Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa. (Ảnh: Facebook / World International News Group)
Việc báo chí đưa tin Trung Quốc triển khai
các tên lửa đất đối không tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, nằm
trong khu vực tranh chấp chủ quyền của nhiều nước tại biển Đông, đã
khiến tình hình biển Đông ngày càng trở nên phức tạp và căng thẳng. Giới
chức nhiều nước và các chuyên gia cho rằng động thái này cho thấy Bắc
Kinh đang đẩy mạnh quân sự hóa biển Đông. Dưới đây là các diễn biến mới nhất xung quanh vụ việc.
Mỹ tiếp tục tuần tra biển Đông bất chấp tên lửa Trung Quốc tại đảo Phú Lâm
Theo VOA News,
ngày 18/2, các quan chức quốc phòng Mỹ tuyên bố Mỹ vẫn sẽ tiếp tục tuần
tra tại biển Đông, bất chấp việc Trung Quốc đưa tên lửa đất đối không
đến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Một quan chức quốc phòng nói với VOA rằng: “Chúng tôi sẽ duy trì trật tự và bảo vệ tự do hàng hải trên biển Đông. Điều đó sẽ không thay đổi.” Một quan chức khác khẳng định: “Chúng tôi có đủ năng lực để đối phó với tên lửa đất đối không loại này.”
Hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc bố trí các tên
lửa đất đối không trên đảo Phú Lâm được công bố chưa đầy một tháng sau
khi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố Bắc Kinh sẽ không “quân
sự hóa” ở biển Đông. Tuy nhiên, ông Vương nói thêm rằng Trung Quốc có
thể cần đến “sự tự vệ.”
Một quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên bác bỏ luận điệu dối trá của Trung Quốc khi nói rằng: “Hệ
thống tên lửa phòng không có phải là công cụ để bảo vệ an ninh hàng hải
không? Rõ ràng là không. Đó là hành vi quân sự hóa không thể chối cãi.”
Mặc dù việc củng cố quân sự đang tiếp diễn, nhưng các quan chức Mỹ
vẫn tiếp tục kêu gọi tất cả các bên trong khu vực giải quyết các tranh
chấp chủ quyền thông qua ngoại giao. Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Bill
Urban nói rằng, “Chúng tôi tiếp tục khuyến khích tất cả các bên đòi
chủ quyền xác minh những tuyên bố chủ quyền lãnh địa và lãnh hải theo
đúng luật pháp quốc tế và cam kết xử lý hay giải quyết các tranh chấp
một cách hòa bình.”
Trung Quốc xác nhận đã triển khai vũ khí đến đảo Phú Lâm
Theo CNN, Thời báo Hoàn Cầu, một công cụ truyền thông của chính quyền
Trung Quốc, dẫn lời Bộ Quốc phòng Trung Quốc xác nhận hôm 18/2 rằng
Trung Quốc “từ lâu” đã triển khai nhiều vũ khí đến đảo Phú Lâm, thuộc
quần đảo Hoàng Sa.
Tuy nhiên, tờ báo này không nói rõ đó là vũ khí gì và phủ nhận việc
Trung Quốc đang quân sự hóa hòn đảo, cũng như không thừa nhận thông tin
cho rằng Trung Quốc vừa triển khai hệ thống tên lửa phòng không mới tới
đảo Phú Lâm. Tờ báo cũng ngang ngược cho rằng, các biện pháp phòng vệ ở
đây “không có gì mới” và “Trung Quốc có quyền hợp pháp”.
Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị lớn tiếng cáo buộc rằng truyền thông phương Tây “dựng chuyện”.
Theo tờ Straits Times, Giáo sư Carl Thayer từ Học viện Quốc phòng Úc,
khẳng định, trên thực tế, đảo Phú Lâm đã bị quân sự hóa từ trước đó và
Trung Quốc gần đây đã mở rộng đường băng phi pháp trên đảo có chiều dài
lên đến 3.048 mét, cùng các nhà chứa máy bay và máy bay quân sự được
triển khai.
Ông Thayer nhận định việc Trung Quốc triển khai một hệ thống phòng
không tinh vi tới đảo Phú Lâm chắc chắn là nhằm đáp trả các hoạt động
trên không và cuộc tuần tra tự do hàng hải của Mỹ gần đảo Tri Tôn hồi tháng trước.
Theo trang tin Dân Trí và Thanh Niên, chuyên gia người Úc nhận định
việc triển khai hệ thống tên lửa phòng không tại đảo Phú Lâm cho thấy
trong tương lai gần Trung Quốc có thể thực hiện điều tương tự ở quần đảo
Trường Sa, lấy lý do chống lại mối đe dọa từ phía Mỹ.
Ông Neil Ashdown, Phó tổng biên tập chuyên san quốc phòng IHS Jane’s,
cũng có cùng nhận định với giáo sư Thayer. Ông cho rằng việc Trung Quốc
triển khai tên lửa là “hành động làm leo thang căng thẳng quân sự” và
“có khả năng là nhằm dằn mặt Mỹ và những quốc gia khác ở biển Đông, sau
khi tàu chiến Mỹ tiến hành những chiến dịch tuần tra đảm bảo tự do hàng
hải vào tháng 10/2015 và 1/2016”.
Reuters dẫn lời Phó đô đốc Alexander Lopez, Tư lệnh quân đội
Philippines phụ trách khu vực biển Đông, nhận định việc triển khai tên
lửa phòng không của Trung Quốc tại đảo Phú Lâm khiến cộng đồng quốc tế
lo ngại. Ông cho rằng không có lý do gì để triển khai loại vũ khí này
nếu Trung Quốc không có ý định sử dụng chúng. Do đó, ông khẳng định sự
ổn định của khu vực đang bị đe dọa bởi việc triển khai các loại vũ khí
này vì Trung Quốc rõ ràng có ý đồ sử dụng chúng.
Mỹ và các đồng minh nên phối hợp hành động
Hôm 16/2, Japan Times dẫn lời bà Mira Rapp-Hooper, một chuyên gia về
biển Đông của CSIS, nói đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc đưa các
vũ khí như vậy tới quần đảo Hoàng Sa. Bà Mira cũng cho rằng rất có thể
đây là một động thái mà Trung Quốc đáp lại các chuyến tuần tra tự do
hàng hải của Mỹ tại biển Đông, nhưng động thái mới nhất là nghiêm trọng.
Theo tờ The Guardian, vấn đề biển Đông và các quan ngại về việc Trung
Quốc mở rộng quân sự đã trở thành một vấn đề then chốt trong chiến dịch
tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Marco Rubio nói rằng hải quân Mỹ
nên bổ sung thêm 25 tàu vào lực lượng hiện thời “để chúng ta có sự hiện
diện thường trực tại khu vực nhằm thách thức cả các vùng phòng không mà
họ tuyên bố và các quyền hàng hải mà họ khẳng định là bất hợp pháp”. Ông
Rubio nhấn mạnh: “Chúng ta không thể sống trong một thế giới nơi
chính phủ Trung Quốc tuyên bố một cách trái phép rằng họ sở hữu và có
thể kiểm soát dòng chảy thương mại qua tuyến đường hàng hải quan trọng
nhất thế giới.”
Tờ Japan Timers dẫn lời ông Richard Javad Heydarian, phó giáo sư tại
Đại học De La Salle ở Manila, cho rằng Bắc Kinh đang bắt đầu gửi đi một
tín hiệu rằng nước này sẽ không cho phép bất kỳ sự hiện quân sự nào của
Mỹ gần các thực thể mà Trung Quốc đã chiếm đóng.
Theo ông Heydarian, “Điều này rất đáng báo động, vì quần đảo
Trường Sa có thể là mục tiêu tiếp theo, đặc biệt là khi các đường băng ở
đây đã được hoàn thành, như trên bãi Đá Chữ Thập, và sớm được hoàn
thành như trên bãi Su Bi và Đá Vành Khăn.”
Ông Heydarian cho rằng Mỹ và các đồng minh không còn thời gian và
rằng một nỗ lực phối hợp trong khu vực là cần thiết để bảo vệ tự do hàng
hải và ngăn chặn việc Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa trên các thực thể
mà nước này chiếm đóng tại biển Đông, trong đó cần có sức ép ngoại giao
lớn hơn và các cuộc tuần tra chung thường xuyên hơn giữa Mỹ và các đồng
minh như Úc, Nhật và Ấn Độ.
Theo trang tin theaustralian.com.au,
khi Washington vẫn tiếp tục tuần tra ở biển Đông và Bắc Kinh vẫn tăng
cường sự hiện diện quân sự trong khu vực, thì “chúng ta có thể thấy thêm
các màn đối đấu giữa hai bên”, William Choong, một chuyên gia an ninh
châu Á tại Viện Quốc tế về Nghiên cứu Chiến lược (IISS), nhận định.
Mỹ và châu Âu yêu cầu Trung Quốc tôn trọng phán quyết của Tòa án Trọng tài thường trực về biển Đông
Cũng liên quan đến tình hình biển Đông, theo Reuters, hôm 17/2, Mỹ và
Liên minh châu Âu (EU) đều cảnh báo Bắc Kinh phải tôn trọng phán quyết
của Tòa án Trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan) về vụ kiện của Philippines nhằm bác bỏ các đòi hỏi chủ quyền vô lý của Trung Quốc trên biển Đông.
Bà Amy Searight, Phó trợ lý bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ đặc trách khu vực
Nam Á và Đông Nam Á, cho biết Mỹ, EU và các đồng minh như Úc, Nhật và
Hàn Quốc phải sẵn sàng tuyên bố rõ ràng rằng phán quyết của PCA là mang
tính ràng buộc và Trung Quốc sẽ phải trả giá nếu không tôn trọng phán
quyết này trong trường hợp bị thua kiện.
Phát biểu tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS) ở Washington, bà Searight khẳng định: “Chúng
ta cần phải sẵn sàng lên tiếng mạnh mẽ và công khai, cùng chung tiếng
nói, ủng hộ Philippines và các nước ASEAN để nói rằng đây là luật pháp
quốc tế, là một điều vô cùng quan trọng, và mang tính ràng buộc tất cả
các bên.”
Bà Searight nói rằng thông điệp gửi đến Trung Quốc, nếu nước này
không tôn trọng phán quyết bất lợi của tòa án quốc tế, thì cộng đồng
quốc tế sẽ yêu cầu Trung Quốc phải chịu trách nhiệm. Bà nhấn mạnh: “Chắc
chắn uy tín của Trung Quốc sẽ bị tổn hại, nhưng chúng ta cũng có thể
nghĩ đến những phương cách sáng tạo khác để có thể buộc Trung Quốc phải
trả giá.”
Quan điểm trên của bà Searight được ông Klaus Botzet, người đứng đầu
bộ phận chính trị của phái đoàn EU tại Washington, đồng tình khi cho
rằng Trung Quốc sẽ khó có thể phản đối lập trường chung của cộng đồng
quốc tế. Ông Botzet nói: “Một lập trường chung của phương Tây và của
cả thế giới sẽ là vấn đề lớn đối với Trung Quốc. Nếu chúng ta đồng loạt
ủng hộ rằng luật pháp quốc tế được tòa án quốc tế ở The Hague đưa ra …
cần phải được tôn trọng, đó sẽ là thông điệp mạnh mẽ mà Trung Quốc không
thể phớt lờ.”
Ông Botzet nói rằng Bắc Kinh đang đầu tư quá nhiều vào quân sự, đang
ép buộc các quốc gia láng giềng thành lập liên minh để đối phó. Ông cũng
đồng thời khẳng định Mỹ có sức mạnh quân sự vượt trội ở châu Á – Thái
Bình Dương và EU ủng hộ mạnh mẽ việc Mỹ bảo vệ luật pháp quốc tế tại
châu Á.
Đáp lại, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết
Bắc Kinh “ghi nhận” các tuyên bố nói trên, và cho rằng “âm mưu” của
Philippines sẽ “không bao giờ thành công”.
--------------------------------------------
Ban Mai tổng hợp/daikynguyen
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét