Nguyễn Quang Dy /Viet-Studies
“Chính trị là nghệ thuật của điều có thể” (Politics is the art of the possible). (Bismarck)
Biển Đông xa quá!
Sau khi đọc bài của Alexander Vuving (Vũ Hông Lâm), “Trung Quốc sẽ làm
gì ở Biển Đông?”, Dự án Đại sử ký Biển Đông, 21/2/2016), tiếp theo mấy
bài trước cùng nội dung, đã làm tôi mất ngủ. Không phải vì có nội dung
gì mới gây sốc, mà vì tác giả khẳng định một kết luận cũ làm độc giả
nhức đầu. Nó làm người ta liên tưởng đến một tai họa sắp xẩy ra, như một
trận đại hồng thủy (tsunami) “ai kiểm soát Biển Đông sẽ thống trị châu
Á, và bất cứ ai thống trị châu Á sẽ thống trị thế giới”. (Còn ai vào đây
nữa!)
Kết luận này là một suy diễn, nên độc giả sẽ suy diễn tiếp (hầu như chắc
chắn) là Trung Quốc sẽ kiểm soát Biển Đông, sẽ thống trị Châu Á, và
thống trị thế giới. Nói cách khác, trong vòng 15 năm nữa (nếu không có
cách gì ngăn chặn), thì Trung Quốc sẽ biến Biển Đông thành cái ao nhà
của họ (theo báo cáo của CSIS “Asia Pacific Rebalance 2025”). Nếu điều
này xảy ra thật thì (lạy Chúa! lậy Phật!) chắc nhiều người không muốn
sống lâu, hoặc phải di cư. Nhưng đi đâu? Chẳng lẽ lên mặt trăng hay sao
hỏa! Vì Mỹ, Canada, Australia… sẽ đầy người Trung Quốc (Hán Hóa) trong
khi Châu Âu sẽ đầy người Arab (Hồi giáo hóa).
Có cách gì thoát không? Rất khó! Không biết sau khi đọc báo cáo của
CSIS, tổng thống Obama (hay ông Donald Trump và bà Hillary Clinton) có
nghĩ ra cách gì không, hay là họ quá bận rộn tranh cử nên không có thời
gian cho những chuyện viển vông. Lyle Goldstein khen phát biểu của
Donald Trump (về việc Trung Quốc xây sân bay trên các đảo mới bồi đắp ở
Biển Đông) là “hợp tình hợp lý nhất” (most sensible comments), “nó ở xa
quá, và chúng ta có rất nhiều vấn đề. Mà nó đã được xây xong rồi.” (It
is very far, and we have a lot of problems, OK? And they are already
built). Nói cách khác, hãy mặc kệ nó, không phải chuyện của Mỹ. Nếu
Donald Trump mà làm tổng thống Mỹ thì nguy quá. (Lyle Goldstein, “The
South China Sea Showdown: 5 Dangerous Myths, National Interest,
September 29, 2015; “The Main Problem with America’s Abundant South
China sea Hawks”, National Interest, October 28, 2015).
Hay là đến hỏi Henry Kissinger xem ông ấy có cao kiến gì không, vì chính
ông ấy (và sếp của ông ấy là tổng thống Nixon) đã có công tạo ra con
quái vật Frankenstein của Châu Á. Nếu ông ấy không nghĩ ra được cách gì
để ngăn chặn Frankenstein thì hãy cách chức ông ta. (Nhưng ông ấy đã về
hưu lâu rồi, làm sao cách chức được nữa). Vậy thì hãy kiện ông ấy ra
toàn án quốc tế, vì đã góp phẩn tạo ra hiểm họa này cho thế giới (và
nước Mỹ). Chắc nhiều người trên thế giới muốn kiện ông Kissinger (nhất
là người Bangladesh).
Binh pháp nào?
Cái chốt trong lập luận của Alexander Vuving về bàn cờ Biển Đông là
người Trung Quốc đang ứng dụng binh pháp Tôn Tử (và cờ vây), trong vùng
xám (gray zones), để giành chiến thắng mà không cần phải đánh. Trong khi
đó, các chiến lược gia Mỹ lại nhìn nhận bàn cờ Biển Đông theo binh pháp
Clausewitz (và cờ vua), trong vùng sáng tối rõ ràng (black &
white). Có lẽ tư duy chiến lược của họ được điều khiển bởi hai hệ điều
hành (hay văn hóa) khác nhau, nên hiểu thực chất vấn đề khác nhau và đề
xuất giải pháp khác nhau. Có người khuyên Mỹ không nên ngăn chặn Trung
Quốc. Tranh luận giữa Vuving và Goldstein về Biển Đông phản ánh thực
trạng đó. (Alexander Vuving, “Think again: Myths and Myopia about the
South China sea”, National Interest, October 16, 2015; Lyle Goldstein,
“The Main Problem with America’s Abundant South China Sea Hawks”, the
National Interest, October 28, 2015).
Trong nhiều trường hợp, việc tranh luận về học thuyết rất khó nhất trí,
không ai chịu ai. Nhận ra sai lầm và thừa nhận mình nhầm là một điều rất
khó. (nhất là giới academic!) Đó là cảm tưởng của tôi khi theo dõi các
học giả lập luận và tranh luận. Đã có thời, các học giả Mỹ đổ xô kết
luận Trung Quốc giống Liên Xô, và Việt Nam giống Trung Quốc (vì họ đều
là cộng sản). Muốn ngăn chặn Trung Cộng, phải đánh Việt Cộng (thuyết
Domino). Gần đây, muốn ngăn chặn khủng bố, phải đánh Iraq. Can thiệp,
hay không can thiệp, đều có thể sai lầm, không phải sai về hành động, mà
là sai về lý do hành động. Lịch sử có thể lặp lại.
Điều đáng mừng là trong báo cáo của CSIS gần đây, “Asia Pacific
Rebalance 2025”, các tác giả khuyến nghị rằng học thuyết ngăn chặn
(containment) áp dụng từ thời Chiến tranh lạnh không còn phù hợp nữa.
Muốn đối phó hiệu quả với sự trỗi dậy “không hòa bình” của Trung quốc
hiện nay (đặc biệt là tại Biển Đông), Mỹ phải kết hợp cả ba yếu tố là
“tham dự” (engagement), “răn đe” (deterrence) và “trấn an”
(reassurance). Dù đây có phải là sự thỏa hiệp giữa các trường phái hay
không, thì cách đề cập của CSIS là hợp lý, vì nó phản ánh được bản chất
phức tạp của bàn cờ Biển Đông và tư duy lắt léo của người Trung Quốc.
Khi ứng dụng “Binh pháp Tôn tử” (hay cờ vây), chắc người Trung Quốc cũng
ứng dụng một cách linh hoạt như “Tam chủng Chiến pháp” (three warfares
doctrine). Linh hoạt (hay “quyền biến”) theo logic “hư hư thực thực”
(vừa thật vừa giả), thiên biến vạn hóa như ma trận, luôn là phương châm
chỉ đạo hành động của người Trung Quốc. Có thể hình dung bàn cờ Biển
Đông sẽ diễn biến giống như một ma trận (hay “trận đồ bát quái”). Nhìn
cách Trung Quốc triển khai bố trí các cơ sở hạ tầng quân sự tại Biển
Đông (Trường Sa và Hoàng Sa), cũng như trên đất liền, ta thấy hình dạng
một chiến lược tổng thể, như một ma trận.
Cách đánh giá của một số chuyên gia quân sự về giá trị của các hạ tầng
quân sự (sân bay, bến cảng, trận địa tên lửa, ra đa, kho tàng…) mà Trung
Quốc triển khai trên các đảo mới san lấp tại Trường Sa và Hoàng Sa, có
thể sai lạc (misleading). Thoạt nghe thì có vẻ đúng về lý thuyết quân sự
nhưng lại không đúng về thực tế, vì không lý giải được bản chất sự
việc. Đúng là nếu xung đột quân sự (với Mỹ) xảy ra, thì các hạ tầng quân
sự đó (military assets) dễ dàng bị phá hủy trong một trận oanh kích (từ
máy bay hay tàu chiến Mỹ). Nhưng tại sao Trung Quốc vẫn đầu tư xây dựng
các “lâu đài trên cát”? Không phải họ ngu, mà theo Vuving, họ đang chơi
cờ vây, theo binh pháp Tôn Tử (để không đánh mà thắng).
Trung Quốc triển khai trận địa tên lửa HD-9 và ra đa tại đảo Phú Lâm
(Hoàng Sa) không phải chỉ để uy hiếp máy bay B-52, mà còn để nhắn nhủ
Obama và lãnh đạo 10 nước ASEAN đang họp tại Sunnylands ai là người
quyết định cuộc chơi. Một ví dụ khác, trước chuyến thăm Mỹ của ông Tập
Cận Bình, Trung Quốc đã cho mấy tàu chiến đến ngoài khơi Alaska, không
phải để đe dọa Anchorage, mà để nhắn nhủ Obama (lúc đó đang thăm Alaska)
rằng Trung Quốc là một cưòng quốc hải quân không thua kém Mỹ, cần được
đối xử bình đẳng theo luật chơi giữa các “nước lớn” (great power
relations). Một kiểu gunboat diplomacy.
Một số người lập luận rằng còn lâu Trung Quốc mới mạnh bằng Mỹ (về tiềm
lực hải quân và không quân), nên hiện nay Mỹ chưa phải lo. Nhưng họ quên
rằng sự trỗi dậy một cách hung hăng của Trung quốc hiện nay là hệ quả
của những gì Mỹ đã làm (hay không làm) cách đây vài thập kỷ. Nếu Mỹ xoay
trục như “tiếng kèn ngập ngừng” (uncertain trumpet), đối phó với Trung
Quốc một cách nửa vời (half-hearted) như hiện nay thì không răn đe được
Trung Quốc, mà còn khuyến khích họ hành động quyết đoán hơn. Thái độ do
dự của Mỹ trong vụ tranh chấp đảo Scarborough giữa Trung Quốc và
Philippines là một ví dụ. Cho tàu tuần tra FONOP tại Biển Đông theo kiểu
“vô hại” (innocent passage) là một ví dụ khác. Đúng là Trung Quốc hiện
nay còn yếu hơn Mỹ về tổng thể, nhưng nếu Mỹ không hành động quyết đoán
thì Trung Quốc sẽ mạnh hơn Mỹ tại Biển Đông. “Điều duy nhất quan trọng
là phải mạnh hơn tại địa điểm quyết định, vào lúc quyết định, để đạt mục
đích” (Clausewitz)
Tại sao Trung Quốc không muốn xung đột với Mỹ, nhưng lại gây căng thẳng
(brinkmanship)? Thứ nhất, Mỹ là mối lo lớn nhất của Trung Quốc: họ gây
căng thẳng để hù dọa Mỹ không can thiệp vào khu vực. Nếu xung đột nhỏ
với Việt Nam hay Philippines xảy ra thì họ dễ dàng đè bẹp đối phương, và
coi đó là việc nội bộ (song phương), không liên quan đến Mỹ. Trung Quốc
sẽ rất mừng nếu có người đề xuất với lãnh đạo Mỹ đừng can thiệp vào
Biển Đông. Những người có quan điểm như Goldstein rất dễ rơi vào bẫy của
họ (playing into their hands). Thứ hai, Trung Quốc không muốn Nhật, Úc,
Ấn Độ can thiệp vào Biển Đông (cùng với Mỹ) vì một liên minh như vậy là
mối lo thứ hai của Trung Quốc. Nếu vô hiệu hóa được hai mối lo trên,
thì Trung Quốc dễ dàng cô lập, phân hóa ASEAN, có thể dùng cái gậy (vũ
lực) để răn đe và củ cà rốt (viện trợ) để mua chuộc các nước này. Vì
vậy, cuộc gặp cấp cao Mỹ-ASEAN tại Sunnylands, và đoàn kết ASEAN là mối
lo thứ ba của Trung Quốc.
Lý thuyết cái bẫy chiến tranh “Thucydices trap” có giá trị răn đe vì
xung đột tất yếu giữa một cường quốc đang trỗi dậy với một cường quốc
đang suy yếu. Nhưng cái bẫy này có thể bị trung hòa và triệt tiêu bằng
hai yếu tố khác: Thứ nhât, Mỹ và Trung Quốc bị trói buộc bởi lợi ích
kinh tế (economic codependency trap); Thứ hai, Mỹ và Trung Quốc cùng lo
bị hủy diệt (Mutual assured destruction). Vì vậy, giá trị thực tiễn của
lý thuyết “Thucydices trap” tại Biển Đông không cao. Khả năng xảy ra
xung đột Trung-Mỹ rất thấp.
Trên thực tế, răn đe sử dụng vũ lực (threat perception) có giá trị thực
tiễn và hiệu quả hơn nhiều so với sử dụng vũ lực (tốn kém và rủi ro
cao). Chiến tranh tâm lý thường diễn ra trước khi có xung đột thực sự.
Tình trạng “nửa chiến tranh, nửa hòa bình” (no war no peace) là lý tưởng
để Trung Quốc gây khủng hoảng (bên ngoài) nhằm tháo ngòi khủng hoảng
(bên trong) bằng cách bành trướng theo chiến thuật cắt lát (salami), và
biến thành chuyện đã rồi (fait accompi), đồng thời nắn gân đối phương
bằng nước cờ “gambit”.
Nhưng Trung Quốc chỉ có thể làm được điều đó nếu đối phương (Mỹ và đồng
minh) tự hạn chế và tự kiểm duyệt mình, để chơi theo cờ vây của Trung
Quốc. Nếu người Mỹ lo ngại xung đột có thể leo thang (thành chiến tranh
hạt nhân) nên không dám can thiệp vào Biển Đông, là mắc mưu Trung Quốc
(dù là vô tình). Mỹ cần chuyển đổi tư duy chiến tranh thông thường sang
tư duy phản ứng linh hoạt để đối phó với tình trạng “nửa chiến tranh,
nửa hòa bình” (no war no peace). Nhưng quan trọng hơn cả là người Mỹ
phải vượt qua “hội chứng Trung Quốc”, cho rằng Mỹ không nên đối đầu và
không thể ngăn chặn được Trung Quốc. Nếu nghĩ rằng không nên đối đầu với
Trung Quốc chỉ vì mấy cái đảo nhỏ, hay mấy bãi đá trên biển, là nhầm to
(misleading). Trung Quốc đang lặng lẽ thay đổi thưc địa, và chỉ vài năm
nữa là những bãi đá hoang trở thành các căn cứ quân sự, cơ sở hậu cần,
và cứ điểm mạnh, để kiểm soát toàn bộ Biển Đông. Vì vậy, không thể chơi
cờ vây với Trung Quốc bằng tư duy Clausewitz.
Có thể làm gì?
Về căn bản, tôi tán thành cách nhìn nhận vấn đề và lập luận của Vuving
(về Biển Đông). Đây là một trong số ít các nhà nghiên cứu có quan điểm
thực tế (realist), hiểu biết sâu sắc về tư duy chiến lược lắt léo của
người Trung Quốc, và thực trạng Biển Đông (mà nhiều người khác chưa chắc
đã hiểu rõ). Vuving đã giải thích “Trung Quốc SẼ làm gì”, và trong một
số trường hợp, thực tế đã diễn ra như vậy. Tôi chỉ muốn bổ sung một chút
xem “Trung Quốc CÓ THỂ làm gì”, vì điều này phụ thuộc vào những yếu tố
mà có lẽ Trung Quốc không kiểm soát được (như một hệ quả không định
trước). Hay nói khác đi, Mỹ và đồng minh CÓ THỂ làm gì để kiềm chế Trung
Quốc tại Biển Đông, trong bối cảnh hiện nay.
Thứ nhất, Mỹ và đồng minh/đối tác tiềm năng cần liên kết thành một liên
minh thực tế (de facto alliance) dựa trên cơ sở hợp tác (TPP) và cơ chế
an ninh tập thể (liên khu vực), để ngăn chặn Trung Quốc. Một liên minh
như vậy có thể gồm mấy nước nòng cốt như Mỹ, Nhật, Việt Nam,
Philippines, Ấn Độ, Úc, để cùng tuần tra Biển Đông, bổ sung cho vai trò
an ninh tập thể của ASEAN đang yếu kém vì chia rẽ, đồng thời hỗ trợ tam
giác Mỹ-Trung-Việt chuyển động theo hướng “thoát Trung”. Điều này là khả
thi vì sau sự kiện tranh chấp đảo Điếu Ngư và sự kiện dàn khoan HD 981
là 2 bước ngoặt lớn (tipping point) làm quan hệ Trung-Nhật và Trung-Viêt
thay đổi về bản chất, không còn như trước nữa (beyond the point of no
return). Điều này là tối cần thiết, vì mối liên kết để lập một liên minh
thực tế như vậy còn khá rời rạc, ngay cả sau thỏa thuận TPP và cuộc gặp
cấp cao Mỹ-ASEAN tại Sunnylands. Bầu cử tổng thống Mỹ và chuyển giao
quyền lực ở một số nước khu vực (như Myanmar, Đài Loan, Việt Nam) có thể
ảnh hưởng phần nào tới tiến trình hợp tác với Mỹ (theo lộ trình đó).
Thứ hai, những gì đang diễn ra tại Đài Loan, Hong Kong, Myanmar, Việt
Nam, Lào…đang theo xu hướng “thoát Trung”. Trung Quốc càng đối phó cực
đoan, họ càng bị cô lập và khủng hoảng.
Thứ ba, Trung Quốc có thể mạnh lên về quân sự (tại Biển Đông), nhưng
tình hình kinh tế, xã hội, chính trị nội bộ đang xấu đi nghiêm trọng
(tới mưc khủng hoảng), có thể đẩy nhanh quá trình sụp đổ của chế độ. Đây
chính là tử huyệt của Trung Quốc. Nó vừa là nguyên nhân vừa là hệ quả
của chủ nghĩa bành trướng bá quyền Đại Hán, dựa trên tinh thần dân tộc
cực đoan, để thay đổi nguyên trạng (bên ngoài), và tăng cường các biện
pháp trấn áp để duy trì nguyên trạng (bên trong). Đó là hai trụ cột
chính của Tập Cận Bình để thực hiện “Giấc mộng Trung Hoa”. Nhưng chính
điều này có thể phản lại ông ta, dẫn đến “hệ quả không định trước”. Đó
là sự sụp đổ của mô hình phát triển độc đáo (authoritarian resilience)
mà nhiều người đã từng đánh giá cao như là động lực làm Trung Quốc phát
triển thần kỳ.
Nhưng ngày càng nhiều người nhất trí về nguy cơ sụp đổ không tránh khỏi
của chế độ Cộng sản Trung Quốc. (Minxin Pei, “The twilight of Communist
Party rule in China”, American Interest, Nov 12, 2015). Danh sách ngày
càng dài, gồm những tên tuổi như Paul Krugman, David Shambaugh, Minxin
Pei… Chẳng ai muốn Trung Quốc sụp đổ, vì điều đó là một thảm họa toàn
cầu, do phản ứng dây chuyền. Nhưng một nước Trung Quốc ốm yếu và suy sụp
(implosion) có thể làm giảm động lực và năng lực bành trướng bá quyền
tại Biển Đông. Nói cách khác, những gì đang diễn ra tại Biển Đông không
thể tách rời những gì đang diễn ra tại Bắc Kinh và Thượng Hải. Biển Đông
là một canh bạc lớn, và một con dao hai lưỡi đối với Trung Quốc, mà mối
lo chung (mutual fear) là ẩn số trong mọi trò chơi quyền lực (game of
thrones).
Tham khảo
Alexander Vuving, “Trung Quốc sẽ làm gì ở Biển Đông?”, Dự án Đại sử ký
Biển Đông, 21/2/2016; “Think Again: Myths and Myopia about the south
China sea”, National Interst, October 16, 2015; “A Tipping Point in the
US-China-Vietnam Triangle”, the Diplomat, July 6, 2015; “China’s Sun Tzu
Strategy: Preparing for Winning without Fighting”, Interview by Patrick
Renz & Frauke Heidemann, March 27, 2015;
Lyle Goldstein, “The South China Sea Showdown: 5 Dangerous Myths”,
Nationa Interest, September 29, 2015; “Main Problem with America’s
Abundant South China sea Hawks”, National Interest, October 28, 2015.
Minxin Pei, “The Twilight of Communist Party Rule in China”, American Interest, November 12, 2015
Robert Kapland, “Eurasia’s Coming Anarchy”, Foreign Affairs, March/April, 2016
--------------------------------------
Nguồn : Anle20s'Blog (25/2)