Thứ Năm, 14 tháng 3, 2013

Hôm nay 14/3

Lại nói về bài thơ "Lời hứa Trường Sa"

Sau ngày 17/2 lại có thêm một ngày làm đau nhói trái tim người Việt yêu nước : 14/3 ! Ngày ngày cách đây đúng 25 năm quân Trung Quốc xâm lược bất ngờ xả súng dã man, sát hại 64 người lính hải quân Việt Nam – đa số là lính công binh đang xây dựng cơ sở đồn trú bảo vệ chủ quyền của Việt Nam ở cụm đảo Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trong số 64 chiến sĩ hy sinh giữa trùng khơi nắng lửa ấy có tên thiếu úy máy trưởng Phạm Gia Thiều, quê Hưng Đạo, Trung Đồng, Hà Nam Ninh ( Nay là tỉnh Hà Nam) . Về Thiều mấy năm gần đây, cứ đến ngày 14/3 là tôi lại nhắc đến anh, người mà gia đình tôi coi như con em trong nhà . Thiều cùng học Trường SQHQ với em trai tôi. Họ là bạn rất thân với nhau, thân đến nỗi sau khi tốt nghiệp ra trường về cùng lữ đoàn vận tải 125 Hài quân, Thiều nhận làm con nuôi bố mẹ tôi.

Đầu tháng 3/88, tầu của Thiều vào đốc Ba Son sửa chữa, các chiến sĩ được thay nhau tranh thủ nghỉ phép. Thiều là máy trưởng về phép đợt 1. Tôi nhớ, một buổi trưa, Thiều đến nhà tôi ( Số 2B Thi Sách Tp.HCM) với một số đồ đạc cá nhân xin  gửi lại để sáng mai ra tầu hỏa về Bắc .Thiều ăn cơm nhà tôi rồi ra phía trước cửa  sửa cái nền xi măng đã bị tróc vỡ mà hôm trước anh đang làm dở dang  . Xong, Thiều vội vã về tầu không kịp ăn bữa cơm chiều. Anh đeo ba lô lên vai và chào tạm biệt bố mẹ tôi, hẹn với tôi sau phép sẽ gặp lại…Thật không thể ngờ, đó lại là lần Thiều chào vĩnh biệt chúng tôi. Anh đã hy sinh ở trận Hải chiến với giặc Trung Quốc ở Trường Sa tháng 3 năm 1988. Tin này mãi sau chúng tôi mới biết. Lúc đầu là “mất tích”. Đã là mất tích thì chưa được công nhận là liệt sĩ. Chỉ mấy năm sau, khi tất cả các chiến sĩ bị Trung Quốc bắt, được trao trả, tổ chức mới xác nhận Thiều đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ và …mất xác giữa biển khơi ! Trở lại chuyến đi phép  của Thiều . Anh chỉ về thăm mẹ được 2,3 ngày thì tình hình Trường Sa căng thẳng. Qua đồng đội, anh biết  một  số tầu của đơn vị đã nhổ neo ra khơi. Về nguyên tắc Thiều còn trong thời gian nghỉ phép, chưa có lệnh gọi về, nhưng anh đã xin lỗi mẹ và chị gái tự động quay về đơn vị. Ngay lập tức Thiều được điều động sang 1 tầu khác , làm thuyền phó phụ trách máy trưởng . Cũng ngay trong đêm ấy con tầu vận tải này nhổ neo ra Trường Sa , chở theo lính công binh và các loại vật liệu xây dựng . Khác với các ngành khác hoạt động trên boong tầu, khi lâm trận trở thành các tay súng bắn trả kẻ thù, người lính máy luôn phải hoạt động trong hầm máy. Nhiệm vụ chính là phải giữ cho “trái tim” con tầu không 1 giây ngừng đập !
 . Sẽ chẳng có ai chứng kiến  những hành động dũng cảm, anh hùng của người lính máy dưới hầm tầu …Có điều ai cũng biết, trước một kẻ địch hung hãn vượt trội về hỏa lực , Thiếu úy Phạm Gia Thiều đã trút hơi thở cuối cùng khi  hầm máy đã trúng đạn– trái tim con tầu đã ngừng đập . Cùng với con tầu, xác Thiều và đồng đội từ từ chìm xuống đáy đại dương, nơi các anh tin là vẫn còn trong vòng tay của người Mẹ Tổ quốc Việt Nam ….Sự hy sinh của Thiều thầm lặng  như thế càng làm cho khúc tráng ca Trường Sa 1988 thêm bi hùng  . Và đó cũng  chính là nguồn xúc cảm để tôi sáng tác bài thơ “ Lời hứa Trường Sa” mà năm nào đến ngày 14/3 tôi cũng post lại trên trang Blog của mình .



Lời hứa  Trường Sa( Thương nhớ Thiều , liệt sĩ Trường Sa 1988 )


Nhức nhối tin Trường Sa
Con vội vàng trả phép
Nhà đơn sơ một nếp
Mái lá lợp chưa xong
Giếng đào chưa gặp nước
Lúa non chửa ngậm đòng



 Đã nghe sóng khơi xa
Đập trong lồng ngực trẻ
Chắp tay tạ lỗi mẹ
Con phải đi ! Phải đi !
 

Con phải về với đảo
Về với biển với trời
Thân con dù máu đổ
Con phải về mẹ ơi !



Con về giữa phong ba
 Với trùng khơi nắng lửa
Trái tim con máu ứa
Giặc bắn gục dưới cờ
Xác con chìm bãi đá
Máu hồng loang san hô

Mẹ nào nỡ trách con
Giữa bao điều dang dở
Mái nhà tranh, ruộng lúa
Giếng nước mối tình đầu
Con đã tròn lời hứa
Mẹ nào trách con đâu !
                     
( Tháng 3/1989 )
--------------------
 Đã đăng báo SGGP Chủ nhật 


 THÔNG TIN THÊM : Cùng với thông tin dồn dập trên nhiều tờ báo “quốc doanh” (chưa kể báo “ngoài quốc doanh” – phong phú và sâu sắc hơn) suốt mấy tuần qua về tội ác của Hải Quân Trung Quốc ngày 14/3/1988 ở quần đảo Trường Sa còn có thông tin Tp Đà Nẵng tổ chức Lễ tưởng niệm Anh hùng, Liệt sĩ Hải Quân nhân dân Việt Nam hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc 25 năm vê trước . Những thông tin này đã  làm nức lòng mọi người Việt Nam yêu nước. Thân nhân các anh hùng, liệt sĩ cũng đỡ buồn tủi phần nào. Lễ tưởng niệm, dù chỉ dưới danh nghĩa Hội Cựu chiến binh (CCB), Thành đoàn, BLL Trường Sa và Đài PTTH cấp địa phương là TP Đà Nẵng phối hợp tổ chức, chứ chưa phải Thành ủy (tuy có “bật đèn xanh”) hay UBND TP Đà Nẵng hoặc cơ quan, tổ chức trung ương đứng ra chủ trì, thông tin trên cũng cho thấy, so với dịp này năm ngoái, đã có bước chuyển biến mới.

7 nhận xét:

  1. Mình đã đọc bài này nhiều lần mà bạn Quang Trung đưa lên blog. Chuyện bạn kể rất cảm động, chân thực và bài thơ đăng lên rất hay.
    Phạm Gia Thiều đã hy sinh ngày 14/3/88, cuộc đời còn quá trẻ và rất nhiều việc còn dang dở. Thế là bạn đã ra đi như bao chiến sĩ ở Trường Sa khác. Chúng tôi không thể quên bạn. Mọi người Việt Nam luôn ghi nhớ và biết ơn bạn.

    Trả lờiXóa
  2. Đọc bài thơ của bạn lần nào đọc cũng ứa nước mắt.
    Vừa hôm qua Đội tàu hải giám của Trung Quốc gồm hai tàu và tàu Hải giám 83, cùng một trực thăng Hải giám B-7103 tiến hành cái gọi là "nhiệm vụ tuần tra" 10 đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Bộ NG Việt Nam chỉ biết hô phản đối, còn chúng nó muốn làm gì cứ việc làm!!!

    Trả lờiXóa
  3. Mỗi người lính hy sinh vì Tổ quốc( lãnh thổ , lãnh hải , bầu trời) đều cần phaỉ được vinh danh và ghi ơn vì cùng với sự mất đi của họ là bao hệ lụy đau khổ cho mẹ cho vợ và các con cháu họ. Không được vì tình với bọn cướp mà lờ họ và gia đình họ. Nhà nước lo bảo vệ 16 chữ vàng cứt mà cố quên ơn thì dân ta phải làm lấy thôi không được quên! Nhiều cách làm thiết thực lắm.

    Trả lờiXóa
  4. Cảm ơn N.Tr và Th.Mai đã đọc lại bài Thơ mà vẫn xúc động . Bài thơ của mình từ cảm xúc rất thực ,sau này có muốn cũng ko thể làm dc bài thứ 2 ưng ý hơn . Về sự kiện 14/3 thực chất là cuộc tắm máu chiến sĩ ta . Các em ấy còn trẻ lắm . Không được trang bị vũ khí. Có vũ khí cũng phải giấu kín không được nổ súng để Trung Quốc lấy cớ vu cáo ta gây hấn trước ! Lại thêm yếu tố bất ngờ từ cấp chỉ huy vì không tính đến chuyện đồng chí anh em cùng hệ giai cấp vô sản lại giết nhau ! Cho nên khi biết được sự thật cay đắng thì lưỡi lê, nóng súng của giặc đã dí sát mạng sườn mất rồi . Các em chỉ biết lấy thân mình kết thành vòng tròn bất tử để bảo vê lá cờ trên đảo Gạc Ma . Dũng cảm đến mấy, cuối cùng cũng mất Gạc Ma . Chống cự sao lại bọn chó điên Trung Cộng ! Trường hợp Phạm Xuân Thiều chắc hy sinh dưới hầm máy khi con tầu bị trúng đạn, rồi chìm. Tôi từng là lính thủy, tôi biết , khổ nhất là lính máy tầu, nếu mất liên lạc với Đài chỉ huy thì chẳng khác gì vừa câm vừa điếc.Thật là một sư hy sinh âm thầm ! Thiếu tá Vũ Huy Lễ, thuyền trưởng HQ 505 có nhiệm vụ bảo vệ đảo Cô Lin, bị hỏa lực cực mạnh của giặc bắn tầu bị thương và bốc cháy. Tranh thủ phút cuối cùng máy tầu chưa hỏng, anh cho lệnh tăng hết tốc lực lao cả con tầu vào đảo, biến tầu thành lô cốt thép với lá cờ tổ quốc khẳng định chủ quyền ! Thiếu tá Vũ Huy Lễ được phong tặng danh hiệu AHLLVTND . Thiều phải 3 năm sau mới được công nhận Liệt sĩ ! Lễ và Thiều đã có thời gian là học viên Học viện Sĩ quan Hải quân Nhà Trang nên đều gọi ông già tôi là “ Bố”. Có một Tết , Lễ đón tôi và mấy đứa trẻ trong gia đình lên tầu HQ 505 chơi và dự bữa tiệc lính thủy đón xuân . Những kỷ niệm ấy làm sao quên được !

    Trả lờiXóa
  5. ST em cũng được đọc một bài thơ viết tặng cháu Thủy: Thơ gửi Ba nhân ngày 14-3. Nhưng bài thơ dài không đăng đựợc lên đây. Xin giới thiệu về em Thủy ( lời TS Đặng văn Huy )
    "Trần Thị Thủy là con gái duy nhất của anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương. Khi anh hi sinh tại đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988 thì vợ anh, chị Mai Thị Hoa mới có thai Thủy được hơn một tháng, nên anh chưa được biết. Nay Thủy đã tốt nghiệp ngành Việt Nam Học tại đại học Quảng Bình, nhưng cô nhất quyết xin vào Khánh Hòa làm việc tại đơn vị cũ của cha mình, Lữ Đoàn 146 Vùng 4 Hải Quân để thường xuyên được ra đảo thăm nơi năm xưa cha cô và 63 đồng đội đã hi sinh trong Hải Chiến Trường Sa tại các đảo Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao. Đảo Gạc Ma đã bị giặc Tàu cưỡng chiếm kể từ ngày 14/3/1988 đó."

    Có những người con như Thủy, chúng ta nhắm mắt cũng yên lòng phải không ạ!

    Trả lờiXóa
  6. Đọc xong bài này mình vô cùng xúc động đến không cầm được nước mắt vì thương tiếc và đau buồn vì một người thân của gia đình QT và những người lính đã ngã xuống ngoài biển khơi và cũng rất căm hận những kẻ mà cha ông chúng vẫn nói"việt Nam Trung Hoa núi liền núi,sông liền sông,chung một biển Đông..."đã xả súng vào những người đã từng như môi với răng.Biết đến bao giờ biển được bình yên ?

    Trả lờiXóa
  7. Có câu hỏi mà chẳng ai tìm ra: kẻ nào đã cho bọn giặc tàu biết là chuyến đó mấy tàu HQ chỉ chở lính công binh xây dựng không trang bị vũ khí và ai ra lệnh cấm bắn lại bọn giặc cướp.

    Trả lờiXóa