Thứ Sáu, 26 tháng 2, 2016

“Hội chứng cổng chào”

Hay các tỉnh huyện chạy đua tiêu tiền của dân
Không chỉ ở tỉnh, thậm chí tại nhiều huyện, xã, thôn, những cổng chào có vốn đầu tư từ vài trăm triệu, vài tỷ đến hàng chục tỷ vẫn liên tiếp được dựng lên.

Sau khu trung tâm hành chính nghìn tỷ, tượng đài nghìn tỷ, “hội chứng cổng chào” tiếp tục khiến dư luận phải đặt ra những dấu hỏi lớn về tư duy lãnh đạo khi tiền của người dân được sử dụng để dựng lên những công trình vô tri, mang tính hình thức, phong trào trong khi người dân của nhiều tỉnh vẫn phải trông chờ vào gạo cứu đói.

Nghệ An: Cổng làng tam quan gần 3 tỷ đồng

Xã Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu, Nghệ An) vừa làm lễ cắt băng khánh thành công trình cổng làng đồ sộ cao tới 14m, rộng 22m, một cổng chính, hai cổng phụ, vòm cửa chính cao 6,9m, rộng 7m, cột cổng rộng 4m… Bên cạnh là những cụm hoa cây cảnh trang trí dài khoảng 100m.
Công trình được xây dựng bê tông cốt thép có lát đá hoa cương vĩnh cửu, khởi công từ tháng 1/2015 và khánh thành sau 8 tháng thi công.
q1.jpg
Cổng làng tam quan bề thế hoàn thiện sau 8 tháng thi công, có tổng kinh phí hơn 3 tỷ đồng. 
(Ảnh: vnexpress.net)

Chủ tịch xã Hồ Quang Tuấn cho biết, tên gọi cổng làng nhưng thực chất là cổng xã, do xã Quỳnh Đôi chỉ gồm một làng, nên gọi xã hay làng Quỳnh Đôi đều như nhau, theo báo Vnexpress.
Ông Tuấn ước tính kinh phí xây dựng công trình 3 tỷ đồng, tất cả là tiền công đức, đồng thời bác bỏ ý kiến cho rằng xây cổng làng đồ sộ là hoang phí vì xã Quỳnh Đôi đã hoàn thành tiêu chí nông thôn mới từ năm 2014.
Theo Báo Nghệ An tháng 3/2015, công trình do ông Hồ Sỹ Tiến (Thiếu tướng) – Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự CP45 Bộ công an đứng ra vận động con em Quỳnh Đôi cả nước và các nhà hảo tâm đóng góp.
Trước đó, một cổng chào của tỉnh vừa mới được khánh thành tại xã Quỳnh Thiện, thị xã Hoàng Mai vào tháng 10/2015 với tổng mức đầu tư lên tới 4,8 tỷ đồng.
Công trình được xây dựng tại Km382+500, quốc lộ 1A, bằng kết cấu thép, toàn bộ ốp trang trí bằng tấm hợp kim nhôm nhựa, trên cổng gắn bảng điện tử LED 3 màu. Các hạng mục phụ trợ gồm: khuôn viên cổng chào, mương thoát nước, kè đá.
q2
Bề ngang của cổng chào vượt hơn bề rộng của đường quốc lộ 1A, vốn rộng từ 10–12 m.
 (Ảnh: truyenhinhnghean.vn)

Trong 4 năm liên tiếp, từ 2013 tới 2016, Nghệ An luôn đứng đầu trong danh sách các tỉnh xin gạo cứu đói dịp Tết và giáp hạt với số lượng từ hơn 3.000 đến hơn 4.000 tấn.

Quảng Nam: Huyện miền núi nghèo xây cổng chào hơn 1,1 tỷ đồng

Đang trong quá trình thi công, nhưng công trình cổng chào ở một huyện miền núi nghèo của tỉnh Quảng Nam đã sửng sốt về quy mô hoành tráng của nó. Công trình có 4 trụ bê-tông rộng hàng chục mét với 3 cửa, đặt chắn trên cửa ngõ vào trung tâm huyện nằm trên QL 14E, đoạn qua địa phận thị trấn Tân An, huyện Hiệp Đức. Tổng số vốn đầu tư hơn 1,1 tỷ đồng, bao gồm cả phần giải tỏa mặt bằng.
q3.jpg
Cổng chào của huyện Hiệp Đức rộng hàng chục mét, 3 cửa, 4 trụ bê tông. Công trình đã hoàn thành phần kết cấu, đang tiếp tục những phần việc như ốp gạch đá, trang trí các họa tiết trên cổng… (Ảnh: nld.com.vn)
Là một huyện miền núi nghèo của tỉnh Quảng Nam, Hiệp Đức có diện tích 492 km2, dân số trên 40.000 người, 18% trong số đó thuộc hộ nghèo. Tết Bính Thân vừa qua, sự việc một số người thuộc hộ nghèo tại Hiệp Đức bị ngộ độc vì ăn cơm nấu bằng gạo hỗ trợ Tết đã gây nên nhiều chua xót trong cộng đồng.
q4
Nằm ngay điểm rẽ ra hai nhánh của tuyến QL 14E, khiến cổng quá rộng và thiếu tính thẩm mỹ. (Ảnh: nld.com.vn)
Trên báo Người Lao Động, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức cho biết huyện Hiệp Đức đã thành lập 30 năm nhưng chưa có cái cổng chào nào trong khi các huyện khác trong tỉnh đều đã có nên người dân “rất có nguyện vọng”. Ông Tỉnh khẳng định dùng tiền làm cổng chào tiền tỷ thay vì hỗ trợ cho dân thoát nghèo là không lãng phí.

Tết Bính Thân 2016 vừa qua, Quảng Nam nhận 3.500 tấn gạo cứu đói. Con số này nhiều gấp 1,3 lần số gạo xin trợ cấp năm 2013.

Long An: Cổng chào gần 1 tỷ đồng trên đường huyện

Tháng 7/2015, huyện Tân Trụ (Long An) làm lễ mừng Cổng chào thị trấn Tân Trụ, gắn liền với lễ thông xe kỹ thuật đường Cao Thị Mai (còn gọi là đường tránh thị trấn Tân Trụ).
Công trình cổng chào có tổng diện tích hơn 84 m2, gồm trụ cổng và mái cổng bằng bê tông cốt thép, chiều rộng giữa hai trụ là 10m, tổng chiều cao cổng so với vỉa hè là 7m, chân trụ cổng được ốp gạch, phần nền xung quanh trụ lát gạch ciment Terazo…Tổng kinh phí xây cổng gần 1 tỷ đồng.
Theo Báo Giao thông, ông Nguyễn Thanh Hải, Bí thư Huyện uỷ Tân Trụ cho biết, công trình Cổng chào có ‘ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vừa mang biểu tượng văn hoá, truyền thống vừa là niềm tự hào của người dân huyện Tân Trụ’.
Theo ông Hải, hai công trình đường tránh và cổng chào “góp phần tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế của huyện, vươn lên ngang tầm với các huyện trong khu vực khi giúp vào việc thị trấn Tân Trụ đủ tiêu chuẩn trở thành đô thị loại IV vào năm 2020”.

Quảng Ninh: Một cổng chào gần 200 tỷ đồng

Được khởi công vào tháng 2/2015, công trình cổng chào tỉnh Quảng Ninh tại khu vực đầu cầu Vàng Chua (thuộc xã Bình Dương, huyện Đông Triều) có diện tích 9 ha, thiết kế khung thép với 8 cột chính có độ cao từ 38-43m.
Công trình có vốn đầu tư 198 tỷ đồng, tăng 80 tỷ đồng so với kinh phí dự kiến (118 tỷ đồng), theo thông tin từ Báo Quảng Ninh. Con số này chiếm hơn một nửa tổng số vốn của cụm Công trình cổng tỉnh và điểm dừng chân tỉnh Quảng Ninh.
q5
Phối cảnh cổng tỉnh Quảng Ninh. Số vốn đầu tư 198 tỷ đồng. (Nguồn: qtv.vn)

Công trình điểm dừng chân của tỉnh có vốn đầu tư 170 tỷ đồng, được xây dựng trên diện tích trên 100ha, bao gồm các hạng mục khu công viên, cây xanh cùng với các công trình dịch vụ (nhà hàng dịch vụ tổng hợp, cửa hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm, bãi đỗ xe…).

Dự án được đầu tư theo hình thức công – tư (PPP), do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án (không công bố hình thức hợp đồng BOT, BTO hay BT…).

Hà Nội: Huyện, xã, thôn “tơi tả” vì cổng chào

Không phải từ bây giờ, mà từ năm 2010 với sự kiện kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, phong trào xây cổng chào đã trở nên đặc biệt rầm rộ tại Hà Nội. Từ huyện đến xã, thôn, các lãnh đạo đua nhau phê duyệt dựng cổng chào. Nhiều thì vài tỷ đồng, ít thì vài trăm triệu đồng.
Năm 2010, huyện Phúc Thọ đầu tư khoảng 2,4 tỷ đồng xây hai cổng chào để chào đón 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.
q6

Một trong hai cổng chào bề thế của huyện Phúc Thọ (Hà Nội)
 nằm trên Quốc lộ 32. (Ảnh: panoramio.com)

Cuối năm 2012, huyện Đan Phượng chi gần gấp đôi số tiền trên, lên tới 4,2 tỷ đồng để xây hai cổng chào của huyện! Cùng năm, huyện được coi là nhỏ và nghèo của Hà Nội này tiếp tục xây dựng nhà hát đồ sộ với vốn đầu tư gần 120 tỷ đồng lấy từ ngân sách nhà nước.

 Một trong hai cổng chào có tổng chi phí 4,2 tỷ đồng đươc đặt ở đầu 
và cuối huyện Đan Phượng. (Ảnh: baodatviet.vn)

Nối gót, cấp xã, thôn của huyện Đan Phượng cũng “hưởng ứng” xây cổng chào. Xã Phương Đình (huyện Đan Phượng) xây cổng chào 200 triệu đồng. Thôn Đông Khê (xã Đan Phượng) xây cổng chào 800 triệu đồng… Chỉ từ cuối năm 2012 đến đầu năm 2013, tổng cộng 106 cổng chào đã được dựng lên tại các xã của huyện này, theo thông tin trên báo Tiền Phong.

Nếu tính trên đường quốc lộ, chỉ 21km đường quốc lộ 32 đoạn từ huyện Hoài Đức, qua Đan Phượng đến Phúc Thọ (Hà Nội) đã có tới 5 cổng chào được xây dựng bề thế, kiên cố, tức trung bình cứ 4km lại có một cổng chào.
Chỉ nói riêng về bộ đôi cổng chào trị giá 4,2 tỷ đồng, ông Nguyễn Hữu Hoàng – phó chủ tịch UBND huyện Đan Phượng cho rằng: “Đây là những cổng chào vào cả một khu liên hiệp quy mô lớn, phục vụ các sự kiện quan trọng. Đâu có ai nêu ý kiến lãng phí gì đâu” và đồng thời khẳng định tiền làm cổng chào ở cấp xã và thôn là do người dân đóng góp, chứ ngân sách không cấp, theo báo Tuổi Trẻ.
Cũng nhân dịp đại lễ 1.000 Thăng Long – Hà Nội, UBND thành phố từng chủ trương xây 5 cổng chào trị giá tới 50 tỷ đồng. Sau khi vấp phải sự phản đối từ cộng đồng khi cho rằng chi tiêu trên không hiệu quả, không mang lại lợi ích thiết thực, quá lãng phí, phương án cuối cùng được chấp thuận là chỉ làm những cổng chào bằng hoa, cây xanh.

q8

Một cổng làng truyền thống của văn hóa Bắc Bộ. Trong hình, cổng làng Trung Nha tại Nghĩa Đô, Cầu Giấy trước khi bị giải tỏa để làm đường vành đai. (Ảnh: phapluatplus.vn)
---------------------------------------------------------
Phan A tổng hợp/daikynguyen

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét