khiêu khích nhằm tạo ra một cuộc chiến tranh biển, qua đó, họ sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp; một kiểu: dùng lửa hàn kín đường biên giới biển.
Đánh giá tiềm lực quân sự Việt Nam, đặc biệt là phòng thủ biển so với Trung Quốc để rồi lúc nào cũng đòi lên gân với Trung Quốc thì là cái dũng của kẻ thất phu. Không khác con bò tót lúc nào cũng nhìn thấy cái tấm khăn đỏ mà lao vào. Một cuộc chiến tranh xảy ra là liên quan đến hàng vạn sinh mạng của nhân dân là sự tụt hậu về kinh tế. Và điều ấy, người viết bài này có thể khẳng định là các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội không hề muốn. Việc mềm mỏng trong ngoại giao nhằm hạn chế thấp nhất những khả năng có thể xảy ra xung đột như ông cha ta đã từng nói "Một điều nhịn, chín điều lành". Song song với việc đó là sự chuẩn bị cho chiến tranh để giữ gìn hoà bình: "Biết địch biết ta trăm trận trăm thắng". Sự mềm mỏng, kiên trì trong đàm phán ngoại giao, đồng thời chuẩn bị tích cực sẵn sàng đấu tranh giữ vững chủ quyền nhằm hạn chế thấp nhất những hậu quả khi có tình huống xấu xảy ra là phù hợp với khả năng và điều kiện của Việt Nam. Người Việt Nam chỉ cầm súng đứng lên khi bị dồn vào bước đường cùng.
Các bạn lều báo nên nhớ đến những điều trên và khi muốn chê bai bất cứ một chủ trương chính sách nào của Đảng, Nhà nước và Quân đội cho dù trên truyền thông hay cá nhân thì hãy nghĩ đến chính bản thân bạn và gia đình trước khi có chuyện xảy ra. Nên nhớ, sự tàn phá của chiến tranh chính các bạn, người thân và người dân ngoài xã hội mới phải chịu trước, sau đó mới đến các nhà lãnh đạo cao cấp. Thế nên, nếu không hiểu, không biết thì tốt nhất là im lặng. Không ai chê trách khi mình không thể hiện cái sự "nghĩ ngắn" ra ngoài.

 CHÊ : lệch chuẩn " Kim chỉ nam !"
Tôi cho rằng hình như ông Thanh đã "mềm dẻo" vượt quá ngưỡng "nguyên tắc bất di bất dịch" Tức là nguyên tắc "Dĩ bất biến ứng vạn biến" mà chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhắc nhở làm "kim chỉ nam" cho mọi hoạt động đối nội , đối ngoại .Cụ thể cái "bất biến" ở đây chính là nguyên tắc "chủ quyền biển đảo của VN là không thể mang ra đổi chác ,thỏa thuận  hoặc thay đổi cách nhìn nhận". Thật đáng lo ngại vì sự "mềm dẻo" (?) của ông Thanh_Dù chỉ mới biểu lộ qua phát biểu với báo chí trong nước ngay đầu kỳ họp quan trọng của QH_cũng đã khiến quân và dân VN băn khoăn , phân tâm lo lắng. Tại sao vậy?Tại vì ông Thanh chính là ông đại tướng bộ trưởng bộ QP của chúng ta!
Tôi nghĩ: Dù trong hiện tại chúng ta chưa đủ sức ngăn chặn tức khắc việc TQ xây dựng trái phép các căn cứ tiến công trên lãnh thổ của VN thì ít nhất ông Đại tướng-Bộ trưởng cũng phải lên tiếng phản đối và yêu cầu TQ dừng ngay các hành động đó _Dù cho "bạn" TQ "nồng hậu -trọng thị -hữu nghị" đến đâu chăng nữa trong chuyện họ tiếp đón cũng ...mặc kệ! Rồi, thêm một lần nữa ông cần khẳng định rõ ràng với họ rằng: Chủ quyền của VN đối với Hoàng sa và Trường sa là không thể thay đổi . Mặc cho "bạn" có "trọng thị -hữu nghị" đón tiếp gấp ngàn lần như thế chăng nữa thì ông vẫn cần phải nói rõ điều ấy bằng mọi cách có thể . Ông không được quên, ông là người đại diện cho đất nước "đi sứ" và chỉ duy nhất vì quyền lợi tối thượng của đất nước .Mọi lời nói của ông dù mềm mỏng linh hoạt thế nào cũng phải bộc lộ ý chí nguyện vọng của dân tộc VN đối với sự vẹn toàn của lãnh thổ .Phải không được để "nhục mệnh Dân" (Ngày xưa là ko để "nhục mệnh vua").Ông hãy soi vào cách Bác Hồ hội đàm với giặc PHÁP NGÀY XƯA KHI TA TA Ở THẾ CÔ ĐỘC NON KÉM TOÀN DIỆN  mà  Hồ Chí Minh vẫn không  một lời có tính nhân nhượng mơ hồ vô nguyên tắc với chủ quyền đất nước.Sự "nồng hậu " của TQ(nếu có) thì chỉ là sự cảm ơn , cảm nhận cá nhân của ông đối với họ mà thôi. Điều này ko thể được trở thành ấn tượng cho công việc quốc gia  mà ảnh hưởng đến quan điểm hòa đàm.Rồi sau đó ,khi kết thúc chuyến "thăm" , lúc phát biểu với nhân dân nước nhà . Với vai trò trách nhiệm của bộ trưởng QP. Với ý thức chính trị của một chính khách cao cấp ,ông Thanh cần phải chọn cách nói, ý nói sao cho phù hợp với vai trò của người đang được nhân dân ủy thác dẫn dắt quân đội bảo vệ Tổ quốc trong tình hình rất "nhạy cảm" hiện nay . Ông ko thể nhắm mắt ko nhận ra những "tế nhị nhạy cảm" trong nhân dân đối với quan hệ VN-TQ !Ông không được để cho sự phấn khích cá nhân vì được TQ đón tiếp “trọng thị -hữu nghị”(?) mà có những phát biểu mang nặng dấu ấn cảm tính chủ quan.Làm mờ đi vấn đề chủ quyền và an ninh quốc gia đang bị TQ đe dọa rất nghiêm trọng như ta đã thấy rất rõ qua bài tường thuật cuộc PV ĐÃ ĐĂNG CHI TIẾT TRÊN NHIỀU TỜ BÁO LỚN.
Tôi nghĩ: Dù ông đang ở vị trí rất cao nhưng cao đến đâu ông cũng chỉ là một “công bộc” của nhân dân. Ông ko phải là một ông "thần" dù quá khứ ông có thể là một "công thần" .Khi ông có dấu hiệu “vượt ngưỡng” thì ông rất cần được nhân dân phê phán và  cảnh tỉnh!
-------------------------------------------------------------
Nguồn Blog " Dọc bằng đòn gánh" (23/10/2014)

Thứ Tư, 22 tháng 10, 2014

Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Nga Vladimir Putin cãi nhau ?

Trần Trí (theo Wall Street Journal, Reuters)/ Một thế giới
Bà Merkel chỉ đường đến phòng họp cho ông Putin
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Nga Vladimir Putin cãi nhau, nên các lãnh đạo Nga và phương Tây chẳng đạt được tiến bộ nào trong cuộc nói chuyện tìm cách giải quyết khủng hoảng Ukraine vào tối 17.10.

 Tại cuộc họp bên lề hội nghị thượng đỉnh ASEM ở Milan (Ý), diễn ra cuộc đối thoại cộc lốc giữa ông Putin với bà Merkel, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Ý Matteo Renzi, Thủ tướng Anh David Cameron, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko.

Ông Putin nói việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea (từng thuộc Ukraine) hồi tháng 3 là hợp pháp, nhưng bà Merkel phản đối, theo một quan chức EU thuật lại với báo The Wall Street Journal:.

“Bà Merkel khiển trách cựu điệp viên KGB ngay trước mặt các lãnh đạo khác,nhắc ông phải nhớ thỏa thuận Budapest 1994, trong đó Nga công nhận chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine gồm Crimea".
 
Tại cuộc họp báo sau đó, bà Merkel nói “Về vấn đề này, tôi không thể thấy có bất kỳ sự đột phá nào”, ám chỉ những bất đồng trong việc áp dụng thỏa thuận ngưng bắn và kế hoạch hòa bình mà chính phủ Ukraine và phe đòi ly khai ở miền đông nước này đã đạt được ngày 5.9 tại Minks (Belarus).

Bà nói sẽ còn phải bàn về chuyện này, nhất là việc lãnh thổ Ukraine liên tục bị xâm phạm.

Ông Putin thì nhiều lần nói các tay súng ly khai ở miền đông Ukraine là “đại diện của Nước Nga mới”,một thuật ngữ thời Sa hoàng Nga để chỉ những vùng lãnh thổ lớn nay là miền đông và miền nam Ukraine.

Ông cũng nói cả quân chính phủ Ukraine và quân ly khai phải chịu trách nhiệm việc liên tục vi phạm thỏa thuận ngưng bắn trong vài tuần gần đây. 
Cuộc họp bên lề của lãnh đạo phương Tây và Nga

Người phát ngôn Dmitry Peskov của Điện Kremlin nói: “Hoàn toàn không có thiện chí khách quan từ một số lãnh đạo tham gia cuộc họp. không có sự linh động ngoại giao nào nào, toàn thiên vị. Cuộc nói chuyện toàn những bất đồng và hiểu lầm”.

Các lãnh đạo phương Tây đều nói Nga cần tăng sự giúp đỡ để thỏa thuận ngưng bắn được tuân thủ nhằm kết thúc hẳn cuộc nội chiến Ukraine.

Những nhà lãnh đạo châu Âu không hề có dấu hiệu nào về sự đồng ý dở bỏ lệnh cấm vận Nga.

Chỉ có chút tiến bộ về vấn đề giám sát biên giới Nga-Ukraine và “vùng đệm” phi quân sự giữa quân Ukraine với quân ly khai: Ý, Ukraine, Nga đồng ý cùng Pháp và Đức cung cấp máy bay không người lái cho Tổ chức An ninh-hợp tác châu Âu (OSCE) giám sát lệnh ngưng bắn.

Nhưng Nga và Ukraine đạt được tiến bộ trong việc xử lý bất đồng về việc Nga bán khí đốt cho Ukraine chí ít cho mùa đông sắp đến. Thỏa thuận này có được sau cuộc gặp riêng giữa ông Putin với ông Poroshenko, sẽ cho phép mở lại nguồn cung khí đốt cho Ukraine (bị Nga cắt hồi tháng 6).

Ông Putin cũng bảo đảm nguồn cung cho các khách hàng châu Âu trước khi nguồn cầu tăng cao trong những tháng mùa đông khiến kho trữ bị cạn. Nhưng ông đề nghị các nước châu Âu giúp Ukraine trả cho Nga món nợ 4,5 tỷ USD tiền mua khí đốt.
Tuần tới sẽ còn những cuộc đối thoại về vấn đề này.

Ông Putin bắt tay ông Poroshenko

Thứ Ba, 21 tháng 10, 2014

Nối giáo cho giặc, tội gì ?

Thường Vạn Toàn  tiếp Phùng Quang Thanh
Ông này mà còn làm Bộ trưởng bộ Quốc phòng thì VN mất nước như bỡn ! ( nghe lỏm ở quán bán báo ngoài ngõ )
Và trên Blog của mình, Trưởng thôn Khoai Lang bình : Trong khi Bộ Ngoại giao, báo chí, các chính khách trong nước lên án sự gây hán, xây dựng của Trung Quốc trong vùng biển đảo của Việt Nam thì ông Bộ trưởng Quốc Phòng nước ta lại nhỏ nhẹ nói rằng, Trung Quốc xây dựng và ta cũng xây dựng, có điều họ giàu họ xây to, ta nghèo ta xây nhỏ, ông nói thế tức là mặc nhiên ông cho rằng Trung Quốc đang xây dựng trên biển đảo chủ quyền của họ?

"Hứa thì bạn không hứa (giữ nguyên trạng-PV) nhưng nói chung hai bên đều thống nhất phải thực hiện DOC".

Đó là thông tin Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh chia sẻ bên hành lang Quốc hội sáng 20/10 về việc Trung Quốc tiến hành nhiều hoạt động xây dựng trên khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đây là một trong những nội dung được ông đề cập đến trong cuộc gặp với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn ngày 17/10 vừa qua tại Bắc Kinh.
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh khẳng định, phía Trung Quốc đón tiếp đoàn đại biểu quân sự cấp cao của Việt Nam rất nhiệt tình, trọng thị, chu đáo và rất hữu nghị.

Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Phùng Quang Thanh"Chúng tôi thống nhất với nhau là tranh chấp thì phải giải quyết bằng biện pháp hoà bình, còn quân đội thì phải kiểm soát được tình hình trên biển, hết sức tránh việc sử dụng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực và tránh không để xảy ra xung đột và va chạm vũ trang trên biển.
Hai bên thống nhất với nhau ký một bản ghi nhớ về kỹ thuật để thiết lập đường dây liên lạc thường xuyên trực tiếp giữa hai bộ trưởng Bộ Quốc phòng để khi có tình huống, va chạm, vụ việc xảy ra trên biển thì hai bên có thể gọi nhau để trao đổi được với nhau, kiểm soát cho được những diễn biến trên biển, tránh xung đột. Hai bên cũng thống nhất với nhau là phải kiểm soát tốt biên giới để xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển lâu dài, tạo điều kiện tối đa cho nhân dân hai nước đi lại, giao thương, làm ăn hợp pháp", Đại tướng Phùng Quang Thanh cho biết.

Về việc Trung Quốc đốc thúc nhiều hoạt động xây dựng trên khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nói rằng Trung Quốc ghi nhận ý kiến của phía Việt Nam:
"Chúng tôi có trao đổi là giờ phải giữ nguyên hiện trạng, trên Biển Đông phải thực hiện cho đầy đủ DOC. Tinh thần, quan điểm chung là không mở rộng khu vực tranh chấp. Khi trao đổi với bạn, nói chung bạn ghi nhận ý kiến của phía Việt Nam".
Trước câu hỏi của phóng viên về việc Trung Quốc có đưa ra cam kết hay lời hứa nào về việc giữ nguyên trạng, Đại tướng Phùng Quang Thanh cho biết:
"Hứa thì bạn không hứa nhưng nói chung hai bên đều thống nhất phải thực hiện DOC – nghĩa là không mở rộng, làm phức tạp thêm tranh chấp. Còn hiện nay trên biển, nói thật là các bên đều có hoạt động xây dựng. Đài Loan cũng xây dựng, Philippines cũng tiến hành xây dựng đường băng, Malaysia có xây dựng và Việt Nam cũng có hoạt động xây dựng. Đó đều là các hoạt động tôn tạo, nâng cấp, mở rộng và tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, cho các lực lượng đóng quân trên đảo để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão, đảm bảo điều kiện sinh hoạt trên đảo. Tuy nhiên nguồn lực của ta còn có hạn nên việc xây dựng quy mô chưa lớn như Trung Quốc".

Người đứng đầu Bộ Quốc phòng cũng cho rằng, việc các nhà nghiên cứu cho rằng hướng xây dựng của Trung Quốc là để hình thành một căn cứ quân sự tấn công chỉ là dự báo mà thôi, "chứ đương nhiên bên nào mà tiến hành xây dựng thì đó cũng là một căn cứ quân sự cả".
"Quan trọng là phải thống nhất với nhau giữ cho được môi trường hoà bình, ổn định, hợp tác, tránh dùng vũ lực", ông nhấn mạnh.
(Lược theo Dân Việt)

Mốt hoành tráng và “đất nước của những cái lạ”

Nước Việt có thể tiếp cận thế giới hiện đại hay vẫn một mình một chợ, không bước kịp với văn minh nhân loại?
Phần I
Nợ xấu còn chưa qua, nợ công đã… sồng sộc đến!

Số liệu công bố mới nhất của Chính phủ cho thấy đến hết năm 2014, nợ công dự kiến lên đến 60,3% GDP và đến cuối năm 2015 đạt mức 64% GDP (Người lao động, ngày 14/10). Nợ công, là tổng giá trị các khoản tiền mà Chính phủ (từ TƯ đến địa phương) đi vay hỗ trợ cho các khoản thâm hụt ngân sách. Để hiểu được tính chất quy mô nợ công, người ta thường đo khoản nợ này bằng bao nhiêu phần trăm so với tổng sản phẩm quốc nội (GDP)
Cũng tính đến 09 giờ ngày 14/10, đồng hồ nợ công toàn cầu trên trang The Economist.com cho biết, nợ công của VN ở mức trên 84,607 tỷ USD. Bình quân nợ công theo đầu người là 933,41 USD/ người. Nợ công đến thời điểm này, chiếm 47,3% GDP, tăng 10,6% so với năm 2013.
Đáng chú ý, theo Ngân hàng thế giới (WB) năm 2013, GDP bình quân đầu người của VN là 1.910 USD/ người.
Ấn tượng trong tuần, mốt hoành tráng, đất nước, cái lạ, Kỳ Duyên, từ chức, văn hóa
Ảnh minh họa: Khều
Trong khi đó, theo Ngân hàng Nhà nước VN, nợ xấu (là các khoản tiền ngân hàng cho các doanh nghiệp vay, mà không thể thu hồi lại được, do doanh nghiệp đó làm ăn thua lỗ hoặc phá sản) ở thời điểm tháng 09/2014 là 500.000 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 6/2014, nợ xấu ở mức 4,17%, cao hơn mức 4,07% vào cuối tháng 5/2014 và mức 3,61% cuối năm 2013 (tính trên tổng dư nợ cho vay).
Như vậy cả nợ công và nợ xấu đều có chiều hướng tăng- làm thành một cặp đôi… hoàn hảo trên “vũ trường” kinh tế nước Việt.
Đáng chú ý nữa, mặc dù quy định của Quốc hội thì nợ công -64% - vẫn nằm ở ngưỡng an toàn, nhưng theo các chuyên gia kinh tế, thực chất nó đã ở mức cận kề rủi ro, rất đáng lo ngại. Vì bản chất của nợ công không chỉ nằm ở tỉ lệ % so với GDP, mà quan trọng là cơ cấu nợ, khả năng trả nợ và hiệu quả sử dụng các khoản vay để đầu tư công.
Cứ theo khái niệm bản chất này, thì từ năm 2012, VN đã bắt đầu phải thực hiện vay để đảo nợ, tức là dành một phần vốn vay mới để trả nợ cũ và mức đảo nợ này ngày càng… lớn. Năm 2014 Chính phủ phải vay hơn 70.000 tỉ đồng để đảo nợ. Năm 2015 dự kiến tăng gần gấp đôi, đạt mức 130.000 tỉ đồng. Số tiền lãi phải trả nợ hằng năm cũng đang leo thang (Người Lao động, ngày 14/10)
Thực trạng kinh tế nước Việt với những món nợ công, nợ xấu khiến cho ai nhìn vào những con số “có hồn” biết nói, cũng….ngơ ngẩn sầu.
Chợt nhớ tới câu chuyện thời bao cấp. Có một người đàn bà rất nghèo, thường xuyên phải đi vay tiền nuôi đàn con thơ trứng gà trứng vịt. Mỗi lần đi vay, bà hay mặc chiếc áo cánh phin nõn, gấu áo, cổ áo đều bô đê- mốt áo của những người đàn bà thành phố có của ăn của để thời đó, tay bà đeo chiếc nhẫn vàng (giả) to sụ, trông rất hào nhoáng. Chỉ để cho mọi người có lòng tin rằng bà có đủ khả năng trả nợ.
Chính vì vậy, hiện tượng các địa phương sính mốt thời thượng- xây trụ sở to, hoành tráng bỗng nổi lên, khiến dư luận thêm một lần nổi sóng.
Người Việt mình vốn hay đua nhau theo phong trào. Nhưng cái tâm lý tiểu nông con gà tức nhau tiếng gáy thì muôn đời… truyền thống. Dư luận xã hội cách đây ít lâu xôn xao vụ việc nhà vệ sinh tiền tỷ, dát vàng, trong khi có không ít những bé thơ chân đất, bụng đói đi học. Xôn xao về cái tính "ăn tục" không từ một thứ gì. Nay lại xôn xao kính nể những trụ sở hành chính các tỉnh đua nhau thể hiện mình.


TT hành chính Lai Châu
Nói cho công bằng, diện mạo một địa phương, đương nhiên phải thể hiện được cả cái uy, cái thế, và cả cái “nhân” với nhân gian. Nhưng điều đáng nói, kinh tế nước Việt đang ốm o, kinh tế địa phương nhiều tỉnh còn phải trông vào bầu sữa TƯ, mà thực chất cũng là tiền dân. Thì cái cách chọn thời điểm để thể hiện mình rất không cân xứng với tiềm lực kinh tế đã đành, mà còn đua nhau kiểu phi hoành tráng bất thành Ủy ban?
Thế nên, cả xã hội ngợp trước độ… chịu chơi của các tỉnh.
Đứng đầu tỉnh miền núi phía bắc, phải nói là Lai Châu. Một tỉnh miền núi cao, nghèo nhất nhì cả nước, thu nhập bình quân cũng… rứa. Vậy mà mới đây, Lai Châu hoàn thành Khu hành chính tập trung của tỉnh, với tổng diện tích sàn lên đến 42.000m2 , tổng mức đầu tư 554 tỷ đồng. Và công trình này vừa được tặng “Cúp vàng chất lượng xây dựng VN năm 2010”.
Bình Dương nhất cả nước !
Tỉnh bắc đã vậy, tỉnh nam cũng không kém cạnh. Đến thời điểm này, đứng đầu là trụ sở UBND tỉnh Bình Dương. Với tòa nhà hành chính cao 20 tầng, hai tòa tháp, trụ sở này ngốn 1400 tỷ đồng. Không chịu thua, tỉnh Đồng Nai đang dự kiến xây trung tâm hành chính của tỉnh, với diện tích sàn xây dựng 122000 m2, và số vốn đầu tư dự kiến hơn 2200 tỷ đồng.
Mặc dù mới được chia tách còn nhiều khó khăn, nhưng trụ sở làm việc và hội trường cấp ủy Hậu Giang tọa lạc trên 3,3 hecta, với tổng mức đầu tư xây dựng gần 300 tỉ đồng, cũng được thiết kế rất hiện đại.
Đà Nẵng không chịu thua !
Chịu chơi nhất các tỉnh miền trung phải là UBND t/p Đà Nẵng, với một khối kiến trúc tân kỳ có 34 tầng nổi, tổng mức đầu tư xây dựng khoảng 1.900 tỷ đồng.
Và mới đây nhất là tỉnh Hải Dương. Khu hành chính tỉnh này rộng khoảng 19,15 héc ta, với tổng mức đầu tư khoảng 2.060 tỉ đồng sẽ mọc lên nay mai, gây nên bao đàm tiếu.
TT Hội nghị của tỉnh Hải Dương trong tổ hợp TT hành chính tỉnh !!!
Trong khi tài năng điều hành, hiệu quả quản lý và phát triển kinh tế- xã hội- dân trí các địa phương đó có “sánh” ngang với những trụ sở hoành tráng, diễm lệ hay không lại là chuyện khác. Nếu biết rằng có những tỉnh đã và đang xây trụ sở hoành tráng, hàng năm vẫn “vác rá” xin hỗ trợ.
Cái cách đua nhau chơi sang trước con mắt người dân nghèo, theo các chuyên gia kinh tế, quản lý xã hội, có nhiều nguyên nhân. Nhưng có một nguyên nhân dở nhất, đó là bệnh thành tích. Mà bệnh thành tích này lại xuất phát từ những …tiêu chuẩn rất lạ của nước Việt- đó là cách tính GDP.
Nước Việt nên gọi là “đất nước của những cái lạ”. Cách tính nợ công đã chẳng giống đâu. Nay lại đến cách tính GDP.  Khiến cho người đứng đầu CP từng phải nhận xét: "Cách tính GDP ở các địa phương hiện nay không sát thực tế và so với quốc tế, không giống ai".
Theo Ths Bùi Ngọc Sơn (Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị thế giới), và Ts Nguyễn Trí Hiếu (chuyên gia kinh tế), với cách tính GDP hiện nay, xây dựng cơ bản có mối liên quan rất chặt chẽ đến việc quyết toán chi phí, làm tăng trưởng GDP. Mà được tiếng tăng trưởng, tỉnh nào chả thích?
Mặt khác, dự án càng lớn, khả năng “hoa hồng” nở trên các công trình xây dựng, trên sắt, thép, bê tông càng… bẫm. Tự lúc nào dân gian cũng nhìn thấu “tình yêu hoa hồng” này, nên có câu tổng kết đắng chát: Muốn có ăn thì phải đẻ ra các dự án. Thế nên, xây trụ sở hoành tráng là được anh được ả được cả đôi bên. Tội gì không xây, vừa có tiếng vừa có miếng. Dù cái tiếng ấy là … tai tiếng
Nếu GDP nước Việt biết nói, thì sẽ nói gì nhỉ? Hay sẽ nói một cách cay đắng- toàn là của ta phúc các người?
Nhưng cái phúc ấy rất khó bền. Bởi đôi chân kinh tế nhiều tỉnh đang phải  “đứng kiễng”. Một ví dụ sinh động hiển nhiên mới đây. Có trụ sở to nhưng chỉ số năng lưc cạnh tranh (PCI) một số tỉnh bỗng không chịu… cạnh tranh mạnh nữa. Năm 2013, Vũng Tàu bị tụt 18 hạng, đứng thứ 39/64 tỉnh, t/p cả nước. Còn tỉnh Bình Dương đang thứ hạng 19 (năm 2012) bỗng tụt xuống thứ 30.
Chả lẽ, các địa phương có trụ sở hoành tráng cũng nên chuẩn bị sắm cho mình… chiếc áo phin nõn, cổ áo bô đê cùng với chiếc nhẫn vàng (giả) to sụ?
(Hết Phần 1)
 Không cần bình luận !
-----------------------------------------------
Nguồn Tuanvietnam.net

Thứ Hai, 20 tháng 10, 2014

AI SẼ TIẾP NHẬN Ý KIẾN NÀY CỦA NGUYÊN CHỦ TỊCH TỈNH AN GIANG ?

 ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên chủ tịch tỉnh An Giang
(Tiếc thay những người như ông Bảy Nhị lại không được đảng tin dùng !)

‘Tôi sợ sự giả dối truyền đến đời con cháu’
Duy Chiến (thực hiện)/Vnn

“Hậu quả của lối làm ăn chụp giật, giả dối này ghê gớm lắm. Tôi sợ nhất là nó truyền đời đến con cháu”, nguyên Chủ tịch An Giang, ông Nguyễn Minh Nhị chia sẻ.
Mở đầu những trăn trở về nông nghiệp và người nông dân VN, ông Bảy Nhị chia sẻ câu chuyện thăng trầm của cá ba sa – loài cá được dựng tượng đài tại Châu Đốc – An Giang vì tầm quan trọng của nó.

Làm ăn kiểu “tình chị duyên em”

Sau khi thịt cá ba sa phi lê tìm được đường xuất khẩu vào thị trường Mỹ đầu những năm 1990, trải qua quá trình nghiên cứu, khảo sát vất vả, ông Nhị và các đồng nghiệp đã thành công trong việc cho loài cá này sinh sản nhân tạo. Một thời cơ vàng dường như mở ra khi chúng ta chủ động được nguồn giống và nhu cầu thị trường lúc đó đang rất lớn.
Vậy nhưng…

Ông Nguyễn Minh Nhị: Tôi còn nhớ có lúc cao điểm giá cá ba sa xuất khẩu lên đến 8 USD/kg! Các bè cá mới mọc san sát trên sông Hậu. Các nhà máy, cơ sở chế biến tấp nập ra đời.
Lúc ấy tôi cũng lo là để phát triển tự phát sẽ chèn ép lẫn nhau, cạnh tranh sẽ không đảm bảo chất lượng, có sự gian dối nên đề nghị Nhà nước phải quản lý, nhất là khâu giống. Nhưng không ai nghe cả. Họ nói: “Thị trường là tự do! Nhà nước không nên can thiệp”.
Khi nhu cầu cá ba sa tăng nhanh thì khách hàng ở Mỹ, mấy ông Việt kiều gợi ý đưa cá tra vào nuôi đội lốt cá ba sa kiếm lời khủng. Cá tra dễ nuôi, năng suất cao, trong khi cá ba sa rất ‘trưởng giả”, khó tính. Cũng nên biết rằng, trên thế giới này chỉ có Việt Nam nuôi cá ba sa thương phẩm thành công.
Vậy là bất chấp tất cả, có quy hoạch hay không, bất kể đất lúa màu mỡ, rất nhiều người cứ thế đào ao nuôi cá tra rồi quy hoạch sau. Phong trào rộ lên từ tỉnh đầu nguồn, lan ra khắp ĐBSCL, rồi đến lượt các nhà máy chế biến cũng bị hút vào cuộc, thi nhau vay vốn đầu tư.
Từ sau năm 2000, sản lượng nuôi tăng vọt, số nhà máy chế biến cũng tăng theo. Từ đó cung vượt cầu, sinh ra cạnh tranh kiểu “tự hủy diệt”. Cứ sau mỗi kỳ hội chợ thủy sản ở Boston (Mỹ), Brussels (Bỉ) hay ở Việt Nam là giá cá lại sụt, vì các DN đến hội chợ chủ yếu “đi đêm” chào giá thấp.
Khi dự hội nghị Chính phủ tại Hà Nội, tôi từng phát biểu tình hình này với tâm trạng rất bức xúc. Bức xúc nhất là việc gian lận đánh tráo cá tra vào, mà tôi gọi là “Tình chị duyên em”, khiến cá ba sa không còn mấy người nuôi. Hành vi này làm mất uy tín VN trên thương trường, vừa làm cạn kiệt một giống loài là nguồn thực phẩm quí hiếm mà thiên nhiên ban tặng.
Bây giờ ngay tại An Giang, quê hương của cá ba sa mà cá ba sa cũng chẳng còn. Tôi đi tiếp khách vào nhà hàng thấy thực đơn có món cá ba sa, bèn gọi. Dù đã hỏi, căn dặn nhà hàng mấy lượt là phải đúng cá ba sa, họ dạ dạ vâng vâng nhưng đưa lên toàn cá tra! Tôi giận quá, truy hỏi tại sao, họ trả lời: “Dạ, bây giờ không còn ai nuôi cá ba sa nữa. Bác thông cảm!”. Chết không?
Con cá ba sa trời ban tặng cho miền sông Hậu đã đi vào truyện cổ tích mất rồi. Tôi đang viết lại câu chuyện này để con cháu mai sau còn nhớ trên quê hương mình có giống cá “độc nhất vô nhị” mà không giữ được!

Thưa ông, thời ông làm chủ tịch UBND tỉnh, An Giang xây tượng cá ba sa, bông lúa – hai biểu tượng kinh tế nông nghiệp của An Giang. Nay cá ba sa đã “đi vào cổ tích”, ông có lo cây lúa cũng theo bước?
Ông Nguyễn Minh Nhị: Có chuyện này tôi mới nghe mà hết hồn hết vía! Nhiều hộ nông dân đang áp dụng kiểu ăn gian, ngày mốt cắt thì bữa nay xả nước vào ruộng, phun thuốc vào. Hôm sau xả nước ra để ngày mai cắt lúa. Kiểu gian dối này cho thêm khoảng 1 tấn/ha.
Tôi điện hỏi mấy anh em DN có biết không? Họ trả lời biết rồi, nhưng không sao vì họ có máy móc thiết bị đo độ ẩm, dễ gì ăn gian được. Chết là mấy ông hàng xáo đi thu mua, nhưng họ cũng chỉ một lần bị mắc lừa nông dân thôi.
Người ta nói “điếm vườn sao bằng điếm chợ”, nông dân mình cứ tưởng làm vậy là khôn, có cái lợi trước mắt. Nhưng chính họ sẽ bị trả giá nhiều nhất, không chỉ bị thương lái biết rồi ép trở lại, mà họ không thấy rằng uy tín của hạt gạo không có thì họ cũng bị thiệt nhất.
Làm ăn không nhìn xa thấy rộng, chỉ thấy lợi trước mắt, bất chấp thiệt hại lớn gấp nhiều lần sau đó. Nuôi cá cũng vậy, trồng lúa cũng vậy, rất chụp giật…

Đừng trách người nông dân
Thưa ông, tại sao tầng lớp nông dân luôn được xem là thật thà, chất phác mà lại có những trò gian dối như vậy? Không chỉ có trong nuôi cá và trồng lúa, họ sẵn sàng phun thuốc trừ sâu vào rau để sáng mai thu hoạch bán, bất chấp sức khỏe của người tiêu dùng?
Ông Nguyễn Minh Nhị: Nông dân mình có nhiều cái tệ, nhưng không trách họ được, và cũng không nên trách. Họ không có điều kiện để hiểu biết hết nên thấy cái gì có lợi là làm, hứng lên là làm. Có ai chỉ họ làm cái gì cho có hiệu quả đâu? Họ phải tự mày mò, tự mưu sinh, làm ra sản phẩm may thì bán được, không may thì lãnh đủ nợ nần!
Họ không có tổ chức, không có ai hướng dẫn họ làm cái gì, không nên làm cái gì, làm ra bán ở đâu. Họ phải tự mưu sinh bằng những cách làm hại chính cả họ. Và, cuối cùng họ vẫn là người chịu thiệt thòi nhất. Theo tôi biết, ở các nước, nông dân được quan tâm, được tổ chức rất tốt chứ không bỏ mặc như nông dân ở ta đâu.

Theo ông, nguyên nhân những khiếm khuyết đó của nông dân ta, mà trầm kha nhất là chụp giật, tầm nhìn ngắn, tự đục vào chân mình là gì?
Ông Nguyễn Minh Nhị:
Ngày xưa, nông dân ta luôn được đánh giá là lương thiện, đạo đức, cần cù. Còn ngày nay, họ cũng bị ảnh hưởng rất nhiều thói xấu. Tất cả bắt nguồn từ sự chụp giật, tranh thủ tối đa, bất kể hậu quả. Căn bệnh này đã lây lan rộng chứ không chỉ nông dân. Nhưng với nông dân thì quả thật đau lòng, vì họ lẽ ra phải là thành trì của đạo đức, của sự lương thiện, chất phác phải không?
Theo tôi, chúng ta phải nhìn sâu xa vào những nguyên nhân từ trong chính sách. Bản chất của nông dân là gắn với đất đai, cả ngàn đời nay là vậy. Nông dân là đất, đất là nông dân.
Khi đất không phải của nông dân mà chỉ được sử dụng có thời hạn thì họ chẳng còn gắn bó máu thịt với đất đai như xưa.
Không còn gắn bó thì cũng không còn gìn giữ, bồi đắp vào cho đất, vì ngày mai có còn là của mình nữa đâu! Nhiều cái xấu ra đời từ đây, chính vì không gắn bó với đất, không nặng lòng với đất mà lương tâm, tình làng nghĩa xóm, tình quê hương bị tha hóa, sẵn sàng đánh đổi vì những lợi ích ngắn hạn.
Tôi còn nhớ hồi mới giải phóng, ta thực hiện chính sách “nhường cơm sẻ áo” giống như ở miền Bắc trước đây. Hồi ấy, những người có nhiều ruộng đất trong Nam là do họ cần cù, siêng năng, chịu khó mà có nên nặng lòng với đất. Tôi nhớ như in nhiều nông dân nghèo được Nhà nước chia lại ruộng của những người này, đã không nhận. Họ nói: “Người ta làm sáng tối, không biết nghỉ mới có nhiều đất. Mình lấy không của người ta coi sao được!”.
Tôi báo cáo việc này lên Tỉnh ủy, ông Bí thư lúc ấy kết luận: “Nếu không nhận đất thì không phải là nông dân, thì không cho nữa!”. Đơn giản thế thôi. Lúc ấy chúng ta không lường được hậu quả tai hại như ngày nay đang chứng kiến.
Người nông dân vốn dĩ là tốt, đã chuyển hóa và tha hóa từ đó. Lúc đầu thấy nhận đất của người khác, tức mồ hôi và nước mắt của người khác là “kỳ lắm”, “coi không được”, quyết không nhận! Nay thì khác rồi. Hai đám ruộng của hai nhà liền ranh còn lấn nhau từng chút huống chi những chuyện khác có nhiều lợi ích hơn. Cái gì lợi cho mình thì dẫu có hại cho người khác cũng làm.
Cái tình của người nông dân với đất phôi phai đi cũng làm cho cái tình với quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn không còn thiêng liêng như xưa. Những giềng mối gìn giữ đạo đức, lương tri, nhân bản chân chất nhất cũng từ đấy mà sút sổ, long ra.

“Nói một đàng làm một ngả” nhiều quá
Từng giữ các vị trí lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, về hưu trở lại làm nông dân trồng lúa và nuôi cá, ông nhìn nhận các chủ trương, chính sách và công tác quản lý nhà nước với nông nghiệp nói riêng và kinh tế nói chung như thế nào?

Ông Nguyễn Minh Nhị: Tình trạng chung nhất là “Nói một đàng làm một ngả” nhiều quá. Có muôn thứ chuyện chứng minh cho điều này.
Chẳng hạn chuyện vận động nông dân làm ra nhiều lúa gạo rồi bán không được, mặc cho họ bị thua lỗ. Xui nông dân nuôi con nọ, trồng thứ cây kia rồi bỏ chạy mất, không biết bán cho ai. Lẽ ra, bảo nông dân trồng lúa thì phải có công ty mua số lúa làm ra chứ. Có bên quăng thì phải có bên hứng, phải tổ chức cho khớp nhau thì nói và làm mới đi đôi chứ?
Gần đây tôi nghe Bộ NN – PTNT triển khai kế hoạch chuyển 200.000 ha đất lúa kém hiệu quả chuyển sang trồng bắp, đậu nành và màu. Tôi thấy băn khoăn không hiểu trồng những thứ đó rồi nông dân bán cho ai hay lại đẩy họ vào chỗ khó như các chương trình chăn nuôi bò trước kia?

Thưa ông, theo tôi biết hàng năm Chính phủ vẫn cho thu mua tạm trữ, giảm áp lực tiêu thụ lúa cho nông dân mà?
Ông Nguyễn Minh Nhị: Chuyện này tôi quá hiểu! Khi lúa chín rộ, các công ty lương thực sàng bên này, lách bên kia để chậm triển khai. Bởi giá lúa càng thấp thì họ càng có lợi. Đến khi triển khai cũng đâu có làm đúng như tinh thần chỉ đạo. Nông dân gần như chẳng được gì.
Tôi có ông bạn cùng quê xứ Tịnh Biên làm công tác thu mua lúa. Tôi đến mấy trạm thu mua của ông ấy kiểm tra, thấy có hai giá mua, cao và thấp khác nhau. Giá rẻ để ngoài là giá mua thật cho nông dân, còn giá cao cất bên trong, khi có đoàn kiểm tra đến thì trưng ra! Bữa tôi bất ngờ đến, họ thay không kịp, tôi hỏi sao làm ăn vậy. Họ trả lời: “Giá cao là giá Nhà nước quy định. Còn giá thấp là giá thu mua theo… thị trường!”. Bất nhẫn vậy đấy. Nhà nước cho vay không lãi để thu mua song thực chất họ mua vẫn ép nông dân chứ có nương gì đâu!
Tôi cũng nhiều lần đi ký hợp đồng xuất khẩu gạo với anh em. Ký xong về giá lúa lên là… bẻ chĩa ngay!
Hậu quả của lối làm ăn chụp giật, giả dối này ghê gớm lắm. Tôi sợ nhất là nó truyền đời đến con cháu sau này thành một xã hội giả dối. Thế hệ chúng tôi dù sao cũng được “chích ngừa”, còn phản kháng lại được.
Còn thế hệ sau thì sao? Lo lắm!

Duy Chiến (thực hiện)Theo Vnn
(Còn nữa)

Chủ Nhật, 19 tháng 10, 2014

Nhiều lao động phổ thông bất hợp pháp Trung quốc đang làm việc dưới sự bao che cuả chính quyền Việt Nam


  Lao động Trung Quốc chờ khám sức khỏe tại Bệnh viện ĐK Hà Tĩnh. Ảnh:Duy Tuấn./Vnn

Liên tiếp 2 ngày (8-9/10/2014) báo Vietnamnet đã đăng tải các tin tức về lao động Trung Quốc (TQ) tại Hà Tĩnh: “Hàng nghìn lao động TQ ở Vũng Áng chưa có phép [1]; Lao động TQ ở Vũng Áng: Phó mặc Nhà nước Việt Nam? ”.  [2]
Theo các bài báo, hiện số lao động Trung Quốc đang có mặt tại các công trường ở Formosa (Vũng Áng) là trên 4.000 người, tuy nhiên số được cấp phép mới chỉ khoảng trên 800 lao động.
Nhiều nhà thầu TQ chây ì, không chịu hợp tác làm thủ tục đăng ký xin cấp phép mặc dù đã đưa lao động sang từ lâu.
Cty CP kỹ thuật công trình CISDI Trung Quốc, đang thi công gói thầu lò cao số 1 và số 2 Dự án Formosa chỉ có 200 lao động được cấp phép, 300 hồ sơ đang trình và trên 500 lao động chưa có thủ tục gì. Trong lúc đó, 1000 lao động của công ty  này đã làm việc trên công trường từ lâu nay.
Các đoàn muốn vào kiểm tra thì bắt buộc phải làm việc với Formosa (chủ đầu tư) trước rồi mới đi kiểm tra công trường, chứ không kiểm tra đột xuất được. Có thể khi đó, họ (lao động trái phép) sẽ tránh, đây là ý kiến một cán bộ làm công tác bảo đảm an ninh trật tự ở Formosa.
Tại sao các công ty của TQ lại có thể xem thường luật pháp Việt Nam như vây? Những lao động không phép này nhập cảnh vào Việt Nam bằng cách nào và ai cho phép họ? Là một quốc gia có chủ quyền tại sao các cơ quan chức năng lại không thể kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất trên đất nước mình?
Để trả lời câu hỏi này hãy đọc đoạn văn sau đây trên Vietnamnet: “VietNamNet đã liên lạc với ông Lê Thành Long, Phó bí thư tỉnh ủy, Trưởng Ban chỉ đạo bảo đảm ổn định tình hình tại Khu kinh tế Vũng Áng (BCĐ 881) và ông Đặng Quốc Khánh, PCT UBND tỉnh để rõ hơn vấn đề. Tuy nhiên cả hai vị lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đều bảo đang ở Hà Nội và chưa thể trả lời thông tin gì”. [2]
Một số người Việt phải bỏ ra nhiều tiền mới sang được xứ “ruồi vàng” Angola, hay vùng có dịch bệnh Ebola ở Tây Phi (Nigeria, Sierra Leone và Liberia…) kiếm việc làm. Khi có xáo trộn chính trị, nhiều người trở về tay trắng.
 Trong khi đó ông Hồ AnhTuấn - Trưởng BQL Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh cho rằng: “lao động trong nước không đáp ứng yêu cầu về trình độ chuyên môn kỹ thuật, năng lực nên không được tuyển  dụng” (Laodong.com.vn26/8/2014).
 Thực tế cho thấy số lao động phổ thông người Trung Quốc hiện diện nhan nhản trong các dự án do Trung Quốc trúng thầu, phải chăng ông Tuấn không biết điều này hay biết mà không dám nói?
 Về phía nhà nước, đặc biệt là Bộ Lao động Thương binh & Xã hội chẳng lẽ không biết đến tình trạng thất nghiệp của hàng chục vạn cử nhân, thạc sĩ, của gần một triệu lao động đang mòn mỏi tìm việc làm?
 Theo bản tin cập nhật thị trường lao động do chính Bộ LĐ-TB&XH, Tổng cục Thống kê công bố,  cuối năm 2013, cả nước có 900.000 người thất nghiệp, trong đó có tới 72.000 cử nhân, thạc sĩ.  [3]
 Nếu Bộ thành lập một trung tâm dữ liệu, cập nhật thông tin những người có nhu cầu tìm việc làm theo cách cho đăng ký qua Internet thì không sợ thiếu lao động. Chẳng lẽ gần một triệu lao động trong đó có hơn 7 vạn cử nhân, thạc sĩ  lại không đủ cho một vài khu công nhiệp của Hà Tĩnh lựa chọn?
 Theo số liệu thống kê của Tân Hoa Xã, mười năm trước (năm 2004) số người tìm việc làm ở Trung Quốc là 111 triệu người, năm 2011 con số này là 250 triệu người (baotintuc.vn  24/7/2012).
 Đưa lao động phổ thông sang Việt Nam, Trung Quốc đang thực hiện chiến lược một mũi tên hai mục đích, một mặt giải quyết nạn thất nghiệp trong nước, đẩy khó khăn sang Việt Nam, làm trầm trọng thêm nạn thất nghiệp tại Việt Nam, mặt khác trong số hàng vạn lao động đó ai mà biết được có bao nhiêu người dùng vỏ bọc lao động để che giấu các hoạt động không được pháp luật Việt Nam cho phép?.
 Một bài đăng trên báo Đời sống và Pháp luật viết: “Mặt khác, ý thức kỷ luật của lao động Trung Quốc kém, gây mất an ninh trật tự địa phương như: trộm cắp, say rượu, tranh chấp công việc... Một số lao động Trung Quốc lấy vợ Việt Nam nhưng không làm thủ tục đăng ký kết hôn’. [4]
 
Công nhân Trung Quốc tại Dự án Formosa, đa số là lao động phổ thông

Tình trạng hôn nhân bất hợp pháp như nêu trên  đã dẫn tới việc hình thành các xóm, phố người Hoa mới tại Việt Nam, điều này đã được đề cập trên báo Daibieunhandan.vn trực thuộc Văn phòng Quốc hội: “Giám đốc Sở Lao động thương binh và xã hội Nguyễn Thanh Hồng nêu thực trạng: “lao động phổ thông người Trung Quốc tại Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân đã hình thành một làng ngay gần khu vực nhà máy. Nhiều nhà hàng, quán ăn ở đây cũng xuất hiện nhiều chữ Hoa trên bảng hiệu”. [5]
Sự xâm chiếm lãnh thổ bằng vũ lực bị cả thế giới lên án, sự gặm nhấm trên biển theo kiểu “lát cắt xúc xích” cũng không thể che đậy trước những cặp mắt cảnh giác. Vấn đề là tại sao sự gặm nhấm theo kiểu chim “tu hú”  lại dễ dàng được chấp thuận như vậy?

Cách hành xử tàn ác của chim tu hú non Endynamis colopaceav

Nhà thơ Tố Hữu viết bài thơ “Khi con tu hú” năm 1939 đã cho người đọc cảm nhận về chim Tu hú như một loài chim thân thương, gắn với những hình ảnh thật đẹp:
 Khi con tu hú gọi bầy,
Lúa chiêm đang chín trái cây ngọt dần...
 Có lẽ Tố Hữu cũng không ngờ ông đã đưa vào thơ hình ảnh một loài chim mà ngày nay người ta buộc phải gọi là loài gian hùng, xảo quyệt, ác điểu: “Tu hú mái tìm một tổ chim chích đã đẻ trứng đẻ vào đó một quả trứng của mình. Tu hú non mặc dù mới nở còn đỏ hỏn, mắt còn chưa nhìn thấy ánh sáng đã thể hiện bản lĩnh của một ác thủ. Nó nhanh chóng dùng sức mạnh cơ bắp, đôi cánh và phần lưng để đẩy những con chim chích non tội nghiệp mới nở cùng những quả trứng còn lại văng ra khỏi tổ. Âm mưu của nó là độc chiếm nguồn thức ăn của cặp chim chích bố mẹ nuôi dưỡng bầy con”. [6]
 Một điều kỳ lạ là hễ bị hỏi, hễ bị chất vấn thì người trả lời luôn nêu những sự không đồng bộ của pháp luật, luôn đổ cho chưa có chế tài xử lý như ý kiến của Giám đốc Sở LĐTB & XH Bình Thuận Nguyễn Thanh Hồng: “việc quản lý người lao động nước ngoài, đặc biệt là lao động Trung Quốc ở Bình Thuận rất khó khăn bởi thiếu nhiều chế tài; việc xử phạt cũng khó bởi trong Nghị định 102 và Thông tư 03 chỉ nói không đủ điều kiện thì trục xuất, nhưng ai trục xuất thì không nói rõ”. [5]
Những người có trách nhiệm ở Hà Tĩnh, Bình Thuận và nhiều nơi khác phải chăng chỉ vì muốn khu công nghiệp trên địa bàn sớm hoàn thành mà buông lỏng quản lý hay còn vì lý do nào khác? Phải chăng chính những lãnh đạo địa phương chứ không ai khác đang tiếp tay cho tình trạng lao động chui tràn lan trên địa bàn mình quản lý?
Nếu các cấp chính quyền còn chần chừ, còn đổ cho pháp luật chưa hoàn chỉnh, thiếu chế tài xử lý người lao động nước ngoài thì người lao động Việt sẽ như chim Chích, sẽ còn bị hất văng khỏi cái tổ mà chính mình dựng nên để nuôi nấng bầy con của mình.
Hãy làm ngay bất kỳ việc cần thiết để ngăn chặn Tu hú tiếp tục đẻ trứng vào tổ của loài chim Chích, hãy chỉ cho chim Chích bố mẹ biết con ác điểu non đó không phải là con mình để kịp làm cái tổ mới, để mà duy trì nòi giống.

Theo GDVN
--------------------------------------------------------
Bản tin của GS Tương Lai ( do Nguyên Hân cung cấp )