Thứ Hai, 16 tháng 11, 2015

VỀ "CÂU THƠ CỦA VƯƠNG BỘT"

Cảm ơn cụ bạn Hồng Nhật (K6) đã gửi bài sưu tầm này cho Blog Làng ta. Vì đình Làng đang có nhiều bài xung quanh vụ IS khủng bố Paris nên chúng tôi chuyển sang dán ở Blog Calathau để các cụ tiện theo dõi liên tục

VỀ "CÂU THƠ VƯƠNG BỘT"
Nhà nghiên cứu Nguyễn Huệ Chi
( Nguyễn Hồng Nhật sưu tầm trên BVN)
Đọc trên mạng, thấy ông Lê Vinh Huy đã đưa ra những giải thích sáng tỏ về câu trích dẫn gọi là “thơ Vương Bột” trong bài phát biểu của ngài Tập Cận Bình sáng 6-11 tại hội trường Quốc hội Việt Nam (xem ở đây). Quốc hội chúng ta chắc hết phải nhốn nháo hỏi nhau: “Câu thơ ấy là trong bài thơ nào ấy nhỉ?”. Một học giả khác, ông Hải Võ, cũng chịu khó giải mã tường tận hầu hết các điển cố được họ Tập sử dụng trong bài nói dài 20 phút rất “văn hoa kiểu cách” mà ta vừa nhắc (xem ở đây). Xin cám ơn ông Hải Võ đã giúp mọi người hiểu rõ thêm, rằng những lời ông Tập nói trước gần 500 vị nghị sĩ Việt Nam là những lời rất rỗng và sáo, vốn từng nói ở nơi này nơi khác hết cả, chỉ nhai lại mà chẳng chút gì thật bụng.

Bản thân tôi nghĩ, hình như họ Tập đi chuyến này là muốn làm một màn trình diễn trước dư luận quốc tế, về cái hình ảnh mình được đón tiếp hết mực long trọng, từ ông TBT cho đến cả một Quốc hội đã phải nín thinh, chăm chú nghe mình, có nghĩa là mình áp đảo được, “làm hòa” được với Việt Nam rồi. Chứ thực tâm, ông ta cũng biết, người Việt Nam từ trong đáy lòng không ai chấp nhận ông ta, kể cả ngay với một số nhân vật đương quyền đương chức. Đứng về góc độ ấy (thuyết phục Việt Nam) mà nhìn, thì ông ta thất bại chứ không thắng lợi. Và chắc ông ta cũng không cố giành cho được thắng lợi ở cái mục tiêu khó gặm này (khác với Bắc Triều Tiên, ông ta quả đang muốn thuyết phục).

Riêng trong các điển cố ông ta sử dụng trong bài nói, có điển cố Vương Bột, theo tôi là hết sức thâm thúy, và rất giảo quyệt nữa, mà có vẻ trong cả bài, ông ta cũng chỉ muốn dồn công sức vào riêng cái điển cố hóc hiểm đó thôi.

Không phải họ Tập muốn chê ông Hồ Chí Minh đạo văn đâu. Người xưa gọi cách mô phỏng những câu thơ cũ của một nhà thơ nào đó mà mình tâm đắc là “tập cổ”, nếu ông Tập đem việc ấy ra để chê bai ngầm thần tượng của ĐCSVN thì chưa kịp đắc ý ông ta đã bị giới sành thơ cả trong và ngoài Trung Quốc cười khẩy, cho là không hiểu gì thi pháp thơ xưa. Ông ta dại gì mà làm vậy. Không. Họ Tập thâm và hiểm hơn nhiều.

Đành không ngại trùng lặp ông Lê Vinh Huy, tôi cũng xin nhắc lại nội dung cụ thể của đoạn trích kể trên, để có dịp giải trình với bạn đọc đôi điều về cách dùng điển của họ Tập mà tôi cho là tinh quái, “vượt mặt” người nghe, tại Hội trường Diên Hồng. Này nhé, Tập đã dẫn một câu mà chính là một vế trong bài luận bằng văn xuôi biền ngẫu (chứ không phải thơ) Bát quái đại diễn luận 八卦大演論 của Vương Bột (王勃 650-676) đời Đường. Cả hai vế đầy đủ như sau: 據滄海而觀眾水.則江河之會歸可見也,登泰山而覽群岳,則岡巒之本末可知也. Phiên âm: “Cứ thương hải nhi quan chúng thủy, tắc giang hà chi hội quy khả kiến dã / Đăng Thái Sơn nhi lãm quần nhạc, tắc cương loan chi bản mạt khả tri dã“. Xin tạm dịch: “Tựa vững vào biển cả mà quan sát đông đúc dòng chảy, thì sông ngòi hội tụ về đâu đều có thể nhìn thấy / Trèo lên núi Thái Sơn mà ngắm nhìn cả bầy núi, thì gốc nguồn của mọi gò, ghềnh đều có thể biết hết“.

Ta chú ý chữ “bản mạt” 本末 là gốc và ngọn, ở đây có hàm ý là chủ thể đứng trên đỉnh núi cao ngất có khả năng nhìn thấu đến tận gốc nguồn của từng thực thể nhấp nhô trong suốt cả một vùng. Dùng một vế trong ngữ đoạn của bài văn Vương Bột, tất nhiên thâm tâm Tập Cận Bình muốn nhắc cho người ta phải nhớ đến cả hai vế. Qua đấy, ông chủ Đại Hán nhằm kín đáo gửi đến người nghe – không chỉ trong phạm vi Việt Nam – hai thông điệp quan trọng sau đây:

1. Với bản lĩnh cao cường như ta, ta nhìn thấu tim đen của hết thảy các nước láng giềng, là trước sau gì cũng chỉ có quy tụ vào dại cường Trung Hoa mà thôi

Vế này Tập chủ ý nhắc lại lời Mao tại hội đàm Vũ Hán năm 1963, muốn lấy Việt Nam làm cửa ngõ để tràn xuống thôn tính sạch các nước Đông Nam Á (xem ở đây). Nhưng Tập hữu ý ẩn đi, bởi nói lộ liễu trong tình hình ASEAN đang rất cảnh giác với ông “bạn vàng” phương Bắc thì… lợi bất cập hại. Vuốt mặt phải nể mũi chứ! Chứng tỏ họ Tập hết sức tinh khôn, đúng như chữ “hồ nghi” – con cáo già, bước một bước lại phải ngó quanh ngó quất dọ dẫm kẻ thù ẩn nấp đâu đó.

2. Với tầm vóc cao vọi như ta, chỉ ta mới biết được tận ngọn ngành mọi đảo đá trên Biển Đông là thuộc nước chúng ta từ thời Cổ đại, chứ thấp lè tè như lũ chúng bay thì có biết đầu đuôi xuôi ngược gì đâu (chân lý không thuộc kẻ yếu như chúng bay).

Rõ ràng, tuy trong hai ngày đặt chân sang Việt Nam họ Tập không hề tuyên bố một lời nào về Biển Đông, nhưng đấy chỉ là bề ngoài. Thực chất, ông ta đã dùng chính câu văn Vương Bột để nhờ Bột phát ngôn giùm cho lời tuyên bố trắng trợn của ông ta. Ghê gớm sao mồm miệng sắc lẻm của ngài ngự hoàng triều phương Bắc.

Vậy mà một vài vị đại biểu Quốc hội, như ông Dương Trung Quốc, không hiểu sao ngay sau buổi đó lại có nhận xét rằng: “bài phát biểu của ông Tập vừa là ngôn từ ngoại giao vừa là nguyện vọng tốt đẹp!”. Chúng tôi không muốn trích dẫn có chừng ấy vì biết bạn đọc sẽ sốc, mà cũng hơi oan cho ông Dương. Thực ra, ông còn nói thêm – và đây mới là ý chính của ông: “Nói rất hay nhưng nói hay có làm được không? Sự có mặt của một nguyên thủ quốc gia trong Quốc hội Việt Nam lẽ thường là sự kiện có ý nghĩa, nhưng rõ ràng nó lại rơi vào một thời điểm, hoàn cảnh mà người dân rất quan tâm, và họ luôn có tâm thế so sánh giữa những gì của lời nói và những gì đang diễn ra. Tôi nghĩ giữa [với] các nhà lãnh đạo, cần đạt được sự nhất trí cao [giữa lời nói và việc làm], là việc rất quan trọng để người dân hiểu được và có sự chia sẻ” (xem ở đây).

Không hiểu trong 500 con người danh giá tiêu biểu cho quyền lực tối cao của giải đất hình chữ S có mặt trong ngày long trọng đó, mấy người có ý nghĩ như ông Dương Trung Quốc? Phải nói, nghĩ được như ông đã là một cách nghĩ tỉnh táo, không bị những lời văn hoa của ông “khách quý” cám dỗ đến mức “mụ người”. Nhưng ông nghị họ Dương đâu có biết ngài chúa trùm Đại Hán nào có chịu chỉ nói lời nói đẹp. Trong những lời bề ngoài tưởng là tốt đẹp ấy ông ta đã gài sẵn những cái bẫy nguy hiểm, đụng vào là chết. “Trèo lên núi Thái Sơn mà ngắm nhìn cả bầy núi, thì gốc nguồn của mọi gò, ghềnh đều có thể biết hết”. Ha ha, đừng có tưởng bở! Các ngươi thấy chưa, các ngươi chỉ là lũ chim gi chim sẻ ở chỗ đầm hồ, nghe ta nói “hòa” thì cứ nông nổi ngỡ là ta nói hòa thực, có biết đâu ta đây, đứng ở chóp núi Thái Sơn, ta đã dự liệu đâu đấy hết cả. Ta nói Biển Đông là thuộc quyền sở hữu của Trung Hoa từ thời Cổ đại, rành rành ra thế mà còn không biết ư? Không phải là nói chơi đâu. Để rồi xem.

Quả nhiên, vừa rời khỏi Việt Nam bay sang Singapore thì vị chúa tể nước Tàu đã không cần úp mở nữa. Ngài lộ mặt ngay là một kẻ bành trướng bá quyền trắng trợn, lên tiếng thẳng thừng rằng mọi đảo đá Trung Quốc cướp được của Việt Nam năm 1974, 1988, cũng như tất cả những gì chìm nổi trên Biển Đông, từ rất xa xưa vốn đã thuộc về Trung Quốc! Thế nghĩa là Việt Nam vào cái thuở nảo thuở nào đã từng xua dân chúng ra tận ngoài khơi chiếm đoạt đảo đá từ tay Trung Quốc, chứ đâu có phải Trung Quốc xâm lược Việt Nam. Một cái tát? Một cú lật bài tẩy đến là ngoạn mục, có phải thế hay không?

Thưa anh Dương Trung Quốc. Chắc không phải là nói quá khi tôi quả quyết rằng, cả 500 con người ngồi ngay như phỗng trước mặt vị Hoàng đế Trung Hoa hiện đại hôm 6-11 tại ngôi nhà Quốc hội Việt Nam đối diện vườn hoa Ba Đình, không trừ một ai, đều đã sập bẫy ngôn từ của “ông khách không mời mà đến” (bất tốc chi khách). Còn gì nữa. Nếu không rầu lòng mới là lạ.

N.H.C.
--------------------------------------------------------------------
Bài viết phản ánh kiến thức và nhận thức riêng của tác giả

5 nhận xét:

  1. Nguyễn Ngọc Hùnglúc 11:06 16 tháng 11, 2015

    Bài viết rất hay. Thể hiện tác giả đúng là một chuyên gia về lĩnh vực Hán học.
    Xin cám ơn Calathau và Hồng Nhật đã sưu tầm và cung cấp cho cả Làng một bài viết chất lượng như thế.
    Khổ nỗi, 500 quan nghị, có đủ cả "tứ trụ" và tất tật các loại "ủy viên" cao câp đều có mặt nghe họ Tập "diễn" hôm ấy; mà một bài phân tích như thế này đâu có đến tai họ- những người đáng ra phải nghe.

    Trả lờiXóa
  2. Có câu:"Không biết - không có tội".
    Đại biểu QH có mấy người biết chữ Hán ? Những kẻ đi LỪA người không biết là kẻ tiễu nhân.
    Có gan thì nói toẹt móng heo ra, làm gì phải "chơi chữ" để lừa người ta ?
    Hãy đợi đấy, sẽ biết như thế nào là VN ! Họ Tập cố sông 1000 năm nữa cũng sẽ giống tổ tiên hộ trước đây mà thôi !
    Rất đáng tiếc cho ông DTQ, nhưng không phải nhà sử học nào cũng phải biết hết các ngôn ngữ (nhất là hàn ngữ).

    Trả lờiXóa
  3. Họ Tập THÂM NHO loài Đại Hán
    Dân ta PHẪN NỘ lũ SÀI LANG.
    Các "quan " ngày nay ít biết Hán -Nho gặp phải kẻ thâm hiểm như Tập khó tránh bẫy !
    Trân trọng biết ơn nhà nghiên cứu Nguyễn Huệ Chi đã vạch tường tận ruột gan của ngài ngự hoàng triều phương Bắc; cảm ơn cụ Hồng Nhật đã sưu tầm.

    Trả lờiXóa
  4. Tôi cũng là người từng được học Hán-Nôm trong mấy năm ở Khoa Văn ĐHTH.HN .Học để hiểu hơn về văn học, văn hóa dân tộc chứ không đi sâu nghiên cứu. Ra đời cũng không mấy áp dụng, lâu dần rơi rụng nhiều . Thế nhưng nay nghĩ lại việc người Việt ta ngày càng xa lạ với Hán-Nôm là một sự thiệt thòi về lâu dài. Nếu sâu xa hơn có thể khiến chúng ta mất mát rất nhiều vốn quý hữu hình, vô hình trong kho tàng Lịch sử, Văn hóa, Văn mình dân tộc. Chúng ta, con cháu chúng ta sẽ còn đối đầu vĩnh viễn với người hàng xóm phương Bắc "To xác-Ác hiểm" thì thứ ngôn ngữ Hán-Nôm ( gọi như các cụ ngày xưa là chữ Nho), phải là thứ"vũ khí" để chống lại giặc bành trướng ! Lớp ta có một số cụ đến nay vẫn say mê Hán-Nôm , đặc biệt cụ Hoàng Thế Long . Viết chữ Hán-Nôm cực đẹp. Hiểu nghĩa vài ngàn từ, cụ Thế Long có thể đọc và giải nghĩa tới 90% các dòng chữ "Nho" trong đình chùa miếu mạo, trong các điện thờ, ban thờ gia đình ...Thật đáng trân trọng !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Xin nói thêm . Kho tàng lịch sử dân tộc ( qua văn tự Hán -Nôm) còn được ghi chép, gìn giữ rất phong phú trong gia phả, trong hoành phi, câu đối, trong đình đền chùa chiền miếu mạo v.v...Và phải công nhận chữ Nho hàm chứa nhiều triết lý, nhiều tầng ý nghĩa sâu sắc mà chỉ có hàng "túc Nho" mói có thể hiểu cặn kẽ. Không thể trách những ông nghị XHCN nghe họ Tập giở chữ Hán ra lòe cứ ù ù cạc cạc như vịt nghe sấm. nhiều ông còn gật gù ...xúc động ! Thậm chí đến ông nghị Dương (tầu) sếp Hội LSVN còn cho là họ Tập "nói hay" chỉ còn chờ "làm giỏi" nữa là OK ! Hảo hảo !
      Tôi lại nhớ năm kia ( Khi ông bạn MD của chúng ta còn đơn chiêc) cụ Hoàng Thế Long có thửa tấm biển gỗ khắc 2 chữ "ĐỨC VIÊN" tặng bạn .Hay quá, Viên là vườn, đích thị là "Vườn nhà cụ Đức" ( Treo ngay ngoài cổng). Nó trí thức hơn nhiều chữ "Hoang Ty Villa" . Nhưng Mõ tôi về ngẫm lại, cụ Thế Long tặng cụ MĐ chữ ấy còn có thể hiểu : Vườn đức , nơi reo trồng, chăm sóc để " cây đức" mãi mãi đâm hoa kết trái. Món quà tặng bạn của cụ Hoàng Thế Long trở nên thâm thúy, ý nghĩa biết bao !

      Xóa