Chủ Nhật, 10 tháng 3, 2013

" Người yêu người, sống để yêu nhau"

Nếu có ai hỏi tôi rằng, mày thuộc  nhiều thơ của tác giả nào nhất ? Tôi sẽ kể tên 3 người, đó là cụ Nguyễn Du với Truyện Kiều. Tôi có thể đọc  một mạch hết cả Truyện Kiều, không sai 1 chữ. ( Xin mở ngoặc, chính xác là “ đã từng”, Ấy là thờii SV khoa Văn Đại học Tổng hợp HN . Năm tôi có thằng con đầu lòng, bập bẹ biết nói, cháu đã được bố truyền khẩu cho vài chục câu, cũng thuộc lòng như cháo chảy ). Bây giờ quên nhiều, song thỉnh thoảng buồn tình cũng ngâm nga được vài trăm câu ! Tác giả thứ 2 là Nguyễn Bính . Thơ của ông này nó vận vào tôi khiến thỉnh thoảng làm được bài thơ nào cũng bị/được các cụ Làng ta khen/chê là có “hơi hướng Nguyễn Bính ! ". Và người cuối cùng chính là Tố Hữu . Nói gì thì nói ông vẫn là tượng đài của thi ca cận hiện đại xứ Nước Nam ta. Đấy là kết luận của riêng tôi.
Thơ ông ngày trước tôi thích nhiều bài , thí dụ Sáng Tháng Năm, Việt Bắc. Bầm ơi…Có lúc buồn ngâm nga Sáng tháng năm chợt nhớ da diết những ngày Việt Bắc trước khi sang Trung Quốc lánh nạn .  Nếu tỉa ra từng câu thì ông có rất nhiều câu phải nói là cực hay , thí dụ “ Con ong làm mật yêu hoa/ Con cá bơi yêu nước, con chim ca yêu trời “ . Hơi giống với trường hợp Truyện Kiều, đôi khi gặp điều gì đó trắc trở, khó nói ra bằng lời người ta vận vào thơ của ông . Thí dụ ngồi trước biển nhớ nhung bâng quơ ai mà chả thích đọc ra mồm câu “ Buồn trông cửa biển chiều hôm/ Thuyền ai thấp thoáng cánh buồn xa xa ...”. Thử nghĩ lại xem, bạn đã có bao lần thốt lên câu này :" Người đâu gặp gỡ làm chi/ Trăm năm biết có duyên gì hay không ?”. Bởi thế cả thế giới có lẽ chỉ mỗi VN ta là có chuyện Bói Kiều !  Tôi không nhớ hết có biết bao lần mình đã đọc thầm ( trong trí nhớ hoặc bằng lời) câu thơ Tố Hữu : “ Có gì đẹp trên đời hơn thế/ Người yêu người sống để yêu nhau” . Thí dụ lần tôi xem cái Clip mấy anh CA mặc thường phục đạp thẳng chân vào giữa mặt một thanh niên khác chỉ vì cái tội tham gia biểu tình chống Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông . Bây giờ có Internet, hình ảnh bạo lực được phơi bày chi tiết trên màn ảnh , tôi khiếp, chỉ dám đọc lướt tin mà không dám nhìn hình ảnh !  Nhưng có khi chỉ một câu nói thôi cũng cảm thấy xót xa. Chẳng hạn vợ chỉ vào mặt chồng  quát như 1 người mất trí “ Tao chỉ muốn giết chết mày !” ( Dù trong 1 vở bi kịch ).
Bà Hà thị Nhung ( Thanh Hóa), 76 tuổi Huân chương KC hạng 2, chết trong lúc chen lấn với CA, DP trấn áp biểu tình chống tham nhũng và đòi quyền lợi ( ảnh chụp ngày 12/11/2012 tại CV Lý Tự Trọng Hà Nội )

Năm ngoái (2012) ông CT Thành phố HN-Tp được tôn vinh là Tp hòa bình, ra lệnh trấn áp  những người nông dân biểu tình phản đối chính quyền dùng CA cưỡng chế lấy đất đai của họ, với lý do “ Làm mất mỹ quan thành phố !!!”. Tôi nhìn thấy trong ảnh bà con cô bác ( chắc chắn dân ngoại thành) nằm ngồi vật vờ ở vườn hoa Lý Tự Trọng , bên hồ Tây ( nơi Lớp chúng ta từng tập trung trước khi Hội Trường hội Lớp). Tôi tin rằng trong mỗi người chất chứa cả một “kho thuốc nổ” vì uất ức pha lẫn căm thù, nhưng vì yếu ớt và còn vì “yêu nước” nên đành ngồi đó mà giơ cao khẩu hiệu " Đả đảo tham nhũng", “ Trả lại đất cho dân oan “. Thế mà họ bị xua đuổi. Một bà cụ - hình như từ Thanh Hóa ra, bị CA, DP xô đẩy ngã gục ngay bên lề đường mà không có " chú" nào đoái hoài, mãi mới thấy " cơ quan chức năng" ra đắp cho người xấu số 1 manh chiếu, sợ "mất mỹ quan thành phố" ! …Ông Chủ tịch Tp chắc không có bà con xa gần nào bị mất đất nên không có mặt trong đám người khốn khổ này . Chắc chắn là thế, nên ông “Yêu làm sao được họ “ !

Có gì đẹp trên đời hơn thế
Người yêu người sống để yêu nhau …

Nếu cựu Sinh viên khoa Ngữ văn Đại học THHN  nay quyền hành cao nhất nước thuộc câu thơ này của nhà thơ  CS số 1 Việt Nam thì chắc không đe dọa những trí thức bậc thầy  bày tỏ ý kiến đa chiều vào bản Hiến pháp sửa đổi bằng việc giao nhiệm vụ cho thuộc cấp : “ Tham gia khiếu kiện, biểu tình, ký đơn tập thể …thì nó là cái gì ?! …Cho nên các đồng chí quan tâm xử lý  cái này “. Trong toàn bộ bản tin VTV trích dẫn lời của ông TBT Trọng, tôi ấn tượng nhất  từ “ Xử lý” . Về mặt ngôn ngữ hiện đại, ông Trọng đã dùng từ cực kỳ chính xác ! Thế nhưng ông đã quên ( hay cố tình không nhớ), khố thơ hoàn chỉnh của Tố Hữu mà chắc chắn ông đã đọc nhiều lần, là như thế này :
Có gì đẹp trên đời hơn thế
Người yêu người sống để yêu nhau
Đảng cho ta trái tim giầu
Thẳng lưng mà bước, ngửng đầu mà bay !

( Trích Bài ca Xuân 61- Thơ Tố Hữu )

14 nhận xét:

  1. Cụ tài thật, dùng những lời thơ bất hủ của các bậc hiền nhân để phê phán những điều chướng tai gai mắt. Rất hay!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Xã hội có thịnh có suy do đó thơ văn các cụ ngày xưa nhiều khi đặt vào thời nay vẫn mang tính thời sự .

      Xóa
  2. Cái câu người yêu người sống để yêu nhau bấy giờ ta thấy hay( nếu quả thế chứ không phải mẹ mìn). Ông Văn Cao sau bao năm bị mất tiếng năm 75 có bài hát nổi tiếng thực thiết tha " từ nay người biết yêu người", nhưng rồi... Hy vọng vào cảm xúc văn thơ nhân văn ở các vị "cốp" tôi nghĩ - có phần lãng phí đấy.

    Trả lờiXóa
  3. Anh Cala đúng là nhà báo " chuyên nghiệp ". Em cứ ngỡ anh bình thơ hóa ra anh bình luận... thời sự!
    Thực sự là em cũng rất thích thơ TH. Mỗi khi nhớ về VB là lại thấy nao nao thấm thía câu" vui sao một sáng tháng 5...". Nhưng gần đây đọc về Ông, về cái thời các văn nghệ sỹ bị "xử lý"...Trần Dần, Văn Cao, Phùng Quán...và bao người khác...mới thấy hình như...Ông cũng không "yêu người" lắm thì phải. Hình như con người của chuyên chế VS đã lấn áp con người nhà thơ trong ông...
    Em múa rìu qua mắt thợ thế chả biết có đúng?

    Trả lờiXóa
  4. Ba nhà thơ mình yêu thích là Ng Du với hình ảnh về hai nàng Kiều, nhớ câu " Sự đời đã tắt lửa lòng, còn chen vào chốn bụi hồng làm
    chi ? Nguyễn Bính với câu " nhà nàng ở cạnh nhà tôi , cách nhau cái giậu mùng tơi xanh rờn'..và Hàn măc Tử . Ngày xưa thì là Tố Hữu với dòng thơ cách mạng, nhưng rồi nhà thơ thanh nhà chính trị vung búa lên chư không còn múa bút nữa, bây giơ nhà kỷ niêm ông chẳng ai tới ngó ngàng , di nhiên ông vẫn có những bài thơ và câu thơ hay. Xét cho cùng "..sống để yêu nhau" may ra chỉ là lời của các đôi trai gái thôi ,trong cái hệ thông này làm gì có chứ.

    Trả lờiXóa
  5. Kính phục cụ đấy, cụ đã mượn thơ của ba bậc tiền bối các thời đại để phân tích, phê phán những cái đang tồn tại ở Đất Nước này. Đọc bài của cụ tôi mới biết có bà cụ ngồi biểu tình mà chết. Ôi, thật xót xa làm sao!.

    Trả lờiXóa
  6. Mõ tôi biết thế nào các cụ cũng gạt ông Lành ra khỏi danh sách "tượng đài". Cứ nhớ đến câu " Yêu biết mấy, nghe con tập nói
    Tiếng đầu lòng con gọi Stalin! ". Hoặc " Thương cha thượng mẹ, thương chồng/ Thương mình thương một thương ông thương mười" là đã ...phì cười rồi ! Nhưng hãy nhớ lại xem, hơn nửa thế kỳ trước, cái buồi sáng mùa đông ở Bản Búc, bản Vệ gì đó, tôi và các cụ Nguyên Hân, Hữu Hùng, Chu Hảo, Thế Long ...chả khóc sướt mướt khi nghe anh phụ trách báo tin " Đại nguyên soái Xít-ta-lin đã từ trần " là gì . Và chắc bây giờ cụ Ng. Hân vẫn còn thuộc bài tùy bút của E.ren bua, mở đầu bằng câu " Khi chuông đồng hồ điện Cremlin điểm 12 tiếng ...". Vậy thì hãy lọc ra, cái gì là dở để quẳng đi, cái gì là hay thì giữ lại . Tôi cho rằng khi con người sáng tạo ra sản phẩm văn hóa tinh thần thì thường mang cái tâm sáng. Có thể là chỉ tại thời điểm đó. Thí dụ Hit-le chẳng đã vẽ rất nhiều bức tranh phong cảnh đẹp đó sao ?Tố Hữu viết " Người yêu người sống để yêu nhau" là thực lòng chứ không giả tạo. Thời ấy hầu hết người CS mang trái tim Nhân hậu . Bây giờ ít đi nhiều nhưng chắc chắn vẫn còn. Hãy khơi dậy cái phần thiện trong con người họ các cụ ạ ! Cảm ơn T.Hoàn, ST, Nguyên Hân và Công Lý, Hông Phương Đặng... đã để lại lời chia sẻ .

    Trả lờiXóa
  7. Tôi đang có chút việc bận nên đành về làng ít hơn ,dù rất tiếc. Mong được cảm thông. Hôm nay đọc bài này của nhà báo vừa hồng ( đúng nghĩa ) vừa chuyên , lại thấy nao nao nhớ về những kỷ niệm thời ĐH SP Vinh. Nhưng thôi, tạm gác quá khứ lại, xin có vài lời về cảm nghĩ khi đọc lại thơ Ô Lành.. Chợt liên tưởng đến tình trạng hiện nay của "đảng ta ". Phải chăng cuộc đời thơ của Ông cũng tương tự như quá trình tuột dốc của đảng mà ông từng vừa là người trong cuộc vừa là người góp phần tạo ra cái dốc đáng sợ ấy ? Tôi luôn cho rằng, với đảng ta, giai đoạn chiến đấu vì nước vì dân là xứng đáng được ghi công, ca tụng bằng mọi lời tốt đẹp nhất. Từ thời còn nô lệ, cha ông ta đã tập hợp nhau lại chiến đầu hy sinh giành độc lập. Một sự nghiệp đẹp đã đẻ ra một nhà thơ với những câu thơ đẹp ( từ ấy ..) . Đến hai cuộc khàng chiến cũng vậy. Đảng còn đi cùng nhân dân , thơ ông cũng đẹp lắm ( Việt Bắc, mẹ Suốt v.v ) .NHưng sau thắng lợi rồi, một bộ phận chức quyền thoái hóa biến chất, vì đặc quyền đặc lợi hoặc vì kémcỏi đã phạm nhiều sai lầm, và dần dần tách khỏi nhân dân. Thơ ông tặc tỵ , còn chăng cũng rất gượng gạo .. Vậy nay đánh giá lại thơ Ô Lành cũng tương tự như nhìn nhận thực trạng cái đảng ta giờ đây đang dần biến thành đảng họ ! Trước hay nhưng sau không hay nữa...vậy thôi

    Trả lờiXóa
  8. Tôi những muốn tin câu" người yêu người..." mà cụ lấy làm chủ đề nhưng xem lại thấy không ổn, ông này khi viết không giả tạo đâu nhưng ông không gộp mọi người ( nhân quần ) vào cái sự yêu của ông đâu, kể cả Phùng Quán là cháu mà ông có thèm thương đâu, ngay cả người yêu mà ông cùng chỉ dành cho gần phần ba mà thôi. Cụ nhắc lại vì chúng ta phải học quá nhiều thơ của ông và nhiều kẻ ( kể cả những nhà văn thơ có tiếng cũng lấy sự nịnh ông làm phương tiên kiếm chác.) Ông không thiện đâu cuối đời ông vẫn tâm sự là tiếc chưa tiêu diệt hết các nhà văn thơ nhân văn giai phẩm, đến đây bất giác tôi nhớ câu thơ đối : "giết giết nữa giết không ngừng nghỉ", hay "khoái bao nhiêu chút nữa trại đồn tan, thây chúng nó..."( xin không nhắc tiếp, khiếp quá). Đúng là cụ nhắc đến Hitler cũng từng là nghệ sỹ ( họa) nhưng nghệ thì nghệ khi đã vào cuộc thì sự tàn ác chả kém gì những con thú .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi rất "khoái" phản biện của cụ Nguyên Hân và Huy Châu . Tuy vậy tôi vẫn bảo lưu ý kiến của tôi ! Rất cảm ơn !

      Xóa
  9. ad của page này có thể làm 1 bài vs đề là :
    Trình bay suy nghĩ của e về quan niệm sống của tố hữu
    Người với người sống để yêu nhau

    Trả lờiXóa
  10. Đọc bài ngẫm thơ của anh Calathầu,tôi nhìn thấy tình người của cả một thế hệ người Việt ,hôm qua,hôm nay (trong đó có tôi,có anh Calathầu và mọi người).Anh Calathầu tài thật.

    Trả lờiXóa
  11. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  12. Đọc bài viết tôi nhận thấy được con người sống với nhau cần phải biết yêu thương, đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau khi gặp khó khăn, hoạn nạn, đúng như nhà thơ Tố Hữu đã từng nói "Cái gì đẹp trên đời hơn thế - Người yêu người sống để yêu nhau". Tuy nhiên, mắt tôi hiện tại rất kém vì bài viết hay nên tôi đã cố gắng để đọc nó nên bây giờ tôi muốn đi lấy mỡ mí mắt để khắc phục mỡ bọng, cải thiện tầm nhìn nhưng không biết lấy mỡ mí mắt hết bao nhiêu? Ai biết thì trả lời giúp tôi, xin cảm ơn nhiều.

    Trả lờiXóa